Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

Xuất bản: 26/08/2018 - Cập nhật: 23/06/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).

Tài liệu hướng dẫn chi tiết các bước lập dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo) kèm theo bài văn mẫu tham khảo.

Hướng dẫn xây dựng dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

1. Phân tích đề

- Kiểu bài: dạng bài phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học

- Vấn đề nghị luận: hình tượng nhân vật Lor-ca.

- Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết, câu thơ... thuộc phạm vi bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

- Luận điểm 1: Lor-ca người nghệ sĩ tự do nhưng đơn độc

- Luận điểm 2: Lor-ca và cái chết đầy oan khuất

- Luận điểm 3: Lor-ca người nghệ sĩ bất tử cùng nghệ thuật chân chính

3. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

4. Chi tiết dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca

a) Mở bài

- Đôi nét về tác giả Thanh Thảo: là nhà thơ luôn có trăn trở trong việc cách tân nghệ thuật thơ Việt, thơ ông là tiếng nói suy tư, triết lí về những vấn đề thời đại.

- Giới thiệu bài thơ và hình tượng Lor-ca: bài thơ mang xu hướng cách tân, đậm chất tượng trưng siêu thực. Lor-ca là nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ và cũng là hình tượng trung tâm trong bài.

b) Thân bài

- Lor-ca là một người nghệ sĩ – chiến sĩ dành cả cuộc đời mình cho sự đấu tranh: mở đường cho sự cách tân nghệ thuật trên nền nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha, đấu tranh với phát xít độc tài.

* Lor-ca người nghệ sĩ tự do nhưng đơn độc

- “những tiếng đàn bọt nước”: gợi liên tưởng đến nghệ thuật lung linh mà Lor-ca tạo ra, còn là dự cảm không lành vì ngắn ngủi, mong manh của số phận người nghệ sĩ bạc mệnh.

- “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”: gợi lên cuộc đấu tranh giữa một bên là dân chủ tự do với một bên là phát xít độc tài.

- Ở đó, Lor-ca như một người hùng tự do nhưng đơn độc trên trên con đường đấu tranh cho sự cách tân nghệ thuật, cho nền dân chủ.

* Lor-ca cái chết đầy oan khuất

- Lor-ca đầy khí phách, yêu đời, “nghêu ngao” những lời ca ngợi ca tự do trên quê hương Tây Ban Nha của mình.

- Cái chết oan khuất, bi thảm “bỗng” ập đến với người nghệ sĩ, người hùng ấy. Cả đất nước “Tây Ban Nha” “kinh hoàng”, nuối tiếc trước sự ra đi của chàng, của nghệ thuật chân chính.

- Dù đối diện trước cái chết, Lor-ca vẫn hiên ngang, say sưa trong miền cách tân nghệ thuật “chàng đi như người mộng du”.

* Lor-ca người nghệ sĩ bất tử cùng nghệ thuật chân chính

- “tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy”: màu nâu gợi đến màu của vỏ đàn, của đất mẹ, màu của đôi mắt, mái tóc, làn da người thương. Đó là những cảm hứng trong nghệ thuật của Lor-ca (vì quê hương, vì tình yêu và vì chính nghệ thuật).

- “tiếng ghi ta lá xanh”: nghệ thuật của Lor-ca gắn với tuổi trẻ.

- “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”, “tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy” là biểu trưng về sự mong manh của nghệ thuật, về cái chết của người nghệ sĩ.

- Số phận của nghệ thuật Lor-ca sau khi chàng mất:

+ “Không ai chôn ... mọc hoang”: hành trình cách tân nghệ thuật của Lor-ca không còn ai bước tiếp, bởi vậy nghệ thuật như bị bỏ hoang.

+ Mặt khác, dù Lor-ca đã mất nhưng nghệ thuật vẫn bất diệt, tồn tại với thời gian với sức sống mãnh liệt như cỏ hoang.

- “giọt nước mắt” là sự tiếc thương, “vầng trăng” là niềm tin nghệ thuật, dù ở nơi tối tăm sâu thẳm thì tâm hồn trong sáng của người nghệ sĩ vẫn soi tỏ cho thế hệ sau.

- Lor-ca đã mất “đường chỉ tay đã đứt”, chàng giã từ cuộc đời hữu hạn để đến thế giới vô hạn bằng phương tiện “chiếc ghi ta” – nghệ thuật.

- “ném lá bùa”, “ném trái tim”: chính là sự giải thoát của Lor-ca sau khi chết. Người nghệ sĩ chân chính ý thức được “cái chết” của bản thân là để nghệ thuật được tái sinh mạnh mẽ, để hệ sau tiếp tục cách tân.

+ Ý thức của Lor-ca cũng thể hiện qua lời đề từ của bài thơ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”: đó là sự gắn bó của Lor-ca với nghệ thuật, cũng là thông điệp muốn thế hệ sau vượt qua án ngữ nghệ thuật của mình.

- “li la li la ...”: tiếng ghi ta bất tử dù người nghệ sĩ đã chết, có thể là vòng hoa tử đinh hương viếng linh hồn Lor-ca.

c) Kết bài

- Trình bày suy nghĩ về hình tượng Lor-ca.

- Tổng kết giá trị nghệ thuật: thể thơ tự do, hình thức phóng khoáng, xây dựng thành công hình tượng Lor-ca và tiếng đàn, kết hợp hài hòa giữa thơ và nhạc, ...

- Bài thơ thể hiện sự trân trọng, xót thương của tác giả với Lor-ca, thể hiện khát khao cách tân nghệ thuật của mình.

» Xem thêm: Dàn ý phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

     Trước khi triển khai dàn ý phân tích nhân vật Lor-ca vừa xây dựng được thành bài văn hoàn chỉnh, các em nên đọc thêm bài văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca sau đây để mở rộng vốn từ, rút kinh nghiệm cách trình bày cho bài viết của mình. 

Bài văn mẫu tham khảo phân tích nhân vật Lor-ca trong Đàn ghi ta của Lor-ca

Đàn ghi ta của Lor-ca là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Thảo. Với lời thơ giàu ý nghĩa biểu tượng, Thanh Thảo đã vô cùng thành công khi tái hiện lại chân dung đẹp đẽ, hiên ngang, dũng cảm và cái chết đầy bi thương của con người tài hoa Lor-ca. Hình tượng Lor-ca là hình tượng trung tâm, làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Trước hết Lor-ca là người nghệ sĩ, người chiến sĩ đơn độc. Hình ảnh đầu tiên Thanh Thảo dùng để khái quát về Lor-ca: Những tiếng đàn bọt nước, đây là hình ảnh được sáng tạo dựa trên thuyết tương giao của chủ nghĩa tượng trưng. Bọt nước gợi ra tiếng đàn tròn trịa, trong trẻo, long lanh, nhưng đồng thời bọt nước còn gắn với sự mong manh dễ vỡ. Hình ảnh đã góp phần thể hiện cuộc đời ngắn ngủi của Lor-ca. Chọn ấn tượng đầu tiên để giới thiệu về Lor-ca không phải ấn tượng ngoại hình mà là sử dụng tiếng đàn, bởi tiếng đàn - nghệ thuật là phần tinh túy, đẹp đẽ nhất của Lor-ca. Lối vẽ chân dung ghi lại cái thần thái, cái hồn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, tài năng nghệ thuật của Lor-ca bị đặt vào thử thách khắc nghiệt:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Sự phóng khoáng, lãng mạn của Lor-ca phải đối mặt mặt cái đẫm máu, độc tài của chế độ Phát-xít, tư tưởng cách tân tiến bộ phải đối mặt với nghệ thuật già nua, bảo thủ lúc bấy giờ. Chình vì vậy mà Lor-ca trở vên vô cùng cô đơn: “Đi lang thang về miền đơn độc”. Hai chữ ‘lang thang” nhấn mạnh vào hành trình biên viễn, không có điểm dừng, đây cũng chính là hành trình nghệ thuật của Lor-ca. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, hành trang mà Lor-ca mang theo vô cùng giản dị:

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Hành trang của chàng là niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật tha thiết. Lor-ca không đơn thuần là người nghệ sĩ suốt một đời khao khát đi tìm cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật mà ông còn là người chiến sĩ dám chiến đấu bảo vệ cái đẹp, nghệ thuật được trường tồn, phát triển. Dù trên con đường đó còn nhiều chông gai, đơn độc nhưng chưa một phút ông nản lòng, từ bỏ. Với sáu câu thơ đầu tiên, Thanh Thảo đã dựng lên chân dung người nghệ sĩ Lor-ca tài hoa, lãng mạn, tự do, phóng khoáng, dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật. Song người nghệ sĩ ấy cũng thật cô đơn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật trên chính quê hương mình.

Không chỉ vậy, Lor-ca còn là một con người có số phận bất hạnh. Trong khuôn khổ một bài thơ ngắn, Thanh Thảo không đi sâu vào nhiều chi tiết, sự kiện mà chỉ nhấn mạnh, tô đậm vào phút giây bi phẫn, đau đớn nhất trong cuộc đời Lor-ca, đó là khi Lor-ca bị chủ nghĩa phát xít sát hại. “Bỗng kinh hoàng” tiếng nói giật mình, thảng thốt, nhấn mạnh sự đột ngột, đau đớn. Hai từ “bê bết” được đảo lên trước từ “đỏ” khiến cho sắc đỏ trở nên đông đặc, ám ảnh, đập mạnh vào thị giác người đọc. Đó là màu của tội ác đã thành hình, thành khối. Hình ảnh thơ đã tô đậm cái chết vô cùng đau đớn của người nghệ sĩ Lor-ca.

Đối lập với cái chết đau đớn là tâm thế, cách ứng xử của Lor-ca. Nghệ thuật tương phản đối lập tiếp tục được khai thác triệt để trong hai câu thơ:

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

Nếu câu thơ trên sử dụng cấu trúc câu bị động cùng nhiều thanh trắc, tạo nên ấn tượng nặng nề buốt nhói tô đậm vào sự tàn bạo, áp chế dã man của chủ nghĩa phát xít thì câu thơ dưới lại sử dụng cấu trúc câu chủ động và trải dài mênh mang với nhiều vần bằng. Vượt lên trên sự áp chế của chủ nghĩa phát xít, Lor-ca vẫn để tâm hồn mình vào một cõi khác, tìm cho mình một thế giới riêng. Tư thế đi như người mộng du cho thấy cái chết vật lí không hề làm Lor-ca lo lắng, mà đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tâm hồn chàng vẫn phiêu diêu ở nơi nghệ thuật.

Dù thân thể đã vĩnh viễn bị tước đoạt, nhưng Lor-ca vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người, Lor-ca đã đến với thế giới của sự bất tử hóa: “Đường chỉ tay đã đứt/ dòng song rộng vô cùng/ Lor-ca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc” đường chỉ tay là một ẩn dụ về cuộc đời con người, khi đường chỉ tay mất cũng đồng nghĩa với cái chết. Hình ảnh đó đột ngột, bất ngờ đầy đau đớn. Người nghệ sĩ đang đạt đến độ chín nhất về tư tưởng cũng như nghệ thuật đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời. Nhưng dù Lor-ca đã mất đi thì thứ nghệ thuật trác tuyệt ông để lại vẫn tồn tại mãi mãi. Hình ảnh cây đàn cùng người nghệ sĩ Lor-ca phát quang, tỏa rạng, lung linh và rực rỡ. Đến đây cây đàn không chỉ là người bạn song hành mà còn là đôi cánh, phương tiện để đưa Lor-ca đến cõi bất tử. Như vậy sự gắn bó, hòa quyện giữa Lor-ca và nghệ thuật là sự gắn bó khăng khít mà ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa.

Những câu thơ cuối bài chính là lời tổng kết của Thanh Thảo về ý nghĩa cái chết, về vẻ đẹp nhân cách và bản lĩnh của Lor-ca. Có thể nhận thấy trong bốn câu thơ cuối Thanh Thảo dùng cấu trúc câu chủ động: chàng ném…, cấu trúc này tô đậm vào sự chủ động, dứt khoát. Nếu cái chết của Lor-ca ở phần trên được nhìn nhận như là sản phẩm của sự tàn bạo của chế độ Phát xít thì ở đây lại được nhìn nhận như sự lựa chọn đầy chủ động của Lor-ca. Hành động chủ động ném lá bùa chính là hành động biểu tượng của sự tự tin, bản lĩnh khi tự quyết định điều khiển số phận mình. Không chỉ làm chủ số phận mình, chàng còn: “chàng ném trái tim mình/ vào lặng yên bất chợt”, cái lặng yên đầy ý nghĩa. Đó là cái lặng yên vĩnh hằng mà Lor-ca muốn trở về sau cuộc đời hoạt động sôi nổi. Đồng thời cái chết của Lor-ca cũng như một lời cảnh tỉnh cho người dân Tây Ban Nha lúc bấy giờ, để họ thức tỉnh trước sự cai trị tàn độc của chế độ phát xít. Bởi vậy, cái chết của Lor-ca càng trở nên nhân văn, giàu ý nghĩa hơn.

Bằng lối thơ tượng trưng siêu thực giàu ý nghĩa, Thanh Thảo đã tái hiện thành công chân dung người nghệ sĩ tài hoa Lor-ca. Tái hiện chân dung nhân vật thể hiện tình yêu, niềm ngưỡng mộ trước một tài năng kiệt xuất, đồng thời cũng thể hiện khao khát canh tân nghệ thuật của Thanh Thảo ở nước nhà.

-/-

Trên đây là những gợi ý cơ bản nhất dành cho dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca. Dựa theo dàn ý trên và những kiến thức đã được học từ nội dung soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca, các bạn có thể tự hoàn chỉnh bài viết của mình một cách đầy đủ và sáng tạo nhất.

Chúc các bạn học tập tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM