So sánh thiên nhiên hiện lên trong Tây Tiến và Việt Bắc

Xuất bản: 09/05/2019 - Cập nhật: 04/12/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Dàn ý chi tiết so sánh thiên nhiên hiện lên trong Tây Tiến và Việt Bắc qua 2 đoạn thơ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm và Nhớ khi giặc đến giặc lùng

So sánh thiên nhiên hiện lên trong Tây Tiến và Việt Bắc gồm dàn ý chi tiết nhất kèm theo bài văn mẫu tham khảo phân tích và so sánh hình ảnh thiên nhiên trong 2 bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu).

Đề bài: Cảm nhận của anh, chị về hai đoạn thơ sau:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

(Trích tác phẩm Tây Tiến, Quang Dũng)

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù.

(Trích tác phẩm Việt Bắc, Tố Hữu )

Dàn ý nêu cảm nhận và so sánh thiên nhiên hiện lên trong Tây Tiến và Việt Bắc

1. Giới thiệu chung về 2 tác giả và dẫn dắt 2 đoạn thơ trên:

- Tố Hữu và Quang Dũng đều là nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp. Quang Dũng là chàng trai trẻ Hà Thành xếp áo thư sinh mặc áo lính, tâm hồn lãng mạn hào hoa. Còn Tố Hữu được ví như lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, sự nghiệp thơ gắn với sự nghiệp cách mạng.

- Hai bài thơ sáng tác ở hai giai đoạn khác nhau: lấy cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc làm trung tâm, Tây Tiến sáng tác ở giai đoạn đầu, Việt Bắc là bản tổng kết một hành trình lịch sử sau khi quân và dân ta đã toàn thắng.

- Hai đoạn thơ mô tả hình ảnh thiên nhiên mà hai tác giả cảm nhận được trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nó còn thể hiện tình yêu thiên nhiên của 2 tác giả.

2. Nêu cảm nhận về 2 đoạn thơ

a. Cảm nhận về thiên nhiên trong đoạn thơ Tây Tiến

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

(trích Tây Tiến, Quang Dũng)

- Đoạn thơ nằm ở phần đầu tác phẩm, khi tác giả nói về nỗi nhớ da diết với núi rừng Tây Bắc, nơi đóng quân của đoàn Tây Tiến. Ngồi ở Phù Lưu Chanh mà nỗi nhớ cứ như ăm ắp dội về.

- Đoạn thơ khắc họa thiên nhiên núi rừng đầy hiểm trở:

+ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm: địa hình toàn núi cao, hiểm trở. Tác giả sử dụng những thanh trắc liên tiếp nhau như đoạn đường gồ ghề, lên dốc xuống đèo trên đường hành quân củ người chiến sĩ.

+ Vừa khúc khuỷu, khó đi, vừa thăm thẳm nơi núi rừng, địa hình ấy còn cao, gợi cảm giác đoàn quân đi, đầu súng có thể cham tới trời.

+ Khắc nghiệt của núi rừng hiểm trở còn có “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Điệp từ “ngàn thước” lặp lại hai lần trong một câu thơ nói về số nhiều, cứ trùng trùng điệp điệp, hết cái này lại đến cái khác. Cặp từ đối lập “lên cao” – “xuống” làm ta hình dung ra con đường hành quân vô cùng gian lao. Nơi ấy rừng sâu nước độc. Nơi ấy địa hình hiểm trở cứ như chỉ chờ để nuốt chửng con người.

- Thiên nhiên không chỉ hiện lên hiểm trở, dữ dội mà cũng có nét rất hiền hóa, đáng yêu, thơ mộng. Đó là câu thơ toàn thanh trắc ở cuối như gợi lên cái vẻ dịu dàng sau bao nhiêu đoạn trèo núi vượt đồi.

=> Đoạn thơ hiện lên như một bản đồ đầy khúc khuỷu, gập ghềnh, cũng có những chỗ bằng phẳng, dịu êm. Đó là đặc trưng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.

- Tâm trạng của con người:

+ Bao trùm lên tất cả là nỗi nhớ của một người đã từng gắn bó máu thịt nhưng nay phải đi xa, nên tha thiết, nhớ thương.

+ Người lính Tây tiến lạc quan, coi thường mọi khó khăn gian khổ: Cách nói “súng ngửi trời” tếu táo cho thấy tâm hồn họ luôn trẻ trung, biến mọi khó khăn trở nên nhẹ nhàng. Phẩm chất ấy tiếp thêm sức mạnh để người lính luôn hoàn thành nhiệm vụ.

+ Dũng cảm: Không khắc họa trực tiếp nhưng để vượt qua một chặng đường như vậy, người lính Tây tiến phải có lòng dung cảm, lý tưởng sống chiến đấu cho Tổ quốc đã giúp họ vượt qua tất cả.

- Nghệ thuật: Nhà thơ sử dụng từ láy, điệp từ, từ trái nghĩa nhằm hiện lên chân thực nhất hình ảnh núi rừng. Đọc đoạn thơ, nhịp điệu nhịp nhàng, như âm nhạc vang lên, có tiết tấu. Thơ Quang Dũng như ngậm nhạc ở trong miệng (Xuân Diệu) là như vậy.

Để hiểu sâu sắc hơn thì các em hãy đọc thêm bài vân mẫu đề tài: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

b. Cảm nhận về thiên nhiên trong đoạn thơ Việt Bắc

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù.

(trích Việt Bắc)

- Đoạn thơ cũng nói về nỗi nhớ của những người miền xuôi về lại thủ đô, nhớ những ngày tháng còn gian khổ chiến đấu với đồng bào Tây Bắc.

- Thiên nhiên hiện lên dữ dội với kẻ thù và là người thân, đồng chí với quân và dân ta:

+ Núi giăng thành lũy sắt dày: Biện pháp so sánh làm nổi bật địa thế của núi cao. Với kẻ thù, nó như lũy sắt dày bao vây, cô lập kẻ thù, khiến chúng khó lòng trốn thoát được, nhất là trong khi không hiểu gì về điều kiện địa hình.

+ Rừng vây quân thù: rừng cây rậm rạp, nơi kẻ thù thiết kế bao thiết bị thông minh để lấy thông tin bí mật của ta nhưng chính chúng lại không ngờ nơi đây sẽ là nơi bao vây, cấm vận chúng. Nhìn đâu cũng thấy một màu xanh ngút ngàn, làm sao có thể xác định được phương hướng.

+ Ngược lại, với quân và dân ta, rừng che quân thù, khoác lên người bộ quân phục màu xanh là hòa mình vào với cỏ cây sông núi. Không dễ gì địch có thể phát hiện ra. Màu xanh ấy là màu thiêng liêng cho tới tận bây giờ của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.

=> Những hiểu biết sâu sắc của một người trong cuộc đã giúp Tố Hữu tái hiện sâu sắc những đặc điểm của thiên nhiên cũng như quá trình quân dân ta đối phó với Thực dân Pháp xâm lược. Nhờ núi rừng quê hương mà chúng ta có chiến thắng vang dội.

- Tâm trạng:

+ Nỗi nhớ được khẳng định ở ngay câu thơ đầu tiên.

+ Lòng dũng cảm, cao hơn hết là tình yêu quê hương đất nước đã giúp họ đứng vững trong cuộc kháng chiến trường kì và giành thắng lợi vang dội

+ Nhắc đến kỉ niệm còn xen lẫn niềm tự hào. Tự hào về lịch sử dân tộc. Tự hào về những gì chúng ta đã làm được trong thời đại Hồ Chí Minh anh hùng này.

- Nghệ thuật: thơ lục bát, những câu thơ chia thành hai vế thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên.

Để hiểu rõ hơn thì các em có thể xem thêm Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc!

c. So sánh giống và khác nhau giữa hai đoạn thơ mô tả thiên nhiên trong Tây Tiến và Việt Bắc

- Giống nhau:

+ Cùng nói về nỗi nhớ thiên nhiên Tấy Bắc, nơi để thương để nhớ rất nhiều trong văn học vì nó thuần tình thuần hậu.

+ Nhớ về những kỉ niệm một thời đấu tranh gian khổ nhưng anh hùng. Điều này phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, vì trong kháng chiến chống Pháp, vùng núi Tây Bắc là căn cứ địa chính của cách mạng.

+ Hai bức tranh thiên nhiên đều có nét dữ dội, nguy hiểm.

- Khác nhau:

+ Đoạn thơ trong Tây Tiến bộc lộ nỗi nhớ cụ thể của người trong cuộc toát lên vẻ hào hoa, lãng mạn nhưng cũng rất anh hùng. Hình ảnh thơ nghiêng về tả thực, trực quan.

+ Đoạn thơ trong Việt Bắc là cái tình, là lòng biết ơn sâu nặng của người cán bộ chiến sĩ đối với đất, với người Việt Bắc. Vì thế hình ảnh thơ nghiêng về khái quát, tượng trưng.

=> Cái khác tạo nên dấu ấn riêng của người nghệ sĩ.

3. Kết luận: Nêu cảm nhận chung của em về vẻ đẹp thiên nhiên mà hai đoạn thơ đã thể hiện:

- Hai bài thơ góp phần làm phong phú thêm văn học viết về kháng chiến chống Pháp.

- Thể hiện tình yêu quê hương đất nước của tác giả, lối sống nghĩa tình thủy chung của con người Việt Nam.

Bài văn mẫu so sánh hình ảnh thiên nhiên trong Tây Tiến và Việt Bắc hay nhất

Trong rất nhiều bài thơ viết về mảnh đất phía Bắc của Tổ quốc có hai tác phẩm nổi bật hơn cả đó là Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng và Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Đây đều là những tác phẩm viết về cách mạng, về người lính nhưng thông qua đó, người đọc lại được thưởng thức và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên vùng núi phía Bắc thật sinh động và rõ nét.

Thiên nhiên trong Tây Tiến là ở các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai và vùng đất của nước bạn Lào. Cả chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến dù vô cùng gian nan vất vả hiểm nguy nhưng cũng vô cùng tươi đẹp, lãng mạn. Dù phải đối mặt với cái chết và những căn bệnh quái ác, sự đói khát, thiếu thốn, gian khổ nhưng những người lính Tây Tiến vẫn luôn yêu đời, vẫn ngắm nhìn và cảm nhận thiên nhiên qua vẻ đẹp thuần túy của nó. Hàng loạt các địa danh của vùng núi phía Bắc được tác giả nhớ đến và gọi tên: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viên Chăn… Mỗi địa danh, tác giả lại nhớ và nhắc đến với những vẻ đẹp gắn liền với nó. Đó là những trườn dốc cheo leo, khúc khuỷu, là những cồn mây thăm thẳm những cơn mưa mù mịt đất trời. Thiên nhiên ở Tây Tiến hiện lên với nét đẹp hoang sơ, nguyên thủy như chưa có bước chân của con người. Cách miêu tả nhẹ nhàng hài hước ấy vừa tô vẽ lên vẻ đẹp phong thủy, hùng vĩ của đất trời nhưng đồng thời cũng không làm giảm đi giá trị của sự thực đó là sự khắc nghiệt và hiểm nguy của thiên nhiên, con đường họ hành quân. Người đọc cảm nhận như đang mường tượng ra những địa danh mờ mịt mà tác giả nhắc đến, nó hùng tráng, huy hoàng nhưng độc và đầy gian nan. Từ đây người đọc có thể thấy được sự dũng cảm của những người lính đồng thời cũng hiểu được lí do họ gắn bó và tha thiết nhớ mãi không quên vùng đất này.

Thiên nhiên trong Việt Bắc chính là thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc, căn cứ địa cách mạng, nơi đóng quân của bộ máy đầu não trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đấy, thiên nhiên Việt Bắc có thể nói là được miêu tả sinh động, tươi đẹp nhất trong khổ thơ:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

Đây có thể coi là bức tranh tứ bình về cảnh đẹp Việt Bắc xuất sắc nhất bài thơ. Đó là mùa hè với những cảnh vật đặc trưng như cánh rừng xanh thẳm, hoa chuối nở đỏ rừng, là ánh nắng chói chang trên những ngọn đồi và nương rẫy. Mùa xuân thì đến với những hình ảnh hoa mơ trắng rừng lãng mạn, thơ mộng huyền ảo vô cùng. Mùa thu lại là màu của lá vàng, của ánh trăng dìu dịu nhẹ nhàng phủ lên đất trời. Mỗi một mùa của núi rừng Việt Bắc lại gắn với những cảnh vật và màu sắc đặc trưng khiến cho cả đoạn thơ trở thành một bức tranh màu sắc, sống động, rực rỡ và đầy sức sống. Chính nơi đây đã nuôi sống cán bộ, nuôi sống những chiến sỹ Việt Bắc, trở thành quê hương thứ hai của họ. Khiến họ khi về xuôi vẫn luôn thổn thức “Mình về mình có nhớ ta, ta về ta nhớ…”.

Thông qua hai bài thơ, người đọc có thể thấy được cảnh vật ở miền Bắc nước ta tươi đẹp quá, mỗi vùng đất lại có những nét đẹp riêng, được miêu tả bằng cách nhìn riêng nhưng nổi bật hơn cả là sự tự nhiên, hoang dã đầy sức sống. Những bức tranh ấy như lời kêu gọi con người hôm nay càng phải biết trân trọng, yêu quý hơn nữa từng mảnh ghép quý giá của thiên nhiên đất trời. Biết ơn những người chiến sỹ đã ngã xuống cho chúng ta hòa bình ngày hôm nay.

>>> Đọc thêm văn mẫu hayPhân tích vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến

-/-

Trên đây là mẫu dàn ý và bài văn mẫu hay nhất nêu cảm nhận và so sánh thiên nhiên hiện lên trong Tây TiếnViệt Bắc mà các em có thể tham khảo, mong rằng nội dung này sẽ hữu ích cho các em!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM