Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong Người lái đò sông Đà

Xuất bản: 24/06/2019 - Cập nhật: 21/10/2019 - Tác giả:

Tuyển tập văn mẫu phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

     Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong Người lái đò sông Đà - Đọc Tài Liệu đem tới cho các em bài hướng dẫn cách phân tích vẻ đẹp của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà, ông vừa là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một người lao động bình thường, qua đó giúp các em có thêm tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập môn ngữ văn.

Đề bài:

Về nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”. Từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên ?

Yêu cầu chung:

- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương.

- Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giả theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Hướng dẫn dàn ý chi tiết phân tích vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của người lái đò sông Đà

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

- "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa" (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một "huyền sử" - huyền sử của một người ưu lối chơi "độc tấu".

-  "Người lái đò sông Đà" được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc nhất trong “Tùy bút sông Đà”. Với khát khao truy tìm "chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc" - "thứ vàng mười đã được thử lửa" (Đi mở đường), Nguyễn Tuân đã viết lên bài ca cuộc sống của con người và thiên nhiên Tây Bắc với nhiều nét độc sáng mới lạ.

2. Giải thích ý kiến

- Ý kiến:

  • “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”.
  • “Ông lái đò là một người lao động bình thường”

+ Người nghệ sĩ tài hoa là những người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù. Ở ý kiến trên, người nghệ sĩ tài hoa được hiểu là người đạt tới trình độ điêu luyện trong nghề nghiệp và có đời sống tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.

+ Người lao động bình thường là người lao động thầm lặng, vô danh, không tên tuổi giống như bao người lao động khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

=> Khẳng định hai ý kiến trên bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện chân dung, tính cách người lái đò sông Đà.

3. Chứng minh - bình luận ý kiến

* Ông lái đò - một nghệ sĩ tài hoa

- Ông lái đò có tính cách phóng khoáng, thích đối mặt với thử thách, mạo hiểm, gian nguy.

- Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.

- Cuộc băng ghềnh vượt thác ngoạn mục đã khẳng định vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một "tay lái ra hoa”:

+ Vòng vây thứ nhất, sông Đà bày ra nhiều cạm bẫy. Ông lái đò bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, ông đã tỉnh táo chỉ huy sáu bơi chèo, chiến thắng trùng vi thạch trận đầy nguy hiểm.

+ Vòng vây thứ hai, sông Đà thay đổi chiến thuật. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, xác định đúng cửa sinh và chiến thắng thằng đá tướng đứng chiến ở cửa giữa.

+ Vòng vây thứ ba, sông Đà tiếp tục thay đổi chiến thuật, bên phải bên trái đều là cửa tử. Ông lái đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác.

* Ông cũng là một người lao động bình thường:

- Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà và gắn bó với nghề sông nước như bao người lái đò khác nơi thượng nguồn sông Đà khuất nẻo.

- Đời sống tâm hồn giản dị: không nói nhiều về chiến công; dù đi đâu cũng luôn nhớ về nương ruộng, bản mường.

* Nghệ thuật thể hiện:

- Ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa; kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo.

- Bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

4. Đánh giá:

- Qua cảm nhận hình tượng ông lái đò, có thể thấy, ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên sông nước; đồng thời, cũng là một người lao động giản dị bình thường.

- Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau đem đến một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về nhân vật.

>> Tham khảo: Phân tích hình tượng người lái đò trong Người lái đò sông Đà

Bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò

Bài văn mẫu 1

Nguyễn Tuân là một trong những nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn Việt Nam. Nhắc đến ông, người đọc không thể quên giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc của tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã khắc họa con sông Đà đầy sức sống, vừa dữ dội, hung bạo, lại vừa thơ mộng, trữ tình. Và, trên dòng sông ấy, hiện lên sừng sững người lái đò hiên ngang, vững chãi, tự do và đẹp như một huyền thoại. Hình tượng người lái đò đã mang đậm phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân, nhà văn luôn say mê và “suốt đời đi tìm cái đẹp”.

Độc đáo nhất ở người lái đò sông Đà là phong thái của một nghệ sĩ tài hoa. Khái niệm tài hoa, nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Tuân có nghĩa rộng, không chỉ là những người làm thơ, viết văn, mà cả những người làm nghề chẳng mấy liên quan tới nghệ thuật cũng được coi là nghệ sĩ, nếu việc làm của họ đạt đến trình độ tinh vi và siêu phàm. Trong “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò tuyệt đẹp bằng một tên gọi trân trọng là “tay lái ra hoa”. Có thể nói, ông lái đò là một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác.

Quy luật ở trên con sông Đà là thứ quy luật khắc nghiệt. Một chút thiếu bình tĩnh, thiếu chính xác, hay lỡ tay, quá đà đều phải trả giá bằng mạng sống. Ông lão lái đò vừa “thuộc” dòng sông, thuộc “quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở”, vừa “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”, vì thế, vào trận mạc, ông thật khôn khéo, bình tĩnh như vị chỉ huy cầm quân tài ba. Mọi giác quan của ông lão đều hoạt động trong sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác. Ông lái đò đã đối đầu với ghềnh thác bằng sự tự tin, ung dung của nghệ sĩ; ông thử thách gian lao bằng cái nhìn lãng mạn, bình tĩnh mà hùng dũng. Ở vòng 2, người lái đò khôn khéo làm chủ con sóng, lúc thì ông “cưỡi” lên con thác, “chặt đôi luồng sóng”, lúc thì ông “rải bơi chèo” để tránh lũ sóng dữ. Đến vòng 3, bên trái, bên phải đều là luồng chết. Người lái đò đã đổi chiến thuật, đánh nhanh, rút gọn, chọn luồng sinh chính giữa mà phóng vào. Xong trận, người lái đò trở về với cuộc sống đời thường bằng phong thái ung dung, thanh thản như chưa từng vượt thác, chưa từng đối diện với cái chết. Như những nghệ sĩ chân chính, sau khi vắt kiệt sức mình để thai nghén nên tác phẩm, không mấy ai tự tán dương về công sức của mình. Nguyễn Tuân đưa ra lời nhận xét: “Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ… Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo”.

Phải chăng người lái đò anh hùng có lẽ dễ thấy, nhưng nhìn người lái đò tài hoa, người lái đò nghệ sĩ chỉ có Nguyễn Tuân. Người đọc trìu mến trước người lái đò nghệ sĩ, vừa ngưỡng mộ một nhà văn tài hoa. Cái tài hoa của người lái đò và cái tài hoa của Nguyễn Tuân đã gặp nhau, tạo thành chất nghệ sĩ đặc biệt trên trang văn.

Nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là nhân vật chính diện. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám 1945, theo Nguyễn Tuân, cái tài hoa chỉ có ở lớp nhà nho trong quá khứ thì nay, trong “Người lái đò sông Đà” và nhiều tác phẩm khác, tác giả đã tìm thấy và khẳng định cái đẹp ở ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân lao động, trong hiện tại của đất nước. Cuộc đời của người lao động vô danh, không tên tuổi nơi có những ngọn thác hoang vu, khuất nẻo kia là cả một thiên anh hùng ca, một pho nghệ thuật tuyệt vời. Nguyễn Tuân chủ ý không đặt tên cho nhân vật bởi lẽ người lái đò đã trở thành biểu tượng cho con người lao động trong thời kì xây dựng XHCN - những người lao động bình thường mang “chất vàng mười” của tâm hồn.

Bài văn mẫu 2

Đối với mỗi con người Việt Nam, văn Nguyễn Tuân dường như đã trở nên quen thuộc bởi lẽ Nguyễn Tuân đã gợi được tâm hồn của đất nước mình, của quê hương mình vào những trang viết bằng ngòi bút hết sức uyên bác, tài hoa và độc đáo. Tùy bút Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân, được viết nhân một chuyến ngược dòng tìm về Tây Bắc của tác giả. Trong tác phẩm, hình tượng con sông Đà hiện lên vừa mang những vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội lại cũng mang cả những nét thơ mộng, hiền hòa. Cùng với hình tượng con sông Đà, hình tượng người lái đò trên sông cũng hiện lên thật nổi bật với đức tính can trường, dũng cảm qua cái nhìn của tác giả, trong công cuộc tìm kiếm kế sinh nhai. Có những ý kiến nhận xét về hình tượng ông lái đò rất khác nhau, có người cho rằng"Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa", nhưng cũng có người lại nhấn mạnh "Ông lái đò là một người lao động bình thường". Theo tôi, hình tượng ông lái đò trong tác phẩm không nghiêng hẳn về một ý kiến nào cả mà nó là sự tổng hòa tinh tế, vi diệu của cả hai luồng quan điểm ấy.

Với ý kiến "Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa", người nghệ sĩ tài hoa là những con người có sự nhạy cảm, những phát hiện độc đáo mới lạ về một khía cạnh nào đó, đôi khi nhắc đến nghệ sĩ người ta thường liên tưởng đến các ngành nghề đòi hỏi về phương diện cảm xúc như điện ảnh, âm nhạc, hội họa,... Vốn là một nghệ sĩ, trong tác phẩm của mình Nguyễn Tuân luôn muốn khai thác, tìm sâu vào cái chất tài hoa nghệ sĩ tồn tại trong mỗi con người. Ở hình tượng ông lái đò, cái chất tài hoa nghệ sĩ ấy thể hiện ở sự thuần thục, điêu luyện đến đỉnh cao trong nghề nghiệp, đặc biệt ẩn sâu trong con người ấy là một thế giới tâm hồn phong phú, ưa thử thách, ưa mạo hiểm, thích tìm tòi cái mới của một người nghệ sĩ. Về ý kiến "Ông lái đò chỉ là một người lao động bình thường", hiểu một cách khái quát thì người lao động ở đây chỉ những con người hằng ngày vẫn cố gắng bươn chải, làm lụng mưu sinh, chẳng ai nhớ mặt gọi tên, vẫn hằng ngày cống hiến và xây dựng đất nước. Đối với người lao động, nghề nghiệp là nơi kiếm kế sinh nhai, là công việc gắn bó lâu dài và có vô số những người lao động như vậy.

Trước hết, ta phân tích hình tượng ông lái đò trong tư cách là một người lao động bình thường, tuyệt nhiên chẳng ai có thể chối cãi được sự thật này. Thử nghĩ xem với con sông Đà dữ dội và hung hăng, ghềnh thác, mỏm đá mai phục khắp nơi, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống bất kì kẻ nào đi ngang qua đấy. Thì việc một ông lão đã đến tuổi thất thập cổ lai hy, gần đất xa trời tung tăng chèo đò đi dạo trên sông là việc chẳng thể nào xảy ra, mà vốn dĩ đây là công việc kiếm cơm hằng ngày của ông lái đò, ông phải lao động và phải làm một công việc vất vả nguy hiểm như thế là vì cuộc sống. Ông lái đò sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đà, ngay từ nhỏ, cuộc đời ông đã gắn bó với miền sông nước dữ dội, rồi theo bước cha anh ông cũng lại buôn ba suốt mấy chục năm trời trong cái nghề chèo đò hung hiểm ấy. Những chi tiết miêu tả hình dáng của một người lao động vất vả, dáng dấp phong sương, cơ thể đẫm mùi sông nước, vẻ khắc khổ hiện lên thật rõ nét "tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,...".

Lái đò, chuyển hàng vốn dĩ đã trở thành công việc thân thuộc, "cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác,...", chẳng bao giờ ông lái đò đi khoe hay nói gì nhiều về những lần vượt thác chèo ghềnh gian nan ấy, bởi "nó cũng không có gì hồi hộp đáng nhớ". Vượt sông Đà xong, những người lái đò lại quay về với cuộc sống bình thường, giản dị, "nướng ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ như mìn bộc phá cá túa ra tràn đầy ruộng...", cuộc sống tiếp diễn suốt mấy chục năm trời như vậy, bởi suy cho cùng đều là người lao động, nghề lái đò cũng chẳng ghê gớm hơn bao nghề khác, cũng là kiếm kế sinh nhai cả.

Bàn về chất nghệ sĩ tài hoa của ông lái đò, có nhiều điểm để khai thác hơn cả, xung quanh một công việc thường ngày của ông lái đò, bằng đôi mắt tinh tường, độc đáo và tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã khai thác triệt để hình tượng của một người lái đò nghệ sĩ tài hoa ngày ngày viết nên những bản hùng ca lao động đẹp đẽ can trường trên con sông Đà dữ dội. Chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò trong nghề nghiệp được thể hiện qua cái bản tính ham chiến đấu, thích khám phá thử sức với những cái mạo hiểm, hơn là cuộc sống êm đềm, ông bảo "Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ".

Như vậy, chất chứa trong một thân hình già nua là một tâm hồn trẻ khỏe và sung sức đến lạ, công việc lái đò bỗng trở thành niềm đam mê, niềm vui sống tựa như một họa sĩ ưa vẽ vời, một nhà văn ưa viết lách vậy. Trong suy nghĩ của ông lái đò, sông Đà tựa như một bản trường ca dữ dội và hùng vĩ, mà ông lái đò là một người nghệ sĩ chân chính đã dày công nghiên cứu, lật lại biết bao lần đến mức thuộc nằm lòng, thuộc đến "từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng", sự nghiêm túc và tỉ mẩn ấy được Nguyễn Tuân tinh tế ví von rất sắc bén bằng mấy từ "đóng đanh vào lòng". Sự tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò còn thể hiện ở sức chiến đấu bền bỉ tựa như một người chiến sĩ anh hùng trên sông Đà, ở ông lái đò ta thấy toát lên vẻ đẹp của sự dũng cảm, can trường, vẻ đẹp của nghệ thuật chèo đò, với những am hiểu về "binh pháp của thần sông, thần núi", am hiểu tường tận về địch thủ tựa như một vị tướng tài hiếm có. Trên mặt trận sóng nước ấy quả thật ông lái đò xứng đáng được gọi là người nghệ sĩ tài hoa với tấm lòng kính trọng cái nghiệp lái đò mà ông theo đuổi, tích lũy kinh nghiệm suốt mấy chục năm trời.

Những cuộc vượt thác băng ghềnh đầy cam go, vất vả càng khẳng định sự tài hoa nghệ sĩ chất chứa trong hình tượng ông lái đò, của một "tay lái ra hoa" đầy ngoạn mục. Nguyễn Tuân đã đặt tên cho những cửa ải mà người lái đò phải vượt qua bằng một cái tên nghe đậm chất nghệ thuật, cũng đậm màu binh pháp là "trùng vi thạch trận"1,2,3, rồi thì những cửa sinh, cửa tử, những quy luật phục kích chặt chẽ của sông nước, thác ghềnh. Tuy nhiên với sự hiểu biết tường tận, sự nhạy cảm, tinh thần kiên cường, tự tin, ông lái đò lần lượt vượt qua hết những cửa ải khó khăn ấy. Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, có những lúc bị sông Đà tung những đòn hiểm làm ông đau đớn "khuôn mặt méo bệch đi", nhưng tinh thần kiên cường của người nghệ sĩ - người chiến sĩ không cho phép ông lùi bước, ông phải nắm chặt hơn mái chèo, tiến về phía trước, thế là qua khỏi một ải.

Đến ải thứ hai, sông Đà như một kẻ gian xảo đã thay đổi chiến thuật ngay được, nhưng đó có nhằm nhò gì với một người đã "nắm rõ những quy luật của thần sông, thần đá", "đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này", ông lái đò tựa như một ca sĩ kỳ cựu hát lại biết bao lần một bài hát làm nên tên tuổi, chỗ nào lên tông chỗ nào xuống giọng sao cho tròn cho mượt, ông biết cả. Với cái trùng vi thạch trận thứ hai, có tiếng là nhiều cửa tử để lừa mấy người lớ ngớ bơi vào, nhưng ông lái đò đã biết tỏng cái cửa sinh ấy ở phía hữu ngạn rồi, cứ thế ông chèo lái qua một cách điệu nghệ như vẽ một đường trước đôi mắt giận dữ của con sông Đà dữ dội. Còn ải thứ ba nữa, ải này "ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác", nghe thì khó khăn và rắc rối, ấy thế nhưng, với cái tay lái điệu nghệ quen thuộc, ông lái đò chẳng ngại ngần mà "phóng thẳng thuyền, chọc thủng giữa cửa đó","thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước". Thế là hết ải thứ ba.

Chung quy lại, hình tượng ông lái đò trong tác phẩm được Nguyễn Tuân xây dựng với nhiều góc nhìn, tiêu biểu nhất là góc nhìn về một người nghệ sĩ tài hoa và người chiến sĩ can trường, ngoài ra góc nhìn về hình ảnh một con người lao động giản dị cũng được khai thác, để làm nổi bật và phụ trợ thêm cho cái chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò.

Tham khảo thêm:

Bài văn mẫu 3

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông cũng là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Nguyễn Tuân sáng tác nhiều thể loại nhưng đặc biệt thành công ở tùy bút. Tác phẩm này được in trong tập tùy bút Sông Đà, xuất bản lần đầu năm 1960, tất cả gồm mười lăm bài tùy bút. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem lại cho tác giả nguồn cảm hứng sáng tạo để viết nên thiên tùy bút đặc sắc này nhằm ca ngợi những người lao động mới đang cống hiến cho công cuộc tái thiết, dựng xây đất nước.

Tuỳ bút Người lái đò sông Đà được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà”, gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”

Trước hết, Người lái đò sông Đà là một hình tượng về người lao động mới trong giai đoạn kiến thiết và dựng xây đất nước. Trong cuộc chiến với thiên nhiên khốc liệt, ông lái đò đã bộc lộ tất cả khả năng tuyệt vời của mình, nhất là sự tài trí và lòng dũng cảm. Ý kiến thứ hai lại chú ý đến sự gần gữi, thân quen, dễ đi vào lòng người của ông lái đò. Ông lái đò được miêu tả như một người lao động kiên cường lại vừa như một nghệ sĩ tài hoa của sống nước, rất mực điệu nghệ trong công việc của mình. Thế nhưng sau cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên dữ dội, họ trở về với cuộc đời thường “giản dị và bình tâm”, hòa lẫn vô danh vào triệu triệu con người đang “đi tới” với đôi tay như “đôi cánh bay lên” và bàn chân mạnh mẽ “đạp bùn không sợ cá loài sên”. Người lái đò trong tác phẩm là một người lao động vô danh, làm lụng âm thầm, giản dị, nhờ lao động mà chinh phục được dòng sông dữ, trở nên lớn lao, kì vĩ, trở thành đại diện của con người. Người lao động nhờ ý chí kiên cường, bền bỉ, quyết tâm mà chiến thắng sức mạnh thần thánh của thiên nhiên. Đó chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc.

Người lái đò có một trí nhớ tuyệt vời về những luồng nước và những con thác hiểm trở. Ông lái đò “đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”, “nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà” nên trước thác ghềnh hung bạo, ông vẫn bình tĩnh điều khiển thuyền an toàn. Sở dĩ ông lái đò có sự hiểu biết sâu sắc cùng với những kinh nghiệm quý báu là do ông đã xuôi ngược nhiều lần trên sông Đà. Ống lái đò là người thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì vậy tác giả đã chú ý miêu tả cuộc chiến đấu của người lái đò với sóng nước sông Đà. Trong cuộc chiến đấu vượt qua bao vòng vây của thác ghềnh hung bạo, người đọc đã thấy được sự dũng cảm, mưu trí và điêu luyện, thuần thục trong việc điều khiển con thuyền của người lái đò.Vòng vây này được tác giả miêu tả dài nhất. Người lái đò phải đối mặt cùng “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá” với những hòn đá hung hãn, ngỗ ngược đang mai phục từ ngàn năm nay chực chờ “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. Đá dàn bày thạch trận “ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền” với hàng tiền vệ “giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa” cho tuyến hai “đánh khuýp quật vu hối lại”, nếu thoát qua thì đã có tuyến ba gồm bao nhiêu “boong-ke chìm và pháo đài nổi” quyết tâm “phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng  thủy thủ ngay ở chân thác”.

Có những hòn đá được nhà văn miêu tả hệt như những tên tướng giặc kiêu căng hợm hĩnh phối hợp cùng “nước thác reo hò” như một đội quân liều mạng đầy sát khí sẵn sàng ùa vào mà “bẻ gãy cán chèo” của người lái đò, mà “thúc gối vào bụng và hông thuyền”, “đội cả thuyền lên”, nhằm vào chỗ hiểm tấn công liên tiếp với lối “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm”. Cảnh tượng lúc bấy giờ cũng thật tráng lệ khi trong khoảng khắc mặt sông “lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. Đối diện với hiểm nguy, người lái đò vẫn hết sức bình tĩnh, hiên ngang như một tướng soái phóng thẳng thuyền vào kẻ thù. Trước những đòn thủ tàn độc của đối phương ông đã “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, “giữ mái chèo khỏi bị hất lên” và trên chiếc thuyền sáu bơi chèo, người ta vẫn nghe thấy “tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái” đang sẵn sàng đối mặt, chiến đấu và chiến thắng lũ giặc đá đông đảo, đầy chủ động, hiểm ác, ranh ma.

Nếu như ở vòng vây thứ nhất sông nước nham hiểm đã mở ra bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh lại nằm “lập lờ ở phía tả ngạn con sông” thì ở vòng vây thứ hai này, sông Đà đã mở thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền và cửa sinh lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Ghê gớm hơn, đang chờ đón ông chính là “dòng hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá” với “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Người lái đò tỏ ra không hề sợ hãi bởi vì ông vốn giàu kinh nghiệm và nắm chắc qui luật hoạt động của nước thác cũng như địa hình nơi đây. Thật táo bạo, với đôi bàn tay linh hoạt, tài hoa của mình ông đã khéo léo điều khiển con thuyền “bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Ông lái đò lúc “cưỡi lên thác”, lúc “nắm chặt được cái bờm sóng”, lúc thì “ghì cương lái”, lúc thì ống tránh mà “rảo bơi chèo lên”, lúc thì “đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”.

Cuối cùng, ông đã chiến thắng cái lũ đá lúc này đang “tiêu nghỉu cái mặt xanh lè” vì thất vọng. Vòng vây thứ ba nguy hiểm hơn cả bởi vì “bên phải bên trái đều là luồng chết cả”, cái luồng sống ở vòng vây này lại “nằm ngay giữa bọn hậu vệ của con thác”. Nhưng ống lai đò cứ anh dũng phóng thẳng thuyền, chọc thủng vào cửa giữa đó. Người lái đò rất linh hoạt điều khiển “thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép”, qua bao nhiêu cửa “thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”.

Trước thác ghềnh hung bạo, ông lái đò dũng cảm, táo bạo, liều lĩnh, thế nhưng khi vượt qua thì tất cả đều trở thành bình thường “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Tác giả đã miêu tả phong thái ung dung của những người lái đò khi họ “đót lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá đầm xanh… cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua”. Cuộc sống của họ thường nhật phải đối diện với thiên nhiên khốc liệt, “ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác” cho nên với họ tất cả đều “không có gì là hồi hộp đáng nhớ”. Họ đã chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức với thiên nhiên nhờ kinh nghiêm, sự ngoan cường, ý chí quyết tâm. Tất cả những điều đó đã đưa họ đến thắng lợi huy hoàng, tô đậm cho khúc tráng ca về sự nghiệp lao động vinh quang của con người mới.

Hai ý kiến đúng, đã bổ sung cho nhau để hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về ý nghĩa của hình tượng này; giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thía hơn ý tưởng nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn đã tô đậm vẻ đẹp của nhân vật với những so sánh, ví von, liên tưởng độc đáo, bất ngờ và rất thú bị; tư tưởng phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả gân guốc, khi thì chậm rãi trữ tình. Khi khắc họa hình tượng này, Nguyễn Tuân có ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình. Nhà văn tiếp cận con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ nên mỗi nhân vật trong tác phẩm của ông đều là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình.

Với sự quan sát tinh tường; trí tưởng tượng phong phú; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, độc đáo kết hợp cùng vốn kiến thức uyên bác, ngòi bút tài hoa và những cảm xúc dạt dào, say đắm thiết tha danh cho đất nước; Nguyễn Tuân đã tạo nên một áng văn trác tuyệt tác ngợi ca vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Tây Bắc trong ngày mới dựng xây. Đó đều là chất vàng mà tác giả tìm kiếm và khai phá; lấp lánh, sáng ngời quí giá như chính gương mặt của tác giả trong lịch sử văn học nước nhà.

Qua Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc hoạ những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới: chất vàng mười của đất nước trong xây dựng CNXH qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.

Một số tài liệu thú vị:

*********

     Với hướng dẫn chi tiết trên đây của Đọc tài liệu, hy vọng các em đã nắm được cách làm bài phân tích vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Ngoài ra, rất nhiều bài Văn mẫu lớp 12 hay nhất cũng được chúng tôi chọn lọc và thường xuyên cập nhật để phục vụ việc học tập cho các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM