Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 9 tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019/2020

Xuất bản: 22/06/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019/2020 vừa diễn ra với nội dung về bài thơ Viếng lăng Bác và nghị luận ý nghĩa của việc đọc sách.

Mục lục nội dung

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2019/2020 của tỉnh Vĩnh Phúc vừa diễn ra với 2 nội dung chính:

- Đọc hiểu (trắc ghiệm): 2 điểm

- Làm văn (8 điểm)

+ Nghị luận xã hội: suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc đọc sách

+ Nghị luận văn học: Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác.

Chi tiết đề thi như sau:

Đề thi

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II, NĂM HỌC 2017 - 2020

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 9

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao để

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm) 

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, có găng tích lũy ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại.

(Ngữ văn 9, tập hai, NXBGDVN, 2014, tr.3) 

Câu 1. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào?

A. Bàn về đọc sách

C. Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

B. Tiếng nói của văn nghệ

D. Phong cách Hồ Chí Minh

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 3. Hai câu văn sau sử dụng các phép liên kết nào?

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. 

A. Phép lặp, phép nối

B. Phép thể, phép lặp

C. Phép nối, phép thế

D. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa

Câu 4. Câu văn "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn” là kiểu câu gì xét theo cấu tạo ngữ pháp?

A. Câu đơn

B. Câu ghép

C. Câu đặc biệt

D. Câu rút gọn

II. PHẦN TỰ LUẬN (8.0 điểm) 

Câu 1 (3.0 điểm).

Từ nội dung đoạn trích ở phần 1, kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn khoảng 10 câu nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc đọc sách.

Câu 2 (2.0 điểm). Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

(Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXBGDVN, 2014, tr58)

...Hết...

Đáp án

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

1. A

2. D

3. A

4. B

II. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1.

Mở đoạn: Nêu được việc đọc sách có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc sống con người.

Thân đoạn

- Sách là nơi lưu trữ toàn bộ sản phẩm tri thức của con người, giúp ích cho con người về mọi mặt trong đời sống xã hội.

- Chứng minh tác dụng của việc đọc sách:

+ Đọc sách giúp ta có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết, thu thập thông tin một cách nhanh nhất (nêu dẫn chứng).

+ Sách bồi dưỡng tinh thần, tình cảm cho chúng ta, để chúng ta trở thành người tốt (dẫn chứng)

+ Sách là người bạn động viên,chia sẻ làm vơi đi nỗi buồn (dẫn chứng)

- Tác hại khi không đọc sách: Hạn hẹp về tầm hiểu biết, tâm hồn cằn cỗi.

- Phương pháp đọc sách:

+ Phải chọn sách tốt, có giá trị để đọc

+ Phải đọc kỹ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm suy nghĩ, ghi chép những điều bổ ích.

+ Thực hành, vận dụng những điều học được từ sách vào cuộc sống hàng ngày.

Kết đoạn: Khẳng định sách là người bạn tốt của con người và có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới sự phát triển và duy trì cuộc sống của con người.

Xem thêm tại: Nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách

Câu 2.

Dàn ý tham khảo

a) Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương, bài thơ Viếng lăng Bác rồi dẫn dắt trích dẫn 2 đoạn thơ.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ Tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội, vào lăng viếng Bác.

- Mạch cảm xúc chính: niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi nhà thơ ra viếng Bác.

* Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ khi đến lăng Bác

- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” -> lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng.

+ Cách xưng hô “con - Bác” thân thương, gần gũi, diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.

+ “Con” ở đây cũng là cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao.

+ Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế -> Cách nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát.

=> Bác đã mãi mãi ra đi nhưng hình ảnh của Người vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.

- Cảnh quang quanh lăng Bác:

"...Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

+ Hình ảnh hàng tre:  hình ảnh đầu tiên mà tác giả quan sát được,cảm nhận được, và có ấn tượng đậm nét là hình ảnh hàng tre. Từ “hàng tre” được điệp lại hai lần trong khổ thơ gợi lên vẻ đẹp đẽ vô cùng của nó.

+ Hình ảnh thực: Trước hết, hàng tre là hình ảnh hết sức thân thuộc và gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.

+ Hình ảnh ẩn dụ: Hình ảnh hàng tre còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam.

+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn thử thách của lịch sử dân tộc tộc.

+ Dáng “đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ.

=> Niềm xúc động và tự hào về đất nước, dân tộc, con người Nam Bộ, những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.

*Khổ 2: Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác

- Hình ảnh vĩ đại khi bước đến gần lăng Bác:

(Trích thơ)

+ Cụm từ chỉ thời gian “ngày ngày” được lặp lại như muốn diễn tả hiện thực đang vận chuyển của thiên nhiên, vạn vật mà sự vận chuyển của mặt trời là một điển hình.

+ Hình ảnh "mặt trời"

  • “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực : mặt trời thiên tạo, là nguồn sáng của vũ trụ, gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống và ánh sáng.
  • “mặt trời trong lăng” là một ẩn dụ sáng tạo và độc đáo : hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh của dân tộc ta.

- Hình ảnh dòng người đang tuần tự tiến vào thăm lăng Bác:

+ Tác giả đã liên tưởng đó là “tràng hoa” được kết từ dòng người đang tuần tự, trang nghiêm bước vào viếng lăng, như đang dâng hương hoa lòng thơm ngát lên Bác kính yêu.

=> Sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc và nỗi tiếc thương vô hạn của muôn dân đối với Bác.

* Đặc sắc nghệ thuật trong khổ 1, 2

- Cảm xúc dâng trào, cách diễn đạt thật chân thật, tha thiết

- Hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ - biểu tượng vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm, tạo nên niềm đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc.

- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng.

c) Kết bài: Cảm xúc của em khi đọc 2 khổ thơ này. Qua đó ta thấy được tình cảm chân thành, bình dị mà tha thiết của tác giả nói riêng cũng như nhân dân miền Nam nói chung đối với Bác.

Xem thêm văn mẫu: Cảm nhận của em về hai khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

-/-

Trên đây là đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 của tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2019/2020 chi tiết, các em có thể tham khảo thêm các bài tập khác cũng như văn mẫu lớp 9 hay do Đọc tài liệu thực hiện nhé!

- Đề thi học kì 2 Ngữ văn lớp 9 năm 2020 - Đọc tài liệu - 

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM