Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 25: Hô hấp tế bào, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho nội dung bài học tìm hiểu về quá trình hô hấp tế bào ở thực vật và động vật, một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào và một số vận dụng hiểu biết về hô hấp tế bào trong thực tiễn.
Giải KHTN 7 bài 25 Chân trời sáng tạo
Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 25 Chân trời sáng tạo:
Câu hỏi mở đầu trang 116 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Khi chúng ta vận động mạnh như chơi thể thao, lao động nặng,… nhịp hô hấp của cơ thể sẽ tăng lên giúp cơ thể lấy được nhiều khí oxygen và giải phóng nhiều khí carbon dioxide, đồng thời nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên. Hiện tượng này được giải thích như thế nào?
Trả lời:
Hô hấp tế bào phân giải glucose trong điều kiện có O2 thành CO2, H2O và năng lượng (gồm hóa năng và nhiệt năng). Khi vận động mạnh như chơi thể thao, lao động nặng,… cơ thể hoạt động liên tục nên cần sử dụng nhiều năng lượng. Lúc này, quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Do đó:
- Nhịp hô hấp của cơ thể tăng lên để đảm bảo cung cấp đủ oxygen – nguyên liệu của quá trình hô hấp tế bào và đào thải kịp thời khí carbon dioxide – sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào.
- Quá trình hô hấp ngoài giải phóng năng lượng cho cơ thể sử dụng còn giải phóng ra nhiệt. Do đó, khi quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh, nhiệt lượng tỏa ra càng nhiều khiến nhiệt độ cơ thể tăng hơn mức bình thường.
1. Hô hấp tế bào
Câu 1 trang 116 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Quan sát Hình 25.1, em hãy cho biết:
a) Nguyên liệu tham gia và sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào. Từ đó, hãy viết phương trình hô hấp tế bào dưới dạng chữ.
b) Hô hấp tế bào diễn ra ở đâu.
Trả lời:
a) Nguyên liệu tham gia và sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào là:
+ Nguyên liệu tham gia: Glucose, O2
+ Sản phẩm: CO2, H2O và năng lượng (ATP và Q)
-> Phương trình hô hấp tế bào dưới dạng chữ: Glucose + Oxygen → Carbon dioxide + Nước + Năng lượng (ATP)
b) Hô hấp tế bào diễn ra ở tế bào chất và ti thể (đối với sinh vật nhân thực).
Câu 2 trang 116 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hô hấp tế bào có vai trò gì đối với cơ thể sinh vật?
Trả lời:
* Hô hấp tế bào có vai trò:
- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào và các nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.
- Hô hấp tế bào tạo ra nhiệt năng giúp cơ thể duy trì được thân nhiệt ổn định.
- Giúp phân giải các phân tử chất hữu cơ (chủ yếu là glucose) thành khí carbon dioxide và nước, đồng thời tạo ra năng lượng ATP cung cấp cho các hoạt động của tế bào.
Câu 3 trang 116 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
So sánh cường độ hô hấp của một vận động viên đang thi đấu và một nhân viên văn phòng. Giải thích sự khác nhau đó.
Trả lời:
Cường độ hô hấp của một vận động viên đang thi đấu nhanh hơn nhiều so với một nhân viên văn phòng vì khi đang thi đấu, các tế bào cơ bắp của vận động viên cần rất nhiều năng lượng trong khi thi đấu, còn nhân viên văn phòng có nhu cầu năng lượng thấp hơn nên hô hấp tế bào sẽ diễn ra chậm hơn.
=> Quá trình hô hấp tế bào phải được tăng cường, diễn ra mạnh mẽ hơn để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
Câu hỏi củng cố trang 116 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hãy xác định quá trình chuyển hóa năng lượng trong hô hấp tế bào.
Trả lời:
Quá trình chuyển hóa năng lượng trong hô hấp tế bào:
- Hóa năng (lưu trữ trong các hợp chất hữu cơ) -> Hóa năng (lưu trữ trong ATP).
- Hóa năng -> Nhiệt năng (một phần năng lượng được giải phóng ra dưới dạng nhiệt).
Trong hô hấp tế bào, hóa năng trong glucose (năng lượng khó sử dụng) được chuyển hóa thành hóa năng tích lũy trong các phân tử ATP (năng lượng dễ sử dụng) và nhiệt năng.
2. Mối quan hệ hai chiều giữa tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào
Câu 4 trang 117 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Quan sát Hình 25.2, hãy cho biết quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ trong tế bào có mối quan hệ với nhau như thế nào?
Trả lời:
Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ trong tế bào là hai quá trình trái ngược nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau đảm bảo duy trì các hoạt động sống của tế bào.
Thông qua quá trình tổng hợp, sinh vật tạo ra các hợp chất phức tạp để xây dựng tế bào và dự trữ năng lượng. Quá trình tổng hợp cần có các nguyên liệu phù hợp và tiêu tốn năng lượng. Ngược lại, quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu phù hợp cho quá trình tổng hợp.
Câu 5 trang 117 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Dựa vào kiến thức đã học, hãy phân tích mối quan hệ giữa quá trình quang hợp và quá trình hô hấp tế bào.
Trả lời:
Mối quan hệ giữa quá trình quang hợp và quá trình hô hấp tế bào:
- Hô hấp tế bào và quang hợp là hai quá trình trái ngược nhau là vì: Quang hợp là quá trình lá cây tổng hợp chất hữu cơ, tích lũy năng lượng từ carbonic và nước nhờ có diệp lục và sử dụng ánh sáng, thải ra oxygen. Còn hô hấp là quá trình sử dụng oxygen phân giải chất hữu cơ, giải phóng năng lượng cung cấp cho hoạt động sống của cơ thể, đồng thời thải ra khí carbonic và nước.
- Hai quá trình này liên quan chặt chẽ với nhau vì: Hô hấp tế bào sẽ không thực hiện được nếu không có chất hữu cơ do quang hợp tạo ra. Ngược lại, nếu không có hô hấp tế bào thì các hoạt động sống của cơ thể đều không diễn ra trong đó có cả quang hợp.
Câu hỏi củng cố trang 117 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Dựa vào Hình 25.2, hãy lập bảng phân biệt quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào.
Trả lời:
Quá trình tổng hợp chất hữu cơ | Quá trình phân giải chất hữu cơ | |
Nguyên liệu | Nước, carbon dioxide, ATP (năng lượng) | Glucose, oxygen |
Sản phẩm | Glucose, oxygen | Nước, carbon dioxide, ATP (năng lượng) |
3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
Câu 6 trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Quá trình hô hấp tế bào có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Trả lời:
Quá trình hô hấp tế bào có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố môi trường như: nhiệt độ, hàm lượng nước, nồng độ oxygen, nồng độ carbon dioxide,…
Câu 7 trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hô hấp tế bào?
Trả lời:
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp tế bào thông qua sự tác động đến các enzyme xúc tác phản ứng hóa học.
- Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp ở sinh vật là khoảng 33 - 35°C. Một số loài tảo ở suối nước nóng có thể hô hấp ở 80°C.
Câu 8 trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hàm lượng nước và cường độ hô hấp có mối quan hệ với nhau như thế nào? Giải thích.
Trả lời:
Hàm lượng nước tỷ lệ thuận với cường độ hô hấp, hàm lượng nước trong cơ quan hô hấp càng cao thì cường độ hô hấp càng cao và ngược lại. Vì nước là dung môi hòa tan các chất, là môi trường cho các phản ứng hóa học trong quá trình hô hấp tế bào đồng thời có thể trực tiếp tham gia vào các phản ứng.
Câu 9 trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Nồng độ oxygen và carbon dioxide ảnh hưởng đến quá trình hô hấp tế bào như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu cây bị ngập úng?
Trả lời:
- Ảnh hưởng của nồng độ oxygen và carbon dioxide đến quá trình hô hấp tế bào:
+ Oxygen: là nguyên liệu tham gia vào quá trình hô hấp. Khi nồng độ oxygen trong không khí giảm xuống dưới 5% thì cường độ hô hấp giảm.
+ Carbon dioxide: nồng độ carbon dioxide trong không khí thuận lợi cho hô hấp tế bào là 0,03%. Khi nồng độ carbon dioxide tăng sẽ ức chế quá trình hô hấp.
- Nếu cây bị ngập úng:
+ Oxygen trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy oxygen để thực hiện quá trình hô hấp.
+ Tình trạng ngập úng kéo dài sẽ gây ra hiện tượng hô hấp kị khí, sinh ra các chất độc hại đối với tế bào lông hút: các lông hút trên rễ bị chết, rễ bị thối hỏng, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng cho cây, làm cây bị chết.
Câu hỏi củng cố trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hãy vẽ đồ thị thể hiện mối quan hệ giữa nhiệt độ và hô hấp tế bào.
Trả lời:
Đồ thị thể hiện mối quan hệ giữa nhiệt độ và hô hấp tế bào:
Câu hỏi vận dụng trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Vì sao trước khi gieo, người ta thường ngâm hạt trong nước ấm (khoảng 40°C)?
Trả lời:
Trước khi gieo hạt, người ta thường ngâm hạt trong nước ấm (khoảng 40°C) vì hạt nảy mầm phải có sự tác động của các yếu tố bên ngoài và bên trong hạt:
- Nước và nhiệt độ là yếu tố cần bên ngoài. Trong điều kiện được cung cấp đủ nước và nhiệt độ thích hợp, các phản ứng hóa học sẽ xảy ra bên trong chúng.
- Các hormone (auxin, gibberellin, cytokinin) được sản sinh, kích thích các tế bào chồi mầm và rễ hoạt động, phát triển. Các hormone là yếu tố bên trong tác động đến sự nảy mầm của hạt.
4. Vận dụng hiểu biết về hô hấp tế bào trong thực tiễn
Câu 10 trang 118 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Vì sao hô hấp tế bào gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình bảo quản lương thực, thực phẩm?
Trả lời:
Hô hấp tế bào gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình bảo quản lương thực, thực phẩm vì:
- Quá trình hô hấp tế bào phân giải các chất hữu cơ nên làm giảm chất lượng và khối lượng của lương thực, thực phẩm nếu điều kiện bảo quản không phù hợp hoặc bảo quản trong thời gian quá dài.
- Ngoài ra, hô hấp tế bào tạo ra hơi nước và sinh nhiệt tạo điều kiện cho các vi sinh vật phân hủy hoạt động nên làm lương thực và thực phẩm nhanh hỏng.
Câu 11 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Kể tên một số biện pháp được sử dụng để bảo quản lương thực, thực phẩm. Hiện nay, gia đình em đang áp dụng những biện pháp bảo quản nào?
Trả lời:
- Một số biện pháp được sử dụng để bảo quản lương thực, thực phẩm: bảo quản lạnh (đông lạnh, bảo quản trong tủ lạnh), bảo quản khô (sấy khô, phơi khô), bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao (đóng hộp, chai, lọ...), bảo quản trong điều kiện nồng độ oxygen thấp (hút chân không).
- Hiện nay, gia đình em đang áp dụng 2 hình thức bảo quản chính là: bảo quản lạnh và bảo quản khô : đông lạnh; đóng hộp, lọ, chai; muối chua...
Câu 12 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Vì sao các loại hạt được đem phơi khô trước khi được đưa vào kho bảo quản?
Trả lời:
- Độ ẩm không khí là một yếu tố quan trọng giúp vi sinh vật tồn tại và sinh trưởng -> Các loại thức ăn chứa nhiều nước sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
- Độ ẩm cao làm tăng hô hấp ở thực vật, khiến cho hạt, củ nảy mầm nhanh, tạo điều kiện cho các loại nấm mốc phát triển -> Nên phơi sấy khô giúp giữ các loại hạt lâu hơn.
=> Do đó, các loại hạt cần được đem phơi khô trước khi đưa vào kho bảo quản.
Câu 13 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Em hãy cho biết cơ sở khoa học của việc bảo quản lương thực, thực phẩm ở nóng độ carbon dioxide cao và nóng độ oxygen thấp.
Trả lời:
- Cơ sở khoa học của việc bảo quản lương thực, thực phẩm ở nồng độ carbon dioxide cao: Nồng độ CO2 cao khiến cho sự chênh lệch hàm lượng giữa khí O2 và CO2 trong môi trường thấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc hấp thu O2 để cung cấp cho quá trình hô hấp đồng thời CO2 là sản phẩm thải ra của hô hấp cũng sẽ không được thải ra ngoài, gây độc cho tế bào. Chính vì vậy, quá trình hô hấp tế bào chậm lại.
- Cơ sở khoa học của việc bảo quản lương thực, thực phẩm ở nồng độ oxygen thấp: Oxygen chính là nguyên liệu tham gia trực tiếp vào quá trình hô hấp tế bào. Do đó, nồng độ oxygen thấp sẽ làm giảm quá trình hô hấp của tế bào.
Câu 14 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Em hãy chọn biện pháp bảo quản phù hợp cho các loại lương thực, thực phẩm sau: rau lang, quả nho, củ cà rốt, hạt thóc, hạt ngô, thịt heo, quả táo, thịt bò, hạt lạc.
Trả lời:
Biện pháp bảo quản phù hợp cho các loại lương thực, thực phẩm:
- Rau lang: bảo quản lạnh, hút chân không.
- Quả nho, quả táo: đóng hộp, sấy khô, hút chân không.
- Củ cà rốt: muối chua; đóng hộp; hút chân không.
- Hạt thóc, hạt ngô, hạt lạc: sấy khô.
- Thịt heo, thịt bò: đông lạnh, hun khói, hút chân không.
Câu hỏi củng cố trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Vì sao một loại thực phẩm được bảo quản quá lâu dù không bị hư hỏng nhưng vẫn bị giảm chất lượng?
Trả lời:
Thực phẩm được bảo quản quá lâu dù không bị hư hỏng nhưng vẫn bị giảm chất lượng là do ở điều kiện bảo quản, quá trình hô hấp tế bào vẫn diễn ra mặc dù đã được đưa về mức tối thiểu. Quá trình đó làm giảm hàm lượng các chất như pretein, lipid, carbonhydrat, vitamin, khoáng chất,… và hao hụt về khối lượng của thực phẩm.
Câu 15 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Có những biện pháp nào giúp quá trình hô hấp tế bào ở người diễn ra bình thường?
Trả lời:
Có những biện pháp giúp quá trình hô hấp tế bào ở người diễn ra bình thường đó là: Chế độ lao động hoặc chơi thể thao vừa sức, tránh thiếu hụt oxygen; chế độ dinh dưỡng hợp lý; trồng nhiều cây xanh; không sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất có tác dụng ức chế quá trình hô hấp...
Câu 16 trang 119 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Chế độ dinh dưỡng hợp lí và trồng nhiều cây xanh có ý nghĩa gì đối với hô hấp tế bào?
Trả lời:
- Ý nghĩa của chế độ dinh dưỡng hợp lí đối với hô hấp tế bào: cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho tế bào, giúp tế bào có nguyên liệu để thực hiện hoạt động hô hấp tế bào, đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Ý nghĩa của trồng nhiều cây xanh đối với hô hấp tế bào: giúp cân bằng nồng độ oxygen và carbon dioxide trong không khí, giúp không khí thoáng mát, trong lành,… đảm bảo quá trình hô hấp tế bào diễn ra thuận lợi.
Câu hỏi vận dụng trang 120 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hãy tìm hiểu và cho biết tác dụng của một số chất gây ức chế quá trình hô hấp tế bào ở người. Từ đó, đề xuất các biện pháp để cải thiện sức khoẻ hô hấp ở người.
Trả lời:
- Tác dụng của một số chất gây ức chế quá trình hô hấp tế bào ở người:
+ Chất gây ức chế hô hấp ở tế bào não: làm giảm chuyển hóa ở não nhưng tăng lưu lượng máu não nên tăng áp lực sọ não.
+ Chất gây ức chế hô hấp ở tế bào hệ tim mạch: ức chế tim, giãn mạch, hạ huyết áp.
+ Chất gây ức chế hô hấp ở tế bào cơ: giãn cơ.
- Một số biện pháp để cải thiện sức khoẻ hô hấp ở người:
+ Uống nhiều nước, có chế độ ăn uống hợp lí, tập thể dục thường xuyên.
+ Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ô nhiễm trong không khí: khói bụi từ phương tiện giao thông, bụi mịn,...
+ Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: tránh đến những nơi đông người, nhất là vào mùa dễ bùng phát bệnh về hô hấp, giữ vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng từ đường miệng,...
Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 25 phần Bài tập
Câu 1 trang 120 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Khi trồng cây trong nhà lưới phủ nilon, vì sao người ta thường "bón" carbon dioxide sau khi mặt trời mọc và ngừng "bón" sau khi mặt trời lặn từ 1 - 2 giờ?
Trả lời:
Khi trồng cây trong nhà lưới phủ nilon, người ta thường "bón" carbon dioxide sau khi mặt trời mọc và ngừng “bón" sau khi mặt trời lặn từ 1 - 2 giờ vì:
- Trong khu vực có che phủ nilon mỏng, sự lưu thông khí bị cản trở, lượng CO2 bị hao hụt sau khi cây quang hợp. Do đó nồng độ CO2 sẽ giảm xuống thấp
- Ban đêm cây không quang hợp, tăng hô hấp cây lấy O2, thải CO2
=> Phải bón CO2 cho cây sau khi mặt trời mọc khoảng 30 phút và ngừng bón khi mặt trời lặn khoảng 1-2h. Ban đêm không bón CO2 vì khi nồng độ CO2 quá cao sẽ làm ức chế hô hấp.
Câu 2 trang 120 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Khi trồng cây trong phòng ngủ, vì sao cần phải để phòng ngủ được thông thoáng vào ban đêm?
Trả lời:
Khi trồng cây trong phòng ngủ, cần phải để phòng ngủ được thông thoáng vào ban đêm để tránh xảy ra tình trạng bị ngạt, khó thở do cây thực hiện quá trình hô hấp, lấy đi phần lớn oxygen trong không khí và thải ra khí carbon dioxide.
Câu 3 trang 120 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến cường độ hô hấp của một loài thực vật, người ta thu được kết quả như sau:
Thí nghiệm | Nhiệt độ (°C) | Cường độ hô hấp (mgCO2/g/giờ) |
1 | 5 - 10 | 1,5 |
2 | 15 - 20 | 10,5 |
3 | 25 - 30 | 1050 |
4 | 35 - 40 | 1120 |
5 | 45 - 50 | 98 |
Từ kết quả nghiên cứu trên, em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa nhiệt độ và cường độ hô hấp của loài thực vật nói trên?
Trả lời:
Mối quan hệ giữa nhiệt độ và cường độ hô hấp của loài thực vật nói trên:
- Cường độ hô hấp của loài thực vật này đạt cực đại trong khoảng từ 35 - 40°C, từ 5 - 10°C cường độ hô hấp là thấp nhất.
- Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho hô hấp tế bào ở sinh vật này là 25 - 30°C. Nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn khoảng nhiệt độ này đều làm cường độ hô hấp bị giảm xuống.
Câu 4 trang 120 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Có ý kiến cho rằng nên bảo quản các loại rau, củ trong ngăn đá tủ lạnh thay vì trong ngăn mát do ngăn đá có nhiệt độ thấp hơn nên sẽ bảo quản được lâu hơn. Em có đồng tình với ý kiến đó không? Giải thích.
Trả lời:
- Em không đồng tình với ý kiến trên, vì: Trong rau quả đều chứa một hàm lượng nước (khá nhiều) nhất định. Khi gặp nhiệt độ quá thấp, nước bên trong các loại rau, củ sẽ nhanh chóng trở thành tinh thể băng, phá vỡ cấu trúc của tế bào, các bào quan và làm cho rau quả nhanh bị hỏng.. Bởi vậy, sau khi rã đông, hoa quả và rau củ sẽ bị mềm nhũn, sũng nước không giữ được hương vị và dinh dưỡng như ban đầu.
Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 25 Chân trời sáng tạo: Hô hấp tế bào do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.