Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 4 của tỉnh Vĩnh Phúc

Xuất bản: 02/02/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 4 của tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết dành cho các em học sinh lớp 9 bổ sung kho tài liệu tham khảo tại nhà.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc mẫu số 4 cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của Phòng GD&ĐT Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 4 Vĩnh Phúc

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM: (2.0 điểm).

Đọc đoạn trích sau và viết ra giấy thi chữ cái in hoa đứng trước đáp án đúng

"... Họa sĩ nhấp chén trà nóng ba ngày nay ông mới lại gặp, không giấu vẻ thích thú, tự rót lấy một chén nữa, nói luôn:

- Ta thỏa thuận thế này. Chuyện dưới xuôi, mười ngày nữa trở lại đây, tôi sẽ kể anh nghe. Tôi sẽ trở lại, danh dự đấy. Tôi cũng muốn biết cái yên lặng lúc một giờ sáng chon von trên cao nó thế nào. Bây giờ có cả ba chúng ta đây, anh hãy kể chuyện anh đi. Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian? Rằng anh “thèm” người lắm?

Anh thanh niên bật cười khanh khách:

- Các từ ấy đều là của bác lái xe. Không, không đúng đâu. Một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ…”

(Trích Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào?

A. Những ngôi sao xa xôi

B. Làng

C. Lặng lẽ Sa Pa

D. Chiếc lược ngà

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 3. Thành phần in đậm trong câu Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ… là thành phần gì?

A. Trạng ngữ

B. Khởi ngữ

C. Chủ ngữ

D. Vị ngữ

Câu 4. Xét về mục đích nói, câu văn Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian? là câu gì?

A. Câu nghi vấn

B. Câu trần thuật

C. Câu cảm thán

D. Câu cầu khiến

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 5. (3,0 điểm)

Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lòng biết ơn trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần khởi ngữ (gạch chân dưới thành phần đó).

Câu 6. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

(Bếp lửa – Bằng Việt, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB GDVN 2015, trang 144)

--- Hết ---

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 Vĩnh Phúc mẫu 4

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM 

1 - C

2 - A

3 - B

4 - A

II. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 5.

Yêu cầu về hình thức

-Về hình thức: viết đúng hình thức đoạn văn.

- Về kiến thức Tiếng Việt: trong đoạn văn có sử dụng câu ghép. Gạch chân dưới câu ghép đó.

Đảm bảo những ý cơ bản về nội dung:

* Giải thích:

- Lòng biết ơn: là thái độ cảm kích, trân trọng trước những hành động, những việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình, luôn ghi nhớ và mong muốn đền đáp sự giúp đỡ của người khác. Biết ơn là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa đến nay.

* Bàn luận: Đưa ra lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo ý sau:

- Người có lòng biết ơn luôn được mọi người yêu quý, tôn trọng, được nhận lại nhiều sự giúp đỡ.

- Lòng biết ơn là thước đo giá trị đạo đức, nhân phẩm của mỗi con người.

- Có lòng biết ơn, con người sẽ có lối sống , tư duy lành mạnh, tích cực, nuôi dưỡng tâm hồn hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.

- Lòng biết ơn giúp con người có những định hướng và hành động đúng đắn, giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác như: sống có ích, yêu thương…

- Lòng biết ơn không nên nằm ở lời nói hay thái độ mà biểu hiện thành những hành động cụ thể, thiết thực, thực sự đem lại tác động tích cực đối với xã hội.

- Phê phán những người sống vô ơn, chỉ biết hưởng thụ thành quả người khác tạo ra cho mình.

* Bài học:

- Lòng biết ơn là một phẩm chất đạo đức đáng quý của con người.

- Nuôi dưỡng, hình thành lòng biết ơn từ những việc làm nhỏ nhặt, ý nghĩa đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô; phấn đấu học tập và rèn luyện mình để đền đáp công ơn những người đi trước…

Câu 6 

* Yêu cầu về kỹ năng: Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

* Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ

-  Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Bằng Việt có cảm xúc tinh tế, giọng điệu tâm tình trầm lắng, giàu suy tư, triết luận, thiên về việc khai thác những kỉ niệm và ước mơ của tuổi thơ.

-  Bằng Việt viết bài thơ Bếp lửa năm 1963, khi ông đang là sinh viên du học tại Liên Xô.

- Giới thiệu đoạn thơ.

2. Cảm nhận đoạn thơ

a. Về nội dung:

* Người cháu suy ngẫm về “ngọn lửa” của lòng bà, sức sống, niềm tin của cuộc đời bà

- Cụm từ rồi sớm rồi chiều ẩn chứa cả một dòng thời gian âm ỉ, dai dẳng mang theo cả cuộc đời bà, mang theo bao tâm tình của đứa cháu nơi phương xa.

- Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, tác giả nâng lên thành hình ảnh ngọn lửa - một hình ảnh ẩn dụ mang nhiều ý nghĩa: bếp lửa bà nhen sáng bừng lên thành ngọn lửa của tình yêu thương luôn ủ sẵn trong lòng bà. Đó còn là ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.

- Điệp ngữ một ngọn lửa như một điệp khúc, có tác dụng nhấn mạnh ngọn lửa chính là sức sống, lòng yêu thương, niềm tin mà bà truyền cho cháu, hun đúc trong cháu, cháy sáng trong cháu, nâng bước cháu trên suốt chặng đường đời.

* Những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về người bà kính yêu, về bếp lửa

- Từ láy lận đận với hai thanh trắc giàu sức gợi hình, biểu cảm đã diễn tả cả cuộc đời vất vả, chuân chuyên của bà. Cụm từ biết mấy nắng mưa là hình ảnh ẩn dụ để chỉ những thăng trầm của cuộc sống, tô đậm thêm sự hi sinh cần mẫn của đời bà. Mấy chục năm rồi, lời thơ kể mà như đếm, gợi nên cả một tuổi thanh xuân, cả một đời người thức khuya dậy sớm gắn liền với khói bếp cay nồng. Bà vẫn nhóm lên ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa đầy sức sống lan tỏa, sẻ chia ấm áp. Sự tảo tần, đức hi sinh của bà vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

- Điệp từ nhóm ngân lên và khơi dậy biết bao yêu thương, bao rung cảm khi nhà thơ suy tư về hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà:

+ Hình ảnh bếp lửa ấp iu nồng đượm ở khổ thơ thứ nhất đến đây được lặp lại tạo thành mạch cảm xúc nối liền, ngân vang như một lời khẳng định về sự cần mẫn, khéo léo của bà. Bà nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm để sưởi ấm cho bà và cháu; để luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng trong những tháng năm thiếu thốn; để nhóm tình yêu thương, lan tỏa tình yêu thương vô hạn từ bà nhằm sưởi ấm và chở che cho cháu, thắp lên trong trái tim nhỏ bé của cháu những xúc cảm nhân bản. Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui gợi nhớ về những năm tháng hai bà cháu sống trong sự đoàn kết, sẻ chia cùng xóm làng.

+ Bếp lửa của bà nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa của bà gợi nhớ về một tuổi thơ thiếu thốn nhưng ấm áp, nghĩa tình; nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ, những khát vọng từ thuở ấu thơ của cháu; hướng cháu đến những lẽ sống cao đẹp trong cuộc đời.

- Hình ảnh bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa, truyền niềm tin và sức sống cho cháu.

- Bếp lửa kì lạ đã nhóm dậy cả một chân trời kỉ niệm, cả một tuổi thơ, cả một tâm hồn. Bếp lửa đã khơi dòng suy ngẫm của tác giả lẫn độc giả về cuộc đời tần tảo và nghĩa tình của bà.

b. Đánh giá:

- Nghệ thuật: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả, biểu cảm, tự sự và nghị luận. Hình ảnh thơ sinh động, giàu sức gợi. Hình ảnh bếp lửa vừa thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng, gắn liền với hình ảnh người bà, là điểm tựa khơi gợi kỉ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về bà và tình bà cháu. Nhiều biện pháp tu từ được vận dụng thành công như: ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ…

- Nội dung: Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt chứa đựng những tình cảm và suy tư mang ý nghĩa triết lí sâu sắc:

+ Nhà thơ bày tỏ niềm nhớ thương và lòng biết ơn với bà, đó cũng chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương và đó cũng là khởi đầu của tình người, tình đất nước.

+ Với Bằng Việt, bếp lửa của tình bà chính là bếp lửa của tình đời, tình người; bình dị, đơn sơ nhưng thiêng liêng, kì diệu.

+ Qua thi phẩm, Bằng Việt còn khẳng định những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

3. Kết luận

Xem thêm đề thi chính thức của các năm trước:

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 tỉnh Vĩnh Phúc mẫu số 4, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM