Trang chủ

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả về cách ăn

Xuất bản: 06/03/2019 - Cập nhật: 15/09/2020 - Tác giả:

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả về cách ăn trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân - Hướng dẫn lập dàn ý và bài văn mẫu tham khảo.

Đọc Tài Liệu biên soạn tài liệu chi tiết hướng dẫn phân tích hình ảnh người vợ nhặt qua hai lần miêu tả về cách ăn giúp em nắm được cách làm, lập dàn ý chi tiết và tự viết được một bài văn hoàn chỉnh. Cùng tham khảo ngay!

Hướng dẫn phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả về cách ăn

Đề bài:  Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ:

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

(Trích câu 2 phần tập làm văn đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019)

1. Phân tích đề

- Yêu cầu của đề bài: phân tích hình ảnh người vợ nhặt

- Dạng đề: phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học có định hướng (trong hai lần miêu tả cách ăn)

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong hai tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, đặc biệt là về nhân vật người vợ nhặt.

- Phương pháp lập luận chính : phân tích, cảm nhận, so sánh.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Giới thiệu khái quát về nhân vật

- Luận điểm 2: Sự thay đổi của nhân vật qua hai lần ăn uống.

Xem thêm: Sơ đồ tư duy Vợ nhặt

3. Lập dàn ý chi tiết phân tích người vợ nhặt qua hai lần miêu tả cách ăn

a) Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

+ Kim Lân - nhà văn chuyên viết truyện ngắn, một trong số những ngôi sao của làng văn học hiện thực Việt Nam.

+ Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất nằm trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962)

- Khái quát hình ảnh người vợ nhặt: Người vợ nhặt tuy chỉ là nhân vật phụ của tác phẩm, nhưng thông qua nhân vật này Kim Lân đã cho thấy những chuyển biến tâm lí tinh tế, biệt tài phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy của mình.

b) Thân bài

* Giới thiệu khái quát về nhân vật

- Lai lịch: không rõ ràng, không tên tuổi, không ghi hề có một thông tin nào về gia đình, quê hương, nghề nghiệp,... hay về quá khứ.

-> Trong nạn đói khủng khiếp, thân phận con người trở nên hết sức vô nghĩa.

- Chân dung:

+ Bề ngoài:

  • Áo quần tả tơi như tổ đĩa
  • Gầy sọp
  • Mặt lưỡi cày xám xịt
  • Ngực gầy lép
  • Hai con mắt trũng hoáy

=> Ngoại hình thảm hại do cái đói tạo ra.

- Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động:

+ “Điêu! Người thế mà điêu!”, “Ăn thật nhá”, “Hà, ngon. Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. => Tính cách đanh đá, chua ngoa, chao chát, chỏng lỏn...

+ “Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “xưng xỉa nói”, “cong cớn”, “cắm đấu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”, bám lây câu nói đùa của người ta để theo về làm vợ thật => lột tả vẻ vô duyên, táo bạo đến mức trơ trẽn.

* Sự thay đổi của nhân vật qua hai lần ăn uống 

- Lần ăn uống thứ nhất 

+ Hoàn cảnh: Người vợ nhặt bị bỏ đói nhiều ngày, gặp Tràng thì không ngần ngại ăn liền một lúc hai bát bánh đúc không hề ngẩng mặt.

+ Hành động:

  • Sà xuống ăn thật
  • Ăn một chặp hai bát bánh đúc
  • Không ngẩng mặt trò chuyện

=> Thị là người trơ trẽn, cái đói đã làm mất không chỉ nhân hình mà cả nhân tính, phẩm giá của nhân vật, làm mất đi cái duyên dáng, tế nhị của một người phụ nữ. Những hành động đó cũng cho thấy thị là người có khao khát sống mãnh liệt, dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực nhưng khao khát được sinh tồn vẫn chưa lúc nào thôi cháy bỏng.

- Lần ăn uống thứ hai 

+ Hoàn cảnh: Khi thị đã trở thành vợ của anh cu Tràng, nhận bát đồ ăn từ tay mẹ chồng.

+ Hành động:

  • Mắt tối lại
  • Điềm nhiên và bát chè khoán vào miệng

=> Hành động lần này cho thấy sự lo lắng và buồn bã vì hoàn cảnh cuộc sống vẫn không thay đổi. Nhưng ngay sau đó người vợ nhặt lấy lại tinh thần, điềm nhiên đưa bát cháo khoán vào miệng ăn ngon lành. Điều đó chứng minh Thị chấp nhận hiện thực và vẫn luôn có niềm tin vào tương lai, chấp nhận sự gánh vác, sẻ chia với gia đình mới của mình. Qua hình ảnh này Kim Lân cũng khéo léo thể hiện tấm lòng đồng cảm, thị hiểu tấm lòng của người mẹ nghèo đối với mình.

* Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Nhìn chung qua việc miêu tả những cử chỉ, hành động cũng như những diễn biến tâm lí hết sức tinh tế đã cho thấy ngòi bút phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy của nhà văn Kim Lân. Đồng thời cũng thể hiện tình yêu, niềm tin, tấm lòng nhân đạo của tác giả với người phụ nữ.

c) Kết bài

- Cảm nhận của em về hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả cách ăn

Ví dụ: Sự táo bạo, trơ trẽn của thị trong lần đầu tiên là sản phẩm của cuộc sống nghèo đói, lang thang, cơ cực chứ không phải là bản chất của người phụ nữ ấy. Nhưng lần thứ hai là một hệ quả tất yếu, có một mái ấm gia đình thì lại trở về là chính mình, một người phụ nữ có khát vọng sống mãnh liệt, niềm tin vào tương lai tươi đẹp. Đây có thể nói là khắc họa thành công của Kim Lân về người phụ nữ xưa.

Tham khảo thêmDàn ý cảm nhận hình tượng người vợ nhặt

Bài phân tích tham khảo

Kim Lân là nhà văn có sở trường trong thể loại truyện ngắn, những tác phẩm của ông thường hướng đến đời sống nông thôn và tập trung vào hình tượng người nông dân. Người nông dân trong những trang văn của Kim Lân là những người nghèo khổ, bị đặt trong những tình huống éo le nhưng vẫn bộc lộ được những phẩm chất tốt đẹp, đó là tình thương, là khát khao hạnh phúc, là niềm tin vào tương lai. Vợ nhặt là truyện ngắn điển hình cho phong cách sáng tác của Kim Lân. Trong tác phẩm, bên cạnh nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt cũng được tập trung miêu tả để làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Nhân vật người vợ nhặt tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng thông qua sự thay đổi của nhân vật trong thời điểm trước và sau khi lấy Tràng đã thể hiện được tài năng phân tích tâm lí nhân vật, đồng thời thể hiện sự trân trọng của nhà văn Kim lân đối với những giá trị tốt đẹp bên trong con người.

Người vợ nhặt hiện lên trong phần đầu tác phẩm là người đàn bà trơ trẽn, chỏng lỏn khi lớn tiếng mắng Tràng vì nuốt lời, khi vô tư ăn liền một chặp hết bốn bát bánh đúc. Tuy nhiên, cái tinh tế của Kim Lân là việc diễn tả sự thay đổi của người vợ nhặt sau khi đồng ý làm vợ, làm dâu nhà anh Tràng. Sự thay đổi về tính cách này thể hiện rõ nhất thông qua chi tiết miêu tả cách ăn của chị ta.

Nếu như trong buổi chiều gặp Tràng ở phố huyện, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” thì buổi sáng hôm sau, trong mâm cơm ngày đói, ta không còn thấy một người đàn bà vô duyên, vô ý nữa mà mọi hành động và thái độ đều rất từ tốn, đúng mực, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”.

Trong lần ăn uống thứ nhất, người vợ nhặt gặp lại Tràng – người mình đã đẩy xe bò thóc hôm trước tình trạng gầy sọp, xanh xao vì bị bỏ đói nhiều ngày. Khi gặp lại Tràng, Thị đã không ngần ngại mà đòi ăn, khi được Tràng đồng ý chị ta đã sà xuống ăn liền một mạch hết hai bát bánh đúc. Trong lúc ăn chị ta cũng không ngẩng mặt lên, không chuyện trò. Hành động sỗ sàng có phần vô duyên ấy đã làm cho thị trở nên trơ trẽn, cái đói đã không chỉ vắt kiệt sự sống mà còn đánh mất ở thị phần nhân tính, phẩm giá của con người.

Theo dõi lời nói chỏng lỏn, hành động vô duyên của Thị, ta không thấy được nét duyên dáng, dịu dàng của một người phụ nữ thông thường. Tuy vô duyên, chỏng lỏn nhưng nếu nhìn vào cách chị ta ăn có thể thấy chị ta đã đói rất lâu ngày, hành động đòi ăn cũng xuất phát từ bản năng ham sống đến mãnh liệt, bởi trong những hoàn cảnh khó khăn, cùng cực nhất người đàn bà ấy vẫn khát khao được sống.

Lần ăn thứ hai của Thị được miêu tả là lần ăn “chè khoán” – món quà đặc biệt của bà cụ Tứ trong buổi sáng đầu tiên con dâu về nhà. Khi ấy Thị đã trở thành vợ của anh Tràng, con dâu của bà cụ Tứ. Điều bất ngờ nhất đối với toàn bộ độc giả đó chính là sự thay đổi của người vợ nhặt. Không còn hành động táo bạo, vô duyên, vội vã trước miếng ăn như khi ở chợ huyện nữa. Đón nhận đồ ăn từ mẹ chồng, mắt thị tối lại, hành động điềm tĩnh cho bát chè khoán vào miệng, và dù miếng cháo đắng chát, nghẹn ứ nơi cổ thì chị ta vẫn tỏ ra bình thường.

Hành động này của nhân vật Thị đã thể hiện được sự biến chuyển rõ ràng trong hành động, qua đó bộc lộ được nét tính cách thật của chị ta. Trước miếng cháo đắng nghẹn, đôi mắt chị ta tối lại vì những lo lắng, buồn bã khi cái đói, cái nghèo vẫn vây hãm. Nhưng ngay sau đó người vợ nhặt đã lấy lại tinh thần, đưa món cháo cám lên miệng ăn ngon lành, hành động ấy không chỉ là dấu hiệu chấp nhận hiện thực mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt của người đàn bà ấy vào tương lai. Chị ta chấp nhận đương đầu với cái đói, cái nghèo để xây dựng hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình.

Người vợ nhặt vốn là người phụ nữ hiểu biết cùng khát khao sống, khát khao hạnh phúc mạnh mẽ. Vì hoàn cảnh mà chị ta trở nên táo bạo, trơ trẽn. Tuy nhiên, khi có mái ấm gia đình chính tình thương và khát khao hạnh phúc đã giúp chị ta trở về đúng với con người thực của mình, một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực.

Tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM