Dàn ý cảm nhận hình tượng người vợ nhặt trong truyện Vợ Nhặt

Xuất bản: 24/03/2019 - Cập nhật: 02/06/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn cảm nhận về hình tượng người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân qua các ý kiến đánh giá.

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý cảm nhận hình tượng người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân do Đọc Tài Liệu biên soạn gồm gợi ý cách làm bài, một số mẫu dàn ý cùng bài văn mẫu hay dành cho các em tham khảo mở rộng vốn từ.

Cùng tham khảo ngay...

Hướng dẫn lập dàn ý cảm nhận hình tượng nhân vật người vợ nhặt

* Dàn bài chi tiết:

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ qua về tác giả, tác phẩm, hình tượng nhân vật người "vợ nhặt"

b) Thân bài

* Người “vợ nhặt” là nạn nhân của nạn đói với cuộc sống trôi nổi, bấp bênh

– Thị xuất hiện vừa bằng ngoại hình vừa bằng tính cách của một con người năm đói:

+ Lần đầu thị xuất hiện là hình ảnh: ngồi lẫn trong đám con gái chờ nhặt hạt rơi hạt vãi trước cổng chợ tỉnh. Khi nghe Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thị “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng…cười tít mắt”. Thị đẩy xe với hi vọng được ăn nên cũng rất nhiệt tình và chẳng cần ý tứ.

+ Lần thứ hai, thị xuất hiện với ngoại hình kém hấp dẫn: Đó là người phụ nữ gầy vêu vao, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”. Có thể nói, cái đói đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp lại càng nhếch nhác, tội nghiệp hơn nữa. Cái đói không chỉ tàn hại dung nhan của thị mà còn tàn hại cả tính cách, nhân phẩm. Vì đói mà thị trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong cớn”, “sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện. Cái đói khiến thị quên cả việc phải giữ ý tứ, lòng tự trọng của người con gái. Thị cứ thế mà đòi ăn. Được cho ăn, thị sẵn sàng “sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Thị đã đặt sự tồn tại của mình, đặt miếng ăn lên trên nhân cách.

* Người “vợ nhặt” có một lòng ham sống mãnh liệt

- Khi anh cu Tràng hay đùa, lại đùa “có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân đồ lên xe rồi ta cùng về” thì người đàn bà kia lại im lặng (mà thường tâm lý im lặng là đồng ý).

- Thị đồng ý, đồng ý mà không hề do dự, phân vân. Trong khi đó, Tràng là ai, tốt xấu như thế nào, gốc tích ra sao? Thị nào hay nào biết. Chỉ mấy bát bánh đúc là thị có thể theo ngay Tràng. Phải chăng thị theo Tràng chỉ vì miếng ăn ? Thị dễ dàng, hời hợt thế ư?

- Thực ra hành động theo Tràng của thị xuất phát từ nhu cầu bám lấy sự sống, từ lòng khao khát được sống. Thị bất chấp tất cả để được ăn, ăn để được tồn tại. Thị chấp nhận theo không Tràng. Đó là ý thức bám lấy sự sống. Cận kề bên cái chết, người đàn bà không hề buông xuôi sự sống. Trái lại, thị vẫn vượt lên trên cái thảm đạm để dựng xây mái ấm gia đình.

=> Niềm lạc quan yêu sống của thị chính là một phẩm chất rất đáng quý. Nói như Kim Lân: ”Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.

* Phía sau vẻ nhếch nhác, dơ dáy, người “vợ nhặt” lại là một người phụ nữ rất ý tứ, biết điều

- Trên đường về nhà chồng tâm trạng của thị có sự thay đổi rõ nét.

+ Nếu như anh cu Tràng sung sướng, tự mãn, cái mặt vênh lên tự đắc với mình thì người đàn bà lại cảm thấy xấu hổ. Trước cái nhìn “săm soi”, trước những lời bông đùa, chòng ghẹo của người dân ngụ cư. Thị ngượng nghịu, thiếu tự tin “chân nọ bước díu cả vào chân kia… cái nón rách tàng che nửa khuôn mặt”.

+ Về đến nhà chồng, nhìn thấy “ngôi nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, thị “nén một tiếng thở dài”. Đây là tiếng thở dài ngao ngán, thất vọng nhưng cũng là sự chấp nhận. Ai ngờ cái phao mà thị vừa bám vào lại là một chiếc phao rách. Trong tiếng thở dài đó vừa có sự lo lắng cho tương lai ngày mai, vừa có cả những lo toan và trách nhiệm của thị về gia cảnh nhà chồng. Đó phải chăng là thị đã ý thức được trách của mình đối với việc cùng chồng chung tay gây dựng gia đình. Tấm lòng của thị thật đáng quý biết bao.

+ Vào trong nhà, thị e thẹn, dè dặt “ngồi mớm” vào mép giường (“ngồi mớm” – thế ngồi bấp bênh, không ổn định nhưng cũng rất ý tứ). Thị ý tứ, cung kính, lễ phép chào bà cụ Tứ (chào đến hai lần). Đây là hình ảnh đẹp của người con dâu rất mực thước trong quan hệ với mẹ chồng. Khi Tràng thưa chuyện với mẹ, thị chỉ biết “đứng vân vê tà áo đã rách bợt”.

* Bên trong vẻ chao chát, chỏng lỏn là một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, biết lo toan

+ Sau đêm tân hôn, người phụ nữ ấy có sự thay đổi hoàn toàn về tâm trạng và tính cách. Thị dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, thu vén nhà cửa. Sự thay đổi ấy người đọc cũng dễ nhận ra: nếu hôm qua thị chua ngoa, đanh đá, chỏng lỏn bao nhiêu thì hôm nay thị lại hiền lành bấy nhiêu. Hơn ai hết, Tràng cảm nhận đầy đủ sự thay đổi tuyệt vời ấy: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Câu văn này đã ghi lại cảm xúc chân thật của Tràng trước sự đổi thay tích cực của vợ. Phải chăng tình yêu đích thực với sức nhiệm màu diệu kì đã có sức cảm hóa với thị.

+ Trong bữa cơm đầu tiên tại gia đình chồng, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn vui vẻ, bằng lòng.

+ Thị đã đem sinh khí, thông tin mới mẻ về thời cuộc cho mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, thị nói với mẹ chồng: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”.

+ Sự hiểu biết này của thị như đã giúp Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ lựa chọn “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói ầm ầm đi trên đê Sộp, phía trước có lá cờ đỏ to lắm”.

-> Qua đó, ta thấy nhân vật vợ Tràng, “nàng dâu mới” cũng là Người truyền tin cách mạng.

=> Viết về sự đổi thay trong tâm lý của thị, Kim Lân bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động nghèo. Tình cảm nhân đạo của nhà văn thể hiện ở đây.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Xây dựng nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo; diễn biến tâm lí được miêu tả chân thực, tinh tế; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, phù hợp với tính cách nhân vật. Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, kịch tính…

=> Người “vợ nhặt” là một sáng tạo của Kim Lân. Thông qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện một ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Con người Việt Nam dù sống trong hoàn cảnh khốn cùng nào cũng sẽ luôn hướng về tương lai với niềm tin vào sự sống.

c) Kết bài

- Qua sự thay đổi của người vợ nhặt, ta có thể thấy người đàn bà ấy có khát vọng sống, khát khao hạnh phúc âm thầm mà mãnh liệt. Đó cũng là những khát vọng chính đáng của con người dẫu bị đặt vào hoàn cảnh éo le nhất.

* Dàn bài ngắn gọn:

a) Mở bài

- Giới thiệu: truyện ngắn Vợ nhặt và tác giả Kim Lân

+ “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, viết năm 1955 được in trong tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” (1962). Truyện ngắn có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", tác phẩm viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hoà bình lập lại (1954) tác giả dựa vào cốt truyện cũ đặt tên là Vợ nhặt.

- Dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích: nhân vật người "vợ nhặt"

b) Thân bài

* Tóm tắt nội dung cốt truyện

- Truyện lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945, kể về nhân vật chính có tên là Tràng, một chàng trai xấu xí nghèo khổ, làm nghề đẩy xe thóc thuê. Giữa lúc nạn đói tràn đến xóm ngụ cư của hắn, Tràng đưa vợ về nhà, người vợ hắn “nhặt” được sau vài ba bận nói đùa và bốn bát bánh đúc. Bà cụ Tứ, người mẹ giàu tình thương người, xót cho cảnh ngộ người đàn bà, vừa mừng vừa tủi, bà chấp nhận nàng dâu mới. Cái liều lĩnh của Tràng đã biến thành hạnh phúc, những con người nghèo khổ ấy cùng nương tựa vào nhau và cùng hi vọng vào tương lai. Tác phẩm kết thúc bằng hình ảnh lá cờ đỏ, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

* Cảm nhận về hình tượng nhân vật người vợ nhặt

- Ngoại hình: gầy ốm, xơ xác, tiều tụy.

- Thân phận: cô gái lang thang, nhặt thóc vãi, không tên tuổi, không gia đình, không quê quán.

- Ấn tượng ban đầu về thị: chao chát, chỏng lỏn, không biết xấu hổ là gì. Chỉ với vài lần gặp, một bữa bánh đúc, vài câu nói bông mà đã theo không người ta về làm vợ -> cái đói đã làm cho thị trở nên trơ trẽn.

- Hành động: chịu lấy Tràng -> ý thức bám lấy sự sống.

- Diễn biến tâm lí, hành động khi về nhà Tràng

+ Trên đường về nhà cùng Tràng: ngượng ngùng, lo âu, hồi hộp.

+ Khi gặp mẹ Tràng: khép nép, chỉ dám “ngồi mớm ở mép giường” và tâm trạng lo âu, băn khoăn, hồi hộp.

+ Buổi sáng hôm sau: dậy sớm, quét dọn -> người vợ hiền dâu thảo.

+ Trong bữa cơm ngày đói: tạo niềm tin cho cả nhà khi kể câu chuyện người ta phá thóc kho Nhật cứu đói.

=> Niềm khao khát hạnh phúc gia đình

* Nhận xét đánh giá về nhân vật

- Người phụ nữ không tên tuổi, không gia đình, không tên gọi, không người thân ấy đã thật sự đổi đời bằng chính tấm lòng giàu tình nhân ái của Tràng và mẹ Tràng. Đây là một thành công lớn của nhà văn.

- Bóng dáng của thị hiện ra tuy không lộng lẫy, cũng không hề hào nhoáng nhưng lại gợi nên sự ấm áp về cuộc sống gia đình. Phải chăng nhân vật thị đã mang đến một làn gió tươi mát cho  cuộc sống tăm tối của những người nghèo khổ bên bờ của cái chết….

c) Kết bài

- Nêu cảm nhận, đánh giá, nhìn nhận chung về nhân vật

- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và liên tưởng của mỗi cá nhân

    ** Trên đây là phần dàn ý chi tiết đề văn cảm nhận hình tượng người vợ nhặt trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân. Các bạn có thể tham khảo một số bài văn mẫu cảm nhận hình tượng nhân vật vợ nhặt dưới đây để hiểu hơn về cách diễn giải, trình bày bài viết một cách cụ thể nhất:

Một số bài văn mẫu tham khảo cảm nhận hình tượng người vợ nhặt trong truyện Vợ Nhặt

Cảm nhận hình tượng người vợ nhặt bài số 1:

Lấy bối cảnh từ những hoàn cảnh có thật về cuộc sống của người dân Việt Nam trước nạn đói năm 1945, tác giả Kim Lân đã dựng lại một câu chuyện ấn tượng và thành công với miêu tả chân thực về cuộc sống, tình cảm đặc biệt là diễn biến tâm lí nhân vật. Trong bối cảnh ra đời, tác phẩm làm toát lên tấm lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và khát vọng hạnh phúc của những người người khổ. Vẻ đẹp ấy được tác giả xây dựng thành công ở hình tượng nhân vật người “vợ nhặt” trong tác phẩm Vợ Nhặt.

Trong cảnh đói nghèo người chết như ngả rạ, người ta chỉ nghĩ tới cái sống của bản thân mình còn lo lắng chứ chưa nói tới lo cho những người xung quanh. Trong tác phẩm, Tràng xấu, xấu là xấu trai, nhưng được cái tốt bụng và dễ gần. Xóm làng nghĩ Tràng không thể có vợ, vì với cái thời đói đến ăn cám hay ánh sáng vào đêm là thứ xa xỉ vậy người vừa nghèo vừa xấu thì ai dám gởi thân ?

Xóm tản cư nheo nhóc và hoang tàn. Đông thì có đông nhưng xóm làng như vẻ không người, chỉ là những cái bóng nhếch nhác lê gót trên những con đường quanh co. Xác chết nhiều hơn thực thể di động. Bóng đen gần như chiếm lĩnh cả, mặt trời vẫn sáng đó, nhưng đôi mắt của dân chúng ở đây cứ tối sầm sầm lại.

Cái tin Tràng có vợ khiến cho khắp xóm làng ấy bao trùm lên một vẻ khác. Ấy vậy mà Tràng có vợ thường thay cho cái im ỉm thụ động, chắc không ai dạy nhưng chúng biết bớt vận động là bớt bầu bạn với đói. Nhưng Tràng lấy vợ ! Bản năng làm chúng tò mò. Chúng nhốn nháo cả một đoạn. Rồi còn trêu Tràng với câu “chông vợ hài”. Đường dài quanh co, sự dài ấy như trêu chọc cái e thẹn ban đầu của đôi uyên ương. Nghĩ chữ uyên ương cũng không hợp trong hoàn cảnh này, khi người ta hay dùng chữ mĩ miều đó cho những đám cưới linh đình. Đường về nhà chồng với xác chết cạnh đường đủ gần để nhìn thấy sự phân hủy hoặc cứ văng vẳng bên tai tiếng khóc tang gia; thiết nghĩ ngày cưới cũng đáng nhớ thật.

Tình yêu luôn là trò phiêu lưu. Vì rằng chúng ta không biết sẽ gặp ai, hoặc chi chúng ta không biết sẽ đi về đâu. Như vết thương ở miệng, mỗi ngày một bào mòn đến cùng kiệt sức khỏe. Người vợ nhặt của Tràng trước hết là người có cùng cảnh ngộ người vợ nhặt chỉ là một con số không tròn trĩnh: không tên tuổi, không quê hương, không gia đình, không nghề nghiệp… Từ đầu đến cuối tác phẩm chị chỉ được gọi bằng “thị” - một cách gọi phiếm định dành cho chị và tất cả những người phụ nữ có cảnh ngộ và số phận đáng thương và tội nghiệp như chị. Không những vậy, chân dung của người phụ nữ ấy hiện ra ngay từ đầu là những nét không mấy dễ nhìn: đó là hình ảnh của người đàn bà gầy vêu vao, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo thì rách như tổ đỉa. Hình ảnh này phần nào cũng phác họa con người và cuộc đời của thị.

Về tính cách của người vợ nhặt thì có chút thay đổi. Trước khi trở thành vợ Tràng, thị là một người phụ nữ ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh: Lần gặp đầu tiên, thị chủ động làm quen ra đẩy xe bò cho Tràng và “liếc mắt cười tít” với Tràng. Lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy tới”, “sưng sỉa nói” và lại còn “đứng cong cớn” trước mặt Tràng. Đã vậy, thị còn chủ động đòi ăn. Khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị đã cúi gằm ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng và khen ngon… Tất cả những biểu hiện trên của thị suy cho cùng cũng là vì đói. Cái đói trong một lúc nào đó nó có thể làm biến dạng tính cách của con người.

Nhưng khi trở thành vợ Tràng, thị đã trở về với chính con người thật của mình là một người đàn bà hiền thục, e lệ, lễ phép, đảm đang. Nó được thể hiện qua dáng vẻ bẽn lẽn đến tội nghiệp của thị khi bên Tràng vào lúc trời chạng vạng. Sau một ngày làm vợ, thị dậy sớm, quét tước, dọn dẹp cho căn nhà khang trang, sạch sẽ. Đó là hình ảnh của một người vợ biết lo toan, thu vén cho cuộc sống gia đình - hình ảnh của một người vợ hiền, một cô dâu thảo.

Hình ảnh của thị trong bữa cơm cưới giữa ngày đói, chị tỏ ra là một phụ nữ am hiểu về thời sự khi kể cho mẹ và chồng về câu chuyện ở Bắc Giang người ta đi phá kho thóc của Nhật. Chính chị đã làm cho niềm hy vọng của mẹ và chồng thêm niềm hy vọng vào sự đổi đời trong tương lai. Những nét tính cách của thị đã làm nổi bật lên những vẻ đẹp của người phụ nữ thời xưa, trong hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn chịu thương chịu khó.

Trong tác phẩm này, mặc dù người vợ nhặt chỉ là một nhân vật bên cạnh Tràng nhưng cái người phụ nữ không tên tuổi, không gia đình, không tên gọi, không người thân ấy đã thật sự đổi đời bằng chính tấm lòng giàu tình nhân ái của Tràng và mẹ Tràng. Bóng dáng của thị hiện ra tuy không lộng lẫy nhưng lại gợi nên sự ấm áp về cuộc sống gia đình. Phải chăng thị đã mang đến một làn gió tươi mát.

Cảm nhận hình tượng người vợ nhặt bài số 2:

Vợ nhặt” - một nhan đề khiến người đọc không khỏi tò mò và cuốn hút. “Vợ nhặt” - một việc làm có lẽ sẽ hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ vì chỉ có đồ vật bị rơi người ta mới nhặt lên. Thế nhưng, ở đây, nhà văn Kim Lân đã dùng sự xót thương và lòng đồng cảm của mình để dựng lên một người “vợ nhặt” rất đức hạnh, đảm đang qua tác phẩm cùng tên của ông. Ông cũng là một trong những người được sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, nên hơn ai hết, ông cũng hiểu nỗi khổ cực khi miếng ăn không đủ no, quần áo không đủ ấm. Vì vậy, nhà văn đã mượn nhân vật của mình để gửi gắm bao tâm tư, tình cảm vào đó.

Vợ nhặt” là một câu truyện khá hài hước nhưng cũng đầy thê lương về tình cảnh thảm hại của nạn đói năm 1945. Chính cuộc sống cùng cực, bi thương đã làm nên người vợ nhặt. Và ngay chính người chồng trong hoàn cảnh này cũng có thể được gọi là “chồng nhặt”. Họ nhặt được nhau một cách rất tình vờ, rất ngẫu nhiên giữa những ngày đói khủng khiếp. Cả xóm làng chìm trong nạn đói. Người chết có lẽ còn nhiều hơn cả người sống. Mà đôi khi người sống tưởng như đã chết. Họ nằm thoi thóp, còng queo khắp lều chợ.

Khi đối mặt với mẹ Tràng – mẹ chồng của thị, con người thị thể hiện rõ sự ngoan hiền, lương thiện. Thị cất tiếng chào “U đã về ạ”. Chưa nghe thấy bà trả lời, thị nghĩ bà lão già cả, điếc lác nên thị cất tiếng chào lần nữa. Hóa ra, thị đâu có cong cớn như cái vẻ lúc ở ngoài chợ trước mặt Tràng. Thị rất lễ phép, biết điều. Trong ngày đầu tiên ở nhà Tràng cũng vậy. Thị dậy sớm làm mọi việc: quét dọn nhà cửa sân vườn, thu dọn quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Mẹ Tràng cũng cùng thị làm vườn. Những công việc đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc khiến Tràng thấy mới lạ và thêm yêu cuộc sống này. Chính bản thân Tràng cũng tự ý thức bản thân mình cũng nên góp sức vào việc thay đổi căn nhà để cuộc sống khấm khá hơn, nề nếp hơn. Còn thị, với những công việc tuy đơn giản những đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp, chịu thương chịu khó của một người vợ trung hậu, đảm đang. Thị chính là hình mẫu rất đẹp về người phụ nữ truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Không những thế, thị còn là một người có tấm lòng thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Trong bữa cơm đầu tiên, dù chỉ có rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo nhưng thị vẫn cùng cả nhà ăn rất ngon lành. Ngay cả khi ăn cháo cám cũng vậy, vị đắng xít nhưng thị vẫn điềm nhiên và vào miệng.

Khi xây dựng nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã rất thành công và khiến người đọc bị cuốn hút vào câu truyện. Đồng thời qua đó, nhà văn cũng thể hiện một cách rất chân thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Ở đó, vì quá đói nên đến cái quyền cơ bản nhất và vốn có của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc cũng không có, khiến họ phải “nhặt” nhau về. Không mai mối, không sính lễ, không cau trầu, thị đã theo không về nhà Tràng. Có lẽ lúc đó, người ta cũng chỉ nghĩ đến miếng ăn nên chẳng bận tâm để ý về việc thị làm vợ Tràng như thế nào. Họ chỉ thấy lạ một điều rằng, giữa lúc đói khổ như thế này mà còn đèo bòng nhau. Còn thị, thị cũng bước qua rào cản phong tục và cái lý lẽ thường tình rằng làm người con gái phải đoan trang, có giá trị… Mà thị cũng đâu có phải là không đoan trang. Rõ ràng Tràng có lời mời thị về làm vợ, chứ không phải thị tự dưng chạy theo Tràng. Chỉ là sự việc diễn ra quá bất ngờ và chóng vánh khiến cho ai cũng ngỡ ngàng. Thế nhưng, một khi đã làm vợ, thị đã rất chu đáo trong bổn phận làm vợ của mình. Hơn nữa, thị cũng không hề ca thán nửa lời với cảnh ngộ đói kém của nhà chồng. Mà có ca thán cũng đâu có nghĩa lý gì khi tất cả mọi người lúc đó đều cùng chung một hoàn cảnh.

Và rồi, chính thị là người đã đưa ra cảnh tượng nhân dân đua nhau phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo. Đây chính là hình ảnh đắt giá làm nên giá trị sâu sắc cho tác phẩm. Cảnh tượng ấy là niềm cổ vũ cho nhân dân, cho những con người cùng khổ vùng dậy đấu tranh giải cứu chính mình. Để từ nay về sau, những mảnh đời như thị không còn phải khổ nữa, cũng không có hiện tượng phải làm “vợ nhặt” nữa.

Qua câu chuyện của cuộc đời người vợ nhặt đầy lam lũ, khổ cực nhưng vẫn đầy lòng nhân ái khiến người đọc liên tưởng đến những người vợ trong thời hiện đại. Họ sống sung sướng, đầy đủ nhưng không phải ai cũng có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp như thị. Lại một lần nữa, thị chính là tấm gương sáng về người vợ tốt cho mọi người noi theo.

Thị tuy chỉ là một người vợ được Tràng “nhặt” về nhưng chính thị đã mang lại nguồn sống mới, niềm hi vọng mới cho Tràng và cả mẹ Tràng, chính thị đã làm tăng sức hấp dẫn và giá trị cho tác phẩm. Tất cả các nhân vật trong đó đều chịu chung một số phận nghèo đói, thê lương, cùng chung một ách thống trị và tất nhiên cũng cùng chung một niềm nung nấu là sẽ đứng lên đấu tranh, phá kho thóc của bọn Nhật, để cứu chính mình và chia cho dân nghèo.

-/-

Các bạn vừa tham khảo một số mẫu dàn ý và bài văn hay trình bày cảm nghĩ về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân (chương trình Ngữ Văn 12). Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM