Bình luận các ý kiến về hình tượng nhân vật Lor-ca

Xuất bản: 26/08/2018 - Cập nhật: 22/06/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn dàn ý chi tiết và bài văn mẫu hay nhất phân tích, bình luận các ý kiến về hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca.

Đề bài: Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ, vì dân thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan khuất. Từ cảm nhận của mình về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

*****

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Tác giả: Thanh Thảo là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

- Tác phẩm: Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca rút trong tập Khối vuông ru-bích (1985). Đây là một sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, cảm xúc mãnh liệt, phóng túng và nhuốm mày sắc siêu thực, tượng trung, được học tập từ chính phong cách thơ hiện đại của Lor-ca.

II. Thân bài: Bình luận 2 ý kiến

- Vài nét về con người Lor-ca: Federico Garcia Lor-ca (1898-1936) là một nhà tài năng lớn của văn học nghệ thuật hiện đại Tây Ban Nha với khả năng thiên bẩm ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu...; Lor-ca không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn hoá vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi ấy mà còn là một công dân yêu tự do, một chiến sĩ kiên cường chống lại chế độ độc tài thân phát xít Phrăng-cô, cuối cùng đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu đó.

- Bình luận về hai ý kiến:

+ Ý kiến thứ nhất: Khẳng định hai vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách của một Lor-ca “nghệ sĩ – chiến sĩ”; tuy nhiên trong phần diễn giải, ý kiến này chưa làm rõ vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ mà nghiêng về vai trò chiến sĩ, một nhà hoạt động xã hội khi khẳng định Lor-ca “vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình”.

+ Ý kiến thứ hai: Có sự phiến diện khi khẳng định “Lor-ca là mẫu nghệ sĩ thuần tuý khi chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất”. Ý kiến này tuy tô đậm vẻ đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn Lor-ca nhưng đã tách rời Lor-ca với một trong những khát vọng cao cả, tâm huyết nhất của ông đó là tự do dân chủ cho nhân dân và đất nước; cũng có nghĩa là tách rời nghệ thuật và cuộc đời.

+ Do đó, cần kết hợp cả hai ý kiến trên, xuất phát từ cuộc đời, sự nghiệp và con người Lor-ca, khẳng định vai trò nghệ sĩ-chiến sĩ để thấy được cả vẻ đẹp trong tâm hồn nhân cách và cả bi kịch trong số phận.

- Dẫn chứng, chứng minh

Có thể làm bài theo hai cách:

- Cảm nhận chung về hình tượng Lor-ca trong toàn bộ bài thơ và chứng minh cả vẻ đẹp và thân phận của ông ở hai vai trò: một nghệ sĩ cô đơn trong khao khát cách tân và đổi mới nền nghệ thuật già cỗi TBN; một chiến sĩ kiên cường chiến đấu cho nền tự do dân chủ của đất nước TBN và đã “bị giết hại oan khuất”.

- Tách rời từng vai trò của nghệ sĩ và chiến sĩ; dùng các dẫn chứng phù hợp để chứng minh:

+ Trong vai trò một nghệ sĩ tài hoa và tâm huyết, một nhà văn hoá vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi Tây Ban Nha những năm đầu thế kỉ XX, Lor-ca đã nếm trải bi kịch của một người đi đầu, người luôn cô đơn bởi những bước đi trước thời đại của mình; nhưng tình yêu với nghệ thuật và khát khao đổi mới khiến ông vẫn kiên trì, mạnh mẽ vững bước trên con đường gian truân và cao cả ấy.

+ Lor-ca còn là người công dân yêu tự do, người chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến đấu không mệt mỏi chống lại chế độ độc tài phản động Phrăng-cô, cuối cùng đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu đó. Trong vai trò thứ hai này, vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lor-ca hiện rõ nhất trong cái chết đau thương, trong cách ra đi thanh thản, nhẹ nhõm, trong thông điệp tha thiết ông gửi lại cuộc đời: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta!

=> Kết hợp hai ý kiến trong đề bài, gắn với cuộc đời sự nghiệp và con người Lor-ca, thông qua cảm nhận về những hình tượng thơ cụ thể, khẳng định vẻ đẹp bi tráng của Lor-ca, một vẻ đẹp đã đưa đến cho người đọc đồng thời cả niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.

***

Văn mẫu tham khảo bình luận các ý kiến về nhân vật Lor-ca

Bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" là bài thơ đánh dấu sự cách tân về thi pháp của Thanh Thảo. Viết theo thể thơ tự do, các câu thơ dài, ngắn, phối hợp với nhau khá hài hòa, biểu lộ lòng cảm thương sâu sắc đối với nhạc sĩ tài ba của đất nước Tây Ban Nha. Lor-ca đã bị bọn phát xít sát hại dã man vào ngày 19 tháng 8 nãm 1936. Thanh Thảo đã lấy câu thơ: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" làm đề từ cho bài thơ của mình.

Lor-ca là một nghệ sĩ đa tài, để lại dấu ấn tuyệt đẹp. Về các ngành nghệ thuật như âm nhạc, thơ ca, hội hoạ, sân khấu, nhà sưu tầm văn hóa dân gian. Thời thơ ấu nổi tiếng thần đồng.

Sau khi lấy bằng Đại học, Lor-ca cưỡi ngựa, mặc áo choàng đỏ, vai khoác đàn ghi ta đi chu du khắp nơi trên đất nước Tây Ban Nha để biểu diễn nghệ thuật, để thu thập văn hóa dân gian, Lor-ca sống một cuộc sống phóng khoáng, tự do như những võ sĩ đấu bò tót:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Thanh Thảo đã sáng tạo nên một số ẩn dụ để nói lên tài nghệ và phong cách sống của Lor-ca. "Những tiếng đàn bọt nước... li-la li-la li-la" là tài nghệ âm nhạc của Lor-ca. "Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt" là biểu tượng cách sống lang thang, tự do của Lor-ca tựa như các võ sĩ đấu bò tót trong các lễ hội. "Với vầng trăng chếnh choáng / trên yên ngựa mỏi mòn" là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi tâm hồn Lor-ca rất đẹp, đam mê cái đẹp.

Đoạn thơ thứ hai lên án hành động dã man của lũ phát xít đã giết hại nghệ sĩ Lor-ca:

Tây Ban Nha

Hát nghêu ngao

Bỗng kinh hoàng

Áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

Chàng đi như người mộng du

Cuộc đời của Lor-ca thật ngắn ngủi (1988 - 1936). Chữ "bỗng" nói lên cái chết bất ngờ của Lor-ca, chàng đang biểu diễn nghệ thuật thì bọn phát xít điệu chàng ra bãi bắn, "chàng đi như người mộng du...". Hình ảnh "áo choàng bê bết đỏ" căm thù hành động dã man của bọn phát xít khát máu đã giết hại một nghệ sĩ tài danh.

Đây là đoạn thơ cảm động nhất, thương cảm nhất của Thanh Thảo nói về cuộc đời của Lor-ca. "Tiếng đàn ghi ta tròn bọt nước vỡ tan" nói về cái chết của nhạc sĩ Lor-ca.

Hai tiếng "vỡ tan" chỉ rõ cuộc đời của người nghệ sĩ đã chấm dứt một cách đau thương; chàng đã vĩnh biệt người yêu. Hình ảnh ẩn dụ "tiếng ghi ta ròng ròng // máu chảy" kết hợp với điệp ngữ "tiếng ghi ta", bốn lần cất lên đau đớn, nghẹn ngào, nức nở như tiếng khóc:

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

Các tính từ: "nâu", "xanh", "tròn" đã khẳng định: nhạc sĩ Lor-ca tuy bị bọn phát xít giết hại dã man, nhưng tài danh của chàng thì đời đời còn mãi, đời đời bất tử!

Thanh Thảo đã khẳng định "không ai chôn cất tiếng đàn" không thể hủy diệt được nghệ thuật. "Tiếng đàn như cỏ mọc hoang" vẫn mãi mãi xanh tươi; Giọt nước mắt trong veo, tròn như mặt trăng, "long lanh trong đáy giếng" đã nói lên sự tiếc thương cái đẹp bị hủy diệt.

Những ẩn dụ và so sánh đã tạo nên hàng loạt hình ảnh có giá trị biểu cảm đầy ấn tượng. Chữ "không" trong đoạn thơ vừa phủ định vừa khẳng định: "Thác là thể phách, còn là tinh anh":

Không ai chôn cất tiếng

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

Sau loạt đạn của lũ phát xít, số phận Lor-ca đã chấm dứt; "đường chỉ tay đã đứt" như một định mệnh. Chàng đã bước sang thế giới khác với hành trang "chiếc ghi ta màu bạc" và âm điệu "li-la li-la li-la" vẫn ngân vang trong cõi đời:

Lor-ca bơi sang ngang

trên ghi ta màu bạc

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la...

Nhan đề bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" là một ẩn dụ nói lên cuộc đời của nhạc sĩ Lor-ca. Thanh Thảo khẳng định và ca ngợi Lor-ca là một nghệ sĩ thiên tài – "mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất!". "Đàn ghi ta của Lor-ca" là một bài thơ hay, có nhiều hình ảnh ẩn dụ rất độc đáo, rất thơ nhưng khó cảm thụ!

-/-

Xem lại phần hướng dẫn soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo) để có những căn cứ, dẫn chứng cụ thể chứng minh cho lập luận, ý kiến của mình về hai quan điểm trong đề bài trên.

Tham khảo các bài văn hay trong kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 tại doctailieu.com.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM