Độ dốc của đường ngân sách phụ thuộc vào giá tương đối của các hàng hóa.
Đường ngân sách (budget line) là đồ thị trong hệ trục tọa độ ghi các kết hợp khác nhau của hai hàng hóa (x1 và x2) mà người tiêu dùng muốn mua khi anh ta có một mức thu nhập nhất định (m).
Phương trình của đường này là:
$p_1x_1 + p_2x_2 = m$
trong đó p1 và p2 là giá của hàng hóa x1 và hàng hóa x2. Biến đổi phương trình trên để xác định sự phụ thuộc của x2 và x1, tức biểu thị mối quan hệ giữa x2 và x1 dưới dạng hàm số, chúng ta được
$x_2=\frac{m}{p_2}-\frac{p_1}{p_2} x_1$
Hình dưới vẽ đường ngân sách dựa trên phương trình này. Đồ thị cho thấy độ dốc của đường ngân sách phụ thuộc vào tỷ lệ giá cả p1/p2 hay giá tương đối của hai hàng hóa, tung điểm (điểm cắt trục tung - A) phụ thuộc vào thu nhập m và giá hàng hóa 2 (p2), hoành điểm (điểm cắt trục hoành - B) phụ thuộc vào thu nhập m và giá hàng hóa 1 (p1).
- Khi p1 thay đổi, độ dốc của đường ngân sách sẽ thay đổi;
- Khi m thay đổi, đường ngân sách sẽ dịch chuyển song song (với đường ngân sách cũ) vào phía trong hoặc ra phía ngoài;
- Khi p1,p2 và m đồng thời thay đổi, đường ngân sách sẽ dịch chuyển nhưng không song song với đường ngân sách cũ.
Đường ngân sách B được vẽ cho mức thu nhập (m) và các giá cả p1,p2. Nó có độ dốc bằng -p1/p2, tung điểm m/p2 và hoành điểm m/p1. Khi thu nhập tăng từ m lên m', đường ngân sách sẽ dịch chuyển từ B tới B'.