Hướng dẫn soạn bài Từ Hán Việt tiếp theo dưới đây do Đọc tài liệu biên tập với mong muốn giúp các em chuẩn bị bài ở nhà được tốt nhất trước khi tới lớp
Soạn bài Từ hán việt tiếp theo - Ngữ văn 7 tập 1
I. Sử dụng từ Hán Việt
1 - Trang 81 SGK
Sử dụng từ Hán Việt để tạo sắc thái biểu cảm
a. Tại sao các câu văn dưới đây dùng các từ Hán Việt mà không dùng các từ thuần Việt có nghĩa tương tự.
- Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. (đàn bà)
- Cụ là nhà cách mạng lão thành. Sau khi cụ từ trần, nhân dân địa phương đã mai táng cụ trên một ngọn đồi. (chết, chôn)
- Bác sĩ đang khám tử thi. (xác chết)
b. Các từ Hán Việt tạo sắc thái gì cho đoạn trích dưới đây.
Yết Kiêu đến kinh đô Thăng Long, yết kiến vua Trần Nhân Tông.
Nhà vua: Trẫm cho nhà ngươi một loại binh khí.
Yết Kiêu: Tâu bệ hạ, thần chỉ xin một chiếc dùi sắt.
Nhà vua: Để làm gì?
Yết Kiêu: Để dùi thủng chiến thuyền của giặc, vì thần có thể lặn hàng giờ dưới nước.
(Theo Chuyện hay sử cũ)
Trả lời
a. Sở dĩ các câu văn trong sách giáo khoa dùng các từ Hán Việt: phụ nữ, từ trần, mai táng, tử thi mà không dùng các từ: đàn bà, chết, chôn, xác chết, vì các từ Hán Việt tương đương đó mang sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính hoặc tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác ghê sợ.
b. Các từ Hán Việt: kinh đô, yết kiến, trâm, bệ hạ, thần tạo sác thái cổ, phù hợp với bầu không khí xa xưa.
2 - Trang 82 SGK
Không nên lạm dụng từ Hán Việt
Theo em, trong mỗi cặp câu dưới đây, câu nào có cách diễn đạt hay hơn. Vì sao?
a) - Kì thi này con đạt loại giỏi. Con đề nghị mẹ thưởng cho con một phần thưởng xứng đáng!
- Kì thi này con đạt loại giỏi, mẹ thưởng cho con một phần thưởng xứng đáng nhé.
b) - Ngoài sân, nhi đồng đang vui đùa.
- Ngoài sân, trẻ em đang đùa vui.
Trả lời
a. Đây là câu giao tiếp, trò chuyện giữa con và mẹ, trong cuộc giao tiếp bao giờ cũng thể hiện sự thân mật và gần gũi. Câu thứ nhất từ đề nghị thể hiện sắc thái trang trọng, xã giao. Câu thứ 2 sử dụng ngôn ngữ phù hợp với văn cảnh, do vậy cách diễn đạt này hay hơn câu thứ nhất ( mẹ thưởng cho con một phần thưởng xứng đáng nhé). Như vậy trong văn cảnh ấy sử dụng từ Hán Việt đề nghị là không phù hợp.
b. Từ nhi đồng có sắc thái trang trọng nên không phù hợp khi nói về trẻ em đang vui đùa ngoài sân. Như vậy cách diễn đạt thứ 2 (ngoài sân, trẻ em đang vui đùa) là cách diễn đạt phù hợp hơn.
II. Soạn bài Từ hán việt tiếp theo phần Luyện tập
1 - Trang 83 SGK
Em chọn từ ngữ nào trong ngoặc đơn để điền vào chỗ trống?
Trả lời
Ta lựa chọn như sau:
- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
- Nhà máy dệt Kim Vinh mang tên Hoàng Thị Loan - thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tham dự buổi chiêu đãi có các ngài đại sứ và phu nhân.
- Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.
- Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì nói phải.
- Lúc lâm chung ông cụ còn dặn dò con cháu phải thương yêu nhau
- Mọi cán bộ đều phải thực hiện lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm,, liêm, chính, chí công, vô tư.
- Con cái cần phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ.
==> Các từ ngữ: thân mẫu, phu nhân, lâm chung, giáo huấn dùng trong ngữ cảnh trang trọng, thể hiện sự thành kính
Các từ ngữ: mẹ, vợ, sắp chết, dạy bảo dùng trong ngữ cảnh thân mật hoặc biểu lộ tình cảm thân thiết.
2 - Trang 83 SGK
Tại sao người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí?
Trả lời
Người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, địa lý vì:
– Người Hán Việt thường mang sắc thái trang trọng, giàu ý nghĩa
– Do thói quen đã có từ lâu đời trong nhân dân.
Ví dụ:
- An – bình an, an nhàn, yên ổn (Bảo An, Nhật An, Khiết An, Lộc An)
- Bách - Mạnh mẽ, vững vàng, trường tồn (Hoàng Bách, Ngọc Bách)
- Bảo - Vật quý báu hiếm có (Chi Bảo, Gia Bảo, Duy Bảo, Đức Bảo, Hữu Bảo, Quốc Bảo, Tiểu Bảo, Tri Bảo, Hoàng Bảo,)
- Cường - Mạnh mẽ, khí dũng, uy lực (Phi Cường, Đình Cường, Mạnh Cường, Quốc Cường)
3 - Trang 84 SGK
Đọc đoạn văn trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thuỷ và tìm những từ ngữ Hán Việt góp phần tạo sắc thái cổ xưa.
Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải. Mấy lần Đà đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết rất nhiều, nên Đà đành cố thủ đợi cơ hội khác. Triệu Đà thấy dùng binh khí không lợi, bèn xin giảng hoà với An Dương Vương, và sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chú ý tìm cách phá chiếc nỏ thần.
Trong những ngày đi lại để kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ gặp được Mị Châu, một thiếu nữ mày ngài mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần, con gái yêu của An Dương Vương.
(Theo Vũ Ngọc Phan)
Trả lời
Trong đoạn văn trích từ truyền thuyết Mị Châu, Trọng Thủy (sách giáo khoa), những từ Hán Việt: giảng hòa, cầu thân, hòa hiếu và cụm từ nhan sắc tuyệt trần góp phần tạo sắc thái cổ xưa.
4 - Trang 84 SGK
Nhận xét về cách dùng từ Hán Việt: bảo vệ, mĩ lệ trong các VD. Hãy dùng các từ thuần Việt thay thế các từ Hán Việt trên cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp bình thường.
Trả lời
Theo từ điển:
- Bảo vệ (chống lại mọi sự huỷ hoại, xâm phạm để giữ cho được nguyên vẹn)
- Mĩ lệ (đẹp một cách trang trọng).
==> Việc dùng từ Hán Việt trong 2 câu trên không hề có ý nghĩa trang trọng mà ngược lại còn làm cho câu văn trở nên tốì nghĩa, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Vì vậy, ta có thể thay bằng các từ ngữ thuần Việt, dễ hiểu:
- Em đi xa nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!
- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, đẹp đẽ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.
Trên đây là nội dung Soạn bài Từ hán việt tiếp theo để giúp các em nắm được sử dụng từ Hán Việt và tránh lạm dụng nó. Đừng quên tham khảo các bài tập soạn văn 7 khác do Đọc tổng hợp nhé!
Hướng dẫn soạn văn 7 bài Từ Hán Việt tiếp theo chi tiết
Để tiện hơn cho các em trong quá trình tối ưu bài soạn, các em có thể tham khảo soạn bài Từ Hán Việt tiếp theo ngắn nhất do Đọc tài liệu biên tập
Soạn bài từ Hán Việt tiếp theo ngắn nhất
I. Sử dụng từ Hán Việt
Bài 1 trang 81 SGK Ngữ văn 7 tập 1
a, Các từ phụ nữ, từ trần, mai táng, tử thi đều là những từ thể hiện sự trang trọng, tôn kính, tao nhã
Đặc biệt ở câu thứ ba nếu thay thế bằng từ xác chết sẽ tạo cảm giác ghê sợ, thô tục
b, Các từ Hán Việt như: kinh đô, yết kiến, trẫm, bệ hạ, thần có tác dụng tạo ra không khí cổ xưa, phù hợp với ngữ cảnh.
Bài 2 trang 82 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Trong mỗi cặp câu trên đây, câu thứ hai hay hơn. Vì câu thứ nhất, việc sử dụng từ Hán Việt đã làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
II. Luyện tập
Bài 1 trang 83 SGK Ngữ văn 7 tập 1
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nhà máy dệt kim Vinh mang tên Hoàng Thị Lan- phụ mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tham dự buổi chiêu đãi có ngài đại sứ và phu nhân
- Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn
- Con chim sắp chết thì kêu tiếng thương
Con người sắp chết thì lời nói phải
- Lúc lâm chung ông cụ còn dặn dò con cháu phải thương yêu nhau.
- Mọi cán bộ đều phải thực hiện lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
- Con cái cần phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ.
Bài 2 trang 83 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, địa lý
- Người Hán Việt thường mang sắc thái trang trọng, giàu ý nghĩa
- Do thói quen đã có từ lâu đời trong nhân dân.
a, Đặt tên con: Trần Mạnh Trường, Vũ Tuệ Minh, Nguyễn Minh Nhật…
b, Tên địa lý: Trường Sơn, Cửu Long
Bài 3 trang 84 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Các từ Hán Việt góp phần tạo sắc thái cổ xưa:
- Dùng binh, giảng hòa, cầu thân, kết tình hòa hiếu, nhan sắc tuyệt trần
Bài 4 trang 84 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Từ “bảo vệ” mang sắc thái trang trọng, hoàn cảnh một lời dặn dò mang tính thân mật, gần gũi, đời thường này chưa phù hợp
- Nên thay bằng từ giữ/ giữ gìn
Từ mĩ lệ dùng sai vì từ này thường chỉ phong cảnh đẹp mà không dùng để chỉ vật đẹp
- Thay thế bằng từ đẹp/ đẹp đẽ.
Kiến thức cần ghi nhớ
Từ nội dung soạn bài từ hán việt trước đó thì trong bài học này các em sẽ tiếp tục hiểu được cách sử dụng từ Hán Việt tiếp theo như sau:
Trong nhiều trường hợp, người ta sử dụng từ Hán Việt để :
- Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính ;
- Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thủ tục, ghê sợ
- Tạo sắc thái cổ phù hợp với bầu không khí xã hội xa xưa.
Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Xem thêm:
Bài trước: Soạn bài Đặc điểm của văn bản biểu cảm