Nghị luận về lòng can đảm - Sưu tầm và chọn lọc những đoạn văn, bài văn nghị luận hay nhất bàn về lòng can đảm "Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết".
Đề bài: Trình bày những suy nghĩ của anh/chị về lòng can đảm.
***
Lòng can đảm là sự dũng cảm của con người, dám đối mặt với sự thực, đối mặt với khó khăn, dám mạnh mẽ tìm cách vượt qua những khó khăn đó. Người có lòng can đảm thì cuối cùng sẽ đi được đến đích con đường mình đã chọn, sẽ đạt được những thành công nhất định.
Một số đoạn văn 200 chữ bàn về lòng can đảm
Đoạn văn số 1:
Trong cuộc sống, can đảm và hèn nhát là hai nét tính cách luôn song song tồn tại. Làm thế nào để chiến thắng được sự hèn nhát và rèn luyện được sự can đảm, đó luôn là sự trăn trở của mỗi người. Nói về điều này, Seneque đã nhận định “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết”. “Can đảm” là lòng dũng cảm, bản lĩnh, sức mạnh bên trong của con người. Còn “tính hèn nhát” là sự sợ hãi, nhút nhát, không dám đối mặt với những biến động của cuộc sống, chỉ co mình trong sự an toàn. “Lòng can đảm” có vai trò, sức mạnh giúp con người sống mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, giúp con người có thể vươt qua những cám dỗ của cuộc sống để giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bản thân .Nếu “can đảm” mang lại điều tích cực cho cuộc sống, thì ngược lai “tính hèn nhát” sẽ dẫn đến những điều tiêu cực, khi hèn nhát con người sẽ không dám thể hiện năng lực cá nhân, từ đó sẽ mất đi nhiều cơ hội để thành công trong cuộc sống. Sống hèn nhát sẽ khiến con người thiếu đi sức mạnh, bản lĩnh để đối mặt và vượt qua những chông gai, thử thách và dễ bị gục ngã, thất bại. Câu nói của Seneque như một lời nhắc nhở gợi lên trong ta về lựa chọn tính cách trong cuộc sống.
Đoạn văn số 2:
Quả thực, mỗi chúng ta như một vòng tròn bị khuyết mà cuộc sống thì luôn dung nạp những yếu tố đối nghịch nhau. Trong đó, khắc tinh của “hèn nhát” chính là “can đảm”. Người can đảm trước hết là người không hèn nhát, là người dám đối mặt với sự thật, là người dám đương đầu với những khó khăn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình... Nếu bất ngờ được hỏi về những tấm gương tiêu biểu của lòng can đảm, tôi chẳng ngần ngại gì mà sẽ trả lời ngay: người con gái anh hùng Võ Thị Sáu đứng trước họng súng quân địch mà vẫn cất cao tiếng hát, chú bé loắt choắt chạy như bay dưới làn đạn quân thù để đưa mật thư cho kháng chiến... Nói tóm lại, can đảm là một đức tính vô cùng cần thiết đối với mỗi con người và người can đảm là người đáng khâm phục. Khi ta có lòng can đảm, nghĩa là ta đã nắm giữ chiếc chìa khóa vạn năng giúp ta có sức mạnh vượt qua những cánh cửa chứa đựng khó khăn, thử thách. Cần phê phán những con người hèn nhát, không dám đương đầu với thử thách, không dám vượt qua chính mình, thấy gian khổ thì chùn bước, thấy nguy hiểm thì không dám hành động. Và sau cùng, mỗi chúng ta phải học cách dám đương đầu với những thử thách và hơn cả là can đảm trong trận chiến với chính mình. Đừng quên xếp “can đảm” vào trong chiếc túi hành trang của mình, bạn nhé!
(Nguồn: Thầy Phạm Minh Nhật)
Top 4 bài nghị luận hay và ý nghĩa về lòng can đảm
Nghị luận về lòng can đảm bài số 1: Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết
Trong mỗi con người luôn tồn tại hai khía cạnh can đảm và hèn nhát. Sự khác nhau là ở chỗ giữa hai đức tính này, thì bên nào mạnh mẽ hơn. Điều đó cũng có tác dụng quyết định đến cuộc sống của con người. Như câu nói của học giả Sénèque: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết”.
Lòng can đảm là sự dũng cảm của con người, dám đối mặt với sự thực, đối mặt với khó khăn, dám mạnh mẽ tìm cách vượt qua những khó khăn đó. Người có lòng can đảm thì cuối cùng sẽ đi được đến đích con đường mình đã chọn, sẽ đạt được những thành công nhất định. Ngược lại, sự hèn nhát là việc con người luôn sợ hãi, nao núng, không dám đối mặt với khó khăn thử thách. Gặp chuyện gì cũng sợ sệt, không dám dấn thân, không dám tiến tới. Người hèn nhát thường luôn sống trong một lớp vỏ bọc tự bảo vệ bản thân, luôn e sợ đối với thế giới bên ngoài. Điều đó chỉ dẫn họ đến những thất bại, những kết cục bi thảm và sự đổ vỡ, chết chóc.
Lòng can đảm và tính hèn nhát là hai thái cực ngược chiều nhau nhưng luôn tồn tại trong một con người. Người nào chiến thắng được tính hèn nhát, bứt phá được lớp vỏ bọc an toàn của bản thân họ sẽ tự tin vững bước trên con đường của mình. Người nào luôn núp mình sợ sệt, không dám dấn thân, không dám xông pha sẽ chỉ càng khiến cho bản thân họ bị cô lập, đi thụt lùi và ngày một thối chí, ngày một trở nên yếu đuối hơn.
Những người có lòng can đảm sẽ giải quyết được mọi công việc, những người hèn nhát sẽ không thể làm được gì. Người can đảm dám đứng mũi chịu sào, xông pha phía trước gặt hái những thành công, được mọi người yêu mến, quý trọng, được cộng đồng gắn bó. Ngược lại, người hèn nhát thì sẽ bị cả xã hội khinh thường, rẻ mạt, bị mọi người cô lập và bỏ qua khiến cho cuối cùng họ không thể làm được gì, cuộc sống rơi vào bế tắc cùng những khó khăn, rào cản.
Chẳng hạn trong một trận chiến cam go, quyết liệt, người can đảm sẽ mạnh mẽ xông lên, dám chiến đấu anh dũng, đối mặt với đối thủ của mình để giành giật sự sống. Ngược lại, người hèn nhát sẽ run rẩy, sợ sệt, núp trong bóng người khác cuối cùng là khiến cho kẻ địch thừa thắng xông tới giết mình. Trong học tập, kinh doanh, người can đảm là người dám chấp nhận thử thách, dám lựa chọn đi theo con đường của mình, dù thắng hay bại họ cũng thu về những bài học kinh nghiệm đáng quý, trở thành một công cụ, kinh nghiệm cho lần sau thắng lợi. Người hèn nhát thì sao, họ không dám thử một cách giải bài tập mới, lựa chọn một ngôi trường uy tín, không dám tiếp nhận một công việc mới chỉ thu thu trong công việc quen thuộc của mình. Cuối cùng cuộc sống của họ mãi mãi vãn bình bình như vậy, họ luôn dậm chân tại chỗ trong khi cả xã hội đều tiến lên.
Trong cuộc sống nhiều chặng đường, nhiều vấn đề mới nảy sinh mỗi ngày, con người cần phải can đảm, dũng cảm tiến tới phía trước. Có như vậy chúng ta mới thay đổi được cuộc sống của mình, có như vậy chúng ta mạnh mẽ vượt qua được những thử thách của cuộc sống. Còn cứ khư khư trong lớp bảo vệ an toàn, bạn sẽ không thể đối mặt với cuộc sống hôm nay. Một khi bạn mạnh mẽ bước qua được sự sợ hãi, bạn sẽ nhận ra rằng thật ra không gì là không thể, mọi việc đều có cách giải quyết của mình.
Nghị luận về lòng can đảm bài số 2:
Cuộc sống là một cuộc đua mà ta luôn phải vượt qua các chướng ngại vật. Trong khi lòng can đảm giúp ta vượt qua những hàng rào thì sự sợ hãi, nhút nhát sẽ làm những rào cản ấy ngày một cao hơn. Dần dần những rào cản ấy sẽ vây kín và vùi chôn ta với sự hèn nhát của mình. Chẳng vậy mà Sénèque đã từng nói: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết”.
“Can đảm” là dũng cảm , dám đương đầu, dám đối mặt với những khó khăn, thử thách. “Hèn nhát” là sự sợ hãi, nhút nhát, hèn yếu đến đáng khinh. Can đảm và hèn yếu là hai khái niệm trái ngược nên người can đảm và gười hèn yếu sẽ nhận lại những thái độ khác nhau từ những người xung quanh. Người can đảm luôn được kính trọng, ngợi ca trong khi đó người hèn yếu chỉ nhận lại được sự coi khinh, ghẻ lạnh. Trong cuộc sống của chúng ta, thành công chr thực sự đến với những ai dám thành công, những ai dám can đảm. Tính hèn nhát sẽ khiến ta dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn. Đó chính là thất bại lớn nhất của cuộc đời. Hermingway-đại thi hào Mỹ đã từng khẳng định: “Con người sinh ra không phải để thất bại”. Tất cả những điều đó giúp chúng ta đi đến kết luận về tính đúng đắn của câu nói: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa ta đến cái chết”.
“Can đảm” là dám chỉ ra cái sai của người khác, bảo vệ lẽ phải bất chấp việc đó có hại cho mình. Những hành động thể hiện sự can đảm không nhất thiết là xông pha trận mạc, cũng không nhất thiết phải xông vào hỏa hoạn để cứu người. “Can đảm” có khi chỉ đơn thuần là hành động đứng trước lớp nhận lỗi của một em bé tiểu học. Thậm chí nó cũng có thể là việc tự thú của một kẻ sát nhân. Ta hãy nhớ: sự can đảm không thuộc về riêng ai. Có can đảm ta sẽ có thêm động lực, thêm tự tin để đạt được thành tích, thậm chí là kì tích. Nhưng cùng với đó, hèn nhát cũng tạo cho ta thói vô trách nhiệm. Trước vấp ngã ta sẵn sàng buông bỏ đó là vô trách nhiệm với bản thân. Bắt gặp hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật mà không can ngăn là vô trách nhiệm với xã hội. Phát hiện một vụ buôn bán sừng tê trái phép, bạn có gọi điện báo cảnh sát hay im lặng vì sợ bản thân nguy hiểm? Bắt gặp một hành động bạo lực gia đình, bạn có can ngăn hay chỉ nghĩ đó không phải là chuyện của mình? Những người hèn nhát rất có thể kẻ tiếp tay cho cái xấu, cái ác. Điều đó chính là hệ lụy đáng sợ nhất.
Tuy nhiên, can đảm phải kết hợp với lý trí để không trở thành những điều sai trái. Hiện nay, các bạn trẻ tự tử vì tình yêu không có nghĩa là can đảm bảo vệ tình yêu mà đó lại chính là hành động dại dột nhất. Cũng theo hướng suy nghĩ ấy, một tên khủng bố ôm bom cảm tử trên đại lộ để tàn sát người vô hại không phải là một người can đảm mà là một kẻ sát nhân. Hay một người cứ theo đuổi mãi một điều nan giải không có nghĩa là can đảm mà là ngoan cố. Trong những trường hợp này, rõ ràng không phải chỉ có hèn nhát mới dẫn đến cái chết.
Chúng ta, những con người đang sống, hãy can đảm để được sống một đời đúng nghĩa. Trong đêm tối, ta hãy luôn hướng về một vì sao duy nhất - vì sao mang tên can đảm trong chính mình.
Hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh
Nghị luận về lòng can đảm bài số 3: Can đảm là đức hạnh số một của con người vì nó đảm bảo cho tất cả những hạnh phúc khác
Tôi nghĩ rằng mình không quá xinh đẹp để có thể tham gia bất cứ cuộc thi thanh lịch nào. Tôi nghĩ rằng mình không quá giỏi để có thể đến với những cuộc thi học thuật và tôi cũng nghĩ rằng mình không có hát được, cũng không múa hay để đến với các cuộc thi mang tính chất nghệ thuật. Và 2 năm cấp 3 của tôi trải qua tẻ nhạt đến như vậy. Và đến ngày hôm nay tôi mới phát hiện ra rằng, tuy là tôi không hát hay, tôi không múa đẹp, tôi không phải là người giỏi nhất nhưng tôi là người duy nhất. Bởi vì tôi có thể nói, nói để đưa các bạn đến gần hơn với bài thuyết trình của tôi. Và ngày hôm nay, việc tôi đứng trên đây, đứng trước các bạn để thuyết trình. Đó là sự can đảm.
Mỗi ai trong chúng ta đều có những ước mơ, lí tưởng sống khác nhau. Dù khác nhau nhưng chúng đều có những nét đẹp khó có từ nào có thể diễn tả nổi. Ước mơ, lí tưởng sống là đẹp như thế nhưng con đường đi đến ước mơ, thực hiện lí tưởng có dễ dàng không. Thật sự là không và hành trang đầu tiên để bắt tay vào thực hiện ước mơ chính là sự can đảm. Bởi vậy mà Churchill đã nói rằng:” Can đảm là đức hạnh số 1 của con người, vì nó đảm bảo cho tất cả những hạnh phúc khác”
Vậy can đảm là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Can đảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua bao sóng gió của cuộc sống, là làm những việc mà người khác không dám làm, là dám đương đầu với những khó khắn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình và là không bao giờ bỏ cuộc. Bỏ cuộc là việc dễ làm hơn rất nhiều, và đó chính là điều mà những kẻ thất bại luôn làm. Bị đánh ngã là một chuyện- cứ nằm mãi không chịu đứng dậy bước tiếp lại là một chuyện khác. Con người can đảm là dám làm những việc khó khăn, dám vượt qua gian khổ để thực hiện lí tưởng sống, biết chấp nhận hi sinh vì chân lí, lẽ phải và dám nhận những sai lầm mà mình đã gây ra. Vậy nên trong cuộc sống có không ít những người thành công khi đi theo chân lí, can đảm của chính mình.
Chắc hẳn các bạn ngồi đây, ai ai cũng biết đến tổng thống Abaraham Licoln là một tấm gương sáng- lòng can đảm của ông trở nên phi thường. Hai lần thất bại trong cuộc tranh cử Thượng viện, nhưng ông không nản chí và sau này đã trở thành người lãnh đạo giỏi nhất giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng hiến pháp và ông đã trở thành tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể được chứng kiến nhiều hành động sáng ngời về sự can đảm...và trong tất cả chúng ta đều là hiện thân của sự can đảm.
Trong chương trình the Apprentice, các thí sinh trước hết phải vượt qua một quá trình kiểm tra vô cùng khắc nghiệt. Có hàng triệu đơn đăng ký, và chỉ có vài người được chọn. tỷ lệ chọn rất khủng khiếp. Đó là lý do tôi chắc rằng chương trình này không có người thất bại. Nhưng người bước chân tham gia vào chương trình tỏ rõ sự can đảm của họ. Họ đều là những người chiến thắng. Việc bị sa thải trước mặt hàng triệu người không dễ dàng gì, nhưng đó là phần của cuộc chơi và họ vẫn kiên trì. Hầu hết các thí sinh đều nói rằng trải nghiêm này đều xứng đáng tất cả nhưng gì họ đã bỏ ra, dù họ có dành chiến thắng thắng hay không.
Hemingway từng viết một câu mà nay đã trở nên vô cùng quen thuộc, “lòng can đảm là phong thái ung dung bất chấp áp lực” Hãy nghĩ về điều này. Thỉnh thoảng chúng ta phải đối mặt với những thử thách, chúng ta không muốn có, nhưng chúng ta vẫn phải thức dậy hằng ngày và giải quyết chúng. Đó chính là long can đảm. Đức tính này đòi hỏi sự bình tĩnh và tự tin. Có thể thế chưa phải là sự kiên cường quả cảm, có thể không phải ngày nào cuộc sống cũng đặt bạn vào một tinh huống đầy khó khăn và hiểm hoạ, nhưng câu chuyện the Apprentice là một ví dụ về lòng can đảm mà chúng ta đều có thể hiểu được.
Tự tin là một yếu tố quan trọng để tạo ra sự can đảm. Và trái ngược lại với nó là sự nhát cảm. Bản thân tôi, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng: Tôi không biết gì hết, tôi không làm được bất cứ công việc gì,...và điều đó khiến tôi trở thành một con người nhút nhát. Can đảm không phải là sự thiếu vắng sư sợ hãi, mà can đảm là chinh phục sự sợ hãi. Nếu bạn không can đảm, có thể bạn sẽ mất đi những cơ hội mà bạn nghĩ rằng, bạn thích hợp với nó, bạn sẽ bỏ lỡ hàng ngàn cơ hội,...Bạn đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa? Vậy nên, đối mặt với những thứ bạn ghét cũng đã là một can đảm.
Tôi biết rằng, không ít bạn ngồi đây có những nỗi sợ hãi khá là đơn giản. Bạn thì sợ chuột, bạn sợ sâu bọ, bạn thì sợ nhện,...Tôi từng quen một cô bạn, và...các bạn biết là cô bạn ấy sợ nhất là gì không? Là rùa đấy, và cô ta từng ngất xỉu khi thấy rùa. Tôi hỏi các bạn nhé, nó làm gì bạn mà các bạn sợ. Nó mang chất độc trong người khiến mỗi khi bạn chạm vào bạn bị mất mạng sống à? Nếu không thì sao các bạn lại sợ?...Hãy vượt qua những điều sợ hãi nhỏ nhất, bạn sẽ dần dần can đảm vượt qua những điều lớn lao hơn nữa....
Hãy lắng nghe những sự thật đang hiện hữu trong trái tim ta và đừng sợ khi đi theo con đường mà chân lý dẫn dắt. Hai chữ nhỏ bé này có một sức mạnh biến đổi được cá nhân và làm thay đổi được thế giới. Hai chữ nhỏ bé này tạo cho ta một quyết tâm và lòng can đảm.
“Tạo lập! Xây dựng! Phục vụ! Đó là những mệnh lệnh của thiên nhiên.Hãy làm theo những mệnh lệnh đó, và bạn sẽ thấy sự giàu sang và phong phú của vũ trụ là vô tận.” hãy sống hết mình và khong ngừng phấn đấu ban sẽ tìm thấy được tất cả và làm chủ mọi thứ vì “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”.mà.không phảido ai khác sắp đặt hay ép buộc và tư do chính là trang mà chúng ta có được.
Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ nói rằng: tôi không biết, tôi không thể làm, tôi dốt nát, tôi là một người vô dụng, tôi không thể làm được bất cứ công việc gì. Hãy biết rằng bạn có thể có được lòng can đảm và bạn sinh ra là để thành công.
Có thể bạn quan tâm: Nghị luận xã hội Cốt lõi của sự thay đổi là sự dũng cảm của mỗi người
Nghị luận về lòng can đảm bài số 4:
Yêu thương là cửa ngõ dẫn tới bờ hạnh phúc. Xung đột là con đường gây nên đau khổ. Lòng nhân ái giúp cuộc đời ngập tràn niềm vui. Kiêu căng mang tới bao tai họa. Biến đổi của những phạm trù trong cuộc sống luôn vận hành theo quy tắc nhất định, sự phát sinh của phạm trù này là hệ quả tất yếu của phạm trù kia. Những tai họa xảy đến đôi khi bởi tính kiêu căng. Sống ngập tràn niềm vui đến từ lòng nhân ái. Sự khổ đau nguyên do bởi xung đột. Hạnh phúc được hiện hữu hệ tại bởi yêu thương. Trong chiều hướng đó, văn hào Sénèque đã có lý khi đưa ra câu nói: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết” như một lời nhắc nhở gợi lên trong ta về lựa chọn tính cách trong cuộc sống.
Ai đó đòi lại chân lý cho người đang bị bất công chà đạp, dành lại tự do cho những ai bị áp bức, lôi hòa bình ra từ chiến tranh. Những ai thực hiện những hành vi vừa nêu một cách không sợ hãi và thi hành một cách liên tục thì ta gọi là người có “lòng can đảm”. “Còn tính hèn nhát” là một sự sợ hãi khi phải đương dầu với việc nghĩa và nó hoàn toàn ngược lại với lòng can đảm. “Vinh quang” là một trạng thái vẻ vang khi đạt được mục đích và những dự định trong quá khứ. Còn “cái chết” là trạng thái hủy hoại, không công tồn tại của người, sự việc, hay mất đi những dự định, ước mơ trong quá khứ. Vì thế câu nói là một lời khẳng định sự hiện hữu của hai mặt đối nghịch trong cùng một thực tại, một công việc và kết quả của đó được vinh quang hay cái chết đều hệ tại việc con người đặt vào đó thái độ can đảm nay tính hèn nhát.
Nói cách khác, “lòng can đảm” là phẩm chất xuất phát từ bên trong con người, nó được biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể như: bênh vực công lý, giúp đỡ những người yếu thế, làm chứng cho sự thật, bảo vệ sự “thiện” nhằm mưu ích cho cộng đồng và xã hội. Với những người có tinh thần yêu nước thì đó là đức tính hàng đầu giúp họ giải phóng dân tộc, còn những người có niềm tin tôn giáo hay các bậc tu hành thì can đảm giúp họ tự tin chống lại “tham, sân, si”, những mưu cầu, chống đối đi ngược với niềm tin cũng như giáo lý. “Tính hèn nhát” cũng được biểu lộ bằng những hành động cụ thể bên ngoài nhưng hoàn toàn ngược lại so với tính can đảm. Nghĩa là, sợ hãi khi đương đầu với khó khăn, không dám bơi ngược dòng nước vì sợ “trầy da, tróc vảy”, chỉ như cánh bèo trôi theo con nước chảy, mặc cuộc đời cho số phận. Tính hèn nhát phát xuất từ thái độ thiếu tự tin, không dám khẳng định giá trị của bản thân trước sóng gió cuộc đời.
Giữa một xã hội đầy những biến chuyển như hiện nay thì ranh giới giữa can đảm và hèn nhát, vinh quang và suy vong làm cho con người khó có thể phân biệt. Vì thế, con người đang mất dần cảm thức về những đức tính phát xuất từ tâm hồn và có giá trị trường tồn mà chỉ quan tâm đến những gì mang tính “tức thì” với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Một hành động được biểu lộ ra bên ngoài đối với người này cho là “can đảm” nhưng đối với người kia thì “hèn nhát”. Chừng mười mấy năm về trước, người viết còn nhớ ở vùng quê có anh thanh niên, vì không chịu nổi sự đau khổ khi người yêu đi lấy chồng sau quãng thời gian hai năm yêu nhau mặn nồng, nên anh tìm đến cái chết để minh chứng cho lòng chung thủy. Lúc này trong làng có hai quan niệm: đối với những người lớn tuổi, có kinh nghiệm đường đời thì cho rằng đó là một hành động “hèn nhát”. Còn những ai bằng tuổi người viết thì cho rằng đó là một hành động “can đảm”, để chứng minh cho lòng chung thủy của anh đối với người bạn gái. Do đó, anh trở thành biểu tượng về lòng chung thủy trong tình yêu đối với những thanh niên thời bấy giờ. Hay gần đây lại dẫy lên phong trào ôm bom tự sát ở các trung tâm thương mại, trường học và những chỗ đông người của những tay súng đứng lên tự xưng là Nhà nước Hồi Giáo. Đối với những người thuộc Nhà nước Hồi Giáo thì cho rằng đây là một hành vi “can đảm” vì đã hy sinh bản thân cho “nhiệm vụ cao cả”. Còn đa số người dân trên thế giới lại cho rằng đó là một hành vi “liều lĩnh”, ác độc và đáng bị lên án.
Hiểu theo định nghĩa về lòng can đảm và tính hèn nhát được nêu lên, ở mức độ cần thiết có thể khẳng định hành động của anh thanh niên và những tay súng đánh bom tự tử là những người có thái độ liều lĩnh, bán rẻ mạng sống sống mình cho việc không đáng vào đâu. Bởi cuộc sống là một huyền nhiệm, hiện hữu của mỗi người trên trần gian chỉ một lần duy nhất, không thể vì người yêu đi lấy chồng mà bỏ mất mạng sống mình, cũng chẳng thể nhân danh “lòng chung thủy” mà làm cho người thân trong gia đình phải khổ đau. Những tay súng thuộc nhà nước Hồi Giáo cũng vậy, hy sinh mạng sống vì niềm tin tôn giáo mình theo là điều tốt, nhưng nó chỉ tốt khi niềm tin của tôn giáo đó mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại đây là một niềm tin mang tính bạo động hơn là mang tới cho con người cuộc sống bình yên, mang tính hủy diệt hơn sự thánh thiêng. Vì thế, không thể ngụy biện rằng nhằm bảo vệ cho niềm tin nên họ có thể ngang nhiên lấy đi mạng sống của người khác, đáng lên án hơn nạn nhân của những cuộc khủng bố này lại là những trẻ em và học sinh vô tội. Qua đó cho thấy, tính hèn nhát không chỉ hy sinh mạng sống mình một cách uổng công mà còn gây khổ đau cho những người khác. Lối suy nghĩ và những hành động như thế đáng bị lên án và bài trừ.
Nói qua thì cũng phải nói lại, chỉ đề cập tính hèn nhát mang tới cho con người sự chết và cuộc sống đầy những mối âu lo thấy cuộc đời sao buồn và bi quan đến lạ. Ngược lại, đâu đó trong mọi ngõ ngách của cuộc sống vẫn còn sự hiện hữu của tính can đảm để làm cho nguyên tắc vận hành của vũ trụ đi vào thế cân bằng. Nếu hiện hữu của những người người hèn nhát là điều đương nhiên thì hiện diện của những người can đảm là lẽ tất yếu. Nếu sự chết làm cho con người phải sợ thì vinh quang là niềm an ủi trong cuộc đời. Ngược dòng lịch sử, đã có không ít người can đảm hy sinh bản thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc hay vì niềm tin tôn giáo. Sự thật câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm dầu vào mình để đốt kho xăng của địch mặc dầu chưa được hé lộ, nhưng hành động này cũng để cho thấy lòng dũng cảm rất đáng được mọi người mến mộ và tự hào của thiếu niên Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có những con người đã hy sinh bản thân vì niềm tin tôn giáo. Nếu ở Phật Giáo có Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu trong thập niên sáu mươi nhằm lên án sự phân biệt tôn giáo của chính phủ lâm thời (mặc dù sự kiện này còn có nhiều điểm nghi ngờ do sự điều khiển của chế độ Cộng sản) thì ở Giáo hội La Mã có không ít những người đã chấp nhận hy sinh bản thân vì niềm tin hay vì người khác. Đầu tiên cần kể đến linh mục Maximilian Maria Kolbe, người đã tự nguyện chết thay cho bạn tù. Kế đến chúng ta cũng không quên gương chứng nhân là mẹ Têrêxa Calcutta, người đã can đảm hy sinh cả cuộc đời để bênh vực cũng như giúp đỡ những người nghèo. Gần nhất với chúng ta là đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, dù trong một xã hội đầy những biến động nhưng ngài vẫn luôn lên tiếng để bảo vệ người nghèo cũng như lên án trước những hành động đối với những ai đi ngược lại với “luân thường đạo lý”. Do đó, lòng can đảm là thước đo để đem lại hòa bình cũng như hạnh phúc, có lòng can đảm thì tình yêu sẽ được phát sinh và nụ cười sẽ được mở trên môi con người. Và ít nhất cho tới giây phút này những người thực thi tính can đảm đang được người đời nhìn nhận và tung hô, đó cũng chính là giá trị của sự vinh quang.
Xã hội càng hiện đại, văn minh thì con người càng bị lôi kéo vào vòng tranh chấp bất tận. Trong chừng mực nào đó có thể nói, ngày nay ai cũng muốn tích góp thật nhiều của cải để đáp ứng cho cái tôi ưa thích hưởng thụ và muốn củng cố địa vị trong xã hội để tôn vinh cái tôi. Để mang tới hạnh phúc cho người khác là cả một chặng đường gian nan, hy sinh bản thân cho ai đó là điều khó thực hiện. Những hệ lụy này phát xuất bởi ranh giới giữa công chính và tội lỗi, hiền lành và gian ác, kiêu căng và khiêm nhường rất khó để phân biệt như đã nói ở trên. Nói đúng hơn, hành động của con người ngày nay có vẻ như đang được bao bọc bởi những “nhãn hiệu” rất tinh vi cùng với sự can thiệp của lý trí quá mức cho phép. Nghĩa là mọi hành động con người ngày nay thực hiện đều được “cân, đo, đong, đếm” một cách rõ ràng, chỉ khi nào mang tới cái “lợi” và không ảnh hưởng gì tới bản thân thì mới thực hiện. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ra đường ai đó bị kẻ xấu hãm hại hay bị áp bức thì rất ít người đứng ra để bênh vực hay giúp đỡ. Điều này cũng đồng nghĩa với bệnh “vô cảm” nơi con người ngày nay đang ở mức báo động. Tuy nhiên, đó là mặt trái của cuộc đời, chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm” bởi trong xã hội ngày nay vẫn con còn rất nhiều người có lòng can đảm để minh chứng cho “tính thiện” nơi con người còn hiện hữu, như những bác xe ôm bắt cướp, những người lãnh đạo trong các tôn giáo đã hy sinh cả cuộc đời mình để phục vụ phật tử, giáo dân hay giáo hữu, đó là chưa kể đến những người phục vụ trong các trại cai nghiện, trại cùi, những trung tâm chăm sóc cho những thiếu nữ “cơ nhỡ”. Do đó, câu nói của văn hào Sénèque là một tiếng chuông để thức tỉnh những ai đang bị căn bệnh của thời đại tiêm nhiễm, trong đó phải nói đến tính hèn nhát hãy tìm những linh dược để chữa lành nếu không hiện hữu ở trên cõi đời này không còn ý nghĩa. Và phương thuốc để chữa trị những căn bệnh này thì cũng có vô số nhưng chỉ cần mua được dược liệu đó là “lòng can đảm” cũng đủ để chữa lành những vết thương đang “mưng mủ”. Có được toa thuốc này cũng không khó, chỉ cần mở dung lượng trái tim là tình yêu thương nhằm hy sinh giúp đỡ người khác thì vinh quang và giá trị của bản thân sẽ nằm trong tầm tay.
Hành trình sống của mỗi người là chuỗi ngày những chọn lựa giữa thánh thiện và tội lỗi, khiêm nhường và tự mãn, can đảm và hèn nhát. Có những lần “chọn” biết đúng nhưng không dám theo, biết bao lần “lựa” thấy vô lý nhưng cứ thực hiện. Bởi “điều muốn làm nhưng lại không làm còn những điều không muốn làm nhưng lại làm” là bản năng của con người. Tuy nhiên, không vì thế mà ta cứ để cho bản năng lấn át tiếng nói lương tâm, sự gian ác chà đạp lên những giá trị của yêu thương. Ngược lại, hãy để cho những đức tính làm cho tha nhân được hạnh phúc trỗi dậy, để cho tiếng nói của lương tâm điều khiển bản năng trong con người. Vì thế, câu nói của văn hào Sénèque sẽ giúp ta có những chọn lựa nhằm tìm ra ý nghĩa hiện hữu của bản thân nơi trần gian.
-/-
Trên đây là những đoạn văn mẫu, bài văn nghị luận xã hội hay nhất về lòng can đảm trong cuộc sống. Hi vọng, với việc tham khảo các bài văn mẫu mà Đọc Tài Liệu vừa cung cấp, các bạn có thể nắm được những luận điểm cơ bản cần triển khai cũng như có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình.
Và đừng quên tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu hay lớp 12 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !