Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở và nồi cháo cám của bà cụ Tứ

Xuất bản: 21/04/2019 - Cập nhật: 01/06/2020 - Tác giả:

Những bài văn hay cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt (Kim Lân).

Tài liệu hướng dẫn cảm nhận hình ảnh bát cháo hành và nồi cháo cám do Đọc Tài Liệu biên soạn gồm gợi ý cách làm bài, dàn ý chi tiết cùng một số bài văn mẫu hay tham khảo phân tích, so sánh hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở (Chí Phèo) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ (Vợ nhặt).

Cùng tham khảo ngay...

Hướng dẫn làm bài cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở và nồi cháo cám của bà cụ Tứ

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của hình ảnh bát cháo hành trong truyện “Chí Phèo” (Nam Cao) và hình ảnh bát cháo cám trong truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân).

1. Phân tích đề

- Yêu cầu của đề bài: nêu cảm nhận về ý nghĩa của bát cháo hành và nồi cháo cám.

- Dạng đề: Liên hệ, so sánh hai chi tiết văn học trong hai tác phẩm.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong hai tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao và Vợ nhặt của Kim Lân, đặc biệt là về hai chi tiết bát cháo hành và nồi cháo cám.

- Phương pháp lập luận chính : phân tích, cảm nhận, so sánh.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở

- Luận điểm 2: Cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám của bà cụ Tứ

- Luận điểm 3: So sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa 2 hình ảnh

- Luận điểm 4: Lí giải sự giống và khác nhau đó.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo và chi tiết bát cháo hành của Thị Nở.

- Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và chi tiết nồi cháo cám của bà cụ Tứ.

b) Thân bài

* Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở

- Sự xuất hiện:

+ Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí Phèo say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở - Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.

- Về nội dung:

+ Hình ảnh bát cháo hành thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí.

+ Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà lần đầu tiên Chí được hưởng.

+ Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí: gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí.

- Về nghệ thuật:

+ Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.

+ Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người.

* Cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám của bà cụ Tứ

- Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.

- Về nội dung:

+ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.

+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:

  • Bà cụ Tứ gọi cháo cám là "chè khoán”, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con. Ở bà hiện lên hình ảnh người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn.
  • Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét tính cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

- Về nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

* So sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa 2 hình ảnh

- Tương đồng:

+ Cả 2 hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp.

+ Đều thể hiện bị kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở Chí Phèo là bị kịch bị cự tuyệt quyền làm người, bát cháo hành rất bình dị, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật. Ở Vợ nhặt, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt.

+ Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn.

- Khác biệt:

+ Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của xã hội thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao.

+ Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đây tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

* Lí giải sự giống và khác nhau đó:

- Về nội dung:

+ Do hai nhà văn đều viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Họ đều chịu ảnh hưởng bởi cái đói do phát xít thực dân mang lại.

+ Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn. Nam Cao có cái nhìn bị quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

- Về nghệ thuật:

+ Nhà văn miêu tả nhân vật đặc sắc từ chân dung, tính cách đến đời sống tâm lí phong phú, đa dạng; khắc họa thành công nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

+ Giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình, ngôn ngữ đa thanh, đa giọng, mang tính triết lí sâu sắc về cuộc sống và thân phận con người.

c) Kết bài: Đánh giá chung

- Tóm lại, mỗi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm lại hiện lên với vẻ đẹp khác nhau, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của cốt truyện, đem đến cho người đọc những áng văn bất hủ, giàu giá trị. Nam Cao và Kim Lân chính là những "hóa công" đã xây nên hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đầy ý nghĩa này.

Có thể bạn quan tâmPhân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt

Top 4 bài văn mẫu hay cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành và nồi cháo cám

Bài mẫu 1

Nếu như bát cháo hành được coi là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì hình ảnh nồi cháo cám cũng mang giá trị tương tự trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Đây đều là những gút mắt của câu chuyện và đem lại nhiều ý nghĩa về cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Trong truyện Chí Phèo, bát cháo hành là của Thị Nở nấu cho Chí Phèo giải cảm sau khi họ ăn nằm cùng nhau. Bát cháo hành tuy đơn giản nhưng được Thị Nở nấu bằng thành ý, bằng tình cảm và gửi đến Chí Phèo để mong anh khỏe khoắn lại. Thế nhưng, chính Thị Nở cũng không biết được rằng, bát cháo lại đem lại những giá trị to lớn cho cả cuộc đời của Chí Phèo. Chính vì được ăn bát cháo mà thị nấu cho, Chí Phèo mới vô cùng cảm động, cuộc đời của Chí đã có bao giờ được người ta cho cái gì đâu, hắn chỉ chuyên sống bằng dọa nạt cướp giật, cho nên giờ đây chỉ là bát cháo đơn giản người ta vẫn thường ăn thì với Chí lại hơn cả cao lương mĩ vị. Cũng chính vì ăn bát cháo mà Chí Phèo bắt đầu nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về tương lai. Anh hiểu rằng con người không thể mãi sống vì sức mạnh của sự dọa nạt cướp giật, rồi sẽ có lúc anh sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời thì sẽ không thể sống bằng sức mạnh ấy nữa. Cũng từ đây, Chí bắt đầu nghĩ đến cái quá khứ bình yên thiện lương của mình. Chí đã từng mơ đến một mái ấm hạnh phúc, đơn giản, chồng cày thuê vợ dệt vải, sống một cuộc sống nông dân nhưng đầm ấm. Ấy thế nhưng cái ước mơ ấy đã trôi vào dĩ vãng, anh đã lãng quên nó và sống cuộc đời như một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Giờ đây nhờ chất xúc tác là bát cháo, ước mơ ấy lại quay trở lại, anh lại mong muốn được dựng xây một mái ấm cùng Thị Nở.

Còn đối với truyện ngắn Vợ nhặt, nồi cháo cám chính là bữa cơm tân hôn mà bà cụ Tứ dành tặng cho vợ chồng anh cu Tràng. Nồi cháo cám chính là bữa ăn ra mắt với nàng dâu mới, đủ biết đây đã là sự thịnh soạn của gia đình. Nồi cháo này vô cùng đặc biệt bởi trong đó hội tụ biết bao tình cảm, nét đẹp của gia đình này. Một người mẹ lương thiện, nhân hậu, hiền từ, vị tha sẵn sàng chấp nhận một người xa lạ về sống dưới mái nhà mình trong hoàn cảnh cái ăn còn không đủ. Bà suy nghĩ mọi việc một cách rất tích cực. Người ta có trong cảnh ngộ này người ta mới lấy đến con mình và rồi con mình mới có vợ. Bà lại vui tươi, niềm nở nghĩ về tương lai đủ đầy, hạnh phúc. Còn với người vợ nhặt, mặc dù hoàn cảnh sống của gia đình Tràng không như thị mong đợi nhưng thị vẫn chấp nhận với một thái độ và cách hành xử vô cùng khéo léo, tinh tế. Thị thay đổi hẳn từ một người con gái chao chát chỏng lỏn sang người con dâu, người vợ ngoan hiền, đảm đang, biết chịu đựng nhẫn nhịn. Trước mẹt cháo cám, thị vẫn lặng lẽ gạt từng miếng chát và khô nghẹn vào miệng để vui lòng mẹ chồng. Rồi cũng từ đây thị kể về những câu chuyện tươi sáng, những hình ảnh người đi phá kho thóc Nhật. Nồi cháo cám tuy rẻ mạt nhưng đong đầy tình nghĩa cho thấy nét đẹp trong nhân cách của từng thành viên trong gia đình, gắn chặt mọi người trong gia đình với nhau.

Cả hai nhà văn với cách sáng tạo riêng biệt, khác nhau nhưng đều đã tạo nên những chi tiết hình ảnh vô cùng đặc sắc. Nồi cháo cám làm điểm nhấn cho câu chuyện Vợ nhặt và bát cháo hành cũng là một điểm nhấn của Chí Phèo. Nhờ có hai chi tiết này mà cả hai tác phẩm đã có thêm những tình huống truyện độc đáo, làm bộc lộ tính cách và phẩm chất của các nhân vật, đưa các tác phẩm trở thành những kiệt tác trong văn học Việt Nam.

Bài mẫu 2:

Nam Cao và Kim Lân đều là những ngòi bút hiện thực tài hoa trong làng văn học Việt Nam. Đặc biệt là sở trường viết về người nông dân, xã hội trước cách mạng hai nhà văn đã có nhiều trang viết cảm động. Điểm chung của hai nhà văn là họ đều có những truyện ngắn giản dị nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo, thương thân, thương ái cho những số phận dân đen lầm lũi. Hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và bát cháo cám trong Vợ nhặt đã góp phần thể hiện rõ tài năng, bút pháp nghệ thuật đặc sắc, mang cá tính riêng của Nam Cao và Kim Lân.

Đến với Nam Cao, ta đến với “tác phẩm chung cho loài người… nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. Quả đúng là như vậy, nghệ thuật sáng tác của nhà văn hướng về con người, những con có thể là tận đáy của xã hội như Chí Phèo nhưng ông đào sâu lên và thấy những nhân tính trong sáng tốt đẹp của anh ta bị vùi sâu, chà đạp bởi xã hội thị phi. Bát cháo hành do Thị Nở tự tay nấu đã đánh thức lương tâm Chí Phèo - một kẻ bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Lần đầu tiên trong đời hắn được một ai cho hắn, sống từng này tuổi có ai cho không hắn cái gì đâu. Một đêm tình giữa hai kẻ sống cù bơ cù bất, cô đơn hiu quạnh đã dựng xây nên cái ta vẫn thường gọi là tình yêu, tình thương. Bát cháo hành nghi ngút khói không phải quá sang trọng nhưng lại quý giá vô cùng. “Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng” – đây không phải những biểu cảm có ở một con quỷ mà là ở con người. Phần người trong Chí đã thức tỉnh. Hắn cảm thấy người đàn bà xấu xí này thế mà có duyên. “Tình yêu làm cho có duyên”. Bát cháo hành ấy thể hiện tình yêu của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Bát cháo là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. Bát cháo là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí: gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí Phèo.

Bát cháo hành – Chí Phèo, đó không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, tình thương, có công dụng đánh thức con người bên trong Chí mà đó còn là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật. Nhân vật như từ cõi chết trở về với sự sống trần thế, cảm nhận những gì thân thuộc nhỏ bé nhất của cuộc sống bình dị, nhớ đến những ước mơ đã từng có trước đay của mình. Hắn muốn một gia đình nhỏ, vợ dệt vải nuôi con, chồng cày thuê cuốc mướn, dư giả mua lợn về làm giống… những ước mơ quá đỗi bình dị và phù hợp với nhận thức của một con người bình thường. hình ảnh bát cháo nghi ngút khói thể hiện sinh động tư tưởng của Nam Cao về sự cảm hóa, gắn kết gần nhau hơn giữa người với người.

Trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, ta lại bắt gặp hình ảnh bát cháo. Nhưng không có được tươm tất như bát cháo hành Thị Nở cho Chí Phèo mà là bát cháo cám. Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ. Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945. Với chi tiết nồi cháo cám mà bà cụ Tứ gọi là ”chè khoán”, mà bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con cho thấy đây là người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho người con dâu mới về nhà chồng với hai bàn tay trắng. Cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn. Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Ban đầu thị trầm lặng, có lẽ thị thất vọng và cũng chưa biết an phận làm dâu nhà nghèo. Khi nồi cháo cám được bưng lên thị không khỏi ngạc nhiên nhưng con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Người đàn bà khốn khổ ấy chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, khó khăn này. Thị biết tấm lòng của người mẹ già này thương những đứa con nhiều không kể xiết, mặc kệ khó khăn bà vẫn điềm nhiên nói cười, đón tiếp nàng dâu chu đáo hết sức có thể. Chi tiết nồi cháo cám, bát cháo cám góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

Hai tác phẩm, hai câu chuyện khác nhau về những mảnh đời sứt mẻ, bất hạnh nhưng những hình ảnh xuất hiện trong đó hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp – bát cháo hành, bát cháo cám. Bên cạnh đó nét tương đồng giữa hai tác phẩm là thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở “Chí Phèo” là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Với bát cháo hành rất bình dị, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật. Còn trong Vợ nhặt số phận con người cũng trở nên rẻ mạt. Người ta cưới vợ gả chồng không có chút sính lễ hay nghi thức gì cả. Họ đến với nhau nguyện ý vì tình thương người muốn gắn bó cùng nahu vượt qua khó khăn. Tội cho người phụ nữ ấy. Đúng là “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng vườn”. Hai áng văn chương hiện thực nhưng lại thấm đẫm tình thương, tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn. Những tác phẩm ấy khiến đọc giả không khỏi xót xa, thương tiếc cho những nhân vật khốn khổ, đồng thời cũng hướng con người đến tư tưởng nhân văn tiên tiến, coi trọng giá trị con người, các mối quan hệ đồng bào cần gắn bó khăng khít.

Tuy chung sở trường sáng tác và chủ đề cho hai tác phẩm, Chí PhèoVợ nhặt nhưng mỗi tác giả lại có những sáng tạo riêng biệt, ấn tượng không nhầm lẫn vào đâu được trong vườn văn chương trước Cách Mạng. Hình ảnh bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà Thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của xã hội thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao. Còn bát cháo cám của Kim Lân trong Vợ nhặt lại đem đến cho ta một suy nghĩ khác rằng nồi cháo cám đó là biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai tác phẩm, hai nhà văn tài năng của làng Văn học Việt Nam đã đem đến cho đọc giả những khía cạnh quan sát khác nhau về cuộc đời, số phận, tư tưởng khác nhau của người nông dân Việt Nam. Những áng văn hay thấm đẫm tình người, ý nghĩa nhân đạo của các tác phẩm luôn khơi gợi lên những cảm xúc chân thành từ đọc giả. Con người cũng vì thế mà cần phải biết trân trọng cuộc sống hiện tại đã hiện đại hơn rất nhiều, trân trọng những người mình yêu quý, giúp đỡ nhưng mảnh đời bất hạnh hơn mình để đổi lấy sự thanh thản sâu thẳm trong tâm hồn.

Tham khảo thêm một số bài phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ nhặt để thấy rõ những giá trị tinh thần to lớn mà tác phẩm đem lại cho người đọc.

Bài mẫu 3:

Bên cạnh dòng văn học lãng mạn, văn học hiện thực Việt Nam cũng đạt được những thành tựu rực rỡ, với những tác phẩm nổi tiếng. Trong số những ngôi sao của làng văn học hiện thực ta không thể không nhắc đến Nam Cao và Kim Lân. Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc với tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo – là kết tinh nghệ thuật trong đời văn ông. Còn Kim Lân có sở trường viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân với tác phẩm để đời Vợ nhặt. Ở cả hai tác phẩm này đều có những chi tiết nghệ thuật đặc sắc bát cháo hành (Chí Phèo), bát cháo cám (Vợ nhặt) góp phần thể hiện tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của hai tác giả.

Chi tiết bát cháo hành xuất hiện ở phần giữa của tác phẩm Chí Phèo. Chí Phèo sau khi đi uống rượu nhà Tư Lãng, trở về căn lều của mình, trên đường trở về hắn thấy khó chịu nền không về nhà ngay mà rẽ xuống sông tắm, ở đây hắn đã gặp thị Nở đang nằm ngủ cạnh bụi chuối. Dưới ánh trăng mờ ảo, khung cảnh hữu tình đã nảy nở tình yêu giữa Thị Nở và Chí Phèo. Đến nửa đêm, Chí Phèo bị cảm, nôn thốc, nôn tháo, thị Nở là người đã dìu Chí vào lều, đắp cho manh chiếu và trở về nhà. Nhưng khi về đến nhà thị vẫn chưa yên tâm, bởi: Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ, thương cho Chí chỉ có một thân một mình Thị Nở quyết định sẽ nấu cháo mang cho Chí Phèo giải cảm. Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa, giàu giá trị biểu đạt.

Bát cháo là sự quan tâm, chăm sóc ân cần không vụ lợi toan tính của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Sau cái đêm ăn nằm với nhau thị cảm thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm, giúp đỡ Chí Phèo. Nhưng sâu xa hơn, nó còn xuất phát từ tình yêu thương Thị dành cho Chí: Cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Đây mới là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hành động thị dành cho Chí. Không chỉ vậy, bát cháo hành đã khơi nguồn, nảy nở tình yêu đẹp đẽ giữa hai con người bất hạnh. Xét ở một khía cạnh nào đó, Thị Nở cũng là kẻ bị gạt ra ngoài rìa của xã hội, không tìm được hạnh phúc, bởi vậy, nhờ có bát cháo hành mà thị đã thực sự được làm thiên chức của một người phụ nữ, được quan tâm chăm sóc cho người mình thương.

Không chỉ vậy, bát cháo tuy bé nhỏ về vật chất nhưng lại là niềm an ủi to lớn về tinh thần với Chí Phèo. Đây là tình người hiếm hoi mà Chí Phèo được nhận trong khi tất cả mọi người đều xa lánh, hắt hủi Chí. Đây cũng hương vị tình yêu, hạnh phúc muộn màng mà Chí được được duy nhất đón nhận một lần. Lần đầu tiên chí được chăm sóc bởi tay một người đàn bà. Bát cháo không chỉ giúp Chí giải cảm, vượt qua cái mệt mỏi về thể xác mà còn giúp chí thanh lọc, giải độc về tâm hồn. Chí thấy vừa xúc động, vừa vui, vừa buồn vừa như là ăn năn. Nó giúp Chí suy nghĩ về tình trạng thê thảm của bản thân hiện tại khi bị tất cả mọi người ruồng rẫy, gạt ra bên ngoài cuộc sống. Xưa nay hắn chỉ sống bằng cướp giật, dọa nạt. Nếu không còn đủ sức mà cướp giật, dọa nạt nữa thì sao […] Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có lúc mà người ta không thể liều được nữa. Thế mới nguy. Và trong Chí bùng lên khát khao được trở thành người lương thiện, muốn làm hòa với mọi người và Thị Nở chính là người sẽ mở đường cho hắn. Như vậy, với Chí Phèo bát cháo hành đã đánh thức phần người, phần nhân tính mà bấy lâu nay bị phần con che lấp mất.

Chi tiết bát cháo hành cũng có giá trị lớn về mặt nghệ thuật. Với chi tiết này đã giúp bộc lộ tính cách nhân vật: Thị Nở yêu thương, quan tâm người khác vô điều kiện, Chí Phèo phục hồi phần nhân tính bị khuất lấp. Không chỉ vậy chi tiết này còn góp phần thúc đẩy truyện phát triển, tạo nên trình tự truyện hợp lí, tự nhiên. Qua đó thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao: tin vào sức mạnh của sự cảm hóa.

Cũng như chi tiết bát cháo hành, chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cũng chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc. Chi tiết này xuất hiện vào cuối tác phẩm, trong bữa cơm đầu tiên khi cô vợ nhặt bước chân vào nhà anh cu Tràng. Miếng cháo cám đắng ngắt, nhưng họ vẫn lặng lẽ ăn và không ai nói với nhau câu nào nữa.

Trong nạn đói năm 1945, hàng nghìn người chết đói, thì nồi cháo cám đó có đắng chát cũng là phương tiện giúp gia đình Tràng xua tan cơn đói, đây cũng có thể coi là bữa tiệc trong ngày đón nàng dâu mới về. Điều đó đã cho thấy sự nghèo đói và cuộc sống cực khổ của nhân dân ta vào thời điểm năm 1945. Ý nghĩa hơn cả, chi tiết nồi cháo cám còn giúp bộc lộ tính cách nhân vật. Nồi cháo cám được bà cụ Tứ niềm nở bê ra, đã cho thấy đó là một người phụ nữ đảm đang, yêu thương con hết mực. Trong cuộc sống khổ cực như vậy, nhưng bà vẫn tìm mọi cách để đem đến niềm vui nhỏ bé cho đôi vợ chồng trẻ. Đối với người vợ nhặt, tính chao chát, chỏng lỏn đã biến đi đâu mất, thay vào đó là người phụ nữ điềm nhiên, bình tĩnh: người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Người con dâu ấy đã có sự thay đổi về tính nết, chấp nhận hoàn cảnh và trong cô cũng sẵn sàng để cùng gia đình nhỏ bé mới này vượt qua mọi khó khăn. Không chỉ vậy, nồi cháo cám còn là biểu tượng của tình người của niềm tin và hi vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, họ vẫn không ngần ngại cưu mang thêm một người, sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Quanh nồi cháo cám, bà cụ Tứ nói những chuyện vui, tương lai tốt đẹp để khơi dậy vào cuộc sống mới đẹp đẽ hơn cho đôi vợ chồng trẻ.

Đây là hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nó là biểu tượng của tình người ấm áp, của tình yêu thương chân thành con người dành cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Với mỗi chi tiết còn góp phần bộc lộ, sự thay đổi tính cách của nhân vật. Không chỉ vậy nó còn thể hiện bi kịch của con người trong xã hội cũ: Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người, bị xã hội đẩy ra bên lề. Còn cô vợ nhặt, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt hơn. Qua các chi tiết này, cả hai tác giả đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, niềm tin vào sức mạnh của tình yêu thương có thể thay đổi, cảm hóa con người.

Bên cạnh những điểm giống nhau, các chi tiết nghệ thuật này cũng có những điểm khác biệt. Bát chào hành là tình yêu thương chân thành, không toan tính Thị Nở dành cho Chí Phèo khi tất cả xã hội đã cự tuyệt Chí, coi Chí như con quỷ và đẩy Chí Phèo vào bước đường cùng. Qua đó, giúp người đọc hình dung được bộ mặt bất nhân, tàn bạo của xã hội thực dân nửa phong kiến. Còn chi tiết bát cháo cám là biểu tượng không chỉ của tình yêu thương mà còn là niềm tin vào tương lai, hi vọng vào tương lai tốt đẹp, khi trong bữa cơm ấy hò bàn về truyện Việt Minh. Đó là cái nhìn đầy lạc quan, tin tưởng của Kim Lân vào cuộc sông. Có sự khác biệt như vậy là do phong cách sáng tác của hai tác giả là khác nhau. Không chỉ vậy, yếu tố thời đại chi phối đến nhãn quan của mỗi nhà văn: Nam Cao bi quan, bế tắc, Kim Lân lạc quan, tin tưởng.

Qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc của hai nhà văn người đọc đã thấy được tấm lòng nhân đạo bao la của họ vào con người, luôn mang niềm tin tưởng vào sự cảm hóa qua tình yêu thương. Không chỉ vậy, với các chi tiết nghệ thuật này còn cho thấy tài năng nghệ thuật bậc thầy của họ.

Đọc thêmTuyển chọn văn mẫu hay phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ Nhặt

Bài mẫu 4:

Nam Cao và Kim Lân đều là những cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Điểm chung của hai nhà văn là họ đều có những truyện ngắn giản dị nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo. Hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và bát cháo cám trong Vợ nhặt đều là những hình ảnh đặc sắc, góp phần thể hiện rõ nét nội dung tư tường của các tác phẩm và tài năng của các nhà văn.

Chúng ta lần lượt phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh để nhận thấy điểm giống và khác nhau của những chi tiết đặc sắc này. Trước hết làm sao ta có thể quên được hình ảnh bát cháo hành - hình ảnh xuất hiện ở phần giữa truyện ngắn Chí Phèo. Chí Phèo đang say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí Phèo bị cảm. Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.

Trước hết ta cần phải bàn tới ý nghĩa về mặt nội dung của hình ảnh bát cháo hành của tác phẩm. Đầu tiên ta có thể khẳng định chi tiết trên là một điểm sáng của tác phẩm, nó hội tụ tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo, là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng.

Bát cháo ấy vừa giản dị nhưng đó chính là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn anh Chí: gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình.

Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí Phèo. Và hãy thử hình dung, nếu như không có tác phẩm trên tới bao giờ anh Chí của ngày xưa mới trở về mà nhận ra mình vẫn còn có thể trở về với lương thiện, với ước mơ nhỏ bé giản dị là một mái ấm gia đình.

Xét về góc độ nghệ thuật, bát cháo hành là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật. Chi tiết này góp phần thể hiện sinh động tư tưởng của ngòi bút Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người.

Đặt bên cạnh hình ảnh bát cháo hành thì làm sao ta có thể quên được chi tiết nồi cháo cám trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Sự xuất hiện hình ảnh này vị trí là nằm ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.

Khi ta biết rằng bữa ăn đầu tiên của con dâu về nhà chồng vốn dĩ phải là một bữa ăn đầy đủ và thịnh soạn, thì trái với lẽ thường, đó là một bữa ăn có mùi vị khó chịu, người đọc làm sao có thể quên được chi tiết này, vừa đau đớn mà vừa xót xa cho đôi vợ chồng son trong cảnh đói. Xét về mặt ý nghĩa nội dung, đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về.

Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945. Từ chi tiết nồi cháo cám, đó chính là nút thắt để tác giả tập trung lách sâu ngòi bút của mình khắc họa tính cách của nhân vật trong thế giới truyện được bộc lộ. Bà cụ Tứ gọi cháo cám là chè khoán, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con, là người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan.

Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn.

Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét tính cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Về phương diện nghệ thuật, chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

Từ hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, người yêu văn chương dễ dàng nhận ra sự đồng điệu của chúng. Cả hai hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp. Mặt khác, cả hai chi tiết nghệ thuật này đều thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở Chí Phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người (bát cháo hành rất bình dị, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật).

Vợ nhặt, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt (theo không về làm dâu cũng chỉ bằng bốn bát bánh đúc), bữa ăn đầu tiên con dâu về nhà chồng cũng chỉ đơn thuần là một nồi cám lợn chẳng hơn. Thế nhưng hai chi tiết này đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn vượt lên số phận.

Bên cạnh những điểm đồng điệu của hai nhà văn với các chi tiết nghệ thuật độc đáo thì ta cũng nhận thấy sự khác nhau ở đây. Nếu bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà Thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của xã hội thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao. Thế nhưng nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng.

Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự khác biệt về cái nhìn của một nhà văn trước cách mạng, còn một nhà văn là lá cờ đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại khi được giác ngộ lý tưởng vào ngòi bút của mình.

Ta có thể lí giải tường tận sự giống và khác nhau đó. Khi hai nhà văn đều viết về người nông dân trong nạn đói 1945. Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn. Nam Cao có cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Nếu như trong một tác phẩm thơ điều làm nên ấn tượng là nhãn tự của bài thơ nhiều khi chỉ là một chữ một từ một tiếng gom trọn cả ý tứ của thi phẩm. thì trong một tác phẩm tự sự, yếu tố then chốt gây xúc động mạnh trong lòng người đọc đó chính là chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

Với bát cháo hành của Chí Phèo – Nam Cao đã tạo ra bước ngoặt trong sự thức tỉnh của người nông dân bị tha hóa biến chất thì trở lại với nồi cháo cám của Vợ Nhặt – Kim Lân đó chính là sự lấn át của tình người trước cảnh đói, ông đã thực sự thành công khi khẳng định sức mạnh tình thương sẽ dìu dắt con người vượt qua tăm tối.

-/-

Các bạn vừa tham khảo nội dung dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu hay phân tích cảm nhận hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở (Chí Phèo) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ (Vợ Nhặt). Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt điểm cao !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM