Nội dung và nghệ thuật bài Sông núi nước Nam

Xuất bản: 17/09/2019 - Tác giả:

Tham khảo trình bày giá trị nội dung và nghệ thuật qua bài thơ Sông núi nước Nam, nội dung chính của bài thơ mà tác giả muốn muốn người đọc hiểu được

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Sông núi nước Nam:

+ Về nội dung: khẳng định chủ quyền của dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền ấy trước mọi kẻ thù xâm lược

+ Về nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ hùng hồn, đanh thép,..

-> Cảm nhận về bài thơ: Bài thơ khẳng định đanh thép, cảm xúc mãnh liệt, tinh thần sắt đá, ý chí quyết tâm không gì lay chuyển, khuất phục nổi. Cảm xúc và ý chí ấy không được bộc lộ trực tiếp mà kín đáo qua hình tượng và ngôn ngữ.

Nội dung diễn đạt của bài Sông núi nước Nam

- Nội dung đầu tiên (2 câu đầu): Nước Nam là của người Nam. Điều đó được sách trời định sẵn, rõ ràng.

+ Thời đó (thế kỉ XI), xưng Nam quốc là có ý nghĩa sâu xa bởi sau một ngàn năm đô hộ nước ta, bọn phong kiến phương Bắc chỉ coi nước ta là một quận của chúng và không thừa nhận nưởc ta là một quốc gia độc lập, có chủ quyền về lãnh thổ. Tiếp đó, xưng Nam đế cũng có nghĩa như vậy. Đế là hoàng đế. Xưng Nam đế có nghĩa đặt vua của nước ta ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa (vua các nước chư hầu chỉ được gọi là Vương). Khẳng định nước Nam là của người Nam là khẳng định chủ quyền độc lập của nước ta. Đó là một chân lí không gì có thể bác bỏ được. Đó còn là sự khẳng định tư thê làm chủ đất nước của dân tộc ta - một tư thế tự hào, hiên ngang.

+ Sự thật lịch sử trên lại được ghi “tại thiên thư” - điều ấy đã được trời định nên thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Câu 2 nhuốm màu thần linh khiến cho sự khẳng định ở câu 1 tăng thêm.

- Nội dung thứ hai (2 câu sau): Kẻ thù không được xâm phạm. Xâm phạm tất sẽ thảm bại.

+ Sau khi khẳng định chủ quyền của dân tộc, câu 3 bộc lộ thái độ đối với bọn giặc cướp nưởc - đó là thái độ vừa ngạc nhiên, vừa khinh bỉ: Tại sao quân lính của một nước tự xưng là thiên triều lại dám ngang nhiên xâm phạm trái lệnh trời? Đúng là bọn giặc, lũ phản nghịch mới dám hành động như vậy (nghịch lỗ: giặc dữ).

+ Câu 4 như là lời trực tiếp nói với bọn giặc dám xâm phạm tới đạo trời và lòng người, rằng: chúng sẽ thua to và nhất định chuốc lấy thất bại thảm hại. Điều đó chứng tỏ người sáng tác có niềm tin sắt đá là sẽ có đủ sức mạnh để bảo vệ chân lí, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ đất nước. Hai câu sau khẳng định một lần nữa chân lí về chủ quyền độc lập của dân tộc. Chân lí ấy hợp ý trời và thuận lòng người.

=> Bố cục nội dung bài thơ rõ ràng, mạch lạc. Cách lập luận của bài thơ thuyết phục người đọc, người nghe: "Nước Nam là một nước có chủ quyền - đó là lẽ tự nhiên của trời đất. Chính vì thế, những kẻ làm trái đạo trời, đi ngược lẽ phải tất yếu sẽ thảm bại."

Đặc sắc về nghệ thuật của bài Sông núi nước Nam

- Bài thơ được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, cô đọng với việc sử dụng từ ngữ chính xác. Các từ ngữ đế, cư, tiệt nhiên, thiên thư, thủ bại góp phần khẳng dịnh chân lí thiêng liêng cao cả. Nước Nam là của người Việt, nước Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

- Bài thơ viết bằng chữ Hán, có nhiều yếu tố Hán Việt khiến cho lời thì ít nhưng ý vô cùng.

- Giọng điệu chung của bài thơ là đanh thép, dứt khoát như dao chém đá. Cảm xúc của người viết được dồn nén trong ý tưởng. Đó cũng là đặc điểm chung của thơ trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán - bày tỏ ý chí, quan điểm, tấm lòng,... Lời thơ như những câu nghị luận, mang tính chất tuyên ngôn và ẩn trong đó là cảm xúc tự hào dân tộc, là ý chí quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, cương vực đất nước.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Sông núi nước Nam để hiểu rõ hơn em nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM