Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Hưng Yên 2024 - 2025

Xuất bản: 04/06/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Hưng Yên 2024 - 2025 chi tiết cùng tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Hưng Yên có đáp án qua các năm.

Cập nhật Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên năm học 2024-2025 nhanh nhất cùng đáp án chi tiết. Mời các bạn xem ngay dưới đây.

Đề thi vào lớp 10 môn văn Hưng Yên 2024

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại tỉnh Hưng Yên sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2.

Câu thơ chứa cặp từ trái nghĩa trong đoạn trích:

- Câu thơ: có thể khổng lồ, có thể bé li ti

- Cặp từ trái nghĩa: khổng lồ ›‹ bé li ti.

Câu 3.

- Biện pháp nhân hóa: tươi niềm kiêu hãnh.

- Tác dụng: giúp hình ảnh trở nên hấp dẫn, thú vị, thu hút người đọc, người nghe, biểu đạt trở nên tinh tế, trôi chảy, đồng thời thông qua hình ảnh chiếc lá, nhà thơ bày tỏ quan niệm, ước muốn của mình đối với cuộc đời: phải sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, không sợ gian nan, luôn kiêu hãnh đối đầu với thử thách.

Câu 4.

- "Lúc non tơ ánh bình minh": khi còn nhỏ: thời kì tác giả cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc, tất cả tinh túy của trời đất, của cuộc sống như chiếc lá non mới nhú, trần đầy sức sốc, niềm hân hoan, phấn khởi. - "lúc rách nát gió vỏ, bão quật": khi trưởng thành: nói lên những khó khăn, gian truân của cuộc đời khiến con người cảm thấy tổn thương, bế tắc, tuyệt vọng như những chiếc lá úa tàn, rách nát trước cơn gió, cơn bão dữ dội

- "lúc cao xanh" chỉ lúc còn sống, "lúc về đất vô hình": khi về già, thời điểm khi mất đi.

Câu 5.

HS dựa vào nội dung câu thơ, đưa ra suy nghĩ, cách hiểu phù hợp.

Gợi ý:

- Câu thơ “Tôi đã đọc đời mình trên lá" thể hiện cuộc đời con người qua chiếc lá, mang những phẩm chất của chiếc lá, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống đại diện cho gió bão, qua đó để thể hiện tích cách, ước mơ, khao khát, quan điểm về cuộc đời của tác giả.

- Học sinh tự đưa ra bài học. Sau đây là gợi ý: ý chí nghị lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

II. LÀM VĂN

Câu 1

1. Giới thiệu vấn đề: rèn thói quen tốt là việc cần thiết với mỗi người.

2. Giải thích

- Thói quen là những nếp sống, phương pháp làm việc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và công tác lâu dần thành quen, khó thay đổi.

- Thói quen tốt những thói quen mang lại nhiều lợi ích cho con người về các phương diện như sức khỏe, lao

động, học tập,...

3. Bàn luận

- Tạo cho mình thói quen tốt và làm việc theo thói quen sẽ giúp chúng ta tiến gần và đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong cuộc sống.

- Người sống với những thói quen tốt sẽ hình thành tính kỉ luật, sự ngăn nắp, cuộc sống luôn sạch đẹp, hạn chế được những mệt mỏi, lo toan.

- Người có thói quen tốt sẽ duy trì được cuộc sống lạc quan, vui vẻ, truyền năng lượng tích cực cho những người xung quanh.

- Để hình thành thói quen tốt, chúng ta cần nhận thức được lợi ích cả chúng để có động lực rèn luyện; cố gắng mỗi ngày, đều đặn, chăm chỉ thực hiện hành vi để hình thành thói quen; bền bỉ, kiên trì, không bị nản lòng. HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

- Mỗi người cần có ý thức tránh xa các thói quen xấu, hình thành thói quen tốt.

4. Tổng kết vấn đề.

Câu 2

1. Mở bài:

- Giới thiệu truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi: là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê nhà văn nữ chuyên viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ nơi tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mĩ.

- Giới thiệu nhân vật: Phương Định là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường, là hình tượng tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ.

2. Thân bài:

a) Vẻ đẹp nhật vật Phương Định

- Hoàn cảnh sống và chiến đấu

+ Xuất thân là con gái Hà Nội, Phương Định tham gia thanh niên xung phong, ở trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.

+ Công việc: phải chạy lên cao điểm giữa ban ngày phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch, khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom nổ. Sau đó báo về đơn vị biết để lấp hố bom thông đường...

=> Công việc đặc biệt nguy hiểm, luôn phải mạo hiểm với cái chết, căng thẳng thần kinh.

- Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Phương Định

+ Phương Định vẫn hay nhớ về một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ thân thương trong một căn buồng nhỏ nằm trên một đường phố yên tĩnh hồi ở Hà Nội còn thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội => Nó là niềm khao khát làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.

+ Là cô gái yêu đời, hồn nhiên, giàu cá tính, hay hát hay cười một mình, hay ngắm mình trong gương. Tự đánh giá mình là một cô gái khá, có hai bím tóc dài, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Mắt dài, màu nâu hay nheo lại như chói nắng và được các anh chiến sĩ nhận xét là “có cái nhìn sao mà xa xăm”.

+ Chị có cái điệu đà của một cô gái Hà Nội nhưng đáng yêu, hồn nhiên và chân thực. Điểm xinh xắn và điệu đà được cánh pháo thủ và lái xe quan tâm, khi đó chị cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn.

- Phân tích vẻ đẹp về phẩm chất của Phương Định:

+ Phương Định là một cô gái có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc

+ Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá => Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng.

+ Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường.

+ Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trở thành bình thường: “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ... Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”..

+ Có những lúc chị nghĩ đến cái chết nhưng chỉ “mờ nhạt”, mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được chị đặt lên trên.

=> Ấy vậy mà Phương Định vẫn đùa vui trong gian khổ, coi thường thương tích, coi rằng công việc của mình cũng có cái thú vị riêng.

=> Là một cô gái dũng cảm, kiên cường.

- Tình cảm gắn bó với đồng chí, đồng đội:

+ Giống như hai người đồng đội trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình.

+ Đặc biệt, cô yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận.

+  Phương Định đã lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về.

+ Chị yêu thương và gắn bó với bạn bè nên có những nhận xét tốt đẹp đầy thiện cảm về Nho, phát hiện ra vẻ đẹp dễ thương ”nhẹ, mát như một que kem trắng” của bạn.

+ Chị còn hiểu và đồng cảm sâu sắc với những sở thích và tâm trạng của chị Thao.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật

+ Nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn, ngôn ngữ, nghệ thuật miêu tả tâm lý và tính cách nhân vật sâu sắc

+ Ngôn ngữ trần thuật phù hợp, ngôn ngữ nhân vật trẻ trung, tự nhiên, giàu nữ tính

+ Thế giới tâm hồn phong phú, trong sáng

b) Liên hệ các nhân vật khác, suy nghĩ về thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước:

+ Là thế hệ chịu nhiều đau thương, gian khổ, hy sinh

+ Ngợi ca tinh thần đồng đội, tình yêu nước của họ.

+ Là thế hệ anh hùng sẵn sàng ra đi không tiếc thân mình

+ Thế hệ trẻ trung, phẩm chất sáng ngời của những cô gái thanh niên xung phong: trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, yêu cuộc đời

3.  Kết bài

- Ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật sinh động, tác giả đã làm hiện lên cô nữ thanh niên xung phong vô cùng đáng yêu, trẻ trung và đầy nhiệt huyết, hào hùng.

- Qua nhân vật Phương Định chúng ta còn cảm nhận được hình ảnh, tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ hào hùng gian khó. Họ là những con người Việt Nam anh hùng, là những ngôi sao xa xôi mãi lung linh,tỏa sáng.


Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Hưng Yên các năm trước bên dưới:

Xem thêm thông tin:

Đề thi vào lớp 10 môn văn Hưng Yên 2023

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Hưng Yên sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2023 trang 1

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2023 trang 2

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. Đọc hiểu

Câu 1. PTBĐ chính: nghị luận

Câu 2:

- Phân tích cấu tạo câu:

Tuổi đôi mươi (CN) // là tuổi tạo tiền đề (VN).

- Xét theo cấu tạo ngữ pháp đây là câu đơn.

Câu 3:

- Phép thế: đây.

- Phép lặp: bạn.

Câu 4:

- Điệp cấu trúc: Hãy...

- Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn.

+ Sử dụng phép điệp cấu trúc nhằm nhấn mạnh phải tận dụng thời gian trẻ tuổi để sống, làm việc một cách có ý nghĩa.

Câu 5: Bày tỏ quan điểm cá nhân của em.

Gợi ý

- Đồng tình với quan điểm của tác giả.

- Vi:

+ Thời gian trôi qua là một đi không trở lại, tuổi trẻ đã qua sẽ vĩnh viễn không quay về.

+ Bởi vậy chúng ta phải sống nhiệt thành, tâm huyết, cố gắng và nỗ lực hết mình ngay tại thời điểm này để sau không phải hối tiếc.

II. LÀM VĂN

Câu 1

*Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Niềm hi vọng sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. (Mở đoạn các em có thể khẳng định vấn đề để dẫn vào bài làm)

*Bàn luận vấn đề.

a. Giải thích

- Hi vọng là niềm tin, sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến, sống lạc quan, không ngừng nỗ lực để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

+ Vì sao cần có niềm hi vọng trong cuộc sống:

  • Nếu không có hi vọng, chúng ta sẽ không có động lực để cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn.
  • Biết hi vọng, con người sẽ lạc quan hơn, sống vui vẻ hơn, tận hưởng được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống.

+ Ý nghĩa của hi vọng:

  • Người có hi vọng, cố gắng vươn lên sẽ được mọi người yêu quý, ngưỡng mộ và học tập
  • Truyền cảm hứng, thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

c. Dẫn chứng hứng minh

d. Phản biện

- Vẫn còn nhiều người có lối sống tiêu cực, bi quan, gặp chút khó khăn là bỏ cuộc, không phấn đấu, dựa dẫm vào người khác.

- Có những người sống trong ảo tưởng về cuộc sống tốt đẹp mà không cố gắng vươn lên,…

=> Đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

*Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại tầm quan trọng của hi vọng và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2

1. Mở bài:

  • Giới thiệu bài thơ: là một tác phẩm hay, độc đáo, mới lạ về đề tài mùa thu.
  • Giới thiệu 2 khổ thơ đầu: Cảnh sắc giao mùa khi đất trời chuyển từ mùa hạ sang mùa thu.

2. Thân bài:

a. Những biểu hiện đầu tiên của mùa thu

- Những tín hiệu vô hình trong thiên nhiên:

  • Hương ổi: mùi hương bình dị, dân dã đặc trưng của mùa thu miền Bắc khi mùa ổi chín.
  • Động từ “phả”: sự lan tỏa, trộn lẫn: gợi tả về một không gian dường như mang cả hương thơm của mùa thu, của sự trong lành
  • Gió se: gió hơi lạnh, khô, là gió heo may của mùa thu, không phải cơn gió nam của mùa xuân hay gió bắc mùa đông.
  • Sương: hiện tượng ngưng tụ hơi nước khi thời tiết chuyển lạnh vào buổi tối và sáng sớm.
  • Động từ “chùng chình”: chuyển động chậm rãi, thong thả, nhân hóa cho hình ảnh, sương như có tâm hồn.

- Cảm xúc của tác giả:

  • Giật mình nhận ra mùa thu đang về qua từ “bỗng”
  • Câu hỏi tu từ “Hình như thu đã về”: sự ngỡ ngàng, khó tin, tâm hồn thi sĩ cũng như biến chuyển cùng đất trời.

⇒ Tác giả sử dụng những hình tượng vô hình, chỉ cảm nhận được qua khứu giác, cảm giác chứ không nhìn thấy, không cầm nắm được. Đây là một điểm đặc biệt so với việc dùng những hình ảnh quen thuộc để nói về mùa thu như hoa sữa, quả hồng, cốm non,… cho thấy sự tinh tế trong cảm xúc của tác giả.

b. Vẻ đẹp của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa

  • Hình ảnh đối lập: sông “dềnh dàng” với chim “vội vã”. Dòng sông vào mùa thu bắt đầu chảy chậm rãi, đã qua rồi những cơn bão hè khiến sông cuộn trào. Chim thì lại vội vã bay về phương Nam tránh rét
  • Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu: một hình ảnh liên tưởng sự níu kéo, lưu luyến của mùa hạ, gợi tả vẻ đẹp bầu trời đặc biệt. Một sắc mây không còn nóng bỏng đầy nắng của mùa hè nhưng cũng chưa nhẹ nhàng thanh thoát của mùa thu.

⇒ Thiên nhiên giao mùa đẹp kì lạ, độc đáo

3. Kết bài:

  • Hai khổ thơ cho thấy: tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, vẻ đẹp của khoảnh khắc giao mùa.
  • Nghệ thuật: sử dụng hình ảnh, nhân hóa, liên tưởng.

ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Không ai trên đời có hai lần tuổi trẻ. Trong khi nhiều người trong tuổi trẻ lạc lối mất phương hướng, lãng phi thời gian, thì họ không biết rằng những gì họ đang làm hay không làm hôm nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cả cuộc đời còn lại. Qua 30 hay 40 tuổi, công việc cuộc sống của hầu hết mọi người đã ổn định, khó học thêm làm thêm được gì, và cuộc sống it cỏ những thay đổi to lớn.

Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thu hưởng. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thủ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, mạng lưới hỗ trợ cho tương lai. Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định it va chạm rất khó để học lại được.

Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày

(Trích Tuổi trẻ đã qua không trở lại bao giờ, Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, NXB Hội Nhà văn, 2017, tr.136-137)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn dưới đây và cho biết, xét theo cấu tạo ngữ pháp câu văn đó thuộc kiểu câu gì?

Tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề.

Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra từ ngữ biểu hiện phép thể và phép lặp ở trong hai câu văn:

Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng.

Câu 4 (1,0 điểm). Nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong hai câu văn:

Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thứ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn.

Câu 5 (1,0 điểm). Tác giả cho rằng: "Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày để sống". Em có đồng tình với ý kiến đó không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 12 đến 15 dòng) với câu chủ đề: Niềm hi vọng sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Câu 2 (4,0 điểm)

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023, tr.70)

Em hãy phân tích đoạn thơ trên; từ đó, nhận xét ngắn gọn về tình yêu thiên nhiên của tác giả

-HẾT-

    Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2022

    Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2022 ảnh 1
    Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2022 ảnh 2

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Trả lời: -> Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2 (0,5 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn sau và cho biết nó thuộc kiểu câu nào xét về cấu tạo ngữ pháp?

    Trả lời: Cuộc đời vĩ đại (CN) / không từ trên trời rơi xuống (VN).

    - > Câu đơn

    Câu 3 (0,5 điểm). Chỉ ra thành phần biệt lập phụ chú có trong câu văn:

    Ta ước mơ có một cuộc đời tràn đầy niềm vui, không nỗi sợ nhưng lại thường xuyên né tránh các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến ý tưởng của mình.

    Trả lời: - >Thành phần biệt lập phụ chú: (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách)

    Câu 4 (0,5 điểm). Phép liên kết nào được sử dụng trong các câu văn dưới đây? Nêu các từ ngữ thuộc phép liên kết ấy.

    Thành công đâu tự nhiên mà có. Chúng đến từ những nỗ lực và phát triển liên tục không ngừng.

    Trả lời: Phép thế: "thành công" = "chúng"

    Câu 5 (1,0 điểm). Nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong hai câu văn:

    Ta muốn vẻ bề ngoài khỏe mạnh và cân đối, nhưng lại không muốn luyện tập để đạt được nó. Ta muốn thành công trong sự nghiệp nhưng lại tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không phải làm việc vất vả và tuân theo kỉ luật.

    Trả lời:

    Điệp cấu trúc: "Ta muốn" - "nhưng"

    Tác dụng:

    - Tạo nhịp điệu cho câu văn.

    - Nhấn mạnh những ước muốn mà tác giả đang nói tới: muốn vẻ bề ngoài khỏe mạnh, muốn thành công trong sự nghiệp thì cần phải làm những gì.

    Câu 6 (1,0 điểm). Anh/Chị có đồng tình với quan điểm sau đây của tác giả đoạn trích không? Vì sao?

    Điều tốt đẹp trong đời luôn đòi hỏi sự hi sinh và tận hiến.

    Trả lời:

    Thể hiện quan điểm của bản thân. giải thích hợp lý:

    Gợi ý:

    - Đồng ý

    - Vì: Để đạt được thành công thì chúng ta cần phải nỗ lực, cố gắng, vượt qua những khó khăn. Có sự hi sinh và tận hiến thì ta có thể giải quyết được khó khăn đó và từ đó ta cảm nhận được thành quả, và tận hưởng những điều tốt đẹp trong đời.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. 

    a. Yêu cầu về mặt hình thức: Viết đúng một đoạn văn 8 đến 10 câu theo lối diễn dịch với câu chủ đề: “Nếu lười biếng thì con người không thể thành công”.

    b. Yêu cầu về nội dung:

    - Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lười biếng thì không thể thành công.

    - Giải thích: Lười biếng chỉ trạng thái chán nản không muốn vận động hay làm việc.

    - Nếu lười biếng thì con người không thể thành công.

    + Lười biếng làm trì hoãn công việc gây ra hậu quả xấu trong công việc.

    + Lười biếng đồng nghĩa với việc để vụt mất những cơ hội, thời cơ trong cuộc đời.

    + Lười biếng khiến con người trở nên ỷ nại, không có cố gắng, không học hỏi được những tri thức, kinh nghiệm phục vụ cho cuộc sống.

    - Liên hệ mở rộng:

    + Cần cố gắng, nỗ lực không ngừng mới có thể thành công. + Cần phân biệt giữa lười biếng và nghỉ ngơi hợp, thư giãn hợp lý.

    Câu 2.

    I. Mở bài:

    - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

    - Dẫn dắt về 2 khổ thơ: khắc họa hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính và hình ảnh tươi đẹp của người lính lái xe Trường Sơn.

    II. Thân bài

    1. Hình ảnh những chiếc xe không kính

    - Hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả trần trụi, chân thực

    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

    -> Đó là những chiếc xe vận tải chở hàng hóa, đạn dược ra mặt trận, bị máy bay Mĩ bắn phá, kính xe vỡ hết.

    - Động từ “giật”, “rung” cùng với từ “bom” được nhấn mạnh hai lần càng làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh

    =>  Hai câu thơ đầu giải thích nguyên nhân đồng thời phản ánh mức độ khốc liệt của chiếc tranh.

    2. Hình ảnh người lính lái xe

    - Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, ngang tàng dù thiếu đi những phương tiện chiến đấu tối thiểu:

    Ung dung buồng lái ta ngồi,

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

    -> Tính từ ung dung đặt ở đầu câu nhấn mạnh tư thế chủ động, coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe.

    - Người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh lớn lao đặc biệt là sự dũng cảm, hiên ngang của họ.

    - Những khó khăn gian khổ như tăng lên gấp bội vì xe không có kính: gió vào xoa mắt đắng, Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời… nhưng không làm giảm ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ lái xe.

    -> Tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan tích cực coi thường hiểm nguy

    - Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo là hình ảnh tươi đẹp của người lính lái xe Trường Sơn

    + Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính độc đáo

    + Họ với tư thế hiên ngang “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về vật chất

    + Họ phải đối mặt với hiểm nguy “gió vào xoa mắt đắng”, “đột ngột cánh chim”...

    + Hiện thực khốc liệt nhưng người lính cảm nhận và thể hiện bằng sự ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn

    → Khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn không làm nhụt chí người lính lái xe Trường Sơn. Ngược lại, ở họ là bản lĩnh, nghị lực phi thường hơn.

    3. Nhận xét ngắn gọn về vẻ đẹp của thế hệ trẻ qua 2 khổ thơ của Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

    – Tinh thần ung dung, lạc quan trước mọi khó khăn gian khổ:

    + Coi những gian khổ, thiếu thốn của hoàn cảnh.

    + Giữa những gian khổ, họ vẫn ung dung, lạc quan, ngang tàng.

    – Vẻ đẹp lý tưởng – chiến đấu giải phóng miền Nam: Vượt qua gian khổ, những người lính mang trong mình lý tưởng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Kết bài: Vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.

      Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Hưng Yên năm 2021

      I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

      Quê hương tôi có con sông xanh biếc

      Nước gương trong soi tóc những hàng tre

      Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

      Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

      Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

      Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?

      Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

      Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

      Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

      Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

      (Trích Nhớ con sông quê hương, Tế Hanh, Lòng miền Nam, NXB Văn nghệ, 1956)

      Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

      Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra hai từ láy có trong đoạn trích.

      Câu 3 (0,5 điểm): Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu.

      Câu 4 (0,5 điểm): Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ” và biết nó thuộc kiểu câu gì?

      Câu 5 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng sau:

      Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

      Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

      Câu 6 (1,0 điểm): Qua đoạn trích trên, anh/chị cảm nhận gì về tình cảm của nhà thơ đối với quê hương?

      II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

      Câu 1 (2,0 điểm):

      Viết đoạn văn diễn dịch (từ 8 đến 10 câu, trong đó có một câu sử dụng thành phần biệt cảm thán, gạch chân thành phần cảm thán) với câu chủ đề:

      Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.

      Câu 2 (4,0 điểm): Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

      -Hết-

      Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2021

      I. ĐỌC HIỂU

      Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

      Câu 2 (0,5 điểm): Hai từ láy có trong đoạn trích: lấp loáng, mới mẻ.

      Câu 3 (0,5 điểm): Từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu: sông xanh biếc, nước gương trong, những hàng tre, lòng sông lấp loáng

      Câu 4 (0,5 điểm):

      Cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi(CN)/giữ mãi mối tình mới mẻ(VN).”

      Thuộc kiểu câu trần thuật đơn.

      Câu 5 (1,0 điểm):

      - Biện pháp tu từ so sánh: Cái nắng của buổi trưa hè là nắng gắt, như tâm hồn tràn đầy nhựa sống và tình yêu thiết tha với quê hương của tác giả vậy. Nó mở ra một khung cảnh trữ tình đầy duyên dáng.

      - Nắng không "chiếu", không "soi", mà là "tỏa” – diễn tả được hết cái tấm lòng bao la muốn tỏa sáng trọn vẹn dòng sông quê. Sức nóng của mùa hè- sức sống của tác giả, điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, vun đắp những khát vọng đẹp và biết bao nhiêu vần thơ hay về quê hương.

      Câu 6 (1,0 điểm):

      Tác giả đã nhắc nhở bao người về vẻ đẹp bình dị mà đáng trân trọng của quê hương mình, qua đó kín đáo gợi mở tình yêu nước sâu nặng, bền chặt. Qua đó ta thấy nhà thơ luôn yêu và gắn bó với quê hương đất nước, tự hào về những nét đẹp bình dị và trong sáng của nó, nơi mà mỗi khi đi xa luôn canh cánh nhớ về, khắc khoải khôn nguôi.

      II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

      Câu 1

      Đoạn văn chỉ từ 8 - 10 câu nên các em đặc biệt lưu ý những ý sau:

      - Giới thiệu được vấn đề: Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.

      - Giải thích được vấn đề: Tình yêu quê hương đất nước: là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên.

      - Biểu hiện: tình cảm với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra, trong cả việc bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc....

      - Vai trò của tình yêu quê hương đất nước: giúp mỗi con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, không quên nguồn cội; nâng cao tinh thần trách nghiệm và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người.

      - Mở rộng: Tình yêu quê hương đất nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi con người dù ở bất kỳ đất nước nào. Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.

      - Phản đề: Phê phán một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, sống vô tâm với mọi người, không biết đóng góp xây dựng quê hương đất nước ngược lại còn có những hành vi gây hại đến lợi ích chung của cộng đồng,...

      - Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại nhận định của em về tình yêu quê hương đất nước (quan trọng, cần thiết,...). Đưa ra lời khuyên cho mọi người.

      Câu 2

      Mở bài phân tích nhân vật Vũ Nương

      - Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:

      + Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.

      + "Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.

      - Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.

      Thân bài phân tích Vũ Nương

      * Khái quát về truyện Chuyện người con gái Nam Xương

      - Hoàn cảnh ra đời: Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền) của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỉ XVI. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”.

      - Cốt truyện: Truyện kể về người con gái tên Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.

      * Phân tích nhân vật Vũ Nương

      - Hoàn cảnh sống:

      + Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ

      + Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.

      - Vũ Nương, người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

      + Là người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp

      + Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng

      • Biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
      • Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.

      => Chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con.

      + Người con dâu hiếu thảo:

      • Thay chồng chăm lo phụng dưỡng mẹ chồng
      • Khi mẹ chồng ốm thì thuốc thang chạy chữa, lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên lơn để cho mẹ có thể vơi bớt đi nỗi nhớ thương và mong ngóng con.

      • Lo ma chay, tế lễ chu đáo khi mẹ chồng mất.

      + Người mẹ thương con hết mực:

      • Khi chồng đi lính chưa được bao lâu thì Vũ Nương sinh bé Đản và một mình gánh vác hết việc nhà chồng nhưng nàng chứ bao giờ chểnh mảng chuyện con cái.
      • Để con trai bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha, nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản.

      -> Vũ Nương là một người phụ nữ lý tưởng đầy đủ phẩm chất công – dung – ngôn – hạnh.

      => Nguyễn Dữ đã dành thái độ yêu mến, trân trọng đối với nhân vật qua từng trang truyện, khắc họa hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.

      - Bi kịch số phận bất hạnh, hẩm hiu:

      + Nàng là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do: Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương.

      + Là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa:

      • Cuộc sống hôn nhân với Trương Sinh chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính, để lại mình Vũ Nương với mẹ già và đứa con còn chưa ra đời.
      • Trong ba năm chồng đi lính, nàng phải thay chồng cáng đáng việc gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già
      • Sự xa cách do chiến tranh đã tạo điều kiện nảy sinh hiểu lầm.

      + Nỗi đau, oan khuất:

      • Người chồng đa nghi vì nghe lời con trẻ ngây thơ nên nghi oan, cho rằng nàng đã thất tiết, mắng nhiếc, đánh và đuổi nàng đi mặc nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan.
      • Không thể thanh minh được, nàng tìm đến cái chết để tỏ bày nỗi oan ức, bảo toàn danh dự.

      + Dù ở thủy cung luôn nhớ về nhân gian nhưng không thể trở về được

      -> Vũ Nương có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt.

      => Tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời rẻ rúng, chà đạp lên hạnh phúc của con người nhất là người phụ nữ.

      * Đánh giá đặc sắc nghệ thuật

      - Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật

      - Khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại... kết hợp với yếu tố kì ảo có thực

      - Bút pháp miêu tả nhân vật sinh động

      *Tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến

      • Nguyễn Dữ đã xây dựng được một hình tượng nhân vật người phụ nữ hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Vũ Nương cũng là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
      • Qua đó, tác giả đã đứng trên lập trường nhân sinh để bênh vực cho họ, đồng thời lên tiếng tố cáo gay gắt với các thể lực đã gây ra nỗi đau khổ cho họ.
      • Liên hệ với cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

      Kết bài: Khái quát và khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương.

      -/-

      Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 17/6/2021, vì vậy đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên 2021 chính thức sẽ được cập nhật ngay lập tức khi kết thúc thời gian thi. 

      Trong thời gian ôn luyện, các em có thể thử sức thêm với bộ đề thi thử vào 10 môn văn Hưng Yên của các trường trên địa bàn tỉnh để củng cố kiến thức. Ngoài ra, Doctailieu mời các em tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Hưng Yên cùng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 Hưng Yên qua các năm.

      Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên các năm trước

      Đề thi vào 10 môn văn Hưng Yên 2020

      I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

      Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

      Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhưng bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và đề màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thùy!

      (Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)

      Câu 1 (0,5 điểm): Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ điều gì ?

      Câu 2 (1,0 điểm): Gọi tên các phép liên kết hình thức và chỉ ra từ ngữ làm phương tiện của các phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: "Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin."

      Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu sau: "Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường." Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu nào? (1.0)

      Câu 4 (0,5 điểm): Nêu tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” trong những câu văn sau: "Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt."

      Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2020 tỉnh Hưng Yên

      Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên năm 2019

      I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

      Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.

      Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới (1). Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót (2). Hạt nọ tiếp hạt kia đan xuống mặt đất (3)(...). Mặt đất đã kiệt sức bỗng thức dậy, đâu về đón lấy những hạt mưa ấm áp, trong lành (4). Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ (5). Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ đầy, tràn lên các nhánh lá mầm non (6). Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt (7)”.

      (Tiếng mưa - Nguyễn Thị Thu Trang)

      Câu 1 (0,5 điểm). Viết lại hai từ láy có trong đoạn trích trên.

      Câu 2 (0,5 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn sau: “Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới". Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn vừa phân tích thuộc kiểu câu nào?

      Câu 3

      (1,0 điểm). Câu văn số (7) được liên kết với câu văn số (6) bằng phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ làm phương tiện cho phép liên kết ấy.
      Câu 4 (1,0 điểm). Câu văn số (4) đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

      Câu 5 (0,5 điểm). Mưa mùa xuân đã có tác động như thế nào đến vạn vật?

      Câu 6 (0,5 điểm). Câu văn số (7) gợi cho em nhớ đến câu tục ngữ nào có nói về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam?

      Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2019 tỉnh Hưng Yên

      Đề thi vào 10 môn văn Hưng Yên 2018

      Câu I. (5,0 điểm) Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 6:

      Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng:

      - Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cới mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

      (Theo Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

      1) Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

      2) Tìm những từ ngữ xưng hô trong đoạn trích trên.

      3) Chép lại câu văn có thành phần trạng ngữ trong đoạn trích trên. Gạch chân thành phần trạng ngữ.

      4) Lời thoại trong đoạn trích trên là của nhân vật nào? Việc nhân vật bị nghi oan có liên quan đến hình ảnh nào trong tác phẩm?

      5) Qua lời bày tỏ với chồng, nhân vật trong đoạn trích trên là người như thế nào?

      6) Hãy viết đoạn văn diễn dịch (8 đến 10 câu), trong đó có câu văn chứa thành phần biệt lập cảm thán (gạch chân thành phần biệt lập cảm thán) với câu chủ đề: Niềm tin là điều quan trọng với con người trong cuộc sống.

      Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2018 tỉnh Hưng Yên

      Đề thi vào 10 môn văn Hưng Yên 2017

      Câu I. (5,0 điểm)

      Đọc đoạn thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 6.

      ...Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
      Tin sương luống những rày trông mai chờ.
      Bên trời góc bể bơ vơ,
      Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
      Xót người tựa cửa hôm mai,
      Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
      Sân Lai cách mấy nắng mưa,
      Có khi gốc tử đã vừa người ôm...

      (Theo Ngữ văn 9, Tập một – NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

      1. Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

      2. Từ nguyệt trong câu thơ Tưởng người dưới nguyệt chén đồng là từ thuần Việt hay Hán Việt? Em hãy nêu ý nghĩa của từ đó.

      3. Đoạn thơ trên thể hiện tâm trạng của nhân vật nào? Nhân vật đang ở trong hoàn cảnh nào?

      4. Trong đoạn thơ trên nhân vật nhớ tới những ai?

      5. Chỉ và nêu ra hiệu quả của một biện pháp trong 2 câu thơ:

      Bên trời góc bể bơ vơ
      Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

      6. Viết đoạn văn diễn dịch (8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng một phép thế (gạch chân từ ngữ sử dụng phép thế) với câu chủ đề:

      Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không nên chỉ biết sống cho riêng mình.

      Câu II. (5,0 điểm)

      Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Từ đó, em hãy nhận xét ngắn gọn về tình cảm của tác giả dành cho người lao động.

      Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2017 tỉnh Hưng Yên

      Trên đây là nội dung đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Hưng Yên năm 2023 và các năm trước đó để các em đối chiếu, thử sức với các đề khác nhau. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 này.

      Xem thêm: Điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023

      Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
      Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
      Hủy

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM