Phân tích vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Xuất bản: 04/04/2023 - Tác giả:

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, top 4 bài văn mẫu hay phân tích vẻ đẹp của mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

Những đoạn văn mẫu phân tích vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ do Đọc Tài Liệu cung cấp trong bài viết này hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu nội dung bài thơ cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn phân tích.

Top 4 bài văn phân tích vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Dưới đây là một số bài văn phân tích vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày.

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mẫu số 1

Chủ đề về mùa xuân luôn là chủ đề quen thuộc trong thơ ca, được nhiều thi sĩ lựa chọn để thể hiện trong tác phẩm của mình. Vậy mỗi người chúng ta hãy thử suy nghĩ xem mình đã từng mê đắm vào những bài thơ về mùa xuân chưa? Nếu có thì điều đó là do tình yêu của bạn dành cho mùa xuân hay bạn cảm thấy đồng cảm với những cảm xúc mà những nhà thơ đã truyền tải qua những vần thơ đó? Các bạn có thể sẽ biết được câu trả lời đích thực sau khi trải nghiệm vẻ đẹp của mùa xuân trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải.

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

Để hiểu rõ "hồn" của bài thơ này, ta cần phải tìm hiểu về hoàn cảnh khi bài thơ được sáng tác. Bài thơ này được sáng tác vào mùa đông năm 1980, khi Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh, cố gắng giữ được tính mạng của mình. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, ông đã qua đời mãi mãi. Nếu là ai khác, thì bài thơ của họ sẽ đầy tuyệt vọng và u tối, nhưng với Thanh Hải, "Mùa xuân nho nhỏ" thể hiện một sức mạnh khó diễn tả, khó lên thành lời. Bài thơ này lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của mùa xuân, tác giả tự hào về mùa xuân đất nước và bày tỏ những khát khao, tâm sự, mong muốn của mình với cuộc đời.

Thanh Hải đã cảm nhận được vẻ đẹp của mùa xuân qua những hình ảnh giản dị và tự nhiên.

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc

Ngay từ hai câu đầu tiên, ta đã cảm nhận được cách viết đầy tinh tế và độc đáo của Thanh Hải. Không giống như bình thường khi viết "Một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh", ông đã đảo lại thứ tự để viết thành "Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc". Điều này đã giúp tác giả tạo được ấn tượng sâu sắc và sống động hơn về vẻ đẹp mùa xuân. Như một bức tranh tuyệt đẹp, bông hoa tím biếc nở rộ giữa dòng sông xuân xanh biếc. Thanh Hải đã hài hòa ghép nối màu xanh của nước và màu tím biếc của hoa thành một tác phẩm nghệ thuật tinh tế và đầy sức sống, tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa và đặc trưng của xứ Huế.

Tuy nhiên, bức tranh mùa xuân ấy không chỉ có hình ảnh mà còn có âm thanh, tiếng của những chú chim chiền chiện với vô số những lời ca vui tươi cất lên: "Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời". Tiếng "ơi" đầy yêu thương bất ngờ được nhà thơ phát ra, như thể đó không phải là tiếng nói từ miệng mà là từ trái tim đong đầy tình yêu với thiên nhiên, phản ánh cảm xúc của nhà thơ khi đối diện với vẻ đẹp của mùa xuân cùng những âm thanh vui tươi. Từ câu hỏi tu từ "Hót chi mà vang trời", cảm xúc của nhà thơ đã thực sự trào dâng. Tiếng chim chiền chiện vang lên xa xa, đánh thức một tâm hồn đang đối mặt với sự bất hạnh, bệnh tật và lưỡi hái của tử thần. Bức tranh mùa xuân xứ Huế quả nhiên luôn đẹp, thanh thoát và mơ màng như vậy.

Thiên nhiên nói riêng và là mùa xuân nói riêng luôn rất phóng khoáng đối với con người, sẵn sàng cống hiến vẻ đẹp cho những ai mở rộng tấm lòng với chúng. Thanh Hải đã thật sự đón nhận mùa xuân với tất cả tài năng của mình, cùng với sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ đã lặng ngắm, lặng nghe bằng trái tim xao động cùng với trí tưởng tượng và liên tưởng độc đáo của mình.

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

Chỉ với hình ảnh "giọt long lanh" đã khiến cho Thanh Hải có những liên tưởng phong phú và thi vị. Đó có thể là giọt sương rơi qua kẽ lá trong sớm mai mùa xuân tươi đẹp, hoặc là giọt nắng lấp lánh bên hiên, hay là giọt mưa xuân đang rơi. Tuy nhiên, trong mạch cảm xúc của nhà thơ, giọt long lanh có thể là âm thanh của tiếng chim vang vọng, chuyển hóa thành từng giọt niềm vui, sự hứng thú, rơi vào trong lòng rộng mở của nhà thơ, thấm vào tình xuân. Thanh Hải đã sử dụng tinh tế phép tu từ chuyển đổi cảm giác để kết hợp cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân qua nhiều giác quan: thị giác, thính giác và xúc giác. Thao tác "tôi đưa tay tôi hứng" thể hiện sự trân trọng, sự nâng niu của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân tươi mới với tất cả những cảm xúc say sưa, xốn xang, rạo rực. Thanh Hải như muốn ôm trọn trong lòng tất cả sức sống của mùa xuân cuộc đời.

Như vậy, chỉ với 6 câu thơ đầu tiên, Thanh Hải đã tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp về xứ Huế: đầy hình ảnh, màu sắc và âm thanh được khắc hoạ trong những vần thơ như nhạc. Bài thơ được viết trong hoàn cảnh mùa đông giá rét của năm 1980, nhưng nhà thơ đã vẽ lên bức tranh mùa xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống bằng tâm hồn luôn đón nhận cuộc sống một cách yêu đời và niềm khao khát vô hạn, mặc dù đối mặt với bệnh tật và thậm chí cái chết.

Sau khi đọc khổ thơ này, tôi bỗng nhận ra rằng cuộc đời ngắn ngủi đến thế! Vì vậy, trong quãng đường sống của mình, con người cần phải sống có ích, sống có ý nghĩa, đóng góp cho cuộc đời. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dành thời gian cho bản thân để cảm nhận những vẻ đẹp mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mẫu số 2

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mở đầu bằng bức tranh mùa xuân của thiên nhiên được phác họa bằng vài nét chấm phá:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc,
Ơi! con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Với vài nét vẽ đơn giản nhưng đầy tinh tế kết hợp cùng những hình ảnh nhỏ bé, thân quen và bình dị, Thanh Hải đã họa lên bức tranh mùa xuân thơ mộng, đậm chất xứ Huế. Bức tranh với không gian rộng mở, màu sắc tươi sáng, hài hòa và ngập tràn âm thanh vui tươi của tiếng chim chiền chiện. Sự lựa chọn khéo léo của những hình ảnh như "dòng sông xanh", "bông hoa tím", và việc sử dụng các từ "ơi", "chi" sau động từ "hót" đã khơi gợi trong người đọc cảm giác quê hương xứ Huế và tâm trạng hân hoan của tác giả.

Dường như trong các câu thơ ấy, ta có thể cảm nhận được màu xanh mềm mại của dòng sông Hương Giang cùng những chiếc áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ, cùng với âm thanh vui tươi, rộn ràng của tiếng chim chiền chiện, khiến mùa xuân của cố đô thêm rực rỡ, sôi động. Tác giả còn truyền tải cảm xúc của mình trước mùa xuân qua những chi tiết tạo hình.

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

Khi đọc những câu thơ này, ta có thể cảm nhận được sự trong trẻo, tròn đầy của tiếng chim hót, vang xa trong không gian, tạo thành từng hạt ngọc rực rỡ như muốn gửi tặng đến những ai đắm mình trong những giây phút đó. Và nhà thơ đã nắm lấy chúng, trân trọng đón nhận từng giọt âm thanh đó, như muốn tôn vinh sự tuyệt vời của thiên nhiên. Hình ảnh trong bài thơ trở nên lung linh và giàu ý nghĩa, giúp tác giả thể hiện được sự say đắm, ngây ngất của mình trước vẻ đẹp của mùa xuân. Tác giả chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước và dành tình cảm của mình cho những con người đang làm cho mùa xuân trở nên tươi đẹp hơn.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.

Những câu thơ trong đó tạo ra hình ảnh đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân, miêu tả về những người chiến sĩ bảo vệ đất nước và những người lao động xây dựng đất nước. "Lộc" theo bước chân của những người cầm súng bước ra chiến trận, theo bàn tay của những người lao động đến đồng ruộng và gieo mùa xuân khắp mọi miền đất nước. Có lẽ vì thế mà không khí khẩn trương, phấn khởi, rộn ràng, náo nức tràn ngập khắp các tỉnh thành.

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.

Những từ "tất cả", "hối hả", "xôn xao" đã tạo nên nhịp điệu hào hứng, sôi nổi của mùa xuân, và mở ra cảm nhận sâu sắc về lòng tự hào với đất nước.

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước

Hình ảnh so sánh tuyệt đẹp "đất nước như vì sao" rực rỡ, luôn đổi mới và phát triển không ngừng, mang ý nghĩa định hướng, thúc đẩy mọi người hăng say cống hiến xây dựng tổ quốc. Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ suy tư về mùa xuân riêng của từng con người và đầy lòng khát khao hiến dâng:

Ta làm con chim hót
Ta làm một canh hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Trong phần này của bài thơ, tác giả đưa ra sự đối chiếu rõ ràng giữa hai hình ảnh đẹp của mùa xuân. Nếu ở đoạn đầu, ông miêu tả âm thanh của tiếng chim chiền chiện vang trời và màu tím nhẹ nhàng của cánh lục bình nhỏ trên sông, thì ở đây, tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối xứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn trở thành một bông hoa thơm ngát, một con chim hót cao vang và những giai điệu đầy cảm xúc để dâng tặng, nhưng không muốn mất đi nét riêng của mỗi người. Đó là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được dành cho sự cống hiến phần tinh túy nhất của bản thân để làm cho mùa xuân của quê hương, của đất nước thêm phong phú và đẹp đẽ, mà không bị giới hạn bởi thời gian hay tuổi tác.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

"Mùa xuân nho nhỏ" là một ý tưởng sáng tạo, độc đáo và tự nhiên của nhà thơ, vì mùa xuân là thời gian và ở đây "mùa xuân" lại có hình hài nhỏ bé như một hình tượng đáng yêu. Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ cho khát vọng sống cao đẹp, ý thức khiêm tốn và mong muốn cống hiến cho sự hoàn thiện mùa xuân của thiên nhiên và đất nước. Các từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không ngừng nghỉ của tác giả. Thể thơ năm chữ có âm điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca, với nhiều hình ảnh đẹp, giản dị và gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo đã góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho bài thơ.

Khi kết thúc bài thơ, tác giả đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bằng những hình ảnh đầy cảm xúc, giai điệu đậm chất thi ca và lời ước nguyện chân thành. Sự khiêm tốn và nhỏ bé của ước nguyện đó không chỉ thuộc về Thanh Hải mà còn là của nhiều người khác. Như vậy, khi đọc xong bài thơ, người đọc không thể không tự hỏi một câu đơn giản:

"Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!"

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mẫu số 3

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được viết vào tháng 11 năm 1980 khi nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh và đây cũng chính là tác phẩm cuối cùng của ông. Toàn bộ nội dung bao trùm bài thơ là cảm hứng đón nhận sự tràn đầy của mùa xuân, thể hiện tình yêu quê hương và sự tự hào về sự phát triển đi lên của đất nước. Đó cũng là tiếng lòng của nhà thơ tha thiết, yêu mến và gắn bó với đất nước, gắn bó với cuộc đời và thể hiện ước nguyện hiến dâng chân thành cho đất nước, dân tộc.

Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên đặc sắc của vùng đất xứ Huế. Không gian rộng lớn được mở ra từ bức tranh mùa xuân với dòng sông, mặt đất và bầu trời. Dòng sông trong xanh, tươi đẹp được miêu tả như một bông hoa tím biếc trên cao, với âm thanh của những con chim nhỏ ríu rít chao động toàn bức tranh. Xen giữa những hình ảnh ảo là các hình ảnh chân thực như dòng sông và tiếng chim.

"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”

Trước cảnh mùa xuân thiên nhiên, cảm xúc của tác giả được diễn tả rất giản dị tập chung ở chi tiết:

"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”

Lời thơ có thể được hiểu theo hai cách khác nhau. Tuy nhiên, dù hiểu như thế nào thì lời thơ vẫn thể hiện niềm yêu mến và say mê của nhà thơ trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên vào mùa xuân.

Ở khổ thơ 2, 3 nhà thơ hướng cảm xúc của mình từ mùa xuân thiên nhiên về mùa xuân đất nước:

"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
...
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”

Trước hết, mùa xuân là mùa của những người chiến sĩ cầm súng, đại diện cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và là những người gieo mầm của mùa xuân, hòa bình và ấm áp cho đất nước. Ý nghĩa này được tóm gọn trong chữ "lộc", được lặp lại hai lần. Nghĩa thực của từ "lộc" là để chỉ mùa xuân - mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng trong bài thơ này, "lộc" cũng được hiểu là búp non trên cành lá ngụy trang của người lính ra trận, hoặc là những bông mạ non được gieo khắp nơi trên những cánh đồng. Những "lộc" đó đại diện cho sức sống vươn lên và phát triển của thế giới. Hình ảnh sóng đôi, điệp ngữ, phép ẩn dụ và so sánh tạo nên nhịp điệu rộn ràng và háo hức của mùa xuân, thể hiện trực tiếp không khí lên đường náo nhiệt, khẩn trương.

Nhờ sự bền bỉ và vững vàng của những người đi trước, ngôi sao của sự hy vọng luôn tỏa sáng và chiếu đường cho thế hệ sau xây dựng đất nước dù cho đất nước đã trải qua bốn ngàn năm gian khổ và vất vả. Trong không khí rộn ràng, hối hả của mùa xuân, mong muốn của nhà thơ là được đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước cùng với mọi người. Nhà thơ có nguyện ước là được trở thành một con chim hát ca vang trong trẻo, tươi vui, làm cành hoa lan tỏa hương sắc trong muôn sắc màu và làm nốt trầm xao xuyến, đầy ý nghĩa trong bản hòa ca cuộc đời. Nhà thơ còn mong muốn trở thành một mùa xuân nhỏ bé, khiêm tốn, lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời, đóng góp vào mùa xuân to lớn của dân tộc.

“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Ngay cả khi sự sống đang vơi dần, tâm hồn tác giả vẫn muốn được cống hiến. Đó là một tinh thần sống cao đẹp, sống để mang lại lợi ích và dành tất cả những điều tốt nhất cho cuộc đời. Vì vậy, cái tôi cá nhân trước mùa xuân thiên nhiên của đất trời đã chuyển sang xưng ta, thể hiện sự hòa hợp giữa cái tôi nhỏ bé và cái ta rộng lớn. Nguyện vọng của nhà thơ không chỉ thuộc về một người mà còn là ước muốn chung của tất cả mọi người. Những câu thơ chỉ gồm năm chữ kết hợp điệp từ, điệp ngữ và điệp cấu trúc tạo ra một nhịp thở liền mạch sôi nổi, trẻ trung, diễn tả những cảm xúc chân thành, thiết tha, tràn đầy khát khao mãnh liệt. Trước khi ra đi, nhà thơ vẫn luôn mang trong mình niềm khát khao sống và tình yêu dành cho quê hương đất nước.

"Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”

"Nam ai, Nam bình" là câu hát nhà thơ muốn hát để đón mùa xuân, nó đã trở thành khúc ca xuân ca tụng đất Huế và biểu lộ niềm tin yêu sâu sắc của mình với quê hương đất nước. Với cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc, Thanh Hải đã gửi gắm những suy nghĩ và bài học sâu sắc trong tâm trí người đọc. Việc sống đời này trở nên có ý nghĩa hơn khi ta cống hiến tất cả cho đất nước yêu dấu của mình. Chúng ta rất biết ơn tác giả Thanh Hải đã mang đến cho chúng ta một góc nhìn mới, một cảm nhận tinh tế về cuộc sống đẹp tươi này.

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mẫu số 4

Mùa xuân là thời điểm đẹp nhất của một năm, là giai đoạn mà những mầm non bắt đầu nảy nở và căng tràn sức sống khắp nơi. Hơi thở của ngày mới mang theo không khí trong lành và mát mẻ, cùng với những chiếc chồi non xanh biếc, những câu dân ca quan họ trữ tình tha thiết. Đây có lẽ là lý do tại sao mùa xuân luôn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ, thể hiện trong những tác phẩm thơ văn như một sự tất yếu và đậm chất trữ tình.

Mùa xuân đối với nhà thơ Thanh Hải vừa là tiếng lòng tha thiết, yêu mến và khát khao gắn bó, khát vọng hiến dâng cho cuộc đời, quê hương đất nước. Đó cũng là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Bài thơ bắt đầu bằng một bức tranh về thiên nhiên tươi đẹp và đầy màu sắc:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Trong khung cảnh đồng quê, cảm nhận về thiên nhiên mùa xuân trở nên tươi mới và thân quen. Màu của những bông hoa lục bình tím biếc rực rỡ soi bóng dòng sông xanh mát, tiếng chim chiền chiện đang ca lên những bài ca về mùa xuân, về tương lai rực rỡ và hạnh phúc của con người. Lời thơ như một giai điệu êm dịu, một lời mời gọi đắm say với khung cảnh thiên nhiên và bức tranh mùa xuân dịu dàng. Hai tiếng "hót chi" là giọng điệu thân quen của người dân xứ Huế, thể hiện cảm xúc thiết tha và yêu đời của con người với cảnh vật. Chỉ cần ngắm nhìn dòng sông xanh, bông hoa nhỏ bé hay lắng nghe tiếng chim hót, con tim ta đã rộn ràng theo nhịp thở của mùa xuân. Vẻ đẹp của sắc trời khi vào xuân chính là vẻ đẹp và sức sống mặn mà.

Chuyển sang khổ thơ thứ hai, tác giả cảm nhận về mùa xuân của đất nước:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài hương lúa.

Đó là một sự chuyển mạch rất nhẹ nhàng và hợp lý vì mùa xuân đó không chỉ là lộc của riêng một vùng miền nào mà là của cả đất nước và dân tộc. Ở đầu mỗi câu, từ "lộc" được đề cập hai lần có thể hiểu như là sức mạnh của dân tộc khi lộc bao phủ trên những cánh đồng, thửa ruộng và bạt ngàn hương vị dịu ngọt của lúa.

Hai lực lượng chính góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ Quốc đó là người ra đồng sản xuất và người cầm súng ra mặt trận chiến đấu. Ở đây, mùa xuân đã trở thành biểu tượng cho ý thức và tinh thần bảo vệ dân tộc cùng với trách nhiệm của từng cá nhân trong việc giữ gìn mùa xuân hòa bình cho dân tộc và đất nước. Máu, mồ hôi và nước mắt của nhân dân Việt Nam đã đóng góp vào xây dựng và bảo vệ những mùa xuân tươi đẹp cho dân tộc mãi mãi.

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Đã có không biết bao nhiêu mùa xuân trôi qua, cùng với đó là những chiến công vĩ đại đã ghi dấu ấn vàng son của dân tộc. Dưới những thử thách khó khăn trong suốt 4 ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, những vất vả và gian lao đã được đáp đền bằng sự phát triển, tiến bộ của đất nước Việt Nam. Với tư cách là một dân tộc tự do và hòa bình, nước Việt Nam hiện nay đang sáng rực như những vì sao trên bầu trời. Từ "cứ" thể hiện sự quyết tâm, ý chí kiên định, một chân lý thiêng liêng về khát khao của cả dân tộc. Những nỗi vất vả đó đã được đền đáp bằng những mùa xuân tươi đẹp, không bao giờ kết thúc. Lời ước nguyện của nhà thơ thật là chân thành.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả khao khát trở thành chú chim hót mừng mùa xuân đến, đem tiếng hót trong trẻo và hạnh phúc của mình làm đẹp thêm cho non sông. Để khích lệ và động viên tinh thần nhân dân, tác giả mong muốn trở thành một "nốt trầm xao xuyến" trong bản hòa ca vĩ đại của dân tộc. Từ "ta" thể hiện tinh thần hào sảng, đầy sức sống và cảm xúc đang đắm mình trong cuộc sống tươi đẹp của mọi người trong không khí xuân ấm áp và hạnh phúc.

Một mùa xuân nhỏ nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là khi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Mỗi người hiến dâng một mùa xuân bé nhỏ sẽ tạo nên một mùa xuân to lớn, vĩ đại, đầy đủ và trọn vẹn. Ý nghĩa ẩn dụ của "mùa xuân nhỏ" ở đây rất tinh tế và sâu sắc. Thanh Hải muốn nhắc nhở chúng ta hãy khiêm tốn, chân thành, sống cho mọi người, sống vì tình thân ái rộng lớn và sống để đóng góp cho đất nước. Đó là một lẽ sống đẹp và cao cả. Ở khổ thơ cuối cùng vang lên tiếng hát của tình yêu thương:

Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế

Ở khổ thơ trên, tác giả đã đề cập đến hai giai điệu lâu đời và nổi tiếng của xứ Huế đó là "Nam ai" và "Nam bình". Những giai điệu truyền thống và thiêng liêng đó vẫn đi sâu lắng đọng trong tâm hồn tác giả suốt cuộc đời cho đến giây phút cuối cùng với khát khao sống và đóng góp cho đất nước. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải là một viên ngọc sáng trong chùm thơ xuân của dân tộc.

-/-

Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn phân tích vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Văn mẫu lớp 9 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một đoạn văn phân tích ý nghĩa nhan đề hay. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM