Phân tích vẻ đẹp tình người trong truyện ngắn Vợ nhặt

Xuất bản: 26/03/2019 - Cập nhật: 02/06/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Những bài văn hay phân tích vẻ đẹp của tình người qua các nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Tài liệu hướng dẫn phân tích vẻ đẹp tình người qua các nhân vật trong truyện ngắn Vợ Nhặt (Kim Lân) do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm nội dung dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu hay tham khảo.

Hướng dẫn phân tích vẻ đẹp tình người trong truyện ngắn Vợ nhặt

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

1. Phân tích đề

- Kiểu bài: dạng bài phân tích nhân vật trong tác phẩm có định hướng (vẻ đẹp tình người)

- Vấn đề nghị luận: Hình tượng nhân vật Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ (Các em cần phải nhớ những chi tiết, sự kiện liên quan các nhân vật và ý nghĩa của từng nhân vật trong tác phẩm).

- Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết, câu nói... thuộc phạm vi văn bản Vợ nhặt.

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: "Sự túng đói quay quắt", "hoàn cảnh khốn khổ" không làm những người dân ngụ cư từ bỏ lòng nhân ái

- Luận điểm 2: "Sự túng đói quay quắt", "hoàn cảnh khốn khổ" không ngăn cản được những người dân ngụ cư hy vọng vào cuộc sống

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Thông qua tình huống nhặt vợ trớ trêu của Tràng, tác phẩm đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng của cuộc sống của những người nông dân xóm ngự cư, cụ thể là ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.

b) Thân bài

* "Sự túng đói quay quắt", "hoàn cảnh khốn khổ" không làm những người dân ngụ cư từ bỏ lòng nhân ái

- Họ vẫn vượt lên trên cái chết, cái thảm đạm để sống với nhau bằng tình người đẹp đẽ.

+ Vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn Tràng.

  • Hào hiệp, thương người khi chia sẻ miếng ăn với người đàn bà xa lạ đang đói khát; khi cưu mang thị dù mình cũng đang khốn khổ.
  • Chu đáo, ân cần khi mua cho chị ta cái thúng con, cùng thị đánh một bữa no nê, mua 2 hào dầu để đánh dấu ngày "nhặt vợ".
  • Thái độ tình nghĩa và trách nhiệm: xót xa thương cảm khi nhìn vẻ buồn bã của vợ; trân trọng thương yêu mà không hề rẻ rúng; mong muốn "dự phần tu sửa lại căn nhà" - nơi Tràng sẽ sống với những người mà anh yêu thương...

+ Vẻ đẹp trong tâm hồn người "vợ nhặt":

  • Lúc đầu đi theo Tràng chỉ vì miếng ăn mong chạy trốn cái đói, thị đã thất vọng khi chứng kiến hoàn cảnh khốn khổ của Tràng nhưng thị vẫn ở lại ngôi nhà ấy vì thị hiểu mình đã tìm thấy những điều còn quý giá hơn cả miếng ăn, đó là tình người cao đẹp, đó là tấm lòng nhân hậu của những con người sẵn sàng cưu mang, yêu thương thị khi chính họ đang đói khát.
  • Người vợ nhặt đã biến đổi sâu sắc sau khi theo Tràng về nhà: vẻ chao chát, chỏng lỏn đã thay bằng sự hiền hậu đúng mực, mau mắn trong việc làm, ý tứ trong cư xử.

+ Vẻ đẹp trong tâm hồn bà cụ Tứ:

  • Việc con "nhặt vợ" giữa lúc túng đói quay quắt đã khiến bà bất ngờ, ngạc nhiên, nhưng khi đã "hiểu ra bao nhiêu là cơ sự", trong lòng bà chỉ tràn ngập tình thương: thương con, thông cảm với nàng dâu, trăn trở xót xa về bổn phận làm mẹ.
  • Cố tạo niềm vui cho các con ngay trong bữa cơm ngày đói thê thảm khiến cho món ăn của loài vật lại thắm đẫm tình người...

* "Sự túng đói quay quắt", "hoàn cảnh khốn khổ" không ngăn cản được những người dân xóm ngụ cư hy vọng vào cuộc sống

- Nhân vật Tràng:

+ Sau cảm giác "chợn", "sờ sợ" khi "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chưa biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng", Tràng tặc lưỡi, liều lĩnh và từ lúc đó, Tràng cảm nhận hạnh phúc đang và sẽ đến với cuộc đời mình.

+ Việc mua hai hào dầu thắp, cảm giác êm ái lửng lơ như trong giấc mơ đi ra, dự liệu về một tương lai khi hắn sẽ cùng vợ mình sinh con đẻ cái ở đây"...

+ Hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong đầu Tràng đều là biểu hiện của niềm hy vọng mong manh mà vững chắc về tương lai.

- Người "vợ nhặt": sự biến đổi trong thái độ, trong cách cư xử khi cùng mẹ chồng quét tước cửa nhà cũng phần nào cho thấy niềm hy vọng và sự đổi đời đang âm thầm diễn ra trong lòng thị.

- Bà cụ Tứ: là người thể hiện rõ nhất niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn

+ Bà cắt đặt lo toan công việc, bàn về việc đan phên ngăn phòng, việc nuôi gà

+ Động viên các con bằng cả triết lý dân gian "ai giàu ba họ, ai khó ba đời", cùng con thu dọn cửa nhà cho quang quẻ.

c) Kết bài

- Tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống đã làm nên vẻ đẹp vừa "thấm thía cảm động", vừa rạng rỡ trong tâm hồn những người dân xóm ngụ cư.

- Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp ấy trong tâm hồn người dân xóm ngụ cư, Kim Lân đã đem đến cho tác phẩm tình cảm nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Vẻ đẹp tình người qua các nhân vật Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ

Bài mẫu số 1:

Nạn đói năm 1945 mà thực dân Pháp gây ra cho chúng ta thật sự rất nặng nề, nạn đói năm ấy không chỉ là vấn đề được nhắc đến trong lịch sử, trong các vấn đề xã hội lúc bấy giờ mà nó còn được nhắc đến trong văn học. Tác phẩm tiêu biểu nói về nạn đói năm ấy chính là truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân – một nhà văn của làng quê. Kim Lân không chỉ thành công trong việc xây dựng thành công nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng mà ông còn thành công với việc miêu tả nạn đói năm 1945 trong truyện ngắn Vợ nhặt.

Đặc biệt tác giả không chỉ nói lên nạn đói ấy mà còn khắc họa những tác động của nạn đói lên nhân vật của mình mà cụ thể ở đây là Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Trong nạn đói ấy con người Việt Nam vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người và niềm tin vào cuộc sống. Nạn đói năm 1945 được nhà văn Kim Lân miêu tả thật đau thương, nhưng chính cái hoàn cảnh đau thương ấy mới thấy được những vẻ đẹp của người dân Việt Nam ta. Cái đói đã tìm đến xóm ngụ cư của mẹ con Tràng. Buổi sáng ra đường đã thấy mấy cái xác bốc mùi hôi thối, có những người đói nằm dài trên đường trưa về thì họ đã chết. Hôm nào chẳng vậy phải đến ba bốn cái thây nằm trên đường. Trên cao những tiếng quạ kêu thật thảm thiết. Có thể nói tử thần đang bủa vây nơi đây.

Trước hết là vẻ đẹp tình người trong các nhân vật trong truyện, người đầu tiên cần nhắc đến là anh Tràng. Anh cùng với mẹ già ở một xóm ngụ cư mà người dân ngụ cư thì thường bị người ta khinh ghét. Tràng có một ngoại hình vô cùng xấu xí anh có đôi mắt gà gà, lưng to như lưng gấu. Anh làm nghề kéo xe thuê, anh thường kéo xe gạo lên tỉnh, có đợt anh đang kéo thấy mấy cô ả ngồi chơi với nhau nhặt nhạnh những hạt lúa hạt thóc vãi trên đường. Anh ngẫu hứng hò lên một câu:

“Có ăn cơm trắng với giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Không ngờ những cô gái kia đã đáp lại Tràng, họ đẩy một cô gái ra chỗ anh và cười tít. Chuyện cũng bắt đầu từ đấy, Tràng hứa thế nhưng anh cũng có hơn cô gái đó là bao. Sau chuyện ấy có lần anh đang ngồi uống nước thì thị chạy đến trông thị khác lắm. Cái mặt gầy sọp lại nhìn như cái lưỡi cày. Thị như hiện thân của cái đói. Thế rồi thị đòi ăn kêu Tràng hôm trước nói dối, thị ăn liền bốn bát bánh đúc. Anh Tràng tưởng thế mà hào phóng quá. Nhưng thật sự mà nói trông thị như thế Tràng cũng không nỡ từ chối, đó chính là cái tình thương của anh Tràng dành cho Thị. Thị ăn xong theo anh về nhà Tràng, tràng nghĩ bây giờ đến thân mình còn chưa lo xong lại còn đèo bòng nhưng anh vẫn tặc lưỡi mà đưa Thị về nhà mình. Người trong xóm ngụ cư ai nhìn thấy cũng lo cho anh Tràng nhưng biết làm sao được dẫu nạn đói hoành hành nhưng tình thương người của Tràng đã không thể bỏ mặc người phụ nữ kia được, thế là anh đã có vợ rồi, một người vợ nhặt ngoài đường. Thế đấy trong nạn đói con người bị coi như cỏ rác có thể nhặt mà mang về được.

Vẻ đẹp tình người còn thể hiện rõ trong người vợ nhặt kia, Thị xuất hiện thật xấu và ghê gớm. Kim Lân cho Thị với một vẻ như hiện thân của cái đói, gầy gò “mặt nhu lưỡi cày”. Cái đói kia chính là nguyên nhân làm cho Thị trở nên chỏng lỏn và mất đi vẻ duyên dáng ấy. Nghe anh Tràng tán gẫu thì tin ngay chạy ton ton ra đẩy xe bò với anh này. Gặp lại anh Thị chẳng ngại gì nữa mặc cho không nhận ra mình Thị nhận lại để quen, rồi sà xuống ăn một chập bốn bát bánh đúc, ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng. Có lẽ Thị đói quá nên không còn để ý được sự tế nhị dịu dàng của một cô gái nữa. Thị chẳng biết đi đâu nữa Thị theo Tràng về nhà, Thị nghĩ mình sẽ được sung sướng. Nhưng khi về nhà Tràng thì mới vỡ lẽ ra, những điều Thị mơ tưởng thực sự không giống thực tại trước mắt. Mặt Thị sầm lại nhưng Thị lại chấp nhận và quyết định ở lại cùng Tràng. Đó cũng là một tình người đáng quý không thấy người sang bắt quàng làm họ không thấy nghèo khó mà nỡ bỏ người ta ra đi.

Về phần bà cụ Tứ, bà là một người mẹ cao cả và giàu đức hi sinh. Đã ở cái tuổi xế bóng chiều nhưng bà vẫn phải đi làm kiếm ít tiền để đối mặt với nạn đói. Khi trở về bà thấy hành động của anh Tràng thấy bà linh cảm có điều gì đó. Khi vào trong sân nhìn vào nhà thấy người đàn bà nọ, cụ Tứ giật mình rồi ngạc nhiên tự hỏi chính mình không biết phải con cái Đục không. Nhưng không khi hiểu rõ sự tình cụ chỉ biết quay mặt đi dấu những hàng nước mắt của mình. Cụ nghĩ tới cảnh đói mà nhà lại thêm một miệng ăn nhưng dù sao như thế thì con cụ cũng có vợ. Tình thương người trong cụ dâng lên, cụ thương con trai, cụ thương cả con dâu nữa. Cụ nhìn người đàn bà mân mê vạt áo đã rách bươm mà lấy làm thương xót. Cụ chỉ biết nói “thôi chúng mày đã phải duyên phải kiếp với nhau thì u cũng mừng”. Tình thương của cụ thể hiện rất rõ khi cụ chấp nhận Thị và khuyên răn họ rằng không ai nghèo ba họ khôn ai khó ba đời, chỉ cần qua cái đợt này thì chúng mày cũng yên bề gia thất. Cụ không những thương con, nhân hậu, có hậu mà còn khuyên nhủ con hướng các con mình đến một tương lại sáng lạng hơn.

Và như thế ba con người ấy trong nạn đói thương lấy nhau, thông cảm cho nhau và cùng nhau vượt qua nạn đói. Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ thật sự không có rượu nồng ấm, ngày cưới không có nồi đồng chén ngọc, mâm xôi con lớn béo, vò rượu tâm. Tất cả chỉ là những tiếng khóc của những nhà có người chết và tiếng quạ kêu. Không chỉ đẹp về tình thương người họ còn lấp lánh một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Niềm tin ấy được thể hiện ở buổi sáng hôm sau. Khi mọi người thức dậy buổi sáng hôm ấy khác với những buổi sáng thường ngày. Thức dậy chẳng ai bảo ai mỗi người một tay làm việc nhà, Tràng dậy sau cùng thấy nhà của hôm nay tươm tất sạch sẽ quá. Cái ang khô cong đã được kéo nước đầy ắp, người vợ của anh đang phụ mẹ chồng quét dọn nhà cửa xong lại nhổ những búi cỏ trong vườn. Tràng cảm thấy anh phải có trách nhiệm và gia đình nhỏ của mình rồi. Bữa sáng được dọn ra đó là niêu cháo lõng bõng nước nhưng họ vẫn ăn rất vui vẻ. Trong lúc ăn cụ Tứ còn nói chuyện tương lai với hai con. Cụ tính chỗ vườn kia sẽ nuôi một đàn gà, họ nói chuyện về tương lai với một niềm tin đổi đời. Đang vui thì cháo hết, bà cụ Tứ mang lên một nồi chè khoán, hai vợ chồng Tràng háo hức nhưng khi ăn miếng “chè” thì Thị phải nuốt cố vì nó quá chát. Khổ đến mức phải ăn cả cám nhưng có những nhà cám không có mà ăn. Thế rồi tiếng trống giục thuế kêu lên, Thị kể về những người cướp xe thóc của giặc đầy đê và mang theo lá cờ đỏ sao vàng. Từ lúc đó trong đầu Tràng cứ phấp phới lá cờ đỏ sao vàng ấy. Có lẽ đó là con đường mà Tràng đang dần dần giác ngộ đi tới. Nhà văn Kim Lân đã mở một con đường tương lai mới cho nhân vật của mình.

Qua đây có thể khẳng định ngay cả trong nạn đói nhân dân ta vẫn cứ yêu thương đùm bọc lấy nhau, lá lành đùm lá rách. Trước thực tại đau khổ và chết chóc họ không thôi nhìn về tương lai với một niềm tin đổi đời và thật sự ở cuối tác phẩm đã lóe sáng một con đường đổi đời mới làm tác giả muốn nhắc đến. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng như thể hiện quy luật đến với cách mạng của những người dân Việt Nam.

» Tham khảo thêmVẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ Nhặt

Bài mẫu số 2:

Vợ Nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Tác phẩm có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Có lẽ nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn sâu trong tâm trí Kim Lân, điều đó đã thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện – tác phẩm “Vợ Nhặt” ra đời. Lần này Kim Lân đã đưa vào tác phẩm một khám phá rất mới mẻ, đó là vẻ đẹp của tình người, của niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ tiêu biểu như Tràng, như thị và bà cụ Tứ.

Nếu như “Nam Cao thường viết về những cái chết nhưng là những cái chết đòi được sống” thì Kim Lân trong một lần phát biểu, ông đã từng nói :“Khi viết về nạn đói, người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về những con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng đến cuộc sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng vào tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người". Đó chính là tình yêu thương con người với con người, tình hữu ái giai cấp và niềm hi vọng về cuộc sống, về tương lai tươi sáng của những con người đang đứng bên bờ vực thẳm của cái chết. Bằng cách tái hiện thảm cảnh đói khát năm 1945 và cuộc sống của ba người nông dân nghèo khổ là Tràng, là thị và bà cụ Tứ, Kim Lân đã cho ta thấy bức tranh hiện thực cuộc sống khốn cùng trong đại nạn đói năm Ất Dậu 1945 thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những cái thây nằm còng queo bên đường, những kẻ sống như người chết, xanh xám hay đi lại vật vờ như những bóng ma, những tiếng khóc hờ, nhưng tiếng quạ kêu gào thảm thiết. Nhưng sâu sắc hơn tác giả giúp ta cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam đó là dù trong đói khổ họ vẫn sẵn sàng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù đang cận kề với cái chết họ vẫn khát khao hướng về cuộc sống, khát khao hạnh phúc gia đình, họ vẫn lạc quan nhìn về một ngày mai tươi sáng. Trong cái không gian tối đen như mực ấy, những mầm sống, những tình cảm yêu thương chân thành, bình dị nhưng rất đỗi cao quí vẫn đang cố gắng vươn đến tương lai.

Cả ba nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của Kim Lân đều có chung một hoàn cảnh đó là họ sống trong đại nạn đói năm 1945, cả ba nhân vật đều đang bị cơn bão táp đói khát khủng khiếp đó quăng quật, vùi dập. Đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm là nhân vật Tràng. Tràng, một cái tên rất đỗi bình thường, đó là tên của một dụng cụ trong nghề mộc, rất mộc mạc. Tràng là một chàng nông dân nghèo sống ở xóm ngụ cư – thời đó xóm ngụ cư bị xem là xóm của nhưng kẻ ăn nhờ ở đậu và rất bị coi thường. Anh sống cùng một mẹ già – cũng chính là bà cụ Tứ trong một túp lều xiêu vẹo trên một mảnh vườn mọc toàn cỏ dại và mưu sinh bằng việc đẩy xe bò thuê. Hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, Tràng là một trong những nạn nhân chịu tác động ghê gớm nhất của cơn bão táp đói khát. Theo Kim Lân miêu tả, Tràng còn là một thanh niên xấu xí được: hai con mắt nhỏ tí, lúc nào cũng gà gà đăm đắm như nhìn vào bóng chiều, thân hình to lớn, vập vạp, thô kệch, cái lưng thì rông như lưng gấu, cái đầu trọc nhẵn, có thể nói rằng Tràng giống như một sản phẩm bị lỗi của tạo hóa. Danh ngôn có câu: “Hãy suy nghĩ những gì bạn nói chứ đừng nói nhưng gì bạn nghĩ” còn Tràng thì có thì có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm, than thở những điều anh ta nghĩ, điều này cho chúng ta thấy Tràng còn là một người ngờ nghệch và ngốc nghếch, cũng có thể nói là dở hơi nữa. Đến đây Kim Lân hoàn toàn cho ta thấy anh cu Tràng là một trong những con người nghèo khổ và thuộc lớp người đáy cùng của xã hội thời bấy giờ.

Qua những nét vẽ ngoại hình và tính cách nhân vật Tràng mà nhà văn Kim Lân cho ta thấy ở trên, ta chưa thể thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn của nhân vật. Vẻ đẹp của nhân vật Tràng được Kim Lân miêu tả qua hai lần gặp gỡ thị ở trên tỉnh. Lần thứ nhất Tràng gặp thị chỉ qua câu hò bông đùa “Muốn ăn cơm trắng mấy giò! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”. Một câu hò chơi cho đỡ nhọc có lẽ bật lên từ thói quen tự nhiên của Tràng. Lần thứ hai, Tràng gặp thị, lần này thì thực sự vẻ đẹp của nhân vật mới được bộc lộ. Khi nhận ra thị, nhớ ra câu hò bâng quơ lần trước, Tràng toét miệng cười: “Chả hôm ấy thì hôm nay vậy”. Tràng tỏ ra có trách nhiệm với câu bông đùa của mình. Rồi: “Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu cái đã”, miếng giầu là đầu câu chuyện, là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt, một lời mời mang tính chất xã giao lịch sự. Thị không ăn giầu thì Tràng: “Đấy muốn ăn gì thì ăn” và còn vỗ vỗ vỗ vào túi: “rích bố cu” nghĩa là giàu có, nhiều tiền, ta có thể thấy đây là một chàng trai cực kì hào phóng, có khả năng làm điểm tựa cho thị. Khi thị ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, Tràng vẫn giữ thái độ thản nhiên bình thường mặc dù với Tràng trong thời đoạn này để kiếm được tiền mua bốn bát bánh đúc cũng không phải là chuyện dễ dàng. “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” lời nói tưởng như đùa nhưng có lẽ nó xuất phát từ tình yêu thương, khát khao hạnh phúc bấy lâu nay ấp ủ, bật lên từ một khao khát đã có từ lâu trong Tràng. Đó là khao khát hạnh phúc. Khi thị đồng ý theo thật, lúc đầu Tràng cũng “chợn nghĩ”, nghĩa là Tràng cũng sợ. Có thể nói đó là một nỗi sợ chính đáng, một nỗi sợ hãi không hạ thấp nhân vật mà ngược lại đã cho ta thấy rằng Tràng cũng nhận thức sâu sắc hiện thực cuộc sống. Nhưng nỗi sợ hãi chỉ tồn tại trong Tràng có giây lát, Tràng đã “chậc kệ”, đã quyết định khá liều lĩnh đó là “đèo bòng” thêm thị. Như vậy dù sợ hãi nhưng khao khát hạnh phúc trong Tràng là quá lớn nên Tràng đã có thể chiến thắng được nỗi sợ hãi, Tràng đã đưa thị về ở cùng. Trước khi đưa thị về Tràng còn đưa thị vào chợ tỉnh mua vài thứ lặt vặt và cùng ăn một bữa no nê. Trong những thứ lặt vặt mà anh mua có cả hai hào dầu thắp sáng. Như vậy hành động của Tràng có thể nói là quá xa xỉ trong hoàn cảnh hiện tại, thế nhưng nó lại cho ta thấy Tràng cực kì trân trọng hạnh phúc mà Tràng đang có, cực kì trân trọng người phụ nữ đồng ý theo không Tràng. Tới đây Kim Lân cho ta thấy Tràng từ một chàng thanh niên ngờ nghệch, ngốc nghếch trở thành một chàng trai lịch sự, hào phóng, giàu lòng nhân hậu, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang những người đồng cảng ngộ. Dù trong hoàn cảnh nào thì Tràng cũng luôn khát khao hạnh phúc đến mãnh liệt.

Trên đoạn đường đưa thị về nhà mặt Tràng có một vẻ gì phớn phở khác thường. Tràng tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Tràng vênh vênh cái mặt lên tự đắc, có thể nói Tràng đang vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì khát khao hạnh phúc bấy lâu nay ấp ủ bây giờ được thỏa mãn. Tràng sung sướng lắm, Tràng tự hào về người phụ nữ đi bên. Có lẽ Tràng và thị đã bắt đầu có những dấu hiệu của tình cảm nam nữ, tình cảm đôi lứa.

Khi Tràng đưa thị về nhà ra mắt mẹ, chúng ta có lẽ rất tò mò, sốt ruột chờ xem anh Tràng ngờ nghệch, ngốc nghếch thưa chuyện cưới xin với mẹ như thế nào. Khi mẹ Tràng – bà cụ Tứ chưa về, Tràng nóng lòng sốt ruột mong ngóng mẹ, hết chạy ra ngõ đứng ngóng lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà. Khi mẹ về đến nhà thì Tràng reo lên như đứa trẻ được quà và lật đật chạy ra đón. Khi bà cụ Tứ vào tới nhà, thấy bà tỏ ý không hiểu thì Tràng đã liền mời mẹ ngồi lên vị trí trang trọng nhất: “thì u hẵng ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào”, rồi “kìa nhà tôi nó chào u”. Cách xưng hô của Tràng “nhà tôi” nghe thân mật gần gũi, cách gọi này khiến cho người được gọi – ở đây là thị cảm thấy yên tâm, cảm thấy được bao bọc. Tràng giới thiệu thị với mẹ: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... chẳng qua nó cũng là cái số...”. Đây là một lời giới thiệu có thể nói là cực kì khéo léo, Tràng dùng từ “bạn” chứ không dùng từ “vợ", từ bạn mang sắc thái trung hòa và mối quan hệ bạn bè ít bị cấm đoán. Tràng hiểu lễ nghi, phép tắc của người Việt, nếu dùng từ “vợ” sẽ làm cho mẹ Tràng cảm thấy bị qua mặt. Tràng nói đến “duyên”, “kiếp”, “số” là những thứ tiền định, trời định, là con đường được vạch sẵn mà mỗi người phải đi theo, Tràng đã đặt mẹ vào tình huống khó chối từ. Một anh chàng ngốc nghếch, ngờ ngệch giờ lại trở thành một anh chàng thông minh khéo léo, phải chăng hạnh phúc đã làm con người ta đổi thay.

Trong buổi sáng ngày hôm sau, đó là một buổi sáng mùa hè, Tràng thức dậy với niềm vui sướng phấn chấn, Tràng nhìn căn nhà của mình và thấy nó có sự đổi mới, khác lạ, nhà cửa, sân vườn được quét tước, thu dọn sạch sẽ và như có sinh khí mới. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với Tràng lại rất thấm thía và cảm động. Bỗng Tràng thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Một nguồn vui sướng phấn chấn, đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ Tràng mới thấy mình nên người, thấy mình có bổn phận lo cho vợ con sau này. Đến đây ta cũng thấy được Tràng là người đàn ông biết coi trọng gia đình, có bổn phận lo cho vợ là hiện tại, cho con là tương lai, xứng đáng là hình mẫu của người đàn ông trong gia đình. Tràng thực sự đã trưởng thành.

Sau những thông thị kể về việc đám người đói đi phá kho thóc Nhật, Tràng đã nghĩ tiếc vẩn vơ bởi vì có hôm Tràng đã gặp nhưng do không hiểu Tràng đã tránh đi lối khác. Từ đấy, hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ sao vàng cứ trở đi trở lại. Có lẽ, con đường đi tiếp theo của Tràng là đến với cách mạnh nếu Tràng có thời cơ, gặp được hoàn cảnh phù hợp. Trong Tràng có phẩm chất của một người cách mạng.

Kim Lân đã tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Tràng bằng những ngòi bút khéo léo. Tràng được miêu tả từ ngoại hình đến tính cách đến hành động nhưng sâu sắc hơn là dòng diễn biến tâm trạng tự nhiên, khéo léo, linh hoạt. Tràng từ một anh thanh niên nghèo xấu xí, ngờ nghệch, dần dần trở thành một chàng trai lịch sự, hào phóng, giàu tình yêu thương, khát khao hạnh phúc, đĩnh đạc đường hoàng, suy nghĩ chín chắn. Tràng là một trong những nhân tố của quá trình cách mạng sau này.

Đi theo sau Tràng là thị, nhân vật thứ hai xuất hiện trong trong tác phẩm. Tràng và thị gặp nhau ở trên tỉnh, qua hai lần gặp gỡ, những lời bông đùa, mấy câu nói tầm phơ tầm phào, lời mời xã giao và bốn bát bánh đúc, thị theo không Tràng về nhà. Nhưng thị là ai ? “Thị” là từ để gọi chung cho nhưng người phụ nữ. Thị ở đây có thể là một người mà Kim Lân đã gặp đâu đó trong đám người đói nhưng chưa kịp biết tên, hoặc những người như thị không chỉ có một mà có rất nhiều số phận những người phụ nữ khốn khổ như vậy trong đại nạn đói năm 1945. Thị là người vô gia cư, không có việc để làm, hàng ngày cùng mấy chị con gái ngồi vêu ra trước cửa nhà kho, lê la nhặt hạt rơi hạt vãi, rồi ai có việc gì thì người ta thuê. Cuộc sống của thị bấp bênh, khốn khó, so với Tràng thị còn tội nghiệp hơn nhiều. Có thể nói thị là nạn nhân chịu tác động ghê gớm nhất của cơn bão táp đói khát. Lần thứ hai gặp Tràng, quần áo thị rách tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt trũng hoáy. Trông thị thật xấu xí, gầy gò và rách rưới. Qua vẻ ngoại hình tàn tạ của thị là bằng chứng Kim Lân cho ta thấy thị đang bị cơn bão táp đói khát quăng quẩy, giằng xé đến tả tơi. Thị đang đang bị quăng ra giữa dòng xoáy của đói khát, thị đang rất cần, rất cần một chiếc phao cứu sinh.

Cũng như nhân vật Tràng, ta chưa thể thấy được vẻ đẹp của nhân vật này chỉ qua hoàn cảnh và ngoại hình của thị. Lần thứ nhất gặp Tràng ở trên tỉnh, hành động của thị rất tự nhiên, lời nói cũng rất mạnh mẽ: khi bị mấy chị con gái đẩy ra đẩy xe bò cho Tràng thì thị cũng cong cớn đáp đùa lại rồi đứng dậy, lon ton chạy lại đẩy xe bò cho Tràng. Lần thứ hai gặp Tràng, lần này thấy Tràng, thị sầm sập chạy tới rồi trách cứ Tràng: “hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”. Có lẽ lúc này thị đang quá đói, ta nhận ra điều này khi Kim Lân miêu tả thị, và Tràng bây giờ như một hi vọng để thị có thể bấu víu. Khi Tràng mời ăn giầu: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”, thị đang đói lắm. Và khi được Tràng mời ăn thì thị vẫn còn kịp hỏi lại: “Ăn thật nhá”, Tràng: “Rích bố cu” thì thị đã ngồi xuống ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc chả chuyện trò gì. Ăn xong thị đã chống chế cho cái sự ngượng ngùng của mình bằng một câu nói: “Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.” Thị đang quá đói nên lời mời của Tràng như một chiếc phao cứu sinh khi đang ở giữa dòng nước lũ. Thị đã bám víu thật chặt để sinh tồn, phải chăng đó chính là hành động của mọi con người khi bị đẩy bên bờ vực của cái chết mà họ vẫn khao khát cuộc sống. Có ý kiến cho rằng thị đã ăn thật khi Tràng mời chỉ mời xã giao nhưng khi buộc tội thị họ đã từng có bị đói như thị, đói, đói đến có thể chết nếu như thị còn lưỡng lự dù chỉ một giây trước lời mời ăn của Tràng, thị có nguy cơ bị cơn bão táp nuốt chửng, một giây thôi là sẽ tuột mất cơ hội cứu lấy mạng sống của mình. Thị đã chớp lấy cơ hội để được sống, để được tiếp tục sống, từ đây Kim Lân đã làm sáng lên khao khát được sống mãnh liệt trong thị. Khi Tràng tiếp tục nói: “... có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” - thực sự lúc này Tràng đã trở thành chỗ dựa vững chắc trong suy nghĩ của thị. Thị nghĩ Tràng không chỉ giúp mình được sống mà còn có thể sống tốt nên thị đã đồng ý theo Tràng về thật. Đến đây, Kim Lân thực sự đã khẳng định rằng tất cả những hành động của thị, những quyết định của thị đều xuất phát từ khát khao được sinh sống, được tồn tại.

Trên đường theo Tràng về nhà, thị có vẻ rón rén, e thẹn, ngượng ngùng, không còn thấy vẻ cong cớn của cô thị ở trên tỉnh. Khi về tới nhà Tràng, thị thấy gia cảnh nhà Tràng cũng dúm dó, xiêu vẹo, chông chênh, hoàn toàn khác với những gì thị trông mong, thị thất vọng. Ngay lúc này, thị có thể bỏ đi, việc này cũng dễ hiểu vì những gì thị mong đợi là hoàn toàn không có thật. Thế nhưng Kim Lân đã cho chúng ta thấy thị nén một tiếng thở dài khi nhìn vào gia cảnh nhà Tràng, nghĩa là thị đang kìm nén sự thất vọng, thị đã chấp nhận thực tại. Khi Tràng đưa thị ra mắt bà cụ Tứ, mặc dù được bà cụ Tứ cư xử rất ôn hòa nhưng thị vẫn không tránh được sự tủi hổ, xót xa. Thị cúi xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Trong buổi sáng ngày hôm sau thị dậy sớm cùng mẹ quét tước, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm đầu tiên. Tràng nom thị hôm nay rõ ràng là người người đàn bà hiền hậu đúng mực, không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Quả thật trong mắt Tràng, thị cũng là người vợ đảm, dâu hiền. Trong bữa cơm ngày đói, khi bà cụ Tứ bưng lên món thứ hai gọi là “chè khoán” nhưng thực chất lại là “cháo cám” thị đã rất thất vọng, hai con mắt thị tối lại nhưng thị vẫn điềm nhiên và miếng cháo cám vào miệng. Điều này chứng tỏ thị biết cách cư xử tế nhị. Trong sâu thẳm suy nghĩ, thị đã đồng cảm với những khốn khó của gia đình Tràng mà bây giờ nó cũng là tổ ấm của thị. Thị đã kể với Tràng về những đám người đói đi phá kho thóc Nhật. Chính thị đã vẽ cho Tràng đi tới tương lai, đến với cách mạng và có thể nói hướng đi đó mới là hướng đi đúng đắn để đảm bảo cho những con người khốn khổ có tương lai.

Thị cũng là một con người khốn khổ, khốn khổ đến cùng cực nhưng ta có thể thấy được ở thị có những phẩm chất tốt đẹp đó là người vợ hiền, dâu thảo, biết đồng cảm, cư xử đúng mực, tế nhị. Cũng như Tràng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào thị cũng vẫn khát khao được sống.

Nhân vật thứ ba trong tác phẩm là bà cụ Tứ – mẹ của Tràng. Bà là một nông dân nghèo khổ và cũng là một nạn nhân trong đại nạn đói năm 1945. Tuy nhiên khác với Tràng và thị, bà là thế hệ đi trước, đã từng trải, bà cụ đã già, sức đã yếu. Khi Tràng đưa thị về ra mắt, bà cụ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn đứng ngay đầu giường thằng con trai mình, trong đầu bà đặt ra hàng loạt những câu hỏi. Mắt bà nhoèn ra, dường như bà không tin vào mắt mình, không tin vào những gì bà đang nhìn thấy. Khi nghe Tràng giới thiệu xong về người đàn bà, bà lão cúi đầu nín lặng. Bà đã hiểu rồi. Lòng người mẹ ấy hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Bà thương con trai , bà tự trách mình không lo được việc dựng vợ cho con. Bà còn thương, còn đồng cảm thấu hiểu cho nàng dâu mới. Bà không coi thường thị vì bà cho rằng thị có gặp bước khó khăn, đói khổ thị mới lấy đến con trai của bà, con bà mới có được vợ. Mặc dù thị là người phụ nữ theo không, không cưới hỏi, không lễ nghi nhưng bà vẫn trân trọng người phụ nữ ấy. Như vậy ta có thể thấy bà cụ Tứ là một người mẹ thương con, thấu hiểu, đồng cảm với con, bà là người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, đồng cảm với người đồng cảnh ngộ và sẵn sàng đùm bọc cưu mang những con người ấy.

Bà lão đồng ý cho Tràng nên vợ nên chồng, bà nói: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...” nghĩa là bà cũng đồng ý trong sự vui mừng và mãn nguyện. Bà vui cùng niềm vui của con, bà lo trước nỗi lo của con. Có thể nói trong hoàn cảnh này bà cụ tứ xứng đáng là một người mẹ vĩ đại sẵn sàng đối mặt với khó khăn thiếu thốn để con mình được hạnh phúc. Khi các con mình bắt đầu bước trên con đường đời mới bà đã động viên, an ủi các con “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà đã gieo vào trong đầu các con một ánh nhìn lạc quan, một hi vọng vào ngày mai tươi sáng bởi đời bà và Tràng đã khổ thì đến đời con của Tràng chắc chắn sẽ bớt khổ hơn. Trong buổi sáng ngày hôm sau, bà lão cũng có vẻ gì đó khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên, bà lão xăm xắn thu dọn quét tước nhà cửa. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Nhưng không khí trong bữa ăn thật vui vẻ, cả nhà đều ăn rất ngon lành vì bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện làm ăn sung sướng về sau này. Khi nồi cháo loãng mỗi người chỉ được hai lưng đã cạn, bà bê lên món ăn thứ hai, món “cháo cám” nhưng bà lại gọi bằng “chè khoán”. Chè khoán là món ăn mà trong lúc đói có thể coi là cao lương mĩ vị. Bà vừa múc cho các con ăn, vừa cười, vừa khen ngon, vừa động viên các con: “Xóm ta còn khối nhà chả có cám mà ăn đấy”. Trong bữa cơm ngày đói, ta có thể ví bà cụ Tứ như một bà tiên với đôi đữa thần trong tay, chạm vào cảnh nào đều thấy ấm cúng, chạm vào món nào, món ấy đều trở thành cao lương mĩ vị. Năng lượng đôi đũa thần trong tay bà cụ Tứ chính là niềm lạc quan.

Với nghệ thật xây dựng diễn biến tâm trạng nhân vật tự nhiên, sinh động, Kim Lân đã cho ta thấy bà cụ Tứ là một người nông dân nghèo gần đất xa trời nhưng giàu lòng thương con, giàu tình nhân hậu, đồng cảm, bao dung với những người khốn khổ. Đặc biệt bà là người luôn lạc quan, luôn luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng mặc dù hiện thực tối tăm mà bà đã nhiều lần nhận thức được rất rõ.

Như vậy bằng việc miêu tả nhân vật từ ngoại hình đến tính cách, đặc biệt là dòng diễn biến tâm trạng nhân vật, Kim Lân đã làm bật lên vẻ đẹp của cả ba nhân vật trong truyện ngắn. Đó cũng chính là vẻ phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam. Dù trong đói khổ họ vẫn sẵn sàng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù đang cận kề với cái chết họ vẫn khát khao hướng về cuộc sống, khát khao hạnh phúc gia đình, họ vẫn lạc quan nhìn về một ngày mai tươi sáng.

-/-

Qua việc đọc một số bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp tình người trong truyện ngắn Vợ nhặt trên đây, hi vọng sẽ giúp các bạn hình dung được những nội dung cần có trong bài làm của mình cũng như học hỏi và rút kinh nghiệm về cách hành văn.

Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM