Trang chủ

Dàn ý vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống trong truyện Vợ Nhặt

Xuất bản: 25/03/2019 - Cập nhật: 02/06/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết bài văn phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống tương lai trong truyện Vợ Nhặt (Kim Lân).

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống trong tác phẩm Vợ nhặt do Đọc Tài Liệu biên soạn gồm mẫu dàn ý chi tiết cùng bài văn tham khảo giúp em mở rộng vốn từ.

Dàn ý phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng sống trong Vợ nhặt

a) Mở bài

- Nêu một số nét khái quát về tác giả và tác phẩm: Kim Lân được coi là nhà văn của đồng ruộng Việt Nam bởi các sáng tác của ông viết nhiều và viết hay về nông thôn về cuộc sống của những người dân lao động; tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân thấm đẫm tinh thần nhân đạo luôn hướng con người về sự sống, ánh sáng và tương lai.

- Trích dẫn ý kiến:

Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới cuộc sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng vào tương lại. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

b) Thân bài

- Giải thích sơ qua ý kiến trong phần trích dẫn: Tác phẩm nói về một hiện thực khốc liệt của nạn đói năm 1945, nhưng những người đói không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống “Khi viết về... sống cho ra con người” => niềm tin cao đẹp nhất, đây cũng là một biểu hiện của tinh thần nhân đạo.

+ Bối cảnh lịch sử đất nước: Thực trạng nạn đói năm 1945 được cụ thể hóa ở một xóm ngụ cư: “Cái đói đã tràn...mùi gây của xác người, một thực trạng ảm đạm, tang thương người sống đang sống lẫn với người đã chết, người sống cũng không ra hồn người mà lay lắt, dặt dẹo “xanh xám như những bóng ma”. Trong không khí đau thương ấy vẫn lóe lên niềm vui khi “Giữa cái cảnh tối sầm vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mặt thì sáng lên lấp lánh”.

=> Tràng dẫn người đàn bà về làm vợ, xây tổ ấm gia đình, đã vượt lên một hiện thực khốc liệt với những chết chóc để hướng tới sự sống tương lai.

- Việc lấy vợ của Tràng làm cho những người dân trong xóm ngụ cư “lạ lắm”, họ bàn tán, phán đoán về sự lạ đời ấy “Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ". Sự xuất hiện của Tràng và người đàn bà lạ đã xua tan sự ảm đạm tăm tối cố hữu nơi xóm ngụ cư, một thoáng mừng vui lóe lên sự sống, sự kiện ấy như một làn gió mát lành thổi vào giữa không khí oi nồng đầy mùi tử khí của những khuôn mặt “rạng rỡ". Tuy nhiên, niềm vui vừa chợt lóe lên lại phải nhường chỗ cho sự lo âu, phấp phỏng “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Một nỗi lo lắng về sự sống, sự tồn tại của con người, sự sống và cái chết luôn rình rập; người dân ngụ cư lo cho đôi vợ chồng trẻ “có nuôi nổi nhau...” họ không dám chắc vào sự sống nhưng vẫn còn hi vọng, cuộc hôn nhân của Tràng giúp cho người đời nghĩ đến sự sống chứ không phải là cái chết. Với Tràng một cảm giác “lạ lẫm”, “mới mẻ” chưa từng thấy ở người đàn ông thô mộc ấy, cái nụ cười tủm tỉm, cái khuôn mặt phớn phở thường trực xuất hiện.

=> Trong cái chết vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ thì sự sống vẫn tồn tại, bất chấp sự khắc nghiệt của cái đói, cái chết đang bủa vây.

- Niềm vui, hạnh phúc thực sự đổi thay khi họ đã nên vợ, nên chồng, hai con người không hề quen biết, chỉ gặp nhau đôi bạn trong những câu đùa vui tếu táo đã gắn bó họ để thành vợ thành chồng. Hoàn cảnh thảm đạm của đói khát lại là nền tảng để nuôi khát vọng sống và đã giúp họ sống, tồn tại.

- Sự đổi thay ấy không chỉ diễn ra với Tràng "Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải” hạnh phúc đến bất ngờ. Tràng “bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”. Niềm vui ấy còn đến với mọi thành viên trong gia đình. Nếu như trước khi Tràng có vợ, căn nhà của hai mẹ con vốn lụp xụp, rách nát thêm phần nhếch nhác bẩn thỉu thì khi Tràng gắn bó cuộc đời với thị đã có sự đổi thay khác hẳn “Nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Bà cụ Tứ “đang lúi húi giẫy những bụi cỏ mọc nham nhở" cuộc sống mới như có phép nhiệm màu làm thay đổi tất cả. Vẻ khắc khổ không còn in trên nét mặt bà cụ Tứ mà “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Cô dâu mới cũng góp phần vào công cuộc “cải cách”. Từ một cô gái chao chát, chỏng lỏn trở thành “người đàn bà hiền hậu đúng mực”, thị tỏ rõ là người vợ chu đáo biết chăm lo cho tổ ấm gia đình “quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”. Cảnh tượng rất bình thường giản dị nhưng với Tràng “lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Tất cả các thành viên trong gia đình “ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp. Khi cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Bà cụ Tứ ân cần chu đáo với các con “Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu, bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này”, bà còn hướng đến một tương lai tươi sáng “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà”, “ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem” bà đã đặt niềm tin vào cuộc sống, vận dụng triết lí dân gian “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” (bài ca dao Mười cái trứng), một niềm tin rất hồn nhiên của người nông dân nhưng không phải không có cơ sở đó là trong hoàn cảnh nào con người cũng cần biết nương tựa vào nhau để vươn lên. Cuộc sống trong gia đình Tràng thật hạnh phúc “Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Tuy nhiên, niềm vui xen lẫn những phấp phỏng lo âu, xen lẫn cái đói cái cơ cực của bữa ăn bằng “miếng cám đắng chát và nghẹn ứ", tủi cực, đau xót nhưng họ không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng về tương lai, về ngày mai tươi sáng.

- Hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới" ở cuối truyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: đó là hình ảnh tươi sáng, là niềm tin bất diệt vào tương lai. Đây là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, trong hoàn cảnh tận cùng của đói khát con người đã thấy ánh sáng của cách mạng. Hình ảnh này là kết tinh niềm tin, tinh thần lạc quan của người nông dân trước cách mạng.

* Đánh giá chung

- Tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống đã làm nên vẻ đẹp vừa "thấm thía cảm động", vừa rạng rỡ trong tâm hồn những người dân xóm ngụ cư.

- Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp ấy trong tâm hồn người dân xóm ngụ cư, Kim Lân đã đem đến cho tác phẩm tình cảm nhân đạo sâu sắc, mới mẻ

c) Kết bài: Khái quát nội dung chính:

- Tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo, nhà văn bày tỏ niềm thương xót trước số phận cùng cực bi thảm của con người trong nạn đói khủng khiếp, họ luôn khao khát hướng về sự sống dù trong hoàn cảnh cùng cực của đói khổ. Đồng thời nhà văn cũng đồng tình trước khát vọng chính đáng của họ: sống không chỉ là sự tồn tại mà phải có niềm tin vào tương lai, biết yêu thương đùm bọc gắn bó với nhau “Sống cho ra con người”.

- Giọng văn mộc mạc, ngôn ngữ giản dị nhưng lôi cuốn bởi sự hóm hỉnh, tài hoa.

>>> Tham khảo thêm bài top 4 bài văn hay nhất phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống trong Vợ nhặt.

Bài văn mẫu tham khảo cảm nhận về tình người và niềm hi vọng sống của các nhân vật trong Vợ nhặt

Có người đã ví văn học nghệ thuật và hiện thực cuộc sống như một cánh diều, cánh diều dù có bay xa bay cao bao nhiêu cũng được nối với mặt đất bằng sợi dây. Những tác phẩm văn học chân chính có giá trị lâu bền với thời gian bao giờ cũng phản ánh hiện thực và thắp lên cho con người niềm tin hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” năm 1962 là một truyện ngắn như vậy. Với bối cảnh nạn đói 1945 bức tranh đó được thể hiện rất rõ nét.

Trước hết ta phải thấy được hoàn cảnh Tràng nhặt được vợ. Tràng nhặt được vợ trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là thời điểm khủng khiếp nhất trong nạn đói năm 1945. Giữa lúc cuộc sống đang tối sầm vì đói khát, nạn đói được ví như một trận đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội “những dãy phố úp sụp tối tăm…”, “những người đói vật vờ như những bóng ma…”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người..”. Tất cả làm lên bức tranh nạn đói thê thảm. Trong hoàn cảnh ấy người ta nghĩ đến việc cứu đói là cấp bách còn hạnh phúc chỉ là thứ xa xỉ, vậy mà Tràng lại lấy được vợ lúc này. Hành động ấy đã làm nổi bật tình huống lạ và độc đáo của câu chuyện, thắp lên tình yêu thương giữa người với người.

Trước tình huống anh Tràng có vợ, đã làm ngạc nhiên cho mọi người. Từ những đứa trẻ con xóm ngụ cư thấy lạ chạy ra xem rồi gào lên “trông vợ hài”. Rồi những người dân đứng trong cửa bàn tán, thắc mắc với nhau “ai đấy nhỉ?…”, “hay là vợ cu Tràng”. Không chỉ người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên mà ngay cả bà cụ Tứ - mẹ của Tràng cũng bàng hoàng ngạc nhiên khi con trai có vợ. Bà ngạc nhiên từ ngay câu hỏi vồn vã của anh con trai “sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết?”. Bà kinh ngạc hơn nữa khi nhìn thấy người đàn bà ngồi trong nhà và câu chào u của người đàn bà xa lạ. Thậm chí Kim Lân còn đẩy tình huống truyện đến đỉnh điểm khi miêu tả sự ngạc nhiên của Tràng. Bản thân anh cũng không ngờ rằng việc nên vợ nên chồng của mình lại dễ dàng đến thế, chỉ có bốn bát bánh đúc mà thành vợ thành chồng. Cho nên khi dẫn vợ về nhà, nhìn thấy vợ giữa nhà Tràng vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Đến bây giờ hắn còn ngờ ngợ không phải "ra hắn đã có vợ rồi đấy ư…”. Đến sáng hôm sau nhìn thấy ngôi nhà đã lâu nay được thu dọn sạch sẽ bởi bàn tay người vợ. Hắn không hết bàng hoàng ngạc nhiên việc hắn đã có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải.

Người dân xóm ngụ cư họ không khỏi ngạc nhiên mà họ còn lo lắng thay cho Tràng “giời đất này còn rước của nợ đời này về, biết có nuôi nổi nhau qua cái kì này không?”. Nhưng câu chuyện lấy vợ của Tràng cũng đem đến cho người dân xóm ngụ cư đói khát ấy một niềm vui “những khuôn mặt u tối hốc hác của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”. Chuyện Tràng có vợ đã gieo vào tâm hồn của họ niềm hy vọng trong cuộc sống sắp tới. Nó khiến họ rơi vào khoảnh khắc quên đi cái đói cái chết đang lơ lửng trên đầu.

Bà cụ Tứ cũng vậy, bà đón nhận việc Tràng có vợ bằng nụ cười và cả những giọt nước mắt, bà hờn tủi xót xa đau đớn cho bản thân mình cả cho người đàn bà khốn khổ kia. Bởi vì bằng tất cả sự từng trải của người già đã đi qua chuỗi năm tháng nặng nề gian khổ bà hiểu rõ những gì đang chờ đợi hai vợ chồng ở đằng trước. Hơn ai hết bà hiểu rõ việc lấy vợ lấy chồng không nên vào lúc này: "chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Biết bao nhiêu dòng nước mắt của người mẹ buồn tủi đã rơi. Bà lo lắng cho con cái “không biết có nuôi nổi nhau qua kì này không”. Vậy mà bằng sức mạnh của sự yêu thương, niềm tin vào sự sống mà bà cụ Tứ đã vượt lên trên tất cả để đón nhận sự vui mừng và hạnh phúc.

Trong bóng tối đau thương tấm lòng cao đẹp của người mẹ vẫn tỏa sáng. Dẫu biết rằng việc lấy vợ lấy chồng là việc không nên diễn ra vào lúc đói khát như lúc này nhưng bà cụ Tứ vẫn vui vẻ chấp nhận “thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Kim Lân đã khéo tìm cho người mẹ già đau khổ ấy một câu nói ẩn chứa sự từng trải của người già, sự bao dung của người mẹ và quan niệm đẹp đẽ của người Việt Nam: "dù có đắng cay cực khổ như thế nào vẫn mừng lòng đón nhận con người, luôn luôn trân trọng con người”. Vì vậy lúc nhìn lại người vợ nhặt bà không thấy cô ta xa lạ nữa mà đã trở thành người thân thuộc: "bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Trái tim người mẹ mở rộng đón nhận người phụ nữ xa lạ, đón nhận người ấy là con, là người thân, là con dâu. Bà còn nuôi dưỡng niềm tin hy vọng cho những đứa con: "Biết thế nào hả con? Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau…”. Bà an ủi con dâu: "kể có ra làm dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo cũng chả ai người ta chấp chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Câu nói tận tình và bao dung của người mẹ đã làm vơi đi bao tủi cực bẽ bàng của người vợ nhặt. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ làm cho người phụ nữ Tràng nhặt về có thể ngẩng cao đầu bước vào ngôi nhà này với tư cách là một người vợ, một người con dâu.

Bằng ngòi bút tinh tế và cái nhìn nhạy cảm, Kim Lân đã vẽ lên một bức tranh hiện thực đầy đau thương mất mát của những năm nạn đói 1945. Không những vậy, mà qua hiện thực đó nhà văn đã cho bạn đọc thấy được tấm lòng yêu thương đùm bọc giữa người với người, thắp sáng cho họ thêm niềm tin vào cuộc sống trong tương lai.

-/-

Trên đây là nội dung dàn ý chi tiết bài văn phân tích và cảm nhận vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống trong truyện Vợ nhặt. Đọc thêm bài viết tương tự về dàn ý giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ nhặt để nắm chắc tinh thần chủ đạo của tác phẩm có liên quan đến đề bài. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn, dẫn chứng hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình thêm hấp dẫn, có sức thuyết phục cao.

Văn mẫu lớp 12/ Tuyển tập những bài văn hay lớp 12

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM