Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi thử vào lớp 10 theo cấu trúc đề thi tuyển sinh của tỉnh Nam Định trong những năm vừa qua. Đề thi chỉ mang tính chất tham khảo và ôn luyện kiến thức. Đặt bút làm bài thi này nhé:
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAO THUỶ
ĐỀ KHẢO SÁT HỌC KÌ I NĂM HỌC 2023 – 2024
Môn Ngữ văn 9 THCS
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
(Đề khảo sát gồm: 02 trang)
Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)
Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng vào bài làm.
Câu 1. Câu “Kim vàng ai nỡ uốn câu/ Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời” liên quan đến phương châm hội thoại nào?
A. Phương châm lịch sự
C. Phương châm về chất
B. Phương châm quan hệ
D. Phương châm cách thức
Câu 2. Câu văn nào sử dụng lời nói gián tiếp?
A. Dứt lời, ông lão lại đi, làm như đang bận nhiều công việc lắm. (Kim Lân)
B. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. (Nguyễn Thành Long)
C. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. (Nguyễn Quang Sáng)
D. Mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống, nghỉ ngơi, uống trà... (Lỗ Tấn)
Câu 3. Tập hợp từ nào sau đây là thành ngữ?
A. Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà sống.
C. Ngựa non háu đá.
B. Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.
D. Một điều nhịn, chín điều lành.
Câu 4. Từ “chân” trong trường hợp nào sau đây được dùng với nghĩa chuyển?
A. Hễ chân chị bước đến đâu/ Lụa nắng trải vàng đến đấy... (Kim Ba)
B. Chim én say sưa kể/ Những chân trời mộng mơ. (Nguyễn Châu)
C. Trời mênh mông, đất hiền hòa/ Bàn chân em đi nhè nhẹ. (Trịnh Công Sơn)
D. Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ. (Xuân Quỳnh)
Câu 5. Trong các từ sau, từ nào không phải là từ láy?
A. Ngọt ngào
B. Tươi tắn
C. Rung rinh
D. Đông đủ
Câu 6. Đoạn thơ sau đây sử dụng biện pháp tu từ nào?
Gió thì thầm với lá
Lá thì thầm cùng cây
Và hoa và ong bướm
Thì thầm điều chi đây?
(Phùng Ngọc Hùng)
A. Nhân hóa
B. So sánh
C. Nói quá
D. Hoán dụ
Câu 7. Các từ: “gió, lá, cây, hoa, ong, bướm” trong đoạn thơ (ở câu 6) được gọi là:
A. các từ đồng âm
C. các từ đồng nghĩa
B. các từ thuộc cùng một trường từ vựng
D. các từ nhiều nghĩa .
Câu 8: Đâu là thuật ngữ thuộc lĩnh vực Vật lý?
A. Đơn chất
B. Trường từ vựng
C. Trọng lực
D. Xâm thực
Phần II. Đọc – hiểu văn bản (2,5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Bọ Ngựa về đến cành hồng, mẹ vẫn chưa về. Nó nằm bẹp trên cây, không dám lởn vởn đi đâu nữa. Bởi vẫn chưa tan cơn sợ.
Được mươi hôm thì mẹ trở về. Nó mừng rỡ nhãy cỡn lên ôm lấy mẹ. Từ đấy, hai mẹ con lại sống với nhau đề huề. Mẹ nó đưa nó đi đến một chỗ ở mới kín đáo, ấm áp hơn. Những lương thực mà bà lão đêm bên kia sông về cũng thừa đủ cho hai mẹ con ăn hết một mùa đông giá rét.
Một hôm, trời có nắng. Nắng mùa đông ấm áp, dịu dàng làm sao. Hai mẹ con ra hong cánh dưới ánh mặt trời. Trong lúc vui chuyện Bọ Ngựa con kể với mẹ:
- Mẹ ơi! Độ nọ mẹ sang bên kia sông rồi, ở nhà con đã làm được nhiều điều ghê lắm.
- Con thử kể cho mẹ nghe những ghê gớm ấy đến thế nào?
- Con đánh thằng Châu Chấu Ma ở đằng kia. Nó phải nhận con là thầy nó.
Bà Bọ Ngựa mỉm cười:
- Tưởng là con đánh ai. Châu Chấu Ma con chẳng phải đánh, nó vẫn sợ như thường. Con đã làm một việc thừa, mà lại ác nữa.
Chú Bọ Ngựa tiu nghỉu. Rồi chú tiếp:
- Con lại cho cả Gián Ống một trận.
Bà Bọ Ngựa cười to:
- Tưởng ai, cái thằng Gián Ống lúc nào cũng sợ, ai cũng sợ. Con lại làm một việc thừa, mà lại độc ác nữa.
Chú Bọ Ngựa tiu nghỉu hơn, và chú không khoe thêm gì nữa. Chú im lặng, nhìn ánh nắng rung rinh trong lá cây.
Nhưng bà lão Bọ Ngựa đã nói tiếp:
- Và con sang đánh nhau cả với Bọ Muỗm, con bắt mụ ấy gọi con là võ sĩ Đại Mã. Mụ ấy nện cho con một trận mê tơi. Con phải bỏ chạy về. Nhưng con cũng không chừa được cái thói khoác lác. Cho nên, khi con nghe tiếng đồn có ông Dế Mèn đi phiêu lưu thì con cũng tập tọng đi. Con đã quên cả lời mẹ dặn. Con đi, con gặp bác Cồ Cộ, con dọa dẫm cả bác ta. Bác ta liền túm cổ con, bay lên ngọn cây dừa. Đến đây con mới thực là sợ, biết chừa thói ngông cuồng và con mới thực hiểu rằng đường đời mỗi bước một khó. Con chạy trở về. Phải kể đến đây mới là hết những chuyện mà con đã làm trong khi vắng mẹ. Có phải thế chăng? Con ơi! Bác Bọ Muỗm chỉ cho con một cái đá hậu, là con thủng bụng. Bác Cồ Cộ chỉ buông con từ ngọn cây cho rơi xuống, là con đủ tan xương. Các bác ấy đã thương con đấy.
Trong khi bà lão Bọ Ngựa nói, chú Bọ Ngựa cứ ngẩn mặt. Rồi hai hàng nước mắt rung rung. À, chú Bọ Ngựa hợm mình đã biết hối rồi.”
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. (1,0 điểm) Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong văn bản?
Câu 3. (1,0 điểm) Từ nội dung văn bản trên, hãy rút ra một bài học mà em tâm đắc nhất và lý giải tại sao.
Phần III. Tập làm văn (5,5 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn từ 14 đến 16 câu (có đánh số thứ tự các câu) nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của những thất bại, vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm)
Kể một câu chuyện đem lại cho bản thân em bài học sâu sắc về lòng biết ơn.
-------- HẾT -------
-/-
Trên đây là chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn năm 2024 mới được cập nhật, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2024 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.
Xem thêm