Không chỉ trả lời câu 2 trang 18 SGK Lịch sử 12 về nguyên nhân sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đọc tài liệu còn bổ sung thêm các câu hỏi xoay quanh những nội dung chính của phần kiến thức này. Mời các em cùng tham khảo.
Trả lời câu 2 trang 18 sgk lịch sử lớp 12
Câu hỏi
Phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Hướng dẫn trả lời
Dựa vào những ý chính trong sgk trang 17 và liên hệ với những kiến thức đã học để phân tích
Đáp án tham khảo
- Một là, do đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. thêm vào đó là sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.
- Hai là, không bắt kịp bước phát triển của khoa học – kĩ thuật tiên tiến, dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Chẳng hạn như ở Liên Xô, trong những năm 70 của thế kỉ XX phải nhập lương thực của các nước Tây Âu.
- Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Đặc biệt là sai lầm khi thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng.
- Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn.
Chú ý:
Xuất phát từ những nguyên nhân tan rã của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu để rút ra bài học kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
*Nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến sụp đổ của chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do Đảng Cộng sản Liên Xô và Đông Âu mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đó là việc rời bỏ nguyên lí cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác – Lê -nin của những người lãnh đạo Đảng và nhà nước cao nhất Liên Xô và Đông Âu lúc bấy giờ.
Bổ sung kiến thức về sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu
Các câu hỏi liên quan tới sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu thường gặp
1. Nguyên nhân khách quan nào dẫn tới sự tan rã của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu?
Trả lời:
Có 4 nguyên nhân chính dẫn tới sự tan rã của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng nguyên nhân khách quan dẫn tới sự kiện này là:
Sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là các nước tư bản phương Tây với thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, mạng lưới điệp viên, …. có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn.
2. Quá trình khủng hoảng và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Quá trình khủng hoảng dẫn tới sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu:
- Cuộc khủng hoảng sớm nhất ở Ba Lan (1978) sau đó lan sang các nước Đông Âu khác.
- Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ra sức kích động quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động chống phá.
- Ban lãnh đạo các nước Đông Âu đã phải chấp nhận từ bỏ quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị và tiến hành tổng tuyển cử tự do.
- Kết quả là, qua tổng tuyển cử ở hầu hết các nước Đông Âu các thế lực chống chủ nghĩa xã hội đã thắng cử, giành được chính quyền nhà nước. Các đảng cộng sản thất bại không còn nắm chính quyền.
⟹ Tới cuối năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ ở hầu hết các nước Đông Âu.
3. Nguyên nhân cơ bản nào làm cho chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?
Trả lời:
Nguyên nhân cơ bản làm cho chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là do xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội còn nhiều hạn chế: thiếu tôn trọng đầy đủ các quy luật phát triển khác quan về kinh tế- xã hội, chủ quan, duy ý chí, thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thay cho cơ chế thị trường. Điều đó làm nền kinh tế thiếu tính năng động, sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện.
4. Nhận xét về sự sụp đổ của Liên Xô.
Trả lời:
Trong bối cảnh chung của châu Âu những năm 70 – 80 của thế kỉ XX và tình hình thực tế của Liên Xô, việc cải tổ là cần thiết. Tuy nhiên, công cuộc cải tổ diễn ra chậm, lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng nên sau 6 năm tiến hành cải tổ, Liên Xô càng rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
=> Cần phải cải tổ kịp thời và hợp lí để tránh thất bại.
5. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã
A. làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới chỉ còn lại ở châu Á và Mĩ Latinh
B. chứng tỏ học thuyết Mác - Lê-nin không còn phù hợp ở châu Âu
C. làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn nữa
D. giúp Mĩ hoàn thành mục tiêu đề ra trong chiến lược toàn cầu
Trả lời:
Đáp án đúng: D
Giải thích:
Một trong những mục tiêu của Mĩ trong chiến luợc toàn cầu đuợc đề ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai là: ngăn chặn và tiên tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
=> Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đồng nghĩa với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới sẽ sụp đổ theo .
=> Điều này giúp Mĩ hoàn thành mục tiêu đề ra trong chiến lược toàn cầu của mình.
***
Trên đây là câu hỏi và hướng dẫn trả lời câu 2 trang 18 SGK lịch sử lớp 12 về sự đối lập về nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.