Đề thi giữa học kì 2 môn văn THCS Trọng Điểm năm 2021

Xuất bản: 26/03/2021 - Tác giả:

Đề thi giữa học kì 2 môn văn trường THCS Trọng Điểm năm 2021 chắc chắn là tài liệu các em cần ngay lúc này để ôn tập cho kì thi giữa kì.

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2020/2021 của trường THCS Trọng Điểm vừa diễn ra với các nội dung sau:

- Câu 1: Đọc hiểu (3 điểm): "Giáo dục tức là giải phóng...."

- Câu 2: đoạn văn ngắn nghị luận về chủ đề "suy nghĩ của em về lối sống biết sẻ chia".

- Câu 3: nghị luận văn học: Cảm nhận về khổ thơ 4, 5 bài Mùa xuân nho nhỏ.

Chi tiết đề thi như sau:

Đề thi giữa học kì 2 Văn 9 THCS Trọng Điểm

PHÒNG GD&ĐT CẨM PHẢ

TRƯỜNG THCS TRỌNG ĐIỂM

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2020 - 2021

MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9

Thời gian làm bài : 90 phút

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Giáo dục tức là giải phóng (1). Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hòa bình, công bằng và công lí (2). Những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này - các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ - gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tùy thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy (3)",

(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục - chìa khóa của tương lai) 

a. Xác định phương thức biểu đạt và nội dung chính của đoạn văn

b. Chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu (1) và câu (2) của đoạn văn. Cho biết đó là phép liên kết gì?

c. Chỉ ra các từ ngữ là thành phần biệt lập trong đoạn văn trên. Cho biết tác dụng của thành phần biệt lập đó?

Câu 2. (1,0 điểm).

Cho biết ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “sấm”, “hàng cây đứng tuổi” và nêu ý hiểu của em về hai câu thơ sau:

“Sấm cũng bớt bất ngờ 

Trên hàng cây đứng tuổi

(Hữu Thỉnh, Sang thu)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm)

“Một ánh lửa sẻ chia là nuột ánh lửa lan tỏa... Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng...”.

(Trích Ngữ văn 7, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018) 

Lấy câu nói trên làm gợi ý, hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu, trình bày suy nghĩ của em về lối sống biết sẻ chia, trong đoạn văn có sử dụng một thành phần biệt lập (cho biết đó là thành phần gì?).

Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

(Trích: “Mùa xuân nho nhỏ” - Thanh Hải)

Hết

Đáp án tham khảo đề thi giữa học 2 môn văn THCS Trọng Điểm

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Giáo dục tức là giải phóng (1). Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hòa bình, công bằng và công lí (2). Những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này - các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ - gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tùy thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy (3)",

(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục - chìa khóa của tương lai) 

a. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Nội dung chính của đoạn văn: Giáo dục mở ra cánh cửa dẫn đến hòa bình, công bằng và công lí.

b. Từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu (1) và câu (2) của đoạn văn: "Giáo dục = Nó" => Phép thế

c. Thành phần biệt lập” các thầy cô giáo , các bậc cha mẹ , đặc biệt là những người mẹ - gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng” => thành phần phụ chú.

Câu 2. 

Gợi ý: Hàng cây đứng tuổi như con người từng trải, không còn thấy bất ngờ trước những vang động bất thường của cuộc sống

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

Dẫn dắt vẫn đề: lối sống biết sẻ chia thông qua dẫn trích của đề bài: "Một ánh lửa sẻ chia là nuột ánh lửa lan tỏa... Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng...”.

Bàn luận: Tài liệu chi tiết có trong "nghị luận về sự sẻ chia trong cuộc sống" bao gồm dàn ý cũng như bài mẫu mà em có thể tham khảo.

Câu 2. Gợi ý những nội dung chính

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:

+ Thanh Hải là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân, về khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.

- Giới thiệu 2 khổ thơ: thể hiện rõ nhất khát vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của tác giả cũng như của dân tộc.

(Xem chi tiết hơn trong bài phân tích khổ 4, 5 bài Mùa xuân nho nhỏ để có cái nhìn sâu sắc hơn.)

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được tác giả sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu, trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách.

- Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm, mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.

* Phân tích khổ thơ thứ 4: Khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời

Ta làm con chim hót,

....

Một nốt trầm xao xuyến

- Điệp từ “ta làm” cùng với nhịp thơ dồn dập diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ:

  • muốn làm con chim hót : góp tiếng hót cho cuộc đời
  • muốn làm một cành hoa : góp chút sắc hương cho cuộc sống

-> Ước mong giản dị, đơn sơ để tô điểm cho vườn hoa mùa xuân muôn hương muôn sắc của đất nước.

  • một nốt trầm -> không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về.

- Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ mà còn là khát vọng chung của nhiều người.

-> Khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, nguyện hi vinh cho sự phồn vinh của đất nước.

=> Đây là tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết.

* Phân tích khổ thơ thứ 5: Ước nguyện cống hiến chân thành không kể tuổi tác

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời"

- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến -> Tác giả muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất nước.

- Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.

-> Lẽ sống cống hiến lặng lẽ, khiêm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến.

"Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

- Điệp ngữ “dù là” : thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người

- "tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già.

-> Lời hứa, lời tự nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.

=> Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả.

* Đặc sắc nghệ thuật trong 2 khổ thơ:

Sử dụng các từ láy, điệp từ hiệu quả

  • Hình ảnh đẹp, giản dị
  • Ngôn từ chính xác, tinh tế, gợi cảm
  • So sánh và ẩn dụ sáng tạo

c) Kết bài

  • Khái quát giá trị nội dung của 2 khổ thơ.
  • Cảm nhận của em về 2 khổ thơ.

-/-

Trên đây là đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 của THCS Trọng Điểm chi tiết, các em có thể tham khảo thêm các bài tập khác cũng như văn mẫu lớp 9 hay do Đọc tài liệu thực hiện nhé!

- Đề thi học kì 2 Ngữ văn 9 - Đọc tài liệu - 

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM