Để làm được một bài văn hay phân tích sự đối lập thiện - ác trong Lục Vân Tiên gặp nạn, các em nhất định sẽ cần đến những gợi ý trong phần dàn ý chi tiết do Đọc Tài Liệu tổng hợp ngay sau đây. Cùng tham khảo ngay nhé !
Đề bài: Phân tích sự đối lập giữa cái thiện và cái ác qua nhân vật Trịnh Hâm và ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn (Nguyễn Đình Chiểu).
******
Phân tích đề bài
- Yêu cầu đề bài: Phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn
- Phương pháp làm bài: phân tích
Dàn ý chi tiết:
I. Mở bài
- Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ bất hạnh không sáng mắt nhưng sáng lòng, yêu nước, khí phách. Thơ văn của ông là vũ khí chống xâm lược, tuyên truyền đạo lí.
- Đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn (Truyện Lục Vân Tiên) biểu hiện rõ sự đối lập giữa cái ác và cái thiện qua tính cách hai nhân vật Trịnh Hâm và ông Ngư, có mục đích giáo dục con người hướng thiện diệt ác.
II. Thân bài
1. Trịnh Hâm tiêu biểu cho cái ác cực điểm thấm sâu vào bản chất
+ Một kẻ có tâm địa hèn hạ, xấu xa.
+ Bất nhân, bất nghĩa, thủ đoạn sâu hiểm, toan tính sắp đặt kế hoạch hãm hại Lục Vân Tiên một cách chặt chẽ về thời gian, hành động (lừa trói tiểu đồng vào gốc cây trong núi, giả giúp đỡ đưa Vân Tiên về quê bằng thuyền, xô Vân Tiên xuống giữa dòng vào đêm khuya để không ai cứu kịp, giả tiếng kêu trời để đánh lừa mọi người trên thuyền).
+ Tàn nhẫn, ích kỉ nhỏ nhen, cố hại Vân Tiên chỉ vì ghen ghét tài năng dù không thù oán.
+ Không những hãm hại Vân Tiên mà còn “la làng” để “lấy lời phôi pha” từ mọi người.
+ Hành động của Trịnh Hâm cho thấy hắn là một người bội tín với lời hứa của chính mình.
⇒ Bản chất độc ác, sự lọc lừa, phản trắc của Trịnh Hâm.
2. Ông Ngư tiêu biểu cho cái thiện, nhân đức, nhân cách cao đẹp
- Trọng nghĩa khinh tài, cứu người không hề lưỡng lự, không sợ tai vạ, không cần trả ơn.
- Hình ảnh miêu tả cho thấy gia đình Ngư ông thật đẹp (đẹp từ nhân cách, quan niệm sống đến việc làm nhân đức).
+ Khi thấy người bị nạn, ông đã lập tức cứu giúp:
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ.
Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
+ Hành động nhân nghĩa, mối chân tình của gia đình Ông Ngư đối với người bị nạn: Nghe Vân Tiên kể về hoàn cảnh của mình, ông đã cưu mang. Dù gia đình rất nghèo, nhưng ông vẫn sẵn lòng đùm bọc kẻ tật nguyền không chốn nương thân.
+ Ông không hề tính toán đến cái ơn cứu mạng, nghèo mà trong sạch, không màng danh lợi:
Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa, há chờ trả ơn.
- Quan niệm sống, phong cách sống của Ngư ông thật thanh cao, đạm bạc, trong sạch, thoát vòng danh lợi, gắn bó chan hoà với thiên nhiên.
- Ông sống ung dung, tự do, tự tại, kiếm sống bằng chính sức lao động của mình.
- Cuộc đời ông Ngư bình thường nhưng không tầm thường (có thể là ẩn sĩ, nhà hiền triết có tài kinh luân).
⇒ Ngư Ông là hình ảnh tiêu biểu của người dân lao động có đạo đức cao đẹp và trong sáng.
3. Thái độ của tác giả Nguyễn Đình Chiểu
- Hết lòng yêu thương những con người có nhân cách cao thượng như Lục Vân Tiên, Ngư Ông.
- Ghét cay ghét đắng những kẻ xấu xa, độc ác: bọn cướp, Trịnh Hâm,…
III. Kết bài
- Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có giá trị tư tưởng, đạo lí cao.
- Học tập tính cách tốt đẹp của ông Ngư, lên án, bài trừ kẻ xấu như Trịnh Hâm.
Đọc thêm:
Sơ đồ tư duy
Dàn ý và sơ đồ tư duy trên đây đã giúp các em nắm được cách làm bài phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn, dưới đây là một số bài văn mẫu hay mà Đọc tài liệu đã chọn lọc, các em có thể tham khảo thêm để hoàn thành bài viết của mình một cách tốt nhất.
Văn mẫu chọn lọc phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn
Sự đối lập thiện - ác trong Lục Vân Tiên gặp nạn - Mẫu số 1:
Trong tác phẩm Một số tư liệu về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (NXB Khoa học Xã hội, 1965), G. Ô-ba-rê từng nhận định: Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từng được xem là "một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của một dân tộc". Một trong những tình cảm lớn lao ấy là tấm lòng yêu mến, trân trọng cái thiện đồng thời căm ghét, lên án cái ác ở đời. Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn sự đối lập thiện - ác tiêu biểu cho toàn bộ tác phẩm.
Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn" nằm ở phần thứ hai của truyện. Đang bơ vơ nơi đất khách với đôi mắt mù lòa và nỗi đau xót khôn nguôi về người mẹ mới qua đời, Lục Vân Tiên lại gặp Trịnh Hâm thi rớt trở về. Sẵn lòng đố kị, ganh ghét với Vân Tiên từ trước, Trịnh Hâm bèn lợi dụng cơ hội để hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa hẹn sẽ dẫn về quê nhà. Chờ khi đêm tối, Trịnh Hâm mới thực hiện hành động tàn ác của mình.
Qua cách hành xử của các nhân vật khi gặp người bị nạn: Trịnh Hâm gặp Vân Tiên bị mù, Ngư ông và gia đình gặp Vân Tiên bị đẩy xuống sông, tác giả đã vạch mặt chỉ tên cái ác - mà đại diện là gã Trịnh Hâm tàn ác, nham hiểm đồng thời ngợi ca cái thiện, tiêu biểu là nhân vật ông Ngư cùng gia đình của ông.
Trịnh Hâm là một kẻ có tâm địa hèn hạ, xấu xa. Vốn ghen ghét, với Lục Vân Tiên nhưng đến khi Lục Vân Tiên mù lòa rồi, dã tâm của Trịnh Hâm vẫn chưa thỏa. Lục Vân Tiên đã bị mù, tiền bạc hết, thầy tớ bơ vơ. Với Vân Tiên, Trịnh Hâm lại là người quen cũ. Vậy mà gã họ Trịnh lại đang tâm lừa gạt, hãm hại con người tội nghiệp, đang trong cơn hoạn nạn, cần nhờ cậy sự giúp đỡ của hắn:
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời
Không những vậy, Trịnh Hâm còn vừa ăn cướp vừa la làng đầy ghê tởm:
Trịnh Hâm khi ấy kêu trời
Cho người thức dậy lấy lời phôi pha.
Chẳng những không thực hiện lời mình nói (hứa đưa Vân Tiên trở lại quê nhà) mà còn hãm hại Vân Tiên. Đó là sự phản bội bạn bè, phản bội lời hứa của chính mình. Đối với những người quân tử Nho học xưa, lời hứa vô cùng thiêng liêng, đó là bức tượng danh dự cho mỗi người: Lời đã nói ra như dao chém đá, một lời nói nặng tựa chín đỉnh đồng. Do vậy, hành động của Trịnh Hâm lột rõ tâm địa vừa bất nhân vừa bất nghĩa, vừa gian ngoan vừa xảo quyệt của hắn. Tất cả cũng vì lòng ganh ghét, vì sự đố kị tài năng với Vân Tiên. Nọc độc ấy ngấm vào xương tuỷ, trở thành bản chất độc ác của Trịnh Hâm.
Chỉ tám dòng thơ, tác giả đã sắp xếp các tình tiết một cách hợp lí, thể hiện diễn biến hành động rất mau lẹ, có tính toán và rất độc ác của Trịnh Hâm. Cái ác trong con người này tiêu biểu cho cái ác trong toàn bộ tác phẩm. Đó là sự lọc lừa, phản trắc của những Bùi Kiệm, Võ Công,... Chúng đã không chỉ một hai lần hãm hại những tâm hồn lương thiện thanh sạch như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga…
Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không hề bi quan về cuộc đời, dựng lên hình ảnh của cái ác, tấm lòng nhân ái của nhà thơ muốn tạo ra sự đối lập để tôn vinh cái thiện. Cái thiện ấy được thể hiện qua sự hiệp nghĩa và trái tim nhân ái của ông ngư cùng gia đình của ông.
Thấy người bị nạn dưới sông, ông ngư đã ra tay cứu giúp:
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con vầy lừa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày
Từ "hối" có ý nghĩa là giục giã, thúc giục. Ông ngư cùng vợ con đang rất khẩn trương cứu sống Vân Tiên. Câu thơ mộc mạc, chỉ kể lại sự việc một cách tự nhiên, nhưng ẩn chứa bao ân tình của cả một gia đình vợ chồng, con cái đối với người gặp nạn. Chỉ riêng điều này đã đối lập gay gắt với hành động độc ác, bất nhân của Trịnh Hâm.
Không chỉ vậy, ông Ngư và cả gia đình còn sẵn sàng cưu mang người hoạn nạn: ông chân thành ngỏ ý mời Vân Tiên ở lại cùng sớm hôm chia sẻ cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm tình người:
"Ngư rằng: Người ở cùng ta
Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui".
Khi Vân Tiên băn khoăn "ông lấy chi nuôi" ngư ông đã thể hiện lòng vị tha, tinh thần trọng nghĩa khinh tài của mình qua câu nói:
"Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn"
Có nghĩa là làm ơn mà không hề trông chờ sự báo đáp. Đó là sự trong sạch vô tư đến tuyệt vời của một tâm hồn lành mạnh khỏe khoắn... Điều đó một lần nữa còn được thể hiện qua cuộc sống lao động của ông Ngư. Đó là một cuộc sống trong sạch, không chạy theo danh lợi, khinh ghét thói đời bạc đen, tráo trả. Cuộc sống của ông gắn với thiên nhiên khoáng đạt, tâm hồn ông thanh thản và thư thái vô cùng:
“Một mình thong thả làm ăn
Tắm mưa trải gió trong vời hàn giang”.
Bằng đoạn thơ trên, tác giả gửi gắm khát vọng và niềm tin vào cái thiện, vào bản chất tốt đẹp của con người lao động bình thường. Cùng với những Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Tiều, ông quán,... ông Ngư đã đại diện cho cái thiện trong thiên truyện Truyện Lục Vân Tiên. Qua những nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện một cái nhìn tiến bộ, lạc quan đậm chất nhân dân.
Giống như toàn bộ tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn không có điều kiện để được Nàng Thơ trau chuốt về hình thức song chính sự giản dị, mộc mạc đậm chất Nam Bộ của ngôn ngữ đã mang đến cho đoạn trích sự chân thành chẳng những diễn tả thành công tính cách các nhân vật mà còn bộc lộ tấm lòng nhân ái, lạc quan của nhà thơ.
Đặc biệt, đoạn trích diễn tả đời sống của ngư ông, ngôn ngữ và lời thơ rất thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, ý tình phóng khoáng mà sâu xa. Đọc đoạn thơ, ta có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vật để nói lên cái khát vọng sống của mình.
Qua sự đối lập giữa thiện và ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn, tác giả đã thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời. Đó cùng chính là cái gốc sâu xa làm nên sức hấp dẫn của toàn bộ tác phẩm này.
>>> Hướng dẫn soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn (trả lời câu hỏi soạn bài và bài tập luyện tập)
Sự đối lập thiện - ác trong Lục Vân Tiên gặp nạn - Mẫu số 2:
Lục Vân Tiên là một truyện thơ tiêu biểu của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, truyện được viết bằng chữ Nôm - một tuyệt phẩm xuất sắc của dòng văn học Trung đại. Đọc truyện thơ này, ta không khỏi khâm phục trước một Lục Vân Tiên hào hiệp, tài năng, lại giàu lòng nhân ái, hành động để giúp người, giúp đời, chẳng màng công danh thế sự, cảm mến trước một Kiều Nguyệt Nga dịu dàng, nết na, tư dung tốt đẹp. Hơn thế nữa, truyện còn để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về đạo lí sống ở đời, đặc biệt là ranh giới giữa thiện ác mong manh. Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn đã thể hiện được sự đối lập rõ rệt đó.
Vân Tiên trên đường đi thi thì nghe tin mẹ mất, chàng quay trở về quê để gặp mẹ lần cuối. Nhưng vì khóc, tiếc thương mẹ quá nhiều nên chàng bị mù. Giữa đường gặp sự chẳng lành, lại chẳng chốn nào nương thân, chàng chỉ mong nhanh chóng được trở về nhà thắp lên nén hương gửi mẹ. Vậy mà, độc ác thay, tên tiểu nhân Trịnh Hâm đã tàn nhẫn, hành động như một kẻ bất lương đầy nham hiểm. Trái ngược với một Lục Vân Tiên hào hiệp "giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha" thì đó là một Trịnh Hâm ích kỉ, hẹp hòi. Đang trong lúc khó khăn, Lục Vân Tiên ngỡ rằng mình có thể nhờ người bạn của mình - Trịnh Hâm để trở về quê nhà. Nhưng "lời nói gió bay", lời hứa chẳng được thực hiện mà trái lại đó là sự lừa gạt có toan tính của hắn. Vì ghen ghét, đố kị với tài năng và đức độ của Vân Tiên từ lâu mà hắn trở nên tàn bạo, vô nhân tính. Chính lòng ghen ghét đã ngấm sâu vào máu thịt của hắn mà biến hắn thành kẻ độc ác, dã man. Hắn vô cùng ác độc khi tính toán kĩ lưỡng cho hành động của mình. Lợi dụng đêm khuya để đẩy Lục Vân Tiên xuống sông:
"Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghinh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị ngã xô ngay xuống vời.
Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,
Cho người thức dậy lấy lời phui pha"
Vừa hãm hại chàng lại còn làm bộ, làm tịch, ra vẻ đáng thương, một kẻ "vừa ăn cướp vừa la làng" cáo già giả dạng nai tơ la làng để lấy lời "phui pha" từ những người xung quanh. Đó chính là bản chất của một kẻ rành đời và xảo trá.
Nhưng ở đời vốn vẫn vậy, đó là quy luật "ở hiền gặp lành". Đâu đó, trong cuộc sống vẫn còn vô vàn những người tốt, những vòng tay chở che sẵn sàng che chở con người lúc gặp hoạn nạn, khó khăn. Đối lập với sự độc ác của một Trịnh Hâm là gia đình lão Ngư ông nghèo khó mà lương thiện. Một ông Ngư chài lưới bao dung, tốt bụng và đầy nhân ái.
"Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ.
Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Vân Tiên vừa ấm chơn tay,
Ngẩn ngơ hồn phách như say mới rồi."
Sau khi vớt Vân Tiên lên bờ, cứu sống chàng, biết được hoàn cảnh khốn khó và trớ trêu của Lục Vân Tiên. Ông Ngư đã cưu mang và giúp đỡ chàng, dù nghèo khó, bữa cơm với vị tương cà nhưng tình người thì đong đầy yêu thương.
Ngư rằng: "Người ở cùng ta,
Hôm mai hẩm hút với già cho vui".
Giúp đỡ Vân Tiên nhưng ông cũng chẳng màng đến lòng biết ơn hay trông chờ sự báo đáp "Dốc lòng nhân nghĩ há chớ trả ơn".
Nếu Trịnh Hâm hẹp hòi bao nhiêu thì Ngư ông rộng lượng bấy nhiêu. Nếu cuộc sống của Trịnh Hâm là sự ganh đua, tị nạnh, nhỏ nhen, ích kỉ thì cuộc sống của Ngư ông rất đỗi thanh cao, không bon chen tiền bạc, danh lợi. Một đời sống ung dung tự tại, phóng khoáng, tự do và trong sạch. Hoàn toàn xa lạ với những tính toan, sẵn sàng chà đạp cả danh dự, lương tri để đạt được mục đích, âm mưu của bản thân. Cuộc sống của Ngư ông dù nghèo nàn về vật chất nhưng ngập tràn niềm vui và tin yêu cuộc sống. Hài hoà giữa tình người với trời đất cao rộng, với thiên nhiên đẹp đẽ nên thơ.
"Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
Rày voi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.
Nghêu ngao nay chích mai đầm"
Qua việc thể hiện sự đối lập giữa thiện - ác trong đoạn trích, Nguyễn Đình Chiểu đã tố cáo lên án những kẻ bất nhân, thiếu tình người. Đồng thời, gửi gắm ước mơ về vẻ đẹp chân - thiện - mỹ trong mỗi người. Gửi gắm niềm tin và khát vọng vào tính thiện, vào lòng nhân ái của con người, đó là tinh thần tương thân tương ái, đạo lí nhân nghĩa và cao đẹp muôn đời.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
- Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
-/-
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết để làm một bài văn nghị luận phân tích sự đối lập thiện và ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn. Bằng việc kết hợp với những kiến thức đã học trên lớp, cùng với những tìm hiểu thêm bên ngoài về tác phẩm, các em hoàn toàn có thể viết được một bài văn hoàn chỉnh theo ý hiểu và văn phong trình bày của cá nhân. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em làm bài đạt kết quả cao !