Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Xuất bản: 10/02/2020 - Cập nhật: 12/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ giúp em nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 52 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 2

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ thông qua việc gợi ý trả lời câu hỏi bài tập trang 55 SGK Ngữ văn 7 tập 2 giúp ta hiểu được đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý của Bác Hồ.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của văn bản này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông là nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hoá lớn

- Tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên ba mươi năm.

- Ông là học trò và người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Phạm Văn Đồng có nhiều công trình, bài nói và viết về văn hoá, văn nghệ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hoá của dân tộc.

- Những tác phẩm của Phạm Văn Đồng lôi cuốn người đọc bằng tư tưởng sâu sắc và giản dị, tình cảm sôi nổi, lời văn trong sáng, hấp dẫn.

2. Tác phẩm

- Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ bài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại - diễn văn trong Lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970).

- Bố cục của bài văn:

+ Phần 1 (Từ đầu đến "...tuyệt đẹp"): Sự nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng với đức tính giản dị và khiêm tốn của bác Hồ.

+ Phần 2 (Còn lại): Chứng minh sự giản dị của Bác Hồ qua các phương diện trong đời sống và ở con người của Bác.

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ chi tiết

Đọc - hiểu văn bản

1 - Trang 55 SGK

Nêu luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu. Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh ở những phương diện nào trong đời sống và con người của Bác?

Trả lời: 

- Luận điểm chính: “Điều quan trọng nhất… đời sống bình thường, vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch”.

- Để làm rõ đức tính giản dị trong đời sống và con người của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh ở các phương diện:

+ Bữa ăn hằng ngày

+ Nhà ở

+ Việc làm

+ Lời nói, bài viết

2 - Trang 55 SGK

Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả trong bài, và trên cơ sở đó, nêu bố cục của bài văn.

Trả lời:

* Trình tự lập luận của bài:

- Phần đầu: Sự giản dị của Bác thể hiện ở bữa ăn, căn nhà, lối sống

- Phần tiếp: Đưa ra các luận cứ chứng minh nhận định trên

+ Bữa ăn thanh đạm

+ Căn nhà đơn sơ, gần gũi thiên nhiên

+ Công việc bận rộn nhưng Bác không muốn làm phiền ai

+ Giản dị trong lời nói bài viết

* Bố cục của bài văn:

- Phần 1 (từ đầu đến “...trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.”): Khẳng định phẩm chất cao quý, không mai một theo thời gian của Hồ chủ tịch.

- Phần 2 (tiếp theo đến “...Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!”): đức tính giản dị của Bác thể hiện trong đời sống và trong mối quan hệ với mọi người.

- Phần 3 (tiếp theo đến “...trong thế giới ngày nay.”): Đời sống giản dị của Bác hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, cao đẹp.

- Phần 4 (đoạn còn lại): Sự giản dị trong lời nói và bài viết của Bác, sức ảnh hưởng của phẩm chất Hồ Chí Minh tới nhân dân, dân tộc.

3 - Trang 55 SGK

Đọc đoạn văn từ “Con người của Bác...” đến “...Nhất, Định, Thắng, Lợi!” và nhận xét về nghệ thuật chứng minh của tác giả ở đoạn văn này.

Những chứng cứ ở đoạn này có giàu sức thuyết phục không? Vì sao?

Trả lời: 

Nghệ thuật chứng minh của tác giả ở đoạn văn từ: “Con người của Bác..." đến "... Nhất, Định, Thắng, Lợi!”:

- Để chứng minh nhằm thuyết phục, tác giả phải đưa ra một hệ thống luận đầy đủ, chặt chẽ và những dẫn chứng chính xác, cụ thể, toàn diện làm sáng từng luận cứ.

- Trong phần đầu, tác giả đã xác định phạm vi vấn đề cần chứng minh: đó là sự giản dị của Bác Hồ thể hiện ở bữa ăn, căn nhà, lối sống.

- Trong phần tiếp theo, tác giả lần lượt đưa ra các chứng cứ để làm rõ từng điểm nêu trên. Ở luận cứ tác giả chọn lọc những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng, xác thực.

Ví dụ: Sự giản dị trong bữa ăn, lần lượt các chứng cứ được nêu ra:

+ Chỉ vài ba món giản đơn.

+ Lúc ăn không để rơi vãi một hạt cơm.

+ Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất.

Để kết lại ý này, tác giả đưa ra một nhận xét, kinh nghiệm về ý nghĩa sâu xa của sự giản dị trong bữa ăn của Bác. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như nào người phục vụ.

- Những chứng cứ ở đoạn này giàu sức thuyết phục, vì:

+ Luận cứ toàn diện (giản dị trong con người, sinh hoạt, lối sống...)

+ Dẫn chứng phong phú, cụ thể, xác thực.

+ Những điều tác giả nói được đảm bảo bằng mối quan hệ gần gũi, lâu dài, gắn bó của tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4 - Trang 55 SGK

Bác Hồ sống giản dị thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”.

Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng những phép lập luận nào để người đọc hiểu sâu sắc về đức tính giản dị của Bác?

Trả lời: 

Trong đoạn trích tác giả sử dụng hệ thống luận điểm, luận cứ để chứng minh, kết hợp với lời bình luận, giải thích sâu sắc:

- Sự khắc khổ của Bác không nằm ở lối sống khắc khổ của người tu hành, hay các nhà hiền triết.

- Sự giản dị về đời sống vật chất làm nổi bật sự phong phú về đời sống tinh thần, tâm hồn, tình cảm của Bác.

- Tác giả kết hợp nhiều phương pháp, biện pháp:

+ Lật lại vấn đề “Nhưng chớ hiểu nhầm rằng”

+ Giải thích “bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú”

+ Bình luận “Đời sống vật chất càng… tinh thần cao đẹp nhất

⇒ Cách phối hợp các phương pháp, biện pháp khác nhau giúp cho tác giả soi sáng vấn đề từ nhiều góc độ, bài viết thuyết phục hơn.

5 - Trang 55 SGK

Theo em, đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn này là gì?

Trả lời: 

Đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn là:

- Luận điểm ngắn gọn, tập trung

- Luận cứ xác đáng, toàn diện

- Dẫn chứng phong phú, cụ thể, xác thực

=> Tư tưởng giá trị của bài văn vẫn còn thể hiện sâu sắc hơn qua sự kết hợp phương pháp nghị luận chứng minh với các phương pháp, biện pháp khác như giải thích, nêu vấn đề.

>>> Đọc thêm văn mẫu hayPhân tích tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ

Ghi nhớ:

Giản dị là đức tính nổi bật của Bác Hồ: giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và cả trong những bài viết Bác để lại. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp. Bài văn vừa có những chứng cứ cụ thể và nhận xét sâu sắc, vừa thấm đượm tình cảm chân thành.

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ phần Luyện tập

1 - Trang 55 SGK

Hãy tìm một số ví dụ về sự giản dị trong đời sống và trong thơ văn của Bác.

Trả lời: 

Một số ví dụ biểu hiện đức tính giản dị của Bác Hồ trong thơ văn:

- Là người rất am hiểu văn hóa và ngôn ngữ các nước phương Tây và phương Đông nhưng Bác không ưa dùng những câu chữ cầu kì, khó hiểu khi viết những tác phẩm tuyên truyền động viên quần chúng nhân dân hiểu và tham gia tích cực và kháng chiến và cách mạng. Chẳng hạn Bác khuyên thanh niên:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Bác chúc Tết nhân dân năm 1968:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) Bác mở đầu bằng những lời rất giản dị:

   "Chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm chiếm nước ta một lần nữa”.

- Bác có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất nhưng khi hướng tới nhân dân đa số còn ít chữ nghĩa thì Bác viết rất dễ hiểu, rất giản dị.

“Lối ăn ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị như thế nào, chúng ta đã từng biết. Lúc ở chiến khu, Người chung sống với anh em trong cùng một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt như anh em. Có những lúc, vì gạo thiếu hay khí hậu nặng, cần ăn ít một chút, Người cũng vui vẻ chịu đựng cùng anh em.”

2 - Trang 56 SGK

Qua bài văn, em hiểu thế nào là đức tính giản dị và ý nghĩa của nó trong cuộc sống?

Trả lời: 

Đức tính giản dị là một trong những phẩm chất đáng quý của con người, lối sống không cầu kì, xa hoa, đòi hỏi quá mức. Người có đức tính giản dị sẽ luôn cảm thấy dễ chịu trong cuộc sống, biết trân trọng những thứ mình đang có và biết thân thiện, chan hòa với mọi người, có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Đức tính giản dị giúp con người sống thoải mái, dễ chịu hơn.

Giản dị là nét đẹp của một nhân cách lớn. Nó biểu hiện đức tính khiêm tốn mà vĩ đại. Chúng ta phải luôn rèn luyện cho minh lối sống và cách viết giản dị. Đó là sự rèn luyện về nhân cách.

Phải bền bỉ và phải có ý thức cao chúng ta mới đạt được sự giản dị.

Chỉ có giản dị chúng ta mới hòa đồng và khiến mọi người nể phục yêu thương.

Tham khảo thêmTìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác

Trên đây là hướng dẫn chi tiết soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ được biên soạn chi tiết theo nội dung câu hỏi trong SGK Ngữ văn 7 tập 2. Ngoài ra các em cũng có thể tham khảo thêm các bài soạn văn 7 trọn bộ biên soạn theo chương trình học hiện hành để chuẩn bị cho bài học mới thật tốt trước khi đến lớp!

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM