Nghị luận về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông

Xuất bản: 22/05/2019 - Cập nhật: 28/11/2019 - Tác giả:

Tuyển chọn những bài nghị luận hay bàn về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông, thực trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông hiện nay.

Nghị luận về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông - Những bài văn nghị luận bàn về hiện trạng sử dụng rượu bia và tai nạn giao thông trong xã hội hiện nay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông.

***

Bia, rượu là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Rượu, bia có tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Rượu, bia được sử dụng rất rộng rãi ở Việt Nam. Với đa số, uống một lượng nhỏ rượu, bia không gây ra tác hại gì đáng kể, nhưng nếu uống nhiều rượu, bia thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề về sức khoẻ cá nhân và quan hệ xã hội.

Một số bài viết tham khảo về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông

Bài số 1:

Rượu, bia và văn hóa giao thông

Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan rượu, bia được các chuyên gia đánh giá khá nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...

Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống bia rất lớn. Theo nhiều chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động.

Luật giao thông đường bộ quy định: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe gắn máy. Đồng thời, nghị định 34 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể: phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 0,4 mg/1l khí thở; phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/1l khí thở.

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, trước hết các ngành chức năng phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; tiến hành dần từng bước việc phổ biến quy định của pháp luật về nồng độ cồn. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền mức xử phạt đối với những vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn được bổ sung lực lượng, trang thiết bị đo nồng độ cồn, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Nhiều tỉnh thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; tiến hành dần từng bước việc phổ biến quy định của pháp luật về nồng độ cồn nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Bên cạnh chế tài, xử phạt nghiêm khắc, công tác giáo dục nên kết hợp với tuyên truyền rộng rãi để từ đó giúp người dân hiểu và tự nguyện “Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông”.

“Rượu bia với an toàn giao thông” là một trong những chủ đề tuyên truyền được hợp phần Nâng cao nhận thức thuộc dự án tăng cường An toàn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam đẩy mạnh. Chương trình được phổ biến tại 10 tỉnh phía Bắc gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình từ đầu năm đến nay.

Theo ghi nhận từ các điều phối viên của dự án, chủ đề được người dân rất quan tâm và đánh giá là nội dung thiết thực, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc an toàn giao thông cho mọi người. Trong buổi tuyên truyền tại hiện trường của tỉnh Bắc Ninh, vào ngày 26 và 27/12, Điều phối viên Phạm Văn Chung - người trực tiếp thực hiện buổi tuyên truyền này cho biết: “Nhiều người dân không biết lái xe ôtô không được có nồng độ cồn trong người. Đông người xin thêm tài liệu của chúng tôi về để cho gia đình cùng nghiên cứu”.

Việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông nói chung và trên các tuyến quốc lộ huyết mạch nói riêng, ngoài nhiệm vụ của các cơ quan chức năng thì ý thức của người dân cũng đóng vai trò quan trọng.

(Nguồn: Vnexpress)

Bài số 2:

Ngăn chặn lạm dụng rượu, bia để giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định sử dụng rượu, bia là một yếu tố gây trở ngại sự phát triển bền vững ở ba khía cạnh sức khỏe, kinh tế và xã hội.

Theo bảng thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, rượu, bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 bệnh tật và tình trạng thương tích; được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo việc uống rượu, bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn thần kinh, hành vi, bao gồm rối loạn sử dụng rượu bia, các bệnh không lây nhiễm chính, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông.

Cụ thể, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn. Gần nhất, tại Hà Nội, đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Tài xế Tuyên sau đó tiếp tục đâm vào một xe máy và chiếc Mercedes. Vụ tai nạn khiến chị Hà tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương. Tài xế bỏ chạy về đường Láng Hạ được vài km thì người dân chặn lại. Cơ quan chức năng đã kết luận nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46. Với hành vi lái xe trong người có nồng độ cồn, gây hậu quả nghiêm trọng, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định tạm giữ tài xế Tuyên để điều tra.

Trước đó, trưa 11/4 tại Bình Định, khoảng 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ ngồi chờ khiêng hòm đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn thì bị xe 7 chỗ lao vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Chiếc xe gây tai nạn chạy đi khoảng 100 m mới dừng lại. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở. Trong khi đó theo quy định của pháp luật, người lái ô tô bị cấm uống rượu bia.

Ngoài tai nạn giao thông, rượu bia còn là thủ phạm gây một số bệnh như tim mạch (tăng nguy cơ gây đột qụy, suy tim, cao huyết áp, phình động mạch chủ); tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp và mãn tính); ung thư (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia vào nhóm chất gây ung thư; là nguyên nhân liên quan tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan mật…).

Chưa kể, sử dụng rượu, bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.

    Cần giảm sử dụng rượu bia

Đại hội đồng Y tế thế giới đã kêu gọi các nước xây dựng và thực thi các chính sách nhằm giảm đến mức thấp nhất thói quen sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại.

Tại Việt Nam, sản lượng rượu, bia (chiếm hơn 99% tổng lượng đồ uống có chứa cồn) đang gia tăng nhanh qua các năm. Sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít đã tăng lên 4,1 tỷ lít (năm 2017) và 4,67 tỷ lít (năm 2018). Ngoài ra, mỗi năm còn tiêu thụ hơn 300 triệu lít rượu công nghiệp và rượu thủ công.

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức báo động khi bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm; tỷ lệ nam giới và thanh, thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao, trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động.

Việc sử dụng rượu, bia không phù hợp dẫn đến các hậu quả bất lợi về sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người chung quanh và cộng đồng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống.

Để quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu bia, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12//2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Tuy nhiên, đây mới là chính sách mang tính định hướng, cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao. Thực tế đó đòi hỏi phải có một luật điều chỉnh toàn diện về giảm tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia.

Và Bộ Y tế là cơ quan được giao và đang hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với mục tiêu tăng cường bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Luật này quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm: kiểm soát giảm mức tiêu thụ; kiểm soát việc cung cấp; giảm tác hại của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tho bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, việc ban hành một luật để ngăn chặn tác hại của rượu, bia là rất cần thiết và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế.

Mặt khác, theo bà Trang, kinh nghiệm các nước cho thấy các quy định nghiêm khắc chỉ có tác động từng bước giảm dần tốc độ gia tăng, duy trì sản lượng rượu, bia (do tính gây nghiện, số dân tăng, người uống mới) nhưng đem lại các lợi ích vượt trội cho sức khỏe người dân, giảm hậu quả, chi phí xã hội, phát triển đất nước bền vững.

Và một nội dung luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp khi xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia mà Bộ Y tế đang tiến hành là việc quảng cáo rượu bia với các nội dung vừa được Bộ Y tế đề xuất như cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet hay cấm khuyến mại bia trực tiếp đến người tiêu dùng

Về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên thắt chặt quảng cáo rượu, còn bia thì không nên; ngược lại một số đại biểu Quốc hội lại đồng tình với việc phải thắt chặt quản lý quảng cáo bia được đề cập trong các lần Dự thảo.

Trước hai luồng ý kiến nêu trên theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thì rượu hay bia, khi quy về nồng độ cồn nguyên chất, đều có cơ chế tác động đến sức khỏe và các vấn đề khác của người sử dụng như nhau. Do đó cần phải có biện pháp kiểm soát các sản phẩm bia, rượu để hạn chế bớt các tác hại.

“Chẳng hạn tài xế uống một lon bia hay một ly rượu vang 30ml hoặc một chén rượu mạnh 15 ml thì quy ra nồng độ cồn nguyên chất là như nhau, đều bị phạt và đều phải chịu nguy cơ gây ra các tác động đối với người tham gia giao thông. Nên không thể nói bia thì không có hại như rượu được và cần phải có cơ chế kiểm soát”, bà Trang giải thích.

(Nguồn: baohaiquan.vn)

Bàn về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông

Bài số 3:

Tại sao tai nạn giao thông thường tăng vào những dịp nghỉ lễ?

Đã có không ít những phân tích của nhà chức trách, các chuyên gia và báo chí đề cập về vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam. Các nghiên cứu, phân tích chỉ ra rằng: Có nhiều nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan. Song nguyên nhân chủ quan được đề cập nhiều hơn cả. Tất nhiên nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, chưa đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân cũng không thể xem nhẹ. Ở bài viết này chỉ tiếp cận ở góc độ chủ quan là chính, đó là văn hóa và ý thức tham gia giao thông của cộng đồng chưa cao, là hành vi coi thường pháp luật hoặc các biện pháp răn đe của pháp luật chưa đủ nghiêm dẫn đến không ít người tham gia giao thông vẫn còn coi thường tính mạng của chính mình và người khác... Trong đó, vấn đề rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông, hành vi uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông là tội ác, “ma men” đã cướp đi mạng sống của không ít các nạn nhân, đó là một khẳng định không thể phủ nhận.

Kinh nghiệm 13 năm “ôm” vô lăng đã trở nên vô nghĩa bởi mấy chai bia, đó là lời thú nhận muộn màng của lái xe Lê Trung Hiếu - người gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào 0h10' ngày 1/5 tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội làm chết 2 người. Lái xe gây ra vụ tai nạn này thừa nhận đã uống bia trước khi gây họa, cơ quan chức năng đã đo được nồng độ cồn của lái xe này là 0,751 mg/lít khí thở. Trước đó, vào rạng sáng ngày 29/4, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã tiếp nhận 2 nam thanh niên người nước ngoài vào cấp cứu vì tai nạn giao thông, nguyên nhân được xác định là do rượu bia, 2 nam thanh niên uống bia rượu rồi tham gia giao thông và bất ngờ đâm vào xe ô tô dừng đỗ ven đường dẫn đến tai nạn. Tương tự, là những cái chết thương tâm bởi tai nạn giao thông xảy ra ở các địa phương trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ vừa qua mà nhiều vụ có liên quan đến rượu, bia như báo chí đã đề cập.

“Chết nhiều quá!” là câu than cửa miệng của không ít người về hiện tượng tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ lễ… Quả là rất đáng lo ngại về số người chết vì tại nạn giao thông ở Việt Nam, bởi nó được cho là nhiều hơn cả số người chết vì chiến tranh xảy ra ở một số nước hiện đang có chiến tranh, khoảng 15.000 người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam. Con số này thật khủng khiếp, thật đau xót, đây là sự mất mát quá lớn về người và của đối với các gia đình những nạn nhân cũng như xã hội. Rất có thể, trong những nạn nhân xấu số, có lẽ, họ cũng đã từng phải thốt lên về những cái chết vì tại nạn giao thông đã xảy ra ở những kỳ nghỉ lễ trước khi họ gặp nạn, và nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông thì vẫn còn đó, bởi những ngày nghỉ, kỳ nghỉ thì vẫn sẽ diễn ra như thường lệ.

Luôn có mặt ở top đầu về số người chết do tai nạn giao thông cũng như vấn đề sử dụng rượu bia, đồng thời, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam. Còn vấn đề rượu, bia, quả thực, không quá khi nói: “Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những con số thống kê làm chúng ta không khỏi giật mình. Vì rượu bia và tai nạn giao thông dường như có liên quan mật thiết với nhau. Thống kê cho thấy những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông phần lớn là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu, bia hoặc trước đó có sử dụng rượu, bia.

Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến. Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết. Những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để tụ tập, nào là họp lớp, họp hội đồng niên, đồng hương… gặp nhau thì đa phần lần nào cũng rượu, cũng bia… và tất nhiên, hậu quả của nó là những hành vi khó kiểm soát do đã say xỉn dẫn đến những tai nạn thương tâm như đã nêu trên.

Làm gì để ngăn chặn vấn nạn rượu, bia nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông?

Thiết nghĩ, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm thì có thể sẽ bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm.

Bài số 4: 

Rượu bia và hệ lụy: Nỗi đau từ bàn nhậu đến tai nạn giao thông

Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng rượu, bia: Những vụ ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu và đáng sợ hơn cả là con số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia ngày một gia tăng. Bia, rượu đã trở thành “kẻ sát nhân” giấu mặt!

Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1/2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Chưa bao giờ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề “nóng” về sức khỏe, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự xã hội đáng báo động như hiện nay.

Rượu bia, nguyên nhân của tai nạn giao thông

Không phải do những yếu tố khách quan, rất nhiều lái xe đã gây tai nạn giao thông thảm khốc khi vừa rời bàn nhậu. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau tay lái, thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy.

Thực tế, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển ô tô đã uống rượu, bia. Theo số liệu thống kê năm 2015, trung bình mỗi năm Việt Nam có gần 9.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó hơn 40% trường hợp có liên quan đến rượu, bia. Những người uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông không chỉ gây tai nạn cho mình mà cho cả người khác.

Thông tin đã khiến nhiều người phải giật mình, vì cứ theo báo cáo này, mỗi năm người dân Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 3 tỷ đô la cho việc uống bia, uống rượu. Chưa giàu so với nhiều nước, nhưng lại đứng đầu về thành tích sử dụng bia rượu, quả là một loại thứ hạng đáng để mỗi người phải suy nghĩ.

Như thành quy luật, cứ dịp cuối năm hoặc trong những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao. Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định là phần lớn do "ma men" gây ra.

Mặc dù là chuyện biết rồi, tuy nhiên tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, khiến nhiều người mất mạng, hay bị thương tật suốt đời, phải đón Xuân, đón Tết trong bệnh viện.

Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia dịp tết, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng những ngày Tết đến Xuân về, người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới bến. Trong các cuộc rượu đó, họ tìm ra hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống: đúng uống, sai uống, thưởng cũng cạn, mà phạt thì cũng cạn ly 100%... Tâm lý cả nể, ham vui khiến không ít người khi tỉnh dậy mới thấy mình... đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do rượu bia gây ra.

Những câu chuyện đau lòng như vậy xảy ra quá nhiều và hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, ở khắp các tỉnh thành. Thế nhưng cũng không thấm tháp vào đâu khi nhìn vào con số thống kê tai nạn giao thông hàng ngày do rượu bia quá đà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ở những bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Đức,... hàng ngày các bác sĩ, y tá ở đây phải tiếp nhận, điều trị và chứng kiến hàng trăm trường hợp chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay, tử vong do tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia.

Những trường hợp tai nạn này đều dẫn đến các chấn thương vô cùng thảm khốc, mà nếu có được nhìn tận mắt, chắc hẳn không ai còn dám điều khiển ô tô, xe máy sau khi uống rượu bia nữa. Thế nhưng, đáng tiếc, những người gặp cảnh này thì đều đang nằm trên giường bệnh!

Dù các phương tiện truyền thông đại chúng, các ngành chức năng đã ra sức tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí xử lý mạnh tay nhưng vi phạm về an toàn giao thông, nhưng con số này vẫn không hề giảm. Người ta vui uống, buồn uống, gặp gỡ đối tác uống, gặp bạn bè uống, ăn sáng uống, ăn trưa uống, ăn tối càng uống hăng, và thậm chí chẳng có lý do gì cũng uống. Bất kể ngày nào, giờ nào đi ra ngoài đường cũng gặp những gương mặt đỏ gay gắt, đi lại liêu xiêu, ánh mắt đờ đẫn vì rượu... Và khi say thì những con ma men này lại luôn “thích” giành quyền điều khiển phương tiện. Và hậu quả thì ai cũng đã nhìn rõ và chứng kiến hàng ngày.

Rất nhiều biện pháp đã được đề ra để hạn chế tình trạng rượu bia như cấm công chức rượu bia trong giờ làm việc, đặt chốt cảnh sát giao thông trước... cửa quán bia để kiểm tra nồng độ cồn của người ra khỏi quán, xử phạt nặng tay với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hơi men. Cùng với đó là tuyên truyền bằng hình ảnh, phóng sự về những tai nạn giao thông do rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng có vẻ như tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.

Có lẽ, người Việt ta "điếc không sợ súng", nghĩ rằng chuyện tai nạn kia là thuộc về những người không may mắn, còn ta thì chẳng sao cả, "sống chết có số". Chính những suy nghĩ đó đang khiến nhưng tai nạn đáng tiếc đau lòng vẫn xảy ra hàng ngày và khó lòng ngăn chặn.

Thiết nghĩ, vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa. Và những con số trên lại thêm một lần cảnh báo tới người dân về mức độ nguy hiểm của bia, rượu cùng những hệ lụy do bia, rượu gây ra.

Hệ lụy đau lòng

Sau những chầu nhậu "tiên tửu" khi bợm nhậu đã ngà ngà say và không làm chủ được bản thân, nhiều người đã gây ra những thảm án kinh hoàng.

Tác hại của việc lạm dụng cồn trong rượu, bia đến sức khỏe thì đã quá rõ ràng. Khi sử dụng quá liều lượng cồn (alcohol) vào cơ thể cùng một lúc thì cơ thể không kịp đào thải ra khỏi máu sẽ gây rủi ro cho con người. Việc lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Mỗi năm nước ta xảy ra hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính phần lớn do người tham gia giao thông sử dụng bia rượu quá mức. Bên cạnh một ít cái hay thì cái dở của bia rượu lại quá nhiều không thể nào tính được. Vậy thì tại sao bia rượu của nước ta lại được bày bán tràn lan không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng? Rượu bia không nhãn mác, không ghi nơi xuất xứ vẫn cứ được nhiều người vô tư sử dụng...

Rượu, bia được xem là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Có người nói, hằng nghìn năm nay, con người ta vẫn uống rượu như vậy đấy thôi và rượu là “bạn đồng hành” thân thiết của con người. Tuy nhiên có điều, nếu như khi xưa vào dịp lễ, hội thì con người mới có cơ hội ngồi với nhau để nhâm nhi vài cốc rượu. Vừa uống vừa thưởng thức vị ngon của rượu, vừa trò chuyện, nói với nhau những điều tốt lành.

Còn bây giờ thì sao? Rượu, bia xuất hiện khắp mọi nơi. Vui cũng bia rượu, buồn cũng mượn rượu, bia giải sầu. Đặc biệt, trong quan hệ công việc lại càng phải có rượu bia mới có thể “ăn nói” được. Kể cả công chức, viên chức lẫn dân thường, cứ hễ gặp nhau là phải có bia có rượu mới có thể mạnh miệng bàn chuyện… đại sự được.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng tửu lượng để thể hiện đẳng cấp của mình. Mỗi khi vào bàn nhậu, nếu ai uống được nhiều là người đó ra vẻ rất tự hào về điều này. Nhưng chính hành động này lại buộc bạn bè phải bắt chước và phải uống sao cho “bằng bạn bằng bè”.

Để rồi tàn cuộc, mỗi người không biết mình đã uống bao nhiêu ly, ai cũng say mèm, thâm chí còn không biết đường về nhà. Chưa kể đến không làm chủ được bản thân mình khi tham gia giao thông dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mặc dù ai cũng biết những tác hại khủng khiếp của rượu, bia như: Tốn tiền, tổn hại sức khỏe, mất thời gian, giảm trí nhớ… Nếu quá đà còn có thể gây tai nạn giao thông, đánh nhau với bạn bè, đồng nghiệp, về nhà thì chửi mắng vợ con… Những chuyện như thế mặc dù đã được cảnh báo trên mọi phương tiện, thông tin đại chúng và đươc tuyên truyền khắp mọi nơi nhưng những “đệ tử của lưu linh” vẫn không màng đến. Thậm chí, số người uống rượu bia không ngừng tăng lên và ngày càng trẻ hóa.

Để “giải tỏa” được những vấn nạn về rượu, bia thì trước mắt là cần ý thức của mỗi người. Bản thân mỗi người phải biết tôn trọng bản thân mình, gia đình thì mới mong điều chỉnh việc sử dụng bia rượu một cách có chừng mực. Vừa thể hiện mình là một con người có “văn hóa”.

Rượu bia cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 60% số vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam. Rượu vào là say sưa, ra đường choảng nhau, về nhà gây sự với vợ con. Nhiều tấn bi kịch gia đình, án mạng chết người đã xảy ra trong cơn say. Rượu bia có thể biến một người có học, có địa vị xã hội mất khả năng kiểm soát hành vi, trong phút chốc có thể biến mình thành kẻ giết người.

Đã có nhiều quy định liên quan đến chủ trương phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia được ban hành, nhưng việc chấp hành còn rất kém. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo sau nhiều lần chỉnh sửa vẫn chưa được thông qua, bởi liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt của người dân và ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh… Nhất là quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ vẫn là điều còn gây nhiều tranh luận.

Chúng ta hào hứng đi nhậu, hào hứng chúc tụng nhau công thành danh toại, tình yêu mĩ mãn, gia đình hạnh phúc bên bàn nhậu. Chưa biết những lời chúc ấy có thành sự thật hay không, nhưng hệ lụy do nhậu gây ra đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới xã hội và gia đình mỗi người.

(Nguồn: Vietbao.vn)

Bài số 4: Ngăn chặn lạm dụng rượu bia dịp Tết

Những năm qua, nước ta đã trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia tốp đầu của thế giới. Trong những ngày xuân, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Thói quen "gặp nhau lần nào cũng rượu" trong ngày Tết và sở thích ép nhau uống rượu để đánh giá "phong độ"… đã tồn tại từ lâu, khó thay đổi trong một sớm một chiều, hay giải quyết qua một vài chiến dịch.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm, thậm chí bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Lực lượng thực thi công vụ, xử phạt cũng phải nghiêm túc, không được phép nể nang hay "thông cảm có điều kiện".

Một số thành phố lớn ở các quốc gia tiến bộ cũng chỉ cho phép bán rượu bia trong một số khung giờ nhất định, không bán cho người dưới 18 tuổi. Ðây cũng là một kinh nghiệm hay để các cơ quan quản lý tham khảo, vận dụng phù hợp. Trước đây, một số nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội đã thực hiện việc đặt máy đo nồng độ cồn, nếu quá ngưỡng cho phép, sẽ có phương tiện ta-xi, xe buýt hoặc xe ôm chở về nhà, tuy nhiên sau đó, do các chế tài không đồng bộ, cách làm này đã bị bỏ lửng, rất đáng tiếc. Việc hạn chế tai nạn giao thông do uống rượu bia trong những ngày Tết chỉ có thể thực hiện được bằng chính ý thức của người lái xe. Nếu không muốn uống, có lẽ không ai có thể ép mình trong những ngày vui.

Chén rượu trong những bữa tiệc đón Tết, mừng Xuân lâu nay vẫn được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân. Nhưng niềm vui của một người phải gắn trách nhiệm và tình cảm với gia đình, cộng đồng, đừng để quá đà, mải mê trên bàn nhậu dẫn đến việc rượu bia "điều khiển" bản thân. Mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu bia, tránh gây những hệ lụy cho người thân và xã hội. Theo thống kê, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu.

Và hiện nay, bình quân mỗi ngày, nước ta có khoảng 20 người chết do tai nạn giao thông. Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến.

(Nguồn: www.mt.gov.vn)

-/-

Qua một số bài viết tham khảo phân tích và nghị luận về vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông trên đây, hẳn các bạn đã có thêm những cơ sở, những ý văn hay khi nói về tác hại của bia rượu với tình hình giao thông hiện nay. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu lớp 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM