Bạn đang muốn viết một bài tập làm văn lớp 3 kể về một ngày lễ hội trên quê hương ? Đọc Tài Liệu chia sẻ đến bạn tài liệu hướng dẫn làm văn kể về một ngày lễ hội ở quê hương mình gồm dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu hay tham khảo để mở rộng vốn từ ngữ.
Hướng dẫn làm bài văn kể về một ngày lễ hội trên quê em
Đề bài: Viết đoạn văn ngắn từ 7 đến 10 câu kể về một ngày hội mà em biết.
1. Phân tích đề
- Yêu cầu đề bài: kể về một ngày hội quê em mà em biết.
- Dạng hình thức kể chuyện: văn kể chuyện cơ bản
- Vị trí nhân xưng khi kể chuyện: em là người dẫn truyện.
2. Tìm ý
Để làm được bài văn kể về một ngày lễ hội trên quê em hay và đầy đủ ý, trước khi viết em cần xác định được những ý chính cần trình bày trong nội dung bài văn sắp viết. Cụ thể:
- Giới thiệu về tên lễ hội (lễ hội đền Hùng, hội Lim,...)
- Thời gian diễn ra lễ hội, tổ chức hàng năm hay mấy năm một lần?
- Địa điểm diễn ra lễ hội (sân đình, bãi cỏ, sông nước,...).
- Mọi người chuẩn bị lễ hội như thế nào?
- Lễ hội bắt đầu bằng hoạt động gì?
- Những hoạt động diễn ra trong suốt lễ hội
- Cảm xúc của em khi được tham dự lễ hội.
3. Lập dàn ý chi tiết
a) Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu sơ lược về lễ hội quê hương em mà em định kể
- Ấn tượng của em về lễ hội đó.
Ví dụ: Hằng năm, sau dịp Tết Nguyên Đán, quê hương em có rất nhiều lễ hội. Trong số đó, em thích nhất là lễ hội thổi cơm thi và năm nào em cũng mong chờ đến lễ hội này.
b) Thân bài: Kể chi tiết về lễ hội
- Giới thiệu tên lễ hội (lễ hội đền Hùng, hội Lim,...)
- Thời gian diễn ra lễ hội, tổ chức hàng năm hay mấy năm một lần?
- Địa điểm diễn ra lễ hội (sân đình, bãi cỏ, sông nước,...).
- Các công việc chuẩn bị cho lễ hội:
+ Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn
+ Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…)
+ Chuẩn bị về địa điểm
…
- Lễ hội bắt đầu bằng hoạt động gì? (tuyên bố lí do, các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội,...)
- Những hoạt động diễn ra trong suốt lễ hội (rước kiệu, dâng hương lễ vật, các trò vui chơi...)
c) Kết bài
- Cảm xúc của em khi được tham dự lễ hội.
Tuyển chọn những bài văn mẫu hay kể về một ngày hội em có dịp chứng kiến
Kể lại ngày hội đua thuyềntrên sông Hồng
Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nổi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.
Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.
Trên đây là một bài văn hay kể về lễ hội đua thuyền của quê hương em, tham khảo thêm một số bài văn mẫu tả lễ hội đua thuyền hay nhất được Đọc Tài Liệu tuyển chọn.
Kể về lễ hội mừng xuân mới với trò chơi đu quay
Hằng năm, vào mỗi dịp xuân về, làng em lại tổ chức lễ hội mừng xuân mới.
Lễ hội được tổ chức trước Tết Nguyên tiêu năm ngày, tức vào ngày mùng mười tháng Giêng tại sân đình. Ngay cổng sân đình, một băng rôn đỏ thắm dán hàng chữ vàng: Chúc mừng xuân mới.
Trước sân đình rộng lớn ở làng quê, mọi người đứng đông và chật như nêm tạo thành một vòng tròn người. Ngoài sân chơi, người ta trồng những trụ tre chắc chắn có những sào đu quay cũng làm bằng tre cao ngất ngưởng. Trên đu, một đôi thanh niên đang nhún mình cho đu dao động qua lại, đu vút lên cao giữa tiếng hoan hô cổ vũ của mọi người xem hội. Đội trống gõ trống liên hồi khích lệ người chơi đu. Mọi người tham dự lễ hội thật náo nhiệt. Quần áo đẹp đủ màu sắc, không khí tưng bừng hơn với tiếng hò reo cổ vũ và tán thưởng. Ngang tầm với lá cờ ngũ sắc, dáng đu đưa của hai anh thanh niên khiến người xem nín thở theo dõi. Họ nắm chắc tay đu để đánh những khoảng xa và cao. Họ phải rất dũng cảm và điệu nghệ. Mọi người ngước nhìn theo từng nhịp chao đảo của hai anh. Sau mỗi lần lộn vòng, tiếng hò reo vang lên như sấm dậy. Không khí vô cùng vui tươi và sôi nổi.
Em rất thích xem hội vui xuân. Năm mới, xúng xính quần áo chạy nhảy tung tăng xem hội và chúc Tết để được mừng tuổi, được vui chơi tưởng như không có gì vui sướng hơn nữa.
Kể về đêm hội rằm Trung thu
Hằng năm, cứ đến 15 tháng 8 là ngày hội Tết Trung thu. Vào ngày đó, trẻ em trong làng em rất háo hức mặc đồ đẹp, cầm đồ chơi hòa vào chúng bạn đón tết thiếu nhi.
Trước ngày hội, mẹ em đã đi chợ chuẩn bị cho em một chiếc đèn ông sao thật đẹp. Đúng 7 giờ tối, khi chúng bạn ý ới gọi ngoài cổng, em xin phép bố mẹ hòa mình vào dòng người, cầm chiếc đèn sáng trên tay để đi rước đèn. Lộ trình của bọn em sẽ đi từ cuối làng lên đến đình làng. Dẫn đầu đoàn quân là anh chị thanh niên. Mỗi anh chị sẽ cầm theo một cái trống để đánh từng bài một rất đồng điệu. Rồi có chị sẽ bắt cái để chúng em hát nhiều bài thiếu nhi khác nhau. Ở cuối đoàn sẽ có một số người lớn đi theo con mình, rồi cùng lên đình phá cỗ. Ban đầu, đoàn sẽ chia làm 2 hàng, nhưng chỉ một lúc sau, các bạn đã nháo nhào chạy lại gần nhau hơn để nói chuyện, cười nói vui vẻ.
Khi lên đến đình, một mâm ngũ quả, những đĩa bánh kẹo, hoa quả đã được bày sẵn. Chúng em nhanh chóng ngồi vào từng bàn ổn định. Chị Bí thư của làng sẽ là người dẫn chương trình, chú Cuội và chị Hằng xuất hiện rồi phát quà cho chúng em. Rồi khi bắt đầu phá cỗ, những tiết mục văn nghệ cũng bắt đầu. Xen kẽ là những trò chơi lạ được các anh chị sắp xếp từ trước. Chúng em chơi với nhau rất vui và trở về nhà khi trăng đã lên cao.
Ngày hội năm nào cũng để lại cho em những kỷ niệm khó quên. Những cảm xúc khác nhau khi trải qua từng năm là khi em trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn. Đó là những nốt nhạc vui trong bản nhạc tuổi thơ của em.
» Tham khảo thêm bài văn mẫu kể về lễ hội trung thu hay tuyển chọn
Kể về lễ hội đền Hùng, Phú Thọ
Ở quê hương đất Tổ của em có một lễ hội lớn lắm, đó là Lễ Hội Đền Hùng (Giỗ tổ Hùng Vương) được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm. Mọi người đều biết câu ca dao:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn, để tưởng nhớ các vua Hùng, những người đã có công dựng nước. Nó đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta. Hàng năm, hội Đền Hùng được tổ chức long trọng với sự “hành hương trở về cội nguồn dân tộc” của các địa phương trên cả nước về đất Tổ - Phú Thọ. Lễ hội được diễn ra tại địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, thu hút rất nhiều người dân trên cả nước về tụ hội.
Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 8 đến ngày 11 tháng 3 Âm lịch. Trước hết đó là phần lễ, với các nghi thức được tổ chức một cách trang trọng như dâng hương, dâng lễ vật từ các địa phương tưởng nhớ 18 vị vua Hùng và công lao của các ngài. Năm nào cũng vậy, trong lễ hội Đền Hùng đều có tổ chức cuộc thi kiệu của các làng chung quanh. Chính bởi những lễ rước kiệu này mà không khí lễ hội trở nên náo nhiệt và đông vui hơn. Trẻ con thích thú hò hét chạy theo đoàn người ăn mặc đẹp đẽ rước kiệu. Mỗi làng đều cố gắng bỏ công sức và tiền bạc để tạo ra những chiếc kiệu đẹp nhất bởi người dân tin rằng, nếu kiệu của làng nào giành được giải tức là họ đã được các vua Hùng tin tưởng và phù hộ.
Phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của địa phương em như ném còn, chơi đu, đấu vật, chọi gà,… Được bố mẹ cho đi hội Đền Hùng thường xuyên nhưng có lẽ phần hát Xoan ở đền Hạ làm em cảm thấy thích nhất. Không khí ở đây vừa mát lại vừa thoáng, được thưởng thức những câu hát mộc mạc, bình dị đậm chất dân tộc thì không gì bằng. Hát xoan là một trong những di sản của Phú Thọ quê em. Em rất tự hào vì làn điệu dân ca quê hương mình.
Lễ hội Đền Hùng thật sự rất ý nghĩa và hấp dẫn. Đó không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng mà còn là nét đẹp của dân tộc Việt ta, hướng về cuội nguồn.
Kể về lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn
Lễ hội chọi trâu là một lễ hội rất đặc biết của người Việt Nam. Một trong những nơi có lễ hội chọi trâu nổi tiếng nhất đó chính là Đồ Sơn - Hải Phòng.
Em có dịp được đến đây xem hội cùng với ông nội. Thực sự rất ấn tượng và khó quên. Đây là một lễ hội vô cùng hoành tráng. Lễ hội chọi trâu cũng được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các trâu chọi đều phải được ra làm lễ, còn sau đó là phần rước nước thành về để thờ thành hoàng làng. Sau khi làm lễ xong, thì trâu chọi chính thức trở thành “ông trâu” có ý nghĩa như một vị thần tâm linh đối với người dân ở đây sẽ phù hộ cho một năm mới tốt lành. Khi phần hội chọi trâu bắt đầu, các trâu chọi được đưa vào vị trí. Trên khán đài, khán giả gieo hò cuống nhiệt. Người đến xem phần đông hơn cả chính là những du khách thập phương trong cả nước, thậm chí còn có cả khách nước ngoài. Để cho có không khí, ban tổ chức còn cho đội trống, đội kèn và đội cờ xung quanh sân đấu.
Những chú trâu bước ra oai phong, mạnh mẽ và đôi mắt rực lửa. Chúng lao vào nhau và bắt đầu cuộc đấu, tiếng trống dồn dập, bụi tung lên mờ ảo khiến cho trận chiến thêm phần quyết liệt. Trận đấu kết thúc đương nhiên có chú trâu thắng cuộc và chú trâu thua cuộc. Có cả nước mắt và nụ cười của những người chủ. Nhưng theo truyền thống ở đây, dù chú trâu đó có thắng hay thua cuộc thì vẫn sẽ được giết thịt để tế trời đất. Đây là phong tục từ bao đời nay, còn bây giờ, trâu thắng thì dùng để thờ, còn các con trâu thua cuộc sẽ được giết thịt để bán cho khách đến lễ hội.
Lễ hội chọi trâu để lại rất nhiều cảm xúc trong em, khi thì nhiệt huyết, hung hãn, khi thì lắng đọng nhiều cảm xúc. Em nhất định sẽ quay lại để xem lễ hội thêm nhiều lần nữa.
Những bài tập làm văn lớp 3 hay
Trên đây Đọc Tài Liệu đã hướng dẫn các em những bước cơ bản để có thể viết được một bài văn hay kể về một ngày lễ hội trên quê em. Sau khi đọc tham khảo những bài văn mẫu mà chúng tôi đã sưu tầm ở trên, các em hãy viết một bài văn tương tự theo lời văn của mình về một lễ hội trên chính quê hương mình nhé !