Dàn ý thuyết minh về cây lúa

Xuất bản: 16/04/2019 - Cập nhật: 18/02/2021 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 9] Dàn ý thuyết minh về cây lúa, dàn bài thuyết minh về cây lúa nước, lập dàn ý về cây lúa nước Việt Nam..

Bạn đang muốn tìm một dàn ý thuyết minh về cây lúa cả ngắn gọn và chi tiết? Bạn muốn hoàn thành bài làm văn thuyết minh về giống cây trồng quen thuộc của làng quê Việt Nam đặc sắc nhất? Hãy tham khảo ngay hướng dẫn lập dàn ý thuyết minh về cây lúa nước chọn lọc do chúng tôi tổng hợp:

Dàn ý thuyết minh về cây lúa

Dàn ý 1 thuyết minh về cây lúa nước

I. Mở bài: Giới thiệu về cây lúa nước

II.Thân bài

1. Khái quát (trong trường hợp không rõ về nguồn gốc chính xác thì các em chỉ cần nêu khái quát cơ bản)

  • Cây lúa là một cây trồng thuộc nhóm ngũ cốc và rất quan trọng đối với người dân Việt Nam
  • Là cây lương thực chủ yếu của người dân Việt Nam và các nước trên thế giới

2. Chi tiết về cây lúa

Đặc điểm của cây lúa

  • Cây lúa sống ở dưới nước
  • Thuộc loại cây một lá mầm
  • Là loài cây tự thụ phấn

Cấu tạo của cây lúa: gồm 3 bộ phận

- Rễ: bộ rễ lúa thuộc loại rễ chùm. (Những rễ non có màu trắng sữa, rễ trưởng thành có màu vàng nâu và nâu đậm, rễ đã già có màu đen.)

- Thân lúa: Thân lúa gồm lá lúa, bẹ lúa, lá thìa và tai lá

  • Bẹ lá: Là phần đáy lá kéo dài cuộn thành hình trụ và bao phần non của thân.
  • Phiến lá: Hẹp, phẳng và dài hơn bẹ lá (trừ lá thứ hai).
  • Lá thìa: Là vảy nhỏ và trắng hình tam giác.
  • Tai lá: Một cặp tai lá hình lưỡi liềm

Chức năng của thân: Chống đỡ cơ học cho toàn cây, dự trữ tạm thời các Hydrocacbon trước khi lúa trổ bông. Lá làm nhiệm vụ quang hợp, chăm sóc hợp lý, đảm bảo cho bộ lá khỏe, tuổi thọ lá lúa sẽ chắc hạt, năng suất cao.

- Ngọn: đây là kết quả của quá trình thụ tinh, nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Lúa chín có màu vàng và người nông dân gặt về để thu hạt thóc làm thực phẩm.

Cách trồng lúa:

  • Hạt lúa ủ thành cây mạ
  • Mạ lúa cấy xuống thành cây lúa
  • Chăm sóc tạo nên cây lúa trưởng thành và trổ bông
  • Lúa chín gặt về thu hoạch được hạt thóc.

Vai trò của cây lúa:

  • Trong cuộc sống thường ngày: Chế biến thành cơm - lương thực chính trong bữa cơm của người Việt và các loại thực phẩm khác như bột mì, phở, ...
  • Trong kinh tế: Buôn bán và xuất khẩu lúa gạo

Thành tựu về lúa ở Việt Nam:

  • Ngày nay, Việt Nam đã lai tạo hơn 30 loại giống lúa khác nhau và được công nhận là giống lúa quốc gia.
  • Từ một nước nghèo đói, lạc hậu thì giờ đây Việt Nam nay là nước thứ 2 xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan.

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ và ý nghĩa của cây lúa.

Nguồn thông tin của dàn ý thuyết minh về cây lúa số 1: Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc..

Nếu dàn ý này chưa đáp ứng đủ mong muốn của em, hãy tham khảo thêm hai dàn ý khác dưới đây, hoặc các em có thể trực tiếp vào xem ngay những bài văn mẫu thuyết minh về cây lúa được tuyển chọn do các bạn học sinh khá giỏi thực hiện nhé.

Dàn ý thuyết minh về cây lúa ngắn gọn (dàn ý số 2)

I) Mở bài:

  • Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó và là một phần không thể thiếu của con người Việt Nam
  • Cây lúa đồng thời cũng trở thành tên gọi của một nền văn minh – nền văn minh lúa nước ở nước ta.

II) Thân bài:

1. Khái quát:

  • Cây lúa là cây trồng quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc.
  • Là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói chung và của Châu Á nói riêng.

2. Chi tiết:

a. Đặc điểm, hình dạng, kích thước:

  • Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm.
  • Lá bao quanh thân, có phiến dài và mỏng.
  • Có 2 vụ lúa: Chiêm, mùa.

b. Cách trồng lúa

: Phải trải qua nhiều giai đoạn:
  • Từ hạt thóc nảy mầm thành cây mạ.
  • Rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng
  • Ruộng phải cày bừa, làm đất, bón phân.
  • Ruộng phải sâm sấp nước.
  • Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi phải làm có, bón phân, diệt sâu bọ.
  • Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo…

c. Vai trò của cây lúa và hạt gạo:

  • Vấn đề chính của trồng cây lúa là cho hạt lúa, hạt gạo.
  • Có nhiều loại gạo: Gạo tẻ, gạo nếp (dùng để làm rất nhiều loại bánh như bánh chưng, bánh dày, bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh phở, cháo,…)…
  • Nếu không có cây lúa thì rất khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.

d. Tác dụng:

  • Ngày nay, nước ta đã lai tạo được hơn 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.
  • Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về sản xuất gạo.
  • Cây lúa đã đi vào thơ ca nhạc họa và đời sống tâm hồn của người Việt Nam

III) Kết bài:

  • Cây lúa vô cùng quan trọng đối với đời sống người Việt
  • Cây lúa không chỉ mang lại đời sống no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Dàn ý số 3 thuyết minh về cây lúa Việt Nam

I. MỞ BÀI

  • Dẫn dắt, giới thiệu chung về đối tượng thuyết minh - cây lúa Việt Nam (cây lương thực chính quan trọng, một trong những biểu tượng của nền nông nghiệp nước ta,...).

II. THÂN BÀI

  • Giới thiệu khái quát về cây lúa Việt Nam:
  • Lúa nước là loại cây quen thuộc với người dân nước ta, có lịch sử trồng trọt và canh tác lâu đời.
  • Là thế mạnh của xuất khẩu lương thực Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giới thiệu chi tiết về cây lúa:

Đặc điểm sinh học:

  • Cây tự thụ phấn, rễ chùm, một lá mầm,...
  • Môi trường sống: ngập nước
  • Các giai đoạn phát triển: hạt giống => nảy mầm => mạ non => trổ bông => kết hạt => lúa chín.

Đặc điểm canh tác:

  • Số vụ gieo trồng: thường là 2 vụ/năm.
  • Quy trình trồng trọt và canh tác: ủ mầm => gieo mầm => cấy mạ => chăm sóc => thu hoạch.
  • Vai trò của cây lúa trong đời sống người Việt Nam:
  • Làm ra gạo tạo nguồn lương thực chính trong các bữa ăn.
  • Xay thành bột dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều loại bánh.
  • Cho ra những phụ phẩm sau hạt gạo (cám, tấm, vỏ trấu,...) dùng trong chăn nuôi và các việc khác.
  • Tạo nguồn thu nhập cho người trồng lúa.
  • Trở thành chủ lực mang lại lợi nhuận xuất khẩu, danh tiếng và cơ hội tiến xa hơn cho nước ta trên thị trường lương thực thế giới.

III. KẾT BÀI

  • Nêu kết luận, nhận định chung về cây lúa Việt Nam (quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn,...).

Tùy theo cách hiểu của bản thân mà các em hoàn toàn có thể dựa vào 1 trong 3 mẫu dàn ý thuyết minh về cây lúa ở trên để làm tài liệu xây dựng dàn ý hoặc hoàn thiện bài làm của mình. Tiếp theo là gợi ý một số bài văn mẫu thuyết minh ngắn gọn để các em bổ sung câu từ thêm phần phong phú.

Những bài văn mẫu thuyết minh về cây lúa nước

Bài văn mẫu 1

Bài văn thuyết minh về cây lúa nước

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Từ xa xưa, cây lúa đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Việt. Lúa không chỉ là nguồn thức dưỡng nuôi sống con người mà còn trở thành biểu tượng của làng quê yên bình, là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học cho rằng quê hương của cây lúa nước là vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, từ thời Hùng Vương, nhân dân ta đã biết cấy lúa. Nghề trồng lúa nước đã truyền từ đời này sang đời khác, là ngành nông nghiệp chính của đất nước ta.

Lúa nước là cây lương thực chính của Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, trong khi châu u lại là lúa mì. Lúa thuộc loài thân thảo, có nhiều lóng và mắt. Chiều cao của thân được tính từ gốc đến cổ bông còn chiều cao của cây được tính từ gốc đến bông cao nhất. Lá lúa dài trông như lưỡi kiếm, khi lúa chín ngả sang vàng. Gân lá chạy song song với phiến lá, phiến lá mỏng và có nhiều lông ráp. Rễ lúa là rễ chùm, bám sâu xuống lòng đất để giữ cho cây khỏi đổ và hút dưỡng chất nuôi cây. Hoa lúa cũng chính là hạt lúa sau này. Lúa là loại cây tự thụ phấn, sau thụ tinh phôi nhũ phát triển thành hạt, chất tinh bột từ dạng lỏng qua một thời gian từ 2-3 tháng thành dàn đặc.

Ở miền Bắc thường có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa, còn ở miền Nam một năm có 3 vụ lúa. Trồng lúa có nhiều công đoạn. Đầu tiên, người nông dân phải ngâm cho hạt lúa nảy mầm, nhà nông có câu “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”, hạt giống có tốt thì cây lúa sau này mới có năng suất cao. Tiếp theo là công đoạn gieo mạ. Những cây mạ non ban đầu yếu ớt hấp thụ những gì tinh túy nhất của đất trời dần trở nên cứng cáp và xanh tươi mơn mởn. Lúa lúc xanh còn được gọi là lúa đương thì con gái. Đây là giai đoạn người nông dân phải chăm sóc tốt cho lúa: bón phân, làm cỏ, diệt côn trùng gây hại. Rồi lúa đẻ nhánh, lúa làm đòng, hương lúa thoang thoảng khắp cả cánh đồng. Lúa chín, bông lúa vàng trĩu hạt làm cả cây oằn xuống. Giờ đã đến giai đoạn thu hoạch lúa, các bác nông dân gặt lúa, tuốt hạt, phơi cho khô và bảo quản lúa ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Lúa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta. Không chỉ cung cấp một lượng tinh bột lớn duy trì năng lượng cho con người, từ hạt gạo, người ta có thể chế biến ra vô vàn món ăn. Bánh chưng, bánh dày được Lang Liêu làm ra từ gạo nếp để dâng vua Hùng là hai loại bánh truyền thống trong ngày tết. Bánh dày tượng trưng cho trời còn bánh chưng tượng trưng cho đất. Lúa nếp non được rang thành cốm- là một thức quà quen thuộc của người Hà Nội mỗi khi mùa thu tới. Gạo nếp còn được nấu thành xôi- là món đồ không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt vào ngày giỗ tổ tiên hay lễ, tết. Ngoài ra, chúng ta còn có biết bao loại bánh khác nhau được làm từ gạo: bánh cuốn, bánh đa, bánh nếp, bánh tẻ, bánh đúc…. Thân lúa sau khi thu hoạch được phơi khô có thể làm chất đốt hoặc thức ăn cho trâu, bò… Vỏ lúa được dùng làm trấu. Cám là một sản phẩm sau khi người ta xát gạo, dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Lúa có hai loại chính là lúa nếp và lúa tẻ. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học- kĩ thuật, người ta đã tạo ra nhiều loại lúa cho chất lượng và năng suất cao hơn. Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là hai vựa lúa lớn nhất nước ta. Việt Nam từ một đất nước đói nghèo đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Những cánh đồng lúa rộng bát ngát thẳng cánh cò bay là biểu tượng cho sự bình yên của làng quê, tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương đất nước.

Ngày nay, nhiều tòa cao ốc mọc lên thay thế đồng ruộng nhưng cây lúa vẫn chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế trong đời sống của người dân Việt Nam. Cây lúa sẽ mãi là người bạn thân thiết của người nông dân, là nét đẹp bình dị của quê hương yêu dấu.

Gợi ý thêm cho các bạn bài văn mẫu  thuyết minh về cây lúa bằng phương pháp tự thuật, qua đó hiểu hơn về cách sử dụng những biện pháp nghệ thuật vào văn miêu tả.

Bài văn mẫu 2

Văn mẫu 9 thuyết minh về cây lúa nước

Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước từ bao đời nay. Nghề trồng lúa được xem là nghề chính và là niềm tự hào của cha ông ta, là thước đo giá trị tinh thần và kinh tế của Việt Nam. Cho đến bây giờ mặc dù công nghiệp hóa hiện đại hóa song nghề trồng lúa vẫn được coi trọng và đầu tư. Cây lúa nước cũng vì thế mà đi vào đời sống của mỗi con người như một lẽ sống, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ở Việt Nam nghề trồng lúa nước có từ rất lâu, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thời kỳ lại có những bước tiến và phát minh mới để nâng cao năng suất của cây lúa nước.

Cây lúa nước là cây lương thực chủ đạo của Việt Nam, mặc dù bên cạnh nó còn có các loại cây khác như ngô, khoai, sắn…nhưng không loại cây nào có thể thay thế được vị trí, vai trò quan trọng của lúa nước.

Lúa chính là thành quả của một quá trình lao động sản xuất nhiều công đoạn, trải qua nhiều nắng mưa, nhiều mồ hôi và lo toan của người nông dân. Bởi thế người ta vẫn bảo nhau rằng:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

“Cuộc đời” của cây lúa nước cũng như sự phát triển của một đời người, đều có quá trình, có những vất vả và gian nan. Lúa được hình thành nên bởi bàn tay vất vả, khéo léo, hai sương một nắng của người nông dân. KHông phải cứ gieo xuống bùn, cấy xuống bùn là chờ đến ngày trổ bông. Mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa nước không chỉ phụ thuộc vào người nông dân mà còn bị chi phối bởi thời tiết.

Từ một hạt lúa sẽ tạo nên thành nhiều hạt lúa chắc mẩm chính là quá trình sinh sôi và phát triển của cây lúa nước. Người nông dân sẽ lựa chọn những hạt lúa tròn và chắc để làm giống, ủ vào nơi kín gió với nhiệt độ phù hợp, tránh sự xâm nhập của sâu bọ, chuột gián. Ủ trong một thời gian vài ngày thì hạt thóc giống sẽ có độ ấm và bắt đầu nhú lên những mầm trắng nhỏ xinh. Những mầm trắng ấy rất yếu ớt nên người nông dân khéo léo không làm gãy chúng, bởi đó chính là cây mạ non sau này khi cấy xuống bùn. Ngay từ công đoạn đầu đã bắt buộc kinh nghiệm, sự khéo léo và tỉ mỉ của bàn tay người nông dân để tạo ra những cây mạ cứng cáp.

Họ sẽ dùng những hạt tròn nảy mầm đó gieo xuống luống đất sền sệt, vừa đủ nước ở ngoài cánh đồng. Chờ đến một thời đủ dài để hạt giống đó tạo thành những cây mạ non nằm sát vào nhau, màu xanh rất mượt mà. Lúc ấy cả cánh đồng đều bị sắc xanh của đám mạ non bao phủ lấy, tạo nên sự yên bình và êm ả giữa chốn quê nhà.

Khi cây mạ non đã đến thì có thể cấy được thì người nông dân lại thêm một công đoạn tiếp theo. Ruộng đồng được cày bừa và lấy nước đủ đầy thì họ bắt đầu mang đám mạ non đó cấy xuống bùn. Bàn tay khéo léo, thoăn thoắt của các mẹ, các chị đã tạo nên những hàng lúa thẳng tắp, nhìn rất đẹp mắt.

Vậy là đã hoàn thành công đoạn cấy lúa, tiếp sau đó đến giai đoạn chăm sóc lúa theo từng thời kỳ thích hợp nhất. Sau khi cấy thì người nông dân đã phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh gây hại, vì đây là thời kỳ lúa còn non, rất dễ bị sâu bệnh xâm nhập. Người nông dân đã trải qua bao nhiêu nắng mưa, nhiều đêm lo âu nghĩ mọi cách tìm ra cách phòng chống sâu bệnh hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. Trồng được một hạt lúa là cả một nỗi dài nhọc nhằn, lo toan. Để chúng ta ta giờ ăn một bát cơm cần phải nâng niu và trân trọng.

Trải qua một quá trình chăm sóc, vun trồng, tưới tiêu và thời tiết ưu ái thì người nông dân sẽ có một vụ mùa thắng lợi, gánh về sân những hạt thóc tròn vàng ươm.

Lúa ở Việt Nam có hai loại chủ yếu là lúa nếp và lúa tẻ. Lúa tẻ là loại lúa hạt dài mà người dân vẫn thường dùng trong các bữa cơm, còn lúa nếp là loại lúa mình tròn nẩy người ta thường dùng để làm xôi, làm bánh. Mỗi loại lúa đều có vai trò và chức năng riêng của nó.

Lúa nước Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi gia đình, là “gia vị” không thể thiếu trong mỗi bữa cơm người Việt. Mỗi khi chúng ta ăn hạt cơm trắng tròn, dẻo thơm vẫn không quên được công lao, gian nan của những người nông dân đã làm ra chúng. Trong những bữa tiệc quan trọng thì gạo vẫn chiếm vai trò quan trọng không thể thiếu. Đặc biệt với sự tích Bánh chưng bánh giầy từ thời Hùng Vương đã đề cao vai trò của cây lúa đối với đời sống chúng ta.

Cho đến nay, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn trên thị trường thế giới. Đây là điều khiến cho chúng ta và hơn hết là người nông dân tự hào vì công sức mà mình bỏ ra được đền đáp. Việt Nam phát triển lên từ ngành trồng lúa nước, và nó mãi mãi là nghề truyền thống không thể thay thế.

Bài văn mẫu 3

Thuyết minh về cây lúa nước Việt Nam lớp 9

“Việt Nam đất nước quê hương tôi

Mía ngọt chè xanh qua những nương đồi

Đồng xanh lúa rập rờn biển cả”

Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó tha thiết với đất nước và con người Việt Nam. Hình ảnh của cây lúa cùng với hình ảnh người nông dân đã trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh về làng quê Việt Nam thanh bình xưa và nay.

Lúa là một loài thực vật quý giá, có nguồn gốc từ giống lúa dại và bắt đầu xuất hiện ở Đông Nam Châu Á. Cây lúa trồng ngày nay có thể được thuần hóa từ nhiều nơi khác nhau thuộc Châu Á, trong đó phải kể đến Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ. Có nhiều loại lúa: lúa tẻ, lúa nếp, lúa tám thơm, tạp giao, quy năm... Mỗi loại có hình dáng, hương vị khác nhau. Lúa là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm các loài cây ngũ cốc. Đây là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung.

Hình dáng cây lúa rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Lúa thuộc loài cây thân thảo. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau bằng nhiều đốt rộng 2-3cm, cao khoảng 60-80 cm. Bên trong thân cây rỗng và mền, dùng tay cũng có thể bóp nát một cách dễ dàng. Lá lúa có phiến dài và mỏng, sắc, mọc bao quanh thân, mặt lá nhám sờ vào có cảm giác ram ráp, gân lá chạy song song hai bên. Ở các giai đoạn khác nhau, lá lúa lại mang một màu sắc riêng biệt. Khi chỉ là những cây mạ non, lá màu xanh non mơn mởn. Lúa sáng thì con gái, lá chuyển màu xanh thẫm. Lúa chín, lá lại nhanh chóng chuyển màu vàng. Rễ của cây lúa thường mọc thành chùm, bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi cây. Hạt lúa có hai phần là vỏ và ruột. Vỏ trấu thô ráp bao bọc lấy hạt sữa ngọt ngào, trắng tinh. Hấp thụ đủ tinh hoa của đất trời, dưới đôi bàn tay của bác nông dân, những giọt sữa ấy đông đặc lại thành hạt gạo trắng ngần.

Ở Việt Nam có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm thu hoạch vào độ tháng 5 – 6, vụ mùa vào độ tháng 8 -9 (âm lịch). Tuy nhiên nhờ khoa học phát triển, ngày nay ở nhiều nơi cũng có những vụ mùa nối tiếp nhau. Để có một mùa lúa bội thu phải trải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên người nông dân cần chọn giống tốt, phù hợp với đất canh tác và khí hậu trong năm. Giống lúa chọn xong được ngâm nước đến khi nảy mầm, người ta lại cất công làm bùn để gieo những hạt giống đó, chăm sóc, che nắng chắn mưa chờ đến ngày mầm xanh nhú lên, những cây mạ non xanh mơn mởn. Sau đó, cày bừa, làm đất, bón phân rồi đem cây mạ cấy xuống ruộng. Ngày ngày làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ từ khi lúa còn non đến khi trổ đòng, chín. Người nông dân cắt lúa chín về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo... Từ những hạt thóc vàng ươm đến những hạt gạo trắng, những bát cơm dẻo thơm, người nông dân phải trải qua bao khó khăn, vất vả mới có thể làm ra. Vậy nên hãy nhớ:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần...”

Cây lúa có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Bát cơm ngày ngày ta ăn, bát cơm không bao giờ vắng mặt trong mâm cơm mỗi gia đình chính là sản phẩm từ cây lúa. Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu vô cùng cần thiết cho sự sống của con người. Gạo nếp dùng gói bánh chưng, làm cốm. Những tấm bánh chưng được gói trong lá dong xanh trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gạo nếp non được gói gọn trong lá sen thơm ngát đã trở thành một món quà thanh lịch của người Hà Nội. Bánh chưng, bánh giầy, bánh trôi, bánh giò...rất nhiều loại bánh đã thu hút bạn bè năm châu tìm đến đất Việt. Gạo nếp còn dùng để đồ các loại xôi – món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và những ngày lễ quan trọng. Ngày nay còn có cả kem xôi – loại kem được các bạn trẻ yêu thích. Đặc biệt, cây lúa còn là biểu tượng cho dân tộc Việt – quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời. Cây lúa đi vào trong thi ca, hội họa vẽ lên hình ảnh về đất và người Việt vô cùng đẹp đẽ.

Thời gian trôi qua, cây lúa dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người Việt Nam. Không chỉ có giá trị vật chất quan trọng, cây lúa còn lưu giữ giá trị tinh thần quý giá của dân tộc. Để rồi dù có xa quê hương Việt Nam, người ta vẫn luôn tự hào:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

----------

Trên đây là tổng hợp một số dàn ý thuyết minh về cây lúa cùng những bài văn mẫu để các bạn tham khảo. Qua những chia sẻ ở trên chúng tôi tin chắc các em có thể dễ dàng viết cho mình những bài văn thuyết minh về cây lúa hay. Còn rất nhiều những bài văn mẫu khác chờ các em tham khảo, chúng mình chỉ cần truy cập vào trang doctailieu.com là thấy nha

Tuyển chọn những bài văn hay lớp 9 được tổng hợp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM