Đề thi thử văn thpt quốc gia 2023 mẫu số 7 có đáp án chi tiết

Xuất bản: 06/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử văn thpt quốc gia 2023 mẫu số 7 có đáp án chi tiết với bài đọc hiểu Tổ quốc gọi, chúng tôi vào tâm dịch/Hăng hái lên đường dẫu biết lắm gian nan

Mục lục nội dung

Thử sức với đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn mẫu số 7 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra các năm. Cùng Đọc tài liệu bổ sung kĩ năng làm bài và so sánh đối chiếu với đáp án đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

(Đề thi chỉ mang tính chất tham khảo và ôn luyện kĩ năng làm bài)

Đề thi thử ngữ văn 2023 mẫu số 7

Mẫu đề thi này cần thực hiện làm bài trong 120 phút. Chi tiết đề thi như sau:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tổ quốc gọi, chúng tôi vào tâm dịch

Hăng hái lên đường dẫu biết lắm gian nan

Một khi COVID dịch đã lan tràn

Vì quê hương, toàn dân cùng gắng sức

Là chiến sĩ ngành y không ngại gì khổ cực

Đã bốn đợt rồi! Bảo hộ kín toàn thân

Vệ sinh cá nhân, ăn uống những khi cần

Đều thật khó vì trên người như “phi công vũ trụ”

Bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở

Tất bật suốt ngày rồi lại trực đêm

Kiệt sức sõng soài lại gắng đứng lên

Đồng đội tự chăm nhau như anh em thân thiết!

.........

Rồi chúng ta sẽ là người chiến thắng

Vaccine phòng ngừa, quyết sách 5K

Nồng ấm tình người tình đồng đội thiết tha

Chúng ta được về nhà với nụ cười chiến thắng!

Sao yêu quá những chiến binh thầm lặng

Từng phút từng giờ giữa sống chết bủa vây

Mang lại màu xanh hạnh phúc sum vầy

Cho Tổ quốc bình yên một ngày không xa nữa.

(Trích “Trong tâm dịch Covid, GS.TS.BS Nguyễn Đức Công,

Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, cand.com.vn)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích?

Câu 2. Chỉ ra 02 hình ảnh diễn tả nỗi khó khăn, vất vả của các chiến sĩ ngành y trong đoạn trích sau?

Là chiến sĩ ngành y không ngại gì khổ cực

Đã bốn đợt rồi! Bảo hộ kín toàn thân

Vệ sinh cá nhân, ăn uống những khi cần

Đều thật khó vì trên người như “phi công vũ trụ”

Bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở

Tất bật suốt ngày rồi lại trực đêm

Kiệt sức sõng soài lại gắng đứng lên

Đồng đội tự chăm nhau như anh em thân thiết!

Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ sau:

Rồi chúng ta sẽ là người chiến thắng

Vaccine phòng ngừa, quyết sách 5K

Nồng ấm tình người tình đồng đội thiết tha

Chúng ta được về nhà với nụ cười chiến thắng!

Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với những chiến sĩ ngành y?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự hi sinh thầm lặng trong xã hội.

Câu 2 (5,0 điểm).

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta thường nói: nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái nhà Pá Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.4)

Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Tô Hoài.

Hết

Đáp án đề thi thử ngữ văn 2023 mẫu số 7

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: tự do

Câu 2. Những hình ảnh trong đoạn trích diễn tả nỗi khó khăn, vất vả của các chiến sĩ ngành y: bảo hộ kín toàn thân, vệ sinh cá nhân, ăn uống đều thật khó, bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở, tất bật suốt ngày, trực đêm, kiệt sức sõng soài.

Câu 3. Nội dung của 04 dòng thơ:

- Thể hiện niềm tin vào tương lai chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến chống đại dịch.

- Nêu cao vai trò của những biện pháp phòng chống dịch bệnh:

+ Tiêm ngừa vaccine.

+ Thực hiện 5K.

+ Đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Câu 4. 

- Học sinh thể hiện rõ quan điểm của mình:

Gợi ý:

Có thể đưa ra một vài nhận xét về tình cảm của tác giả đối với những chiến sĩ ngành y: khâm phục, cảm phục, ngợi ca, tự hào, tin tưởng....

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận

Thí sinh có thể trình bày đọan văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Ý nghĩa của sự hi sinh thầm lặng trong xã hội hiện nay.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự hi sinh thầm lặng trong xã hội hiện nay?

Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Hi sinh thầm lặng là tự nhận thiệt thòi, mất mát về thể xác, vật chất, tinh thần và quyền của mình cho mọi người và xã hội mà không cần nhận lại.

- Ý nghĩa:

+ Hi sinh đồng nghĩa với việc có thể bản thân mình sẽ chịu thiệt thòi, nhưng sự hi sinh làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

+ Mỗi con người một hành động nhỏ, một ý thức sẽ giúp cho người khác tốt hơn và xã hội này phát triển tích cực hơn.

+ Khi mỗi con người sống có ích và trở thành “người hi sinh thầm lặng” sẽ lan tỏa được nhiều thông điệp tích cực ra xã hội, được mọi người yêu quý, nể phục hơn.

- Rút ra bài học liên hệ: Cần nêu cao truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Sống biết cống hiến, hi sinh .

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình tượng nhân vật Mị trong đoạn văn mở đầu tác phẩm. Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Tô Hoài.

Bạn có thể tham khảo tài liệu văn mẫu phân tích nhân vật Mị với chi tiết dàn ý và các bài văn mẫu đặc sắc khác nhau để hoàn thiện bài làm này.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Giới thiệu về tác giả Tô Hoài, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và đoạn trích. 0,5

* Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn văn mở đầu

- Vị trí và không gian tồn tại: Ngồi quay sợi gai bên tảng đá, trước cửa, cạnh tàu ngựa. Mị như bị lẫn vào các vật vô tri, vô giác. Hé mở tính cách của Mị: câm lặng, trơ lì, vô cảm như những đồ vật ấy.

- Hành động và dáng điệu: Công việc nặng nhọc được liệt kê với số lượng nhiều: Dệt vải, chẻ củi, thái cỏ ngựa, cõng nước dưới khe suối lên. Mặt lúc nào cũng cúi buồn rười rượi. Mị phải làm việc quanh năm suốt tháng, không được nghỉ ngơi. Mị bị vắt kiệt về sức lao động. Khuôn mặt buồn rười rượi là khuôn mặt u buồn, chứa đựng tâm trạng éo le, uẩn khúc trong lòng không biết giải tỏa cùng ai.

- Đối lập với không gian ngồi của Mị là không gian rộng lớn, tấp nập, nhộn nhịp của nhà thống lí Pá Tra. Sự đối lập đó càng nhấn mạnh sự cô đơn, lạc lõng của Mị trong nhà thống lí.

- Sự đối lập đầy nghịch lý giữa tâm thế và vị thế: Mị là chủ nhân, là con dâu nhà thống lí giàu có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện, quyền thế nhất vùng nhưng lại là nô lệ thấp kém, hèn mọn, tội nghiệp.

- Ý nghĩa

+ Đoạn văn mở đầu tái hiện sự xuất hiện của Mị hé lộ một bi kịch của cõi nhân sinh. Đồng thời thể hiện những đặc điểm cơ bản trong tính cách và tâm trạng của Mị

+ Đoạn mở đầu ngắn gọn nhưng tập trung tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm, thể hiện rõ quan điểm viết văn của Tô Hoài “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật, mà đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ thần tượng trong lòng bạn đọc”.

* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật kể chuyện của Tô Hoài

- Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động; cách kể chuyện của Tô Hoài phá vỡ lối kể chuyện theo thời gian tuyến tính- kể chuyện truyền thống, thay vào đó là kể chuyện theo kết cấu mảnh ghép.

- Nghệ thuật kể chuyện vừa tạo ấn tượng mạnh mẽ về hiện thực tàn nhẫn mà nhân vật Mị phải đối mặt, vừa kích thích sự tò mò, cuốn hút người đọc vào tìm hiểu số phận nhân vật. Từ đó khẳng định tài năng viết văn của Tô Hoài.

* Đánh giá chung

Ngay từ đoạn văn mở đầu, hình ảnh Mị hiện ra thật tội nghiệp. Một số phận bất hạnh. Một đoạn đời ô nhục, u buồn. Ngôn ngữ dẫn chuyện của Tô Hoài giàu chất thơ, chất nhạc, mang đặc trưng của chốn núi non, rừng thẳm, song man mác buồn như cái buồn của cuộc đời cô Mị..

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn mẫu 7 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM