Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Xuất bản: 20/03/2020 - Cập nhật: 11/03/2024 - Tác giả:

Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ, hướng dẫn làm bài chi tiết và tuyển tập văn mẫu hay phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

   Cùng Đọc Tài Liệu đi vào phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để thấy được hình ảnh thiên nhiên Huế được thể hiện hết sức sinh động, đẹp đẽ và sống động, qua đó thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả với thành phố Huế mộng mơ.

Để hoàn thành tốt đề văn này, mời các em tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây của chúng tôi bao gồm dàn ý, sơ đồ tư duy và tuyển tập các bài văn mẫu hay, đạt điểm cao.

 Cùng tham khảo ngay ...

Huong dan phan tich kho 1 Day thon Vi Da cua Han Mac Tu

Hướng dẫn phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

1. Phân tích yêu cầu đề bài

- Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung, nghệ thuật của khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ

- Phạm vi tư liệu dẫn chứng: các chi tiết, hình ảnh được nhắc đến trong khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm chính khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ

Trong nội dung phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ, các em cần lưu ý bám sát 3 luận điểm chính quan trọng nhất đó là:

- Luận điểm 1: Lời trách yêu của người con gái, làm sống dậy tâm hồn nhà thơ về với quê hương xứ Huế thân yêu

- Luận điểm 2: Cảnh thiên nhiên xứ Huế, cảnh vật nơi thôn Vĩ Dạ

- Luận điểm 3: Hình ảnh con người xuất hiện, thể hiện tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say.

3. Kiến thức cần nắm vững về khổ thơ đầu bài Đây thôn Vĩ Dạ

Vì phạm vi đề bài gói gọn trong khổ 1 của bài Đây thôn Vĩ Dạ nên các em chủ yếu cần củng cố lại những kiến thức đã học liên quan đến khổ 1 của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

a) Nội dung khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ

- Cảnh thiên nhiên và con người thôn Vĩ với những nét đẹp hài hòa hiện lên trong tâm tưởng, hoài niệm của tác giả.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

b) Nghệ thuật khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ

- Câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

- Nghệ thuật so sánh: "xanh như ngọc"

- Sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh tượng trưng, giàu sức liên tưởng: “xanh như ngọc”, “Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Lập dàn ý phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Hàn Mặc Tử là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, tài hoa nhưng bạc mệnh, mất sớm vì bệnh tật. Ông đã để lại cho nền văn chương Việt Nam một lượng tác phẩm có giá trị.

+ Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Hàn Mặc Tử lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của nhà thơ với bà Hoàng Thị Kim Cúc.

- Khái quát nội dung đoạn thơ thứ nhất bài Đây thôn Vĩ Dạ: Khung cảnh thiên nhiên và con người thôn Vĩ hài hòa hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ.

2. Thân bài: Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1

a) Luận điểm 1: Lời trách yêu của người con gái, làm sống dậy tâm hồn nhà thơ về với quê hương xứ Huế thân yêu (Câu thơ mở đầu)

- Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

+ Lời trách yêu của một người con gái, trong đó ẩn giấu sự dỗi hờn và cả sự ngóng trông da diết.

+ Thực tế thì không có một người con gái nào đang trực tiếp đối mặt với Hàn Mặc Tử, bởi vậy có lẽ lời trách yêu này là cất lên từ những bức ảnh, những bức tâm thư, nó xôn xao, nó rạo rực sống dậy trong lòng nhà thơ, hướng trái tim người thi sĩ về với quê hương xứ Huế thân yêu.

b) Luận điểm 2: Cảnh thiên nhiên xứ Huế, cảnh vật nơi thôn Vĩ Dạ (Câu thơ thứ 2,3)

* Câu thơ thứ 2

- Mở ra cảnh thiên nhiên xứ Huế, cảnh vật nơi thôn Vĩ Dạ

- Trước mắt nhà thơ không phải là không gian của thôn Vĩ Dạ mà là một cuộc hành trình trong tâm thức:

+ “nắng hàng cau”: hình ảnh hàng cau hiện lên dưới ánh nắng của buổi ban mai -> Một khung cảnh tươi mát và trong trẻo làm bừng sáng cả tâm hồn người thi sĩ.

+ Cái nắng trong vẻ tinh khôi, tươi mới: "nắng mới lên" tức là nắng của buổi bình minh.

-> Câu thơ có hai từ "nắng" làm cho không gian như tràn ngập ánh sáng, ánh nắng hiện ra cứ trong trẻo và tinh khôi.

+ Điểm nhìn: từ trên cao nhìn xuống từ xa lại gần, một cái nhìn bao quát thấy được màu xanh bao trùm lên khu vườn.

* Câu thơ thứ 3

- "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc": một lời cảm thán thốt lên trước vẻ đẹp của khu vườn.

+ Hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" đã làm hiện lên vẻ đẹp tuyệt diệu của khu vườn thôn Vĩ, sự tươi xanh của khu vườn như một viên ngọc bích khổng lồ, tràn đầy sức sống.

=> "xanh như ngọc" là một hình ảnh so sánh độc đáo, ở đây màu xanh của lá cây được ví với màu xanh của ngọc mang lại cảm giác dễ chịu, tươi mới, tất cả mọi thứ đều non tươi mơn mởn và tràn đầy sức sống.

+ Câu thơ không chỉ đem lại cho ta cảm nhận về thị giác mà còn gợi lên cái cảm giác như được chạm vào những lá xanh mượt mà.

=> Một trong những nét đặc trưng của các nhà thơ mới chịu ảnh hưởng bởi thơ tượng trưng siêu thực Pháp khi cảm nhận vạn vật bằng nhiều giác quan.

c) Luận điểm 3: Hình ảnh con người xuất hiện, thể hiện tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say (Câu thơ thứ 4)

- Hình ảnh con người xuất hiện:

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

- Câu thơ này có nhiều cách hiểu khác nhau:

+ "mặt chữ điền" có thể là khuôn mặt của cô gái Huế duyên dáng, dịu dàng, người đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ.

+ "mặt chữ điền" cũng có thể đó là khuôn mặt tác giả khi lén trở về thôn bắt gặp những hình ảnh đẹp đẽ. Trong cuộc hành hương tâm tưởng, Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai tài hoa nổi danh trên đất Huế.

=> Hàn Mặc Tử muốn yêu một tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say thì phải trở lại là con người của quá khứ, phải là một nhà thơ đa tình phong lưu thời còn ở Huế. Nói đúng ra là nhà thơ muốn quên mình trong hiện tại với căn bệnh hiểm nghèo để được yêu.

- Hình tượng "lá trúc che ngang" càng cung cấp cho gương mặt chữ điền ấy những nét ngang tàng, phóng khoáng mạnh mẽ của người đàn ông bởi lá trúc trong quan niệm xưa chính là biểu hiện cho người quân tử.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật của khổ thơ thứ nhất đối với việc phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

+ Khắc họa bức tranh thiên nhiên, con người làng Vĩ Dạ thật gần gũi, giản dị vừa như thật mà cũng vừa như mơ.

+ Sử dụng câu hỏi tu từ, sử dụng ngôn từ trong sáng, gần gũi, gợi hình gợi cảm.

Sơ đồ tư duy phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ

So do tu duy phan tich kho 1 Day thon Vi Da

Chi tiết sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1

TOP 7+ bài văn hay phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ

Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 1

Có thể nói, trong bầu trời thi ca Việt Nam, Hàn Mặc Tử giống như một ngôi sao chổi bỗng chốc vụt qua và để lại những vầng sáng chói lòa. Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng những áng thơ của sẽ vẫn còn mãi với thời gian. Mặc dù đã ra đời khá lâu nhưng Đây thôn Vĩ Dạ vẫn để lại trong lòng người đọc nhiều câu hỏi tự vấn. Đây là một bài thơ thi vị về phong cảnh trữ tình nơi xứ Huế hay là tiếng lòng tương tư của tác giả?

Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã hướng ngòi bút đến khung cảnh thiên nhiên giản dị mà đẹp đẽ, trong trẻo của thôn Vĩ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác dựa trên cảm xúc tha thiết khi Hàn Mặc Tử đón nhận món quà của Hoàng Cúc là bức thiệp có in phong cảnh xứ Huế mộng mơ cùng lời mời đầy dịu dàng, tha thiết “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”.

Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết vừa như trách móc, vừa như hờn giận, vừa như lời mời chân thành của người con gái xứ Huế. Câu hỏi cũng chính là lời tự trách của nhà thơ với bản thân khi không thể về thăm lại vùng đất Vĩ Dạ, nơi nhà thơ từng có những kỉ niệm tốt đẹp. Hoàn cảnh hiện tại không cho phép nhà thơ về thăm Vĩ Dạ nhưng bằng tất cả nỗi nhớ, hồi ức đã có, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ thật sinh động, độc đáo.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Vĩ Dạ là vùng quê nổi tiếng với nghề trồng cau truyền thống, với những hàng cau thẳng tắp xanh mướt. Hình ảnh hàng cau trong thơ Hàn Mặc Tử được gợi tả thật đẹp với màu xanh ngắt của lá cau cùng ánh nắng vàng nhẹ tinh khiết của mặt trời khi buổi bình minh. “Nắng” được điệp lại hai lần vừa gợi ấn tượng về ánh sáng vừa diễn tả được cảm giác náo nức, xôn xao của thi sĩ trước khung cảnh thôn Vĩ. Nhớ về thôn Vĩ, tâm hồn nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng sáng bừng những cảm xúc trong trẻo, chân thành.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Khung cảnh khu vườn xanh ngát, căng tràn sức sống của thôn Vĩ hiện lên tươi đẹp đến ngỡ ngàng, để tăng hiệu quả về thẩm mĩ, tác giả Hàn Mặc Tử đã sử dụng cách so sánh đầy ấn tượng “xanh như ngọc”. Sắc xanh trong trẻo của những tán lá dưới ánh mặt trời trở lên thật lung linh, thật đặc biệt. Từ “mướt” được tác giả sử dụng rất khéo không chỉ diễn tả được cái mượt mà, tươi tốt của vườn cây mà còn cho thấy sự khéo léo, chăm chỉ của bàn tay chăm sóc khu vườn ấy.

Trong cảm xúc bất tận, xao xuyến về khung cảnh thôn Vĩ, hình ảnh con người thấp thoáng sau khóm trúc hiện lên thật đặc biệt:

“Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”

Khuôn mặt chữ điền gợi ra vẻ hiền lành, phúc hậu mang đến cho người đọc một liên tưởng, phải chăng đấy chính là bóng dáng của người con gái Hàn Mặc Tử thương. Dáng vẻ xa xôi, bị cách trở bởi hàng trúc nhưng lại mang đến những xuyến xao da diết cho người nhìn. Đến đây, cảnh và người đã hòa quyện làm một cùng tạo nên bức tranh thơ thật đẹp đẽ, trong trẻo. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, tác giả Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ đầy gợi cảm, sinh động cùng tình cảm tha thiết, chan chứa tình yêu thương của chủ thể trữ tình.

Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 2

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tuy cuộc đời chịu nhiều đau thương nhưng có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất phong trào Thơ Mới. Ông được nhà phê bình Chu Văn Sơn đánh giá là một trong ba đỉnh cao của Thơ Mới. Tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử đã thăng hoa để viết nên những vần thơ tuyệt diệu, đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ mãnh liệt và niềm tự hào về sức sáng tạo của con người. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất của Hàn Mặc Tử phải kể đến “Đây thôn Vĩ Dạ” - bài thơ được khơi nguồn từ mối tình đơn phương của ông và bà Hoàng Thị Kim Cúc. Trong khổ thơ đầu, tác giả đã miêu tả nét đẹp phong cảnh thôn Vĩ nên thơ, nên mộng.

Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Đại từ “anh” gợi cho người đọc nhiều cách hiểu khác nhau. Câu hỏi nhưng hàm chứa sự trách móc nhẹ nhàng, cũng là lời mời gọi tha thiết của người con gái thôn Vĩ với nhà thơ. Đồng thời cũng như nhà thơ tự phân thân để hỏi chính mình, bộc lộ niềm khao khát cũng như sự bất lực, đau đớn. Nhà thơ sử dụng hai chữ “về chơi” mang sắc thái gần gũi, thân mật. Thanh trắc duy nhất của câu thơ rơi vào từ “Vĩ” ở cuối khiến cho nhịp thơ trầm xuống, nỗi buồn như được tô đậm thêm.

Cảnh nơi thôn Vĩ hiện lên trong hồi tưởng của tác giả:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Điệp từ “nắng” kết hợp với hình ảnh “nắng mới lên” gợi ánh nắng buổi bình minh trong trẻo và tinh khôi. Câu thơ gợi lên cảnh tượng khu vườn quê đẹp đẽ, tràn đầy sức sống. Hàng cau là vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế, đó là loài cây thanh nhã với thân hình thẳng tắp, tán lá xanh tươi. Cau còn là loài cây thân thuộc với làng quê Việt Nam, gắn với tập tục ăn trầu ngàn đời. Nguyễn Bính cũng đã từng đặt mối tình bình dị của đôi trai gái thôn quê vào cái nền phong cảnh với hàng cau quen thuộc:

“Nhà em có một hàng giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng”.

Ở câu thơ tiếp theo, nhà thơ chuyển điểm nhìn xuống khu vườn phủ đầy màu xanh tươi:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Đại từ phiếm chỉ “ai” gợi cảm giác mơ hồ, bất định trong tâm hồn thi nhân. Nghệ thuật so sánh diễn tả sự xanh mướt được ánh nắng mặt trời của buổi sớm mai chiếu xuyên qua làm bừng sáng cả khu vườn nơi thôn Vĩ. Thiên nhiên thôn Vĩ buổi sớm mai đẹp thanh khiết, trong trẻo, thơ mộng và tràn đầy sức sống.

Con người thôn Vĩ thấp thoáng hiện ra trong câu thơ cuối đoạn:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

“Mặt chữ điền” là biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành, trung thực. Lá trúc mảnh mai, “che ngang mặt chữ điền” gợi vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Câu thơ có sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong vẻ đẹp nhẹ nhàng đất Huế mộng mơ.

Bốn câu thơ đầu đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ thật thơ mộng, con người mang vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Qua đó, tác giả đã bộc lộ tình yêu thiên nhiên, con người tha thiết cũng như khát vọng được trở về nơi thôn Vĩ.

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 mẫu 3

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới. Thơ ông đặc trưng bởi sự dịu dàng, đằm thắm và xen chút buồn man mác. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những sáng tác hay nhất của Hàn Mặc Tử với những cảm xúc chân thật, thiết tha.

Bài thơ được lấy cảm hứng từ bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho nhà thơ. Nó là tiếng lòng, là sự nhớ nhung quê hương cùng với một chút thương xót cho cuộc tình dở dang. Vì căn bệnh hiểm nghèo mà Hàn Mặc Tử bị xã hội xa lánh, buộc ông phải sống cách li và vì thế, đã rất lâu nhà thơ chưa về thăm lại thôn Vĩ. Bức thư của cô gái mà anh thầm yêu thương đã làm cho nỗi nhớ quê hương trào lên trong tâm hồn tác giả. Khổ thơ mở đầu chỉ là bốn câu ngắn ngủi nhưng lại có sức truyền tải vô cùng lớn.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Ngay từ đầu bài thơ, tác giả đã dẫn ra một câu hỏi tu từ. Câu hỏi ấy được đưa ra nhưng lại chẳng mong được đáp trả. Có lẽ, nó là lời trách móc nhẹ nhàng của Kim Cúc về sự ra đi của Mặc Tử. Đã bao lâu rồi anh không về thăm lại xứ Huế mộng mơ, thăm thôn Vĩ quen thuộc mà những ngày trước đây hai người đã từng có biết bao kỉ niệm. Câu thơ gợi lên một cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Nó cũng giống như một lời mời gọi sự quay trở lại quê hương, thăm thôn Vĩ Dạ nên thơ, dịu dàng. Và cũng có khi nó là sự tiếc nuối, nhớ nhung da diết của chính tác giả.

Anh đã xa quê hương mà chưa một lần trở về. Nỗi khát khao được trở về đã thúc giục anh, buộc anh phải tự hỏi chính mình “Sao không về thăm thôn Vĩ”. Thôn Vĩ là một chốn thôn quê bình yên, thơ mộng, đậm chất Huế. Không được trực tiếp tận hưởng không gian ấy nhưng những hình ảnh đẹp nhất, dịu ngọt nhất vẫn đang chảy trong tâm hồn của nhà thơ với sự nhớ mong da diết.

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Hai câu thơ vẽ lên trước mắt bạn đọc một bức tranh tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mỗi câu thơ lại dẫn dắt ta đến với sự xinh đẹp, mộng mơ của thiên nhiên xứ Huế. Ở những con đường nhỏ của thôn Vĩ, hai hàng cau mọc lên thẳng tắp đón lấy ánh nắng mặt trời. Chúng toát lên một vẻ thanh thoát, cao sang. Những tàu cau vươn mình ra xa, đón lấy những cơn gió nhẹ nhàng cùng tia nắng ấm áp. Mặt trời vừa hé, tỏa ra ánh nắng dịu dàng của buổi sớm mai. Những tia nắng không quá chói chang, nóng bỏng, chúng ấm áp một cách dịu hiền.

Ánh nắng len lỏi vào từng kẽ lá, chiếu rọi xuống mặt đất những hình hài đáng yêu của bóng cây. Nắng sáng mai luôn là thứ nắng tuyệt đẹp. Nó mang đến sức sống, mang đến hơi thở cho mọi vật. Và lấp ló sau những rặng cau là khu vườn ngập tràn màu xanh. Cây cối được mặt trời tưới xuống nhựa sống, chúng đâm chồi nảy lộc và đua nhau xanh tốt. Màu xanh trải dài khắp cả chốn thôn quê. Màu xanh trong mắt của Hàn Mặc Tử có một cái gì đó mới mẻ và lạ lẫm. Nó không phải là xanh rì, xanh thẳm mà lại xanh màu xanh của ngọc.

Một cách so sánh rất đặc biệt và hấp dẫn. Thiên nhiên trở nên hữu tình và thơ mộng hơn qua con mắt của thi nhân. Màu xanh ấy toát lên một sức sống mãnh liệt và mạnh mẽ. Cây cối cứ mơn mởn lên để đón ánh nắng mặt trời. Nó làm cho không gian của thôn Vĩ Dạ trong lành, thoáng mát và xanh hơn. Mọi thứ đều tươi mới và tràn trề nhựa sống. Thôn Vĩ vẫn luôn luôn là thế, đẹp đẽ, mộng mơ và ngập tràn hương vị thiên nhiên.

Để rồi, trong không gian ấy, hình ảnh con người hiện lên thật hiền hòa.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Những lá trúc chập chờn theo làn gió. Nó như đang sà xuống khu vườn xanh mát để đắm mình cùng sức sống của thiên nhiên. Cũng có thể những lá trúc ấy đang nghiêng mình bên cửa sổ, ẩn hiện phía sau tấm rèm là khuôn mặt “chữ điền” của những cô gái Huế mộng mơ. Đó là khuôn mặt phúc hậu nhưng không kém phần duyên dáng. Thiên nhiên và con người hòa vào nhau, đan xen với nhau để tạo nên một cái nhìn mới lạ đầy hấp dẫn. Người con gái Huế nhẹ nhàng, e thẹn lấp ló sau những chiếc lá xanh mượt mà. Nó như càng gợi lên nỗi nhớ quê hương da diết đang trực trào trong lòng tác giả.

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 tuy ngắn ngủi nhưng đã khơi gợi được biết bao điều ý nghĩa. Một xứ Huế mộng mơ nhưng căng tràn sức sống, một thiên nhiên trong lành cùng những con người hiền hòa, dịu êm. Tất cả sẽ mãi khắc sâu vào trong lòng bạn đọc với tất cả sự yêu thương và trân trọng tình đời và tình người trong Đây thôn Vĩ Dạ, cái chữ “tình” bên trong con người Hàn Mặc Tử tài hoa.

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 mẫu số 4

Hàn Mặc Tử là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu nhất trong phong trào thơ mới với sức sáng tạo dồi dào cùng phong cách sáng tác ấn tượng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử, bài thơ là bức tranh hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo với tâm hồn suy tư, xót xa của cái tôi trữ tình.

Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã hướng ngòi bút đến khung cảnh thiên nhiên giản dị mà đẹp đẽ, trong trẻo của thôn Vĩ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác dựa trên cảm xúc tha thiết khi Hàn Mặc Tử đón nhận món quà của Hoàng Cúc là bức thiệp có in phong cảnh xứ Huế mộng mơ cùng lời mời đầy dịu dàng, tha thiết “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”.

Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết vừa như trách móc, vừa như hờn giận, vừa như lời mời chân thành của người con gái xứ Huế. Câu hỏi cũng chính là lời tự trách của nhà thơ với bản thân khi không thể về thăm lại vùng đất Vĩ Dạ, nơi nhà thơ từng có những kỉ niệm tốt đẹp. Hoàn cảnh hiện tại không cho phép nhà thơ về thăm Vĩ Dạ nhưng bằng tất cả nỗi nhớ, hồi ức đã có, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ thật sinh động, độc đáo.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Vĩ Dạ là vùng quê nổi tiếng với nghề trồng rau truyền thống, với những hàng cau thẳng tắp xanh mướt. Hình ảnh hàng cau trong thơ Hàn Mặc Tử được gợi tả thật đẹp với màu xanh ngắt của lá cau cùng ánh nắng vàng nhẹ tinh khiết của mặt trời khi buổi bình minh. “Nắng” được điệp lại hai lần vừa gợi ấn tượng về ánh sáng vừa diễn tả được cảm giác náo nức, xôn xao của thi sĩ trước khung cảnh thôn Vĩ. Nhớ về thôn Vĩ, tâm hồn nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng sáng bừng những cảm xúc trong trẻo, chân thành.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Khung cảnh khu vườn xanh ngát, căng tràn sức sống của thôn Vĩ hiện lên tươi đẹp đến ngỡ ngàng, để tăng hiệu quả về thẩm mĩ, tác giả Hàn Mặc Tử đã sử dụng cách so sánh đầy ấn tượng “xanh như ngọc”. Sắc xanh trong trẻo của những tán lá dưới ánh mặt trời trở lên thật lung linh, thật đặc biệt. Từ “mướt” được tác giả sử dụng rất khéo không chỉ diễn tả được cái mượt mà, tươi tốt của vườn cây mà còn cho thấy sự khéo léo, chăm chỉ của bàn tay chăm sóc khu vườn ấy.

Trong cảm xúc bất tận, xao xuyến về khung cảnh thôn Vĩ, hình ảnh con người thấp thoáng sau khóm trúc hiện lên thật đặc biệt:

“Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”

Khuôn mặt chữ điền gợi ra vẻ hiền lành, phúc hậu mang đến cho người đọc một liên tưởng, phải chăng đấy chính là bóng dáng của người con gái Hàn Mặc Tử thương. Dáng vẻ xa xôi, bị cách trở bởi hàng trúc nhưng lại mang đến những xuyến xao da diết cho người nhìn. Đến đây, cảnh và người đã hòa quyện làm một cùng tạo nên bức tranh thơ thật đẹp đẽ, trong trẻo.

Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, tác giả Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ đầy gợi cảm, sinh động cùng tình cảm tha thiết, chan chứa tình yêu thương của chủ thể trữ tình.

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 mẫu số 5

Nếu nhân loại không còn khao khát nữa

Và nhà thơ nghề chẳng kẻ nào yêu

Người - thi sĩ - cuối cùng là Hàn Mặc Tử

Vẫn hiện lên ở đây đợi chờ

(Trần Ninh Hổ)

Hàn Mặc Tử - thi nhân của những mối tình "khuấy" mãi không thành khối. Tử yêu nhiều nhưng chua xót nhận ra rằng: Trăng là người bạn tình và là người bạn tình chung thuỷ cuối cùng của đời mình. Trong đời thơ, đời người quá ngắn, Hàn say mê bốn thiếu nữ (Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương). Hoàng Cúc, một thiếu nữ thôn Vĩ Dạ là mối tình đầu của Tử, hai người quen nhau ở Quy Nhơn, Tử là nhân viên Sở Đạc điền, còn cha Hoàng Cúc là chủ sở.

Hàn thầm yêu Hoàng Cúc từ năm 1936, nhưng vì rụt rè nên chỉ dám bộc bạch tâm sự cùng thơ và bạn bè... Năm 1939, biết Tử bị mắc bệnh nan y, lại được người khác nhắc nhờ, thúc giục Hoàng Cúc gửi tặng thi nhân Hàn Mặc Tử bưu ảnh phong cảnh Huế và mấy dòng hỏi thăm mà không kí tên. Hàn lầm tưởng đó là cảnh "Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông hay đêm trăng?“. Để tạ lòng cố nhân, Tử gửi tặng Hoàng Cúc bài Đây thôn Vĩ Dạ. Đọc bài thơ này, người vô tâm mấy cũng không thể không nhớ khổ thơ đầu:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ phải gắn với mối tình đầu của Tử và Hoàng Cúc. Nhưng lâu nay, bị ám ảnh bởi yếu tố ngoài văn bản ngôn ngữ - đặc biệt là ý kiến "Hoàng Cúc đã chỉ cho Hàn Mặc Tử một tấm hình cô mặc áo dài trắng trường Đồng Khánh (...), và trách Hàn Mặc Tử sao lâu nay không ra thăm thôn Vĩ Dạ nên nhiều người đã hiểu câu thơ mở đầu bài thơ là lời trách nhẹ nhàng, nhè nhẹ. Đúng là giọng hờn dịu ngọt của các cô gái Huế, trách mà cứ như là chào mời khách về thăm thôn Vĩ.

Những lời bình ấy xem ra có lẽ thoát văn bản. Căn cứ vào đâu mà nói: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" là câu hỏi trách móc của một thôn nữ. Hơn nữa, như Hoàng Cúc khẳng định: sau tấm bưu ảnh, không có lời trách móc nào. Làm sao có thể trách người đang từng giờ, từng phút đợi tử thần đến mang đi?

Thơ trữ tình là thơ hướng nội. Thơ Hàn Mặc Tử càng là thơ hướng nội. Câu hỏi "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" có thể là câu tự văn của chính bản thân Tử. "Anh" ở đây là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, chứ không phải ngôi thứ hai. Một câu hỏi mang tính chất giãi bày. Câu thơ thể hiện niềm nuối tiếc, nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Dòng thơ đượm buồn, có pha chút hối hận. Cả bài Đây thôn Vĩ Dạ phải chăng là để trả lời câu hỏi đã đặt ra ở câu đầu tiên của bài thơ (có lẽ nên đặt dấu chấm hỏi ở vị trí cuối cùng của dòng thơ thứ hai thì hợp lí hơn).

Trước khi tạo nên bài Đây thôn Vĩ Dạ bất hủ này. Hàn Mặc Tử đã có lần đi qua khu vườn nhà Hoàng Cúc ở bến Vĩ Dạ, nhưng chỉ đứng ở cổng mà nhìn vào. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên còn lại trong độc giả khi đọc khổ thơ đầu là cảnh "bến Vĩ Dạ lúc hừng đông". Qua cảnh này, Tử muốn gửi gắm những tâm sự kín đáo nào đây? Trong muôn vàn cây, lá của Vĩ Dạ, nhà thơ nhắc đến hàng cau tắm nắng bình minh.

Bao đời nay với người Việt Nam, cây cau vẫn gợi mối tình đôi lứa, bằng biện pháp nghệ thuật tăng cấp tiên tiến, nhà thơ đã nhấn mạnh ý "nắng mới lên", "xanh như ngọc''. Nắng bình minh (nắng mới lên) đẹp thì đẹp, nhưng qua cái nhìn của thi nhân lãng mạn nó cũng qua nhanh như ''hơi rượu say" (bởi vậy liền sau cảnh hừng đông là cảnh bến sông đêm trăng buồn đến nao lòng).

"Nắng hàng cau nắng mới lên” đi liền với "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Cũng là vườn mang hương vị ngọt ngào của ca dao, nhưng vườn mà Tử miêu tả khác vườn của Nguyễn Bính. Ở đây, người ta thấy xuất hiện trong thơ một khu vườn "mướt quá xanh như ngọc". "Vườn ai" - vườn có một đối tượng có vẻ như phiếm chỉ, nhưng cũng có thể là vườn của người mình thương, vườn tình của cô gái.

Rõ ràng, khu vườn trong thơ Tử không phải là "vườn hồng", cũng không phải là khu vườn có "bóng hoàng hôn", mà là vườn xanh như ngọc. Phép so sánh khá mới lạ này khiến cho độc giả có thể nghĩ đến "vườn em" là vườn cành vàng lá ngọc. Vào khu vườn ấy đâu phải dễ dàng. Câu thơ thứ tư nói rõ thêm ý tưởng ấy:

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền".

Hình ảnh lá trúc góp phần làm rõ thêm tính quyền quý của khu vườn Vĩ Dạ. Khuôn mặt chữ điền bị lá trúc che ngang lâu nay đã trở thành lời thách đố đối với bao nhiêu bạn yêu thơ. Nhiều người đồng tình khẳng định khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt phúc hậu, hiền lành, trung thực, ca dao Huế đã từng có câu:

Mặt em vuông tựa chữ điền

Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài

Lòng em có đất có trời

Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung

Nhà thơ quá cố Chế Lan Viên đã có ý nghi ngờ, khi ông nêu ra câu hỏi "Con gái mặt chữ điền thì đẹp gì đâu mà Hàn Mặc Tử ca ngợi". Gương mặt chữ điền trong câu thơ là gương mặt ai? Một số người cho rằng: Gương mặt ấy chính là gương mặt Hoàng Cúc, người khác lại nghĩ là gương mặt Hàn Mặc Tử. Hình ảnh lá trúc làm nảy sinh sự tranh cãi khá gay gắt. Lá trúc thực ở ngoài đời hay lá trúc vẽ trên những bức rèm treo trước cửa các nhà quyền quí? Người ta nói: "Văn chương tự cổ bằng cử cũng không phải là không có nguyên cớ.

Theo thiển nghĩ của người viết bài này thì trung tâm phát sóng của khổ thơ nằm trong chi tiết thẩm mĩ:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Lá trúc ấy phải ở trong vườn ngọc kia, nó che khuất, che lấp cả sự phúc hậu, hiền lành, trung thực, phải chăng nó thực sự trở thành trở lực ngăn cách tình người. Nó làm cho "Gió theo lối gió, mây đường mây", nó tạo nên "Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay", nó kết lại trong một lời trách:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà

Câu kết bài thơ đã trả lời khá đầy đủ lí do "Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Chỉ thiên về việc khai thác vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên và con người xứ Huế, có thể người bình thơ sẽ mắc phải sai lầm là không hiểu hết bi kịch tình yêu của Tử. Khi Hàn Mặc Tử viết Đây thôn Vĩ Dạ thì tình cảm của thi nhân với Hoàng Cúc cũng chỉ còn trong quá vãng (lúc này Hàn Mặc Tử đã yêu người khác). Hơn nữa, Tử lại đang ở trong tình trạng hoang mang, bi quan đến cực độ khi biết mình bị bệnh nan y. Khổ thơ đầu nói riêng và cả bài "Đây thôn Vĩ Dạ" nói chung do vậy vẫn nằm trong cảm hứng "đau thương" của Hàn Mặc Tử.

Phân tích khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu số 6

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ông đã để lại cho cuộc đời nhiều tác phẩm có giá trị. Đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938 được in trong tập thơ Điên là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của ông. Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình với cô gái Hoàng Thị Kim Cúc vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên bờ sông Hương xứ Huế thơ mộng trữ tình. Khổ thơ đầu chính là nỗi niềm ao ước, đắm say của thi nhân qua hoài niệm về cảnh mườn mượt và con người thôn Vĩ trong nắng sớm ban mai tràn ngập sức sống.

Đây thôn Vĩ Dạ ra đời gắn với mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử, cảm xúc từ chính tấm bưu thiếp mà Hoàng Cúc gửi kèm lời thăm hỏi, động viên khi tác giả mắc bệnh hiểm nghèo. Bài thơ có liên quan đến một tình cảnh riêng, một nỗi niềm riêng nhưng ý nghĩa khái quát lại lớn hơn một tình yêu đôi lứa. Gần 80 năm nay, nó đã vượt qua một mối tình, một cảnh ngộ cụ thể để trở thành tiếng lòng khao khát yêu đời, gắn bó với thiên nhiên cuộc sống của con người nói chung trong cuộc đời.

Câu thơ mở đầu khổ 1 là một câu hỏi phảng phất chút tình riêng của thi sĩ:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Có lẽ đây vừa là lời hỏi han, lời mời mọc nhưng cũng vừa là lời hờn trách nhẹ nhàng của cô gái Huế qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Dường như tác giả tự phân thân để bộc lộ lời nhắc nhở ấy ra bên ngoài và cũng là niềm khao khát thôi thúc mãnh liệt từ bên trong của nhà thơ. Đó là được trở về thăm thôn Vĩ.

Thôn Vĩ là vùng quê ngoại thành Huế, có vẻ đẹp thanh tao, trầm lắng, với kiến trúc nhà, vườn xinh xắn. Vĩ Dạ không chỉ đẹp trong đời thực mà còn rất nổi tiếng trong thơ văn viết về cố đô:

"Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn

Biết che cần trúc, không buồn mà say"

Đối với nhà thơ, Vĩ Dạ thân quen đã trở thành mảnh đất thơ, mảnh đất tâm hồn mình cho nên câu thơ mở đầu đã hé mở cảnh gắn bó của nhà thơ đối với người và cảnh nơi thôn Vĩ. Tác giả sử dụng từ ngữ rất tinh tế, không dùng "về thăm" nghe có vẻ xã giao, khách sáo mà dùng "về chơi" rất tự nhiên, chân tình, thân mật, gần gũi. Sau câu hỏi mang nhiều sắc thái cảm xúc, nét đặc sắc riêng của không gian Vĩ Dạ được mở ra trong thế giới thơ mộng:

"Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên"

Điệp từ "nắng" hai lần gợi liên tưởng đến tính chất nhiều nắng của miền Trung. "Nắng mới lên" là nắng sớm, nắng tinh khôi mở đầu một ngày mới. Cau là thứ cây cao nhất trong vườn nên nó là cây cuối cùng chia tay với hoàng hôn hôm trước. Cũng là thứ cây đầu tiên vươn mình đón lấy ánh nắng ban mai long lanh của buổi sớm hôm sau. Những thân cau, tàu cau ướt đẫm sương đêm được tắm mình trong nắng mới khiến cho khu vườn trở nên bừng sáng và ngập tràn sức sống.

Trong một câu thơ mà có đến hai từ "nắng" luyến láy trở đi trở lại, nó không những thể hiện sự tràn trề ánh sáng, tràn trề sức sống mà còn bộc lộ tâm hồn luôn hướng về ánh sáng, hướng về cuộc đời của Hàn Mặc Tử. Trước nét ý vị nên thơ của sắc nắng, của hương cau ngào ngạt phả vào hồn người, nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng, tràn trề khen ngợi:

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

Với những từ ngữ gợi tả giàu sắc thái biểu cảm, nhà thơ đã hé mở dần một vẻ đẹp đặc biệt khác của cảnh vườn thôn Vĩ. Đại từ phiếm chỉ "ai" kết hợp với từ "mướt" mang tính gợi tả cao, không chỉ nói lên trạng thái óng ả, mượt mà của cây lá đang độ phát triển non tơ mà còn thể hiện sự sung túc, ngập tràn ánh nắng. Bởi vậy câu thơ không tả nắng nhưng ta vẫn thấy nắng tràn trề tươi tắn khắp cả khu vườn. Từ "quá" liền nó gợi âm hưởng vừa là tiếng reo thật khẽ ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp xinh tươi của cảnh vườn thôn Vĩ, vừa bộc lộ thái độ khen ngợi những bàn tay lao động chăm chỉ khéo léo của chủ nhân khu vườn.

Thủ pháp gợi tả và so sánh vô cùng tinh tế của nhà thơ khiến cho cả khu vườn Vĩ Dạ giờ đây như chiếc áo choàng nhung xanh mượt được đính lên những hạt ngọc lấp lánh tạo bởi những giọt sương đêm còn đọng lại trên cành, búp lá. "Xanh như ngọc" là màu xanh vừa có ánh sáng long lanh, vừa có màu xanh mướt. So sánh "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" là một sự so sánh độc đáo gợi đúng thần thái của vườn thôn Vĩ trong nắng sớm ban mai. Vườn thôn Vĩ không chỉ rờn rợn sắc xanh mà còn tỏa vào không gian những ánh xanh tươi sáng.

Trong hoài niệm của nhà thơ, thôn Vĩ đã đẹp bởi sự trù phú, tốt tươi của cây cối, giờ đây vẻ đẹp ấy càng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn khi có sự xuất hiện của con người, hơn nữa đó lại là bóng dáng thấp thoáng của một giai nhân.

"Lá trúc chen ngang mặt chữ điền"

Chỉ bằng nét vẽ cách điệu tài hoa, nửa thực nửa hư, thi sĩ đã gợi tả vẻ đẹp hài hòa giữa khuôn mặt chữ điền đầy đặn, vuông vức với những lá trúc mảnh mai thanh tú. Đó chính là sự hài hòa trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Theo quan niệm truyền thống, mặt chữ điền là biểu tượng của sự phúc hậu, đoan trang, cao quý.

"Mặt em vuông tựa chữ điền

Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài

Lòng em có đất có trời

Có câu nhân nghĩa, có lòng thủy chung"

Hay

"Cái mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua"

(ca dao)

Ở đây, gương mặt ấy như tôn lên sự e ấp, duyên dáng khi được che ngang bởi những chiếc lá trúc thanh mai. Câu thơ đã mang đến cho người đọc ấn tượng về hình ảnh con người xứ Huế vừa dịu dàng, phúc hậu, vừa kín đáo, thăng trầm.

Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế giàu liên tưởng, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mà đặc biệt là khổ thơ thứ nhất là một nét vẽ chủ đạo trong bức tranh đẹp về thiên nhiên đất nước. Đó cũng là tiếng lòng của con người tha thiết yêu đời yêu người.

(Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Nhi / Wattpad)

Phân tích khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn nhất mẫu số 7

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền?

Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ hay của Hàn Mặc Tử được viết ra từ hai nguồn cảm hứng. Đầu tiên là cảm hứng về một vùng quê ở ven bờ sông Hương, cây cối tươi tốt, làng xóm đông vui. Bích Khê có ý thơ ca ngợi Vĩ Dạ:

Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn!

Biếc tre cần trúc không buồn mà say

Nguồn cảm hứng thứ hai là tình cảm với một cô gái quen biết ở xứ Huế, gợi lên ở tác giả thi hứng chứa chan cảm xúc, mộng tưởng. Quách Tấn cho rằng đó là mối tình thơ mộng nhiều mơ ước của Hoàng Cúc.

Mở đầu bài thơ là ý chào mời, trách móc, hay là câu hỏi với người thân quen:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Câu thứ hai gợi lên vẻ đẹp khoẻ khoắn giàu sức sống của làng quê trong buổi bình minh. Hàng cau vút thẳng trong ánh nắng ban mai, tạo vẻ đẹp tinh khôi, đậm đà bản sắc quê hương (chú ý hình ảnh “nắng mới lên” và điệp từ “nắng”)

Vĩ Dạ là vùng đất trù phú có những vùng đất cây cảnh, cây ăn quả được tắm nắng, gội mưa thường xuyên; được chăm sóc bởi những bàn tay con người cần cù, khéo léo nên cây cối tốt tươi, ánh lên như màu ngọc bích long lanh:

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Câu thơ “Vườn ai mướt quá...” cất lên như một tiếng reo biểu lộ sự vui thích thú, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bất ngờ của khung cảnh thôn Vĩ. Chữ “mướt” nói lên một cái gì mềm mại, óng ả, mượt mà. Lá cây mướt xanh biểu hiện mức sống non tơ và đặc biệt màu “xanh như ngọc” là một sự so sánh rất độc đáo và gợi cảm. Đó là màu xanh như có ánh sáng bên trong. Riêng màu xanh của thiên nhiên, cỏ cây có hàng chục, hàng trăm cách nói: Xanh lơ, xanh thẳm, xanh rì, xanh lục, xanh tươi, xanh đậm... Xanh như ngọc là màu xanh nói lên đối tượng như đang có sức sống nõn nà, trong trẻo.

Câu thơ thứ tư đột ngột xuất hiện cành trúc, một gương mặt mang hồn của Vĩ Dạ. Câu thơ cách điệu hóa, có sự hài hòa giữa con người và cảnh vật. Cảnh vật thiên nhiên thì gợi cảm đến thế, còn con người thì cũng rất chân chất, phúc hậu, gắn bó với ruộng vườn, bóng người thấp thoáng trong tre trúc vẫn là nét đẹp quen thuộc của làng quê Việt Nam.

Đây thôn Vĩ Dạ nói chung và khổ 1 của bài thơ nói riêng là sự kết hợp tuyệt đối giữa cảnh và tình. Nó hấp dẫn người đọc bởi vẻ đẹp bức tranh xứ Huế trầm mặc cổ kính mà rất tao nhã quý phái, gợi nên linh hồn của mảnh đất cố đô. Qua đó, ta càng khâm phục hơn nghị lực sống của tác giả, sự tài hoa của một nghệ sĩ giàu tình yêu thương.

>>> Xem thêm bài văn phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để có thêm tư liệu cho bài viết.

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 mẫu số 8

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có sức sáng tạo dồi dào trong phong trào Thơ mới, ông bắt đầu làm thơ từ năm mười sáu tuổi. Một trong những bài thơ đặc sắc của ông viết về thiên nhiên, đất nước và con người là Đây thôn Vĩ Dạ. Khổ thơ mở đầu sau đây miêu tả thiên nhiên xứ Huế vô cùng gợi cảm, hòa vào một tình cảm nhớ thương đằm thắm, bâng khuâng, tiêu biểu cho một nét phong cách thơ Hàn Mạc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có kết cấu ba đoạn. Khổ thơ thứ nhất, tả vườn cây dưới ánh nắng ban mai thanh tân, tinh khiết. Khổ thơ thứ hai gợi lên cảnh trời, trăng, mây nước mang nét buồn xa vắng. Khổ thơ cuối là nỗi lòng nao nao, mơ mộng bởi bóng hình thiếu nữ xứ Huế. Thôn Vĩ Dạ nằm ngay trên bờ sông Hương, nổi tiếng bởi những vườn cây trái cây tươi bốn mùa, với những ngôi nhà duyên dáng... đi vào văn học qua câu thơ tuyệt bút. Nhưng đâu phải chỉ có thiên nhiên gợi niềm ấp yêu tuyệt diệu mà quanh quẩn đâu đó còn cả bóng dáng con người quen thuộc, có tấm lòng chờ đợi thiết tha.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu thơ là một lời mời mọc, cũng có thể là một lời trách móc thân tình. Ngôn ngữ chọn lọc mà như ngẫu nhiên phóng bút. “Sao anh không về” vừa nhẹ nhàng vừa dễ thương như một duyên cớ gợi nhớ những hình ảnh của thôn Vĩ ngày nào trong kí ức nhà thơ - một thời từng là cậu học trò trường Pe-lơ-ranh xứ Huế với trái tim đa cảm. Hãy về thôn Vĩ, một thôn Vĩ tràn ngập ánh nắng ban mai:

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Thôn Vĩ Dạ có những hàng cau thẳng tắp. Nắng sớm ban mai tràn ngập không gian. Những tàu lá cau xanh mướt vươn lên đón tia nắng sớm, vô vàn hạt sương đêm đọng lại, lấp lánh màu ngọc bích. Lời thơ thật hồn nhiên. “Vườn ai mướt quá” như tiếng reo vui nhưng cũng thật điêu luyện: từ mướt thật đắt và xanh như ngọc mang nghĩa tượng trưng gợi tả độc đáo.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Lá trúc thì mảnh mai, thanh tú. Nhiều cành lá xếp lên nhau, lay nhẹ theo làn gió thoảng ban mai, dưới ánh nắng sớm, che ngang in bóng như chữ điền trên khuôn mặt người thôn Vĩ. Hay khuôn mặt người thôn Vĩ hồn hậu vuông vắn chữ điền? Có thể là cả hai: hình ảnh vừa thực, vừa có phần hư ảo lung linh trong niềm nhớ của lòng người. Câu thơ được cách điệu hóa, mang ý nghĩa tượng trưng. Vườn cây mượt mà đó phải là quê hương những con người hiền hòa. đôn hậu. Con người chợt xuất hiện trên cái nền thiên nhiên tươi mát làm cho cảnh vật sinh động hẳn lên và hình ảnh con người cùng thiên nhiên hòa hợp trong vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng.

Mạch thơ êm nhẹ, ý thơ chuyển dịch: sau lời mời mọc dễ thương (câu 1 cảnh vật hiện lên trước mắt với màu sắc tươi tắn (câu 2,3) và con người hiền hòa xuất hiện, với ngôn ngữ điêu luyện, bút pháp vừa lãng mạn vừa tượng trưng), khổ thơ biểu hiện nét đẹp nên thơ của con người và cảnh vật xứ Huế. Qua đó, ý thơ cũng gợi lên một tình yêu thiên nhiên đằm thắm, một nỗi bâng khuâng, xa xôi mờ ảo, như trong câu cuối của bài thơ:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Có ý kiến cho rằng cảnh vật hiện ra trong một số bài thơ của Hàn Mặc Tử đậm đà màu sắc dân tộc. Thật vậy, nếu không gắn bó máu thịt với quê hương Hàn Mạc Tử khó viết được những câu thơ trác tuyệt như trên.

Bên cạnh những bài thơ hay về quê hương đất nước của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Anh Thơ.... mấy câu thơ mở đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử đã góp phần khẳng định giá trị của phong trào Thơ mới vào những năm ba mươi của thế kỉ XX, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa văn học nước ta trong nửa đầu thế kỉ này.

Kiến thức mở rộng khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ

Ngoài việc vận dụng những kiến thức đã học, để phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ một cách hay nhất, hấp dẫn người đọc các em cũng nên bổ sung thêm những nội dung mở rộng khác (nếu có) liên quan đến đoạn thơ, bài thơ như:

Về phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử

- Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Đọc thơ Hàn thi sĩ ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo…nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời.

Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái - dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kì đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

- Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.

- Tâm hồn thơ ông đã thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu, chẳng những gợi cho ta niềm thương cảm còn đem đến cho ta những cảm xúc thẩm mĩ kì thú và niềm tự hào về sức sáng tạo của con người.

- Quá trình sáng tác thơ của ông đã thâu tóm cả quá trình phát triển của thơ mới từ lãng mạn sang tượng trưng đến siêu thực.

Bài thơ ra đời vào tháng 8 - 1939?

Trong bức thư cô gái Hoàng Thị Kim Cúc gửi Nguyễn Bá Tín có đoạn:

     "Xót xa quá, tôi không biết làm gì khác hơn là viết mấy hàng chữ hỏi thăm sức khỏe Tử, viết mà không ký tên, không đề ngày, sau tấm ảnh phong cảnh Huế. Rồi mấy tháng sau, Ngâm lại gửi về tôi bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ (*)  với mấy hàng Tử viết sau lưng bài thơ vào tháng 8 - 1939. Giữa Hàn Mạc Tử và tôi chỉ có chừng nấy. Có thể nói đó là một kỷ niệm đầy thơ mộng của mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo".

(*): "Ở đây thôn Vỹ Giạ" là tên ban đầu của bài thơ.

(Theo báo Tuoitre.vn)

Xem thêm:

     Trên đây là bài hướng dẫn chi tiết phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ Văn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài Văn mẫu 11 khác tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM