Viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 10/08/2022 - Tác giả:

[Chân trời sáng tạo] Viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động trang 112 SGK Ngữ văn 7 tập 1 đầy đủ và chi tiết.

Cùng Đọc tài liệu xem chi tiết nội dung bài soạn Viết trang 112: Viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động sách Chân trời sáng tạo - Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân (Văn bản thông tin).

Soạn bài Viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động

Thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động: là kiểu bài người viết dùng phương tiện giao tiếp ngôn ngữ, hoặc kết hợp với phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ, thuyết minh để người đọc hiểu rõ quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động. Đó chính là những mục mà người tham gia cần tuân thủ, nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho hoạt động.

Yêu cầu đối với kiểu bài: 

- Nhan đề nêu được tên quy tắc/luật lệ của hoạt động.

- Nội dung bài viết cần đảm bảo những phần sau:

  • Giới thiệu ngắn gọn về thời gian, không gian thực hiện hoạt động, mục đích, ý nghĩa của hoạt động.
  • Liệt kê một số phương tiện cần chuẩn bị cho hoạt động
  • Lần lượt thuyết minh về quy tắc/luật lệ của hoạt động: những điều khoản, quy ước nhằm đảm bảo cho hoạt động thực hiện an toàn, hiệu quả.

- Cấu trúc bài gồm các phần: mở đầu, phần chính, kết thúc. Riêng với phần chính của bài viết, cần tập trung thuyết minh về các nội dung/ điều khoản trong quy tắc, luật lệ của hoạt động giúp người tham gia hiểu rõ và tuân thủ

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Thuyết minh về một quy tắc trong hoạt động dã ngoại (có cắm trại) ở đại bàn vùng núi trang 113, 114.

Câu 1: Phần mở đầu có nêu rõ được quy tắc, luật lệ của hoạt động mà người viết cần thuyết minh hay chưa?

Trả lời:

Phần mở đầu có đã rõ được quy tắc, luật lệ của hoạt động mà người viết cần thuyết minh, chính là giới thiệu một số lưu ý, quy tắc cần tuân thủ khi tìm hiểu phong cảnh thiên nhiên ở địa phương của lớp

Câu 2: Phần chính của văn bản có tập trung thuyết minh làm rõ các quy tắc hay luật lệ của hoạt động theo yêu cầu của kiểu bài này hay không?

Trả lời:

Phần chính của văn bản có tập trung thuyết minh làm rõ các quy tắc hay luật lệ của hoạt động theo yêu cầu của kiểu bài này.

Bao gồm các quy tắc: Thứ nhất…Thứ hai…Thứ ba… Cuối cùng… và giải thích chi tiết những quy tắc an toàn đó.

Câu 3: Các điều khoản hay nội dung cụ thể của quy tắc/luật lệ có được sắp xếp hợp lí và văn bản có sử dụng được từ ngữ thích hợp để thể hiện trình tự ấy không?

Trả lời:

Các điều khoản hay nội dung cụ thể của quy tắc/luật lệ có được sắp xếp hợp lí và văn bản có sử dụng được từ ngữ thích hợp để thể hiện trình tự ấy. Em theo dõi văn bản.

Câu 4: Khi một điều khoản cần được nhấn mạnh, hoặc cụ thể hóa với nhiều chi tiết thì văn bản đã được thể hiện theo cách nào?

Trả lời: 

- Khi một điều khoản cần được nhấn mạnh, hoặc cụ thể hóa với nhiều chi tiết thì văn bản đã được thể hiện theo cách là sử dụng từ ngữ hàm ý nhấn mạnh “cần ghi nhớ”, “phải cẩn thận”, “phải làm vậy” và cụ thể hóa bằng những ví dụ thực tế rất rõ ràng.

Câu 5: Phần kết thúc của văn bản đã đáp ứng được yêu cầu chưa?

Trả lời:

Phần kết thúc của văn bản đã đáp ứng được yêu cầu khi khẳng định lại quy tắc, nhận định về độ tin cậy, ý nghĩa thực tế của quy tắc hoạt động.

Hướng dẫn quy trình viết: Thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động

Một số mẫu hoạt động mà các em có thể thực hiện:

1. Chi chi chành chành.

- Giới thiệu trò chơi: Những trò chơi dân gian được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc ta. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến dành cho trẻ em là trò chơi Chi chi chành chành.

- Miêu tả cách chơi: Người chơi có thể từ 2 - 3 người trở lên. Một người đứng ra trước xòe bàn tay ra các người khác giơ ngón trỏ ra đặt vào long bàn tay vào. Người xòe bàn tay đọc thật nhanh:

Chi chi chành chành.

Cái đanh thổi lửa.

Con ngựa chết chương.

Ba vương ngũ đế.

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập.

Đọc đến chữ “ập” người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì vào thế chỗ người xòe tay và vừa làm vừa đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.

- Tác dụng của trò chơi: giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn cho các bé và không đòi hỏi phải có sân chơi cũng như cần có quá nhiều người chơi.

2. Kéo co.

Giới thiệu trò chơi: Với đời sống văn hóa của con người Việt nam từ bao đời nay là vô cùng phong phú và đa dạng. Những trò chơi dân gian luôn dành được sự yêu thích của rất nhiều người. Một trong những nét đẹp văn hóa ấy là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta. Đây là một trò chơi mang tính đồng đội, tập thể, phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ gái trai. Trò chơi ấy không chỉ phổ biến ở vùng đồng quê, nông thôn mà người dân thành phố cũng có thể tham gia. Đặc biệt trong các dịp lễ hội, thi đua, team building đều không thể có sự vắng mặt của trò chơi kéo co.

Miêu tả cách chơi: Để tổ chức chơi kéo co, người chơi cần chuẩn bị một chiếc dây thừng dài, chắc chắn. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài của dây cho phù hợp. Phần giữa của sợi dây được buộc dấu bằng vải màu. Cách vạch trung tâm về hai phía khoảng một mét là vạch xuất phát của hai đội. Thông thường, mỗi đội chơi thường có 10-15 người ngang sức ngang tài.

Miêu tả luật chơi: Sẽ có một người được cử ra làm trọng tài, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Bên nào kéo phần vải đã được đánh dấu trên dây về nhiều hơn thì sẽ dành chiến thắng. Khi kéo, cũng có rất nhiều luật lệ được đặt ra cho người chơi, như không được phép nằm, đè lên dây, không được phép gian lận. Thông thường, các đội sẽ có những cách bố trí chiến thuật chơi khác nhau, người đội trưởng thường đứng đầu làm chỗ dựa cho các thành viên. Những tiếng hô vang 1…2 được vang lên dõng dạc như một biện pháp khích lệ tinh thần cho các thành viên.

Để phân chia thắng bại công minh, trò chơi thường được chia làm 3 vòng thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài có thể chỉ vài giây cho đến vài phút. Trò chơi đòi hỏi sức bền rất lớn, tinh thần đoàn kết của đồng đội. Trong quá trình chơi, tay có thể dễ bị phồng rộp, đau rát do lực ma sát của dây thừng. Thế nhưng, bỏ qua những mệt mỏi mà cảm giác dành được chiến thắng cũng rất vui vẻ. Trò chơi tuy đơn giản nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, hô hào của cả người chơi và các cổ động viên. Mọi người khi tham gia cổ vũ đều hò hét, khua chiêng đánh trống vang dội để tiếp sức mạnh tinh thần cho người chơi.

Tác dụng của trò chơi: Trò chơi kéo co được sử dụng qua rất nhiều các dịp lễ hội, trại hè. Như các ngày lễ tại trường học, nhà trường cũng thường tổ chức chơi kéo co cho các bạn học sinh, nhằm rèn luyện sức khỏe và tăng tính đồng đội, hợp tác cho các bạn học sinh.

Hiện nay, có rất nhiều trò chơi dân gian đã bị thay thế bởi những trò chơi game hiện đại, cuốn hút. Thế nhưng, trò chơi kéo co chắc chắn vẫn luôn được yêu mến, giữ gìn bởi những thế hệ về sau.

3. Đập niêu đất.

Đập niêu đất là trò chơi không biết có từ bao giờ nhưng đến nay, nó đã trở thành hoạt động không thể thiếu trên quê hương em trong những ngày đầu xuân năm mới.

Đập niêu đất là một trò chơi thú vị, thu hút sự tham gia cổ vũ của rất nhiều người. Nó thường diễn ra vào những lễ hội mỗi dịp Tết đến với sự tham gia của các thôn, xóm nhỏ. Mỗi thôn, xóm sẽ cử ra hai người làm thành một đội chơi để tham gia tranh tài.

Để chơi trò chơi, người ta dựng đoạn tre to, chắc khỏe cao khoảng hai mét xuống đất. Sau đó, nối hai cây lại với nhau bằng một đoạn tre nằm ngang. Lúc này ba đoạn tre đã tạo thành hình giống như một cái cổng nhà. Trên thanh tre nằm ngang, ban tổ chức sẽ treo khoảng năm, sáu niêu đất lủng lẳng. Nhiệm vụ của các đội chơi là phải cầm gậy gỗ đập hết các niêu đất đó trong thời gian sớm nhất để giành chiến thắng. Để cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức đã yêu cầu một đội chơi phải có một người cõng một người trên lưng, cả hai người sẽ cùng bị bịt mắt và dựa vào trí nhớ của mình để đập niêu đất.

Để công bằng, các đội chơi sẽ lần lượt chơi và có trọng tài bấm giờ. Mỗi khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội chơi sẽ phải dựa vào trí nhớ của mình và sự chỉ dẫn của dân làng để xác định và tiến đến vị trí của niêu đất; người được cõng trên lưng sẽ cố gắng đập vỡ niêu đất, còn người cõng sẽ cố gắng đứng vững và di chuyển theo sự chỉ dẫn của dân làng. Vì thế, mỗi khi một đội chơi xuất phát là tiếng hò reo, cổ vũ lại vang lên tạo thành một bầu không khí rất vui nhộn.

Sau khi các đội chơi của các thôn, xóm đã chơi xong, người dân trong làng và du khách có thể trực tiếp tham gia trò chơi để tự mình trải nghiệm cảm giác đập niêu đất.

Em rất yêu thích và mong chờ trò chơi đập niêu đất. Trò chơi đã trở thành niềm vui, thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương em. Nó giúp cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn khi tết đến, xuân về và nó cũng làm cho con người ở làng quê trở nên gần gũi, thân thuộc với nhau hơn.

-/-

Trên đây là gợi ý Soạn bài Viết bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động sách Chân trời sáng tạo đầy đủ nhất, đừng quên tham khảo trọn bộ Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo

- Tổng hợp các tài liệu và bài học soạn văn 7-

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM