Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca

Xuất bản: 26/08/2018 - Cập nhật: 22/10/2019 - Tác giả:

Tham khảo tuyển chọn những bài văn mẫu hay phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).

***

Bài văn hay nhất
phân tích hình tượng Lor-ca của học sinh lớp 12 THPT Bình Minh, Kim Sơn, Ninh Bình

Thanh Thảo là một nhà thơ khoác áo lính, ông sinh ra tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa văn trường Đại Học Tổng Hợp nhưng sau đó vào chiến trường miền Nam công tác. Thanh Thảo luôn nỗ lực tìm tòi hướng để cách tân thơ Việt. Ông đi theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực có nguồn gốc từ phương Tây mà Lor-ca là một trong những người đi đầu trong trường phái thơ đó. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” đã xây dựng thành công hình tượng nghệ sĩ Lor-ca.

Lor-ca là một nghệ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha. Ông có một tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị cũng như đời sống nghệ thuật của Tây Ban Nha. Trong đời sống nghệ thuật, ông là một trong những người đi đầu để cách tân nền nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha thời bấy giờ. Trong đời sống chính trị ông là người khởi xướng phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài thân phát xít đã hết sức phản động. Năm 1936 bè lũ Phrăng-cô quá hoảng sợ trước tầm ảnh hưởng của Lor-ca nên chúng đã tìm cách bắt và sát hại ông. Tuy nhiên sau cái chết của Lor-ca, sự ảnh hưởng của ông càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nó vượt qua biên giới của Tây Ban Nha. Tên tuổi của Lor-ca đã trở thành biểu tượng cho công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Sự ảnh hưởng của Lor-ca không chỉ trong thời đại của ông mà nó còn tồn tại cho tới bây giờ. Cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Lor-ca chính là những tác động khơi nguồn cảm xúc để Thanh Thảo viết bài thơ.

Thanh Thảo đặt nhan đề bài thơ là “Đàn ghi ta của Lor-ca”, đàn ghi ta là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha, Lor-ca là người nghệ sĩ thiên tài của Tây Ban Nha, nhan đề bài thơ đã hé mở hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ là Lor-ca và gắn liền với hình tượng ấy biểu tượng nghệ thuật mang tính cách tân của Lor-ca, của đất nước Tây Ban Nha: đàn ghi ta. Lor-ca là người nghệ sĩ sáng tạo, đàn ghi ta là phương tiện để người nghệ sĩ sáng tạo.

Lời đề từ của bài thơ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” là lời chăng chối cuối cùng trước khi giã từ cuộc sống của Lor-ca, đồng thời cũng nói lên tâm nguyện của Lor-ca. Nếu cây đàn mang nghĩa biểu trưng cho xứ sở Tây Ban Nha, cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha thì lời đề từ đã thể hiện tình yêu, sự gắn bó của Lor-ca đối với đất nước Tây Ban Nha, với nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Cũng có thể hiểu cây đàn là biểu trưng cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca, điều này cho ta thấy Lor-ca sẵn sàng dũng cảm lùi mình vào quá khứ để mở ra con đường thênh thang cho thế hệ sau thỏa sức mà sáng tạo. Lor-ca coi sự nghiệp sáng tạo, những cống hiến của mình là nền móng chứ không phải bức tượng đài, không phải ranh giới để thế hệ sau có thể đứng trên nền móng đó được thỏa sức sáng tạo.

Bài thơ được viết theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực nên khi đọc thì độc giả có thể thỏa sức tưởng tượng để hiểu những hình ảnh theo nhiều chiều khác nhau. Khổ thơ đầu bài thơ Thanh Thảo tái hiện hình ảnh của Lor-ca trên nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” biểu trưng cho sự sống và sự sáng tạo của Lor-ca vô cùng mỏng manh và rất dễ vỡ, tan biến. “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” biểu trưng cho môi trường chính trị ở Tây Ban Nha bức bối, ngột ngạt, phản động. Trong hai câu thơ đầu tác giả đặt hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” bên cạnh hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” như một dụng ý cho thấy cuộc sống của Lor-ca đang cực kì bức bối, ông dường như đang phải cố gồng mình lên để đối mặt với một chế độ xã hội phản động, già nua, có thể nói cuộc sống của ông là đầy thách thức. Câu thơ thứ ba ghi lại chuỗi hợp âm của tiếng đàn ghi ta “li la li la li la”, nó biểu trưng cho những sáng tạo của Lor-ca.

Như vậy dù sống trong một môi trường xã hội ngột ngạt nhưng người nghệ sĩ Lor-ca vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật, vẫn say xưa với những sáng tạo nghệ thuật của mình. “Đi lang thang về miền đơn độc”, người nghệ sĩ đi nhưng chưa xác định rõ được đích đến, người nghệ sĩ vừa đi vừa suy nghĩ vừa tìm tòi. Đi về miền đơn độc là đi về miền của tâm trạng, miền của cảm xúc. Đây là hành trình đi tìm cái tôi sáng tạo, đi tìm cái tôi của người nghệ sĩ, tìm cảm hứng sáng tạo. Đồng hành cùng với người nghệ sĩ là vầng trăng, là chú ngựa nhưng lại là vầng trăng “chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”. Vầng trăng thì xa vời, hư ảo, nửa say nửa tỉnh, chú ngựa cũng mỏi mòn, mệt mỏi rã rời, một hành trình vô cùng nhọc nhằn và cô đơn, hành trình “đơn thương độc mã”. Lor-ca là một người nghệ sĩ dám sống và cả dám chết vì nghệ thuật, dám cháy hết mình cho nghệ thuật. Mặc dù luôn luôn phải đối mặt với khó khăn khốc liệt nhưng khát vọng cách tân nền nghệ thuật già nua lúc nào cũng bùng cháy mãnh liệt trong Lor-ca.

Hai khổ thơ tiếp theo, Thanh Thảo tái hiện cái chết của Lor-ca cũng vẫn qua những hình ảnh thơ mang tính tượng trưng. “Tây Ban Nha hát nghêu ngao”, Tây Ban Nha ở đây chính là Lor-ca, dường như tất cả những tinh hoa những vẻ đẹp của Tây Ban Nha đã hội tụ trong con người Lor-ca. Lor-ca bây giờ không chỉ là con người cá nhân mà là một biểu tương cho xứ sở Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã thể hiện rất rõ tình cảm ngưỡng mộ, khâm phục, kính trọng của mình dành cho thần tượng – Lor-ca. Hành động “hát nghêu ngao” cho thấy một tâm trạng phấn khích, vui vẻ, một cuộc sống đang diễn ra bình dị. “Bỗng kinh hoàng”, tín hiệu báo hiệu tin dữ, việc xấu ập đến. “Áo choàng bê bết đỏ”, Lor-ca đã bị bắn trọng thương. Sau hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ”, nghĩa là sau khi Lor-ca đã bị bắn trọng thương là một loạt hình ảnh diễn tả sự biến đổi liên tục, liên hoàn của tiếng đàn: “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta xanh”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước”, “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”. Từ khi viên đạn xuyên thấu vào cơ thể Lor-ca, nó đã phá tan những điều giản dị nhưng đáng quí như là tình yêu, hi vọng, để rồi cuối cùng kết lại trong một cái chết oan nghiệt và thảm khốc. Thanh Thảo đã có cách diễn đạt hình tượng hóa giúp chúng ta như cảm nhận được quá trình ập đến của cái chết và qua đó ta cũng cảm nhận được sự đau đớn, xót xa của Thanh Thảo trước sự ra đi của thần tượng trong lòng mình.

Khổ thơ tiếp theo chính là tiếng nói tri âm đồng vọng của Thanh Thảo với Lor-ca. Hai câu thơ đầu của khổ thơ mang hình thức đối thoại “không ai chôn cất tiếng đàn – tiếng đàn như cỏ mọc hoang”, đó là lời đối của Thanh Thảo lại lời chăng chối của Lor-ca là lời đề từ của bài thơ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Lor-ca nhắn nhủ rằng hãy đưa tôi vào quá khứ, hãy để tôi làm nền móng để cho thế hệ sau xây lên lâu đài nghệ thuật vĩ đại hơn nhưng thực tế thì “không ai chôn cất tiếng đàn” nghĩa là không ai thấu hiểu và thực hiện được tâm nguyện chân chính mà Lor-ca đã gửi gắm. Tiếng đàn được ví như cỏ mọc hoang, nền nghệ thuật của Tây Ban Nha đang phát triển nhưng không theo một đường lối thống nhất, nó phát triển tùy theo sở thích và cảm hứng của người sáng tạo. Thanh Thảo và Lor-ca là hai người nghệ sĩ cách xa nhau về thế hệ, khác xa nhau về nền văn hóa nhưng ở họ vẫn có những tiếng nói tri âm đồng vọng, phải chăng đó là sự gặp gỡ của người nghệ sĩ có cùng quan điểm sáng tác, có chung nguồn cảm hứng sáng tạo. Hai câu thơ cuối đoạn thơ đã thể hiện cảm xúc mãnh liệt của Thanh Thảo trong một hình ảnh được khúc xạ nhiều chiều không gian “giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng”. Phải chăng hình ảnh này xuất phát từ một sự việc sau khi giết chết Lor-ca, để giấu giếm tội ác, để phi tang, bọn giết Lor-ca đã vứt thi thể ông xuống giếng. Phải chăng đó là hình ảnh biểu thị cho một nỗi đau không thể nguôi ngoai?

Hai khổ thơ cuối bài thơ Thanh Thảo tập trung diễn tả sự giã từ của Lor-ca, Lor-ca đã chết nhưng đối với Thanh Thảo Lor-ca có thực sự đã vĩnh viễn ra đi? Thanh Thảo nhắc tới “đường chỉ tay đã đứt” là nhắc tới cái chết, nhắc tới sự hữu hạn của đời người, nhắc tới “dòng sông rộng vô cùng” chỉ sự vô hạn của cuộc đời chung, dòng sông cuộc đời. Đó là một quy luật nghiệt ngã mà mỗi người đều phải trải qua và Lor-ca cũng không thể tránh khỏi. Chỉ có điều trong cảm nhận của Thanh Thảo, đây là cuộc giã từ chủ động và thanh thản. Chàng chủ động bơi sang bên kia dòng sông cuộc đời trên chiếc ghi ta đã ngả màu bạc. Chàng chủ động để lại tín ngưỡng, tình yêu “chàng ném lá bùa cô gái Di-gan – vào xoáy nước – chàng ném trái tim mình – vào lặng yên bất chợt”. Lor-ca không chết trong cảm nhận của Thanh Thảo, Lor-ca vẫn sống, sống ở phía bên kia của dòng sông cuộc đời. Thanh Thảo đã bất tử hóa hình tượng nhân vật Lor-ca. Với Thanh Thảo, Lor-ca vẫn sống bằng những sáng tạo, bằng những cống hiến cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và nền nghệ thuật thế giới. Câu thơ cuối bài ghi lại hợp âm tiếng đàn ghi ta “li la li la li la...” và nó tiếp tục biểu trưng cho những sáng tạo của Lor-ca. Như vậy trong cảm nhận của Thanh Thảo ở phía bên kia dòng sông cuộc đời Lor-ca vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Hay nói cách khác Lor-ca và những sáng tạo của ông vẫn còn mãi trong tâm tưởng của tác giả Thanh Thảo và của mọi người. Hai câu thơ đặc biệt đã mang lại tính nhạc cho bài thơ, hơn nữa câu thơ cuối bài như một giai điệu ngân vang tạo nên dư âm trong lòng người đọc.

Bằng việc sử dụng hình ảnh thơ có tính tượng trưng cao, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng Lor-ca từ sự sống tới cái chết, đồng thời thể hiện những tình cảm của mình dành cho thần tượng. Từ đó giúp người đọc cảm nhận được Lor-ca là một người chiến sĩ, người nghệ sĩ đấu tranh không ngừng nghỉ cho những khát vọng chân chính và cao cả: cách tân nền nghệ thuật già nua, đấu tranh chống lại chế độ độc tài thân phát xít đã quá phản động.

Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh thơ mang tính tượng trưng Thanh Thảo còn tổ chức bài thơ, phân câu theo một trật tự khác thường. Bài thơ có hình thức âm thanh, nhưng câu thơ không vần, không dấu chấm, không dấu phẩy, không viết hoa đầu dòng.

Bài thơ thành công trong việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật của trường phái thơ tượng trưng siêu thực. Tác phẩm cũng là một minh chứng cho việc luôn luôn tìm hướng để cách tân thơ Việt của ông. Hình tượng nghệ sĩ Lor-ca mang tầm vóc vĩ đại sẽ sống mãi trong lòng độc giả bao thế hệ.

» Tham khảo thêm hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca


Những bài phân tích nhân vật Lor-ca ngắn gọn trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca

Bài số 1:

Lor-ca - một thiên tài của đất nước Tây Ban Nha nhưng lại mang số phận không may mắn. Một con người vì đất nước Tây Ban Nha, muốn cách tân cho nền nghệ thuật già nua của đất nước nhưng đã bị bọn độc tài Phát xít Prăng cơ bắt giết. Số phận Lorca được Thanh Thảo thể hiện qua bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca", âm thanh tiếng đàn như số phận Lor-ca.

Lor-ca, một con người tài năng nhưng sống trong một đất nước đang có nhiều biến động về chính trị:

"Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha, áo choàng đỏ gắt".

Màu đỏ của áo choàng làm ta nhớ tới những trận đấu bò tót đặc trưng cho một nét văn hóa đất nước Tây Ban Nha, cũng làm ta nghĩ tới tình hình chính trị phức tạp đất nước Tây Ban Nha rối ren, phức tạp. Màu đỏ cũng là màu máu. Lor-ca là một nghệ sĩ đánh đàn ghi ta tự do, một người đơn độc với vầng trăng, với yên ngựa.

Lor-ca đi khắp nơi, đánh những bản nhạc, những tiếng đàn "Li la li la li la". Đang lúc thảnh thơi này, bỗng bất ngờ Lor-ca bị bắt.

"Bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lorca bị điệu về bãi bắn

Chàng đi như người mộng du".

Lor-ca bị bắt, bị xử bắn, nhưng Lor-ca không sợ cái chết, chàng không bất ngờ. Lor-ca không quan tâm việc mình phải chết. Dù Lor-ca chết, tiếng đàn, tượng trưng tài năng của chàng vẫn còn mãi.

"Tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta dòng dòng máu chảy".

Tiếng đàn tại đây chính là tài năng của Lor-ca, cũng là thân phận nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái ác cai trị. "Tiếng ghi ta nâu" làm ta nhớ tới vỏ cây đàn ghi ta, cây đàn đã theo Lor-ca suốt cả cuộc đời. Cây đàn chính là biểu tượng đất nước Tây Ban Nha. Đây chính là tình yêu quê hương đất nước của mỗi con người. "Bầu trời cô gái ấy" làm ta nhớ tới người con gái của Lor-ca. Ngoài màu nâu là màu "xanh" mà xanh của lá, như màu của hi vọng. Làm ta nhớ tới khát vọng cách tân nền nghệ thuật đã già nua của đất nước Tây Ban Nha, nhưng chưa thành của Lor-ca. Lor-ca muốn thế hệ sau mình sẽ có những cách tân nghệ thuật, làm tiếp những việc mà chính chàng chưa làm được. Dù Lor-ca đã chết, nhưng tiếng đàn vẫn còn, nó tượng trưng cho sự bất tử của Lor-ca, nó tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn. "Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan", tiếng ghi ta được ví như bọt nước. Bọt nước lúc ẩn, lúc hiện rất khó mất, nó đang biểu hiện cho tài năng Lor-ca không bao giờ mất đi, dù giờ đây Lor-ca đã chết, một sự thật không thể thay đổi được "tiếng ghi ta dòng dòng máu chảy".

Cái chết thảm khốc của Lor-ca. Tài năng, cái đẹp của nghệ thuật vì trong hoàn cảnh đất nước rối ren mà bị vùi lấp, không thể phát triển được. Tiếng đàn như trở thành một sinh thể sống, có máu và nước mắt, làm người đọc, người nghe đồng cảm với thân phận Lor-ca, cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại cái ác cai trị.

"Không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng"

Qua câu thơ làm ta nhớ tới tâm nguyện của Lor-ca khi còn sống "Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn". Vậy mà không ai chôn cất tiếng đàn theo như tâm nguyện của Lor-ca. Không phải là mọi người không muốn làm theo tâm nguyện của Lor-ca mà không ai hiểu tâm nguyện chàng.

Mọi người ngưỡng mộ tài năng của Lor-ca, không ai muốn vượt qua Lor-ca. Từ đó, tài năng và Lor-ca như bất tử, như cỏ mọc hoang. Cỏ mọc hoang – vừa thể hiện sự dang dở sự nghiệp và những dự định chưa thực hiện của Lor-ca. Lor-ca bị bắt, bị giết, bị ném xuống giếng. "Giọt nước mắt vầng trăng" – đau xót cái chết của Lor-ca. Lor-ca vẫn bất tử, tài năng vẫn bất tử, dưới đáy giếng long lanh.

Thanh Thảo đã xuất sắc thể hiện được tiếng đàn của Lor-ca, tiếng đàn đấy không chỉ là tiếng đàn đơn giản mà ẩn chứa trong đó còn là tâm hồn, sự sống, sự bất diệt của một con người. Tiếng đàn còn mang theo niềm mong ước của Lor-ca về một sự cách tân nghệ thuật.

Tiếng đàn xuất hiện hầu khắp trong tác phẩm. Lúc nhẹ nhàng, khi mãnh liệt, khi đau thương. Để đến cuối tác phẩm ta lại thấy xuất hiện tiếng đàn "Li la li la li la". Như nhắc nhở cho chúng ta rằng Lor-ca, tâm hồn Lor-ca đã đi theo tiếng đàn. Để diễn tả âm thanh tiếng đàn Lor-ca, Thanh Thảo sử dụng tài tình nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ màu sắc "nâu, xanh" đến hình khối sự vật, dường như không liên quan. Đây chính là cái tài của Thanh Thảo, làm lên sự thành công của tác phẩm.

Qua bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca", từ âm thanh tiếng đàn ta không những thấy được tiếng đàn là thân phận Lor-ca, cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung, trong một thực tại mà cái ác cai trị, tiếng đàn còn là vẻ đẹp tâm hồn, là sức sống và cũng là sự bất tử của Lor-ca. Từ đó ta càng thấy tài năng của Thanh Thảo và ta thấy được trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng hi sinh bảo vệ nghệ thuật, sẵn sàng phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

» Cảm nhận về hình tượng tiếng đàn trong Đàn ghi ta của Lor-ca

Bài số 2:

Đàn ghi ta của Lor-ca tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Thảo. Với lời thơ giàu ý nghĩa biểu tượng, Thanh thảo đã vô cùng thành công khi tái hiện lại chân dung đẹp đẽ, hiên ngang, dũng cảm và cái chết đầy bi thương của con người tài hoa Lor-ca. Hình tượng Lor-ca là hình tượng trung tâm, làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Trước hết Lor-ca là người nghệ sĩ, người chiến sĩ đơn độc. Hình ảnh đầu tiên Thanh Thảo dùng để khái quát về Lor-ca: Những tiếng đàn bọt nước, đây là hình ảnh được sáng tạo dựa trên thuyết tương giao của chủ nghĩa tượng trưng. Bọt nước gợi ra tiếng đàn tròn trịa, trong trẻo, long lanh, nhưng đồng thời bọt nước còn gắn với sự mong manh dễ vỡ. Hình ảnh đã góp phần thể hiện cuộc đời ngắn ngủi của Lor-ca. Chọn ấn tượng đầu tiên để giới thiệu về Lor-ca không phải ấn tượng ngoại hình mà là sử dụng tiếng đàn, bởi tiếng đàn – nghệ thuật là phần tinh túy, đẹp đẽ nhất của Lor-ca. Lối vẽ chân dung ghi lại cái thần thái, cái hồn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, tài năng nghệ thuật của Lor-ca bị đặt vào thử thách khắc nghiệt:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Sự phóng khoáng, lãng mạn của Lor-ca phải đối mặt mặt cái đẫm máu, độc tài của chế độ Phát-xít, tư tưởng cách tân tiến bộ phải đối mặt với nghệ thuật già nua, bảo thủ lúc bấy giờ. Chình vì vậy mà Lor-ca trở vên vô cùng cô đơn: “Đi lang thang về miền đơn độc”. Hai chữ "lang thang” nhấn mạnh vào hành trình biên viễn, không có điểm dừng, đây cũng chính là hành trình nghệ thuật của Lor-ca. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, hành trang mà Lor-ca mang theo vô cùng giản dị:

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Hành trang của chàng là niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật tha thiết. Lor-ca không đơn thuần là người nghệ sĩ suốt một đời khao khát đi tìm cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật mà ông còn là người chiến sĩ dám chiến đấu bảo vệ cái đẹp, nghệ thuật được trường tồn, phát triển. Dù trên con đường đó còn nhiều chông gai, đơn độc nhưng chưa một phút ông nản lòng, từ bỏ. Với sáu câu thơ đầu tiên, Thanh Thảo đã dựng lên chân dung người nghệ sĩ Lor-ca tài hoa, lãng mạn, tự do, phóng khoáng, dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật. Song người nghệ sĩ ấy cũng thật cô đơn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật trên chính quê hương mình.

Không chỉ vậy, Lor-ca còn là một con người có số phận bất hạnh. Trong khuôn khổ một bài thơ ngắn, Thanh Thảo không đi sâu vào nhiều chi tiết, sự kiện mà chỉ nhấn mạnh, tô đậm vào phút giây bi phẫn, đau đớn nhất trong cuộc đời Lor-ca, đó là khi Lor-ca bị chủ nghĩa phát xít xát hại. “Bỗng kinh hoàng” tiếng nói giật mình, thảng thốt, nhấn mạnh sự đột ngột, đau đớn. Hai từ “bê bết” được đảo lên trước từ “đỏ” khiến cho sắc đỏ trở nên đông đặc, ám ảnh, đập mạnh vào thị giác người đọc. Đó là màu của tội ác đã thành hình, thành khối. Hình ảnh thơ đã tô đậm cái chết vô cùng đau đớn của người nghệ sĩ Lor-ca.

Đối lập với cái chết đau đớn là tâm thế, cách ứng xử của Lor-ca. Nghệ thuật tương phản đối lập tiếp tục được khai thác triệt để trong hai câu thơ:

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

Nếu câu thơ trên sử dụng cấu trúc câu bị động cùng nhiều thanh trắc, tạo nên ấn tượng nặng nền buốt nhói tô đậm vào sự tàn bạo, áp chế dã man của chủ nghĩa phát xít thì câu thơ dưới lại sử dụng cấu trúc câu chủ động và trải dài mênh mang với nhiều vần bằng. Vượt lên trên sự áp chế của chủ nghĩa phát xít Lor-ca vẫn để tâm hồn mình vào một cõi khác, tìm cho mình một thế giới riêng. Tư thế đi như người mộng du cho thấy cái chết vật lí không hề làm Lor-ca lo lắng, mà đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tâm hồn chàng vẫn phiêu diêu ở nơi nghệ thuật.

Dù thân thể đã vĩnh viễn bị tước đoạt, nhưng Lor-ca vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người, Lor-ca đã đến với thế giới của sự bất tử hóa: “Đường chỉ tay đã đứt/ dòng sông rộng vô cùng/ Lor-ca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc” đường chỉ tay là một ẩn dụ về cuộc đời con người, khi đường chỉ tay mất cũng đồng nghĩa với cái chết. Hình ảnh đó đột ngột, bất ngờ đầy đau đớn. Người nghệ sĩ đang đạt đến độ chín nhất về tư tưởng cũng như nghệ thuật đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời. Nhưng dù Lor-ca đã mất đi thì thứ nghệ thuật trác tuyệt ông để lại vẫn tồn tại mãi mãi. Hình ảnh cây đàn cùng người nghệ sĩ Lor-ca phát quang, tỏa rang, lung linh và rực rỡ. Đến đây cây đàn không chỉ là người bạn song hành mà con là đôi cánh, phương tiện để đưa Lor-ca đến cõi bất tử. Như vậy sự gắn bó, hòa quyện giữa Lor-ca và nghệ thuật là sự gắn bó khăng khít mà ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa.

Những câu thơ cuối bài chính là lời tổng kết của Thanh Thảo về ý nghĩa cái chết, về vẻ đẹp nhân cách và bản lĩnh của Lor-ca. Có thể nhận thấy trong bốn câu thơ cuối Thanh Thảo dùng cấu trúc câu chủ động: chàng ném …, cấu trúc này tô đậm vào sự chủ động, dứt khoát. Nếu cái chết của Lor-ca ở phần trên được nhìn nhận như là sản phẩm của sự tàn bạo của chế độ Phát xít thì ở đây lại được nhìn nhận như sự lựa chọn đầy chủ động của Lor-ca. Hành động chủ động ném lá bùa chính là hành động biểu tượng của sự tự tin, bản lĩnh khi tự quyết định điều khiển số phận mình. Không chỉ làm chủ số phận mình, chàng còn: “chàng ném trái tim mình/ vào lặng yên bất chợt”, cái lặng yên đầy ý nghĩa. Đó là cái lặng yên vĩnh hằng mà Lor-ca muốn trở về sau cuộc đời hoạt động sôi nổi. Đồng thời cái chết của Lor-ca cũng như một lời cảnh tỉnh cho người dân Tây Ban Nha lúc bất giờ, để họ thức tỉnh trước sự cai trị tàn độc của chế độ phát xít. Bởi vậy, cái chết của Lor-ca càng trở nên nhân văn, giàu ý nghĩa hơn.

Bằng lối thơ tượng trưng siêu thực giàu ý nghĩa, Thanh Thảo đã tái hiện thành công chân dung người nghệ sĩ tài hoa Lor-ca. Tái hiện chân dung nhân vật thể hiện tình yêu, niềm ngưỡng mộ trước một tài năng kiệt xuất, đồng thời cũng thể hiện khao khát canh tân nghệ thuật của Thanh Thảo ở nước nhà.

Có thể bạn quan tâm: Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca ngắn gọn nhất

-/-

Trên đây là tổng hợp những bài văn mẫu phân tích hình tượng Lor-ca hay nhất. Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 12 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM