Dàn ý phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Xuất bản: 11/01/2019 - Cập nhật: 05/08/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, gợi ý cách làm, phân tích đề kèm một số bài văn mẫu hay phân tích bức chân dung nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

1. Phân tích đề

- Kiểu bài: dạng bài phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học.

- Vấn đề nghị luận: Hình tượng nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

- Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết, câu nói... thuộc phạm vi văn bản Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

» Tham khảo bài văn: Phân tích nhân vật anh thanh niên

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

- Luận điểm 1: Giới thiệu tình huống truyện

- Luận điểm 2: Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên

- Luận điểm 3: Những nét đẹp trong cách sống, suy nghĩ, hành động

+ Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt

+ Hành động, việc làm đẹp

+ Phong cách sống cao đẹp

3. Sơ đồ tư duy cách làm

Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

4. Chi tiết dàn ý phân tích anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.

   Ví dụ: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai và nhân vật anh thanh niên đang làm nhiệm vụ khí tượng chính là hình ảnh trung tâm, ca ngợi những đóng góp thầm lặng của những người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.

b) Thân bài

* Giới thiệu tình huống truyện

- Cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên làm việc ở một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe, ông kĩ sư và cô họa sĩ trên chuyến xe lên Sa Pa.

- Tình huống truyện đặc sắc, tạo điều kiện bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả khi ngợi ca con người lao động.

* Phân tích nhân vật anh thanh niên

- Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên

+ Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm sống với hoa cỏ

+ Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu

+ Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đi ốp dù trời mưa tuyết, giá lạnh)

=> Điều gian khổ nhất chính là vượt qua nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình.

- Những nét đẹp trong cách sống, suy nghĩ, hành động và quan hệ tình cảm với mọi người

+ Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt, anh có suy nghĩ rất đẹp:

  • Với công việc khắc nghiệt gian khổ, anh luôn yêu và mong muốn được làm việc ở điều kiện lý tưởng (đỉnh cao 3000m)
  • Anh có những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”
  • Anh thấu hiểu nỗi vất vả của đồng nghiệp
  • Quan niệm về hạnh phúc của anh thật đơn giản và tốt đẹp

+ Hành động, việc làm đẹp

  • Mặc dù chỉ có một mình không ai giám sát nhưng anh luôn tự giác hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp dù mưa gió thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc một cách đều đặn và chính xác 4 lần trong một ngày)

+ Anh thanh niên có phong cách sống cao đẹp

  • Anh có nếp sống đẹp khi tự sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở trạm một cách ngăn nắp: có vườn rau xanh, có đàn gà đẻ trứng, có vườn hoa rực
  • Đó là sự cởi mở chân thành với khách, quý trọng tình cảm của mọi người
  • Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc của mình có những đóng góp chỉ là nhỏ bé

=> Chỉ bằng những chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả phác họa được chân dung nhân vật chính với vẻ đẹp tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.

+ Anh thanh niên đại diện cho người lao động

  • Anh thanh niên là đại diện chung cho những người lao động nhiệt huyết, sống đẹp, cống hiến vì Tổ quốc một cách thầm lặng, vô tư.
  • Những con người khiêm tốn, giản dị, trung thực, âm thầm thực hiện công việc nhiệm vụ được giao.

c) Kết bài

- Nêu cảm nhận hình tượng anh thanh niên: Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.

- Tác giả rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên cùng những người đồng nghiệp thầm lặng cống hiến sức trẻ, thanh xuân cho đất nước, dân tộc.

- Nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.

>>> Đọc thêm đề văn liên hệ mở rộng: Dàn ý vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Lặng lẽ Sa Pa và Những ngôi sao xa xôi

Bài văn mẫu phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Nghệ thuật hướng tới cái đẹp. Nếu cái đẹp là một cái gì gắn liền với cuộc sống, bắt nguồn từ lao động, tiêu biểu cho cái đẹp của cuộc sống phải được coi là đối tượng miêu tả chủ yếu của nghệ thuật. Có lẽ xuất phát từ quan điểm ấy, Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã tập trung xây dựng các hình tượng nhân vật đẹp cả trong tâm hồn và tính cách. Trong số các nhân vật ấy, anh thanh niên làm công tác khí tượng ở Sa Pa gây một cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Là một thanh niên hai mươi bảy tuổi, cái tuổi sôi nổi yêu đời ham hoạt động, anh đã tự nguyện nhận công tác một mình ở đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Công việc tưởng như đơn giản, chỉ cần đo gió, đo mưa, tính mây, tính nắng cho chính xác nhưng anh phải vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách. Anh tâm sự với ông họa sĩ già: “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…”. Nhưng có lẽ cái khó khăn nhất là phải sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, không một bóng người quanh năm suốt tháng. Ở đó, muốn gặp người khác, nhìn trông và nói chuyện là một điều khó. Vậy mà anh vượt qua tất cả vì sự gắn bó với công việc đến say mê khiến anh không cảm thấy cô độc, lẻ loi… “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được” vì anh thấy công việc của mình gắn liền với việc của bao anh em đoàn viên. Và nhất là anh thấy rõ với công việc của mình, anh đã được “dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Có hiểu được như vậy mới thấy được hạnh phúc của anh khi được biết mình cũng góp phần vào cuộc chiến đấu hạ phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng.

Anh ham mê đọc sách và nghiên cứu sách vở, tự lo liệu để thường xuyên có sách đọc. Anh tâm sự với cô gái trẻ: “Cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện”. Anh đã tạo cho mình cuộc sống sôi nổi, năng động, đầy hứng thú. Anh nuôi gà lấy trứng, trồng hoa lay ơn, thược dược, vàng, tím đồi rực rỡ. Anh trồng vườn cây thuốc quý, anh sắp xếp một căn nhà ba gian sạch sẽ… Cuộc sống tinh thần của anh sáng như pha lê, không vương hạt bụi. Trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi ba mươi phút với bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ, tính hiếu khách, thái độ nhân hậu, ấm tình người của anh làm ta cảm động. Anh lo lắng tìm thuốc quý để chữa bệnh cho vợ bác lái xe, anh hái hoa tặng cô gái, biếu làn trứng làm thức ăn trưa cho những vị khách quý bất chợt ghé thăm. Những nét tính cách trên ánh lên vẻ đẹp tâm hồn của anh, người thanh niên sống trong chế độ mới, làm chủ tập thể. Thường, các tác giả rất quan tâm đến việc đặt tên cho các nhân vật. Nhưng trong Lặng lẽ Sa Pa thì lại không như vậy. Nhân vật chính của chúng ta không có tên. Tác giả chỉ gọi đơn giản là “Anh thanh niên” kèm theo là một bản vẽ đơn sơ “tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ”. Có lẽ đó cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, nó phù hợp với tính cách quên mình của anh. Khi nói về sự làm việc lẻ loi, anh không muốn nói về mình mà nói về người khác: “Một mình thì anh bạn trên đỉnh Phăng-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu”. Khi ông họa sĩ già định vẽ anh thì anh giới thiệu ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa, đồng chí cán bộ khoa học nghiên cứu làm bản đồ sét riêng cho nước nhà. Tính khiêm tốn, anh không muốn mình được đề cao.

Viết đến đây, ta lại nhớ đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân. Nhân vật trữ tình trong bài thơ của anh cũng là một người anh hùng “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ” mà tác giả gọi bằng cái tên chung – Anh Giải phóng quân. Những con người của đất Việt đó đã gặp nhau ở đức tính hi sinh quên mình chăng? Những con người anh hùng vô danh ấy đã “ngày đêm làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước” một cách thầm lặng, không chút ồn ào khoa trương. Họ làm việc, công tác rất sôi nổi hăng hái nhưng không lên gân, tâm hồn họ đẹp đẽ và trong sáng nhưng không đơn giản. Trong Lặng lẽ Sa Pa ta thấy họ là cả một tập thể: người bạn ở đỉnh núi Phăng-xi-păng, ông kĩ sư, người cán bộ khoa học. Qua thân thế, cuộc đời của một con người bình thường từ quần chúng mà ra ấy, nhà văn đã phản ánh được tư tưởng mới của thời đại cách mạng chúng ta. Vì thế, nhân vật ấy trở thành điển hình và có tác dụng giáo dục mạnh mẽ.

Mặt khác, các nhân vật trong truyện từ bác lái xe, đến ông họa sĩ già, cô gái trẻ đều góp phần làm cho hình ảnh anh thanh niên được sinh động và đậm nét hơn. Bác lái xe xuất hiện chỉ có tác dụng dẫn dắt, giới thiệu nhân vật chính, nhưng chính lời nói của bác lại gây sự chú ý, hứng thú cho người đọc. Ông họa sĩ già với niềm say mê và sự suy tư trầm lắng trước sự xuất hiện bất ngờ của một đối tượng nghệ thuật, mà bao lâu ông khó nhọc săn tìm, đã đem đến cho hình tượng anh thanh niên một vẻ đẹp hồn nhiên, chân thật mà cũng hết sức độc đáo.

Đặc biệt, cuộc gặp gờ bất ngờ của cô kĩ sư nông nghiệp với anh cán bộ khí tượng trẻ tuổi. Cô gái bàng hoàng khi đột nhiên khám phá trên mấy trang sách đọc dở của anh cuộc sống tinh thần tuyệt đẹp. Những nét miêu tả tinh tế của tác giả về tâm tư, dáng điệu, cử chỉ góp phần tô điểm thêm một cách ý nhị, duyên dáng cho bức chân dung của nhân vật chính.

Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa không có nhân vật tiêu cực nhưng không phải vì thế mà tác phẩm kém giá trị hiện thực. Nhân vật của Nguyễn Thành Long gần gũi, quen thuộc với chúng ta vì tính cách nhân vật được bộc lộ qua những quan hệ thường ngày, qua những nỗi niềm, tâm sự, suy nghĩ… chứ không qua những biến cố, sự kiện ồn ào.

Những thắng lợi và thất bại, niềm vui sướng và sự đau xót, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới… ngày nay đang diễn ra xáo trộn suốt đêm ngày. Những mầm mống, những yếu tố mới, những hi vọng mới cứ kế tiếp nhau ngày càng nảy nở. Đó là cảm nghĩ của chúng ta sau khi đọc xong những trang cuối cùng câu chuyện. Những con người rõ nét, xinh đẹp, say sưa lao động, nhiệt tình yêu cuộc sống hiện lên trong sách. Những hình tượng thu hút trí tưởng tượng và tình cảm của ta, làm ta thiết tha yêu mến và đồng tình, mong muốn noi gương sống như những con người đó.

-/-

Xem thêm:

Trên đây là nội dung chi tiết dàn ý bài văn phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa có kèm theo bài văn mẫu tham khảo. Ngoài ra, các em có thể xem thêm tuyển tập Văn mẫu lớp 9 hay nhất dành cho học sinh lớp 9 tham khảo, ôn luyện kỹ năng làm văn.

Dàn ý phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM