Thuyết minh về phố cổ Hội An

Xuất bản: 28/03/2024 - Tác giả:

Tuyển chọn những bài văn mẫu thuyết minh về phố cổ Hội An hay và ngắn gọn nhất do các em học sinh viết cùng những ấn phẩm hay mà các em nên tham khảo để bổ sung thêm vốn từ

Thuyết minh về phố cổ Hội An là một trong những đề tài thuộc chủ đề thuyết minh về danh lam thắng cảnh lớp 8, 9, 10. Phố cổ Hội An là một trong những danh nam thắng cảnh đẹp ở nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.

Dàn ý thuyết minh về phố cổ Hội An

1. Mở bài

- Giới thiệu về phố cổ Hội An: là một đô thị cổ, địa danh nổi tiếng thuộc tỉnh Quảng Nam, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1999.

- Nêu ấn tượng chung về phố cổ Hội An: vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, không gian yên bình, thơ mộng, nét văn hóa truyền thống độc đáo.

2. Thân bài

a) Giới thiệu chung về phổ cổ Hội An

- Vị trí địa lí: nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.

- Hội An là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1999 dựa trên hai tiêu chí:

+ Là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.

+ Là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

b) Lịch sử hình thành và phát triển

- Trải qua hơn 2000 năm lịch sử, từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII.

- Giai đoạn phát triển:

+ Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16, thời kỳ Việt Nam nằm dưới sự trị vì của nhà Lê.

+ Từ sau năm 1570, Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó (thế kỷ 17, 18), giao thương với nhiều nước, thu hút nhiều thương nhân.

+ Thế kỷ 19, do chính sách đóng cửa, hạn chế quan hệ với nước ngoài, đặc biệt các quốc gia phương Tây, Hội An dần suy thoái, mất đi vị thế cảng thị quốc tế quan trọng.

+ Đầu thế kỷ 20, tuy mất đi vai trò cảng thị quan trọng, hoạt động buôn bán ở Hội An chưa khi nào chấm dứt và nơi đây vẫn là thị xã, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam.

c) Giá trị kiến trúc

- Phong cách kiến trúc độc đáo:

+ Giao thoa văn hóa Á - Âu và các nước phương Đông (Trung Hoa, Nhật Bản).

+ Chất liệu chủ đạo: Gỗ, ngói, gạch.

+ Các công trình tiêu biểu: Chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh...

d) Nét đẹp văn hóa

- Lễ hội truyền thống: Lễ hội hoa đăng, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội đêm rằm phố cổ, đua ghe, lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo....

- Âm nhạc, diễn xướng và trò chơi dân gian: Bài chòi, hát bả trạo, hô thai, hát tuồng, hò khoan, hò giựt chì, hò kéo neo,...

- Ẩm thực phong phú: Cao lầu, mì Quảng, hoành thánh, bánh bao, bánh vạc, bánh bèo, hến trộn, bánh xèo, bánh tráng,...

- Làng nghề truyền thống: Làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng,...

- Con người thân thiện, mến khách.

e) Giá trị du lịch

- Điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

- Mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị của phố cổ Hội An: là di sản văn hóa quý báu, niềm tự hào của người Việt Nam.

- Lời kêu gọi bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

* Tham khảo một bài văn mẫu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh khác ở nước ta

5+ bài văn mẫu thuyết minh về phố cổ Hội An hay nhất

Thuyết minh về phố cổ Hội An Bài số 1

Dải đất hình chữ S Việt Nam ẩn chứa vô số điều kỳ diệu, mỗi vùng miền lại mang một vẻ đẹp riêng biệt. Nếu như thủ đô Hà Nội nổi tiếng với Hồ Hoàn Kiếm lịch sử, Ninh Bình say đắm lòng người với Bái Đính uy nghi và Tràng An huyền bí, thì Nghệ An lại khiến du khách xao xuyến bởi quê hương Nam Đàn giản dị, mộc mạc. Và khi nhắc đến Quảng Nam - mảnh đất đầy nắng và gió, ta không thể nào không nhớ đến Phố cổ Hội An - một di sản văn hóa thế giới, một điểm đến du lịch độc đáo và đầy mê hoặc. Nơi đây như một viên ngọc quý, tỏa sáng rực rỡ giữa lòng di sản văn hóa thế giới, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp cổ kính, bình dị và những giá trị văn hóa độc đáo.

Như chúng ta đã biết, Phố cổ Hội An là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một đô thị cổ nằm ở hạ nguồn của dòng sông Thu Bồn, nằm cách xa thành phố Đà Nẵng khoảng 30 ki-lô-mét về phía Nam. Nhìn lại chặng đường ra đời, xây dựng và phát triển của Phố cổ Hội An chắc hẳn mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Vào những năm thế kỷ 17 và 18, Phố cổ Hội An là một trong số những trung tâm buôn bán sầm uất nhất cả nước, là một thương cảng quốc tế - nơi gặp gỡ, giao lưu, buôn bán của các thương lái Trung Quốc, Nhật Bản và cả các nước phương Tây.

Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây may mắn không bị chiến tranh tàn phá và những công trình kiến trúc, văn hóa nơi đây vẫn còn vẹn nguyên. Thêm vào đó, trước ảnh hưởng của xu hướng đô thị hóa vào những năm của thế kỉ 20, nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên sơ của nó như trong thời kì trước đó. Và để rồi, năm 1980,các học giả cũng như du khách trong và ngoài nước chú ý đến những nét đẹp của kiến trúc, văn hóa ở Phố cổ Hội An, dần dần, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ở nước ta.

Phố cổ Hội An có nhiều nét đặc sắc, những điểm riêng hấp dẫn và thú vị mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Trước hết, Phố cổ Hội An có những công trình kiến trúc, những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn và thú vị. Bước vào thế giới của Phố cổ Hội An, đúng như tên gọi phố cổ của nó, chúng ta sẽ cách xa những ồn ào, vội vã của tiếng xe cộ, tấp nập, đông đúc, âm thanh của những nhà máy để bước vào một thế giới tĩnh lặng và yên ả. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy đó chính là những mái rêu phong cũ kỹ và cổ kính, những ngôi nhà gỗ từ xa xưa, đặc biệt là những chiếc đèn hoa đăng trên những cây cao và cả ở mỗi ngôi nhà.

Có lẽ, Phố cổ Hội An đẹp nhất về đêm, khi những chiếc đèn hoa đăng được thắp sáng lên khắp mọi nẻo đường. Phố cổ Hội An nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp với kiến trúc độc đáo. Đó là chùa Cầu - nó còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, là một công trình kiến trúc với kiểu kết cấu rất đặc biệt - trên là nhà và dưới là cầu. Đó còn là những hội quán được xây dựng từ hàng nghìn năm trước, trong đó nổi bật lên là hội quán Phúc Kiến, hội quán Trung Hoa, hội quán Triều Châu, hội quán Quỳnh Phủ, hội quán Quảng Đông. Ngoài ra, ở nơi đây còn có một số công trình kiến trúc hấp dẫn khác như các nhà thờ tộc, những ngôi đền miếu,... Dường như, những công trình kiến trúc ấy đã tồn tại hàng nghìn năm, cùng chứng kiến Hội An ngày càng phát triển.

Thêm vào đó, Phố cổ Hội An cũng là nơi có nền ẩm thực độc đáo với những món ăn mang điệu hồn và đặc trưng riêng của mảnh đất này. Một trong số những món ăn tiêu biểu và đặc trưng nhất của ẩm thực ở Phố cổ Hội An đó chính là món cao lầu - một món ăn mang tính phố thị. Cao lầu là món ăn được chế biến rất công phu, khi thưởng thức nó chúng ta cần cần sử dụng nước dùng nhưng đổi lại sẽ ăn cùng với thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và để món ăn bớt độ ngậy, người ta thường ăn kèm với rau sống và giá đỗ. Cùng với cao lầu, mì Quảng cũng là món ăn đặc biệt ở nơi đây. Đúng như tên gọi của nó, đây là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Nam và ngày nay, dẫu mì Quảng đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước nhưng có lẽ chẳng có nơi nào nó tròn vị như ở nơi đây.

Mì Quảng được bán phổ biến ở Phố cổ Hội An, nó xuất hiện ở trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn bình dân và đặc biệt là cả những quán ăn vỉa hè. Ngoài ra, nhắc tới ẩm thực Phố cổ Hội An sẽ không thể nào không nhắc tới bánh bao và bánh vạc. Bánh bao và bánh vạc ở nơi đây mang một hương vị rất riêng, vừa ngon vừa lạ, chúng thường đi kèm với nhau và ăn cùng với nước chấm vừa cay vừa chua rất tuyệt. Không chỉ món ăn ngon, lạ mà cách trang trí món ăn, các nhà hàng và phong cách phục vụ ở nơi đây cũng rất đặc biệt. Những nhà hàng ở phố cổ Hội An luôn được trang trí một cách rất độc đáo - chúng thường được điểm tô bằng những bức tranh cổ, những đồ thủ công mĩ nghệ, những giỏ hoa muôn ngàn sắc màu,... Tất cả những điều ấy quyện hòa vào nhau tạo nên nét riêng biệt ở Hội An mà không nơi nào có được.

Đặc biệt, ở Phố cổ Hội An còn có rất nhiều lễ hội truyền thống và những trò chơi dân gian từ ngàn đời xưa. Cho đến ngày nay, Phố cổ Hội An vẫn còn được lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống từ xưa, đó chính là lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư trong các ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo và có lẽ đặc biệt hơn cả lễ hội đêm rằm phố cổ.

Lễ hội đêm rằm phố cổ diễn ra vào đêm ngày 14 hằng tháng, dưới ánh trăng bàng bàng tỏa khắp nơi, làm tăng thêm sự cổ kính vốn có của mảnh đất này. Vào những ngày này, ở đây còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh bài chòi, hò khoan, hò giã gạo, thi đấu cờ tướng và nhất là thả đèn hoa đăng. Hoa đăng - một nét đặc trưng riêng của Hội An, chắc có lẽ bởi vậy đến với Hội An, bao giờ người ta cũng muốn được thả đèn hoa đăng một lần. Ngoài ra, ở phố cổ còn có nhiều trò chơi dân gian khác, thu hút sự tham gia của người dân địa phương và du khách, đó chính là trò bài tới, trò thả thơ, trò chơi thư pháp.

Phố cổ Hội An đã tồn tại từ lâu đời và có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đối với dân tộc ta. Vào những năm trước thế kỉ 20, nơi đây là một trong số những địa điểm buôn bán sầm uất nhất cả nước. Ngày nay, Phố cổ Hội An là địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng triệu hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước về thăm. Thêm vào đó, Phố cổ Hội An còn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa. Có biết bao vần thơ da diết về mảnh đất và con người nơi đây. Và cũng có thật nhiều những bức tranh vẽ lại thật đẹp, thật sinh động về những cảnh sắc nơi mảnh đất Phố cổ thân yêu này.

Phố cổ Hội An là một trong số những địa điểm du lịch hấp dẫn trên đất nước ta. Nơi đây mang trên mình nét đẹp cổ kính với những nét đặc trưng mà không bất cứ nơi nào có được.

Thuyết minh về phố cổ Hội An Bài số 2

Tọa lạc tại tỉnh Quảng Nam, Phố cổ Hội An như một bức tranh cổ tích ẩn mình giữa lòng hiện đại. Nơi đây níu chân du khách bởi những mái ngói rêu phong nhuốm màu thời gian, những con đường nhỏ rợp bóng đèn lồng lung linh huyền ảo, cùng những món ăn truyền thống mang đậm hương vị quê hương. Đặt chân đến Phố cổ Hội An, bạn như được quay ngược thời gian trở về quá khứ, hòa mình vào nhịp sống bình dị của người dân nơi đây. Hội An còn nổi tiếng với những món ăn truyền thống mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất Quảng Nam.

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng vien biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống độc đáo, những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là những lễ hội truyền thống được diễn ra trong không gian lung linh của ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn lồng,…

Đầu tiên, phố cổ Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống. Một điều rất may mắn là nơi đây tránh được sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20, cho nên những giá trị kiến trúc của phố cổ gần như vẫn còn nguyên vẹn. Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường ngăn cách, thường chỉ có một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống, được xây dựng sát nhau. Mỗi ngôi nhà ở phố cổ Hội An đều được bố trí phù hợp với không gian hẹp, dài bao gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Chính những kiến trúc độc đáo ấy đã thu hút ngày càng nhiều khách thăm quan tới phố cổ Hội An.

Những ngôi chùa, đền miếu cổ ở đây cũng là nơi được nhiều du khách quan tâm. Nhiều ngôi chùa ở đây có niên đại khởi dựng khá sớm, được biết đến sớm nhất là chùa Chúc Thánh, tương truyền có gốc gác từ năm 1454, nơi đây vẫn lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký liên quan đến quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong. Chùa Cầu cũng là một ngôi chùa được xây dựng khá sớm. Khoảng giữa thế kỉ XVI, ngôi chùa này được các thương gia Nhật Bản xây dựng nhằm mục đích giao thương, buôn bán. Giống như tên gọi, Chùa Cầu được xây dựng nằm trên cây cầu dài 18m với hệ thống kết cấu bằng gỗ và phần móng được làm bằng vòm trụ đá, quay mặt về phía sông Thu Bồn. Ngoài ra, ngoại ô khu phố cổ còn nhiều ngôi chùa khác như Phước Lâm, Vạn Đức, Kim Bửu, Viên Giác... mang đến nhiều sự lựa chọn khi đến Hội An du lịch.

Những lễ hội truyền thống hiện nay cũng giúp Hội An mang một sức thu hút riêng. Đặc biệt nhất phải kể đến lễ hội đêm rằm phố cổ vào mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Các phương tiện đi lại bị cấm vào ngày này, đường phố chỉ dành cho người đi bộ. Trong thời gian từ 17 đến 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn,… đều phải tắt điện, toàn bộ khu phố chìm trong ánh sáng bạc của trăng rằm và những ngọn đèn lồng nhiều màu sắc lung linh. Tại các điểm di tích được tổ chức nhiều hoạt động ca nhạc, trò chơi dân gian, thả hoa đăng,… mang lại nhiều lý thú cho khách du lịch.

Bên cạnh những địa điểm du lịch, những món ăn truyền thống ở phố cổ Hội An cũng được khách du lịch dành nhiều sự quan tâm. Tới Hội An bạn sẽ thấy món Mì Quảng được bán ở khắp mọi nơi, từ các quán ăn thành thị đến những quán mỳ trên hè phố. Nếm thử món Mì Quảng với sợi mỳ mềm, nước dùng làm từ thịt lợn, thịt gà, tôm có hương vị riêng biệt sẽ không làm bạn thất vọng. Ngoài ra chè bắp, hến trộn, bánh xèo,… cũng là những món ăn dân dã hấp dẫn. Bên cạnh đó là những món đặc sản mang tính phố thị như cao lầu, hoành thánh, bánh bao,… cũng đã góp phần đáng kể làm nên sự phong phú của ẩm thực Hội An.

Bao nét đặc sắc riêng biệt ấy đã kiến phố cổ Hội An trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Khi đã ghé thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ muốn trở lại mảnh đất cổ xưa nên thơ, hữu tình này một lần nữa.

    Thuyết minh về phố cổ Hội An ngắn gọn nhất Bài số 3

    Thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên dải đất miền Trung. Ngày 4 tháng 2 năm 1999, cùng với tháp Chàm - Mỹ Sơn, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Từ thế kỉ XVII, XVIII, có hàng trăm hàng nghìn người Hoa từ Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam… đến đôi bờ con sông Hoài sinh cơ lập nghiệp. Phố Hội An ngày một mở mang, đông vui. Ở đây hiện có những ngôi chùa cổ trên mấy trăm tuổi như: chùa Phúc Kiến, chùa Long Tuyển, chùa Triều Châu, chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm…. Những lễ hội, những tập tục văn hóa xa xưa được lưu giữ mãi trong hồn người. Những chiếc áo vạt hò, quần chân què, nón mê, guốc gỗ… của những người bán hàng rong như gợi nhớ gợi thương. Đặc biệt chiếc đèn lồng đủ mọi kích cỡ, dáng hình, màu sắc treo dọc phố, treo trước cửa nhà, treo hai bên bàn thờ tổ tiên đã ăn sâu vào kí ức và làm nên một Hội An cổ kính, hưng thịnh và tấp nập xưa nay.

    Đúng 17 giờ đêm 14 âm lịch hàng háng, có hàng trăm hàng nghìn chiếc đèn lồng được thắp sáng lung linh như sao xa, dọc theo các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai…. Hãy tản bộ dọc bờ sông Hoài, ta sẽ cảm thấy tâm hồn thảnh thơi kì lạ. Hãy đến với một gánh hàng rong nhấm nháp một bát chè bắp Cẩm Nam thơm mát, nếm một bát mì Quảng béo ngậy, thưởng thức một tô Cao lầu đặc sản thơm đậm, ngọt ngào…. Hương vị, sắc màu Hội An đó mãi nằm trong kí ức của du khách một lần được đến đây.

    Hãy đến thăm chùa Long Tuyển, Chùa Cầu, thắp lên một nén nhang, ngắm hàng trăm tượng Phật, đọc và suy ngẫm những câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng. Những chiếc áo lam của bà con đi lễ hội chùa Cầu trong ánh đèn lồng, dưới bóng trăng rằm gợi nên bao cảm xúc dạt dào, lồng lộng trăng nước. Phố cổ Hội An, một không gian cổ kính, thanh bình. Con sông Hoài thơ mộng. Chùa Cầu tráng lệ, trang nghiêm. Màu thời gian nơi phố cổ gợi cho du khách tìm về vàng mộng ngàn xưa.

    Một tiếng chuông chùa ngân vang. Một giọng hò từ xa đưa lại trong bóng trăng thanh đêm rằm gợi thương gợi nhớ. Tình yêu Hội An càng trở nên thiết tha sâu lắng khi ta chợt nghe một tiếng hò từ xa đưa lại:

    "Hội An bán gấm, bán điều,

    Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng"…

    Thuyết minh về phố cổ Hội An - Bài số 4

    Phố cổ Hội An là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Một lần du lịch Hội An sẽ làm say đắm lòng du khách bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.

    “Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố

    Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều

    Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ

    Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”.

    Văn mẫu thuyết minh về Phố cổ Hội An hay nhất

    Hình ảnh một góc tại Phố cổ Hội An.

    Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.

    Kiểu nhà ở phổ biến nhất chính là những ngôi nhà hình ống chỉ một hoặc hai tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Nhà được làm từ những vật liệu có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nơi đây, hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên, nên ngoài việc bố trí ngôi nhà thành các gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một nét đẹp tổng thể. Với lối kiến trúc độc đáo, không gian ngôi nhà ở Hội An luôn thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng mặt trời, con người và thiên nhiên như hòa làm một.

    Đường phố ở khu phố cổ được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn và đẹp, uốn lượn, ôm lấy những ngôi nhà. Dạo bước chân qua từng con phố nhỏ xinh và yên bình ấy, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon mà còn thấy được một phần cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân phố Hội, một cuộc sống yên bình, giản dị. Quần thể di tích kiến trúc Hội An hết sức phong phú và tuyệt mỹ vì vậy nơi này đã, đang và mãi là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ khi đặt khách sạn ngay khu phố cổ Hội An.

    Bạn nhất định phải tới tham quan “biểu tượng của Hội An” - Chùa Cầu. Chùa Cầu, hay còn được gọi là Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu ở Hội An. Ngôi chùa này được các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại đây xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16.

    Bên cạnh đó, để hiểu hơn về cuộc sống và văn hóa người Hội An, du khách nên đến tham quan một số nhà cổ nổi tiếng và các công trình tâm linh, xã hội như nhà cổ Quân Thắng, Đức An, Tấn Ký,… hay một số hội quán như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông… Đây là những địa điểm đẹp ở Hội An giúp du khách được trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng phố Hội.

    Đèn lồng cũng được coi là một “đặc sản” không thể bỏ qua khi đến du lịch tại Hội An. Du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc đèn lồng đủ màu sắc sặc sỡ và hình dáng quanh các con phố, ngôi nhà. Vào ngày Rằm hàng tháng, có một Hội An thật khác trong mắt du khách – một Hội An lộng lẫy với ánh sáng của đèn lồng, đèn hoa đăng.

    Phố cổ Hội An vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí để cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng hấp dẫn du khách. Bước đi trên từng con phô nhỏ, bạn như tìm thấy chính mình trong những ngày xưa cũ, những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này.

    Tham khảo thêmThuyết minh về Côn Sơn và Kiếp Bạc

    Thuyết minh về phố cổ Hội An - Bài số 5

    Phố cổ Hội An - địa danh đã gắn liền với quá khứ nổi bật về sự giao lưu của nhiều nền văn hóa: Việt, Nhật, Hoa; một đô thị gắn liền với thương cảng quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong suốt nhiều thế kỷ.

    Cho đến nay kiến trúc Hội An vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng với một quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: Nhà ở, Hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại. Cùng với cuộc sống thường ngày của cư dân những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời vẫn đang tồn tại và được duy trì, vì vậy nơi đây là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

    Phố cổ Hội An cùng với cảnh quan thiên nhiên, bãi tắm sông nước, hải đảo, các món ăn đặc sản truyền thống đang là nơi hấp dẫn khách du lịch tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước, đó là một cái gì thật đáng quan tâm. Sự giao thoa văn hóa đã làm nên một Hội An được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

    Cảng Hội An hình thành từ thế kỷ 15, là nơi các thương buôn người Hoa, Nhật, Bồ Đào Nha cập bến buôn bán và để lại dấu tích riêng qua các ngôi chùa. Đến nửa sau thế kỷ 17, nơi này mới thay đổi dần nhưng vẫn là Thành phố đặc thù của Đại Việt. Thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Hội An vẫn là nơi mua bán sầm uất cho đến khi có những biến động chính trị xã hội lớn. Vào những năm 80, phố cổ trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách khắp thế giới.

    Xưa kia, phố cổ Hội An chỉ có một con đường kéo dài từ chùa Cầu đến chùa Ông (nằm trước chợ Hội An bây giờ) và sau này kéo dài đến chùa Ông Bổn. Hội An nhìn ra sông Chợ Củi, tên gọi của sông Thu Bồn vào đầu thế kỷ 20. Chợ Củi có quy mô buôn bán lớn và là thắng cảnh nổi tiếng được sánh với Ngũ Hành Sơn. Đến đây, thú vị nhất vẫn là thả bộ trên những đường phố tĩnh lặng hoặc ngồi trên xích lô, thong dong ngắm nhìn từng mái nhà lô xô rêu phong cổ kính, ngói được lợp cách đây vài trăm năm. Đặc biệt là về đêm càng trở nên lung linh, huyền bí bởi những ngọn nến thắp trong đèn lồng kiểu Trung Hoa hoặc đèn hình quả nhót, quả bí bằng tre phủ những vuông lụa tơ tằm đủ sắc màu treo ở đầu hiên nhà.

    Đến Hội An không thể không ghé thăm chùa Cầu, biểu tượng của phố cổ nơi đây. Còn có tên gọi là Lai Viễn Kiều, Chùa Cầu bắt qua con lạch chảy ra sông Thu Bồn, do các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17. Chùa Cầu ở Hội An do người Nhật xây dựng từ những ngày đầu thành gồm 2 phần: Cầu và Chùa. Cầu bằng gỗ ghép lại, có mái che lợp ngói. Chùa có lối kiến trúc khá đặc biệt, mái lợp ngói âm dương đã ngả màu thời gian. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ công phu, đây không chỉ là một cây cầu hay một ngôi chùa, nó còn là nơi hội họp của xóm làng ngày trước với ước mơ về một cuộc sống giao hòa tương thân tương ái của cộng đồng.

    Các di tích khác như Hội quán Quảng Đông, Hội quán Phước Kiến và những ngôi chùa cổ kính cùng những ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi đều khiến người ghé thăm phải nghiêng mình thán phục về sự tinh xảo khéo léo mà vẫn rất lắng sâu của bàn tay con người. Vừa nguy nga tráng lệ, vừa đồ sộ cao quý, tất cả các công trình đều trở thành những cuốn biên niên sử sống động nhất, lưu giữ một quá khứ vàng son của cộng đồng người Hoa cũng như các cư dân ngày trước ở Hội An.

    Những con đường đầy bóng cây và mùi hoa sữa vào độ tháng 10, những ngõ nhỏ quanh co dẫn đi vòng vèo trong phố cổ, những hàng quán san sát mang vẻ đẹp thâm niên với giàn hoa rũ xuống từ mái ngói đã úa màu… đã làm nên một Hội An cổ kính và nên thơ. Vì thế, dẫu trải qua bao đổi thay, sự bồi lắng của cửa sông và những biến cố của lịch sử, Hội An vẫn tồn tại ở đó, mãi mãi là ký ức tuyệt đẹp trong lịch sử phát triển đất nước ta.

    Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện đã mang lại hiệu quả không ngờ ngay từ buổi đầu tiên. Ánh sáng của đèn lồng mờ dịu và phảnh phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn quả trám to nhỏ các cỡ… tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo. Đỉnh cao của sự phát triển là sinh hoạt "Đêm phố cổ", diễn ra vào đêm 14 âm lịch hàng tháng. Với đêm phố cổ, không chỉ có văn hóa vật thể mà văn hóa phi vật thể của Hội An cũng được tôn vinh với các hội hát bài chòi, hò khoan đối đáp, văn hóa ẩm thực, các câu lạc bộ thơ, nhạc truyền thống, múa lân, hoa đăng, trẻ em thì hát đồng dao bên Chùa Cầu…

    Trong bầu không khí đó, hãy kiểm nghiệm sự hiện hữu bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Hiện diện trên phố Hội An là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm. Tùy theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Ðó có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh lạnh lẽo. Tuy nhiên khó so sánh được với những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ trưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội họa thật sự. Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi ngọn nến bên trong tỏa sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.

    Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo… vẳng lên từ con thuyền đậy dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ. Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, không quá sôi động như chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

    Gánh nặng thường trực của Hội An vẫn là việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và phố cổ quá tải. Từ nhiều nguồn, tỉnh Quảng Nam đã luôn đầu tư để trùng tu, tu bổ di tích đang xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng tại phố cổ. Mọi ngôi nhà cổ trong phố cổ khi trùng tu, sửa chữa đều có sự giám sát của cơ quan chức năng. Nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích từ 20 - 80% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Người dân ở trong hẻm cũng có ý thức, trách nhiệm giữ gìn phố cổ như nhà ở mặt tiền. Chủ trương tạo điều kiện cho cư dân được hưởng lợi từ việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích phố cổ đã gắn kết người Hội An với Di sản văn hóa.

    Khác với Cố đô Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng, ở Hội An hơn 90% di tích là của tư nhân, do người dân, do các tộc họ, bang hội quản lý, sử dụng. Đó là một việc làm phù hợp với nguyên lý: Bảo tồn để phát triển. Phố cổ chỉ có giá trị khi chúng ta biết phát huy tối đa vốn cổ với chiều dày văn hóa của nó.

    Được sự ủng hộ của các chuyên gia UNESCO, phố cổ Hội An đã duy trì như thời điểm được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Vẫn rêu phong, cổ kính, nên thơ và nét mới là đường phố sạch sẽ hơn, nhà cửa đẹp hơn, hàng hóa phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn mà chủ yếu vẫn là hàng lưu niệm, hàng hóa đặc thù của phố cổ, tình người thì vẫn ấm áp, thân mật và gần gũi.

    -/-

    Trên đây là gợi ý dàn bài và một số bài mẫu văn thuyết minh về Phố cổ Hội An hay nhất mà Đọc tài liệu muốn cung cấp cho các em tham khảo để hoàn thiện tốt hơn bài văn của mình. Đừng quên tham khảo tuyển chọn văn mẫu 9 đặc sắc với các chủ đề khác nhau để rèn luyện kĩ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM