Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ

Xuất bản: 02/03/2022 - Cập nhật: 15/06/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ, lập dàn ý chi tiết và tham khảo những bài văn mẫu hay phân tích nội dung khổ thơ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

Tài liệu hướng dẫn phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm hệ thống dàn ý chi tiết và một số bài văn phân tích hay nội dung khổ thơ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ.

Hướng dẫn làm bài phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung, nghệ thuật của khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ

- Phạm vi tư liệu dẫn chứng: các chi tiết, hình ảnh được nhắc đến trong khổ thơ thứ hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm chính của khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ

Trong nội dung phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ, các em cần lưu ý bám sát 2 luận điểm chính quan trọng nhất đó là:

- Luận điểm 1: Bức tranh sông nước nhuốm màu tâm trạng

- Luận điểm 2: Tâm trạng của nhân vật trữ tình trước sự chảy trôi buồn một nỗi buồn ly tán.

* Xem thêm nội dung soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để có thể xác định luận điểm dễ dàng hơn.

Dàn ý chi tiết bài văn phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ

1. Mở bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 2

- Giới thiệu khái quát về tác giả Hàn Mặc Tử và tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ

- Dẫn dắt khổ thơ thứ 2 của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Ví dụ mẫu:

Hàn Mặc Tử là một trong những gương mặt đặc sắc của phong trào Thơ mới. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói của một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu cảnh vật, yêu con người nồng nàn, tha thiết. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một tác phẩm mang một tình yêu, khát khao cuộc sống như vậy. Đặc biệt khổ thơ thứ 2 của bài thơ mang đến một hoài niệm và tâm trạng lo âu của thi sĩ.

2. Thân bài phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ

- Luận điểm 1: Khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh sông nước nhuốm màu tâm trạng

+ “Gió”, “mây” với phép điệp từ như tạo nên sự ngăn cách giữa cảnh vật trong khung cảnh thiên nhiên. -> Không gian ở câu này được mở rộng hơn so với đoạn 1.

+ Gió đi đường của gió, mây bay theo hướng của mây, gió và mây không thể tách rời nhưng dường như không thể cùng nhau => tâm trạng buồn man mác, cảm giác chia ly, đoạn tuyệt, xa cách.

+ Phép nhân hóa dòng nước buồn thiu và động từ “lay” gợi tâm trạng kéo theo. -> Dòng sông như bất động, không muốn chảy, thể hiện tâm trạng buồn.

=> Sự mặc cảm về thân phận, dù yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên đến bao nhiêu thì cũng không thể chối bỏ sự thật là bản thân không thể trở về với cuộc sống tươi đẹp kia được nữa.

- Luận điểm 2: Tâm trạng của nhân vật trữ tình trước sự chảy trôi buồn một nỗi buồn ly tán.

+ Cái tôi trong khổ 2 như bị quên lãng, bị bỏ rơi giữa dòng đời một cách đáng thương. Cái tôi ấy khao khát yêu thương, khao khát cuộc sống nhưng phải chịu cảnh bi thương.

+ Thuyền và sông trăng: Không gian tràn ngập ánh trăng, vừa mơ vừa thực, hư hư ảo ảo khó phân định

+ "ai" là đại từ phiếm chỉ đi cùng với câu hỏi tu từ nhấn mạnh sự vô định, mông lung.

+ “Ánh trăng” là tri kỷ, là niềm tin, là điểm tựa, là hi vọng được thấu hiểu và là cầu nối đưa nhà thơ về với đời thực.

+ "kịp" không chỉ là khát khao mong đợi mà còn âu lo

Có chở trăng về kịp tối nay?

-> Tác giả lo sợ quãng thời gian còn lại quá ít ỏi, trong khi khao khát sống, tình yêu với thiên nhiên và cuộc đời vẫn mãi cháy bỏng.

=> Lời thơ mang những nỗi buồn nặng trĩu, nỗi buồn của sự cô đơn, mặc cảm, tiếc nuối, lo âu, phấp phỏng...

3. Kết bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 2

- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của khổ thơ đối với cả bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

Ví dụ:

Qua khổ thơ thứ hai bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử, chúng ta cảm nhận được những tâm tư của nhà thơ nhờ bức tranh thiên nhiên xứ Huế. Tuy những tâm trạng đó chỉ là của riêng tác giả nhưng lại có sức ảnh hưởng, có sự cộng hưởng rộng rãi và bền lâu trong lòng người đọc. Chỉ một đoạn thơ bốn câu ngắn ngủi nhưng vẫn chứa đựng tất cả, thiên nhiên xứ Huế, tình yêu của tác giả với xứ Huế nói chung và Vĩ Dạ nói riêng.

4. Sơ đồ tư duy phân tích khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ

So do tu duy phan tich kho 1 bai Day thon Vi Da

Xem tham khảo thêm các mẫu sơ đồ tư duy Đây thôn Vĩ Dạ khác theo từng dạng đề

Top 3 bài văn hay phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Dưới đây là 3 bài văn mẫu phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ hay do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp gửi tới các bạn làm nguồn tài liệu tham khảo trước khi viết bài.

Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 1

Hàn Mạc Tử là một nhà thơ tài hoa nhưng không được may mắn trong cuộc sống. Khi ra đi ông để lại một kho tàn văn thơ vô cùng to lớn. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông viết về cảnh thôn Vĩ, nơi có người ông thương. Trong đó, khổ 2 của bài thơ Đây thôn vĩ Dạ đã cho ta thấy được cảnh đẹp mơ mộng, huyền ảo của thôn Vĩ, đồng thời thể hiện tâm trạng buồn bã, lo âu của nhà thơ.

Ở khổ thơ đầu, người đọc đã cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ, tuy phải sống cuộc đời đầy bi kịch nhưng vẫn khát khao được sống và yêu đời tha thiết. Khổ thơ thứ hai được mở ra, khiến người đọc cảm nhận được hoài niệm về cảnh sông nước đêm trăng, hòa theo đó là tâm trạng lo âu, phấp phỏng của thi sĩ.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Dòng sông có nhiều cách hiểu, nhưng dù hiểu theo cách nào thì vẫn gợi ý thức về sông Hương - linh hồn của Huế. Cảnh vật được miêu tả rất nhẹ nhàng, êm ả, gợi đặc điểm riêng của Huế: gió khẽ lay, mây khẽ bay, hoa bắp khẽ đung đưa, chuyển động rất nhẹ nhàng, êm ả, gợi không gian rất thanh bình, rất Huế. Cảnh vật đượm buồn: buồn thiu, buồn sâu lắng, buồn nhuốm vào không gian, cảnh vật, thường là nỗi buồn từ thế giới bên ngoài tác động. Câu thơ như dài ra, căng ra, khiến nỗi buồn như dằng dặc.

Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật “nhân hóa”, dòng sông đã trở thành một sinh thể, có tâm trạng, có hồn, mang nỗi niềm của con người. Cảnh vật như nhuốm màu chia ly “Gió theo lối gió mây đường mây”. Câu thơ tách nhịp 4/3 chia làm hai nửa: một gió một mây. Từ “gió” được điệp lại ở vế một, đóng khung một thế giới đầy gió, chỉ có gió, chỉ riêng gió. Từ “mây” điệp ở vế hai, tạo nên một thế giới mây khép kín chỉ có mây. Vậy là hai sự vật vốn dĩ chỉ đi liền với nhau thì nay tác biệt và chia lìa.

Gió đóng khung trong gió, mây khép kín trong mây. Câu thơ mang đến một hiện thực phi lý về hiện thực khách quan, nhưng rất có lý về hiện thực tâm trạng. Thi sĩ đang sống trong cảnh chia ly, cách biệt, sống trong cảnh đời đầy nghịch lý cho nên gió cứ gió, mây cứ mây. Từ “lay” mang một nỗi buồn trong ca dao, chỉ hoạt động rất nhẹ của sự vật hiện tượng khi có gió nhẹ. Nó mang nỗi buồn truyền thống của ca dao, thổi vào nỗi buồn muôn thuở của con người.

Hai câu thơ sau, ta nhận ra được tâm trạng lo âu, phấp phỏng của thi sĩ:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Cảnh vật được gợi ra một cách lung linh, huyền ảo, tràn ngập ánh trăng, mang ý nghĩa vừa thực vừa ảo. “Sông trăng” có thể hiểu là dòng sông tràn ngập ánh trăng, cũng có thể là trăng tuôn chảy thành dòng. “Thuyền trăng” là con thuyền chở đầy trăng, cũng có thể hiểu là trăng giống như hình ảnh một con thuyền. Dù hiểu theo cách nào thì trăng đã tràn ngập cả không gian, vừa thực vừa ảo, tạo nên một cảm giác mơ hồ. Trong thơ của Hàn Mặc Tử có cả một miền trăng, để có một thế giới tri âm, chất chứa tâm sự, giải tỏa những niềm đau, trăng đối với Hàn Mặc Tử là một người bạn tri âm.

“Thuyền ai” lại gợi ra một danh từ phiếm chỉ. Hai câu thơ chứa đựng cả những hình ảnh mâu thuẫn. Câu dưới không có trăng, ý thơ phi lý về hiện thực nhưng chúng ta có thể lý giải được khi dựa vào tâm trạng của chủ thể trữ tình. Trăng lúc có lúc không, mong manh và mờ ảo, người tri kỷ cũng mờ ảo và mong manh nên lo âu, phấp phỏng là thế. Chờ trăng là chờ sự tri âm, chờ sự đồng điệu, chờ sự sẻ chia và chờ được khát khao, giao cảm với đời, là một con người bình thường mong muốn sự giao cảm.

Từ “kịp” thể hiện một tâm trạng lo âu của nhà thơ, tâm trạng đợi chờ, khao khát. Qua đó thể hiện được quỹ thời gian sống đang bị vơi cạn đi từng ngày, cuộc chia lìa vĩnh viễn có thể đến bất cứ lúc nào. Với một người bình thường nếu không trở về tối nay thì còn nhiều những đêm khác, nhưng với Hàn Mặc Tử nếu thuyền không trở về tối nay, không có sự tri âm thì thi sĩ sẽ ra đi vĩnh viễn trong đau buồn.

Những cảm nhận khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ cho ta thấy được hoài niệm của tác giả về cảnh sông nước đêm trăng, đồng thời cũng hiểu được tâm trạng lo âu, phấp phỏng của nhà thơ. Tác giả cũng đang chờ đợi sự tri âm, sự chia sẻ để dịu bớt nỗi đau trên hành trình trở về thế giới bên kia. Đó hay chăng chính là sự xót xa trong bi kịch cuộc đời của một thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.

Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 2

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938 được in trong tập thơ Điên là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của ông. Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của cô gái Hoàng Thị Kim Cúc vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên bờ sông Hương xứ Huế thơ mộng trữ tình. Khổ thơ thứ hai trong bài đã thể hiện nỗi niềm khắc khoải, lo âu của nhà thơ qua việc miêu tả vẻ đẹp cảnh trời mây sông nước xứ Huế nên thơ.

Nếu ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ tập trung miêu tả cảnh vườn tược và con người thôn Vĩ trong nắng sớm ban mai ngập tràn sức sống thì với khổ thơ thứ hai nhà thơ lại chú ý đến thôn Vĩ bên dòng sông Hương mênh mang buồn. Sông Hương vốn là một vẻ đẹp của Huế, không chỉ đẹp trong đời thực mà còn rất nổi tiếng trong thơ văn khi viết về cố đô. Giờ đây sông Hương cũng đi vào thơ Hàn Mặc Tử lại mang những đường nét tâm hồn rất riêng của nhà thơ.

"Gió theo lối gió mây đường mây"

Nếu ở khổ thơ thứ nhất hình ảnh vườn Vĩ Dạ trong nắng sớm ban mai tươi đẹp tràn đầy sức sống thì ở khổ thơ này cảnh bỗng biến thành buổi chiều tối và nhuốm màu chia li cách biệt. Cảnh trời mây sông nước xứ Huế hiện lên trữ tình thơ mộng trong sự hài hòa, cân đối giữa "gió" và "mây", giữa "dòng nước" và "hoa bắp" thế nhưng ta vẫn cảm nhận được một nỗi buồn phảng phất sâu lắng bởi hình ảnh gió, mây trôi lang thang, chia lìa đôi ngả.

Thông thưởng gió và mây không thể tách rời: "Gió cuốn mây trôi, gió thổi mây bay" gió mây cùng chiều. Nhưng ở đây gió theo lối gió, mây đường mây, gió thổi một đằng, mây bay một nẻo, gió mây trái chiều, lạc điệu với nhau. Dấu phẩy đặt giữa dòng cùng nhịp thơ 4/3 như một sự chia cắt phũ phàng khiến gió mây càng chia cắt nhau mãnh liệt. Chỉ trong một câu thơ mà hình ảnh gió mây trở đi trở lại nhưng nó không tạo nên vẻ quấn quýt, gắn bó mà người lại càng tô đậm hơn sự chia lìa phân tán. Như vậy, ở câu thơ này ta thấy có sự phi lý về hiện tượng khách quan nhưng lại hợp lý về logic nghệ thuật. Bởi trong cảnh ngộ bất hạnh, bi thương, thi sĩ đã thấy sự chia li can thiệp vào những thứ vốn không thể tách rời, và hình ảnh ở đây được thi nhân cảm nhận qua tâm trạng buồn thương cách biệt của mình.

Ở câu thơ thứ hai cảnh cũng đượm buồn vì được cảm nhận qua tâm trạng buồn của thi nhân:

"Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"

Tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp nhân hóa để biến dòng sông cũng trở nên có hồn, cũng chất chứa tâm trạng, nỗi niềm "buồn hiu" - một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và chứa cả sự chán chường. Hình ảnh hoa bắp với động thái "lay" nhẹ nhàng gợi lên sự sống yếu ớt nhỏ nhoi, câu thơ không tả gió nhưng ta vẫn thấy gió lặng lờ dòng nước và phất phơ, vật vờ những bông hoa bắp với gam màu u trầm, tím nhạt hoặc vàng nhạt.

Và nếu khổ thơ thứ nhất cảnh tràn đầy sức sống, con người và thiên nhiên hài hòa trong nhau thì sang khổ thơ thứ hai cảnh đã đem lại cho ta ấn tượng về sự rời rạc, phân rã buồn và cô đơn, phải chăng chính niềm cô đơn trong tâm hồn đã thấm vào cảnh vật. Trong sa mạc cô đơn của nỗi buồn xa cách, thi sĩ đã thiết tha, khao khát mong đợi một vầng trăng, chính vì thế cảnh thiên nhiên, mây trời sông nước càng trở nên thơ mộng, huyền ảo qua những câu thơ đầy trăng.

" Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay"

Cả không gian ngập tràn ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng và một con thuyền chở đầy ánh trăng, ta đã bắt gặp hình ảnh thuyền trăng trong cách sáng tác của nhiều thi nhân. Với bài thơ "Rằm tháng giêng" Bác Hồ đã từng nói: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" nhưng có vẽ hình ảnh "bến sông trăng" là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mới lạ, rất riêng của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đang tự hỏi thuyền chở trăng đậu ở bến sông trăng có chở trăng về kịp tối nay? "Về" là về đây, về nơi cõi lòng u tối mà thi nhân đang mong ngóng, đợi chờ.

Trong cảnh ngộ bệnh tật dày vò, phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài thì cái giường bé nhỏ của nhà thơ là cả một sa mạc cô đơn, thế nên nhà thơ càng khao khát đợi một vầng trăng, dẫu là trong hoài niệm. Như vậy, vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử không những là hình ảnh đẹp của thiên nhiên là tri âm tri kỷ mà còn là bến bờ hạnh phúc mà thi nhân khao khát mong chờ.

Tiếc thay niềm khao khát tha thiết mãnh liệt ấy lại trở nên mơ hồ, mong manh, thậm chí là xa vời bởi thi sĩ đã đặt vào câu hỏi tu từ một đại từ phiếm chỉ "ai" trong "thuyền ai" để chỉ một con thuyền cố định. Không những thế, giọng thơ khắc khoải cùng với cách nói "kịp tối nay" gợi ý niệm về thời gian vô cùng gấp gáp khiến thi nhân phấp phỏm lo âu: Liệu mình có đủ thời gian đợi chờ? Bởi vì, đối với người bình thường, thuyền không chở trăng về kịp tối nay, còn có tối mai, tối khác, không kịp ngày này còn có ngày nọ, tháng kia, còn đối với Hàn Mặc Tử thì không được như thế nữa rồi. Nếu "thuyền" không "chở trăng về kịp tối nay" thì biết đâu thi sĩ sẽ ra đi vĩnh viễn trong nuối tiếc đau buồn. Tác giả đã chạy đua vội vàng với thời gian bởi quỹ thời gian sống còn ngắn ngủi đang vơi đi từng khắc từng ngày. Câu thơ nói cảnh mà thấm đẫm cảm giác mong manh, chứa đầy linh cảm về sự mất mát, lỡ làng.

Có đặt trong hoàn cảnh riêng của Hàn Mặc Tử ta mới hiểu hết được nỗi đau của thân phận và duyên phận của chàng thi sĩ trẻ tài hoa bạc mệnh. Dẫu có bị cuộc đời từ bỏ một cách phũ phàng, dẫu có ở trong thế giới tối tắm đau khổ bất hạnh thì nhà thơ vẫn thiết tha níu kéo cuộc đời, vẫn luôn hướng đến ánh sáng, hướng đến cõi nhân gian cao sang diễm lệ.

Qua phân tích khổ 2 của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, một hòn đá nặng nề dường như đè nặng lên trái tim người đọc. Ta như cảm nhận được sự hoài niệm cuộc sống đời thường cùng tâm trạng buồn đau, lo âu thấp thỏm của thi sĩ. Trong cảnh cô đơn ấy, con người này vẫn ấp ủ khát khao được giao cảm với đời cùng tình yêu cuộc sống tươi đẹp mãnh liệt. Tuy nhiên, đáp trả thi nhân chỉ là sự cô đơn, xót xa. Đó là bi kịch cuộc đời của một người nghệ sĩ tài hoa nhưng lại bạc mệnh.

>>> Phân tích 2 khổ thơ đầu Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những đề văn hay gặp trong kì thi cuối kì của các em học sinh lớp 11.

Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 3

Hàn Mặc Tử, một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới, thơ của ông luôn phảng phất nỗi buồn. Nổi tiếng trong số các sáng tác của Hàn Mặc Tử là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" được in trong tập thơ "Đau thương". Bài thơ là một bức tranh phong cảnh thôn Vĩ nhưng cũng là bức tranh tâm cảnh chứa đựng nhiều tâm trạng, cảm xúc và tâm sự của nhân vật trữ tình, đặc biệt trong khổ thơ thứ hai, vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn con người đã được đan xen hòa quyện vào nhau.

"Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Có thể nói ở khổ thơ này Hàn Mặc Tử đã hướng tâm trí của mình về dòng sông Hương, một hình ảnh đã gắn liền với thôn Vĩ Dạ, sông Hương hiện lên với vẻ êm đềm, trầm mặc, thơ mộng trữ tình, nhân vật trữ tình hay chính là tác giả nhìn con sông mà trong lòng chứa đựng nhiều suy tư, cảm xúc. Hai câu thơ đầu tác giả dùng bút pháp tả thực vẻ đẹp êm đềm, khoan thai của xứ Huế:

"Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

Mọi cảnh vật dường như chậm rãi: gió khẽ thổi, mây nước lững lờ trôi, hoa bắp khẽ đung đưa lay động, nhà thơ đã dùng biện pháp nhân hóa với cả gió, mây và nước, chúng như mang tâm trạng và cũng có sự liên kết, gắn kết với nhau: có gió mây mới bay, có gió thì dòng sông mới có sóng nước, chúng thường đi với nhau khiến cho cảnh vật trở nên sống động hơn, thế nhưng ở đây mây và gió lại xa rời nhau, gió và mây mỗi bên một đường một ngả tạo nên sự xa cách chia ly. Ít mây ít gió mà mây gió lại không có cùng nhau nên dòng sông cũng đành "buồn thiu", cây cỏ cũng chỉ lay động rất nhẹ, cảnh vật trở nên thiếu sự sống, đây là một hình ảnh đẹp nhưng lại rất hiu quạnh, lặng lẽ và đượm buồn. Hai câu thơ sau khắc họa rõ tâm trạng của nhân vật trữ tình hay chính là nhà thơ:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Tuy mang tâm trạng u buồn, cô đơn nhưng trong tâm hồn của tác giả vẫn chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người xứ Huế, dưới cái nhìn của tâm hồn nhà thơ, dòng sông đã không còn là một dòng sông bình thường có nước chảy mà đã trở thành một dòng "sông trăng", dòng sông chứa đầy ánh sáng trăng vàng, hình ảnh đó khiến cho cảnh vật càng thêm huyền ảo, thơ mộng. Con thuyền có thực trên dòng sông cũng được chuyển đổi thành một con thuyền đậu trên bến sông trăng, thuyền chở trăng về một bến nào đó trong mộng tưởng của nhà thơ.

Câu hỏi tu từ "Có chở trăng về kịp tối nay?" cho thấy tác giả nôn nóng, chờ đợi, mong muốn con thuyền chở trăng về trong tối nay chứ không phải là một tối nào khác, phải chăng cái "tối nay" đó là một tối thật buồn, thật cô đơn, nhà thơ muốn được tâm sự với trăng, và cũng chỉ có trăng mới hiểu được nỗi lòng nhà thơ. Mong chờ trăng cũng cho thấy Hàn Mặc Tử rất yêu trăng, ông cũng yêu cảnh vật và con người Huế nhưng hai thứ đó không thấu hiểu và không đáp lại được tình yêu của nhà thơ. Nhà thơ mong muốn gặp được trăng cũng giống như khao khát gặp được một tình yêu tha thiết, kín đáo, nhưng đó là sự chờ đợi khắc khoải, khôn nguôi.

Qua khổ thơ thứ hai bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử chúng ta cảm nhận được những tâm tư của nhà thơ nhờ bức tranh thiên nhiên xứ Huế, tuy những tâm trạng đó chỉ là của riêng tác giả nhưng lại có sức ảnh hưởng, có sự cộng hưởng rộng rãi và bền lâu trong lòng người đọc. Chỉ một đoạn thơ bốn câu ngắn ngủi nhưng vẫn chứa đựng tất cả, thiên nhiên xứ Huế, tình yêu của tác giả với xứ Huế nói chung và Vĩ Dạ nói riêng.

Cảm nhận khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để thấy rõ hơn tâm trạng của tác giả (nhân vật trữ tình) khi đứng trước sự chảy trôi của thời gian, buồn một nỗi buồn ly tán.

_/_

Vừa rồi là một số nội dung hướng dẫn làm bài phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài phân tích hay. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM