Tuyển tập các mở bài hay về hình tượng người lính Tây Tiến

Xuất bản: 25/12/2018 - Cập nhật: 12/07/2022 - Tác giả: - Tham vấn bởi:

Những mở bài về hình tượng người lính Tây Tiến hay và sáng tạo, được đánh giá cao dành cho học sinh lớp 12 giúp đạt điểm cao trong các kì thi.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo tuyển tập những cách mở bài hay về hình tượng người lính Tây Tiến, phân tích Tây Tiến từ cơ bản đến nâng cao sưu tầm và tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau, giúp em có thêm vốn kiến thức hữu ích cũng như cải thiện cách triển khai mở bài và hành văn.

Những mở bài về hình tượng người lính Tây Tiến hay nhất

Một số cách mở bài thường gặp khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Mở bài 1

Hình ảnh người lính nói chung và những người lính thời kỳ chống Pháp nói riêng từ lâu đã đi vào văn chương như một nguồn thi cảm. Các nhà thơ viết về người lính với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào. Giữa muôn vàn những tác phẩm như vậy, Tây Tiến là bài thơ có vị trí đặc biệt. Tây Tiến là một trong những bài thơ sớm nhất viết về người lính cách mạng, ra đời ngay trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành thi phẩm xuất sắc của nền thơ Việt Nam từ sau năm 1945 cùng với hình tượng người lính Tây Tiến.

Mở bài 2

Sự nghiệp của Quang Dũng không phong phú, đồ sộ như nhiều nhà thơ khác, nhưng mỗi tác phẩm ông để lại đều khắc dấu ấn đậm sâu trong lòng bạn đọc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nổi bật nhất là tác phẩm Tây Tiến. Qua những vần thơ đầy tinh tế mà cũng vô cùng chân thực, ông đã tái hiện thành công chân dung người lính, binh đoàn Tây Tiến.

Tây Tiến được sáng tác năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, sau khi Quang Dũng đã rời binh đoàn Tây Tiến để nhận nhiệm vụ khác. Mặc dù đã rời binh đoàn, những nỗi nhớ, tình yêu với binh đoàn vẫn luôn tha thiết, nó đã giúp ông kết tinh nên tác phẩm nghệ thuật này. Bởi vậy, trong tác phẩm cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ tha thiết, sâu đậm.

Mở bài 3 (gián tiếp)

Trong vườn hoa của thơ ca kháng chiến chống Pháp, Tây Tiến được xem là bông hoa đầu mùa vừa đẹp lại vừa lạ. Bông hoa ấy được nở ra từ hồn thơ phóng khoáng và tâm huyết, một tiếng thơ tinh tế và lãng mạn. Đó chính là người nghệ sĩ tài hoa – nhà thơ của “xứ Đoài mây trắng” – Quang Dũng.

Mở bài 4 (gián tiếp)

Có những “bài ca không bao giờ quên”, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong ký ức. Cùng với khí thế sôi sục của những năm mưa bom bão đạn, văn học, với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách sống động tượng đài của những chiến sĩ anh hùng kiên trung. Để ngày hôm nay lòng ta không khỏi bùi ngùi xúc động khi đọc lên những câu thơ bất hủ trong áng thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

Mở bài 5

Bài thơ “Tây Tiến” có thể xem như một hiện tượng “xuất thần” của Quang Dũng trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Đó là “đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện” (Phong Lê) được khí phách của cả một thời đại ùa vào, chắp cánh để cho cái chất bi tráng bay lên như một nét đẹp hiếm có của một thời thơ.

Tuyển tập các mở bài hay về hình tượng người lính Tây Tiến

Những mở bài sáng tạo cho đề văn về vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến

Mở bài 1:

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét về bài thơ Tây Tiến: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

Mở bài 2

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở đầu một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Đồng thời mở ra một kỉ nguyên mới cho văn học Việt Nam – một nền thơ ca phản ánh sự bùng nổ toàn diện sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, trước vận hội lịch sử đã tích tụ qua nhiểu thế kỉ.

Đọc thơ ca Việt Nam 1945 – 1975, chúng ta thấy cuồn cuộn niềm vui của hàng triệu người ra trận, thấy được những mất mát đau thương, những khát khao, ước vọng chân thành… Ba mươi năm liên tục đấu tranh chống kẻ thù cũng là khoảng thời gian văn học phát triển mạnh mẽ không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn học lấy đề tài chiến tranh, viết về chiến tranh cách mạng. Thơ cũng như văn, hết lòng ca ngợi người anh hùng, người lính, người mẹ, thanh niên xung phong… Tất cả hiện lên trong tác phẩm với mọi tầng lớp, lứa tuổi, dân tộc… y như thật ở trên đời. Và họ đẹp – cái đẹp tiêu biểu cho cả thời đại. Cái đẹp ấy kết tinh đậm đà ở hình tượng anh bộ đội cụ Hồ – anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân. Bởi các anh chính là người anh hùng suốt hai cuộc kháng chiến trường kì.

Mở bài 3

“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai bồng…

“Khi Tổ Quốc cần họ biết sống xa nhau”"

(Cuộc chia ly màu đỏ – Nguyễn Mỹ)

Chiến tranh đi qua đã để lại cho chúng ta hoài niệm về những tháng năm không thể nào quên, đó là khi con người ta nhận ra sứ mệnh của mình sinh ra là để chiến đấu, là để báo thù, đó là những con người sẵn sàng gác lại tuổi trẻ, việc học hành, tình cảm cá nhân vị kỉ để đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc…

Những con người ấy đã đi vào trong thơ ca, nghệ thuật như những huyền thoại của thế kỉ 20 mà nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện thật xuất sắc thông qua lăng kính lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hiện thực của mình qua bài thơ Tây Tiến. Tác phẩm đã khắc họa thành công bức tượng đài người lính Tây Tiến trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.

Mở bài 4

Chiến tranh đã qua đi, những hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc.

Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử khốc liệt những 1945 - 1954. Qua bài thơ này, Quang Dũng đã dùng bút lực của mình để vẽ lên thi đàn văn chương một bức tượng đài người lính Tây Tiến vừa lãng mạn hào hoa, vừa hào hùng bi tráng.

7 mở bài Tây Tiến nâng cao khác

Mở bài Tây Tiến mẫu 1:

Văn học sinh ra để cho đời thêm hoa thơm trái ngọt, cho sự sống vút cao trên mỗi trang văn, trang thơ. Từ văn học dân gian tới văn học viết, từ truyện ngắn tới thơ. “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử.” (Shelly). Và “Tây Tiến” của Quang Dũng là một bài thơ như thế bởi sự bất tử của hình ảnh những người lính Tây Tiến bị tráng, hào hoa, không ngại gian khổ. Tây Tiến - Một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt.

Mở bài Tây Tiến mẫu 2:

Chiến tranh đã qua đi, những hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc. Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử khốc liệt những 1945 - 1954. Qua bài thơ này, Quang Dũng đã dùng bút lực của mình để vẽ lên thi đàn văn chương một bức tượng đài người lính Tây Tiến vừa lãng mạn hào hoa, vừa hào hùng bi tráng.

Mở bài Tây Tiến mẫu 3:

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào ngòi bút của Quang Dũng cũng thể hiện được sự tài hoa và lãng mạn. Với không gian của thơ ca, mỗi sáng tạo của ông đều làm cho người đọc say mê. Trong đó, nổi bật lên là bài thơ Tây Tiến. Thi phẩm này đã mang mình số phận khá long đong khi lịch sử thẩm mỹ khước từ, nhưng theo thời gian thì chân giá trị của tác phẩm càng được khẳng định. Và cho đến nay, khi nhắc đến bài thơ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam thời chống Pháp thì chúng ta không thể quên Tây Tiến.

Mở bài Tây Tiến mẫu 4:

Có những vùng đất chẳng phải quê hương mình nhưng vẫn thật lưu luyến khi rời xa. Xa rồi, tâm hồn cứ nhớ mãi về núi ấy sông ấy. Xa rồi tâm tưởng cứ hiện về khắc khoải theo bóng dáng con người ấy. Ở làng Phù Lưu Chanh cũng từng có người chiến sĩ Quang Dũng khắc nỗi nhớ lên trang giấy về miền quá khứ thân thương bằng những vần thơ trong Tây Tiến. Nỗi nhớ thương ấy đi từ nhà thơ, qua câu chữ để truyền vào tâm tư người đọc, để ta cùng hòa điệu tâm hồn trong bản đàn nhớ Tây Tiến, nhớ quá khứ gắn bó nghĩa tình.

Mở bài Tây Tiến mẫu 5:

Bàn về sức sống của văn chương nghệ thuật, trong bài thơ “Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki” – nhà thơ Bằng Việt từng viết: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”. Vâng! Có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm lại như “những dòng sông đỏ nặng phù sa”, như “bản trường ca rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn” để rồi in dấu ấn và chạm khắc trong tâm khảm ta những gì đẹp nhất để “suốt đời đi vẫn nhớ”. Đó phải chăng là những tác phẩm đã “vượt qua mọi băng hoại” của thời gian trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” để lại trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ những dư vang không thể nào quên. Một trong số bài ca đó phải kể đến “Tây Tiến” của người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng. Trong bài thơ có những vần thơ thật lắng đọng, đặc biệt là đoạn tả chân dung người lính:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Thầy Phan Danh Hiếu)

Mở bài Tây Tiến mẫu 6:

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”. Thật vậy! Cái nhụy sống ấy đã nảy nở trong trái tim của Quang Dũng - một con người rất mực đa tài. Quang Dũng, lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã mang đến cho đời cái “nhụy” có vị ngọt của cảm hứng “lãng mạn, anh hùng” trong những năm kháng chiến đau thương. Để rồi, kết trái thành “Tây Tiến”, một bản hùng ca tuyệt vời về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ dù phải đối mặt với những muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai.

Mở bài Tây Tiến gián tiếp mẫu 7

Có một không gian nào

Đo chiều dài nỗi nhớ?

Có khoảng mênh mông nào

Sâu thẳm hơn tình thương”

Thơ ca Việt Nam hiện đại có cả một khoảng trời dành cho nỗi nhớ thương. Đó là nỗi nhớ thương Hoàng Cầm gửi lại mảnh đất của mình qua bài thơ “Bên kia sông Đuống”, là nỗi nhớ thương của những kẻ đi xa qua bài thơ “Bếp lửa” - Bằng Việt, đôi khi cũng là nỗi nhớ thương tình yêu mà người bên ấy chỉ dám gửi cho người bên này qua “hương bưởi” trong bài thơ “Hương thầm” - Phan Thị Thanh Nhàn. Trước những rung cảm của con tim, người nghệ sĩ dùng ngòi bút để trải lòng, viết về nỗi nhớ niềm thương nhiều như vậy. Quang Dũng - người nghệ sĩ đa tài cũng không ngoại lệ khi đặt để những tình cảm của mình nơi những người đồng chí, đồng đội qua bài thơ “Tây Tiến”.

Mở bài Tây Tiến gián tiếp mẫu 8

“Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương 

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm 

Em đã bao ngày em nhớ thương?...” 

Ôi! Trái tim bạn đọc đã từng bao lần phải sửng sốt trước đôi mắt “dìu dịu buồn Tây Phương” mà Quang Dũng miêu tả về người em trong thi phẩm quen thuộc này. Một đôi mắt vừa tình tứ, vừa linh động thật hợp với hồn thơ của thi sĩ xứ Đoài mây trắng: hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa. Bên cạnh mảng thơ viết về quê hương “để thương, để nhớ” của mình, người nghệ sĩ đa tài ấy còn đặc biệt gây ấn tượng với bạn đọc về mảng thơ ca kháng chiến – cụ thể viết về hình ảnh người lính. “Tây Tiến” chính là một trong số những bài thơ như thế - tác phẩm nổi bật trong mảng thơ ca thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.

-/-

Trên đây là tuyển chọn những mở bài hay về người lính Tây Tiến, cách mở bài phân tích Tây Tiến hay và đặc sắc nhất do Đọc tài liệu sưu tầm, chọn lọc từ các nguồn khác nhau. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này, các em sẽ không còn gặp nhiều khó khăn để viết được phần mở bài hoàn chỉnh cho bài văn của mình. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM