Cuộc sống không chỉ là hành trình nhận lại, mà còn là hành trình cho đi. Thông điệp "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều người trên con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi khám phá cách lập dàn ý, triển khai luận điểm và lựa chọn dẫn chứng thuyết phục để bài nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình của bạn không chỉ chạm đến trái tim người đọc mà còn truyền cảm hứng cho họ sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
- "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" là một câu thơ nằm trong bài thơ Một khúc ca xuân (12 - 1977), in trong tập thơ Một tiếng đờn (1992) của Tố Hữu.
"Vâng, anh hiểu, đang nói gì, đôi mắt
Mắt những người đã nhắm, vì ta
Cả bàn tay của những mẹ già
Bàn tay đã cho ta, tất cả. Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?"
- Ý nghĩa của câu thơ: Giữa “cho” và “nhận” luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp. Câu thơ đã truyền cảm hứng và khơi gợi suy tư về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Dàn ý nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: quan niệm "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" (câu nói của Tố Hữu).
2. Thân bài
a) Giải thích quan niệm
- Sống: là quá trình giao hòa với cộng đồng hay xã hội, là một phần của cuộc sống
- Cho: đem thứ mình có tặng cho người khác mà không đổi lấy gì cả.
- Nhận: sự đón lấy, hưởng thụ về vật chất hoặc về tinh thần.
- Đâu chỉ nhận riêng mình: làm mà không toan tính vụ lợi, làm xuất phát từ tấm lòng.
- Cho đi: là sự sẻ chia đồng cảm, biết yêu thương giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
=> Nghĩa cả câu Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình: biết yêu thương, sống tận tâm và quan tâm đến mọi người xung quanh, có trách nhiệm không chỉ mình mà còn với người khác.
=> "Cho" và "nhận" tưởng rằng là hai khái niệm khác nhau, xa rời nhau nhưng trên thực tế thì nó lại có mối quan hệ khăng khít, một người khi muốn nhận điều tốt thì cũng phải biết cách cho đi điều tốt của mình.
b) Phân tích, bàn luận về câu nói
* Biểu hiện của "cho đi"
- Luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có số phận hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
- Quan tâm đến những người xung quanh đơn giản bằng lời hỏi thăm hoặc an ủi.
- Sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen.
* Tác dụng của việc "cho đi"
- Nhận lại điều tốt đẹp hơn
- Bản thân sống vui vẻ và ý nghĩa hơn: Khi ta cho đi, ta không chỉ mang lại niềm vui cho người khác mà còn cảm nhận được sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn.
- Cho đi không chỉ là hành động giúp đỡ người khác, mà còn là cách để ta hoàn thiện bản thân, lan tỏa yêu thương và tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.
* Vì sao nói "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"?
- Đích đến của đời người là cả một quá trình, mỗi quá trình lại có những khó khăn và thuận lợi riêng, "cho đi" chính là sự biết ơn thầm lặng nhất.
- "Cho" là biểu hiện của một cuộc sống đẹp, tạo nên sức mạnh duy trì cuộc sống.
* Dẫn chứng trong thực tế cuộc sống
- Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh: xuyên suốt 79 mùa xuân của cuộc đời, chưa một ngày nào là Bác không hy sinh cống hiến hết sức mình cho nhân dân, cho đất nước.
- Nguyễn Đình Chiểu: nhà thơ gặp phải không ít trắc trở trong cuộc sống, không lấy đó làm oán hận cuộc đời, ông cho đi những thứ mình có như kiến thức, kỹ năng bốc thuốc và tài viết thơ khuyến khích tinh thần cho nhân dân vào thời đất nước bị xâm chiếm.
c) Bàn luận mở rộng
- Phê phán lối sống vô cảm, sống chỉ biết “nhận” chứ không hề “cho” - “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.
- "Cho" đi đúng lúc, đúng mức, không nên mù quáng, có thể “cho” đi về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần.
- Cần kết hợp hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa “cho” và “nhận”, nhận thức rõ niềm hạnh phúc của bản thân khi đem lại hạnh phúc cho người khác.
d) Bài học về nhận thức và hành động
- Biết yêu thương, chia sẻ, tự khắc hạnh phúc sẽ đến.
- Sống không chỉ là một chuỗi những mong muốn được đáp ứng và lợi ích cá nhân mà còn là sự sẻ chia, cống hiến và tạo ra giá trị cho cộng đồng.
- Hãy luôn sẵn lòng chia sẻ những gì mình có, dù là vật chất hay tinh thần, với những người xung quanh.
- Tìm kiếm những cơ hội để đóng góp cho cộng đồng, xã hội, dù là những việc làm nhỏ bé.
- Thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm và giúp đỡ đến những người cần thiết.
- Sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa câu nói: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” thể hiện một quan niệm sống phù hợp với đạo đức con người trong mọi thời đại.
- Liên hệ bản thân: Hãy sống để cho đi, để cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống mà do chính chúng ta tạo ra.
TOP 10+ bài văn nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Dưới đây là tuyển tập 10+ bài văn hay nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, hi vọng sau khi tham khảo các em sẽ phần nào tự xây dựng được hệ thống dàn ý, dẫn chứng cụ thể, học hỏi và rút kinh nghiệm cho bài viết của mình tốt hơn.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài nghị luận số 1:
Sống trên đời, mỗi con người không đơn giản chỉ là cần đến vật chất đủ mà còn cần đến tinh thần đủ, cái tinh thần đấy chính là tình cảm giữa con người với con người đối xử với nhau, giúp cho cuộc đời này trở nên ý nghĩa hơn. Nhà thơ Tố Hữu có câu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Vốn biết thế giới này muôn hình muôn vẻ, hiếm có người giống với người. Bởi vậy để làm cho cuộc sống của cá nhân mình trở nên ý nghĩa hơn là xuất phát từ chính suy nghĩ khác biệt của mỗi người. Đó là sự cho đi. Cho đi là gì? Cho đi đơn giản chỉ là những sự giúp đỡ, làm việc nghĩ đến những người xung quanh mình mà không màng đến báo đáp, không toan tính vụ lợi hay là không xuất phát từ ham muốn của bản thân. Cho đi là những suy nghĩ đơn giản họ khó khăn còn mình thì giúp đỡ qua cơn hoạn nạn mà thôi. Hay sự cho đi cũng có thể là tấm lòng quan tâm giữa người với người về mặt đời sống vật chất và tinh thần. Đó mới là cuộc sống mang đậm tính nhân văn mà chúng ta cần có. Thế còn đâu chỉ nhận riêng mình là gì? Đó là hành động biết giúp đỡ, san sẻ những người gặp hoàn cảnh cuộc sống ở xung quanh mình. Biết sống vì người khác mà đừng nghĩ đến mình được lợi gì thì việc làm đó, lợi ích đó giúp mình đến đâu, hãy biết sống vì cộng đồng, vì tập thể xã hội. Qua cả câu, Tố Hữu đã dạy ta bài học quan trọng trong cuộc sống đó chính là biết yêu thương, san sẻ với những con người xung quanh mình.
Cuộc sống này hạnh phúc hay tẻ nhạt, buồn chán đều xuất phát từ chính mỗi con người chúng ta, chúng ta sinh ra để tự làm chủ cuộc sống của chính mình, xuất phát từ suy nghĩ mà ta như thế nào mới mọi người. Thử suy nghĩ theo hai chiều hướng khác nhau xem sao.Nếu chúng ta biết yêu thương, san sẻ, chúng ta cho đi những gì chúng ta có với những người gặp hoàn cảnh khó khăn và nhận lại những tinh thần lạc quan và yêu đời hơn. Còn khi chúng ta có tất cả, chỉ giữ khư khư cho riêng mình mà không biết cách giúp đỡ người gặp khó khăn khác thì sẽ ra sao đây? Ta liệu thấy cuộc sống của mình hạnh phúc hay suốt ngày phải né tránh, sống một cuộc sống ẩn dật? Vậy nên lợi ích của việc sống biết cho đi không chỉ làm cho ta suy nghĩ tích cực hơn mà còn làm cho tâm hồn của ta nhẹ nhàng hơn, sống cuộc sống tự tại theo đúng nghĩa.
Cũng giống như từ nhiều năm nay màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên trong mùa thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hay là thi vào lớp 10, màu áo đó dường như đã trở nên quen thuộc với mọi người. Nhắc đến áo thanh niên màu xanh là đến sự quan tâm, sẻ chia và nhiệt huyết đến quên mình vì cộng đồng. Những ngày vào thi trời tháng 6 tháng 7 nắng như lửa đốt, nếu chẳng phải đi thi thì chẳng ai muốn rời khỏi nhà, ấy vậy mà những người thanh niên tình nguyện áo xanh đó không hề ngại khó khăn vất vả mà đến những điểm thi, tận tình chỉ dẫn và giúp đỡ cho những thí sinh và phụ huynh gặp khúc mắc. Đó quả là hành động cao cả sự cho đi mà không cần đền đáp, sẵn sàng giúp đỡ những lúc cần. Và những hình ảnh đẹp đó mỗi năm chúng ta đều thấy lại, trường tồn qua bao nhiêu thế học sinh sinh viên trên toàn quốc.
Sự cho đi cũng là nhận lại. Ta cho đi nghĩa là ta sẽ nhận lại được cách yêu thương mọi người, những bài học quý giá trong cuộc sống trân trọng những người xung quanh. Từ đó dạy ta cách thông cảm cho người khác, có những suy nghĩ và hành động vì người khác giúp đỡ họ những lúc họ cần. Biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là đại diện cho những tấm gương sáng ở việc làm "cho đi" không vụng lợi của mình, thì nay anh Trần Phước Hòa ở quận Bình Tân là người đã xây dựng hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. “Việc quan sát bà con đến ăn ở quán, hỏi họ dăm ba câu đã thành thói quen của tôi. Tôi cảm thấy tấm lòng mình khi họ được no bụng”. Sự cho đi ấy làm anh Hòa nhận được là sự cảm thông, niềm vui trong cuộc sống khi được giúp đỡ và đặc biệt là làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Những hành động tuy nhỏ bé nhưng cũng sẽ làm cho người giúp đỡ có cảm giác được quan tâm và yêu thương. Hình ảnh đặc trưng của những thành phố hiện nay đó chính là những bình nước mát sạch hoàn toàn miễn phí phục vụ cho những người dân đi đường hay những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Dù chẳng phải là hành động lớn lao nhưng trong đó là cả một tình cảm giữa con người với con người, thể hiện cho một khối đại đoàn kết của dân tộc. Là sự quan tâm không phô trương cũng làm cho những mảnh đời bất hạnh được mỉm cười không phải vì những gì họ nhận được mà đó là tấm lòng.
Khi ta biết cho đi là trong ta đã có một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm đáng trân trọng mà không gì có thể thay thế được, làm ta trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Ta sẽ được mọi người yêu quý và kính trọng, làm cuộc sống vui vẻ hơn. Chính vì thế cho đi tức là nhận lại. Đó là quy luật tất yếu và tự nhiên của một đời người, bạn cho đi điều tốt đẹp đồng nghĩa với việc bạn nhận lại điều tốt đẹp, nếu cứ giữ mãi cái đẹp cho riêng mình thì cuộc sống của bạn hẳn chẳng còn ý nghĩa gì. Đó không đơn giản chỉ là cuộc sống tẻ nhạt nữa, đó là cuộc sống không có ý nghĩa.
Câu thơ của Tố Hữu quả là một bài học vô giá trong cuộc sống. Hãy sống vì người khác, biết suy nghĩ đến lợi ích chung và đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, đồng thời biết lên án lối sống "vô cảm" không quan tâm đến ai, chỉ biết sống cho riêng mình. Đừng oán trách cuộc sống này đã làm gì ta, thay vào đó hãy tự chính chúng ta sẽ tạo ra một cuộc sống đáng sống mà ta mơ ước, đó mới là cuộc đời đúng nghĩa của mình.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài nghị luận số 2:
Sống sao cho ý nghĩa? Sống sao để không phải hối hận? Đó chính là những băn khoăn lớn nhất của đời người. Có muôn vàn cách sống để chúng ta lựa chọn. Và nhà thơ Tố Hữu đã đưa ra một phương châm sống tích cực: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Ở đây, ta có thể hiểu “cho đi” chính là biết sẻ chia, giúp đỡ, yêu thương, đồng cảm với mọi người xung quanh. Sự “cho đi” ấy có thể được thể hiện bằng vô vàn hình thức khác nhau. Còn “nhận lại” chính là việc chúng ta đón nhận lòng tốt, những giá trị (cả về vật chất lẫn tinh thần) mà người khác trao cho ta. “cho” và “nhận” tưởng như là hai khái niệm đối lập nhưng thực chất lại thống nhất, cùng là nền móng để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Khi ta biết cách cho đi đồng nghĩa với việc ta biết quan tâm, san sẻ, thấu hiểu cho niềm vui và nỗi buồn của mọi người. Mỗi lần ta cho đi là một lần hạt mầm yêu thương được nảy nở. Con người trở nên đoàn kết, sống với nhau bằng sự chân thành. Biết cho đi cũng bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như nhân hậu, vị tha, dũng cảm,… Nhờ việc cho ta mà tâm hồn ta thanh thản, tự do. Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi người chỉ ích kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho, sống cho riêng mình thì cõi đời sẽ lạnh nhạt biết mấy! Bên cạnh đó, đúng như ông cha đã nói “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, ta cũng sẽ được nhận lại những gì xứng đáng điều mình đã sẻ chia.
Trong cuộc sống, có rất nhiều minh chứng về sự “cho đi” và “nhận lại” này. Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng không thể sống một cách cá nhân, ích kỉ. Lịch sử đất nước, con người được tạo nên từ chính sự “cho đi” cao cả. Để có được độc lập, hòa bình ngày hôm nay thì biết bao anh hùng dân tộc đã ngã xuống. Trong đó, có những người đã trở thành biểu tượng, cũng có những người lặng lẽ hi sinh. Họ cho đi thanh xuân, sức trẻ, trí tuệ và cả sinh mạng của mình. Và thế hệ sau đã nhận lấy điều ấy. Hôm nay, đất nước vẫn đang trên đà phát triển, con người vẫn không ngừng cống hiến và cho đi những giá trị cao đẹp để xứng đáng với những điều đã được nhận.
Ngược lại, có một số người sống nhỏ nhen, ích kỉ, dối trá. Cách sống ấy sẽ khiến họ trở nên cô độc, biến cuộc đời họ thành chuỗi ngày vô nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh việc biết cho đi, ta cũng cần biết nhận lại sao cho đúng. Ta cần biết gửi gắm niềm tin, sự sẻ chia vào những người xứng đáng, nhận thức được giá trị mà mình đã gửi trao, ý thức rõ ràng về thành quả mình đã tạo ra để không trở thành những người cả tin, mù quáng. Có như vậy, cuộc sống con người mới trở nên ý nghĩa, xã hội phát triển văn minh.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài nghị luận số 3:
Trong cuộc sống của chúng ta, luôn tồn tại vấn đề được và mất trong cuộc sống, chính vì thế trong Trong bài Một khúc ca Tố Hữu đã trình bày quan điểm sống: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Câu nói này đã đề cập đến vấn đề cho và nhận trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại quy luật được và mất trong cuộc sống, chính vì thế mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ về điều này. Mất là thứ mà chúng ta cho đi, mất đi… nhận là quà tặng mà chúng ta nhận từ người khác, món quà mà chúng ta nhận được từ cuộc đời của mình, cho và nhận luôn song hành và đi liền với nhau.
Nó cũng tương đương như vấn đề cho và nhân, cho cũng là sự mất đi, cho đi, trao tặng cho người khác, nhận đó là cái mà chúng ta nhận vào cho mình, cho cuộc sống, hai điều này có mối liên hệ với nhau sâu sắc. Trong cuộc sống, chúng ta cần biết nghĩ cho người khác, biết lo lắng, quan tâm cho người khác, luôn biết sống có giá trị, sống có mục đích, sống luôn biết san sẻ, thể hiện sự san sẻ, quan tâm của mình trước cuộc sống, rộng lớn, mênh mang.
Sống cần phải có trải nghiệm, cần có cho và nhận. Như Tố Hữu đã trình bày quan điểm sống: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Ở đây muốn đề cập đến việc sống cần phải biết nhìn trước nhìn sau, phải biết cho đi, san sẻ với người khác, thấu hiểu nỗi đau, sự khổ tâm của mình trước cuộc sống, sống không chỉ nhận vào mình mà cần biết san sẻ với người xung quanh.
Sống cần phải biết san sẻ, yêu thương, thể hiện thái độ sống lành mạnh, luôn san sẻ tình yêu thương của mình trước cuộc sống, giá trị đó mang lại cho mỗi chúng ta những suy ngẫm về những vấn đề trong cuộc sống. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình: Câu này mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nó khuyên ngăn mỗi chúng ta cần sống có mục đích, biết san sẻ với mọi người xung quanh, sống biết san sẻ sự yêu thương, chia sẻ tình yêu, hoàn cảnh đó là sự cần thiết mà mỗi chúng ta cần phải làm cho cuộc sống của mình.
Sống phải biết cho đi thì chúng ta mới nhận được những tình cảm chân thành mà mọi người muốn dành tặng cho mình. Khi chúng ta cho đi tình cảm, chúng ta sẽ nhận được tình cảm mà họ dành tặng cho mình, đó là sự yêu thương, tình cảm chân thành mà mọi người muốn dành cho mình, tình cảm đó thật đáng quý, đáng trân trọng, mỗi người chúng ta cần phải cố gắng học hỏi, rèn luyện và noi theo.
Khi chúng ta cho đi vật chất, san sẻ nỗi khổ đau với những con người khó khăn thì họ sẽ nhận được tình cảm, sự yêu quý, lòng biết ơn của mọi người dành cho mình. Chính vì thế khi chúng ta cho đi chúng ta sẽ nhận được niềm vui, sự hạnh phúc, giá trị sống có mục đích, cao đẹp, những bài học có giá trị, có ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Sống luôn biết san sẻ, yêu thương mọi người xung quanh, sống là phải cho không nên chỉ biết nhận, luôn biết san sẻ tình yêu thương, sự bất hạnh của mình trong cuộc sống. Như chủ tịch Hồ Chí Minh, thời xã hội khó khăn, bác đã huy động đồng bào nhường cơm sẻ áo cho đồng bào, dân tộc giúp đỡ những con người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên lại có những con người ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình, ki bo, ích kỉ, sống ích kỉ không biết quan tâm người khác, những con người như vậy chúng ta cần phê phán sâu sắc.
Đúng như Tố Hữu đã khẳng định “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, chúng ta phải biết cho đi, câu nói trên có ý nghĩa to lớn, dăn dạy chúng ta cách sống đúng đắn, mang lại nhiều ý nghĩa to lớn trong cuộc sống, biết yêu thương, san sẻ tình yêu thương với tất cả mọi người trong xã hội. Tình cảm đó thật chân thành, đáng quý, mỗi chúng ta sẽ có được cuộc sống tươi đẹp, lối sống đẹp, đúng như Tố Hữu đã trăn trở: “Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn!”.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài nghị luận số 4:
Thơ hay không chỉ giàu cảm xúc mà còn lấp lánh chất trí tuệ, lí trí, mang hàm nghĩa sâu xa. Tôi rất thích khi đọc đoạn thơ sau đây, rút trong bài Một khúc ca xuân của Tố Hữu viết vào tháng 12 - 1977:
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Đoạn thơ đã gợi lên trong tâm trí tôi bao suy nghĩ, bao điều lí thú. Tác giả đã nêu lên một quan niệm sống tích cực, sống đẹp trong mối quan hệ nhân sinh: vay và trả, cho và nhận giữa cộng đồng đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Đoạn thơ đẹp, đẹp giản dị, đẹp hồn nhiên. Con chim và chiếc lá vừa là biểu tượng cho sự sống, vừa là hình tượng của ngôn ngữ thi ca: “Chim phải hót, chiếc lá phải xanh”. Chim hót vì sống theo bản năng, được sống, được bay lượn trong ánh sáng và bầu trời tự do. “Lá phải xanh”, lá được nuôi dưỡng bằng nước, bằng màu mỡ của đất, bằng khí trời và ánh sáng. Được sống trong tự nhiên nên “chim phải hót, chiếc lá phải xanh”. Đó là quy luật của tự nhiên, quy luật của sự sống muôn đời và vĩnh hằng. Màu xanh của lá, tiếng hót của chim trời còn là vẻ đẹp của thiên nhiên, đem lại vẻ đẹp kì diệu của sự sống.
Từ chim hót, lá xanh, nhà thơ nói đến vay và trả, cho và nhận, đó là quy luật của cuộc sống xã hội, của con người. Nói một cách khác, là quan niệm sống, đạo lí sống. “Vay mà không trả là vong ân bội nghĩa, đó là cách hành xử của những kẻ “ăn xổi ở thì”, của loại người bất nhân bất nghĩa. Hai tiếng “lẽ nào” là một lời khẽ nhắc: không nên làm như thế, không được ứng xử như thế.
Có vay và có trả là đúng đạo lí. Vay và trả mang hàm nghĩa chịu ơn, mang ơn và đền ơn đáp nghĩa: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguổn", “Ai ơi. bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”, là vay là trả. Trong xà lim máy chém, trên đường bước ra pháp trường của thực dân Pháp, người chiến sĩ cách mạng vẫn ngẩng cao đầu, vẫn hiên ngang, tự hào nhắc nhở mình, động viên mình:
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Hãy trả ta cho mạch giống nòi.
Qua mấy nghìn năm đằng đẵng, lớp lớp con người Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem mồ hôi và xương máu để xây dựng và bảo vệ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, làm nên giang sơn gấm vóc, ngày thêm vẻ vang, ngày thêm giàu đẹp. Ai cũng cảm thấy nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc đè nặng đôi vai, gắng sức vươn lên đem tài trí góp sức cùng đồng bào “trả” món nợ cùa tổ tiên, ông cha mà mình đã “vay”, đã nhận:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất, những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Khép lại đoạn thơ là một lời nhắn gửi về đạo lí làm người “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Trong văn cách, “cho” là cống hiến, dâng hiến, là phục vụ, "nhận” là hưởng thụ. Trong cuộc sống thời bình, đem mồ hôi, đem công sức làm ra nhiều của cải, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh là “cho”. Thời kháng chiến, tất cả mọi miền hậu phương đều hướng về tiền tuyến, thi đua “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; hàng vạn nam nữ thanh niên ào ào ra trận, quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hàng ngàn sinh viên Ưu tú “xếp bút nghiên theo việc đao cung’’ để chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Có biết bao chiến sĩ, đồng bào đã “cho", đã “hiến dâng”, đã “phục vụ”, đã hi sinh đề giành chiến thắng. Nào ai đã đắn đo, là “chỉ nhận riêng mình”.
Một chữ “cho” bình dị mà chứa đựng biết bao tốt đẹp, lúc đói rét thì nhường cơm sẻ áo “lá lành đùm lá rách”; lúc hoạn nạn thì chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ. Vì ai cũng biết sống đẹp, đã biết “cho” nhau tình thương, san sẻ, tương thân tương ái. Có “cho”, có san sè, có đồng cảm mới được sống hạnh phúc trong tình người rộng lớn, trong lòng đồng bào, đồng chí. Một chữ “cho" trong bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu ngợi ca tình quân dân cá nước, ngợi ca lòng mẹ Việt Nam chắc nhiều người còn nhớ:
Bao bà cụ từ tâm làm mẹ,
Yêu qúy con như đẻ con ra
Cho con nào áo, nào quà,
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi...
Vì biết “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình", nên ai cũng biết sống đẹp làm tròn nghĩa vụ công dân; sống, lao động, chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc, sự bền vững của đất nước:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên...
(Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Những chữ như: “góp nên”, “góp cho”, “góp mình”, “để lại” trong đoạn thơ trên đã làm sáng ngời một quan niệm sống đẹp, “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Đó là tình nhân ái, đức hi sinh của con người Việt Nam trong trường kì lịch sử. Nhờ có truyền thống cao đẹp đó mà nhân dân ta tự hào về đất nước Việt Nam:
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.
Bước sang thế kỉ XXI, đất nước ta phát triển một cách kì diệu trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đoạn thơ trên đây của Tố Hữu vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự mới mẻ, nhất là đối với tuổi trẻ Việt Nam. Học giỏi, lao động tốt vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Học giỏi, lao động giỏi, tiến quân vào mặt trận khoa học kĩ thuật. Sống trong lao động sáng tạo, sống hạnh phúc trong tình nhân ái bao la. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ chúng ta mới thấy thấm thía về tinh cảm, tư tưởng hàm chứa trong một vần thơ đẹp, giàu ý nghĩa:
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài nghị luận số 5:
Trong cuộc sống của chúng ta, không ai có thể sống một mình. Chúng ta cần phải biết sống và suy nghĩ không chỉ cho mình mà còn cả những người xung quanh. Cuộc sống có quy luật của nó, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Vì vậy, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Câu nói nói lên một sự thật, cũng như một triết lí trong cuộc sống. Cuộc sống là sự sẻ chia giữa người với người. Nhất là trong cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ta càng ngày càng ít quan tâm đến những người xung quanh, điều này lại càng quan trọng hơn.
Đầu tiên, chúng ta nên hiểu như thế nào là cho và nhận trong cuộc sống? Đó là sự cho và nhận tiền bạc chăng? Thực ra cũng không hẳn là thế. Chúng ta có rất nhiều thứ để cho và nhận cùng với những người xung quanh. Cho, được đề cập đến trước nhận, bởi việc cho được tất cả mọi người đánh giá cao hơn. Cho, đó có thể là sự chia sẻ với đứa bạn bên cạnh bữa ăn sáng khi nó không kịp mua. Cho, có thể là một chút tiền đặt vào thùng quyên góp cho người nghèo. Cho, là rất nhiều điều trong cuộc sống này. Tuy rằng trong cuộc sống hiện đại nhiều bon chen, thế nhưng cũng có rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hàng ngày, có rất nhiều các anh chị sinh viên tình nguyện đi dạy cho trẻ em nghèo, đi giúp cho các gia đình neo đơn, hay giúp các chú công an điều khiển giao thông khi cần mà không đòi hỏi một chút công lao gì. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều các tổ chức từ thiện, nhằm giúp đỡ những trẻ em vùng cao. Hay mỗi khi có lũ quét, nhà nước và người dân lại cùng chung tay góp sức để có thể giúp đỡ đồng bào vùng lũ bớt khó khăn.
Có những người sinh ra đã phải mang trong mình những căn bệnh khó chữa, hay phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Vì thế nên có rất nhiều các chương trình như “Trái tim cho em”, là chương trình giúp đỡ cho những em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mà hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể phẫu thuật cho các em được. Chính nhờ chương trình, mà rất nhiều em nhỏ được chữa bệnh, được cắp sách đến trường và thực hiện ước mơ của mình. Và còn có rất nhiều các chương trình như thế. Điều đó chứng minh một điều rằng, chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội rất nhân đạo, mọi người vẫn rất quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Tất nhiên, không phải khi nào sự sẻ chia cũng chỉ là những giá trị về vật chất. Đã từng có một câu chuyện rằng, khi một cô gái đang đi trên đường, gặp một người ăn xin. Cô lục lọi khắp người mà không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cô lại gần và cầm tay ông lão giữa ngày đông giá rét, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng ông cụ đã nói rằng: “Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. Và cái cô gái cho ông lão, có lẽ ai cũng hiểu, đó là hơi ấm của tình người. Mỗi người trong chúng ta nhiều khi không thể lựa chọn số phận cũng như cuộc sống của mình. Vì vậy, sự sẻ chia là vô cùng cần thiết. Nó làm cho chúng ta cảm thấy ấm áp hơn, làm cho người với người gần nhau hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình. Khi bạn bè có chuyện buồn, chúng ta nên hỏi thăm, động viên để bạn bớt buồn, cũng như cố gắng phấn đấu trong tương lai. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta là một minh chứng vĩ đại nhất về một con người cao đẹp, một nhân cách cao đẹp. Cà đời Bác không một phút nào người nghĩ cho bản thân, chỉ biết nghĩ cho dân, cho nước cũng không một lời oán thán. Một người bao dung, cao cả như vậy, nên Người cũng nhận được rất nhiều. Cả nhân dân Việt Nam luôn một lòng kính yêu người, cả những thế hệ hôm nay và cho đến mai sau. Như vậy đấy, những người có tấm lòng bao dung, biết quan tâm, giúp đỡ người khác rồi sẽ nhận lại được rất nhiều, dù họ không bao giờ đòi hỏi đền đáp. Họ sẽ được những người xung quanh yêu quý, kính trọng, và mọi người sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều những con người luôn giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi báo đáp Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sống theo một lối sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Họ không quan tâm đến chuyện gì, cũng như không quan tâm đến những người xung quanh. Có một câu chuyện mà ông cha ta đã kể để lên án thói ích kỉ này. Có một người thấy nhà hàng xóm bị cháy mà không chịu sang giúp, cuối cùng thì lửa cháy lan sang đến nhà mình thì đã không có ai giúp, cũng không kịp để chữa cháy nữa. Đó là hậu quả của những người ích kỉ. Nếu như bạn không giúp người khác, thì người khác cũng sẽ không giúp bạn. Có ai hỏi han bạn khi bạn buồn, nếu như bạn chẳng bao giờ quan tâm đến những người xung quanh? Hay có ai giúp bạn, khi bạn luôn luôn từ chối mỗi khi ai đó có việc phải nhờ đến bạn? Chắc chắn là không. Không ai muốn giúp đỡ một người luôn lẩn tránh công việc cả.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Sống trong cuộc sống này, mỗi người chúng ta cần phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy sống để người với người gần nhau hơn trong cuộc sống hiện đại này.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài số 6:
Nếu có một vị thần xinh đẹp nhất, đó chính là nữ thần mặt trời. Nếu có một gia vị làm gia tăng vị ngọt của cuộc sống, đó là tình yêu thương. Có một hành động có thể kết nối hàng triệu con tim với nhau, đó là sẻ chia, bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Sống là không chỉ đơn giản là tồn tại, là có mặt còn là sự khẳng định sự tồn tại và ý nghĩa của bản thân. “Cho” là hành động trao đi một thứ gì đó mà không cần nhận lại, là tình yêu thương, là sự sẻ chia với người khác. Như vậy, con người sống trên đời không chỉ biết nhận lấy những tình cảm, sự yêu thương và giúp đỡ từ người khác mà còn biết trao đi, yêu thương và cống hiến cho cuộc đời. Bản chất của nó là lẽ sống yêu thương, cống hiến.
Cuộc sống này của chúng ta, từ lúc sinh ra đã nhận quá nhiều. Sự sống của ta là do cha mẹ ban tặng. Ta nhận bao nhiêu sự săn sóc, yêu thương, chở che của bố mẹ, gia đình từ khi còn chưa nên hình hài trong bụng mẹ, những ngày chập chững biết đi, biết nói và suốt những năm tháng trưởng thành sau này nữa. Rồi cuộc sống hiện tại cũng là bởi bao xương máu của những người không quen biết đổ xuống cho chúng ta. Mỗi hạt gạo, mỗi đồ dùng và phát minh đang dùng trong cuộc sống hiện đại này cũng là những giọt mồ hôi thầm lặng của biết bao nhiêu người xa lạ đã cống hiến ngày đêm. Sự sống này, cuộc đời này hoàn toàn là những gì chúng ta nhận được, một cách miễn phí. Nhưng thật ích kỉ và hẹp hòi nếu chúng ta chỉ biết nhận, nhận vô điều kiện mà không mảy may suy nghĩ và trân trọng. Như những con sông nhận nước từ suối, từ thượng nguồn rồi lại chảy ra bể, sống còn là sẻ chia, là cho đi.
Cuộc sống này là những mảnh ghép chưa hoàn hảo. Ở đây đó trên trái đất, còn có những con người vẫn luôn khao khát bình yên và miếng ăn; những đứa trẻ mong được cắp sách đến trường... Một giọt nước khi tách ra không mất đi mà được nhân đôi. Một ngọn lửa sẻ chia là một ngọn lửa lan tỏa. Bạn có đôi tay không chỉ để cầm nắm đồ mà còn để dang là làm điểm tựa cho người khác. Bạn có một trái tim không chỉ để đập mà còn để sẵn sàng rung cảm trước những số phận bất hạnh và thiếu may mắn trong cuộc sống. Tình yêu thương, đó là một thứ tình cảm kì diệu. Nó không thể dùng khoa học hay tính toán để chứng minh, bởi khi cho đi, nó không mất đi mà chỉ nhân nên. Khi sẻ chia, niềm vui nhân lên gấp đôi, nỗi buồn giảm đi một nửa. Khi con người nhận được càng nhiều, càng luôn có ý thức phải biết cho đi. Đó chính là lí do những người tỉ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg,... luôn dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện. Cho đi để những số phận kém may mắn biết ở đâu đó, vẫn còn có niềm tin, để họ tin rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp và họ vẫn còn được quan tâm. Cho đi khiến cho khoảng cách giữa con người gần nhau hơn và cho thế giới này tốt đẹp hơn.
Cho đi có thế là như những con người kia, khi họ có điều kiện và khả năng. Nhưng cho đi đôi khi chỉ cần là những hành động giản đơn của những con người cùng khổ dành cho nhau, của những người có điều kiện kinh tế khấm khá hơn chút. Ta thấy ấm lòng khi ở những con hẻm nhỏ tại Hồ Chí Minh mang tên hẻm yêu thương với những thùng nước miễn phí để người đi đường giải cơn khát giữa trời nóng, những tủ bánh mì từ thiện, những khu vui chơi không người canh giữ,... Những con người vẫn hằng ngày thầm lặng đổ đầy nước, cấp bánh mì,… họ chưa một lần được kể tên hay vinh danh, bởi họ muốn người nhận đón nhận mốn quà một cách tự nhiên nhất. Học cách cho đi những gì mình quý trọng chứ không phải làm nhẹ bớt đi những gì mình dư thừa! Đáng quý hơn, có những người không dư nhưng vẫn cho đi. Nơi góc đường Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập - TP Đà Nẵng, có những người như ông Hùng vẫn đang ngày ngày sửa xe miễn phí cho những người lao động nghèo và học sinh. Nhà thuộc diện nghèo, nhưng ông chia sẻ rằng: có lấy thêm hai ba ngàn của mấy đứa học sinh hay người nghèo cũng chẳng thể khiến ông giàu nên được. Ở đó, ông lại tìm thấy niềm vui và sự an nhàn trong cuộc sống đang bận rộn ganh đua từng miếng cơm manh áo. Và những người nghèo như ông sẽ lại gần nhau hơn trong cái nghĩa cái tình.
Sống là cho đi. Nhưng có những người lại không hiểu được điều đó. Những người không biết cảm thông cho người xung quanh, nhận càng nhiều mà không chịu cho đi. Cũng có những người dẫu có lòng tốt nhưng đặt không đúng chỗ, suy nghĩ chưa thấu đáo. Những số tiền được gửi mà không cần biết họ thấy thế nào, hành động cho những người nghèo những bộ áo đắt tiền, xa xỉ mà cả đời họ không dám mặc, ... Yêu thương là tốt nhưng yêu thương cần đặt đúng chỗ. Hãy biết trân trọng những gì mình đang có, cho đi nhiều hơn. Không cần là vật chất, chỉ cần một cái nắm tay, một lời an ủi, động viên đôi khi cũng có sức mạnh hơn ngàn con số.
“Tình yêu thương là thứ ngôn ngữ mà người mù có thể nhìn thấy và người điếc có thế nghe được”. Lúc này, những câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại vang vọng:
"Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi..."
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài số 7:
Được sinh ra trong đời sống, được cảm nhận tình yêu bao la từ cha mẹ, được thừa hưởng những giá trị mà tạo hóa ban tặng, đó là diễm phúc của một con người bình thường. Quan trọng như không khí ta thở hằng ngày, thiêng liêng như tình mẫu tử, tình phụ tử ta có trong từng giây phút, mỗi món quà mà ta nhận được từ tạo hóa khi xuất hiện trên thế gian này đều gắn liền với một bổn phận, một trách nhiệm. Ý thức được điều này, trong bài “Một khúc ca xuân” nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Bài thơ không chỉ dừng lại ở một cách sống mà cao cả hơn nó còn mở ra một quan niệm nhân sinh tích cực, hay đúng hơn là một lí tưởng sống cần có của mỗi người trong xã hội.
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh họa cho quan niệm của mình. Tạo hóa đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và tương tự như vậy, chiếc lá non thì phải xanh. Chắc hẳn ai đã từng đọc tác phẩm nổi tiếng “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đều không thể quên hình ảnh chú chim đã dùng hết sức mình để lao vào bụi mận gai, chú chim đã bị một cây gai xuyên vào lồng ngực nhưng chú vẫn cất lên tiếng hót cuối cùng - tiếng hót mà đến cả họa mi, sơn ca cũng phải ghen tị, tiếng hót mà cả Thượng đế trên cao nghe cũng phải mỉm cười. Và như thế đủ cho ta thấy rằng hạnh phúc nhất, sung sướng nhất chính là giây phút được công hiến cho đời. Còn chiếc lá kia sẽ là gì hôm nay nếu thiên nhiên không ban cho nguồn dưỡng khí để hô hấp và quang hợp. Sẽ là gì bây giờ nếu con người nhẫn tâm ngắt bỏ nó đi. Và như vậy, một khi đã được tồn tại trên cõi đời này thì lá phải có nhiệm vụ đem màu xanh tràn đầy nhựa sống ấy tô điểm cho bầu trời, cảnh vật hay đem lại bóng râm, dưỡng khí cho muôn loài.
Vậy, con người là kẻ đứng đầu của muôn loài, là loài động vật cao cấp nhất có tư duy, suy nghĩ, chúng ta đã làm gì để cống hiến cho xã hội? Được tạo nên từ tình yêu thương vô bờ bến của cha và mẹ, được lớn lên, được bao bọc giữa vòng tay nhân ái của cộng đồng, rộng hơn được hít thở nguồn dưỡng khí hằng ngày, được sống trong một đất nước hòa bình - đó là gì nếu không phải là vay mượn từ cuộc sống, từ xã hội?
Ngày nay, được học tập, được sinh hoạt giữa đất trời bình yên là gì nếu không phải mang trong mình một niềm tri ân với những thế hệ đi trước đã đánh đổi cả mùa xuân của tuổi trẻ và thậm chí là xương máu, là nước mắt để có được một cuộc sống độc lập tự do như ngày nay. Vì vậy, đã là Người hẳn mang trong mình những trách nhiệm thiêng liêng. Đơn giản như phải học tập thật tốt để trả ơn cho cha mẹ, thầy cô đã hết lòng vì mình. Cao cả hơn như cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào sư nghiệp chung của giang sơn gấm vóc này. Đó chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ, bổn phận của mỗi con người. Hay đúng hơn nói theo Phạm Ngũ Lão: Đó là món nợ phải trả cho đời.
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Nhìn lại ngày xưa để ngẫm lại ngày nay. Chúng ta phải làm gì để không hổ danh là thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên, thế hệ rường cột của nước nhà. Nhỏ nhặt như giúp đỡ mọi người xung quanh, sống hết mình, sống tích cực, lớn lao hơn là đưa đất nước mình sánh vai với các cường quốc, năm châu. Để làm được điều đó hãy noi gương Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng hay giản dị hơn là sống tốt để trở thành một công dân có ích cho cộng đồng. Nếu như ai cũng hiểu rằng: “Lẽ nào vay mà không trả; Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, thì mọi người sẽ sống đẹp biết bao, tình tương thân, tương ái sẽ thắm thiết và tươi đẹp biết nhường nào!
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài số 8:
Nếu ví cuộc đời này là một trường ca bất tận thì có lẽ lối sống sẻ chia, cho đi và nhận lại còn mãi là một nốt trầm sâu lắng chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc về cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
“Cho” và “nhận” là hai quá trình quen thuộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Vậy “cho” và “nhận” là gì? Nó đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta. “Cho” là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương, xuất phát từ trái tim mỗi con người, là trao tặng đi những giá trị vật chất hay tinh thần mà bản thân có để đem lại cho những người xung quanh. “Nhận” là đón nhận những món quà vật chất hay tinh thần mà người khác đem đến cho mình. “Đâu chỉ nhận riêng mình” là hành động giúp đỡ, biết san sẻ những khó khăn trong cuộc sống của những người xung quanh. Như vậy, “cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng như trái ngược mà luôn song hành với nhau trong cuộc sống, bổ sung cho nhau.
Nếu bạn muốn cuộc đời này đầy ý nghĩa, hài lòng với bản thân và có được sự thăng hoa trong tâm hồn, bạn phải biết chia sẻ, biết cho đi. Trong cuộc sống thường ngày, sự cho đi cũng xuất hiện rất nhiều, chúng ta có thể cho những người ăn xin một chút thôi nhưng cũng đủ làm cho họ cảm thấy ấm lòng, các anh chị sinh viên tình nguyện luôn nhiệt huyết hết mình vì cộng đồng, hay có những người hiến máu nhân đạo đã cứu sống được bao nhiêu tâm hồn qua khỏi cơn nguy. Cho đi làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, làm cho chính bản thân hoàn hiện hơn,và có ý nghĩa rất to lớn trong cuộc đời. Không chỉ vậy cuộc sống là một ngọn núi, có lúc dốc, có lúc bằng phẳng khác nhau, bởi vậy luôn cần đến những người biết chia sẻ, biết cho đi mà không nghĩ đến nhận lại. Cuộc đời này, còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, họ cần lắm một ánh lửa sẻ chia từ chúng ta, đôi khi là một cái nắm tay thật chặt để có thể xua đi cái lạnh giá trong đêm như một lời độg viên, an ủi. Sự cho đi có thể là vật chất hay tinh thần, cho đi để thấy cuộc đời mình không cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt. Cuộc sống này là do chính chúng ta tạo nên, nó có nhiều mảng màu khác nhau, hãy cho đi nhiều hơn để nhận lại cũng nhiều hơn. Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng về sự cho đi. Cả cuộc đời Bác luôn yêu thương, quan tâm đến mọi người đặc biệt là trẻ em và những người già ốm.
Sự cho đi trong cuộc sống đồng thời cũng là sự nhận lại. Ta cho đi yêu thương, ta chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn thì khi ta buồn hay gặp khó khăn gì, họ lại sẵn sàng chia sẻ cho ta. Con người nếu biết gieo yêu thương cho người khác thì sẽ nhận về được những yêu thương, mang cay đắng thì nhận về cay đắng. Cuộc sống luôn tồn tại quy luật hai chiều, nếu không cho đi thì đừng mong ngóng nhận lại được. Khi cho đi bằng cả tấm lòng, thứ ta nhận lại không chỉ là lời cảm ơn từ người nhận mà nhận lại bằng sự thanh thản, mãn nguyện. Nếu cho đi mà mong được nhận lại thì việc làm cũng sẽ mất đi ý nghĩa. Trong cuộc sống ta cũng bắt gặp không ít những con người mượn việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Gần đây còn xuất hiện những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi. Những người như vậy, thật đáng bị xã hội lên án và phê phán. Vậy nên, con người cần biết “cho” và “nhận” trong cuộc sống. Con người cần phải biết cho cuộc đời này là những gì tốt đẹp nhất, đó là tình yêu thương, trân trọng, cảm thông giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không phải là sự cho đi và nhận lại vì mục đích vụ lợi. Con người cần cố gắng phấn đấu và rèn luyện, hoàn thiện mình,làm cho mình giàu có về vật chất lẫn tinh thần để có thể yêu thương nhiều hơn trong cuộc đời này.
Hãy chia sẻ để biết đời sống thật phong phú, hãy đón nhận để biết cuộc sống đáng yêu dường nào. Cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn nếu tất cả con người đều biết sẻ chia và yêu thương lẫn nhau: “Bàn tay có rộng mở trao ban, tâm hồn mới tràn ngập niềm vui sướng”.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài số 9:
Trong cuộc sống mỗi người đều có những quan niệm, những cách sống riêng của mình. Mỗi cách sống đã làm nên vẻ phong phú đa dạng của cuộc đời. Nhà thơ Thanh Hải đã từng quan niệm mỗi người nên sống đẹp như “mùa xuân nho nhỏ” và cống hiến cho đời không ngừng nghỉ: “Một mùa xuân nho nhỏ, Lặng lẽ dâng cho đời, Dù là tuổi hai mươi, Dù là khi tóc bạc”. Nhà văn nước Nga, Ôt-tơ-rốp-xki, đã từng viết: “Mỗi người chỉ sống có một lần, phải sống sao để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta không xót xa hối tiếc về những năm tháng đã sống hoài sống phí”… Một nhà thơ nước ngoài khác quan niệm rằng: “Cho đi mà không nhận lại mới là hạnh phúc lâu dài”. “Cho là biết trao đi, dâng tặng những gì quý giá của bản thân cho người khác, biết hy sinh cống hiến những gì tốt đẹp nhất của mình dành cho gia đình, bạn bè, xã hội… Còn Tố Hữu, con chim đầu đàn của thơ ca hiện đại Việt Nam, lại cho rằng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Liên hệ với cuộc đời của ông ta thấy đó vừa là mục tiêu sống vừa là quan niệm sống riêng của một con người có lí tưởng sống cao cả tuyệt đẹp đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.
Trước hết ta cùng tìm hiểu nội dung ý nghĩa của câu nói. “Sống” không chỉ đơn thuần là quá trình ăn uống, thở và tồn tại mà là quá trình giao hòa với xã hội cùng góp phần công sức để đưa xã hội đi lên. Trong mối giao hòa đặc biệt ấy mỗi người không phải chỉ biết “nhận” mà phải biết “cho”đi nhiều hơn. Bởi vì “nhận” là hưởng thụ quyền lợi, là cách sống chỉ biết mình mà quên người, một cách sống ích kỉ hẹp hòi bản vị. Sống không phải chỉ biết hưởng thụ không thôi mà cần phải biết “cho” đi, tức là biết cống hiến, biết quan tâm đến người khác, biết sống vì mọi người xung quanh. Giữa “cho” và “nhận” luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau. Muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp hơn gấp bội lần.
Vì sao “sống là cho không chỉ nhận riêng mình”? Bởi thành quả của mỗi người nhận được trong cuộc sống không phải tự nhiên mà có mà nó phải trái qua một quá trình gian lao khổ cực. Ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân còn là sự hy sinh cống hiến của bao người.Vậy nên chúng ta “nhận” mà không “cho” thì lấy đâu ra thành quả khác để hưởng thụ. Hơn nữa, cho đi là một biếu hiện của cách sống đẹp, cách sống biết quan tâm đến người khác. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên sức mạnh duy trì cuộc sống. Biết quan tâm giúp đỡ người khác để cuộc sống thêm xanh, thêm vui và có ý nghĩa hơn.
Chúng ta có thế “cho” đi bằng nhiều hình thức như cho về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần. Sống cần phải biết xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình để thức hiện đúng đắn nhiệm vụ của mình và đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân “một người vì mọi người”, biết quên đi nỗi buồn của bản thân để vui cùng niềm vui của mọi người đó cũng là một trong những cách “cho” riêng của nhiều người. Và khi đã cho đi thì đừng toan tính sẽ nhận lại được cái gì mà hãy “cho” đi một cách tự nguyện và thật tâm. Chúng ta cũng phải biết kết hợp hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm giữa “cho” và “nhận”, phải nhận thức rõ được niềm hạnh phúc của bản thân khi đem lại hạnh phúc cho người khác là như thế nào. “Bạn sẽ thấy niềm vui khi đỡ người khác bằng cả tấm lòng” (Poul Newman). Chúng ta sống và có quyền “nhận” nhưng đừng bao giờ quên trước khi “nhận” bạn phải xem bạn đã “cho” được những gì để xứng đáng “nhận” hay chưa.
Chúng ta ai cũng biết đến một người luôn cho đi luôn yêu thương, luôn hy sinh hạnh phúc của mình vì những đứa con trong đất nước Việt Nam. Đó là vị cha già Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc, Người là vầng dương tỏa sáng khắp muôn nơi, Người luôn cho đi tất cả những gì bản thân mình có đế đem lại cuộc sống yên bình ấm no cho nhân dân. Cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Bác là bài ca bất tử về sự hy sinh cống hiến cao cả cho nhân dân cho nước, Bác đã phải xa quê hương, gia đình, người thân bạn bè để ra đi tìm đường cứu nước với biết bao gian lao vất vả, luôn kề cận bên sự nguy hiểm rình rập nhưng với một khát khao cháy bỏng Bác đã cam chịu và vượt qua tất cả để rồi giải phóng dân tộc khói xiềng xích nô lệ của thực dân giành chủ quyền độc lập tự do cho đất nước cho dân tộc. Sau ngày độc lập Bác kêu gọi đồng bào cả nước mỗi tuần nhịn ăn một bữa để góp phần cứu đói và Bác là người gương mẫu thực hiện đầu tiên. Cũng sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng trong cuộc sống thời bình, bác vẫn sống trong căn nhà sàn đơn sơ, ăn uống thanh đạm như bao người khác. Bác vẫn đau đáu trong mình một tâm huyết mà suốt đời bác phấn đấu để biến thành hiện thực là làm sao giữ vững được chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước, dân tộc, chiến đấu quét sạch giặc ngoại xâm, giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Tư tưởng phẩm chất đạo đức tuyệt vời cao quí, tuyệt vời trong sáng của chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là bài học nhân sinh sâu sắc, là bài học về cách “cho” cao cả và lớn lao mà chúng ta vẫn phải cố gắng noi theo.
Trước đó là Nguyễn Đình Chiếu. Cả cuộc đời của ông cũng gặp vô vàn khó khăn lận đận, tuy học rộng tài cao nhưng con đường thi cứ của ông cũng không mấy thuận lợi. Năm 1849 ông sắp thi thì nhận được tin mẹ mất, ông bỏ thi về Nam để chịu tang mẹ. Dọc đường vất vả, lại thương mẹ khóc nhiều nên ông bị đau mắt nặng và sau đó thì bị mù cả hai đôi mắt. Nhưng ông không hề đầu hàng trước số phận mà vẫn khao khát cống hiến, khát khao làm được những điều tốt đẹp cho đời. Tuy mù lòa nhưng ông vẫn tìm cách sống có ích cho đời, tìm cách “cho đi”, vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, vừa làm thơ khuyến khích tinh thần đánh giặc ngoại xâm của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp ở Gia Định vào năm 1859. Trong cuộc sống gặp nhiều khó khăn bất hạnh nhưng Nguyễn Đình Chiếu cũng luôn vì nhân dân và đất nước, ông đã quên đi hạnh phúc của cá nhân, ông đã hy sinh tất cả với mong muốn đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân. Cả cuộc đời ông luôn “cho” và chỉ biết “cho” chứ không hề nhận.
Trong cuộc sống hiện nay cũng có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng hy sinh bản thân đẻ cống hiến hết sức mình cho tổ quốc. Những hoạt động tổ chức nhân đạo luôn giúp đỡ những người dân khó khăn. Các cá nhân tổ chức đã và đang cùng nhau chung tay góp sức tổ chức những chương trình nhân đạo “trái tim cho em”, “trái tim không tật nguyền”, những hoạt động cứu trợ đồng bào thiên tai bão lũ, hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam…. Ngoài ra còn có những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương xóa bỏ nhà tranh tre dột nát. Tất cả những hành động cao cả đó của biết bao con người đều là những cách sống đẹp, những cách sống luôn vì mọi người, sẵn sàng cống hiến mình cho xã hội.
Nhưng cũng thật đáng buồn đáng chê trách những con người sống vô cảm, sống chỉ biết “nhận” chứ không hề “cho”. Đó là lối sống “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” mà ông cha ta đã chỉ trích phê phán. Sống mà chỉ biết hướng thụ, luôn tính toán cạnh tranh để nhận về mình những điều tốt nhất mà bỏ qua nỗi buồn, sự bất hạnh của người khác. Những con người ấy chỉ biết vì bản thân mình, chỉ biết hưởng thụ thì đó là những con người ích kỉ vô hồn. Xét về đạo lí thì đó là những con người sống vô ơn bội nghĩa, xét về quy luật xã hội thì đó là những con người sống lạc hậu cố kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Tóm lại, câu thơ của Tố Hữu “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” đã thể hiện một quan niệm sống phù hợp với đạo đức con người trong mọi thời đại. Đây là một quan niệm sống đẹp góp phần đưa xã hội ngày một đi lên mà chúng ta cần ghi nhớ và thực hiện. Chúng ta cần phải sống vì người khác, phải biết “cho” đi vì “cho đi là còn mãi”.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình bài số 10:
Cuộc sống của con người không chỉ cần vật chất là đủ mà nó còn phải cần đến tình cảm giữa con người với con người làm cho cuộc sống của ta trở nên ý nghĩa hơn. Sống là cho đi đâu cần nhận lại bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Cuộc sống có muôn hình muôn vẻ nó là sự kết hợp hài hòa giữa con người với con người với nhau. Vì thế làm cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn là xuất phát từ suy nghĩ của mỗi người với quan điểm riêng khác nhau. Đó là sự cho đi. Cho đi là sự giúp đỡ, làm việc gì cũng nghĩ đến những người xung quanh mà không toan tính, không xuất phát từ ham muốn của bản thân chỉ nghĩ rằng sẽ giúp được họ một phần trong cuộc sống khó khăn này. Sự cho đi đó có thể là tấm lòng quan tâm người khác hay giúp nhau về đời sống vật chất hoặc tinh thần. Đó mới là cuộc sống mà chúng ta cần có ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn sâu sắc. “Đâu chỉ nhận riêng mình” là hành động giúp đỡ, biết san sẻ những khó khăn trong cuộc sống của những người xung quanh. Hãy biết sống vì người khác mà đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình đến đâu, biết sống vì cộng đồng, vì tập thể. Vì thế cả câu đã dạy cho chúng ta một bài học quan trọng trong cuộc sống hãy biết yêu thương, san sẻ với những người xung quanh.
Cuộc sống là do chúng ta tự tạo ra hạnh phúc đầy ý nghĩa hay tẻ nhạt buồn chán đều xuất phát từ mỗi con người từ việc ta muốn làm và có những suy nghĩ về mọi người. Sống biết yêu thương, biết san sẻ làm ta trở nên lạc quan yêu đời hơn, cuộc sống của ta cũng tràn ngập niềm vui hơn. Sống biết cho đi làm tâm hồn ta nhẹ nhàng hơn, có suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Có những hành động giúp đỡ người khác mà không quan tâm đến sự trả ơn hay đền đáp mới là một hành động nhân văn, xuất phát từ tấm lòng mỗi con người. Cũng giống như từ nhiều năm nay màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên trong mùa thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng dường như đã trở nên quen thuộc với mọi người. Nhắc đến áo xanh là đến sự quan tâm, sẻ chia và nhiệt huyết đến quên mình vì cộng đồng. Không ngại khó khăn vất vả, dưới cái nắng oi ả của mùa hè, các chiến sĩ tiếp sức mùa thi đã có mặt ở các địa điểm thi được phân công để giúp đỡ thí sinh và phụ huynh. Do được chuẩn bị chu đáo từ trước, các chiến sĩ tình nguyện khá thuận lợi khi tư vấn về nhà trọ giá rẻ, nhà trọ miễn phí, hướng dẫn về địa điểm thi, lộ trình các tuyến xe buýt… Đặc biệt có bạn còn sẵn sàng cho thí sinh và người nhà ở cung với mình đông thời tình nguyện đưa đón thí sinh trong những ngày thi. Đó quả là hành động cao cả sự cho đi mà không cần đền đáp, sẵn sàng giúp đỡ những lúc cần.
Sự cho đi cũng là nhận lại. Ta cho đi nghĩa là ta sẽ nhận lại được cách yêu thương mọi người, những bài học quý giá trong cuộc sống trân trọng những người xung quanh. Từ đó dạy ta cách thông cảm cho người khác, có những suy nghĩ và hành động vì người khác giúp đỡ họ những lúc họ cần. Biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Anh Trần Phước Hòa ở quận Bình Tân là người đã xây dựng hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. “Việc quan sát bà con đến ăn ở quán, hỏi họ dăm ba câu đã thành thói quen của tôi. Tôi cảm thấy tấm lòng mình khi họ được no bụng”. Sự cho đi ấy làm anh Hòa nhận được là sự cảm thông, niềm vui trong cuộc sống khi được giúp đỡ và đặc biệt là làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Những hành động tuy nhỏ bé nhưng cũng sẽ làm cho người giúp đỡ có cảm giác được quan tâm và yêu thương. Một hình ảnh đặc trưng cho sự nhân ái của người Sài Gòn chính là những bình trà đá miễn phí đặt ở vỉa hè. Hành động giản đơn nhưng ấm áp tình người, làm nên hình ảnh một Sài Gòn nhân hậu, thân thiện, hiếu khách. Sự quan tâm không phô trương cũng làm cho những mảnh đời bất hạnh được mỉm cười không phải vì những gì họ nhận được mà đó là tấm lòng, là tình cảm của con người với con người.
Khi ta biết cho đi là trong ta đã có một tấm long nhân hậu, một tình cảm đáng trân trọng mà không gì có thể thay thế được, làm ta trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Ta sẽ được mọi người yêu quý và kính trọng, làm cuộc sống vui vẻ hơn. Chính vì thế cho đi tức là nhận lại.
Câu thơ của Tố Hữu quả là một bài học vô giá trong cuộc sống. Hãy sống vì người khác, biết suy nghĩ đến lợi ích chung và đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Chính chúng ta sẽ tạo ra một cuộc sống đáng sống mà ta mơ ước.
(Tác giả: Thầy Trần Thanh Hồng)
-/-
Trên đây là những gợi ý cơ bản và 10+ bài văn mẫu nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài văn phân tích của mình. Tham khảo nhiều bài văn mẫu hay khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn để nâng cao kỹ năng viết văn. Chúc các em học tốt!