Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ)

Xuất bản: 13/02/2020 - Cập nhật: 19/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 55 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 2.

Hướng dẫn soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên gồm hệ thống những kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu bài trang 60, 61 SGK. Hi vọng với những thông tin mà bài soạn mang tới sẽ giúp ích cho các em trong quá trình tìm hiểu tác phẩm trên lớp.

Cùng tham khảo nhé...

Kết quả cần đạt

  • Thấy được tính cách dũng cảm, kiên cường của nhân vật Ngô Tử Văn - đại diện cho chính nghĩa chống lại những thế lực gian tà qua đó bồi dưỡng thêm lòng yêu chính nghĩa và niềm tự hào về người trí thức nước Việt
  • Thấy được nghệ thuật kể chuyện sinh động hấp dẫn, giàu kịch tính của tác giả Truyền kì mạn lục

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm chuyện chức phán sự đền Tản Viên

I. Tác giả

- Nguyễn Dữ (không rõ năm sinh, năm mất) sống vào khoảng thế kỉ XVI, quê quán xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

- Xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông), ông còn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Từng đi thi và đã ra làm quan nhưng không bao lâu thì lui về ẩn dật.

II. Tác phẩm

- Truyền kì mạn lục được viết bằng chữ Hán, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI, gồm 20 câu chuyện, là một tiếng nói phê phán hiện thực, cảm thông, bênh vực những con người nhỏ bé với số phận bi thảm, đặc biệt là người phụ nữ với khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Thể hiện tinh thần dân tộc, niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu, thủy chung. Khẳng định quan điểm sống “lánh đục về trong” của lớp trí thức ẩn dật đương thời.

- Thể loại: Truyền kì là một thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, truyền kì hoang đường, mang đậm chất dân gian, yếu tố hiện thực và tính nhân văn sâu sắc.

- "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một trong 20 truyện của “Truyền Kì Mạn Lục

- Bố cục của truyện Chức phán sự đền Tản Viên: bao gồm 3 phần

+ Phần 1: Giới thiệu hành động nhân vật Ngô Tử Văn và hành động dũng cảm đốt đền của anh

+ Phần 2: Hành động cứng cỏi, kiên quyết đấu tranh, vạch mặt gian tà của Tử Văn đã chiến thắng cái xấu, cái ác

+ Phần 3: Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự đền Tản Viên và lời bình của tác giả

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ)

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn nhất

   Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn văn Chuyện chức phán sự đền Tản Viên siêu ngắn trang 60, 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

Đọc - hiểu văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Câu 1 (trang 60 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Việc làm của Ngô Tử Văn mang nhiều ý nghĩa.

- Câu trả lời a chỉ đúng một phần vì Ngô Tử Văn chỉ đả phá sự ngu tín của nhân dân khi họ tin vào cả những thần ác, thần bất chính, chứ không đã phá tập tục thờ cúng thần linh nói chung.

- Câu trả lời c thì hoàn toàn sai vì Tử Văn không đốt đền một cách vô căn cứ.

=> Như vậy, đáp án chính xác là kết hợp cả b và d.

Câu 2 (trang 60 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

- Chi tiết này thể hiện niềm tin của người trung đại về một thế giới khác bên cạnh cõi trần.

- Nó cũng đồng thời thể hiện khát vọng công lí chưa thực hiện đượctrong cuộc sống trần thế của người xưa

- Nó cũng mang ý nghĩa khuyên răn, nhằm giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác.

Chọn cả a, b, c, d

Câu 3 (trang 61 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2)

Ngô Tử Văn được nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên chứng tỏ sự đền đáp xứng đáng với con người dũng cảm đấu tranh chống cái ác. Tử Văn biểu tượng cho công lí là con người cương trực, dũng cảm. Đây cũng là khát vọng công lí của nhân dân. Cũng là sự khích lệ mọi người chống lại cái ác.

Câu 4 (trang 60 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

- Cốt truyện của Nguyễn Dữ giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ, logic. Tác giả đã dẫn dắt chuyện vô cùng khéo léo, mở ra bằng một sự việc bất ngờ rồi dẫn dắt dần tới đỉnh điểm của kịch tính và giải quyết một cách hợp lí, thoả đáng.

- Câu chuyện có thắt nút và mở nút tạo sự hứng thú cho người đọc.

Câu 5 (trang 61 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2)

Chủ đề truyện : Đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác của Ngô Tử Văn, một người trí thức. Đồng thời thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà.

Luyện tập Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Câu 1 (trang 61 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2)

Ý kiến về đoạn kết truyện :

- Đồng tình vì đó là cái kết đẹp thể hiện được khát vọng công lí của nhân dân : chính nghĩa nhất định chiến thắng gian tà.

- Nếu không đồng tình thì đưa ra một cách kết khác.

Câu 2 (trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tóm tắt truyện Chức phán sự đền Tản Viên

Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ khảng khái, chính trực. Trong làng có một ngôi đền thiêng. Từ khi có một tên tướng giặc nhà Minh tử trận ở gần đền, hồn của hắn tác quái. Tức giận, Tử Văn châm lửa đốt để trừ hại cho dân. Sau khi đốt đền, Tử Văn lên cơn sốt mê man, chàng thấy tên hung thần đòi trả đền và đe dọa bắt chàng xuống âm phủ. Thổ thần bày tỏ thái độ cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn, mách chàng về tung tích, tội ác tên hung thần và cách đối phó. Đến đêm, khi bệnh nặng thêm, Tử Văn thấy hai tên quỷ đến bắt chàng xuống âm phủ. Trước Diêm Vương, Tử Văn đã tố cáo tội ác của tên hung thần để hắn bị trừng trị. Thổ thần được phục chức, lính đưa Tử Văn về trần gian. Một tháng sau, Thổ thần tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự đền Tản Viên để tạ ơn.

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên chi tiết

   Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn Chuyện chức phán sự đền Tản Viên trang 60, 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

Đọc - hiểu văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Bài 1 trang 60 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Theo anh (chị) việc làm của nhân vật Ngô Tử Văn có ý nghĩa gì?

a) Thể hiện quan điểm và thái độ của người trí thức muốn đả phá sự mê tín thần linh của quần chúng bình dân.

b) Thể hiện sự khảng khái, chính trực và dũng cảm muốn vì dân trừ hại.

c) Thể hiện tính hiếu thắng của người trẻ tuổi.

d) Thể hiện tinh thần dân tộc, mạnh mẽ qua việc diệt trừ tên giặc xâm lược hung bạo, bảo vệ Thổ thần nước Việt, người từng có công giúp Lý Nam Đế chống ngoại xâm.

e) Ý kiến khác.

Giải thích nguyên nhân sự lựa chọn của anh (chị).

Trả lời:

Việc làm của Ngô Tử Văn là đốt đền, vạch tội hồn tên tướng giặc trước Diêm Vương. Hành động của Tử Văn xuất hiện từ ý thức rõ ràng: "Thấy sự gian tà thì không chịu được" chứ không phải việc làm động chạm thần linh. Qua lời giới thiệu về Tử Văn và nguyên nhân đốt đền của chàng, ta thấy Tử Văn là con người "khảng khái", "nóng nảy" và "cương trực”. Tử Văn là người coi trọng công lí, bất bình trước cái xấu, cái ác lộng hành làm mưa làm gió.

Cuộc đấu tranh giữa Ngô Tử Văn với hồn tên tướng giặc họ Thôi là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực: công lí, chính nghĩa và phi nghĩa, gian tà. Cuộc đấu tranh giữa hai thế lực này có ý nghĩa hiện thực cụ thể và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, một mặt lên án giặc ngoại xâm, tố cáo sự cấu kết của thần quyền, mặt khác phản ánh hiện thực xã hội với cái nhìn tin tưởng vào chính nghĩa thắng gian tà.

Câu trả lời tốt nhất ở đây là câu (e). Ý kiến khác ở đây cần bao gồm cả ý (b) và ý (d) (có thể thêm những ý kiến mang tính phát hiện sáng tạo). Hành động của Tử Văn vừa thể hiện sự khảng khái, chính trực và dũng cảm vì dân trừ hại (b), vừa thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ qua việc diệt trừ hồn tên giặc xâm lược hung bạo, bảo vệ thổ thần nước Việt (d). Câu trả lời (a) chỉ đúng một phần rất nhỏ vì Ngô Tử Văn có đả phá nhưng là đả phá sự ngu tín vào những thần ác, thần bất chính chứ không đả phá tập tục thờ cúng thần linh nói chung. Câu trả lời (c) hoàn toàn là sai vì Ngô Tử Văn không đốt đền một cách vô cớ, hơn nữa trước khi đốt, Tử Văn "tắm gội sạch sẽ, khấn trời'' rồi mới "châm lửa đốt đền". Hành động đó của Tử Văn chứng tỏ chàng đã suy xét rất kĩ lưỡng chứ đâu phải hành động của người tuổi trẻ hiếu thắng.

Bài 2 trang 60 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Theo anh (chị) chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ thể hiện điều gì?

a) Thể hiện niềm tin của người thời trung đại: bên cạnh cõi trần còn có một thế giới khác là âm phủ, nơi con người sau khi chết sẽ phải đến để nhận sự phán xét, thưởng phạt về những việc làm của mình khi còn sống.

b) Thể hiện khát vọng công lí chưa thực hiện được trong cuộc sống trần thế của người xưa.

c) Nhằm đẩy kịch tính của truyện đến cao trào để nhân vật chính - Ngô Tử Văn - có dịp bộc lộ bản lĩnh, khí phách của mình.

d) Có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác.

e) Ý kiến khác.

Giải thích lí do sự lựa chọn của anh (chị).

Trả lời:

Khi soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, em thấy:

Việc xử kiện ở âm phủ là do hồn tên tướng giặc Bách Hộ họ Thôi kiện Ngô Tử Văn đốt đền. Hồn tên tướng giặc đã giả mạo Thổ Thần, làm hại dân, qua mặt cả Diêm Vương. Sở dĩ Diêm Vương không hay biết là vì các vị thần ở những đền miếu lân cận ăn của đút nên bao che cho kẻ ác, vì các phán quan của Diêm Vương chưa làm hết trách nhiệm của mình, quan liêu, không theo sát thực tế.

Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ là chi tiết vô cùng cần thiết nhằm đẩy kịch tính của truyện đến cao trào để nhân vật bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất đồng thời khắc sâu chủ đề của truyện. Chi tiết này thể hiện khát vọng của người xưa về công lí chưa thể hiện được nơi trần thế còn đầy rẫy bất công và tội ác. Con người thời trung đại còn tin rằng bên cạnh cõi trần còn có một thế giới khác là âm phủ, nơi con người sau khi chết sẽ phải đến để nhận sự phán xét, thưởng phạt về những việc làm của mình khi còn sống. Điều đó có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác để không bị trừng phạt.

Học sinh phải chọn ý (e) để trình bày ý kiến của mình. Ý kiến trình bày phải bao gồm được tất cả các ý (a, b, c, d).

Bài 3 trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Chi tiết Ngô Tử Văn được nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Chức phán sự là một chức quan xem xét về các vụ kiện tụng, giúp việc cho người xử án. Đây là chức quan thực hiện công lí. Ngô Tử Văn sở dĩ được Thổ thần tiến cử nhận chức này vì chàng đã giúp Thổ thần đòi lại công lí, chàng dũng cảm bảo vệ công lí, chính nghĩa ngay cả khi cái chết đe dọa. Việc nhận chức phán sự đền Tản Viên của Ngô Tử Văn chính là một hình thức thưởng công xứng đáng có ý nghĩa noi gương cho đời sau, khích lệ mọi người dũng cảm đấu tranh chống cái ác, bảo vệ công lí. Hình ảnh Ngô Tử Văn oai phong lẫm liệt xuất hiện ở cuối chuyện đã nói lên điều đó.

Bài 4 trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Phân tích nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và hấp dẫn của Nguyễn Dữ.

Trả lời:

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn: Yếu tố kì ảo dày đặc, xen lẫn chuyện người, chuyện thần, chuyện ma, thế giới thực ảo, trần thế, địa ngục... làm cho câu chuyện càng trở nên hấp dẫn. Kì ảo là phương thức đặc biệt để chuyên chở nội dung và cảm hứng hiện thực.

- Cách kể chuyện từng đoạn theo trình tự thời gian đầy li kì biến hoá mà vẫn tự nhiên, logic, có thắt - mở nút.

Tác giả đã dẫn dắt chuyện vô cùng khéo léo, mở ra bằng một sự việc bất ngờ rồi dẫn dắt dần tới đỉnh điểm của kịch tính và giải quyết một cách hợp lí, thoả đáng. Người đọc hồi hộp theo dõi diễn biến các sự việc để rồi cuối cùng thở phào nhẹ nhõm, chủ đề tư tưởng của chuyện vì thế được nổi bật.

Bài 5 trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Nêu chủ đề của truyện.

Trả lời:

 "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ có nhiều ý nghĩa nhưng chủ yếu là đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân qua hình tượng Ngô Tử Văn - một trí thức yêu chính nghĩa, dũng cảm, cương trực. Truyện thể hiện khát vọng công lí, niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng.

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên phần Luyện tập

Bài 1 trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Nếu được yêu cầu viết đoạn kết thúc của truyện, anh (chị) sẽ đồng tình với cách kết thúc như đã có hay sẽ chọn một cách kết thúc khác? Trình bày và giải thích ý kiến của mình?

Gợi ý:

Với yêu cầu viết đoạn kết của truyện, các em có thể đồng tình hay không đồng tình với kết thúc như đã có và đưa ra một cách kết thúc khác, có thể chọn Tử Văn không chết. Vấn đề quan trọng là có thể giải thích một cách hợp lí và thuyết phục về ý kiến của mình trên cơ sở chủ đề, ý nghĩa của truyện.

Bài 2 trang 61 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Tóm tắt truyện (không quá 20 dòng).

Trả lời:

Tóm tắt cần đầy đủ các chi tiết quan trọng sau đây:

- Ngô Tử Văn, một kẻ sĩ khẳng khái, chính trực đã đốt đền của một tên hung thần vốn là tướng giặc xâm lược, trừ hại cho dân.

- Tên hung thần đe dọa Tử Văn nhưng chàng đã được Thổ thần mách bảo về tung tích và tội ác của hắn, đồng thời chỉ dẫn cách đối phó.

- Ngô Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ. Trước mặt Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã dũng cảm tố cáo tội ác tên hung thần với đầy đủ chứng cứ. Cuối cùng, công lí được khôi phục, kẻ ác bị trừng trị, Thổ thần được phục chức, Tử Văn được sống lại.

- Ngô Tử Văn được thổ thần tiến cử giữ chức phán sự đền Tản Viên.

Soạn bài Chức phán sự đền Tản Viên lớp 10 nâng cao

Câu 1: Đọc đoạn trích từ "Đốt đền xong, chàng về nhà..." đến "...bỏ người ấy vào ngục Cửu U" và tìm hiểu các nội dung sau:

a. Trong đoạn trích có các sự việc lớn nào?

b. Ngô Văn Tử giải quyết từng việc ra sao?

c. Các sự việc xảy ra đối với Ngô Văn Tử trong thời gian bao lâu? Chàng đã gặp những nhân vật nào?

d. Phân tích ý nghĩa của sự việc: trước khi đốt đền, Tử Văn "tắm gội sạch sẽ, khấn trời".

e. Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Bách hộ họ Thôi.

Gợi ý:

a. Trong đoạn trích có các sự việc lớn:

  • Ngô Tử Văn châm lửa đốt đền.
  • Bị Diêm Vương bắt về tra xét.
  • Ngô Tử Văn vạch tội hồn tên tướng giặc trước Diêm Vương

b. Ngô Văn Tử giải quyết từng việc rất gọn và cương trực.

c. Các sự việc xảy ra đối với Ngô Văn Tử trong thời gian: từ chiều đến đêm.

Chàng đã gặp những nhân vật: hồn tên tướng giặc, Ngự sử đại phu từ đời vua Lí Nam Đế, hai tên quỷ sứ, Diêm Vương.

d. Ý nghĩa của sự việc: trước khi đốt đền, Tử Văn "tắm gội sạch sẽ, khấn trời".

Hành động đó của Tử Văn chứng tỏ chàng đã suy xét rất kĩ lưỡng trước khi đốt đền.

Câu 2: Qua lời giới thiệu về Tử Văn và nguyên nhân đốt đền của chàng, anh (chị) hiểu gì về tính cách của Ngô Tử Văn?

Gợi ý:

Qua lời giới thiệu về Tử Văn và nguyên nhân đốt đền của chàng, ta thấy Tử Văn là con người "khảng khái", "nóng nảy" và "cương trực”.

Khi soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nâng cao, em thấy: Tử Văn là người coi trọng công lí, bất bình trước cái xấu, cái ác lộng hành làm mưa làm gió.

Câu 3: Truyện kể về cuộc đấu tranh sống còn giữa hai thế lực: một bên là con người (do Ngô Tử Văn đại diện), một bên là thần linh, ma quỷ (Minh ti, hôn viên Bách hộ họ Thôi,...)

- Nêu ý nghĩa của cuộc đấu tranh này.

- Thế lực ma quỷ, thần linh trong truyện phản ánh nội dung gì của thời đại Nguyễn Dữ?

Gợi ý:

Cuộc đấu tranh giữa Ngô Tử Văn với hồn tên tướng giặc họ Thôi là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực: công lí, chính nghĩa và phi nghĩa, gian tà.

Cuộc đấu tranh giữa hai thế lực này có ý nghĩa hiện thực cụ thể và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, một mặt lên án giặc ngoại xâm, tố cáo sự cấu kết của thần quyền, mặt khác phản ánh hiện thực xã hội với cái nhìn tin tưởng vào chính nghĩa thắng gian tà.

Câu 4: Hãy chỉ ra yếu tố truyền kì trong câu chuyện và tác dụng của chúng.

Gợi ý:

- Nhân vật thần kì: Diêm Vương, Thô công, hồn tên tướng giặc

- Không gian kì ảo ở giấc mơ của Tử Văn và ở Minh ti

- Tác dụng:

  • Giúp câu chuyện thêm phần li kì, hấp dẫn
  • Các sự việc mang lại cho câu chuyện những ý nghĩa xã hội sâu sắc: niềm tin công lý, chính nghĩa sẽ thắng tàn gian.

Rút ra bài học từ Chức phán sự đền Tản Viên

  • Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đề cao tinh thần khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt; đồng thời thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.
  • Bằng nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, nhân vật được xây dựng sắc nét, tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính, truyện đã đế lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 10 bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã được chúng tôi biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM