Nghị luận xã hội về người tử tế

Xuất bản: 28/03/2019 - Cập nhật: 20/04/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 9] Những bài văn hay nghị luận xã hội bàn về người tử tế, suy nghĩ về những người sống tử tế trong xã hội hiện nay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về người tử tế.

***

Bài văn đạt điểm tuyệt đối nghị luận về người tử tế

Tuổi 17 tôi ngày ngày đến trường, được lĩnh hội bao nhiêu bài học kiến thức - bài học về tâm hồn. Nhưng có lẽ, vì tuổi 17 tôi vẫn nghĩ mình "lo cho chơi và học đã" và tôi vẫn chưa thấy được mình phải sống thế nào. May mắn! Một ngày cuối tháng 11, khi tôi cầm tờ đề thi trên tay, tôi đã giật mình về chính mình - về cách sống mà mình cần nhận thức học hỏi: "Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác nhưng nhất thiết phải là người tử tế".

Trong cuộc đời có những thứ mà khi sinh ra bạn không thể lựa chọn cho mình: tình yêu, cha mẹ, tài năng... nhưng sẽ có những thứ khi bạn nỗ lực hết mình sẽ đạt được nó. Cố gắng nỗ lực hết mình sống với tâm huyết bạn sẽ trở thành "người lao động chân chính" được mọi người tôn trọng. Bạn cũng có thể trở thành "doanh nhân tầm cỡ" được mọi người nể phục. Bạn cũng có thể trở thành "nhà lãnh đạo xuất sắc", "những chính khách uyên bác" được mọi người tôn vinh, học hỏi. Nhưng, dù bạn trở thành ai, địa vị sau này bạn ở đâu thì cái quan trọng cuộc đời sẽ ghi nhận ở bạn đó là "người tử tế". Vậy theo bạn "người tử tế" ở đây là gì?

Hiểu một cách đơn giản "người tử tế" là người làm việc tốt, sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa, phù hợp với đạo đức, chuẩn mực của xã hội. "Người tử tế" phải là người sống thật với bản lĩnh của chính mình. Câu nói của PGS Văn Như Cương đã nhắc nhở chúng ta về lối sống tốt - sống đẹp ở đời.

Người tử tế là người sống đúng, sống đẹp ở đời. Chúng ta sinh ra sống với đôi mắt trời sinh nhưng đã bao giờ bạn cho đó là một món quà? Cuộc sống được đan dệt bởi những yêu thương. Bạn đã bao giờ mở rộng trái tim để đón lấy và trao đi những yêu thương? Tố Hữu đã từng nói: "Đã là con chim, chiếc lá/ Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

Cho và nhận là điều ý nghĩa! Yêu thương là cội nguồn, căn cốt của sự sống. Lịch sử chẳng đã chứng minh tình yêu thương, tồn tại của người với người trong truyền thuyết Adam - Eva đó hay sao? Ở đời khi bạn nhận ra mình cần sống có ý nghĩa là lúc bạn biết mở rộng lòng mình với mọi người xung quanh. Biết yêu thương, cho đi - nhận lại là điều tuyệt vời. Khi bạn trao cho ai đó niềm vui, sự bất ngờ bạn sẽ nhận lại được những điều ý nghĩa. Bởi "Bàn tay trao hoa hồng bao giờ cũng vấn vương mùi hương".

Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại vô hạn. Vì thế trong cuộc sống, hãy để bàn tay thơm thảo ướp hương tình người! Khi bạn biết giúp đỡ bà cụ ăn xin bằng vài đồng ăn sáng bạn sẽ thấy vui. Khi bạn biết nói "Con yêu mẹ" - bạn và mẹ sẽ rất hạnh phúc. Trong tình yêu, quan trọng không phải chúng ta sống bằng vật chất, tiền bạc mà sống bằng tình nghĩa, thủy chung son sắt. Và một chút nào đó, mọi người sẽ nhớ đến bạn: một trái tim sống ân nghĩa.

Tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện về hai thầy trò đi trên bãi cỏ xanh. Khi gặp người nông dân đang lặn dưới ao sâu. Cậu học trò nói: "Người đó để quên chiếc giày hay là mình giấu đi thử xem phản ứng của họ như thế nào". Người thầy giáo: "Thay vì em giấu đôi giày đó thì em hãy thử đặt một cọc tiền xu vào xem phản ứng của họ như thế nào". Cậu học trò nghe theo và khi người nông dân kia lên bờ nhìn thấy đôi giày có đồng xu. Ông lão reo lên: "Trời đã ban phúc cho ta. Hôm nay vợ con ta không phải nhịn đói nữa rồi". Bạn có biết rằng, khi cho đi là khi ta đã nhận lại niềm vui...

Người tử tế còn là người biết vượt qua hoàn cảnh để tỏa sáng. Cuộc sống không bao giờ trải sẵn thảm đỏ cho ta đi mà nó luôn là những sóng gió bất ngờ ập đến. Điều quan trọng đòi hỏi bạn phải có nghị lực sống vững bền, vượt qua hoàn cảnh. Pytago từng dạy ta: "Cõi đời hôn lên tôi nỗi đau thương/ Và đòi tôi phải đáp trả bằng lời ca tiếng hát". Cuộc sống là thế! Khi bạn vấp phải khó khăn đau thương, cần vượt qua hoàn cảnh sống bằng lời ca tiếng hát của chính mình. Sống lạc quan, có nghị lực vượt qua hoàn cảnh sẽ cho ta lối sống, bản lĩnh vững vàng.

Sống tử tế còn là biết cống hiến cho cuộc đời những giá trị tốt đẹp nhất. Dù bạn ở địa vị nào không quan trọng, cái quan trọng bạn cống hiến cho đời được những gì? Hay là anh thanh niên trên Sapa âm thầm cống hiến (Lặng lẽ Sapa), hay là chị lao công "tiếng chổi tre sớm tối đi về" (Tiếng chổi tre), hay là như lời dạy của Thanh Hải:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

Hãy là một mùa xuân nho nhỏ cống hiến trái tim cho đất nước. Dù ở tuổi nào chúng ta hãy cống hiến cho đất nước. Cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp này!

Bên cạnh những con người rất đáng học hỏi, cuộc sống vẫn còn những con người rất đáng suy ngẫm, bởi họ sống quá thực dụng, vô cảm, vụ lợi.

Chúng ta còn nhớ vụ hôi bia ở Đồng Nai do chủ xe bị lật bánh. Mặc cho lời cầu xin của chủ xe họ vẫn "cướp giật" như cảnh nạn đói năm 1945. Hay là vụ người chồng lai vợ bầu đi sinh, giữa đường không may bị tai nạn người mẹ tử vong, người con văng ra khỏi bụng mẹ. Nhưng người dân vẫn không ai giúp đỡ.

Thử hỏi, trong một xã hội mà ít lòng tốt thì con người sẽ sống sao? Họ sống bằng vụ lợi cá nhân, toan lo cho mình mà không biết nghĩ cho người xung quanh. Có người họ coi vật chất còn quan trọng hơn sự hy sinh của một ai đó. Cuộc sống với guồng quay vô tận vô tình "bê tông hóa tâm hồn" họ. Vì thế, để cuộc sống có ý nghĩa, mọi người - đặc biệt tuổi trẻ cần có ý thức, hành động cụ thể hơn.

Hãy biết mở rộng vòng tay yêu thương cho đi mà không suy nghĩ. Hãy để bàn tay tình yêu ướp hương lòng người. Và chúng ta sống cần có lối sống, cách ứng xử đúng đắn. Vững vàng trước mọi cạm bẫy khó khăn ở đời. Ai đó đã từng nói: "Khi bạn bắn pháo đại bác vào cuộc sống. Nó sẽ tặng lại bạn quả lựu đạn". Vì thế, hãy sống vượt qua hoàn cảnh, lạc quan, vượt qua nỗi đau thương trao tặng cho đời nụ hôn ngọt nào.

Sống tử tế là khi chúng ta biết mình cần sống có ý nghĩa nhất. Đó là bài học mà phó giáo sư Văn Như Cương muốn nhắc nhở chúng ta! Đặt hoàn cảnh vào những người khác, tôi mới thấy được những người khó khăn, thiếu thốn, những người xung quanh mong muốn nhận tình yêu, đôi tay ấm nồng của mình đến mức nào. Không phải là lời nói sống, mà là hành động cụ thể để cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Ngày hôm nay, tôi thả ra ngoài cuộc đời kia những hạt phấn thông vàng, mong rằng chúng sẽ đến được với tất cả mọi người, thì thầm câu chuyện về một trái tim sẽ luôn tỏa sáng trong đời!

(Bài làm của bạn Đào Ngọc Thành, THPT Hồng Bàng, Hải Phòng)

Những bài văn hay khác trình bày suy nghĩ về người tử tế

Bài số 1:

Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Từ những việc nhỏ nhặt nhất như lễ phép với người lớn, yêu thương trẻ em, người già, không nghi kị người thấp kém hơn mình, bao dung với những người có lỗi lầm với mình… đã là những khía cạnh của sự tử tế. Hay đến những hành động lớn lao hơn như quyên góp tiền bạc, vật chất giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, luôn đứng về lễ phải, biết đấu tranh chống lại cái ác, không chịu an phận thủ thường, bàng quang lãnh đạm với cái xấu…thì sự tử tế đó càng đáng quý biết bao. Những việc ý nghĩa càng nhiều, những cái xấu xa càng được đẩy lùi thì cuộc sống trên trái đất này càng tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

Người tử tế có sự nhiệt huyết với con người, với cuộc đời một cách đáng kinh ngạc, sự nhiệt huyết chính là sức mạnh để họ giải quyết mọi công việc, biến những việc lớn thành việc nhỏ, biến những việc khó giải quyết thành những chuyện dễ giải quyết vô cùng.

Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác và đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Người tử tế luôn có những hành động xuất phát từ động cơ trong sáng, mọi suy nghĩ đều hướng đến sự lương thiện, vì cuộc sống chung, thậm chí còn biết hy sinh những quyền lợi cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp trọn vẹn cho cộng đồng.

Từ những hành động tử tế nhỏ bé trong cuộc sống thôi nhưng nó cũng tạo nên sức mạnh tinh thần không hề tầm thường: con cháu quan tâm, lo lắng đến sức khỏe ông bà, cha mẹ, hàng xóm láng giềng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, bạn bè giúp nhau trong học tập, anh chị em yêu thương, đùm bọc nhau… cũng góp phần tạo nên một cuộc đời với nhiều sự tốt đẹp.

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ, mà hầu hết đều được thể hiện qua hành động, họ biết thấu cảm với những nỗi đau của người khác, giúp đỡ người khác không chút tính toán. Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng, cho đi ân đức cũng chính là góp nhặt phước đức cho bản thân. Có những hành động, việc làm tốt đẹp cũng chính là đang làm cho cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.

Hãy sống một cuộc đời với nhiều sự tử tế thay vì một cuộc đời của con người vô cảm. Chính sự vô cảm đã khiến cho con người với con người dần dần và ngày càng xa nhau hơn, chỉ biết sống cho mình để rồi khi hoạn nạn không có người giúp đỡ, khi cần có người bên cạnh lúc gặp chuyện buồn cũng chẳng có ai. Tuy nhiên, muốn có được sư giúp đỡ thì cũng phỉa biết sống có tấm lòng thiện chí thực sự, biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Có một cộng đồng với nhiều người tử tế thì cuốc sống đó thật tuyệt vời biết bao

Cuộc sống là cả một guồng quay theo quy luật, mỗi người chỉ sống một cuộc đời duy nhất, bạn muốn sống một cuộc đời cống hiến những điều tốt đẹp nhất được mọi người công nhận và ngợi ca như anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” hay một cuộc đời nhạt nhẽo khiến con người ta bị cho vào thành phần sống vô cảm trong xã hội. Điều đó đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người.

Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Đó chính là lời hát gợi mở về sự tử tế, những tấm lòng tử tế trên đời.

Bài số 2:

Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết

Tử tế là phẩm chất cao quý của con người. Người tử tế, do đó, không chỉ là người có phẩm chất cao quý mà còn là người biết sử dụng lòng tốt của bản thân, chia sẻ những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống có giá trị.

Về ngữ nghĩa, tử tế là sự tốt bụng. Sống tử tế là sống có tấm lòng, từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có khả năng góp phần tạo nên lối sống đẹp. Lòng tử tế, hiện hữu trong mỗi con người, trước nhất như một tiềm năng, do vậy, để có nó trong cuộc sống, ta cần khai thác, nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển. Vì là một phẩm chất nên sự tử tế không bỗng dưng mà có, cần được huấn luyện, hướng dẫn, học tập, rèn luyện để có được. Khi lòng tử tế đã có mặt, người sở hữu nó phải biết gìn giữ, ứng dụng và nhân rộng.

Về bản chất, người tử tế vừa nhạy cảm, vừa năng động, vừa thích dấn thân. Nhạy cảm với những bất công, cảm thông với những nỗi đau, năng động với các việc nghĩa, dấn thân vào các công việc đáng làm. Tất cả chỉ vì một tấm lòng: không thể thờ ơ, bàng quan, lãnh cảm, an phận thủ thường, hay vô tích sự. Nhờ phẩm chất này, người tử tế luôn năng động, tìm kiếm các việc nghĩa để góp phần phụng sự tha nhân, xây dựng cuộc sống trên hành tinh này ngày càng tốt đẹp hơn.

Nói cách khác, nơi nào có lòng nhiệt huyết, nơi đó xuất hiện nhiều việc nghĩa. Người nào có lòng nhiệt huyết, người đó sẽ không để cuộc sống của mình trôi qua một cách uổng phí và tiếc nuối. Với lòng nhiệt huyết, việc nặng thành nhẹ, việc lớn thành nhỏ, việc khó thành bình thường. Nhiệt huyết vì việc nghĩa là sức sống bùng cháy, mãnh liệt như mặt trời không ngừng sự chiếu soi. Với nhiệt huyết, ta mở ra cho mình các cánh cửa cơ hội của việc tốt, việc nghĩa, việc có giá trị. Nhờ đó, cuộc sống này tăng thêm gia vị tình người.

Người tử tế nào cũng có đức tính cao thượng, bao dung, độ lượng. Người cao thượng, không trói tâm mình vào danh vọng, lợi dưỡng, phục vụ cho cái tôi và phe nhóm mình. Nhờ phẩm chất cao thượng, người tử tế biết quan tâm tới tha nhân với động cơ trong sáng, với hành động cao quý. Trong mọi tình huống, người cao thượng suy nghĩ, quyết định, làm việc trên tinh thần “quang minh, chính đại”, hướng đến công bằng xã hội. Thậm chí có thể hy sinh các quyền lợi cá nhân để hướng đến đại cuộc.

Nói theo đức Phật, người tử tế với tâm cao thượng là người “vì phúc lợi, vì an lạc, vì lợi ích cho số đông”. Với phẩm chất cao thượng, người tử tế sống rất dung dị, gần gũi với cuộc sống, không ngừng nỗ lực phụng sự và đóng góp.

Mỗi khi ngồi quan sát đàn kiến đang vội vã vác trên lưng chúng các thực phẩm to hơn chúng, dầu vất vả và nặng nhọc, các con kiến đã chào hỏi nhau, thể hiện sự quan tâm dành cho đồng loại. Hành động đó, tưởng chừng như nhỏ lại có ý nghĩa nhân văn.

Trong sự bôn ba, mưu cầu hạnh phúc, đôi lúc chúng ta quên đi sự quan tâm tới nhau, hỏi han nhau, giúp đỡ nhau. Quan tâm tới tha nhân làm cho cuộc sống trở nên thân thiết, gần gũi, ấm áp tình người. Lời hỏi han, động viên, góp ý tưởng cho người khác đang bí lối… để lại ấn tượng tốt đẹp và sự khích lệ cần có.

Vượt lên trên loài vật, sự quan tâm của con người không nên là chủ nghĩa hình thức, qua loa, lấy lệ. Cần có ý thức về trách nhiệm quan tâm đến người thân và tha nhân trong xã hội. Không cần phải quan tâm đến những điều xa vời, cao siêu, phi hiện thực.

Từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng không tầm thường, sự quan tâm của ta về cuộc đời sẽ giúp cuộc sống có ý nghĩa. Các nghĩa cử như cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái; con cháu quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, ông bà; làng xóm quan tâm lẫn nhau, mỗi người quan tâm đến tha nhân trong tương quan xã hội… góp phần tạo nên văn hóa tình người.

Quan tâm, chào hỏi không phải là việc gì quá to lớn đến độ không làm được, do đó, đừng để tâm mình trở nên khô khan, chai lì trước những bất hạnh của tha nhân. Người thiếu quan tâm đến tha nhân chẳng khác nào có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe, có mũi mà không thở, lủi thủi một mình, lầm lì, vô cảm. Quan tâm bằng lời thưa hỏi, quan tâm bằng hành động trợ giúp, quan tâm bằng sự cho đi… là những nghĩa cử tạo nên niềm vui và hạnh phúc trong đời.

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại trong tâm tưởng, mà cần thể hiện qua hành động từ bi, nhân ái, vị tha, vô ngã. Người tử tế biết thống thiết với nỗi đau của kiếp người nên biết chia sẻ, hiến tặng, ban cho bằng cả tấm lòng. Giúp đỡ người khác thực ra làm cho chính mình trở nên cao thượng. Hiến tặng cho người khác thực ra là đang góp nhặt phước đức cho bản thân. Phụng sự cho cuộc đời thực ra là đang làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa. Không ai nghèo đến nỗi không thể cho người khác cái gì. Cũng không ai giàu đến nỗi có thể cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Chia cắt một phần chi tiêu không cần thiết của bản thân và gia đình, tặng cho các mảnh đời kém may mắn hơn, là đang mang lại niềm hạnh phúc với tâm niệm ban cho như cứu khổ, người giúp đời, cứu người thấy rõ sống không phải là gom góp cho riêng mình mà là ban tặng, dâng hiến. Như nguồn nước lưu thông, nước chảy đi rồi lại chảy về, mang thêm phù sa bồi đắp… Người ban cho sẽ không mất đi những thứ mình đang có, mà làm cho những thứ mình sở hữu trở nên có ý nghĩa hơn.

Trong nhiều tình huống, ta không nên mặc cảm với sự cho. Trao tặng kiến thức, tư vấn nghề nghiệp, giúp đỡ cơ hội, chỉ dẫn lối đi… là cho những chiếc cần câu, dù đòi hỏi đến công phu nhưng rất cần thiết. Hiến tặng tạng, mô và hiến xác cho y học là đang trao tặng cho những người hữu duyên cơ hội “được tái sinh” một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện tại ngắn ngủi này. Nâng đỡ người có khả năng, giúp đỡ người nghèo khó, dẫn dắt người bí lối, truyền trao kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau… đều là những sự cho có giá trị. Cho một lời khuyên đúng tình huống có thể tạo nên sự lên dây cót tinh thần. Đưa tay xuống cứu vớt một mảnh đời, tạo cơ hội cho người ngã quỵ đứng thêm một lần nữa… là những sự cho có ý nghĩa xây dựng cuộc sống. Đừng lỗi hẹn với sự cho.

Đừng chậm trễ và chần chừ. Đừng tiếc nuối và vô cảm. Khi chết đi, không ai có thể mang theo bất cứ vật gì tùy thân. Do đó, khi còn sống, đừng đánh mất cơ hội ban cho. Nói cách khác, người ban cho thì còn hoài. Người giấu diếm, tham luyến tài sản trở nên bủn xỉn, đôi lúc vô dụng. Hãy tập thói quen ban cho, thay vì chỉ biết gom góp về.

Sống tử tế còn bao hàm nhiều phẩm chất cao quý khác như chính trực, can đảm, chí công, vô tư, hy sinh, tận tụy… Lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn. Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.

(TS. Thượng Tọa Thích Nhật Từ,

báo Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015)

Bài số 3:

Mỗi con sinh ra trong cuộc đời, đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Mỗi người một tính, và chẳng ai giống ai cả. Ai cũng chọn cho mình một con đường riêng, để bước đi trong cuộc đời. Sống như thế nào chẳng thể do người khác quyết định được. Có những người sống một cuộc sống dối trá, lừa đảo, bẩn thỉu, xấu xa. Nhưng cũng có những người, sống một cuộc đời, một cách sống vô cùng tử tế.

Tử tế là gì? Đó là đối xử đúng mực với những người xung quanh. Biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Là có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh.

Trong xã hội của chúng ta đang sống, có rất nhiều người tử tế. Họ có thể ở ngay cạnh bên chúng ta, hay ở bất cứ nơi đâu. Họ cũng giống như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt. Cũng sống một cuộc sống như chúng ta, nhưng có điểm khác biệt rằng. Họ luôn sống một cách có ý thức, có trách nhiệm, có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu, giúp đỡ con người.

Trong xã hội với biết bao nhiêu người khó khăn, vất vả. Rất nhiều người bị ảnh hưởng của chất độc da cam do chiến tranh. Những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mồ côi, không nơi nương tựa. Hay những gia đình có hoàn cảnh, bệnh tật chẳng đủ tiền để chạy chữa. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khốn khổ, biết bao nhiêu con người phải đau thương. Nếu không có những người tử tế, sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ, sẽ chẳng có những cuộc sống bình yên, những mái ấm tình thương được xây dựng.

Một xã hội không ngừng phát triển và đi lên. Đời sống con người cùng càng ngày càng trở lên ấm no hơn. Con người cũng văn mình hơn, biết suy nghĩ cho người khác. Biết cư xử một cách đúng mực, sống và làm việc một cách đúng đắn hơn. Mang lại niềm vui cho người khác, cũng là những việc mà những người tử tế muốn làm.

Những người thầy, người cô không sợ gian khổ. Chuyển công tác về những vùng núi, biên cương, hải đảo. Để đem cái chữ về cho những đứa trẻ. Dù cuộc sống thiếu thốn gian khổ, nhưng họ vẫn bám trụ, bởi trong họ có niềm kiêu hãnh, tự hào. Vì bản thân mình đã làm được một việc tử tế, góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Việc tử tế, chẳng phải thứ gì quá cao siêu và to lớn. Đôi khi, một hành động nhỏ cũng làm cho chúng ta được xem trọng, được yêu thương. Đưa cụ già qua đường nơi giao lộ, nhặt được của rơi trả người mất, giúp người bị tai nạn, hay sẻ chia cho người khác bữa ăn của mình… Tất cả những hành động tuy nhỏ, nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

Thử nghĩ mà xem, nếu một xã hội không có những người tử tế, đó sẽ là xã hội như thế nào. Một xã hội chỉ biết có bản thân của mỗi cá nhân, không quan tâm tới người khác. Một xã hội thờ ơ với thực tại, thấy người gặp nạn  thì lạnh nhạt cho qua. Gặp người khó khăn thì hồ nghi về người ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng trở lên lạnh lùng hơn hẳn. Biết bao nhiêu người chỉ biết tới bản thân mình. Sống một cuộc đời lãnh lẽo, chẳng đối xử tốt với ai, vì sợ bị lợi dụng, sợ không được đền đáp điều gì. Chẳng giúp đỡ ai điều gì, vì sợ bị lừa gạt.

Hạnh phúc trong cuộc sống xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cho đi và cảm nhận, chúng ta sẽ thấy tâm mình được mình yên thanh thản biết nhường nào. Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người. Việc tử tế, chẳng hề khó, và hãy sống như vậy đi, chúng ta sẽ được đền đáp. Bằng chính sự nhận xét của những người xung quanh, sự thiện cảm của họ với chúng ta, sự quý mến, yêu thương chúng ta.

Hãy luôn hướng cho mình một mục tiêu cố định về lẽ sống trong cuộc đời. Và hãy sống một cuộc đời tử tế, cách sống tử tế. Để chúng ta cảm nhận được tình yêu thương luôn ở bên.

» Tham khảo thêm:

Một số đoạn văn ngắn 200 chữ bàn về người tử tế

Đoạn văn số 1:

Về lối sống tử tế, có rất nhiều cách để khái niệm một lối sống tử tế, nhưng đối với bản thân tôi, tôi hiểu đó là sống thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp,... Muốn làm giàu, có thể chỉ vài năm, nhưng để có nếp sống hay cách ứng xử có văn hóa có thể phải trải qua nhiều năm tháng học hành và tiếp thu nghiêm chỉnh. Gần với chúng ta nhất như cách gọi, cách trả lời điện thoại sao cho có văn hóa cũng không phải ai cũng biết. Cách gọi, cách trả lởi điện thoại cộc lốc không một lời thưa gửi, tạo sự bực bội khó chịu cho người nghe không còn là chuyện ít. Lại có người nói năng quá lời, nói nhiều, nói dai đến mức không cần biết người nghe có muốn nghe hay không. Hút thuốc lá trong phòng làm việc, trên toa xe, trong rạp hát, nơi công cộng như chốn không người, bất chấp lời phàn nàn, sự khó chịu của những người xung quanh. Chúng ta đang dần chạy theo lối sống ích kỉ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân mà quên đi lẽ sống cao đẹp "mình vì mọi người" mà ông cha ta bao đời để lại. Những biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa như gặp người già đến nhà, con cái không chào, lên xe buýt, thanh niên tranh chỗ ngồi, không nhường cho người già, phụ nữ có con nhỏ. Nói tục, chửi bậy, chửi thề trước đông người tạo ra một hình ảnh xấu về bản thân trước mặt người khác. Sống tử tế không khó; chỉ khó khi ta lười biếng, e ngại hoặc chưa đủ quyết tâm. Đừng sống phí tuổi thanh xuân mà hãy cùng trao đổi kiến thức, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo, các em bé mồ côi, các cụ già ốm đau, không nơi nương tựa.

Xem thêm: Đoạn văn 200 chữ suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế

Đoạn văn số 2:

Cuộc sống hiện đại, chạy theo đồng tiền dễ khiến con người sẵng sàng đánh đổi tất cả kể cả nhân phẩm của mình. Đó cũng chính là lý do làm cho cuộc sống hiện nay còn hơi ít những con người tử tế.

Bàn về lối sống tử tế, vậy như thế nào là người tử tế: có rất nhiều cách để khái niệm người tử tế, nhưng đối với bản thân tôi, tôi hiểu người tử tế là người thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp,... Tóm lại người tử tế là người từ phong cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói và lối sống đều ngay thẳng, trước sau như một.

Tại sao chúng ta cần nhiều hơn cho xã hội những con người tử tế? Bởi lẽ một xã hội mà nhiều người tử tế thì xã hội đó sẽ văn minh hơn, đất nước mà có nhiều người tử tế thì đất nước đó sẽ là một đất nước mạnh về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị.

Làm người tử tế được lợi gì? Một câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta, bản thân con người luôn phân thành hai nhánh, một thiện, một ác, vậy nếu chúng ta không sống cho tử tế để phần thiện che lấp phần ác thì chúng ta nhanh chống dễ bị tha hoá và trở nên xấu xa, sống tử tế luôn được mọi người kính trọng, yêu quý và tin tưởng, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc hơn.

Sống cho tử tế là chúng ta đã sống có ích, tạo ra được giá trị cho xã hội và đúng với hai chữ “con người”. Xã hội hiện nay bên cạnh số ít những con người tử tế thì còn lại số đông là những con người vô cảm, vô văn hoá thậm chí cả xấu xa. Sống chỉ chạy theo lợi ích vật chất cho bản thân và chúng ta lại đặt ra một câu hỏi là nguyên nhân từ đâu. Chúng ta có thể dẫn ra một số nguyên nhân như: do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại và đặc biệt sự chi phối của đồng tiền quá lớn. Do sự giáo dục của nhà trường mà nên, đa số những người này là những người ít học, lười lao động. Sự thiếu quan tâm của các bậc cha me đến con em, các bậc phụ huynh quá nuông chiều con mình, vô hình dung đã tạo ra sự buông lỏng và dễ dẫn các em đến con đường ăn chơi sa đoạ. Do chính bản thân họ là những người không muốn vươn lên, sống mà chỉ biết phụ thuộc, thích dựa dẫm vào người khác, sống ích kỉ, tìm mọi cách để gian dối mỗi khi gặp khó khăn và đó chính là văn hoá đổ lỗi.

Từ những nguyên nhân đó ta có thể đưa ra một số biện pháp sau: Giáo dục nhà trường cần có biện pháp tích cực trong sự nghiệp trồng người. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con em mình, tránh chiều chuộng quá mức. Bản thân mỗi người phải nhận ra tầm quan trọng của việc sống tử tế, luôn đề phòng và tránh xa các tệ nạn xã hội. Tóm lại thì mỗi chúng ta hãy sống tử tế, sống tử tế có nghĩa là bạn đã tạo ra được giá trị cho xã hội, ông cha ta xưa có câu “tiên học lễ hậu học văn”, ngụ ý muốn răn dạy con cháu cần chú trọng trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách, lễ là nhân cách, văn là nhận thức hiểu biết, vậy muốn nhận thức đầy đủ và hiểu biết nhiều người ta phải xây dựng nhân cách và bản chất thật tốt. Hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy sống cho tử tế và thật dễ thương vì cuộc đời vốn dễ ghét.

/***/

Trên đây là những bài văn và đoạn văn ngắn nghị luận xã hội bàn về người tử tế. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được hay hơn.

Tuyển tập Văn mẫu lớp 9 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Nghị luận xã hội về người tử tế

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM