Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.
Soạn bài Sông núi nước Nam trang 62
dưới đây sẽ giúp các em hiểu bài và chuẩn bị bài trước khi tới lớp được tốt hơnSoạn bài Sông núi nước Nam lớp 7 tập 1
Đọc - hiểu văn bản
1 - Trang 64 SGK
Căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ở chú thích để nhận dạng thể thơ của bài Sông núi nước Nam về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.
Trả lời
Nguyên văn bài Nam quốc sơn hà là bài thơ chữ Hán được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:
- Bốn câu, mỗi câu bảy chữ.
- Vần ở chữ cuối câu 1, câu 2 và câu 3.
2 - Trang 64 SGK
Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một tuyên ngôn độc lập? Nội dung tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này là gì?
Trả lời
Sông núi nước Nam được coi như là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu của nước ta viết bằng thơ. Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố về quyền của một đất nước và khẳng định không một thế lực nào xâm phạm. Nội dung Tuyên ngôn Độc lập gồm có hai ý:
- Khẳng định chủ quyền, nước Nam là của người Nam (hai câu đầu):
Tác giả khẳng định nước Nam là của người Nam. Đó là điều đã được ghi tại "thiên thư" (sách trời). Tác giả viện đến thiên thư vì ngày xưa người ta vẫn còn coi trời là đấng tối cao. Người Trung Quốc cổ đại tự coi mình là trung tâm củavũ trụ nên vua của họ được gọi là "đế", các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là "vương" (vua của những vùng đất nhỏ). Trong bài thơ này, tác giả đã cố ý dùng từ "Nam đế" (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với "đế" của nước Trung Hoa rộng lớn.
- Kẻ thù không được xâm phạm (hai câu sau).
Ý nghĩa tuyên ngôn còn thể hiện ở lờ khẳng định chắc chắn rằng nếu kẻ thù vi phạm vào quyền tự chủ ấy của nước ta thì chúng thế nào cũng sẽ phải chuốc lấy bại vong.
3 - Trang 64 SGK
Sông núi nước Nam là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến). Vậy nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như thế nào? Hãy nhận xét về bố cục và cách biểu ý đó?
Trả lời
- Hai câu đầu: chủ quyền dân tộc.
- Sông núi nước Nam, vua Nam ở, điều đó cũng có nghĩa là ở phương Bắc thì vua Bắc ở. Đất nào vua ấy. Đó là sự hiển nhiên tất yếu không ai được xâm phạm của ai => chân lí cuộc đời.
- Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam và Trung Quốc. Trời là oai linh tối thượng, sắp đặt và định đoạt tất cả mọi việc. Cương vực lãnh thổ của vua Nam, của người Nam đã được định phận tại sách trời – có nghĩa là không ai được phép đi ngược lại đạo trời => chân lí của đất trời.
Như vậy tuyên bố chủ quyền dựa trên chân lí cuộc đời, chân lí đất trời, dựa trên lẽ phải. Chủ quyền nước Nam là không thể chối cãi, không thể phủ nhận.
- Hai câu cuối: quyến tâm bảo vệ chủ quyền.
- Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm là lời hỏi tội kẻ đã dám làm điều phi nghĩa "nghịch lỗ", dám làm trái đạo người, đạo trời.
- Chúng bay sẽ phải nhận kết cục bại vong.
- Nhận xét bố cục: Bố cục rất chặt chẽ giống như một bài nghị luận. Hai câu đầu nêu lên chân lí khách quan, hai câu sau nêu vấn đề có tính chất hệ quả của chân lí đó.
4 - Trang 64 SGK
Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín). Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó?
Trả lời
Sông núi nước Nam là một bài thơ, cho nên, tuy thiên về sự biểu ý, nó vẫn có biểu cảm (bày tỏ, cảm xúc) ẩn kín vào bên trong ý tưởng. Vì tác giả không bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Người đọc phải nghiền ngẫm mới thấy cảm xúc yêu nước mãnh liệt thể hiện trong đó.
5 - Trang 64 SGK
Qua các cụm từ: “tiệt nhiên” (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác),, “định phận tại thiên thư” (định phận tại sách trời), “hành khan thủ bại hư” (chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại), hãy nhận xét giọng điệu của bài thơ?
Trả lời
Qua các cụm từ này ta thấy giọng điệu bài thơ thể hiện khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của dân tộc.
Bài thơ có giọng điệu đanh thép, hùng hồn để:
- Khẳng định chủ quyền thông qua “thiên thư” sách trời có nghĩa là chân lý không thể phủ nhận được
- Cảnh cáo bọn giặc khi gây ra tội ác chắc chắn sẽ phải chuốc bại vong
Soạn bài Sông núi nước Nam phần Luyện tập
1 - Trang 65 SGK
Nếu có bạn thắc mắc sao không nói là ”Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư" (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?
Trả lời
Bài thơ nói “ Nam đế cư” mà không nói “Nam nhân cư" (người Nam ở)
- Nói Nam đế cư để khẳng định sự ngang hàng giữa Việt Nam với Trung Quốc. (Trung Quốc luôn cho rằng mình là quốc gia lớn, chỉ có vua của họ mới được gọi là Thiên tử, còn các vị vua ở các nước khác chỉ được phép xưng vương)
- Khẳng định nền độc lập của quốc gia dân tộc, khi tuyên bố nước Nam do vua Nam đứng đầu
→ Ý thức, lòng tự tôn dân tộc và sức mạnh ngoan cường được khẳng định chắc chắn, đầy tự hào.
Trên đây là phần Soạn bài Sông núi nước Nam ngữ văn 7 chi tiết nhất do Đọc Tài Liệu thực hiện, các em cũng đừng quên tham khảo các bài học khác trong phần soan ngu van 7 trọn bộ cả năm theo đúng chương trình sách giáo khoa nhé!
Xem thêm văn mẫu: Phân tích bài Sông núi nước Nam
Trên đây là nội dung soạn bài Sông núi nước Nam chi tiết nhất, nếu không có quá nhiều thơi gian soạn bài học này ở nhà thì các em có thể xem thêm phần Soạn văn 7 Sông núi nước Nam ngắn nhất dưới đây nhé:
Soạn bài Sông núi nước Nam siêu ngắn
Đọc - hiểu văn bản
Bài 1 trang 64 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Bài thơ Nam quốc sơn hà thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu 7 tiếng; hiệp vần cuối câu.
Bài 2 trang 64 SGK Ngữ văn 7 tập 1
- Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố về chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia.
- Nội dung Tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này:
- Nước Nam thuộc chủ quyền người Nam, có vị vua riêng, nước Nam độc lập đã là phận định sẵn.
- Khi ngoại bang xâm chiếm nhất định sẽ gánh lấy thất bại.
Bài 3 trang 64 SGK Ngữ văn 7 tập 1
- Bố cục thể hiện nội dung biểu ý :
+ Hai câu đầu: nước Nam là của người Nam, điều đó đã được định ở sách trời.
+ Kẻ thù không được phép xâm phạm nếu không sẽ chuốc lấy bại vong.
- Nhận xét: bố cục lô-gic và chặt chẽ, nêu chủ quyền trước, sau biểu ý quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Bài 4 trang 64 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam còn biểu cảm. Điều đó được bộc lộ trực tiếp mà kín đáo qua lời khẳng định, ngôn từ đanh thép, mãnh liệt, quyết tâm.
Bài 5 trang 64 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Giọng điệu bài thơ qua ngôn ngữ: dõng dạc, đanh thép, mang đầy tinh thần hào hùng dân tộc.
Luyện tập
Bài 1 trang 65 SGK Ngữ văn 7 tập 1
“Nam đế cư” khẳng định sự bình đẳng giữa hai nước, nước có vua là nước độc lập. Người xưa coi trời là đấng tối cao và vua (thiên tử - con trời) mới có quyền định đoạt mọi việc ở trần gian. Nước Nam có “Nam đế cư” – có Thiên tử chứ không phải là “vua nhỏ” dưới quyền cai trị của Hoàng đế Trung Hoa.
Kiến thức cần ghi nhớ
1. Tác phẩm
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ chưa rõ tác giả là ai và có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó có truyền thuyết: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát có tiếng ngâm bài thơ này
- Bố cục
- Phần 1 (hai câu thơ đầu): Lời khẳng định chủ quyền của đất nước
- Phần 2 (hai câu còn lại): Quyết tâm bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc
2. Về nội dung: khẳng định chủ quyền của dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền ấy trước mọi kẻ thù xâm lược
3. Về nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ hùng hồn, đanh thép,..
Các em có thể truy cập vào trang để tìm hiểu rõ hơn nội dung và nghệ thuật bài sông núi nước Nam mà Đọc tài liệu đã biên tập.
Bài Sông núi nước Nam - Nam quốc sơn hà - 南國山河
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.
Nguyên văn tác phẩm:
南國山河
南國山河南帝居,
截然定分在天書。
如何逆虜來侵犯,
汝等行看取敗虛
Vậy là Đọc tài liệu đã hướng dẫn các em chi tiết cách soạn bài Sông núi nước Nam cả chi tiết và ngắn gọn các ý, mong rằng với nội dung này các em sẽ đưa ra cho mình một phần soạn bài tốt nhất trước khi đến lớp.
Xem thêm:
- Bài trước: Soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản
- Bài sau: Soạn bài Phò giá về kinh