Top 6+ bài văn phân tích nhân vật Phương Định hay và ngắn gọn nhất

Xuất bản: 16/04/2019 - Cập nhật: 14/09/2021 - Tác giả:

[Văn mẫu 9] Top 6+ bài văn phân tích nhân vật Phương Định hay và ngắn gọn nhất - Tuyển chọn những bài văn mẫu đạt điểm cao phân tích Phương Định (Những ngôi sao xa xôi).

Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 9 đặc biệt trong ôn thi vào lớp 10 môn Văn. Nhằm giúp các em có những nguồn tài liệu tham khảo có ích nhất cho quá trình ôn tập với đề bài này, Đọc Tài Liệu tổng hợp và gửi tới các em bộ tài liệu 6+ bài văn phân tích nhân vật Phương Định hay và ngắn gọn nhất. Hi vọng với bộ tài liệu này, các em sẽ có thể đạt hiệu quả cao trong quá trình tự rèn luyện và nâng cao kỹ năng làm văn của mình.

Top 6 bài văn hay và ngắn gọn phân tích nhân vật Phương Định (Những ngôi sao xa xôi)

Những bài phân tích Phương Định ngắn gọn nhất

Bài văn số 1:

Trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống quân xâm lược, toàn dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, trong đó những nam thanh niên thì xung phong lên đường ra mặt trận, đấu tranh chống quân thù. Nhưng đâu chỉ có những bậc nam nhi mới có những khát vọng cứu nước và bản lĩnh phi thường nơi chiến trận. Trong chiến tranh thì ngay cả những cô gái chân yếu tay mềm cũng đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ, công việc các cô gái là những cô dân công, chuyên làm công việc hỗ trợ cho chiến đấu. Khắc họa về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong này. Nhà văn Lê Minh Khuê đã xây dựng hình ảnh của cô thanh niên xung phong Phương Định tuy giản dị nhưng thật đẹp, thật sinh động, mang lại cho người đọc cái nhìn chân thực nhất về những cô gái thời kháng chiến.

Phương Định là một cô gái Hà Nội, mộng mơ và vừa mới bước vào tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Như bao cô gái trẻ khác, Phương Định cũng rất thích làm đẹp, điệu đà, soi gương hàng tiếng đồng hồ. Giữa không gian dữ dội của chiến tranh, hình ảnh cô thiếu nữ Phương Định thật khiến cho người ta có thêm niềm tin, tiếp thêm nguồn sức trẻ dồi dào từ cô gái ấy. Phương Định cũng là một cô gái trẻ xinh đẹp, dễ thương với “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài loa kèn”, và đặc biệt, theo như lời nhận xét của anh lái xe thì Phương định còn có một vẻ đặc biệt nữa, đó là đôi mắt, “sao mà xa xăm”. Cũng vì sự dễ thương ở ngoại hình, đáng yêu trong tính cách mà Phương Định luôn nhận được những lời thăm hỏi của các anh pháo binh cũng như các anh lái xe.

Với tình cảm của các đồng đội nam dành cho mình, Phương Định luôn trân trọng, bởi suy cho cùng cô cũng chỉ là một cô thiếu nữ mới lớn, vẫn có những khát vọng tình yêu trong trái tim. Nhưng vì chưa thực sự rung động với ai nên Phương Định cũng chỉ khéo léo từ chối tâm ý ấy của các anh. Là một cô gái ngây thơ trong sáng nhưng Phương Định lại rất ý thức đối với việc đấu tranh bảo vệ đất nước, cô đã tự nguyện xung phong vào chiến trường, cùng mọi người tham gia chiến đấu. Công việc của cô cũng vô cùng gian khổ, nơi chiến trường đầy ác liệt. Phương Định cùng hai người đồng đội của mình là Thao và Nho ngày đêm làm công việc lấp hố bom, đảm bảo cho các chuyến xe hành quân vào giải phóng miền Nam.

Không khí dữ dội của chiến tranh, bom đạn của địch ném xuống dải Trường Sơn nhiều như trút, công việc lấp hố bom diễn ra với cường độ thường xuyên, liên tục, một ngày có thể ba đến năm lần đi lấp hố. Công việc này cũng không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi nhiều sức lực mà các cô gái lúc nào cũng đối mặt với hiểm nguy, bởi những quả bom dưới lòng đất ấy có thể nổ bất cứ lúc nào, rồi khi bom chưa nổ thì cần phá bom: “…đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phải phá bom”. Và công việc này lúc nào cũng hết sức căng thẳng, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ: “…thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu chân chạy mà vấn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ”.

Không khí chiến trường ác liệt, sự nguy hiểm của công việc khiến cho ranh giới giữa sự sống giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, chỉ cần một sự sơ xuất nhỏ thôi thì tính mạng của các cô gái này có thể bị đe dọa. Hiểu như vậy ta sẽ thấy những cô gái thanh niên xung phong như Phương Định không chỉ có lòng yêu nước mà còn có sự dũng cảm và bản lĩnh mạnh mẽ. Bởi sống trong cái không khí dữ dội như vậy nhưng Phương Định vô cùng yêu đời, khi nhìn thấy mưa đá thì cảm thấy rất thích thú. Phương Định còn là một cô gái có tinh thần trách nhiệm với công việc, khi dùng xẻng để lấp đất, khi va chạm với vỏ quả bom, tạo ra những âm thanh ghê rợn thì Phương Định tự nhủ là phải nhanh chóng làm xong việc bởi nếu quả bom nóng lên từ bên trong hoặc nóng lên do mặt trời thì có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Không chỉ có trách nhiệm cao với công việc mà Phương Định còn rất quan tâm đến đồng đội của mình. Khi Thao và Nho lên cao điểm làm việc, Phương Định ở nhà nhưng lòng thì nóng như lửa đốt, đó chính là sự lo lắng cho đồng đội, nghe thấy tiếng trực thăng, tiếng súng hỗ trợ của các chiến sĩ thì sự lo lắng ấy càng bị nâng lên cao độ, thậm chí cô còn nổi cáu với đội trưởng “Trinh sát chưa về”. Ta có thể thấy sự quan tâm này không chỉ từ tình đồng đội mà còn bởi sự gắn bó như chị em của những cô gái này. Trong cuộc sống gian khổ nơi rừng núi, trong không khí dữ dội của chiến tranh, bão đạn thì tình cảm giữa những cô gái ấy vẫn sáng lên rực rỡ, làm cho người đọc cảm thấy ấp áp.

Phương Định là một cô gái hồn nhiên, yêu đời, cô mang vào chiến trường sức trẻ, nguồn sống dạt dào nên không gian câu chuyện dù là ở nơi chiến trường đầy khốc liệt, công việc của các cô gái này là làm bạn với bom đạn, với hiểm nguy. Nhưng sức sống, niềm tin của Phương Định đã giúp cô vượt qua tất cả, người đọc còn cảm nhận được ở Phương Định những phẩm chất thật đẹp, đó là tinh thần trách nhiệm, tình đồng đội gắn bó keo sơn.

Nghe bài văn phân tích nhân vật Phương Định hay nhất

Bài văn số 2:

Lê Minh Khuê( 1949) quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa là cây bút chuyên về viết truyện ngắn. Trong chiến tranh các tác phẩm của chị hầu hết viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Tiêu biểu là “Những ngôi sao xa xôi”, tác phẩm ra đời năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt. Truyện làm nổi bật tâm hồn trong sáng hồn nhiên thơ mộng, tinh thần chiến đấu dũng cảm của tổ trinh sát mặt đường, Nho, Phương Định và chị Thao, nhưng có lẽ gây ấn tượng, lòng mến phục nhất với độc giả là Phương Định.

Trước hết, chuyện xoay quanh nhân vật chính là Phương Định – cô gái Hà Nội lãng mạn và mơ mộng xung phong vào chiến trường, cô sống cùng đồng đội là chị Thao, Nho trên cao điểm giữa vùng trọng điểm ở Trường Sơn, họ sống trong một cái hang, công việc của họ là đo khối lượng đất đá san lấp mặt đường đánh dấu những quả bom chưa nổ thì phá bom. Công việc vất vả là nguy hiểm phải đổi mặt với thần chết từng phút, từng giờ, nhiệm vụ quan trọn đầy gian khổ hi sinh của họ đã phần nào thể hiện hiện thực của cuộc chiến tranh gian khổ và ác nghiệt, cũng từ đó, ta thấy sáng ngời tinh thần yêu nước đầy quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong.

Đối với Phương Định ấn tượng đầu tiên về cô là vẻ đẹp bề ngoài đáng yêu trẻ trung, xinh xắn và đầy sức sống, chẳng phải ngẫu nhiên mà các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm cô hay” viết những thư đường dài gửi đường dây”, "dù có thể chào hỏi hằng ngày”, Phương Định cảm nhận được điều đó cô thấy vui và tự hào, nhưng chưa dành tình cảm cho một ai. Cô thích ngắm mình trong gương và làm điệu hoặc kiêu kỳ một cách đáng yêu khi thấy đồng đội của mình tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó. Phương Định vừa bước qua tuổi học trò hồn nhiên vô tư, cô mang theo vào chiến trường đầy ác liệt cả những nét đáng yêu của một cô gái mới lớn, mang theo cả một tâm hồn mơ mộng hồn nhiên yêu đời, cô mê hát, sống trong cảnh ác liệt của chiến tranh cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình” cô thích quan họ Bắc Ninh, dân ca trữ tình, đặc biệt là bài "Ca - chiu - sa” của hồng quân Liên Xô, tiếng hát ấy đã át tiếng bom để động viên đồng đội cũng chính là động viên chính bản thân mình đồng thời cô gửi vào tiếng hát nỗi khát khao tuổi trẻ của người chiến sĩ mong được trở vê quê hương yêu dấu được gặp lại những người thân yêu sau bao năm chờ đợi.

Phương Định luôn sống với những kỉ niệm của thiếu nữ vô tư, chỉ gặp một trận mưa đá ở cô lập tức toát lên niềm vui con trẻ. Cô nhặt những viên mưa đá rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan biến bất ngờ, cũng nhanh như khi nó ập đến, cô nhớ đến tuổi thơ của mình, những kỉ niệm đó làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt trong cái không khí ”nóng bỏng” của chiến tranh.

Cũng như bao cô gái thanh niên xung phong khác, ở Phương Định nổi bật tinh thần gan dạ, dũng cảm, thái độ bình tĩnh vượt lên mọi nguy hiểm. Điều đó được thể hiện cụ thể qua một lần phá bom trên cao điểm. Sau những đợt thả bom của giặc, cô cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ, nơi còn có nhiều quả bom chưa nổ, không gian lúc đó vắng lặng đến đáng sợ nhưng cô không hề sợ hãi và có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình, vì vậy cô cảm thấy yên tâm hơn, cô quyết định không đi khom bởi, đây là cảm giác vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa thể hiện ý chí mạnh mẽ, cô dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, khi phá bom ”dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom” lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người vang lên cứa vào da thịt "tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình là quá chậm, nhanh lên một tí vỏ quả bom nóng, một dấu hiệu chẳng lành” có thể nói cách miêu tả của tác giả thật tài tình khiến cho người đọc cảm thấy rùng mình như Phương Định càng cảm thấy rõ hơn sự bình tĩnh gan dạ của cô. Những khi đối mặt với quả bom cô cũng có nghĩ đến cái chết ”nhưng một cái chết mờ nhạt không cụ thể”, đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua mà với cô cái chính lúc này là ”liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai, có nghĩa là trong suy nghĩ của cô lúc nào cô cũng luôn cô gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc dù có phải hi sinh. Chính sự gan dạ, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao đã giúp Phương Định thực hiện tốt công việc của mình.

Ngoài sự dũng cảm trong công việc Phương Định còn cho ta thấy toát lên tình cảm đồng đội, đồng chí nồng ấm, gắn bó, cô luôn yêu thương trìu mến đồng đội, lo lắng cho chị Thao lên cao điểm chưa về đến nỗi ”nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình, rồi khi Nho bị thương cô chăm sóc tận tình như một cô ý tá, sự chăm sóc tận tình của Phương Định đã làm cho Nho nhanh chóng khỏe lại, cô dành tình cảm yêu mến của mình với những người chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu, tình đồng đội thật thiêng liêng, đáng quý, nó đã tiếp thêm sức mạnh để cô hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nhân vật Phương Định để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng bạn đọc là nhờ nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo của Lê Minh Khuê. Ở đây chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính nên đã tạo điều kiện để tác giả tập trung miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật, nó làm cho cây truyện diễn tả một cách chân thực, tự nhiên. Ngoài ra, truyện còn hấp dẫn bạn đọc ở việc tạo tình huống cam go căng thẳng của cuộc chiến tranh. Đặc biệt, Lê Minh Khuê đã sử dụng rất thành công các kiểu câu ngắn, rút gọn, đặc biệt để diễn tả không khí căng thẳng ác liệt của chiến trường. Nhưng giữa cái ác liệt ấy vẻ đẹp của Phương Định cũng như các cô gái vẫn tỏa sáng, sức trẻ và lòng yêu nước, khát vọng hòa bình đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến gian khổ và anh hùng.

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng bạn đọc hình ảnh đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là Phương Định, một cô gái hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng và tinh thần chiến đấu vô cùng lạc quan dũng cảm, Phương Định chỉ là một ngôi sao nhỏ bé nhưng sẽ luôn tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời cách mạng Việt Nam, cô mãi là hình ảnh đẹp tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Bài văn số 3:

Thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác nên những áng thơ văn bất hủ. Chúng ta không khó khăn để bắt gặp những hình ảnh, nhân vật dưới lăng kính của các nhà thơ như anh chiến sĩ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, chị Út Tịch và đặc biệt là nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê. Ở nhân vật  này chúng ta có thể nhìn thấy được vẻ đẹp của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ cứu nước, gan dạ, trong sáng, dũng cảm, kiên cường.

Phương Định là một cô gái trong tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ lấp hố bom trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ngày đêm đối mặt với rất nhiều lửa bụi nhưng cô gái vẫn giữ được vẻ tươi trẻ của cô gái mới lớn. Cô luôn là người quan tâm đến hình thức của mình, cô tự đánh giá về bản thân mình: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm” vẻ đẹp trong sáng ấy đã cuốn hút biết bao chàng trai đặc biệt là các anh pháo thủ và lái xe.

Nhưng có lẽ điều đẹp nhất ở cô gái Hà Nội là vẻ đẹp từ tận sâu trong tâm hồn chị. Sự ngoan cường, dũng cảm của cô chính là một vẻ đẹp cuốn hút nhất, tạo nên một cô gái thanh niên xung phong có vẻ đẹp toàn diện.

Phương Định và các bạn được giao nhiệm vụ chiến đấu trên cao điểm của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Hằng ngày cô cùng các bạn phải chạy đi chạy trên cao điểm đánh phá của địch. Sau mỗi trận bom, Phương Định cùng đồng đội sẽ phải đo tính khối lượng đất đá bị bom đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và làm cho nó nổ để tránh gây nguy hiểm cho những người qua lại trên tuyến đường này. Để làm được điều này đặc biệt với các cô gái như Phương Định thì đây quả là một việc làm vô cùng khó khăn và phải thật dũng cảm thì mới có thể hoàn thành công việc được. Thế nhưng cô và đồng đội ngày ngày vẫn thực hiên nó một cách thành thạo mà không hề sợ hãi.

Đối diện với một quả bom là sự thách thức lớn đối với dây thần kinh của cô. Từ khung cảnh vô cùng căng thẳng là cảm giác bị các anh cao xạ đang nhìn mình, bên cạnh quả bom là gần kề với cái chết. Công việc đã tạo nên cho cô sự kiên cường bất khuất đến lạ thường.

Giữa nơi bom đạn nguy hiểm, sự sống và cái chết gần kề nhưng cô vẫn giữ được tâm hồn nhạy cảm. Cô rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương mình. Cô yêu những người đồng đội luôn đồng hành cùng mình. Đặc biệt cô ngưỡng mộ những người chiến sĩ mà cô gặp hằng đêm trên trọng điểm, cô lo lắng sốt sắng khi đồng đội của mình đi mà chưa về. Chị thấu hiểu và luôn quý mến những người đến bạn của mình như Nho, chị Thao… Từ cách sống của Phương Định chúng ta có thể nhận thấy nét đẹp của cô gái Hà Thành gan dạ mà dũng cảm này.

Là người thanh niên xung phong trên mặt trận trọng điểm ngày đêm đối diện với nguy hiểm nhưng cô vẫn luôn cảm thấy yêu đời, cô yêu những làn điệu dân ca, trữ tình, cô nhớ về Hà Nội xanh mát trong ký ức…. Tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng tôi rất chân thực và sinh động đã miêu tả hết được tâm lý nhân vật một cách chân thực và sâu sắc nhất.

Qua nhân vật Phương Định chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân vật Phương Định đại diện cho thế hệ trẻ của cả dân tộc trong những năm tháng hào hùng ấy. Đã có biết bao con người lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có những người thì trở về không nguyên vẹn. Sống giữa lửa đạn bom rơi nhưng họ vẫn không hề lùi bước, vẫn luôn anh dũng vì đất nước vì hòa bình dân tộc.

Tuổi thanh xuân của những con người thời đại đã tô điểm cho đất nước ta ngày càng tươi đẹp hơn. Khép lại “Những ngôi sao xa xôi” mà lòng không thể kìm nén được những niềm xúc động về sự anh dũng của những con người sẵn sàng hi sinh sinh khi Tổ quốc kêu gọi. Họ đã sống và chiến đấu hết mình.

Những bài văn phân tích Phương Định hay nhất

Bài văn số 4:

Những ngôi sao xa xôi” – một câu chuyện cảm động thời chiến. Lê Minh Khuê đã tài tình khắc hoạ những bức chân dung các cô thanh niên xung phong xinh đẹp, gan dạ và nhiệt huyết. Câu chuyện của họ là minh chứng cho một thời kì máu lửa của lịch sử vàng son nước nhà. Nổi bật trong truyện là hình ảnh Phương Định, cô gái người Hà Nội trẻ tuổi, gan dạ.

Truyện mở ra với khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động qua đoạn trích trên. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lạ ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh mất mát, một lòng một dạ vì tổ quốc quyết tử.

Phương Định là nhân vật chính trong truyện, giữ nhiệm vụ trong tổ trinh sát mặt đường. Cô cùng Thao, Nho, trên cao điểm, giữa một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ tuy vất vả và nguy hiểm nhưng các cô vẫn có những giây phút hồn nhiên, thơ mộng của tuổi trẻ. Hoàn cảnh sống và công việc khó khăn, gian khổ nhưng Phương Định không ngại cái khó đấy, tâm hồn cô vẫn thơ mộng với tinh thần cứng rắn, gan thép.

Phương Định là một cô gái Hà Nội vào chiến trường. Mang nét đẹp của người Hà Nội, Phương Định gây ấn tượng bởi vẻ ngoài trẻ trung, sức sống, mang chút gì đó sâu sắc, tinh tế của người Hà Nội. Cô có “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa lòa kèn”. Đặc biệt, cô có đôi mắt với ánh cái nhìn sao mà xa xăm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm cô, hay “viết những thư dài gửi đường dây”, “mặc dù có thể chào nhau hằng ngày”. Phương Định cảm nhận được điều đó, cô cảm thấy vui và tự hào nhưng chưa dành tình cảm cho một ai. Cô chỉ thích ngắm mình trong gương và làm điệu hoặc có vẻ kiêu kì một cách đáng yêu khi thấy các đồng đội của mình tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó. Phương Định mang vẻ ngoài đậm chất của cô gái Hà Nội đằm thắm, tinh tế.

Vào chiến trường khi còn là một cô gái trên giảng đường, Phương Định mang tâm hồn tư lự, hồn nhiên, đa cảm và lãng mạn. Cô mê hát. Sống trong hoàn cảnh ác liệt của bom đạn trên chiến trường Trường Sơn, lúc nào cũng cận kề với cái chết, cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình. “Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng phải ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình “Tuy vậy, chị Thao vẫn say mê chép những lời bài hát mà Định bịa ra”. Cô hát trong những khoảnh khắc “im lặng” khi máy bay trinh sát rè rè trên đầu, khi cơn bão lửa sắp chụp xuống cao điểm. Tiếng hát của cô là tiếng hát của tuổi trẻ, của sự gan dạ, của nhiệt huyết và của tình yêu tổ quốc.

Tâm hồn lãng mạn ấy được hiện lên khi Phương Định nhớ lại những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố Hà Nội thân yêu. Khi gặp trận mưa đá, cô nhớ lại những thời con trẻ, hồn nhiên vô tư, nhớ lại căn nhà trên phố Hà Nội. “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi…Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Tất cả mọi kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. Chính những kỉ niệm đó đã làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.

Không chỉ có tâm hồn lãng mạn mà Phương Định còn nổi bật vẻ đẹp dũng cảm của cô thanh niên xung phong. Sau những đợt thả bom của giặc, Định cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ, nơi vẫn còn có những quả bom chưa nổ. Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình, vì vậy mà cô cảm thấy an tâm hơn. Cô quyết định không đi khom, bởi một lý do rất đơn giản “Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới”. Khi chạm tới quả bom, cô cảm giác được cái gì đó lướt qua, một ý nghĩ về cái chết mơ hồ. “Nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”. Trong suy nghĩ của Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh. Vượt qua sợ hãi, vượt qua hoàn cảnh, Phương Định luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách đầy gan dạ.

Gan dạ, dũng cảm và luôn yêu thương, chăm sóc đồng đội. Phương Định thực sự là người con gái thông minh, nhiệt huyết và giàu tình yêu thương. Phương Định là minh chứng cho vẻ đẹp thanh niên thời bấy giờ: mang những cảm xúc riêng tư cất gọn để hoà thành nhiệt huyết tuổi trẻ gan dạ chiến đấu vì tổ quốc, vì dân tộc, vì hoà bình.

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi".

Bài văn số 5:

Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó.

Nói đến nhân vật Phương Định, không thể không nói đến sự hồn nhiên, mơ mộng của cô. Như mọi cô gái trẻ khác, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự hào về bản thân và tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm. Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Dù đang ở giữa chiến trường nhưng cô vẫn giữ được sự nữ tính rất dễ thương, rất đặc trưng của người Hà thành trong mình. Cô biết mình được nhiều người để ý và cảm thấy vui, tự hào về điều đó – một tâm lí rất dễ hiểu của con gái. Tuy vậy, cô lại điệu đà, không hay thể hiện tình cảm của mình, tưởng chừng như kiêu kì. Nhưng đừng vì thế mà ghét cô. “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Vẻ đẹp của nhân vật không chỉ nằm ở ngoại hình mà ở những suy nghĩ rất đáng yêu của cô về những con người hằng ngày đi qua cuộc sống của cô. Phương Định chính là đóa lan rừng làm dịu đi cái nóng bỏng của chảo lửa Trường Sơn đầy bom đạn.

Bên cạnh đó, Phương Định còn rất mơ mộng và hồn nhiên trong sở thích của mình. “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình”. Phương Định hát như để gợi nhớ về những kỉ niệm cũ, về thành phố quê hương. Hát vừa để giữ vững sự lạc quan, yêu đời, vừa để nuôi niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng. Cũng có thể cô chỉ hát để thỏa mãn sở thích của mình thôi, nhưng dù là lí do gì thì tiếng hát ấy cũng đã thể hiện một cá tính rất trẻ, rất hồn nhiên nơi cô. Trong lời hát ấy, ta lại thoáng thấy hình ảnh của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – một người con gái từng cảm nhận cái hay của bản nhạc êm đềm giữa chiến trường khốc liệt. Trên trời máy bay gầm rú, dưới đất đầy bom nổ chậm, nhưng những giai điệu dịu dàng, trong trẻo vẫn được những cô gái ấy cất lên. “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Thích Cachiusa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. "Đó là dân ca Ý trữ tình, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”. Tiếng hát ấy át đi tiếng bom, mang trong đó sức trẻ và sự yêu đời của Phương Định. Những bài hát ấy như những mảnh ghép chứa đầy sự nhạy cảm, hồn nhiên và dịu dàng của tâm hồn cô gái thanh niên xung phong. Trải qua khói lửa, những bài hát ấy không chỉ là những giai điệu bình thường nữa, chúng chính là tiếng đập từ trái tim rất vô tư, rất trẻ của Phương Định.

Sức trẻ ấy tiềm tàng mãnh liệt đến nỗi chỉ cần một trận mưa đá bất ngờ thôi cũng đủ khiến nó bùng lên. Phương Định “chạy ra, vui thích cuống cuồng”. Giữa chiến trường ác liệt, dù hiếm hoi vẫn có những giây phút vô tư, hồn nhiên, những giây phút mà cái say sưa của tuổi trẻ đã đẩy lùi mưa bom bão đạn. “Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy”. Cơn mưa đá bất ngờ đã cho ta thấy góc khuất trong tâm hồn nhân vật. Đó là miền ký ức thân thương và êm đềm của Phương Định về Hà Nội với căn gác nhỏ nơi cô sống cùng mẹ những năm tháng học sinh, về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của thành phố quê hương. Những kỉ niệm ấy luôn ở trong tim Phương Định, trở thành niềm tin, thành khát khao, thành nguồn động lực để cô vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống và tiếp tục chiến đấu. “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi”. Cơn mưa đá bất ngờ kia không chỉ là một chi tiết để bộc lộ tính cách nhân vật, nó là hiện thân của tuổi trẻ giữa chiến trường, một tuổi trẻ vẫn luôn giữ trong tim những rung động, những khát khao mãnh liệt nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chiến tranh có thể tước đi tất cả, nhưng chúng không bao giờ lấy đi được niềm tin và khát vọng của Phương Định cũng như của những người trẻ ngày đó.

Chính niềm tin và khát vọng chiến thắng ấy đã cho Phương Định sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Cô nằm trong tổ trinh sát mặt đường tại một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Tuy không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận nhưng công việc của cô cũng không kém phần nguy hiểm. “Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần Chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”. Nếu như có rất nhiều người chỉ hơi bị bệnh đã muốn trốn tránh công việc thì Phương Định vẫn kiên cường bám trụ ở chiến trường dù đã bị thương. Chính ý thức trách nhiệm đã giữ cô ở lại trên cao điểm đầy bom đạn ấy. Lời kể của Phương Định rất tự nhiên và bình thản, khiến người đọc tưởng như cô chỉ đang kể chuyện đùa chứ không phải là nói về những hiểm nguy rình rập, về thương tích và cái chết. “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa, nhưng nhất định sẽ nổ…”. Phương Định hiểu rõ những gì mình phải đối mặt hằng ngày nhưng vẫn bất chấp tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí cô còn thấy được trong cái ác liệt của chiến trường có một điều gì đó rất riêng, rất thú vị mà cô đã vô cùng quen thuộc. Nên biết rằng cô là con gái Hà Nội – những cô gái mà người ta bảo rằng “liệu có xa nhà được ba ngày?” trong khi cô “ở đây, trên cao điểm này đã ba năm”, ta lại càng khâm phục cô. Sự khắc nghiệt của chiến trường không thể khiến người con gái ấy gục ngã, mà còn tôi luyện cho cô một ý chí kiên cường. Chính ý chí ấy, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm ấy đã làm nên nét đẹp trong Phương Định khiến ta càng thêm yêu, thêm quý nhân vật hơn.

Nhưng phải đến khi thấy Phương Định phá bom, ta mới hiểu rõ được lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm trong cô. Dù đã quen với công việc nguy hiểm ấy nhưng mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách về thần kinh. “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Trong không gian vắng lặng và đáng sợ, ánh mắt của đồng đội đã giúp Phương Định trấn tĩnh lại, đồng thời sự dũng cảm của cô được kích thích thêm bởi lòng tự trọng. Chỉ là kích thích thêm thôi, vì vốn dĩ sự gan dạ trong cô đã trở thành một điều tự nhiên đến nỗi cô cũng không để ý. “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”. Có thể sẽ có người cho rằng vì đã quá quen rồi nên Phương Định mới không sợ nữa. Không, cô có sợ chứ, vì khi đứng trước cái chết, con người ai cũng sợ dù ít dù nhiều. Nhưng Phương Định đã vượt qua được nỗi sợ ấy. Ý thức trách nhiệm đã đẩy lùi nỗi sợ, gạt nó vào một góc để tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Cô không lo bản thân sẽ bị thương, mà chỉ lo khi bị thương thì cô sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Suy nghĩ ấy mới đẹp và đáng yêu làm sao! Đối với cô, cái chết chỉ nhẹ tựa lông hồng. Cùng một suy nghĩ ấy là người con gái trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom”. Dù chỉ là những cô gái chân yếu tay mềm nhưng trong tim họ là ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của tuổi trẻ. Chính ngọn lửa ấy đã xây dựng một Phương Định dũng cảm và trách nhiệm, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến.

Không chỉ dừng lại ở đó, Phương Định còn vô cùng yêu thương đồng đội của mình. Khi Nho và chị Thao đi lên cao điểm, cô ở lại trong hang vô cùng lo lắng. “Những gì đã qua, những gì sắp tới… không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?”. Đây là lần đầu tiên ta thấy người con gái ấy bứt rứt, bồn chồn và sợ hãi đến vậy. Bởi vì đối với cô, họ không chỉ là đồng đội, mà còn là bạn bè thân thiết, là chị em trong gia đình. Mỗi người một tính cách nhưng sống với nhau ba năm trời, cô biết rõ từng sở thích, từng ước mơ, từng cá tính của mỗi người. Mỗi liên kết sâu sắc và bền vững ấy tự nhiên và chân thật đến nỗi thậm chí Phương Định còn không nhận ra chính bởi vì nó mà cô gắt gỏng khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Tình đồng đội ấy làm ta nhớ đến những câu thơ của Chính Hữu trong bài “Đồng Chí”: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi / Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Chính gian lao thử thách đã xây dựng nên những tình cảm gắn bó vô cùng bền chặt. Khi Nho bị thương, Phương Định đã tận tình chăm sóc cho Nho, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho Nho”, “pha sữa cho nó trong cái ca sắt”… Phương Định hiểu đồng đội mình đến mức cảm nhận được cái đau của Nho, cả những tình cảm đang quay cuồng trong chị Thao nữa. Một tình đồng đội đẹp đến thế chỉ có thể đến từ những trái tim cùng hướng về một lí tưởng cao đẹp, từ những trái tim biết yêu thương và cho đi vô điều kiện. Trái tim chứa đầy tình đồng đội ấy là nét vẽ hoàn thiện tính cách nhân vật Phương Định, biến cô trở thành hình tượng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Nhằm khắc họa rõ nét nhân vật Phương Định, tác giả đã chọn vai kể là nhân vật chính, với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Thông qua dòng suy nghĩ và cảm xúc của Phương Định, tác giả đã tái hiện cuộc sống của tuổi trẻ nơi chiến trường một cách tự nhiên và vô cùng chân thật. Cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể này đã giúp tác giả tập trung miêu tả và bộc lộ rõ nét thế giới nội tâm nhân vật, giúp người đọc thấu hiểu và cảm nhận được những gì nhân vật đã trải qua. Đặc biệt, Lê Minh Khuê từng tham gia thanh niên xung phong nên lời văn của bà rất thật, ẩn chứa một sức mạnh muốn thoát ra khỏi trang giấy và đi vào lòng người đọc. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện là ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và đậm chất nữ tính. Lời kể thường dùng những câu ngắn, câu đặc biệt với nhịp nhanh, gợi lên không khí khẩn trương của chiến trường và những khoảng ngắt quãng bất ngờ tưởng như tiếng bom nổ đã cắt ngang dòng suy nghĩ. Nổi bật lên tất cả những điều ấy là hình ảnh “những ngôi sao xa xôi” được chọn làm tựa đề của truyện ngắn. “Những ngôi sao” ấy có thể là những ký ức êm đềm về Hà Nội, về quê hương của các cô gái, những ký ức mà họ vẫn luôn mang theo trong tim để làm động lực chiến đấu. Nhưng “những ngôi sao” ấy cũng chính là hiện thân của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là Phương Định. Những cô gái ấy sống giữa chiến trường nhưng vẫn giữ được những nét đẹp trong tính cách, trong tâm hồn mình. Họ, như một anh trắc thủ pháo binh nào đó đã từng viết trong một bài thơ, “là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm”, những ngôi sao tỏa sáng rực rỡ với tuổi trẻ và lòng can đảm giữa lửa bom khói đạn.

Bằng chính những trải nghiệm thực tế của mình, Lê Minh Khuê đã xây dựng nhân vật Phương Định với những nét tính cách tiêu biểu của lớp trẻ Việt Nam thời kì ấy nói chung, và những anh chị thanh niên xung phong nói riêng: can đảm và đầy trách nhiệm nhưng cũng tràn đầy sự hồn nhiên và ngây thơ. Họ đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, cuộc sống của họ dù có thể kết thúc bất cứ lúc nào nhưng vẫn tràn ngập sức trẻ, tràn ngập tình yêu – “tình yêu của những con người trong khói lửa. Tình yêu độ lượng, tha thiết, vô tư mà kẻ độc quyền có nó trong tim là những người chiến sĩ”. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất, nhưng trong tim, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay cảm nhận nhân vật Phương Định để hiểu hơn những vẻ đẹp của người nữ thanh niên xung phong dũng cảm và nhiệt huyết này.

Bài văn số 6:

Minh Khuê thuộc lớp nhà văn trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khác với các nhà văn khác, Lê Minh Khuê đi tìm vẻ đẹp con người trong cuộc sống và chiến đấu thầm lặng nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Nhà văn trân trọng tất cả những gì con người có. Cô biểu đạt nó vô cùng tinh tế qua giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm, đầy nữ tính. Nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” thể hiện sâu sắc đặc điểm ấy.

Để xây dựng thành công nhân vật Phương Định, có lẽ nhà văn đã rất am hiểu tâm lí tuổi trẻ. Tính cách Phương định được soi chiếu nhiều, nhiều góc độ và trong nhiều trạng thái khác nhau. Có thể nói, cô mang vẻ đẹp của lớp thanh niên yêu nước thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tinh thần nhiệt huyết, sôi nổi, dũng cảm và sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng cách mạng.

Trước hết, Phương Định là cô gái có tâm hồn trong sáng, trẻ trung và yêu đời. Nổi bật ở cô là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, đầy mơ mộng. Đó cũng là nét tính cách dễ thấy ở các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn. Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình ảnh ấy trong nhiều tác phẩm. Họ luôn sẵn trong mình một tình yêu đất nước cao đẹp. Họ mang một tâm hồn phơi phới, nồng nhiệt trước cuộc đời.

Phương Định là cô gái trẻ người Hà Nội, từng có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư. Cô hay nhớ về kỷ niệm đã qua lúc còn ở hà Nội. Kỷ niệm tươi đẹp luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường ác liệt. Chỉ một cơn mưa đá vụt qua là kỷ niệm lại thức dậy trong cô. Nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.

Cô cũng rất nhạy cảm, tỏ ra khá quan tâm đến hình thức của mình. Đó cũng là một sở thích thường thấy ở những cô gái đang độ tuổi xuân xanh. Lúc nào cô cũng cột hai bím tóc thật cao một cách kiêu hãnh. Cô thích ngắm mình trong gương và dành nhiều thời gian để suy nghĩ vẫn vơ.

Biết mình được nhiều người để ý, cô thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng chừng như kiêu kì. Cô hay mơ mộng, tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống. Ngay cả trong cả công việc đầy nguy hiểm cũng gây cho cô nhiều hào hứng.

Công việc phá bom của tổ là để bảo vệ con đường cho dòng xe thẳng ra tiền tuyến. Nó còn có tác dụng xua tan đi nỗi nhàm chán nơi tuyến đầu im lặng này. Bởi thế, khi nghe tiếng bom nổ, tiếng máy bay oanh tạc, tiếng đất đá bắn tứ tung, tiếng súng lạch cạch đáp trả ở đâu đó, tâm hồn họ lại rộn lên niềm vui, cảm thấy được gần hơn với đồng đội, đồng chí của mình. Cái chết như thách thức thần kinh con người. Để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó, cô cảm thấy thú vị.

Và biểu lộ rõ nhất qua cơn mưa đá ở cuối truyện. Dưới cơn mưa đá chợt nhiên đến, cô reo vui và nhảy lên như đứa trẻ. Cô say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ. Sợ hãi là bản năng vốn có của con người. Nhưng với tình yêu nước, yêu cuộc sống mãnh liệt dường như trong cuộc chiến Phương Định đã vượt lên trên tất cả để chiến đấu và chiến thắng.

Tâm hồn tươi trẻ là tài sản quý báu của con người. Có được tâm hồn ấy ngay giữa chiến trường ác liệt lại càng đáng trân trọng. Tâm hồn ấy, sức trẻ ấy hoàn toàn đối lập với thực tại. Nó giúp con người vượt qua những trở ngại để vươn lên. Nó giúp con người chiến thắng nghịch cảnh để tồn tại. Chiến tranh sẽ kéo dài. Những hi sinh, mất mát vẫn cứ tiếp diễn. Sự sống trở nên mong manh. Nhưng với ý chí kiên cường, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi. Họ vẫn sống và sống mạnh mẽ. Nhà văn Lê Minh Khuê đã tinh tế nhận ra vẻ đẹp ấy trong những con người vốn rất thầm lặng và chìm khuất trên núi rừng Trường Sơn.

Phương Định là người dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, tự tin, tự trọng và có tinh thần trách nhiệm với công việc. Điều này được khắc họa rõ nét trong lần phá bom. Qua ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ vẻ đẹp con người hiện ra. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp. Nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. Cô không đi khom nữa mà đàng hoàng bước tới. Cô bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.

Đó không phải lần đầu tiên cô làm nhiệm vụ này nhưng trước nguy hiểm ai mà chẳng sợ hãi. Lê Minh Khuê đã rất trân trọng điều đó nên nhà văn đã miêu tả chân thực, sinh động. Mọi cảm giác của nhân vật đã được ghi nhận không hề tô vẽ hay lý tưởng hóa nhân vật.

Khi đối diện với cái chết, Phương Định đã tỏ ra bình tĩnh đến đáng sợ. Điều ấy cô cũng hoàn toàn bất ngờ. Trước khi tiếp cận quả bom, cô lo lắng hết sức, vừa sợ vừa lo sơ xuất. Nhưng khi đã tiếp cận nó rồi, trong đầu cô chỉ còn biết là làm cho thật nhanh. Lúc này cô lại thấy hào hứng khi mình đang chạy đưa với thần chết, thách thức thần chết. Cô nhận định rất rõ ràng: “Bây giờ chưa nổ nhưng nhất định sẽ nổ”. Bởi thế, sự sống trở nên mong manh, thành công và thất bại được đặt trong tình thế may rủi. Càng ngẫm nghĩ, càng thấy khâm phục hơn những con người đã vì đất nước mà không ngại ngần hi sinh.

Ở Phương Định còn có tình đồng đội gắn bó keo sơn, thắm thiết. Đối với cô, đồng đội chính là gia đình, là chị em ruột thịt. Khi ngồi chờ Thao và Nho đi thăm dò tình hình bên ngoài, cô vô cùng căng thẳng với bao lí do. Cô sợ họ bị nguy hiểm khi đi dưới mưa bom bão đạn. Đồng đội bị thương như chính cô bị thương. Bởi thế, khi Nho bị thương ở vai, cô vô cùng lo lắng và chăm sóc Nho chu đáo. Cô cũng biết chị Thao cũng lo lắng mặc dù Thao đã cố che dấu bằng việc bảo cô hát. Với đại đội trưởng, cô chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng biết rõ từ cách ăn nói đến đặc điểm riêng. Cô quý trọng và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà mình đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn.

Qua dòng suy tư của Phương Định, người đọc thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng của người lính. Ở cô là tinh thần dũng cảm và tấm lòng hi sinh mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Đó là một thế giới vô cùng bí ẩn đến nỗi chính cô cũng lạ về điều đó. Mọi cảm xúc dường như luôn sẵn có trong cô. Chỉ có dịp là nó bùng lên mạnh mẽ. Ý thức được điều đó, cô luôn biết điều chỉnh mình, đưa tinh thần hướng đến những điều đẹp đẽ và hữu ích nhất ngay lúc này để phục vụ tốt nhất cho cuộc kháng chiến.

Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng. Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm. Phương Định là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.

/***/

Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các em luôn học tốt !

Top 6+ bài văn phân tích nhân vật Phương Định hay và ngắn gọn nhất

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM