Liên hệ và so sánh hai tác phẩm Việt Bắc và Từ Ấy (Tố Hữu)

Xuất bản: 21/11/2018 - Cập nhật: 04/01/2021 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Bài văn mẫu và dàn ý chi tiết đề văn phân tích, liên hệ và so sánh hai tác phẩm Việt Bắc và Từ Ấy của Tố Hữu (Đề thi thử THPTQG 2018)

Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo ngay bài văn mẫu và dàn ý chi tiết đề văn phân tích, liên hệ và so sánh hai tác phẩm Việt BắcTừ Ấy của Tố Hữu (Đề thi thử THPTQG 2018).

Đề bài: Cảm nhận về đoạn thơ:

"Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi

(...)

Chày đêm nện cối đều đều suối xa"

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu)

Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu, Ngữ văn 11) để bình luận ngắn ý kiến sau: Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc (SGK Ngữ văn 12, Tập I, NXB Giáo Dục Việt Nam, năm 2010 trang 97).

Có thể bạn quan tâmVăn mẫu hay phân tích hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Tây Tiến và Từ ấy

Dàn ý tham khảo đề văn liên hệ so sánh bài thơ Việt Bắc và Từ Ấy

a) Mở bài

- Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại.

- Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó có bài thơ “Việt Bắc”. Đoạn thơ sau thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc của người ra đi (trích thơ).

- Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. Vì thế, ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn qua hai bài thơ của ông là “Từ ấy” và “Việt Bắc”.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ, đoạn thơ

- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sự lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi đã khơi nguồn cảm xúc lớn cho nhà thơ sáng tác “Việt Bắc”.

- Đoạn trích thuộc phần đầu của bài thơ

* Cảm nhận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ:

  +) Về nội dung:

- Nêu ý chính toàn đoạn thơ: Khẳng định tấm lòng trước sau như một, nỗi nhớ sâu sắc trào dâng, tình cảm ân tình giữa kẻ đi với người ở. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, kỉ niệm kháng chiến lần lượt hiện ra sâu sắc, chân thực.

- Hai dòng đầu:

+ Từ “đây - đó” chỉ vị trí liền kề

+ Cụm từ “đắng cay ngọt bùi” là ẩn dụ, chỉ những gian khổ và niềm vui

=> Hai câu thơ diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa người Việt Bắc với người cách mạng, cùng chịu gian khổ, chia sẻ niềm vui.

- Hai câu tiếp:

+ Hình ảnh “củ sắn lùi, bát cơm, chăn lùi” đi với những từ ngữ “chia, sẻ, cùng” cho thấy sự thiếu thốn, khổ cực của cuộc sống kháng chiến, đắng cay cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia

+ Tượng trưng cho một mối tình đậm đà giai cấp

=> Hai câu thơ chứa đựng bao tình nghĩa sâu đậm. Tất cả những khoảnh khắc ấy sáng mãi trong lòng người ra đi, tâm trí người ở lại, ghi dấu ấn không thể xóa nhòa.

- Hai câu thơ tiếp theo:

+ “Người mẹ nắng cháy lưng”, “địu con” gợi liên tưởng đến sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của người mẹ chiến sĩ trong kháng chiến.

+ Là hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp, ân tình trong cuộc sống kháng chiến.

- Bốn câu cuối: nhớ về Việt Bắc là nhớ về cuộc sống sinh hoạt kháng chiến một thời không thể nào quên:

+ Nhớ “lớp học i tờ” xóa mù chữ: Cách mạng đem đến cho nhân dân không chỉ tự do mà còn đem đến ánh sáng của tri thức;

+ Nhớ nhịp sống những “ngày tháng cơ quan”, ”gian nan vẫn ca vang núi đèo” gợi tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ chiến sĩ bất chấp khó khăn;

+ Nhớ những thanh âm đặc trưng của miền núi: tiếng mõ rừng chiều, tiếng chày đêm nên cối, tiếng suối xa,… Đó là những hồi ức về cuộc sống bình dị ấm áp mà vui tươi nơi núi rừng Việt Bắc.

+ Điệp cấu trúc “Nhớ sao” 3 lần cùng phép đối lập và cảm hứng lãng mạn

=> Nỗi nhớ Việt Bắc là nỗi nhớ dạt dào và trùng điệp vang mãi trong tấm lòng mỗi con người kháng chiến.

 +) Về nghệ thuật:

- Bức tranh Việt Bắc hiện lên qua nỗi nhớ của chủ thể trữ tình, trong hoài niệm có ba mảng thống nhất và hòa nhập vào nhau: nỗi nhớ thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc, cuộc sống ở Việt Bắc.

- Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết

- Điệp từ “nhớ”, điệp ngữ: nhớ sao… nhớ người… trùng điệp, cùng cách ngắt nhịp của câu thơ tạo nên nét nhạc thơ thật đằm thắm.

- Hình ảnh chân thực, bình dị, giàu sức gợi cảm.

* Liên hệ với bài thơ "Từ ấy"

+) Giải thích: cái tôi trữ tình: là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc;

=> Tố Hữu quả đúng là nhà thơ của lí tưởng cộng sản vì đời sống cách mạng luôn chi phối toàn diện và sâu sắc sự nghiệp sáng tác thơ của ông.

+) Phân tích, chứng minh, bình luận:

Quá trình sáng tác của Tố Hữu song hành với hành trình cách mạng: các chặng đường thơ tương ứng với các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng

- Bài thơ “Từ ấy”:

+ “Từ ấy” trích trong tập thơ cùng tên, là tập thơ đầu tay của Tố Hữu - có vị trí đặc biệt trên con đường thơ của ông.

+ Bài thơ chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa, một quan niệm cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ công thức, chuẩn mực nào, tạo nên những vần thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trang thơ ca cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.

+ Bài thơ còn thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc của chàng thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng.

+ Qua “Từ ấy”, Tố Hữu đã thể hiện một cái tôi cá nhân cảm tính, ở phương diện tích cực, mạnh mẽ một mặt mà thơ mới lãng mạn chưa hề biết đến.

- Đoạn trích "Việt Bắc" nói riêng, bài thơ nói chung:

+ Cái tôi đã hoà chung với cái ta của cộng đồng, dân tộc. Mình là ta – Ta là mình – ta với mình như hoà quyện vào nhau, đan xen nhau. Tố Hữu đã đặt mình vào vị trí của những con người kháng chiến, nói về mình về người để bày tỏ những ân tình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những ân tình.

+ Qua “Việt Bắc” nói chung và đoạn trích nói riêng, cái tôi trữ tình của Tố Hữu trong chặng đường thơ này là cái tôi nhập vai nhằm làm nổi bật, tôn vinh lên hình tượng những con người kháng chiến, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người dân kháng chiến.

+ Khẳng định tính đúng đắn của nhận định “Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc”.

c) Kết bài

- Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ.

- Cảm nghĩ của bản thân về cái tôi trong thơ Tố Hữu qua 2 bài thơ.

Tham khảo bài văn mẫu phân tích mối liên hệ giữa hai bài thơ Việt Bắc và Từ ấy

Nhắc đến Tố Hữu là ta nhớ đến “Cánh chim đầu vào” của thơ ca cách mạng Việt Nam. Là nhà thơ được mệnh danh là hồn thơ của dân tộc, ông khẳng định văn chương của mình trên thi đàn Việt Nam với phong cách thơ trữ tình và chính trị. Là một nhà chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, giống như nhà thơ Sóng Hồng đã từng viết: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Hay Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng:

“Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Nói đến bài thơ Việt Bắc, tháng 7 năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vo được kí kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, những người cán bộ từ Việt Bắc trở về miền xuôi để tiếp quản thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có tính thời sự lịch sử này, Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc. "Việt Bắc" không chỉ chinh phục người đọc ở một bản tình ca mà ở đó còn có một bản hùng ca về bức tranh ra quân bi tráng, hào hùng:

“Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung 

Quân đi điệp điệp trùng trùng 

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan 

Dân công đỏ đuốc từng đoàn 

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay. 

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày 

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên. 

Tin vui chiến thắng trăm miền 

Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về 

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê 

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Những đường Việt Bắc là những đường anh bộ đội hành quân ra trận. Cụm từ “của ta” là khát khao được đứng lên, được làm chủ quê hương mình, đất nước mình. Tác giả liên tục sử dụng các từ láy như “đêm đêm”, “rầm rập” kết hợp với phụ âm rung và thủ pháp nghệ thuật so sánh. Tác giả tái hiện lại âm hưởng hào hùng của cả một dân tộc hành quân ra trận. Câu thơ trên miêu tả về âm thanh thì câu thơ dưới lại mô tả phần nhiều về hình ảnh:

Quân đi điệp điệp trùng trùng 

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan 

“Điệp điệp”, “trùng trùng” vốn dĩ là những từ láy để mô tả núi hoặc sóng. Đó là vẻ đẹp của người dân Việt Nam hành quân ra trận, người người lớp lớp đông đảo như sóng cuộn điệp điệp trùng trùng. Đã từng bước vào trang văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, làn sóng ấy lại vô cùng sôi nổi, nó lướt qua mọi khó khăn thử thách, nó nhấn chìm cả bọn bán nước và bè lũ cướp nước”.

“Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Nếu như ta hiểu theo nghĩa tường minh thì “Ánh sao” ở đây là ánh sao của bầu trời Việt Bắc phản chiếu vào nòng súng thép của anh bộ đội vào trận đánh quân thù. Thế nhưng, nếu ta hiểu theo nghĩa hàm ẩn, thì đây là lí tưởng cách mạng, là Đảng là Bác Hồ soi đường chỉ lối cho anh bộ đội vào trận đánh quân thù. “Bạn cùng mũ nan” đó là những chiếc mũ đồng bào dân tộc miền cao gửi tặng cho người lính để vượt qua bao nắng mưa dãi dầu.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn 

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Nghệ thuật đảo ngữ “đỏ đuốc”, là vẻ đẹp lực lượng hậu phương vững chắc của anh bộ đội, là những đoàn dân công quang gánh, xe thồ, ngày đêm tải đạn ra tiền tuyến. Và cũng chỉ có trong những bảo tàng lịch sử Việt Nam ta mới nhận thấy, có chiếc xe đạp mà có thể chở được 2-3 tạ đạn lên chiến trường. Thơ ca của nhà thơ Tố Hữu rất đồng điệu với thơ ca của Bác Hồ, khi mà hướng bắt đầu luôn luôn là hiện tại đến tương lai, từ bóng tối đến ánh sáng. Và ở đó là nghệ thuật nói quá và phóng đại làm cho vẻ đẹp của những con người Việt Nam bước ta từ trang sử vẻ vang của dân tộc. Đó là vẻ đẹp của những con người đẹp từ gót chân đến mái tóc, đẹp từ như trong chân lí sinh ra.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày 

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên. 

Một bên là “thăm thẳm sương dày” một bên là “đèn pha bật sáng”, ngọn đèn pha ấy đánh tan đi lớp sương dày. Ngọn đèn xe ấy không chỉ đơn thuần là hình ảnh của những chiếc xe mà ta từng bắt gặp trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Mà ở đây, ta có thể thấy rằng đó là những khó khăn thiếu thốn trong những ngày đầu kháng chiến. Chúng ta chỉ có vũ khí là giáo mác thô sơ, nhưng quân ta càng đánh, lực lượng càng mạnh, thế tấn công dễ như chẻ tre. Chúng ta đã có những đoàn xe ra tiền tuyến. Chúng ta đã có những pháo binh ra mặt trận và ở đó là bình minh huy hoàng vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên kháng chiến.

Tám câu thơ trên là cảnh ra quân thì 4 câu thơ dưới là vẻ đẹp của khúc ca ăn mừng chiến thắng:

“Tin vui chiến thắng trăm miền 

Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về 

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê 

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Điệp từ “vui” được lặp lại 4 lần, thể hiện tiếng reo vui của hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Nghệ thuật liệt kê “Hòa Bình”, “Tây Bắc”, “Điện Biên”,... thể hiện chiến thắng sau còn giòn giã hơn chiến thắng trước. Bởi vậy mà ta nhận thấy đó là vẻ đẹp của Việt Bắc, đó là lí do người ta nói rằng: Việt Bắc của Tố Hữu không chỉ thuyết phục người đọc ở một bản tình ca mà ở đó còn là bản hùng ca bi hùng bi tráng về cảnh ra quân, là những giai điệu tự hào trong thơ ca Việt Nam.

Tiếp đó ta thấy:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…

Bài “Từ ấy” gồm 3 khổ thơ, mỗi khổ thơ lại là một vẻ đẹp rất riêng. Khổ 1 là niềm vui của tác giả khi được đến với lý tưởng cách mạng. Ông tự ví tâm hồn của mình là một khu vườn đầy hoa lá, kể từ khi có mặt trời chân lí thì bỗng đậm hương và rộn tiếng chim, là một khu vườn bỗng ngập tiếng chim ca, là niềm vui của tác giả, là ánh sáng của vườn hồng đánh bật bóng đêm lụi, là ánh sáng của triết học Mác Lênin, đó là mặt trời chân lí, là Đảng soi đường chỉ lối. Đến với khổ 2, từ niềm vui ấy dẫn đến ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ. Họ phải gần gũi với quần chúng nhân dân, khơi dậy khối đại đoàn kết dân tộc. Cuối cùng, từ sự thay đổi về ý thức trách nhiệm dẫn đến sự thay đổi về tâm tư tình cảm. Liên tục sử dụng các từ “là anh”, “là em”, “là con”, coi tất cả đồng bào, đồng chí của mình là trong một gia đình. Họ đều là máu mủ của mình. Và nhiệm vụ cuối cùng, nhiêm vụ quan trọng nhất đó là phải xây dựng, thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân. Đó chính là vẻ đẹp của bài thơ “Từ ấy”.

Trong văn chương ta nhận thấy, thời thế thay đổi thì cách viết của nhà thơ cũng được đổi thay. Chúng ta đã từng biết đến Nguyễn Minh Châu trước 1975 viết nhiều về con người Việt Nam trong chiến đấu. Sau đó, ta biết đến Nguyễn Minh Châu sau 1975 toàn viết về cuộc sống với những triết lí, những trải nghiệm, những câu chuyện trần trụi và thô ráp nhưng lại đem đến những tuyên ngôn, những nghệ thuật rất sâu sắc. Nhắc đến Nguyễn Tuân trước 1945 và Nguyễn Tuân sau 1945 là hoàn toàn khác. Là “Chữ người tử tù” lại hoàn toàn khác với “Người lái đò sông Đà”.

Bài thơ Việt BắcTừ ấy điểm giống ở đây là sự nhất quán về phong cách sáng tác “trữ tình và chính trị”. Là người cách mạng làm thơ luôn luôn ý thức được ngòi bút của mình phải thực sự là thứ vũ khí trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Thơ ca của ông có thể khẳng định đó là cuốn “Nhật kí về lịch sử Việt Nam”, bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà ông được mệnh danh là hồn thơ của dân tộc. Còn điểm khác ở đây là về nội dung. Một tác phẩm viết về niềm vui của tác giả khi đến với ánh sáng lí tưởng của cách mạng. Một tác phẩm lại viết về những năm tháng không thể nào quên của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Một tác phẩm được viết ở thể thơ lục bát, còn một tác phẩm thì không.

Tóm lại, dù có là trước cách mạng hay sau cách mạng, dù là “Từ ấy” hay là “Việt Bắc” thì rõ ràng phong cách thơ của Tố Hữu thực sự rất đáng khâm phục. Ông là người thư kí trung thành của thời đại, tác phẩm của ông là những tấm gương xê dịch trên quãng đường đời.

-/-

Trên đây là những gợi ý cơ bản cũng như bài văn mẫu tham khảo mà Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn gửi tới các em tham khảo cho đề văn liên hệ so sánh Việt Bắc và Từ ấy. Hi vọng các em đã có những tư liệu tham khảo hữu ích để có thể viết được một bài phân tích so sánh thật hay và có sức thuyết phục.

     Tuyển tập những bài văn hay nhất, văn mẫu lớp 12 dành cho học sinh tham khảo, ôn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị cho các kì thi.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM