Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 156

Xuất bản: 07/07/2019 - Cập nhật: 29/07/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia lớp 5 trang 156 và gợi ý trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa Tiếng việt 5 tập 2 trong tiết tập làm văn tuần 34.

Tài liệu hướng dẫn kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 156 được Đọc Tài Liệu biên soạn giúp các em học sinh nắm được kiến thức trọng tâm và gợi ý cách trả lời câu hỏi trang 139 SGK Tiếng Việt 5 tập 2.

Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia Đọc Tài Liệu

I. Đề tài và gợi ý

Đề bài

Chọn một trong hai đề bài sau:

1. Kể một câu chuyện mà em biết về việc gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi.

2. Kể về một lần em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội.

Gợi ý trả lời

1. Gia đình, nhà trường và xã hội chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi:

  • Ông bà, cha mẹ, người thân chăm lo cho em về ăn mặc, sức khoẻ, học tập; nhường nhịn, chắt chiu, dành cho em những điều kiện tốt nhất; dạy bảo em làm việc tốt.
  • Thầy cô tận tuỵ dạy dỗ, giúp em tiến bộ trong học tập và sinh hoạt; thương yêu em hết lòng.
  • Cô bác xung quanh (cô bác sĩ, chú công an, bác bảo vệ,...) ân cần giúp đỡ, bảo vệ em.

2. Thiếu nhi tham gia công tác xã hội:

  • Tham gia tuyên truyền, cổ động các phong trào.
  • Tham gia Tết trồng cây, làm vệ sinh trường lớp, xóm làng.
  • Chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ; giúp đỡ người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn

II. Dàn ý cho bài văn kể chuyện

1. Mở bài

  • Giới thiệu hoàn cảnh và nhân vật
  • Chuyện xảy ra ở đâu? Bao giờ? Có những nhân vật nào?

2. Thân bài

  • Kể lại toàn bộ diễn biến của câu chuyện theo cốt chuyện đã thấy hoặc đã nghe hoặc do mình tưởng tượng ra.
  • Cần chọn từ, đặt câu, chọn chi tiết và có thể sử dụngcả văn đối thoại để làm câu chuyện thêm phần sinh động.

3. Kết bài

  • Nêu phần kết của câu chuyện
  • Câu chuyện kết thúc ra sao? Có chiều hướng tốt hay xấu? Gợi cho em cảm giác gì?
  • Bài học rút ra từ câu chuyện là gì?

III. Bài mẫu tham khảo

Đề 1: 

Chuyện về cô giáo Ngọc

Từ lúc được cắp sách tới trường đến nay, tôi đã được học nhiều thầy cô giáo. Ai cũng thương học trò, quan tâm chăm chút dạy bảo cho học trò từng li từng tý. Nhưng có lẽ, người tôi cảm thấy ngưỡng mộ và kính trọng nhất vẫn là cô giáo Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của tôi. Bởi tôi cảm thấy, cô là một người rất gần gũi, những câu chuyện xung quanh cô đều khiến tôi kính nể. Và câu chuyện dưới đây cũng vậy:

Buổi học hôm đó, trong giờ ra chơi, Hải và một bạn lớp bên tên Hùng giành nhau một quả bóng. Hải giành được nhưng không cho Hùng chơi nên Hùng nhảy vào đánh Hải. Tự nhiên bị đấm, Hải tức quá nên cũng nhảy vào đấm Hùng chảy máu mũi bất chấp sự can ngăn của các bạn.

Đúng lúc đó, chú bảo vệ chạy tới, hai tay cầm hai tai của hai bạn rồi đưa vào phòng hiệu phó.

Sau khi kể lại câu chuyện, thầy yêu cầu Hải và Hùng gọi phụ huynh đến để xử lí. Bỗng có tiếng cô giáo Ngọc từ phía sau:

- Thưa thầy, trong hai bạn có một bạn học sinh lớp em. Thầy có thể cho em xử lí việc này được không ạ?

Thầy hiệu trưởng đồng ý và đưa hai bạn sang phòng bên xử lí.

Vừa đi, Hải vừa suy nghĩ: Chắc cô sẽ mắng mình vì mình suốt ngày đi gây chuyện làm lớp bị trừ hết điểm thi đua.

Đang mải suy nghĩ, thì cô giáo lên tiếng:

- Các em có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện như thế nào cho cô nghe được không?

Hùng kể lại câu chuyện và đợi cô phân xử.

Sau khi nghe câu chuyện, cô tiến lại chỗ Hùng và nói:

- Cô là cô giáo chủ nhiệm của Hải, cô cũng có lỗi trong việc này nên cô thực sự xin lỗi em.

Hùng ấp úng:

- Cô ơi, cô không cần phải xin lỗi em đâu ạ, người sai là Hải ạ!

Cô mỉm cười và nói:

- Đúng rồi, Hải sai nhưng cô cũng sai khi cô chưa dạy Hải việc không được giật đồ của người khác nên mới xảy ra vụ đánh nhau hôm nay.

Rồi cô ngoảnh sang Hải:

- Hải, cô nghĩ em cũng nhận thấy mình đã sai rồi đúng không? Em hãy xin lỗi bạn và mong bạn tha lỗi đi em.

Hải rụt rè quay sang chỗ Hùng và nói:

- Tớ xin lỗi cậu, lần sau tớ sẽ không làm như thế nữa, mong cậu thứ lỗi cho tớ.

Cô giáo tiếp lời Hải:

- Hùng à, bạn đã biết lỗi và xin lỗi, em có thể tha lỗi cho bạn lần này được không em?

Hùng nhìn cô và đáp:

- Dạ vâng, thưa cô.

Cô mỉm cười, xoa đầu hai bạn và nói:

- Cô có thể nhờ hai bạn cầm tau nhau làm huề được không?

Cả hai mỉm cười gật đầu và cầm tay nhau làm huề.

Cuối cùng, cô giáo khuyên Hải về lớp học bài để cô đưa Hùng qua phòng y tế để rửa vết thương cho bạn. Tan học, cô cũng đưa Hùng về và không quên gửi lời xin lỗi đến phụ huynh của bạn ấy về sự việc sáng nay.

Không biết, nghe xong câu chuyện, các bạn cảm thấy thế nào nhưng đối với tôi, tôi thực sự rất khâm phục cô và tâm đắc câu nói của cô: “Hải sai nhưng cô cũng sai khi cô chưa dạy Hải việc không được giật đồ của người khác”. Chính những hành động của cô đã khiến Hải tự nhận thấy mình có lỗi. Cô Ngọc quả là người biết dạy dỗ học sinh.

Đề 2: 

Một buổi tổng vệ sinh trường sau bão

Sáng hôm ấy cơn bão đã tan nhưng bầu trời hãy còn xám xịt, mưa vẫn còn lất phất bay, chúng tôi được lệnh đến trường lao động. Tin đó truyền đi rất nhanh, phút chốc trên các nẻo đường lầy lội, ướt át, học sinh tốp năm, tốp ba ùn ùn kéo đi. Những bước chân hối hả, những nét mặt buồn buồn, lo lắng, câu nói tiếng cười kém phần rộn rã. Ngôi trường thân yêu hiện ra trước mắt tôi. Mọi người không khỏi bàng hoàng, cổng trường hôm nào vững vàng thế mà hôm nay đã tan hoang. Những bức tường xây phía trước như những bức tường thành nay bị toác ra từng mảng há hốc miệng. Đường vào trường ngập lá cây cối hai bên đường. Vườn trường bị dập nát, có cây kiệt sức ngã gục, có cây mang trên mình đầy thương tích, có cây gãy ngang, đáng thương hơn cả là mấy cây phượng, cây bàng trong sân trường. Bão đã cướp đi tất cả màu xanh, để trơ lại mấy cành khẳng khiu. Tôi vội vàng chạy lại vườn hoa của lớp. Ôi thôi, những cây cúc vàng, hoa mười giờ nằm bẹp dí dưới lớp gạch ngói để ngổn ngang. Tôi thốt lên và lòng cảm thấy quặn đau. Mấy cây sót lại cành lá xơ xác. Một dãy mấy phòng học nước lênh láng. Đứng trong nhà như đứng ở ngoài sân. Ai cũng cảm thấy đau xót.

Buổi lao động được tổ chức nhanh chóng, không ai bảo ai mọi người đều hăm hở bắt tay vào việc. Trong vườn, tiếng chặt cây lóc cóc, lách cách vang lên đều đều. Các bạn trai lớp 5B đang hò nhau trồng lại những cây bị nghiêng đổ, các cành cây bị gãy đang được các bạn gái nhặt lại. Tiếng nói chỉ đủ nhắc nhau. Bạn nào nét mặt cũng buồn nhưng nhịp điệu lao động thì hết sức khẩn trương. Trên sân, ba bốn chục bạn đang lom khom làm vệ sinh, tiếng ngói vỡ đổ rào rào, tiềng quét rác soàn soạt, tiếng chổi đi xoèn xoẹt. Nhiều bạn mân mê trong tay một cành cây gãy, một chiếc lá non đã héo quắt.

Tổ chúng tôi sửa lại bồn hoa. Những bàn tay mềm mại nhặt hết gạch vụn, nhẹ nhàng đỡ từng cây, vuốt từng cái lá. Bạn Lí nói: "Hoa ơi! Các chị đang đến với các em đây. Bão đã qua rồi, hãy đứng lên, vươn cành nở hoa và ngát hương như ngày nào ấy."

Phía vườn trông ra có một tốp các bạn nam đang hì hục đào rãnh thoát nước. Trong các phòng, không khí lao động không kém phần hăng say. Tiếng đục, tiếng búa chan chát. Bạn chữa lại bàn ghế, bạn trèo lên tường đặt lại chân dung Bác Hồ và các dòng khẩu hiệu. Ngoài trời vẫn còn lác đác mưa, trời tối sầm, mấy chú chim quen thuộc bị gió bão cuốn đi đang dần dần tụ về.

Cơn bão số 9 đã tàn phá quê hương tôi, cướp đi của chúng tôi bao nhiêu công sức. Trường chúng tôi mất đi vẻ tươi xanh của cây lá, nhưng tôi tin chắc rằng bão số 9 sẽ không bao giờ cướp được không khí thi đua dạy tốt, học tốt của thầy trò chúng tôi và một ngày nào đó, trường tôi sẽ khang trang hơn, to lớn hơn và đẹp đẽ hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM