Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm lớp 11 CTST

Xuất bản: 28/10/2023 - Cập nhật: 23/01/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học lớp 11, trả lời các câu hỏi hướng dẫn viết bài văn nghị luận trang 51 - 57 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Tài liệu cung cấp nội dung hướng dẫn chi tiết soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học lớp 11, tham khảo cách trả lời các câu hỏi gợi ý cách viết bài văn nghị luận trang 51 - 57 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật, văn học lớp 11 CTST

Đọc ngữ liệu tham khảo 1

Trả lời các câu hỏi trang 54 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo - Văn bản Bức tranh Đám cưới chuột và bài học về sự hòa nhập, gắn bó

Câu 1: Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm liên quan đến vấn đề xã hội được tóm tắt trong luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai (2a - 2b).

Trả lời:

- Đặc điểm nghệ thuật:

+“... tác giả đã tối ưu hóa khả năng thể hiện trên bề mặt hạn hẹp của tờ giấy bằng một khung cảnh sinh hoạt hoành tráng” → Vấn đề xã hội được tóm tắt là “một cảnh tượng vừa là nghi lễ trang nghiêm vừa là hội hè náo nhiệt, tưng bừng”.

- Đặc điểm nội dung:

+ “Mặt trái ở làng quê xưa như chuyện “mãi lộ”, chuyện “làm luật”, chuyện “lệ làng”... của tầng lớp thống trị hay các “ông lớn” trong xã hội nông nghiệp thôn quê ngày xưa” đã được phản ánh thông qua “sự tương phản mèo - chuột”.

+ Đồng thời, hình ảnh ấy cũng phản ánh tích cực mối quan hệ của mèo - chuột, “dù mèo có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của chuột, song khi mèo đã tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng chuột trẻ, thì chuyện thù hận kia dường như đã lắng xuống, nhạt đi, hoặc phần nào được “hóa giải””

+ Hình ảnh đó còn là lời khuyên về sự hòa giải, hòa nhập để “chung sống hòa bình”, ít ra là giữ được hòa khí cộng đồng trong các dịp cưới xin, tang chế hay hội hè.

Câu 2: Vấn đề xã hội qua tranh Đám cưới chuột được nêu lên trong bài viết là vấn đề gì và được phân tích trên các khía cạnh nào?

Trả lời:

- Qua bức tranh Đám cưới chuột, vấn đề xã hội được nêu lên trong bài viết là vấn đề về thực trạng xã hội nông thôn Việt Nam thời phong kiến, phong tục cưới hỏi, không khí hội hè đình đám… Đặc biệt trong văn bản, tác giả nhấn mạnh bức thông điệp về cách sống hòa nhập, gắn bó với cộng đồng.

- Những vấn đề xã hội ấy được phân tích trên những khía cạnh: nghệ thuật hội họa dân gian, tinh hoa văn hóa dân gian và văn hóa.

Câu 3: Mối quan hệ giữa luận điểm thứ ba với luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai.

Trả lời:

- Mối quan hệ giữa luận điểm thứ ba với luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai là: mối quan hệ không thể tách rời, chúng song hành và bổ trợ lẫn nhau.

+ Nếu không có luận điểm thứ ba thì luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai sẽ không thực sự thuyết phục người đọc về mặt hình thức lẫn nội dung.

+ Nếu chỉ có luận điểm thứ ba mà không có luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai thì sẽ trở nên sáo rỗng, vô giá trị.

+ Luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai xuất hiện nhằm giới thiệu và làm sáng tỏ luận đề mà tác giả muốn chú trọng còn luận điểm thứ ba đóng vai trò tổng kết lại nội dung tác giả muốn truyền đạt tới người đọc.

Câu 4: Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp như thế nào?

Trả lời:

- Sự kết hợp giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được thể hiện thông qua cách trình bày và lập luận của người đưa ra.

+ Với luận điểm 1: tác giả nêu lên vấn đề xã hội mà người viết quan tâm. Để làm rõ luận điểm, tác giả đã đưa ra những lí lẽ về việc “con người không bao giờ có thể sống riêng lẻ, đơn độc” và tiếp ngay sau đó, tác giả đã đưa luôn bằng chứng cụ thể trong đại dịch Covid 19, mọi người cùng hợp sức chiến thắng đại dịch.

+ Với luận điểm 2: “khát vọng về sự hòa nhập, chung sống hòa bình cũng gắn liền với mong muốn buông bỏ thù hận”. Tác giả đưa ra lý lẽ “cuộc đời đa sự, con người đa đoan, khó tránh khỏi những xung đột….” và đồng thời đưa ra bằng chứng thông qua câu nói của A-thơ Uy-li-am U-a-rơ.

+ Với luận điểm 3: Trên hành trình tìm kiếm sự hòa giải, hòa nhập, các tác giả của bức tranh Đám cưới chuột đã đề cập đến bản sắc văn hóa của cộng đồng như là một giải pháp hiệu quả. Tác giả với lí lẽ và bằng chứng trích dẫn từ giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của bức tranh Đám cưới chuột đã làm sáng tỏ luận điểm đưa ra.

Câu 5: Bạn rút ra được những điểm tương đồng, khác biệt nào trong cách viết về một vấn đề xã hội và một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tác phẩm văn học?

Trả lời:

Những điểm tương đồng, khác biệt nào trong cách viết về một vấn đề xã hội và một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tác phẩm văn học:

* Điểm tương đồng:

- Tập trung vào việc phân tích, trình bày, đánh giá các vấn đề xã hội.
- Sử dụng các lí lẽ, bằng chứng, thống kê, số liệu, điều tra để minh chứng cho quan điểm của tác giả.
- Đều có thể sử dụng các kỹ thuật như ví dụ, trích dẫn, gián tiếp để truyền đạt thông điệp.

* Điểm khác biệt:

- Kiểu bài viết về một vấn đề xã hội

+ Vấn đề xã hội mang tính chất cá nhân, lựa chọn vấn đề theo bản thân mình muốn.

+ Tập trung vào khai thác, triển khai luận đề xung quanh các mặt đời sống.

+ Có tính chất khách quan, dành cho mọi người đọc và có thể dễ dàng tiếp cận

- Kiểu bài viết về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tác phẩm văn học:

+ Vấn đề xã hội xoay quanh thông điệp truyền tải một tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học.

+ Có tính chất chuyên môn, đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực đó và chỉ dành cho đối tượng đọc hẹp hơn.

Đọc ngữ liệu tham khảo 2

Trả lời các câu hỏi trang 56 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo - Văn bản Tính chất phi thường trong con người bình thường Thuý Kiều

Câu 1: Tác giả bài viết đã nêu và giải quyết vấn đề gì trong tác phẩm Truyện Kiều? Theo bạn, đó là một vấn đề văn học hay một vấn đề xã hội?

Trả lời:

- Tác giả bài viết đã nêu và giải quyết vấn đề: tính chất phi thường trong con người bình thường.

- Theo em, đây là một vấn đề xã hội vì vấn đề này vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường: con người không ai sinh ra là kẻ phi thường hay tầm thường mà nhờ sự phát triển và hoàn thiện bản thân để trở thành một người thành công, phi thường…

Câu 2: Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp với nhau như thế nào? Những ví dụ nào có thể làm bạn làm rõ điều đó?

Trả lời:

- Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp tương trợ, bổ sung làm rõ nội dung lẫn nhau.

- Những ví dụ có thể làm bạn làm rõ điều đó:

Luận điểm: Không ai sinh ra như một kẻ phi thường hoặc tầm thường mà cuộc sống bên ngoài phối hợp với những phản ứng bên trong của nội giới làm ta trở thành người phi thường hay tầm thường.

+ Lí lẽ: Con người bình thường chính là con người đông đảo, con người phổ biến, ai cũng giống ai. Nhưng nhờ những khó khăn, phức tạp của đời sống đã tôi luyện nên tính chất phi thường trong con người bình thường…

+ Bằng chứng: bằng những bằng chứng từ nội dung Truyện Kiều để làm sáng tỏ lý lẽ mà tác giả bài viết đã đưa ra: Dù Kiều có trải qua biết bao thử thách, vùi dập, khốn đốn của cuộc sống dành cho mình nhưng nàng vẫn giữ được lẻ kinh nguyền, đó chính là kẻ phi thường.

-> Tác giả muốn khẳng định con người nhỏ bé tới cỡ nào cũng có thể trở thành người bình thường nhưng mang tính chất phi thường. Đôi khi họ lại ở cuộc sống đời thường chứ không to lớn, vĩ đại, khó nhìn thấy như ta vẫn tưởng.

=> Tác giả muốn đưa những lí lẽ và bằng chứng để chứng minh quan điểm về những con người nhỏ bé, bình thường nhưng lại mang tính chất phi thường.

Câu 3: Điểm giống nhau, khác nhau trong cách nêu lí lẽ và đưa bằng chứng khi nghị luận về một vấn đề xã hội trong bài viết về tranh Đám cưới chuột (tác phẩm hội họa) và về nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều (tác phẩm văn học)

Trả lời:

* Điểm giống nhau:

- Những lí lẽ và bằng chứng đều được khai thác dựa vào nét đặc sắc từ nội dung của tác phẩm.

* Điểm khác nhau:

- Nghị luận về một vấn đề xã hội trong bài viết về tranh Đám cưới chuột:

+ Tác giả bài viết sử dụng những hình ảnh, màu sắc, kí hiệu để truyền tải thông điệp về vấn đề xã hội
+ Đồng thời, tác giả sử dụng những hình ảnh biểu tượng và trừu tượng để đưa ra các lí lẽ và bằng chứng.
+ Các bằng chứng thường được đưa ra qua các hình ảnh và ký hiệu trực quan.

- Nghị luận về một vấn đề xã hội về nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều:

+ Tác giả bài viết sử dụng văn phong và diễn đạt ngôn ngữ để truyền tải thông điệp về vấn đề xã hội.
+ Tác giả sử dụng các tình tiết và hành động của nhân vật để đưa ra các lí lẽ và bằng chứng.
+ Các bằng chứng thường được đưa ra qua các tình tiết và lời thoại của nhân vật.

Thực hành viết theo quy trình

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội gợi ra từ một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật mà bạn quan tâm.

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận (một phương diện nội dung, nghệ thuật...)

2. Thân bài:

* Luận điểm 1: Khái quát chung

- Nêu hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung khái quát của tác phẩm.

- Hoặc là nêu vị trí, dẫn dắt nội dung tác phẩm đến nội dung của đoạn trích.

* Luận điểm 2: Làm rõ vấn đề nghị luận

- Phân tích, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận theo yêu cầu của đề. Chia vấn đề thành các luận điểm và lấy các chi tiết, hình ảnh, nhân vật để làm sáng tỏ cho luận điểm.

- Hoặc là phân tích, cảm nhận, bình luận về một vấn đề trong phạm vi của một đoạn trích.

* Luận điểm 3: Đánh giá chung (bình luận)

- Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích hoặc của tác phẩm.

3. Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.

Một số bài văn mẫu:

Mẫu 1:

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều tên tuổi nổi tiếng. Một trong những tác giả đã trở thành niềm tự hào của cả thời kỳ văn học là Nguyễn Dữ. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của "thiên cổ kỳ bút" “Truyền kỳ mạn lục". Trong đó “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là tác phẩm đặc sắc, ca ngợi tính cách dũng cảm, kiên cường, chính trực, dám chống lại cái ác đến cùng, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn - một trí thức nước Việt.

“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là tác phẩm thuộc thể văn xuôi truyền kỳ, viết bằng chữ Hán. Văn xuôi truyền kỳ là thể loại văn học dùng những yếu tố kì ảo hoang đường để phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhân vật trong bộ truyền kỳ rất đa dạng, gồm cả người, ma quỷ, thần thánh,... có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể xâm nhập thế giới của nhau.

Bộ truyện “Truyền kì mạn lục” ra đời vào khoảng thế kỉ XVI, thời điểm xã hội phong kiến Việt Nam đang trong tình trạng suy thoái, khủng hoảng, nhân dân bất bình với tầng lớp thống trị, nhiều nho sĩ rơi vào tâm trạng hụt hẫng, nuối tiếc cho thời thịnh trị dưới sự cai trị của vua Lê Thánh Tông. Trong khoảng thời gian cái quan về ở ẩn, Nguyễn Dữ đã sáng tác bộ truyện này vừa để phản ánh tình trạng xã hội, vừa để bộc lộ quan điểm sống và tấm lòng của mình với cuộc đời.

Nội dung truyện kể về nhân vật chính Ngô Tử Văn. Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ khảng khái, chính trực. Trong làng nơi chàng ở có một ngôi đền vốn rất thiêng. Nhưng từ khi có một tên tướng giặc nhà Minh tử trận ở gần đền, hồn của hắn bắt đầu làm yêu làm quái trong dân gian, làm hại nhân dân. Tức giận, mặc cho lời ngăn cản của dân làng,Tử Văn châm lửa đốt đền để trừ hại cho dân.

Sau khi đốt đền, Tử Văn bắt đầu lên cơn sốt. Trong khi sốt mê man, chàng thấy tên hung thần đến đòi làm trả lại ngôi đền và đe dọa sẽ bắt Tử Văn xuống âm phủ để cho Diêm Vương trị tội.

Nhưng đến chiều tối, Thổ thần đến bày tỏ thái độ cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn. Chàng được Thổ thần mách bảo về tung tích và tội ác của tên hung thần, đồng thời chỉ dẫn cách đối phó.

Đến đêm, khi bệnh nặng thêm, Tử Văn thấy hai tên quỷ sứ đến bắt chàng xuống âm phủ. Trước mặt Diêm Vương, Tử Văn đã tố cáo tội ác của tên hung thần với đầy đủ chứng cứ. Cuối cùng, công lý được khôi phục, Diêm Vương trừng trị tên hung thần (đem nhốt vào ngục Cửu U), cho Thổ thần được phục chức, sai lính đưa Tử Văn về trần gian (nghĩa là Tử Văn được sống lại). Một tháng sau, Tử Văn thấy Thổ thần đến cảm ơn. Để đền ơn nghĩa, Thổ thần đã tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự đền Tản Viên.

Qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng khi chống lại cái ác trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ đã vạch bộ mặt gian tà của những kẻ quen "chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”. Ông lên án bộ phận quan lại đương thời, tố cao mạnh mẽ hiện thực “rễ ác mọ lan, khó lòng lay động” mà bênh vực cho kẻ gian tà và hiện thực của xã hội phong kiến lúc bấy giờ có quá nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng địa vị, quyền thế làm điều bất chính. Truyện kết thúc có hậu, thể hiện truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, tà không thể thắng chính, cái thiện chắc chắn sẽ chiến thắng cái ác.

Về nghệ thuật, Nguyễn Dữ đã kết hợp khéo léo yếu tố ảo và thực trong truyện để truyền tải nội dung. Thế giới âm cung với những hồn ma, bóng quỷ, người chết đi sống lại từ dương gian xuống địa phủ, từ cõi âm lại về cõi dương làm nên yếu tố kỳ ảo cho câu chuyện. Nhưng đồng thời, tác giả dẫn họ tên, quê quán và thời gian, địa điểm diễn ra sự việc một cách cụ thể, đưa yếu tố thực đan xen yếu tố kỳ ảo. Kỳ ảo và hiện thực cùng kết hợp với nhau khiến câu chuyện vừa ly kỳ, hấp dẫn, vừa mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Bên cạnh đó, với cốt truyện giàu kịch tính, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích, truyện đã ca ngợi nhân vật Ngô Tử Văn, một trí thức nước Việt khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp, qua đó bộc lộ niềm tin vào công lý, vào việc chính thắng tà.

Với những giá trị đó, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đá trở thành một tác phẩm nổi bật trong thời kỳ văn học trung đại Việt Nam, góp phần làm nên tên tuổi Nguyễn Dữ. Để rồi rất nhiều năm sau, tác phẩm ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Mẫu 2: 

Trong nền văn xuôi hiện đại nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ngòi bút của Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy nghĩ và đằm thắm yêu thương. Văn Nam Cao hết sức chân thực, ông coi sự thực là trên hết, không gì ngăn được nhà văn đến với sự thực, vừa thấm đượm ý vị triết lí và trữ tình. Ông có sở trường diễn tả, phân tích tâm lý con người. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông sống động, uyển chuyển, tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Với một tài năng lớn và giàu sức sáng tạo, Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hoá. Tác phẩm Nam Cao để lại chủ yếu là truyện ngắn, trong số những truyện ngắn viết về người nông dân, thì “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu.

Truyện ngắn “Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943, truyện kể về nhân vật chính - lão Hạc, một lão nông dân nghèo khổ, có phẩm chất trong sạch, vợ lão Hạc mất sớm, để lại lão và cậu con trai, trong nhà tài sản duy nhất của hai cha con lão là một mảnh vườn và “cậu vàng” - con chó do con trai lão mua. Do không đủ tiền cưới vợ, con trai lão chán nản mà làm đơn xin đi mộ phu đồn điền cao su, để lão ở nhà một mình với cậu vàng. Lão Hạc hết sức thương con, lão chăm vườn, làm ăn dành dụm để khi con trai lão về thì cưới vợ cho nó. Thế nhưng, sau một trận ốm nặng, bao nhiêu tiền dành dụm cũng hết, sức khoẻ lão ngày một yếu đi, vườn không có gì để bán, lão Hạc trở nên đói kém hơn, phải lo từng bữa ăn. Lão ăn năn day dứt khi quyết định bán cậu vàng, người bạn thân thiết của lão. Lão gửi số tiền và mảnh vườn cho ông giáo và xin bả chó của Binh Tư để kết thúc cuộc sống túng quẫn của mình. Lão chết một cách đau đớn, nhưng cái chết làm sáng ngời phẩm chất trong sạch của lão Hạc.

Thông qua số phận và cái chết của lão Hạc, Nam Cao đã thể hiện một thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung, những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch, thà chết chứ không chịu mang tiếng nhục, làm những điều trái với lương tâm cao cả của mình. Nam Cao cũng đã nêu lên một triết lý nhân sinh rằng: con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết trân trọng và chia sẻ, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương ở con người.

Đồng cảm với những số phận đáng thương, Nam Cao đã lên tiếng thông qua tác phẩm là tiếng nói lên án xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão được sống.

Tác phẩm “Lão Hạc” cũng mang một giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện được phong cách độc đáo của nhà văn Nam Cao. Diễn biến của câu chuyện được kể bằng nhân vật tôi, nhờ cách kể này câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực với một hệ thống ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, già tính triết lí.

Trong tác phẩm có nhiều giọng điệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và trữ tình. Đặc biệt, bút pháp khắc hoạ nhân vật tài tình của Nam Cao cũng được bộc lộ rõ rệt với ngôn ngữ sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và sức gợi cảm.

Có thể nói “Lão Hạc” là một truyện ngắn hết sức thành công của Nam Cao. Nhà văn vừa thể hiện được tấm lòng nhân đạo của mình, đồng thời đánh bật được nét phong cách nghệ thuật độc đáo hiếm có của ông.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học lớp 11 tập 2 CTST. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi hướng dẫn cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về bài học một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM