Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2023

Xuất bản: 31/05/2023 - Cập nhật: 02/06/2023 - Tác giả:

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Quảng Ninh năm học 2023-2024 chi tiết cùng tuyển tập đề thi tuyển sinh vào 10 môn văn Quảng Ninh các năm.

Đề thi tuyển sinh môn văn vào 10 Quảng Ninh năm học 2023-2024 chính thức được Đọc tài liệu cập nhật nhanh nhất kèm đáp án chi tiết. Tham khảo ngay nội dung đề thi và đáp án bên dưới.

Đáp án đề thi vào 10 môn văn Quảng Ninh 2023

Bài thi và đáp án tham khảo sẽ được cập nhật sớm nhất sau khi thời gian thi chính thức diễn ra vào ngày 1/6/2023.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO.

Câu 1.

a. Theo đoạn trích, khi mới sinh ra, nhân vật tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ.

b. Phép lặp

c. Liệt kê: dạy tôi viết những nét chữ đầu tiên; giặt sạch chiếc áo tôi mặc; đánh bóng đôi giày tôi mang; thắp sáng ngọn đèn trên bàn học, dọn đẹp gọn gàng bàn ghế, tủ sách cho tôi.

Tác dụng của phép liệt kê: nhấn mạnh và sự dịu dàng, âu yếm, ân cần chăm sóc cho "tôi" từng chút một. Qua đó cũng thể hiện sự trân trọng, tình yêu thương của con dành cho mẹ.

d. Trình bày quan điểm của em về ý kiến của tác giả. Giải thích.

Gợi ý:

- Em đồng ý với ý kiến của tác giả.

- Vì: Chúng ta không thể bắt gặp ở đâu một người hi sinh tất cả những gì mình có, dành cho ta những điều tốt đẹp nhất mà không đòi hỏi bất cứ điều gì như mẹ. Mẹ luôn là động lực, là người chắp thêm đôi cánh cho ta vững bước trên đường đời đầy chông gai phía trước.

Câu 2. 

* Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Lòng hiếu thảo.

* Bàn luận vấn đề:

a. Giải thích

- Lòng hiếu thảo là gì?

+ Đối xử và chăm sóc tốt cha mẹ của mình.

+ Hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ phụng sau khi họ qua đời.

b. Phân tích, chứng minh

- Biểu hiện của lòng hiếu thảo?

+ Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính, vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn.

- Vì sao sống phải có lòng hiếu thảo?

+ Ông bà cha mẹ là những người sinh thành và nuôi dưỡng ta khôn lớn, luôn dành cho ta những điều tốt đẹp nhất trên đời này.

+ Lòng hiếu thảo là  chuẩn mực trong đời sống văn hóa Việt Nam.

+ Người có lòng hiếu thảo được mọi người trân trọng, yêu mến.

+ Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý mà nó được thể hiện qua chữ “hiếu”.

+ Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình.

c. Mở rộng

- Trong xã hội còn nhiều người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi.

⇒ Những người như thế thật đáng chê trách.

d. Bài học nhận thức và hành động

- Sống phải có lòng hiếu thảo.

- Thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ ngay từ hôm nay.

* Khẳng định lại vấn đề: Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, là nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam.

Câu 3. 

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Y Phương và tác phẩm "Nói với con".

- Khái quát sơ lược về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

2. Thân bài

Có thể phân tích theo hướng như sau: Vẻ đẹp phẩm chất của người đồng mình

- "Người đồng mình" hiện lên với vẻ đẹp của nghị lực, ý chí

+ Lối nói giàu hình ảnh "người đồng mình" gợi sự thân thương, gần gũi

+ Động từ "thương" kết hợp với từ chỉ mức độ "lắm" để thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia về tinh thần.

+ Sử dụng những hình ảnh mang đậm tư duy miền núi: "Cao" và "xa" thể hiện ý chí con người vượt qua khó khăn của "đá gập ghềnh", "thung nghèo đói".

+ Điệp ngữ "Sống", "không chê" thể hiện ý chí và quyết tâm

+ Phép so sánh "Sống như sông như suối" gợi tinh thần lạc quan, mạnh mẽ "sống" với tâm hồn phóng khoáng như thiên nhiên.

- "Người đồng mình" hiện lên qua tinh thần gắn bó, thủy chung với mảnh đất quê hương cùng ý thức, tinh thần tự tôn dân tộc

+ "Người đồng mình thô sơ da thịt" ẩn chứa niềm tự hào về những con người giản dị, chất phác, thật thà, đồng thời là lời ngợi ca ý chí, cốt cách không hề "nhỏ bé" của họ.

+ Cách nói "Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" vừa diễn tả quá trình dựng nhà, dựng cửa của người miền núi, vừa diễn tả tinh thần đề cao, nâng tầm quê hương.

+ "Còn quê hương thì làm phong tục": Những phong tục tập quán là điểm tựa tinh thần nâng đỡ và tạo động lực cho con người.

3. Kết bài

Đánh giá ý nghĩa nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ

Đề thi vào 10 môn văn Quảng Ninh 2023

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NINH

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2023 - 2024

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Môn thi: Ngữ văn (Dành cho mọi thí sinh)

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

(Đề thị này có 01 trang)

Câu 1. (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Khi mới sinh ra, tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ. Đôi bàn tay luôn nâng niu, lo lắng từng giấc ngủ, từng bữa ăn cho tôi. Đôi bàn tay đã dìu tôi những bước đi chập chứng đầu tiên, nâng đỡ mỗi khi tôi té ngã và nhẹ nhàng chăm sóc những vết thương do tôi nghịch ngợm gây ra.

2) Suốt những năm tháng tôi đi học, bàn tay mẹ vẫn âm thầm lo lắng cho tôi. Bàn tay mẹ kiên nhẫn dạy tôi viết những nét chữ đầu tiên; giặt sạch chiếc áo tôi mặc; đánh bóng đôi giày tôi mang; thắp sáng ngọn đèn trên bàn học, dọn đẹp gọn gàng bàn ghế, tủ sách cho tôi. Bàn tay mẹ cần chuẩn bị cả chiếc giường tươm tất chân màn cho tôi nằm ngủ mỗi tối.

[-]

(3) Trên thế gian này, còn điều gì kỳ điệu và quý giá hơn đôi bàn tay mẹ? Đôi tay chai sạn, vật vả nhưng êm ái, dịu dàng và bất cứ khi nào cũng đầy áp tình thương yêu dành cho bạn. Dù đi bất cứ nơi nào, ta cũng luôn khao khát được quay trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ.

(Trích Hạt giống tâm hồn, tập 7, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, trang 130-131)

a. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, khi mới sinh ra, nhân vật tôi đã có thể cảm nhận được điều gì?

b. (0,5 điểm) Cụm từ Đôi bàn tay trong đoạn văn (1) thực hiện phép liên kết nào?

c. (1,5 điểm) Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép liệt kê trong câu văn được in đậm ở đoạn (2).

d. (0,5 điểm) Em có đồng tình với ý kiến của tác giả: Dù đi bất cứ nơi nào, ta cũng luôn khao khát được quay trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ không? Vì sao?

Câu 2. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở Câu 1, em hãy viết một đoạn văn (từ 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng hiếu thảo trong cuộc sống.

Câu 3. (5,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp của người đồng mình trong đoạn thơ sau:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gặp ghềnh

Sống trong thung không chế thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

(Y Phương. Nói với con, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2005, trang 72)

Xem thêm thông tin tuyển sinh

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2022

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2022 ảnh 1
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2022 ảnh 2

Trích dẫn đề:

Câu 1. (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo, trong tiếng bơ cào xuống thùng sắt trữ gạo luôn vơi mỗi ngày giáp hạt. Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách và tâm hồn.

[...]

(2) Khi ta lớn lên, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

(3) Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

(Hà Nhân, Sống như cây rừng, NXB Văn học, 2016, trang 190-191)

a. (0,5 điểm) Từ Nhưng thực hiện phép liên kết nào giữa hai câu trong đoạn (1)?

b. (0,5 điểm) Theo tác giả, một giấc mơ khác nữa mà tôi dần biết khi lớn lên về thể chất là gì?

c. (1,5 điểm) Phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong các câu in đậm ở đoạn (2).

d. (0,5 điểm) Em có đồng tình với ý kiến: “Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình không? Vì sao?

Câu 2. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở Câu 1, em hãy viết một đoạn văn (từ 12 đến 15 câu) chia sẻ suy nghĩ về ý nghĩa của việc biết sống vì người khác.

Đáp án đề văn thi vào 10 Quảng Ninh 2022

(Đáp án chỉ mang tính chất tham khảo, khi có đáp án chính thức và thang điểm của Sở GD&ĐT thì trang sẽ cập nhật ngay lập tức)

Câu 1. 

a.  Phép nối

b. Theo tác giả, một giấc mơ khác nữa mà tôi dần biết khi lớn lên về thể chất là: Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách và tâm hồn.

c. Điệp ngữ: "Ta biết"  (điệp từ)

Tác dụng của biện pháp điệp ngữ là: Nhấn mạnh về những trách nhiệm của mỗi con người đó là phải biết cho đi, cần phải trưởng thành, biết yêu thương người khác.

d. Thể hiện quan điểm cá nhân của bản thân. Lý giải hợp lý.

Gợi ý: Đồng tình với quan điểm trên. "Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình không"

Vì: Khi ta trao đi yêu thương thì chắc chắn ta sẽ nhận lại sự yêu quý, kính trọng từ những người xung quanh. Điều đó khiến ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thêm yêu cuộc sống... Bởi vậy trao đi yêu thương cũng chính là cách vỗ về tâm hồn chính mình.

Câu 2.

Dưới đây là gợi ý

*Giới thiệu vấn đề: Bàn về hạnh phúc, có ý kiến cho rằng: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”.

* Giải thích ý nghĩa:

- “Sống vì người khác” nhấn mạnh đến mục đích sống cao đẹp khi hướng đến sự sẻ chia, giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác.

* Phân tích: ý nghĩa khi biết sống vì người khác.

- Trong cuộc sống, con người cần biết sẻ chia, sống cho người khác để mang đến cuộc sống hạnh phúc không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh.

- Khi sống vì người khác thì nhân cách cá nhân hoàn thiện hơn.

- Sống vì người khác sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân, người khác và xã hội.

  • Với bản thân: Có được niềm vui, niềm hạnh phúc chân chính.
  • Với người khác: Cuộc sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
  • Với xã hội: Tạo nên một môi trường tốt đẹp, nhân ái.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Sống vì người khác không chỉ mang đến những điều tốt đẹp cho bản thân mà còn mang đến hạnh phúc cho người khác.

- Cuộc sống chỉ đáng sống, đáng trân trọng khi ta biết sống vì người khác, biết hi sinh biết chia sẻ. Hãy biết quan tâm, giúp đỡ người khác, biết đặt lợi ích của tập thể , cộng đồng lên trên lợi ích của bản thân để cuộc sống trở nên có ý nghĩa , để cuộc đời này trở nên tốt đẹp hơn.

*Kết thúc vấn đề: Để cùng gây dựng lên một xã hội vững mạnh, để tìm được hạnh phúc, cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Hãy trao yêu thương, hãy bày tỏ và cho đi những tình cảm chân thành, nhân ái để gieo lên những sự sống, hy vọng cho những người khó khăn, bất hạnh.

Câu 3.

* Về hình thức: Bài văn: có 3 phần (Mở bài, Thân bài, Kết bài)

* Về nội dung: học sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau. Dưới đây là một gợi ý:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long.

- Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.

- Tác phẩm ca ngợi những con người dũng cảm, tuyệt đẹp đang cống hiến một cách thầm lặng, cao cả mà anh thanh niên là nhân vật chính “trong cái lặng im của Sa Pa…, Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.

2. Thân bài

a.  Giới thiệu khái quát:

Truyện ngắn tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn của Sa Pa qua lời giới thiệu của bác lái xe.

Đoạn văn ngắn đã khái quát được vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của anh thanh niên.

b. Cảm nhận nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích:

* Hoàn cảnh sống và làm việc:

- Một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.  Công việc đơn điệu đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chính xác, có ý thức tự giác.

- Nhưng cái gian khổ nhất phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.

* Những nét đẹp của nhân vật thể hiện qua đoạn trích:

- Có lý tưởng cống hiến: đi bội không được anh tình nguyện làm việc ở Sa Pa.

- Suy nghĩ đẹp về công việc:

+ Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao nhưng anh vẫn gắn bó với công việc của mình bởi “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh yêu công việc tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2.600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3.000m “như vậy mới gọi là lý tưởng”.

+ Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao: hằng ngày lặp lại tới 4 lần các thao tác “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết” và khó khăn nhất là lúc 1 giờ sáng “nửa đêm thức dậy xách đèn ra vườn, mưa tuyết, giá lạnh…” nhưng anh vẫn coi công việc là niềm vui “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”.

+ Ý thức được giá trị công việc mà mình đang làm: dự vào việc báo trước thời tiết nên “việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”.

=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.

- Suy nghĩ đẹp về cuộc sống:

+ Tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.

+ Suy nghĩ đúng đắn về giá trị của hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta, bắn rơi được máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.

=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.

- Làm phong phú cuộc sống của mình: Anh thường xuyên đọc sách. Vì sách chính là người bạn để anh “trò chuyện”. Nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng quanh năm. Nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành, mở mang kiến thức.

=>  Những tình cảnh cao đẹp trên đã tạo nên những phẩm chất đáng quý ở anh thanh niên - một con người lao động với XHCN.


*Nhận định chung: Trong cái lặng im của Sa Pa, không phải chỉ có anh thanh niên mà còn có cả thế giới những người “làm việc và lo nghĩ cho đất nước” qua lời anh kể như: ông kĩ sư vườn rau, đồng chí cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét… Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động cống hiến. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp

3. Kết bài:

- Truyện Lặng lẽ Sa Pa ngợi ca ngợi những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh.

-  Qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi tả những con người đang dành cả thanh xuân để cống hiên, phục vụ kháng chiến với nhiều phẩm chất cao đẹp.

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2021

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn năm 2021 chính thức tỉnh Quảng Ninh sẽ được cập nhật ngay khi kỳ thi diễn ra ngày 01/06/2021.

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh 2021

    SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NINH

    KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM 2021

    Môn thi: Ngữ văn (Dành cho mọi thí sinh)

    Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

    I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:

    (1) Tôi thích lên danh sách. Đây là lời đề nghị: hãy lên danh sách năm mươi điều bạn trân trọng, biết ơn (vâng, năm mươi). Mười điều đầu tiên rất dễ: người thân, công việc, gia đình, vân vân. Biết ơn vì bạn nói tiếng Việt (hoặc tiếng Nhật, tiếng Đức). Biết ơn vì có đủ hai mắt, có trái tim khỏe, hoặc vì bạn không sống trong vùng chiến tranh. Biết ơn người khác. Cầu chúc cho người nông dân nỗ lực làm nên thức ăn trên bàn. Cầu chúc cho người công nhân tạo ra chiếc xe máy bạn đi. Cầu chúc cho người bán hàng nơi bạn mua quần áo. Cầu chúc cho người phục vụ quán ăn bạn đến hôm qua.

    (2) Đó là thái độ biết ơn. Hãy lưu tâm đến những phúc lành của mình, đừng xem bất cứ điều gì là hiển nhiên. Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ để biết ơn hơn những gì bạn thấy. Chỉ cần nghĩ đến. Chỉ cần trân trọng. Và để ý xem điều gì sẽ xảy đến.

    (Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB trẻ, 2019, tr.33-34)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. (0,5 điểm) Theo đoạn văn (1), tác giả đề nghị điều gì?

    Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu: Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ biết gì hơn những gì bạn thấy.

    Câu 3. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong các câu in đậm.

    Câu 4. (0,5 điểm) Trong lời đề nghị của tác giả về những điều cần trân trọng, biết ơn, em tâm đắc nhất điều gì? Vì sao?

    II. LÀM VĂN (8,0 điểm).

    Câu 1. (3,0 điểm).

    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống. Đoạn văn có câu sử dụng thành phần khởi ngữ (gạch chân thành phần khởi ngữ).

    Câu 2.(5,0 điểm).

    Cảm nhận của em về đoạn trích sau:

    “Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
    Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

    (Trích Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.144)

    Đáp án đề thi vào 10 môn văn Quảng Ninh năm 2021

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Theo đoạn văn (1), tác giả đề nghị hãy lên danh sách năm mươi điều bạn trân trọng, biết ơn

    Câu 2. Thành phần biệt lập tình thái: chắc chắn

    Câu 3.

    Gợi ý:

    - Tăng sức gợi hình gợi tả cho câu văn

    - Tạo nhịp điệu

    - Nhấn mạnh về việc bày tỏ lời chúc cầu mong một điều tốt lành.

    Câu 4: Học sinh có thể trình bày theo ý hiểu của mình về điều mà mình tâm đắc nhất, lý giải

    Gợi ý:

    - Điều tâm đắc nhất: Biết ơn vì có đủ hai mắt, có trái tim khỏe.

    - Lý giải: Con mắt là cửa sổ tâm hồn, biết ơn vì chúng ta có thể nhìn ngắm thế giới này, nhìn ngắm những vẻ đẹp và điều kì diệu của thế giới. Trái tim khỏe mạnh giúp chúng ta sống khỏe, biết cảm nhận tình yêu thương giúp cuộc đời có ý nghĩa hơn.

    II. LÀM VĂN 

    Câu 1.

    *Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

    *Phân tích, bàn luận

    1. Giải thích thế nào là “lòng biết ơn”?

    - Lòng biết ơn là sự ghi nhớ công ơn, tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Những hành động, việc làm mà họ hi sinh để mang lại niềm hay hạnh phúc hay niềm vui cho mình.

    2. Biểu hiện của lòng biết ơn

    - Luôn ghi nhớ công ơn của họ trong long

    - Có những hành động thể hiện sự biết ơn

    - Luôn mong muốn đền áp công ơn của những người đã giúp đỡ mình

    3. Tại sao phải có lòng biết ơn?

    - Vì đó là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời xưa.

    - Lòng biết ơn là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.

    - Mỗi công việc chúng ta thành công không phải tự nhiên mà có, dù lớn hay nhỏ cũng có sự giúp đỡ của ai đó, vậy nên ta cần phải có lòng biết ơn.

    4. Mở rộng vấn đề

    - Có một số người hiện nay không có lòng biết ơn.

    VD: Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, ...

    *Kết thúc vấn đề

    - Nêu cảm nghĩ về lòng biết ơn

    - Nêu những công việc và thể hiện lòng biết ơn.

    Xem chi tiết: Nghị luận về lòng biết ơn

    Câu 2. 

    I. Mở bài: 

    *Tác giả:

    – Bằng Việt, tên khai sinh Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941.

    – Quê: Thạch Thất, Hà Tây ( Hà Nội)

    – Làm thơ từ đầu những năm 60 của TK XX và thuộc lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

    – Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc, đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ.

    – Tác phẩm tiêu biểu: Hương cây bếp lửa (thơ in chung với Lưu Quang Vũ), Những gương mặt,những khoảng trời(1973),Cát sáng(1983)…

    *Tác phẩm:

    – Sáng tác năm 1963, khi nhà thơ đang là sinh viên theo học ngành Luật tại nước Nga

    – In trong tập “Hương cây – bếp lửa” – tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ.

    - Dẫn dắt đoạn thơ: Đó là hình ảnh người bà, những kỷ niệm năm tháng tuổi thơ luôn gắn với hình ảnh bếp lừa, là suy ngẫm của người cháu về bà và hình ảnh bếp lửa.

    II. Thân bài: Nêu cảm nhận

    1. Hình ảnh người bà và những kỷ niệm năm tháng tuổi thơ luôn gắn với hình ảnh bếp lửa:

    Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

    Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

    – Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể ở câu trên, tác giả chuyển thành hình ảnh ngọn lửa trong lòng bà. Như thế, bếp lửa không chỉ được nhen lên bằng nhiên liệu củi rơm mà còn được nhen lên từ ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương “luôn ủ sẵn” trong lòng bà, của niềm tin vô cùng “dai dẳng”, bền bỉ và bất diệt. Ngọn lửa là những kỉ niệm ấm lòng, là niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên suốt chặng đường dài. Ngọn lửa là sức sống, lòng yêu thương, niềm tin mà bà truyền cho cháu.

    – Cùng với hình tượng “ngọn lửa”, các từ ngữ chỉ thời gian:“rồi sớm rồi chiều”, các động từ “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí,bản lĩnh sống của bà, cũng là của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến. Điệp ngữ – ẩn dụ “một ngọn lửa” cùng kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động tự hào.

    => Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

    2. Suy ngẫm của người cháu về bà và hình ảnh bếp lửa:

    Từ những hồi tưởng về kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, người cháu đã suy ngẫm về bà, về hình ảnh bếp lửa:

    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

    Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

    Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

    – Nếu từ đầu bài thơ, hình ảnh bà và bếp lửa song hành thì đến đây hoà vào làm một, nhòe lẫn, tỏa sáng bên nhau.

    – Cụm từ chỉ thời gian “đời bà”, “Mấy chục năm”, từ láy tượng hình “lận đận”, hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” -> diễn tả cảm nhận của nhà thơ về cuộc đời gian nan, vất vả và sự tần tảo, đức hi sinh, chịu thương,chịu khó của bà.  Tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà thật sâu nặng thiết tha.

    – Suốt cuộc đời, bà luôn chăm chút cho cháu cả về vật chất và tinh thần để cháu lớn lên. Bà là người nhóm lửa, cũng là người luôn giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng, tỏa sáng trong gia đình.

    – Điệp ngữ “nhóm” được nhắc lại bốn lần với những ý nghĩa phong phú, gợi nhiều liên tưởng. Từ hành động, bà đã nhóm dậy những gì thiêng liêng, cao quý nhất của con người. Bà nhóm bếp lửa mỗi sớm mai là nhóm lên:

    + Tình yêu thương

    + Niềm vui sưởi ấm

    + Sự san sẻ tình làng nghĩa xóm.

    + Những tâm tình, ước vọng của tuổi thơ

    -> Nhờ ngọn lửa mà bà “ủ”, bà “nhen”, bà “giữ”, cháu biết cách sống ân nghĩa, thủy chung, biết mở lòng ra với mọi người xung quanh, biết sẻ chia, gắn bó với xóm làng. Người cháu yêu bà, nhờ hiểu bà mà thêm hiểu, thêm yêu dân tộc mình, nhân dân mình.

    – Trong tâm trí nhà thơ, bếp lửa và bà là những gì tuy thật bình dị, song ẩn giấu điều cao quý thiêng liêng. Cảm xúc dâng trào, tác giả đã phải thốt lên:

    “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”.

    -> Hình ảnh bà và hình ảnh bếp lửa sáng đẹp lung linh trong tâm hồn nhà thơ.

    3. Nghệ thuật:

    + Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận.

    + Thể thơ tám chữ kết hợp với 7 chữ,9 chữ phù hợp với việc diễn tả dòng cảm xúc và suy ngẫm về bà.

    + Giọng điệu tâm tình, thiết tha, tự nhiên, chân thành.

    + Sáng tạo hình ảnh bếp lửa – hình ảnh vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

    III. Kết bài : là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà vàtình bà cháu. Qua đó, bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.

      Cùng ôn tập chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới với đề thi tuyển sinh lớp 10 các năm trước nhé:

      Tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ninh các năm trước

      Đề thi văn vào 10 Quảng Ninh 2020

      PHẦN I. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

      Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

      (1) Có người hỏi tôi, tại sao sân bay quốc tế Vân Đồn, một sân bay còn rất "trẻ", lại được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch. Khi ấy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tập thể của mình. Cùng với cơ sở vật chất, phương tiện và quy trình, thì nhiệt huyết lần trách nhiệm và lòng yêu nước của các anh, chị, em tối là sức mạnh của sân bay quốc tế Vân Đồn. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười "đồng đội" khi thấy đồng bào đặt chân lên đất mẹ.

      (2) Chiều nay, vừa nhận được tin nhắn của con gái không được gặp ba sau nhiều tháng xa cách: "Ba nhớ giữ gìn sức khỏe!", cũng là lúc đồng nghiệp gửi cho tôi hình chụp lời bình luận trên mạng dưới thông tin sân bay quốc tế Vân Đồn đón đồng bào về nước: "Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể chưa cất cánh về mặt kinh tế, nhưng đã khởi đầu bằng một nhiệm vụ quốc gia nặng nghĩa nặng tình!".

      (3) Khóe mắt tôi bỗng cay cay. Hình ảnh một thương cảng Vân Đồn sầm uất 100 năm trước hiện lên cùng niềm tin. Tôi biết, sau những chuyến đón đồng bào về tổ quốc, sẽ là những chuyến đón đưa nhộn nhịp kết nối Việt Nam với khắp năm châu. Sau những ánh mắt mừng vui của các "chiến binh" áo trắng, áo xanh của tôi ngoài kia đón "người mình” an toàn về tổ quốc, sẽ là nụ cười hạnh phúc của các anh chị em, thấy quê hương mình phát triển và trên con đường chông gai khó kể, Vân Đồn sẽ cất cánh bằng niềm tin của Tổ quốc Việt Nam.

      (Phạm Ngọc Sáu, http://vnexpress.net/goc-nhin/cat-canh-bang-niem-tin-4074950.html)

      Câu 1. (0,5 điểm) Trong đoạn văn (1), tác giả khẳng định những cơ sở nào khiến sân bay Vân Đồn được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch ?

      Câu 2. (0,5 điểm) Xác định các lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn (2).

      Câu 3. (0,5 điểm) Chỉ ra hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn (3).

      Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn 2020 Quảng Ninh

      Đề thi văn vào 10 Quảng Ninh 2019

      Câu 1. (2,0 điểm)

      Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

      Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

      Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

      Đoàn thuyền đánh cả lại ra khơi,

      Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

      (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2017, tr.139)

      a. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

      b. Từ “lại" trong câu thơ thứ ba được tác giả sử dụng chủ yếu để diễn tả điều gì?

      c. Xác định và chỉ rõ các biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu.

      d. Khái quát nội dung đoạn thơ bằng một câu văn.

      Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi tuyển sinh lớp 10  môn văn 2019 Quảng Ninh

      Đề thi vào lớp 10 môn Văn Quảng Ninh 2018

      Câu 1. (2,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

      ... Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

      Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

      Nhóm nồi xôi gạo mới sẽ chung vui

      Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ ...

      (Ngữ văn 9 Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr143)

      a. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

      b. Trong các từ nhóm trên, từ nào được dùng với nghĩa gốc, từ nào được dùng với nghĩa chuyển? Giải thích nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ nhóm trong đoạn thơ.

      c. Nêu hiệu quả nghệ thuật của điệp từ nhóm trong đoạn thơ trên.

      Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi văn vào lớp 10 Quảng Ninh 2018

      Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn năm 2017 Quảng Ninh

      đề thi môn văn vào lớp 10 Quảng Ninh 2017

      Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi môn văn vào lớp 10 Quảng Ninh 2017

        Đọc tài liệu vừa gửi tới các em nội dung chi tiết để thi tuyển sinh vào 10 môn văn Quảng Ninh năm 2021 và tổng hợp đề thi vào 10 môn văn các năm trước.

        Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình. Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 chính xác nhất.

        Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
        Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
        Hủy

        CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM