Tài liệu hướng dẫn soạn bài Ôn tập văn nghị luận được biên soạn chi tiết giúp em củng cố và nâng cao kiến thức về văn nghị luận (đề tài, luận điểm, phương pháp lập luận, đặc trưng của văn nghị luận). Từ đó chỉ ra được những nét riêng đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của mỗi bài nghị luận đã học.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo...
Hướng dẫn soạn bài Ôn tập văn nghị luận
Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập ôn tập về văn nghị luận trang 66, 67 SGK Ngữ văn 7 tập 2.
1 - Trang 66 SGK
Đọc lại các bài văn nghị luận đã học (Bài 20, 21, 23, 24) và điền vào bảng kê theo mẫu dưới đây:
TT | Tên bài | Tác giả | Đề tài nghị luận | Luận điểm chính | Phương pháp lập luận |
---|---|---|---|---|---|
Trả lời:
TT | Tên bài | Tác giả | Đề tài nghị luận | Luận điểm chính | Phương pháp lập luận |
---|---|---|---|---|---|
1 | Tinh thần yêu nước của nhân dân ta | Hồ Chí Minh | Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam | Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. | Chứng minh |
2 | Sự giàu đẹp của tiếng Việt | Đặng Thai Mai | Sự giàu đẹp của tiếng Việt | Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. | Chứng minh (kết hợp với giải thích) |
3 | Đức tính giản dị của Bác Hồ | Phạm Văn Đồng | Đức tính giản dị của Bác Hồ | ở mọi phương diện, Bác Hồ đều giản dị. Sự giản dị hoà hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp. | Chứng minh (kết hợp với giải thích, bình luận) |
4 | ý nghĩa văn chương | Hoài Thanh | Nguồn gốc, nhiệm vụ, công dụng của văn chương trong lịch sử nhân loại | Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha; văn chương là hình ảnh của sự sống đa dạng; văn chương sáng tạo ra sự sống, gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có; cho nên: không thể thiếu văn chương trong đời sống tinh thần của nhân loại. | Giải thích (kết hợp với bình luận) |
2 - Trang 67 SGK
Nêu tóm tắt những nét đặc sắc nghệ thuật của mỗi bài nghị luận đã học.
Trả lời:
Những nét đặc sắc về nghệ thuật của các bài văn nghị luận đã học:
(1) Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
- Bố cục chặt chẽ.
- Dẫn chứng chọn lọc, toàn diện.
- Sắp xếp hợp lí.
- Hình ảnh so sánh đặc sắc.
(2) Sự giàu đẹp của tiếng Việt
- Bố cục mạch lạc
- Kết hợp giải thích với chứng minh.
- Luận cứ xác đáng, toàn diện, chặt chẽ.
(3) Đức tính giản dị của Bác Hồ
- Dẫn chứng cụ thể, xác thực, toàn diện.
- Kết hợp chứng minh với giải thích và bình luận.
- Lời văn giản dị mà giàu cảm xúc.
(4) Ý nghĩa văn chương
- Trình bày những vấn đề phức tạp một cách ngắn gọn giản dị, sáng sủa.
- Kết hợp với cảm xúc, văn giàu hình ảnh.
3 - Trang 67 SGK
a) Trong Chương trình Ngữ văn lớp 6 và học kì I lớp 7, em đã học nhiều bài thuộc các thể truyện, kí (loại hình tự sự) và thơ trữ tình, tùy bút (loại hình trữ tình). Bảng kê dưới đây liệt kê các yếu tố có trong các văn bản tự sự, trữ tình và nghị luận. Căn cứ vào hiểu biết của mình, em hãy chọn trong cột bên phải những yếu tố có trong mỗi thể loại ở cột bên trái, rồi ghi vào vở.
Thể loại | Yếu tố |
Truyện Kí Thơ tự sự Thơ trữ tình Tùy bút Nghị luận | Cốt truyện Nhân vật Người kể chuyện Luận điểm Luận cứ Vần, nhịp |
b) Dựa vào sự tìm hiểu ở trên, em hãy phân biệt sự khác nhau căn bản giữa văn nghị luận và các thể loại tự sự, trữ tình.
c) Những câu tục ngữ trong Bài 18, 19 có thể coi là loại văn bản nghị luận đặc biệt không? Vì sao?
Trả lời:
a) Chọn và ghi:
Thể loại | Yếu tố |
---|---|
Truyện | Cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện. |
Kí | Người kể chuyện, nhân vật. |
Thơ tự sự | Cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện. |
Thơ trữ tinh | Nhân vật, vần, nhịp. |
Tùy bút | Nhân vật, người kể chuyện, vần, nhịp. |
Nghị luận | Luận điểm, luận cứ. |
b) Các thể loại tự sự như truyện, kí, thơ tự sự chủ yếu dùng phương thức miêu tả và kể nhằm tái hiện sự vật, hiện tượng, con người, câu chuyện.
- Các thể loại trữ tình, tùy bút chủ yếu dùng phương thức biểu cảm để biểu hiện tình cảm, cảm xúc qua các hình ảnh, nhịp điệu, vần điệu. Chúng đều tập trung xây dựng các hình tượng nghệ thuật với nhiều dạng thức khác nhau như nhân vật, hình tượng thiên nhiên, đồ vật...
- Khác với thể loại tự sự và trữ tình, văn nghị luận dùng phương thức lập luận, bằng lí lẽ dẫn chứng để trình bày ý kiến tư tưởng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về mặt nhận thức. Văn nghị luận cũng có hình ảnh cảm xúc nhưng điều cốt yếu là lập luận với các hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ, xác đáng.
c) Các câu tục ngữ trong Bài 18, 19 là văn bản nghị luận đặc biệt. Căn cứ vào đặc trưng của từng loại văn để nhận diện đặc điểm của các câu tục ngữ về phương thức biểu đạt. Nếu cho rằng các câu tục ngữ này là một loại văn bản nghị luận thì phải chứng minh được rằng chúng mang những đặc điểm cơ bản của văn nghị luận.
Xem thêm bài soạn tiếp theo: Soạn bài Dùng cụm chủ vị để mở rộng câu
Ghi nhớ
Nghị luận là một hình thức hoạt động ngôn ngữ phổ biến trong đời sống và giao tiếp của con người để nêu ý kiến, đánh giá, nhận xét, bàn luận về các hiện tượng, sự vật, vấn đề xã hội, tác phẩm nghệ thuật, hay về ý kiến của người khác. Văn nghị luận phân biệt với các thể loại tự sự, trữ tình chủ yếu ở chỗ nghị luận dùng lí lẽ, dẫn chứng và bằng cách lập luận nhằm thuyết phục nhận thức của người đọc. Bài văn nghị luận nào cũng có đối tượng (hay đề tài) nghị luận, các luận điểm, luận cứ và lập luận. Các phương pháp lập luận chính thường gặp là : chứng minh, giải thích.
Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 7 bài Ôn tập văn nghị luận được biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Ôn tập văn nghị luận lớp 7 một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.
Xem thêm các bài soạn khác: