Soạn bài Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

Xuất bản: 06/02/2020 - Cập nhật: 22/10/2021 - Tác giả:

Soạn bài Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân giúp em nắm vững kiến thức và trả lời các câu hỏi đọc hiểu trang 185 SGK Ngữ Văn lớp 12 tập 1.

Bạn đang cần tìm tài liệu soạn bài Người lái đò sông Đà ? Đọc Tài Liệu giới thiệu nội dung chi tiết bài soạn văn Người lái đò sông Đà giúp các bạn trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu bài và nắm chắc nội dung của tác phẩm.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

    Cùng tham khảo ....

Soạn bài Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

Kết quả cần đạt

  • Cảm nhận được vẻ đẹp đa dạng của con Sông Đà vừa "hung bạo" vừa “trữ tình" cùng hình ảnh giản dị mà kì vĩ của người lái đò trên dòng sông ấy. Từ đó, thấy được tình yêu, sự đắm say của Nguyễn Tuân trước thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc.
  • Hiểu và yêu mến tài năng nghệ thuật độc đáo của nhà văn được thể hiện trên những trang tuỳ bút.

Soạn bài Người lái đò sông Đà ngắn nhất

Soạn Người lái đò sông Đà Đọc hiểu ngắn nhất

Câu 1 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Sông Đà là tập bút kí đặc sắc của Nguyễn Tuân, trong đó Người lái đò sông Đà là thành quả của nghệ thuật có được từ chuyến đi gian khổ và hào hứng của nhà văn đến miền Tây Bắc.

- Tác phẩm từ chất liệu thực tế đầy sinh động, chân thực, cụ thể.

- Miêu tả cụ thể, chi tiết từ nhiều góc độ khác nhau.

→ Nhà văn đã quan sát rất công phu và tìm hiểu kĩ càng khi viết về sông Đà và người lái đò sông Đà.

Câu 2 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Các biện pháp nghệ thuật để khắc họa hình ảnh của một con sông Đà hung bạo:

- So sánh độc đáo: nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre,..

- Sử dụng cấu trúc câu trùng điệp: nước xô đá, đá xô sóng, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm.

- Nghệ thuật nhân hóa: mặt nước hò la vang dậy... ùa vào bẻ gãy cán chèo, cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu ngỉu cái mặt lá xanh lè...

→ Sự kết hợp các thủ pháp nghệ thuật đã tái hiện cảnh tượng của một sông Đà hùng vĩ, dữ dội.

Câu 3 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Sự thay đổi trong cách viết của Nguyễn Tuân khi chuyển sang biểu hiện sông Đà như một dòng chảy trữ tình:

- Tác giả miêu tả vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua những góc nhìn khác nhau: từ trên cao xuống, từ xa đến gần, quan sát cận cảnh.

- Khi miêu tả những nét trữ tình của dòng sông, tác giả có cách liên tưởng bất ngờ: con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai...

- Tác giả cũng sử dụng những hình ảnh dịu dàng, trong sáng, đầy thi vị: màu nắng tháng ba Đường thi, con hươu, tiếng còi sương, tiếng các đập nước..

- Những câu văn được tác giả viết tựa như thơ về mặt ý tưởng và thanh điệu, dùng chen câu thơ của Tản Đà “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương” rất gợi tả sự dịu dàng, thơ mộng, gắn bó thân thiết với con người của dòng sông Đà.

Câu 4 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Hình tượng người lái đò sông Đà trong cuộc chiến đấu với con sông hung dữ vừa có tư thế vị anh hùng vừa có phong cách của một nghệ sĩ tài hoa tài tử:

- Ông lái đò bình tĩnh, ung dung đối đầu với sự hung bạo và nham hiểm của ghềnh thác sông Đà.

- Ông lái đò như một viên tướng già xung trận, rất mực oai phong, tỉnh táo, tìm hiểu, nắm chắc đối phương ứng phó linh hoạt để giành phần thắng lợi.

- Cái chết kề bên nhưng mà khi vượt thác xong, người nghệ sĩ tài hoa vẫn “ung dung đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ và dường như quên ngay cuộc chiến đấu với thác ghềnh ban nãy”.

Trong con mắt Nguyễn Tuân, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bức mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta, vì:

- Thác dữ như kẻ thù, như những con vật hung ác: rống lên như tiếng ngàn trâu mộng, rung tít lên như tuyến bin thủy điện; Như thể quân liều mạng, dòng thác hùm beo đang hồng hộc thế mạnh.

- Còn người lái đò như thể một viên tướng già xông vào trận đồ bát quái với muôn vàn hiểm ác.

→ Con người trí dũng tài nghệ tuyệt vời.

Câu 5 trang 193 SGK Ngữ văn 12 tập 1

- Biện pháp nhân hóa thể hiện ở một số câu văn miêu tả con sông Đà:

+ nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc

+ tiếng nước rống lên....

+ mặt đá hòn nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó

+ tiếng reo hò thách thức của sóng nước

-> Hình ảnh con sông Đà hiện lên hung dữ như tên côn đồ

Soạn Người lái đò sông Đà phần Luyện tập ngắn nhất

Câu 2:

   Ví dụ: Đoạn văn viết về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà với những câu văn mềm mại:

   “Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà...”

→ Sông Đà trên trang văn của Nguyễn Tuân đa sắc màu, có hồn, có một không hai trong lịch sử văn học nước nhà. Sông Đà thơ mộng đến độ tuyệt mĩ, tuyệt vời.

Đoạn văn tham khảo:

Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn được Nguyễn Tuân thể hiện qua việc miêu tả sắc nước. Câu văn “Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà” đã thể hiện sự say sưa và mê đắm của Nguyễn Tuân về con sông Tây Bắc thật bay bổng và lãng mạn. Chính vẻ đẹp của mây trời đã tạo cho con sông Đà một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn. Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn thấy sông Hương “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” do sự phản quang của mây trời; thì Nguyễn Tuân lại phát hiện ra vẻ đẹp của sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc – một sắc màu gợi cảm, trong lành. Đó là sắc màu của nước, của núi, của da trời. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” khiến người đọc hình dung được vẻ đẹp đa dạng của sắc nước sông Đà. Đồng thời qua câu văn, Nguyễn Tuân cũng đã làm nổi bật được trong cái trữ tình thơ mộng của dòng nước còn có cái dữ dội ngàn đời của con sông Tây Bắc.

Soạn bài Người lái đò sông Đà chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn Người lái đò sông Đà chi tiết, đầy đủ trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1.

Đọc - hiểu

Bài 1 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Chứng minh rằng Nguyễn Tuân đã quan sát công phu và tìm hiểu kĩ càng khi viết về sông Đà và người lái đò sông Đà.

Trả lời:

- Sông Đà như có tính cách của một con người, tính cách ấy mâu thuẫn với nhau: hung bạo và trữ tình.

- Người lái đò sông Đà vừa là một anh hùng trên sóng nước vừa là một người nghệ sĩ tài hoa, thông minh tiêu biểu cho vẻ đẹp người lao động vùng núi Tây Bắc.

- Tác giả đã vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa khác nhau để miêu tả về sông Đà và người lái đò sông Đà: hội họa, điện ảnh, âm nhạc,... chúng được ông vận dụng một cách khéo léo, tài hoa cùng với kiến thức của những ngành văn hóa như: lịch sử, địa lý,... Chính vì vậy mà trang văn của Nguyễn Tuân khi đằm thắm giàu chất thơ, khi sinh động như một thước phim quay cận cảnh, khi tràn đầy màu sắc như một bức tranh độc đáo.

- Vốn kiến thức sâu rộng của tác giả đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến người đọc, khiến họ luôn say đắm, đằm mình khám phá những trang văn của ông.

Bài 2 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trong thiên tùy bút, tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật nào để khắc họa được một cách ấn tượng hình ảnh con sông Đà hung bạo.

Trả lời:

- Hướng chảy của dòng sông gợi cho ta sự độc đáo, bất thường: Chúng thuỷ giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu (Các dòng sông đều chảy về đông - Chỉ có sông Đà một mình chảy về phương Bắc).

- Bờ sông Đà (thượng nguồn) là cảnh tượng rất hiểm trở: “đá dựng vách thành", chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu...

- Thác dày dặc, trong đó vô cùng độc dữ, nham hiểm là 73 cái thác ở phía thượng nguồn. Sự độc dữ của chúng hiện hình ngay qua tên gọi như: thác ổ gà, bãi Thằng Rồ, thác Từu Ông Từu Bà...

- Ngay cát sông Đà cũng là cát dữ: nó đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vết hà đục thủng đáy thuyền gỗ...

- Gió trên sông Đà lại càng đáng sợ: gió cuồn cuộn từng luồng cứ gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt (nợ không có cũng đòi), bằng cách lật ngửa bụng thuyền ra.

- Đáng sợ hơn đó là các hút nước trên mặt sông: nước ở đây ặc ặc lên như rót dầu sôi vào, hễ thuyền bè đi qua vô ý là nó lôi tuột xuống đánh tan xác ở đáy sông...

- Âm thanh tiếng nước sông Đà cũng thật ghê gớm: như là oán trách, như van xin, như khiêu khích, rồi rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa...

- Song khủng khiếp nhất ở Đà giang là trùng vi trạch thuỷ trận: đó là bao đá nổi, đá chìm phối hợp cùng các luồng nước dàn bày thạch trận, ập thành ba phòng tuyến với cả tập đoàn cửa tử đầy những tướng đá, quân nước hung dữ...

=> Tác giả vận dụng tài tình các biện pháp so sánh, nhân hóa kết hợp với ngôn ngữ miêu tả đầy tính tạo hình đã làm nổi bật lên sự hung bạo của dòng sông Đà. Sức mạnh hoang dại, vẻ đẹp kì vĩ và sự hung dữ của con sông qua góc nhìn và sự miêu tả tinh tế của Nguyễn Tuân.

Bài 3 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Cách viết của nhà văn đã thay đổi thế nào khi chuyển sang biểu hiện sông Đà như một dòng chảy trữ tình.

Trả lời:

- Dáng vẻ dòng sông đầy thơ mộng: Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc tung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân... Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải. Sông Đà mang vẻ đẹp của một người thiếu nữ.

- Sắc màu nước biển đổi kì ảo theo từng mùa: Mùa xuân dòng sông xanh ngọc bích, mùa thu từ từ chín đỏ..

- Sông Đà mang vẻ đẹp gợi cảm:

+ Dòng sông Đà trở về dòng chảy êm đềm, miên man, đầy quyến rũ.

+ Sông Đà được nhìn như một cố nhân, thể hiện mối tri âm, tri kỉ của tác giả với con sông.

+ Bờ sông hoang dại, bình lặng như thời tiền sử – hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích xưa – Dòng sông lặng lờ trôi.

=> Sông Đà rất mực trữ tình hiền hoà. Sự tài hoa của ông đã mang đến những áng văn với bức tranh trữ tình đủ để lòng người say đắm, ngất ngây.

Bài 4 trang 192 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong cuộc chiến đấu với con sông hung dữ. Từ đó, hãy cắt nghĩa vì sao, trong con mắt Nguyễn Tuân, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bức mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.

Trả lời: 

Bài tuỳ bút khắc họa hình ảnh người lái đò sông Đà:

-   Vẻ đẹp khoẻ khoắn, cường tráng: dẫu đã bảy mươi tuổi nhưng ông lái đò vẫn có “thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng, chất mun... Cánh tay vẫn là của một chàng trai trẻ tráng".

-  Sự lão luyện, tinh thông trong nghề nghiệp: ông lái đò hết sức am tường con sông Đà, có thể “nhớ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở". Sông Đà đối với ông lái đò ấy, như một thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà hung bạo ấy, ông đã xuôi ngược hơn cả trăm lần...

-   Vẻ đẹp nổi bật của người lái đò là vẻ đẹp của Trí - Dũng - Tài hoa: người lái đò hiện lên như vị chỉ huy dạn dày kinh nghiệm, nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, linh hoạt thay đổi chiến thuật để lần lượt vượt qua từng phòng tuyến. Ông lái đò điều khiển con thuyền bằng bản lĩnh già dặn, lòng dũng cảm và tài hoa của một nghệ sĩ, tay lái ra hoa. Điều đó thể hiện qua việc ông chỉ huy con thuyền vượt qua “trùng vi thạch trận" dữ dằn, nham hiểm.

-  Ý nghĩa của hình tượng ông lái đò:

+ Ca ngợi những người lao động bình thường mà anh hùng, tài năng...

+ Bài ca về sự chiến thắng của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.

+ Bày tỏ quan niệm về giá trị của con người - dù làm gì nhưng tinh thông trong nghề nghiệp của mình thì cũng thật vinh quang: theo nhà văn cái bầm tụ trên ngực người lái đò do đầu sào in dấu là một thứ huân chương lao động siêu hạng.

Bài 5 trang 193 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Chọn phân tích một số câu văn thể hiện rõ nhất nét tài hoa về bút pháp trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

Trả lời:

Một số câu văn thể hiện rõ nhất nét tài hoa về bút pháp trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân:

- Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì,... với đàn trâu da cháy bùng bùng.

- Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng vào hông thuyền.

- Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tính, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc... nương xuân.

- Bờ sông hoang dại... cổ tích tuổi xưa.

Soạn bài Người lái đò sông Đà phần Luyện tập

Bài 1 trang 193 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Tìm đọc trọn vẹn tùy bút Người lái đò sông Đà (Học sinh tự làm)

Bài 2 trang 193 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về một đoạn văn khiến anh (chị) thấy yêu thích, say mê nhất trong thiên tùy bút.

Gợi ý:

Anh (chị) tự chọn một đoạn mà mình thích trong thiên tùy bút để phân tích và nêu cảm nghĩ. Dưới đây là bài làm mẫu cảm nghĩ về đoạn từ "Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi..." đến "rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ...":

     Từ trên cao nhìn xuống sông Đà như một sinh thể xuất hiện trong bức tranh gấm vóc của non sông “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một ánh tóc trữ tình, dầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân”. Sông Đà qua đoạn chợ Bờ đã không còn những thác đá, những hút nước, những trùng vây thạch trận mà là một con sông Đà trữ tình, mềm mại như dáng hình của người thiếu nữ. Với ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ, sông Đà được ví như một áng tóc lại được đặt trong một câu văn rất giàu chất thơ khiến cho ta liên tưởng tới dáng hình của người con gái trẻ trung, duyên dáng với sức sống rạo rực, xuân thì trong mây trời, sương khói của Tây Bắc – một hình ảnh tinh tứ, quyến rũ như dáng chảy trôi mềm mại của con sông. Nhìn ngắm dòng sông Đà ở nhiều thời điểm, thời gian, không gian khác nhau, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra những sắc màu tươi đẹp và đa dạng của con sông để rồi ông nhận ra dòng nước biến đổi theo mùa giống như người thiếu nữ thay áo. Đó là “mùa xuân nước sông Đà xanh màu xanh ngọc Bích chứ không xanh màu xanh canh hến như sông Gâm, sông Lô”. Đó là sắc trong trẻo, tươi sáng, lấp lánh đáng quý của Đà giang và dường như ngay trong cách miêu tả về đặc sắc của màu nước ấy còn mang cá tính của cả một con sông, một sinh thể. Mùa thu nước sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về”. Đó là một so sánh đầy lí thú. Sông Đà trong thời tiết mùa thu lại được hình dung như tâm trạng của con người bất mãn, bực bội; màu sắc lại được ví như da mặt của người bầm đi vì rượu bữa. Ấn tượng đọng lại trong tâm trí người đọc là hình ảnh của một dòng sông màu mỡ, màu đỏ của phù sa phì nhiêu, là sự giàu có của sức sống mà con sông đang trở nặng để vun đắp cho hai bờ, cho quê hương, cho đất nước này. Tác giả cũng khẳng định chưa bao giờ sông Đà có màu đen như thực dân Pháp đã đưa vào bản đồ của mình để thể hiện tình yêu say đắm với con sông xứ sở và cả sự tôn vinh quê hương, đất nước.

Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả

- Nguyễn Tuân sinh ngày: 10-07-1910, quê quán: Hà Nội.

- Ông là con của một gia đình công chức.

- Thời niên thiếu ông được đi nhiều nơi, tham gia chống người Pháp, từng làm thư kí nhà máy đèn.

- Năm 1930, ông bắt đầu viết văn làm báo. Năm 1937, ông chuyên tâm viết văn.

- Những tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời, Những chuyến đi,…

>>> Chi tiết về tiểu sử của tác giả Nguyễn Tuân các bạn có thể xem lại nội dung soạn bài Chữ người tử tù đã được học ở chương trình Văn lớp 11.

II. Tác phẩm

- Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân

- Tác phẩm là thành quả của nhà văn trong chuyến ông đi tới Tây Bắc tìm kiếm chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc đặc biệt là chất vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn con người lao động chiến đấu trên miền sông núi Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng.

- Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn sau cách mạng tháng Tám.

- Bố cục:

+ Phần 1 (từ đầu đến "...cái gậy đánh phèn"): tính cách hung bạo của con Sông Đà

+ Phần 2 (tiếp đến "...dòng nước Sông Đà"): ngợi ca phẩm chất trí dũng, tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò.

+ Phần 3 còn lại: khắc họa vẻ đẹp trữ tình của con Sông Đà qua đó thể hiện lòng yêu thiên nhiên đất nước của tác giả.

-/-

Tổng kết nội dung cần ghi nhớ

Sau khi Soạn bài Người lái đò sông Đà xong thì các em cần ghi nhớ:

  • Người lái đò Sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên, và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.
  • Tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hoá và những kì tích lao động của con người.

Bạn nên tham khảoKiến thức cơ bản bài Người lái đò sông Đà

// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân do Đọc Tài Liệu biên soạn gửi tới các em tham khảo. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 12 bài Người lái đò sông Đà này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Người lái đò sông Đà một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM