Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du kèm dàn ý chi tiết

Xuất bản: 21/03/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài thuyết minh về tác giả Nguyễn Du, gợi ý dàn ý chi tiết và 7+ bài văn mẫu tham khảo thuyết minh giới thiệu về một tác giả văn học - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Tham khảo ngay 7+ bài văn mẫu thuyết minh về tác giả Nguyễn Du kèm hướng dẫn dàn ý chi tiết do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Với những gợi ý hữu ích mà chúng tôi cung cấp cho các em trong bài viết dưới đây, hi vọng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập môn Ngữ Văn lớp 9.

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du

Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Du

1. Phân tích đề

- Yêu cầu về nội dung: Thuyết minh, trình bày về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Du.

- Đối tượng để triển khai bài viết: Tác giả Nguyễn Du

- Phương pháp làm bài: thuyết minh.

2. Các luận điểm chính của bài văn thuyết minh về Nguyễn Du

Luận điểm 1: Tóm tắt về tiểu sử cuộc đời của Nguyễn Du.

Luận điểm 2: Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du.

3. Sơ đồ tư duy thuyết minh tác giả Nguyễn Du

Sơ đồ tư duy thuyết minh về Nguyễn Du

Với hình ảnh sơ đồ tư duy thuyết minh về Nguyễn Du trên đây, các em sẽ dễ dàng ghi nhớ các luận điểm chính cần triển khai trong đề tài thuyết minh này. Lưu ý: nội dung chính của bài văn là thuyết minh về tác giả Nguyễn Du, tránh việc quá chú trọng, sa đà vào tác phẩm Truyện Kiều.

Dàn ý thuyết minh về tác giả Nguyễn Du

1. Mở bài: Giới thiệu về Nguyễn Du.

- Nguyễn Du nổi tiếng là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa mà cả thế giới biết đến.

- Ông có sự nghiệp văn học đồ sộ trong đó phải kể đến truyện Kiều cùng nhiều thể loại thơ chữ nôm và chữ Hán.

2. Thân bài

a) Khái quát chung về tác giả Nguyễn Du

- Là nhà thơ lớn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX

- Có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam

- Kiệt tác Truyện Kiều của ông đã đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi biên giới quốc gia để hội nhập với văn học thế giới.

b) Tóm tắt về tiểu sử và cuộc đời của Nguyễn Du

  • Nguyễn Du (1765 - 1820) tên tự Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ra tại Thăng Long.
  • Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có, có truyền thống nghệ thuật, yêu văn chương.
  • Thời kì của ông đất nước có nhiều chuyển biến lớn và biến động trong xã hội.
  • Ông có tuổi thơ bất hạnh khi sớm mất cha mẹ, phải lang thang nhiều nơi trong xã hội, trải qua "mười năm gió bụi" nên am hiểu văn hóa nhân gian.
  • Nguyễn Du từng có thời gian đỗ đạt và làm quan triều Lê và Nguyễn. Ông liêm khiết, vô tư nên được nhiều người mến mộ.

c) Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du

  • Ông sáng tác thơ gồm có thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục). Thơ chữ Nôm có 2 tác phẩm tiêu biểu là “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”.
  • Thơ ông luôn phản ánh hiện thực cơ cực của tầng lớp nhân dân trong xã hội, đồng thời thể hiện lý tưởng nhân đạo bênh vực nhân dân, những con người bị chèn ép trong xã hội xưa; lên án xã hội đen tối đã chà đạp lên nhân phẩm, hạnh phúc con người.
  • Ngôn ngữ trong tác phẩm của của ông trong sáng, tinh tế. Ông giúp thúc đẩy nền văn chương nước nhà phát triển, đặc biệt là sự đa dạng phong phú của tiếng Việt, có đóng góp to lớn trong việc đưa thể thơ truyền thống của dân tộc đạt đến trình độ điêu luận, mẫu mực.
  • Nguyễn Du đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

3. Kết bài

- Nguyễn Du là một trong những thi sĩ góp công giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

- Ông xứng đáng là đại thi hào tài hoa trong nền văn học nước nhà.

Các em có thể tham khảo thêm một số dàn ý thuyết minh về tác giả Nguyễn Du khác do Đọc tài liệu tổng hợp được em nhé!

TOP 7+ bài văn tham khảo thuyết minh về tác giả Nguyễn Du

Dưới đây là một số bài văn mẫu thuyết minh về Nguyễn Du đặc sắc nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp được, các em có thể đọc tham khảo để nắm được cách triển khai bài văn cụ thể cũng như có thêm những ý văn hay khi làm bài.

Thuyết minh về Nguyễn Du bài số 1

Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm bất hủ, trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều - một bộ đại thành kinh điển của nền văn học Việt Nam từ cổ chí kim. Có thể nói tên tuổi và thành tựu văn học của Nguyễn Du rợp bóng cả thế kỉ XVIII.

Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng, nhiều đời làm quan lớn và là dòng tộc có truyền thống sáng tạo nghệ thuật. Hoàn cảnh gia đình tác động sâu sắc đến cuộc đời Nguyễn Du, tài năng văn học của ông vì thế có điều kiện nảy nở và phát triển sớm. Tuổi thơ Nguyễn Du hạnh phúc trong giàu sang phú quý. Cha ông là tể tướng trong triều, các anh cũng làm quan to cấp thượng công, gia đình tột cùng giàu sang. Lúc nhỏ, Nguyễn Du thường theo cha và anh vào chơi và học tập cùng các công nương quý tử trong triều nên sớm có được học thức cao đẹp.

Thế nhưng, thời hoàng kim ấy tồn tại không được bao lâu. Loạn lạc xảy ra, gia đình ly tán, Nguyễn Du sớm phải gánh chịu nhiều mất mát. Lên 11 tuổi, Nguyễn Du mất cha. Hai năm sau, mẹ ông cũng qua đời. Từ đó, Nguyễn Du lưu lạc khắp nơi trong nhân gian. Lúc thì theo anh Nguyễn Khản, lúc về quê mẹ, lúc lại về thành Thăng Long. Cuộc đời gian nan, lận đận, phải gánh chịu không biết bao nhiêu cực khổ. Khi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn phục hưng, Nguyễn Du có ra làm quan nhưng không mấy ưng ý. Những xung đột trong tư tưởng khiến ông có nhiều mâu thuẫn với thời cuộc.

Nguyễn Du là người có hiểu biết sâu rộng, vốn sống vô cùng phong phú, thông thuộc kinh sách cổ kim, tầm chương trích cú cũng vô cùng xuất sắc. Ông đã từng sống nhiều năm lưu lạc tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn lạc, dâu bể. Khi làm quan bất đắc dĩ dưới triều Nguyễn, ông đã từng đi sứ sang Trung Quốc, qua nhiều vùng đất rộng lớn, tiếp xúc với nền văn hóa rực rỡ ở Trung Hoa. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác của Nguyễn Du. Ông là người có một trái tim giàu tình yêu thương, tấm lòng trắc ẩn, suy tư trước vận mệnh con người trước thời đại.

Sống trong thời đại với nhiều biến động dữ dội, cộng với tấm lòng thương người vô hạn khiến cho cuộc đời Nguyễn Du quay cuồng như một cơn bão tố. Ông vừa muốn tận trung với triều đình theo lí tưởng nho gia, vừa hướng về những số phận đau thương, bất hạnh; vừa muốn bảo vệ quyền lực phong kiến lại vừa muốn thực thi công lí ở đời. Thế nhưng, lí tưởng lúc nào cũng mâu thuẫn với thực tại, nhiều lúc ông rơi vào bế tắc cùng cực. Quan trường đối với ông là một chốn ô nhục, với quá nhiều điều trái tai gai mắt thật đáng khinh bỉ. Việc ra làm quan đối với ông là một việc bất đắc dĩ phải làm. Bởi thế, nhiều lần ông cáo lão về quê, được ân chuẩn rồi lại bị triệu hồi. Tuy được nhà vua trọng dụng, giao cho nhiều trọng trách, song ông không lấy làm vui vẻ. Ông dự định, sau chuyến đi sứ Trung Quốc lần 2, ông sẽ xin từ quan, tránh mọi phiền phức. Thật không may, ông đã mất trước chuyến đi, tại kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi.

Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Ở lĩnh vực nào, Nguyễn Du cũng đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Về sáng tác chữ Hán, bao gồm: Thanh Hiên thi tập (gồm 78 bài), viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn; Nam trung tạp ngâm (gồm 40 bài thơ), làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, ông viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh; Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc, gồm 131 bài thơ), viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Về sáng tác chữ Nôm, phải kể đến các tác phẩm như Đoạn trường tân thanh, Văn chiêu hồn, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ,... Nguyễn Du nổi bật giữa bầu trời văn chương như một ngôi sao rực rỡ với ánh sáng lạ thường. Có thể nói, ông đã đem đến cho nền văn học thế kỉ 18 và nền văn học dân tộc những tiếng nói thấm đẫm tình người, được bao bọc trong hình thức nghệ thuật tuyệt đẹp chưa từng có.

Xét về nội dung, nét nổi bật trong sáng tác Nguyễn Du chính là sự đề cao xúc cảm, dạt dào tình người, nhất là sự cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh. Ông tập trung thể hiện sự trân trọng và đề cao con người trong chính cuộc sống của họ. Cái nhìn nhân đạo này khiến ông được đánh giá là một nhà nhân đạo xuất sắc của thế kỉ 18, 19 và của nền văn học dân tộc.

Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Du tỏ ra uyên bác và thâm thúy cả những thể loại thơ cổ Trung Quốc lẫn thơ dân tộc. Ở thể loại nào ông cũng tỏ ra xuất sắc, thông thạo tuyệt vời. Thơ Nguyễn Du luôn nhịp nhàng âm thanh, bừng lên sắc màu của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh hiện thực đa dạng. Và trong bộn bề âm thanh, sắc màu, đường nét vô cùng phong phú ấy, Nguyễn Du hiện ra vừa dạt dào yêu thương, vừa trầm tư, nghiêm khắc. Đó là do bản lĩnh của một đại Nho, luôn hết lòng vì con người, khiến cho tác phẩm của ông có sức sống diệu kì trong trái tim con người.

Với những đóng góp trên, Nguyễn Du xứng đáng là Đại thi hào của dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau: Thơ ca về Kiều, các phóng tác Truyện Kiều bằng văn học, sân khấu, điện ảnh; rồi rất nhiều những dạng thức của nghệ thuật dân gian: Đố Kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu.

Truyện Kiều và sự nghiệp văn học đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu và phê bình xưa và nay. Nguyễn Du Mộng Liên Đường Chủ Nhân khi đọc Truyện Kiều đã từng nhận xét: “Ta nhân lúc đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…”. Học giả Phạm Quỳnh cũng đã đánh giá rất cao Truyện Kiều: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn”. Truyện Kiều được xem là kiệt tác có giá trị và tầm ảnh hường lớn nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch, càng khẳng định mạnh mẽ vị trí của Nguyễn Du trong lòng đọc giả trên toàn thế giới.

Để tôn vinh và tưởng niệm Nguyễn Du, ngày 25/10/2013, hội đồng Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới.

Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông và thể hiện rõ nhất qua áng văn chương tuyệt vời là Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều ta thấy xã hội, thấy đồng tiền và thấy một Nguyễn Du hàm ẩn trong từng chữ, từng ý. Một Nguyễn Du thâm thuý, trải đời, một Nguyễn Du chan chứa nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, một Nguyễn Du nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên cho dân tộc, cho nhân dân.

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du bài số 2

Nhắc đến Nguyễn Du là nhắc đến một đại thi hào lỗi lạc của thơ ca trung đại Việt Nam. Không chỉ có đóng góp lớn cho văn học nước nhà ông còn được cả thế giới biết đến với thi phẩm “Truyện Kiều”.

Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như hiệu là Thanh Hiên sinh năm 1765 mất năm 1820, quê tại làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời ông có một nền tảng gia đình vô cùng danh giá, cha làm quan lớn trong triều Lê, anh trai cùng cha khác mẹ cũng làm tới quan Tham tụng trong triều. Tuy nhiên do mồ côi cha mẹ sớm (9 tuổi mất cha, 12 tuổi mất mẹ), tuổi thơ ông trải qua một cách đầy biến động, phải tha hương nhiều nơi lúc thì về quê cha, khi về quê mẹ và có một thời gian phải phiêu dạt tận quê vợ ở Thái Bình. Cộng thêm vào giai đoạn đó lịch sử nước nhà có nhiều rối ren, các thế lực phong kiến chém giết và tàn sát lẫn nhau, nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi mà tiêu biểu là phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Những yếu tố đó đã tác động không nhỏ đến tình cảm cũng như nhận thức của nhà thơ. Bởi thế ông luôn nhận thức trung thành với triều Lê, căm thù sâu sắc với quân Tây Sơn, sau này làm quan thì rụt rè, u uất. Có thể nói chính cuộc sống chìm nổi cùng với thời thế đầy biến động, phiêu bạt nhiều nơi đã là những thứ hồ để tạo nên một Nguyễn Du có học vấn sâu rộng, trái tim chất chứa yêu thương và cảm thông sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Ông cũng được coi như một trong năm người giỏi nhất nước Nam thời bấy giờ.

Nguyễn Du được coi là một người có thiên phú văn học từ nhỏ, bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt, ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông để lại cho đời cả một kho tàng văn học phong phú với khoảng hơn ngàn tác phẩm bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó chữ Hán có Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài, Bắc hành tạp lục 125 bài, Nam trung tạp ngâm 40 bài... chữ Nôm có văn chiêu hồn, văn tế và tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều hay còn có tên gọi khác là Đoạn trường Tân Thanh.

“Truyện Kiều” hay còn có tên gọi là “Đoạn trường Tân Thanh” được nhà thơ sáng tác vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 (1805 - 1809). Đây là một tác phẩm tiêu biểu viết bằng chữ Nôm dựa trên cốt truyện tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc) tuy nhiên đã được sáng tạo tài tình cải biến để phù hợp với xã hội Việt Nam. Đây là câu chuyện được kể bằng 3254 câu thơ chia làm 3 phần chính: Gặp gỡ và đính ước, Gia biến và lưu lạc, Đoàn tụ.

Truyện kể về một gia đình viên ngoại họ Vương có 3 người con: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Cả hai người con gái đều có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Trong lễ hội đạp thanh Thúy Kiều gặp Kim Trọng cả hai người nguyện thề sống chết. Kim Trọng về Liễu Dương chịu tang chú, gia đình Thúy Kiều gặp nạn. Kiều phải bán mình chuộc cha, nhường mối tơ duyên cho em gái Thúy Vân. Từ đây bắt đầu 15 năm lưu lạc đầy nước mắt của Kiều “thanh y mấy lượt, thanh lâu mấy lần”. Sau đó, Thúy Kiều may mắn gặp Từ Hải một người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, Kiều trả ân, báo oán. Kiều và Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Từ Hải chết đứng. Kiều bị Hồ Tôn Hiến bắt gả cho viên thổ quan, vì quá nhục nhã Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường nhưng may mắn được sư vãi Giác Duyên cứu sống và đi tu. Sau đó Kim Trọng và Vương Quan đỗ đạt làm quan lớn, may mắn gặp sư vãi Giác Duyên và đoàn tụ gia đình sau 15 năm lưu lạc.

Có thể nói ngoài việc thể hiện được tài năng và nghệ thuật điều khiển ngôn từ cao tay của Nguyễn Du, Truyện Kiều còn mang giá trị hiện thực và nhân đạo vô cùng sâu sắc.

Về giá trị hiện thực đó là bức tranh xã hội đầy rối ren. Các thế lực đồng tiền, có quyền có thế ép người khiến nhân dân lầm than khổ cực. Cả xã hội bị chi phối bởi đồng tiền, nó có thể biến con người trở thành những nạn nhân đau khổ. Đẩy gia đình Vương viên ngoại vào cảnh tan cửa nát nhà, đồng tiền cũng khiến Thúy Kiều dăm lần bảy lượt vào lầu xanh chịu sự sỉ nhục, đánh đập của Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh. Cuộc đời đầy nước mắt của Kiều chính là bằng chứng đanh thép nhất để tố cáo xã hội phong kiến đầy bất lương và tàn nhẫn.

Về giá trị nhân đạo Truyện Kiều chính là tiếng nói yêu thương sâu sắc giữa người với người. Nó là sự thương cảm với những kiếp người bất hạnh, đồng thời cũng là khát vọng ước mơ về một hạnh phúc tình yêu chân chính của con người. Bên cạnh đó niềm khát khao công lý về chiến thắng thế lực bạo tàn còn được nhà thơ gửi gắm qua hình tượng nhân vật Từ Hải.

Có thể nói đến “Truyện Kiều” thì tài năng của Nguyễn Du như được khẳng định một cách trọn vẹn nhất. bằng cách điều khiển ngôn từ, xây dựng cốt truyện hấp dẫn, nghệ thuật miêu tả - tả cảnh ngụ tình... ông đã khiến cho Truyện Kiều trở thành một thi phẩm xuất sắc. Đó cũng là lý do vì sao Truyện Kiều trở thành cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều người, truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi gợi tình yêu thương sự công bình giữa người với người trong xã hội.

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du bài số 3

Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, Tố Hữu từng viết:

“Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương

Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng

Nhân tình nhắm mắt chưa xong

Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như?”

Chắc hẳn khi đọc những vần thơ ấy của Tố Hữu trong lòng mỗi người chúng ta lại hiện lên hình ảnh của tác gia Nguyễn Du - người được người Việt kính trọng tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc”, có nhiều đóng góp to lớn và xuất sắc cho nền văn học trên cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật.

Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên. Ông sinh năm 1765 và mấy năm 1820. Nguyễn Du sinh ra, lớn lên, thời ấu thơ và niên thiếu sống tại Thăng Long, trong một gia đình phong kiến quyền quý. Quê nội của Nguyễn Du ở xã Nghi Xuân, huyện Tiền Điền, tỉnh Hà Tĩnh - quê hương của những làn điệu dân ca nhẹ nhàng, du dương. Thêm vào đó, vợ của Nguyễn Du quê ở Quỳnh Côi, trấn Nam Sơn (nay thuộc tỉnh Thái Bình) - nơi ông đã sống trong quãng thời gian “mười năm gió bụi”. Như vậy, Nguyễn Du đã sống ở nhiều vùng quê và đó cũng chính là cơ hội để ông được tiếp xúc, khám phá nhiều vùng văn hóa khác nhau. Có thể nói, điều đó chính là tiền đề, cơ sở thuận lợi tạo nên sự tổng hợp nghệ thuật trong tâm hồn và sáng tác của ông, thêm vào đó, gia đình ông có truyền thống học vấn uyên bác, vì thế quê hương và gia đình chính là gốc rễ để nuôi dưỡng nên một nhà thơ uyên bác, đại thi hào dân tộc - Nguyễn Du.

Từ đời ông cha đã làm quan to trong triều đình, chính truyền thống khoa cử trong gia đình đã tạo điều kiện cho Nguyễn Du sớm được học hành, dùi mài kinh sử và tiếp thu những tư tưởng của Nho giáo, nhờ vậy mà ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Du đã có cơ hội được tiếp xúc với văn học nghệ thuật, khám phá các nền văn hóa khác nhau và dùi mài kinh sử, để từ đó có một vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc.

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong bối cảnh thời đại có nhiều biến động. Đó là khoảng thời gian đất nước bị chia cắt, khủng hoảng xã hội và loạn lạc ở khắp nơi, đời sống nhân dân cơ cực. Đồng thời, trong khoảng thời gian phong trào đấu tranh của nhân dân nổ ra khắp nơi, tiêu biểu trong số đó chính là khởi nghĩa Tây Sơn. Chính những điều đó đã có ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng và ngòi bút hiện thực trong những sáng tác của ông.

Những tưởng với xuất thân phong lưu phú quý, Nguyễn Du có thể sống một đời an nhàn, nhưng lịch sử đã chứng minh một điều trái ngược. Có thể nói, Nguyễn Du đã sống một cuộc đời với đầy những bi kịch, trải qua nhiều gian truân, vất vả. Ông sinh ra và lớn lên trong bối cảnh thời đại có nhiều biến động, đó là khoảng thời gian đất nước bị chia cắt, khủng hoảng xã hội và loạn lạc ở khắp nơi, đời sống nhân dân cơ cực. Chính những điều đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và ngòi bút hiện thực trong những sáng tác của ông.

Gia đình ông cũng không mấy yên ấm, khi ông mới lên mười, ông đã mồ côi cha, và sau đó ba năm thì mẹ ông cũng qua đời, từ đó, Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Được anh trai tạo điều kiện dùi mài kinh sử, năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường và được nhận một chức quan nhỏ. Nhưng cuộc sống êm đềm kéo dài chẳng được bao lâu, năm 1789, nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du phải lánh về sống ở quê vợ và bắt đầu cuộc sống “mười năm gió bụi” với biết bao khổ cực và tủi nhục. Sau quãng thời gian sống chật vật, khó khăn ở các vùng quê khác nhau, đến năm 1802, Nguyễn Du miễn cưỡng chấp nhận ra làm quan dưới triều Nguyễn và từng giữ nhiều chức quan khác nhau như Tri huyện, Tri phủ, Cai Bạ Quảng Bình. Ngoài ra, ông còn được cử đi sứ ở Trung Quốc và đến năm 1820, ông một lần nữa được cử đi sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì mắc bệnh và qua đời.

Suốt cả cuộc đời sáng tác của mình, Nguyễn Du đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc với nhiều thể loại khác nhau, được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Nhắc đến sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn Du, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học đã sưu tầm được ba tập thơ “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” gồm cả thảy 249 bài. Bên cạnh những sáng tác bằng chữ Hán, sáng tác bằng quốc âm của Nguyễn Du cũng có giá trị to lớn, nổi tiếng hơn cả đó chính là “Đoạn trường tân thanh”, hay còn được biết đến với cái tên “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” đã được Nguyễn Du sáng tạo dựa trên cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện - một tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, thể hiện trình độ nghệ thuật bậc thầy của đại thi hào, là đầu đề cho nhiều công trình nghiên cứu, bình luận và những cuộc bút chiến.

Cuộc đời hơn năm mươi năm sống giữa trần gian của Nguyễn Du dẫu nhiều bi kịch cay đắng, có khi mất phương hướng trong những cơn lốc xoáy của lịch sử, thế nhưng trước sau Nguyễn Du vẫn là con người của tài hoa, của một trái tim luôn chan chứa dạt dào niềm yêu thương và nỗi xót đau vô hạn cho mỗi kiếp người bất hạnh trên khắp thế gian. Nguyễn Du là một tài năng, một tâm hồn mà càng qua thời gian càng ngời sáng.

(Nguồn: thichvanhoc.com.vn)

Thuyết minh về Nguyễn Du bài số 4

Thuyết minh về Nguyễn Du qua văn học mà ông thể hiện

Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương

Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng

Nhân tình nhắm mắt chưa xong

Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như?

(Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Đã gần ba thế kỉ trôi qua nhưng những vần thơ thấm đẫm nước mắt và tràn trề tình thương mà Nguyễn Du để lại vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm của Nguyễn Du thể hiện những nỗi lòng u uất, những tâm trạng thổn thức đến bất an.

Nguyễn Du được coi là một thiên tài, một danh nhân văn hóa không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại. Nhắc đến Nguyễn Du, chúng ta không thể không nói đến một trái tim luôn đau nỗi đau của con người. Mọi nỗi buồn đau, thống khổ của kiếp người vang động đến đều có thể khiến cho trái tim ấy rỉ máu. Từ đó Nguyễn Du viết nên những dòng thơ xót xa mà thấm đẫm tình người. Trong cuộc đời mình, ông cũng trải qua không ít dâu bể, biến cố nên mở đầu kiệt tác Truyện Kiều ông viết:

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, tên chữ là Tố Như, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình phong kiến đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và văn chương ở Thăng Long. Năm 1802, ông được cử đi sứ Trung Quốc lần thứ hai, chưa kịp đi thì mắc bệnh mà mất. Ông để lại cho nền văn học nước nhà một sự nghiệp văn chương đồ sộ trong đó Truyện Kiều xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc ta.

Cuộc đời Nguyễn Du gắn liền với nhiều biến động lịch sử: chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên ở khắp nơi mà tiêu biểu là khởi nghĩa Tây Sơn. Ông trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, lúc sống xa hoa, quyền quý, khi lưu lạc gió bụi nơi đất khách quê người. Bởi thế ông tích lũy được vốn sống phong phú và học tập được ngôn ngữ của nhân dân. Đó phải chăng là cơ sở cho tư tưởng nhân đạo trong thơ văn Nguyễn Du?

Đọc và tìm hiểu những sáng tác của Nguyễn Du, ta sẽ thấy ông xót xa nhất cho con người trong cảnh bể dâu trước những đổi thay trớ trêu của cuộc đời. Đó là những khi thân phận con người trở nên mỏng manh, bị vùi dập, bị giày xéo. Cả xã hội phong kiến lẫn định mệnh mù quáng đã vào hùa với nhau để hành hạ con người. Mà trong cảnh bể dâu kia, thân phận bi kịch điển hình nhất là những người tài sắc. Họ như những bông hoa nở trong dông tố, danh nhân cũng hóa nạn nhân, vàng ngọc cũng bị coi như đất bùn.

Tư tưởng nhân đạo trong thơ Nguyễn Du được thể hiện qua sự căm phẫn của ông đối với những thế lực chà đạp con người, hủy hoại tài năng:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Đọc Tiểu Thanh Kí)

Ông luôn bày tỏ nỗi đau một cách bi phẫn trước những kiếp người thấp cổ bé họng, trước sự thất bại của cái thiện, cái mĩ. Trong trái tim bao la của ông, ta thấy cái phần thống thiết nhất luôn được dành cho thân phận bi kịch của những con người tài hoa bạc mệnh, đặc biệt là những người phụ nữ. Họ là những nạn nhân đáng thương nhất trong cuộc đời đầy lang sói, lắm biến thiên dâu bể này.

Đó là Đạm Tiên “nổi danh tài sắc một thì” mà phải chịu cảnh “sống làm vợ khắp người ta” để rồi “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” và cuối cùng chỉ còn lại “sè sè nấm đất bên đường”. Đó là Tiểu Thanh “son phấn có phần chôn vẫn hận - Văn chương không mệnh đốt còn vương”. Tiêu biểu hơn tất cả là Thúy Kiều “sắc đành đòi một tài đành họa hai” mà phải chịu một đời truân chuyên chìm nổi “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, muốn thoát khỏi kiếp sống ô nhục lại bị đạp xuống sâu hơn, bế tắc hơn… Tất cả những thân phận phụ nữ tài sắc mà bất hạnh ấy được Nguyễn Du tổng kết trong hai câu thơ ứa máu khái quát quy luật nghiệt ngã của cuộc đời:

Đau đớn thay phận đàn bà

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(Văn chiêu hồn)

Viết về những con người ấy, Nguyễn Du bày tỏ lòng nhân ái của con người đối với con người nhưng cũng chính là nỗi niềm của người tri kỉ, của kẻ cùng hội cùng thuyền, đồng bệnh tương lân. Nguyễn Du tìm thấy mình ở trong họ, tìm thấy họ ở trong mình. Cho nên lời thơ của ông chân thành đến tận đáy lòng. Ông truyền tất cả những đau đớn của trái tim vào những trang viết để tạo nên những “Tiếng thơ ai động đất trời”.

Nguyễn Du đã sống và đã nếm trải đến cùng vị mặn của dòng nước mắt. Không chỉ xót xa cho những người phụ nữ, Văn tế thập loại chúng sinh là một tiếng khóc lớn khóc cho tất cả những số phận bi thảm của con người. Tất cả họ khi sống dù mũ cao áo dài như những thư sinh nho sĩ hay những người cùng đinh chân lấm tay bùn… khi chết đi đều là những cô hồn thất thểu, vất vưởng, khổ đau, không nơi nương tựa. Nguyễn Du khóc cho họ, khóc cho tất cả. Khi họ sống ông vẫn phân biệt rõ ràng kẻ ngay người gian, kẻ ông yêu người ông ghét nhưng khi họ chết đi, Nguyễn Du thương tất cả. Ông đang sống trong cõi dương trần thế mà dường như lại chìm hẳn vào cõi chết để tìm đến, chia sẻ với trăm ngàn oan hồn bạc mệnh:

Sống đã chịu một đời phiền não

Chết lại nhờ hớp cháo lá đa.

Người đọc như chết lặng trước những lời thơ nghẹn ngào như một tiếng thở dài, một tiếng nấc đau đớn. Nguyễn Du với “con mắt trông thấu sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân) đã nhìn thấy những cô hồn bước đi lặng lẽ về một nơi vô định trong bóng tối thăm thẳm mịt mùng. Người cũng đã lặng lẽ rơi nước mắt trong từng con chữ làm nhức nhối hàng triệu người đọc nhiều thế hệ.

Nhắc đến Nguyễn Du ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều bởi đây là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tuy Truyện Kiều vay mượn cốt truyện từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng Nguyễn Du đã có sự sáng tạo tài tình làm nên một kiệt tác tiêu biểu cho cảm hứng nhân đạo và nỗi đau thân phận con người.

Truyện Kiều cũng là một bài ca về tình yêu tự do và ước mơ công lí với những triết lí mà Nguyễn Du gửi gắm qua từng nhân vật, từng biến cố. Thúy Kiều đã bước qua lốì vườn khuya hay bước qua hàng rào phong kiến để đi theo tiếng gọi của con tim? Truyện Kiều là tiếng kêu đứt ruột cho những nỗi đau của con người, tiếng khóc thương cho tình cảm cao đẹp bị chia lìa, xót xa cho nhân phẩm bị chà đạp. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết lên bản cáo trạng đanh thép tố cáo các thế lực chà đạp quyền sống của con người. Đó là những kẻ như quan xử kiện, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến… Nguyễn Du luôn đau đáu nỗi đau chung của con người nên trước cảnh tối tăm phơi bày trước mắt, ông đã cất lên tiếng thét bi phẫn trước những thế lực tàn bạo đó - không chỉ có con người mà còn một thế lực vô hình khác nhưng cũng bạo tàn không kém: thế lực của đồng tiền.

Với những giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, độc đáo, những sáng tác văn chương của Nguyễn Du đã trở thành những tác phẩm lưu giữ linh hồn dân tộc với tư tưởng nhân đạo bao trùm. Mộng Liên Đường đã từng nhận xét về Nguyễn Du như sau: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nưóc mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”.

Với những đóng góp to lớn của mình, Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam chúng ta và là Danh nhân văn hóa thế giới được cả nhân loại tôn vinh.

* Để hiểu rõ hơn về sự nghiệp văn học tác giả Nguyễn Du các em cùng xem thêm nguồn gốc và giá trị của Truyện Kiều mà ông muốn truyền đạt.

Thuyết minh về Nguyễn Du bài số 5

Thuyết minh về đại thi hào Nguyễn Du

Nền văn học Việt Nam được tạo nên bởi nhiều tài năng lớn. Trong số đó Nguyễn Du luôn xứng đáng là đại diện xuất sắc lỗi lạc nhất cho văn học dân tộc ở mọi thời đại.

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê gốc ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhưng được sinh ra tại Thăng Long ngày 25 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 11 năm 1765). Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, từng có nhiều người làm quan và nhiều người sáng tác văn học, cha là Nguyễn Nghiễm, từng là tể tướng triều Lê, mẹ là Trần Thị Tần, vợ thứ ba của cha, xuất thân từ một gia đình bình dân ở Bắc Ninh, vốn rất giỏi hát xướng, Nguyễn Du sớm kế thừa được những truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Cuộc đời của nhà thơ có nhiều biến đổi thăng trầm. Sau những năm tháng ấu thơ êm đềm và hạnh phúc, đến năm 10 tuổi tang thương bắt đầu ập đến: cha mất, tiếp theo hai năm sau mẹ cũng qua đời. Nguyễn Du phải đến sống nhờ nhà người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi hương đậu tam trường, rồi làm một chức quan võ ở Thái Nguyên. Năm 1789 nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình, rồi tiếp đó về sống ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đó là quãng đời "mười năm gió bụi" vô cùng long đong khổ cực của nhà thơ.

Năm 1802 nhà Nguyễn được thiết lập, Nguyễn Du bất đắc dĩ từ chối không được phải miễn cưỡng ra làm quan. Ông từng làm tri huyện, tri phủ Thường Tín, cai bạ Quảng Bình. Tiếp đó, năm 1813 ông được thăng chức học sĩ điện Cần Chánh và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước ông được thăng làm Tham tri bộ Lễ. Năm 1820 Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần nữa nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn ông mất đột ngột trong một trận dịch lớn.

Trong cuộc đời nhiều sóng gió của mình Nguyễn Du đã để lại một sự nghiệp văn học vô giá: đồ sộ về số lượng, sâu sắc về nội dung, xuất sắc trong nghệ thuật thể hiện. Nguyễn Du sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có ba tập: Thanh Hiên thi tập, được làm lúc nhà thơ đang sống ở quê vợ Thái Bình và quê nhà Nghi Xuân; Nam trung tạp ngâm, viết trong thời gian Nguyễn Du làm quan ở Quảng Bình; Bắc hành tạp lục là tập thơ chữ Hán xuất sắc nhất, tập hợp những sáng tác ra đời trong lúc Nguyễn Du đi sứ ở Trung Quốc.

Trong những tập thơ này có nhiều bài thơ rất đặc sắc: Độc Tiểu Thanh kí , sở kiến hành, Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả. về thơ chữ Nôm, Nguyễn Du để lại kiệt tác Truyện Kiều và một tác phẩm cũng rất nổi tiếng: "Văn tế thập loại chúng sinh”.

Những sáng tác của Nguyễn Du trước hết cho thấy khả năng bao quát hiện thực và một cảm quan nhạy bén sắc sảo trước những vấn đề lớn của con người, của thời đại. Hiện thực cuộc sống với bao điều nhức nhối đã được Nguyễn Du ghi lại một cách trung thực và xúc động. Trên cái nền của sự phản ánh đó người đọc cũng thấy được ý thức phản kháng xã hội và đặc biệt là ý thức khẳng định, vun đắp cho cuộc sống hạnh phúc của con người của nhà thơ.

Trái tim của đại thi hào luôn thao thức cùng bao nỗi buồn vui của con người trên khắp chốn nhân gian: từ người ca nữ đất Long Thành nổi danh tài sắc thì giờ tủi hờn trong cảnh chiều tà xế bóng ( Long Thành cầm giá cá); từ nàng Kiều tài sắc hơn người mà một đời bất hạnh (Truyện Kiều); cho đến người hát rong (Thái Bình mại ca giả), những người ăn xin (Sở kiến hành), cả đến những cô hồn tội nghiệp đang vất vưởng trong khắp cõi trời đất (Văn chiêu hồn)… tất cả đều hiện lên sống động trong bao niềm ưu tư trăn trở của Nguyễn Du. Hơn ai hết Nguyễn Du là một nhà hiện thực và nhân đạo vĩ đại của văn chương mọi thời đại bởi con mắt nhìn thấu cả sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt đến ngàn đời của ông

Không chỉ có vậy, sáng tác Nguyễn Du còn là minh chứng của một nghệ thuật đã đạt tới trình độ bậc thầy của một tài năng kiệt xuất. Ngôn ngữ văn chương, đặc biệt là tiếng Việt đạt đến đỉnh cao của sự nhuần nhuyễn, tinh tế, tự nhiên, có khả năng biểu hiện sâu sắc đời sống và nội tâm con người. Đó còn là thứ ngôn ngữ được kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, tạo nên nhiều sắc thái biểu hiện rất đa dạng.

Nguyễn Du còn đặc biệt thành công trong việc xây dựng nhân vật. Ông đã để lại cho nền văn học dân tộc nhiều điển hình nhân vật bất hủ. Đến Nguyễn Du thế giới nội tâm con người với bao biến thái tinh vi, phức tạp dường như mới được khám phá trọn vẹn ở những chiều sâu không cùng của nó. Có thể nói tác phẩm của Nguyễn Du đã đạt tới sự mẫu mực của nghệ thuật cổ điển.

Cuộc đời hơn năm mươi năm sống giữa trần gian của Nguyễn Du dẫu nhiều bi kịch cay đắng, có khi mất phương hướng trong những cơn lốc xoáy của lịch sử, thế nhưng trước sau Nguyễn Du vẫn là con người của tài hoa, của một trái tim luôn chan chứa dạt dào niềm yêu thương và nỗi xót đau vô hạn cho mỗi kiếp người bất hạnh trên khắp thế gian. Nguyễn Du là một tài năng, một tâm hồn mà càng qua thời gian càng ngời sáng.

Bài số 6 thuyết minh về Nguyễn Du

Nguyễn Du - Người giữ gìn nét đẹp văn học Việt

Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà nhân đạo lỗi lạc có “con mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân).

Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1765 (Ất Dậu) trong một gia đình có nhiều đời và nhiều người làm quan to dưới triều Lê, Trịnh. Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm. Mẹ là Trần Thị Tần, một người phụ nữ Kinh Bắc có tài xướng ca. Quê hương Nguyễn Du là vùng đất địa linh, nhân kiệt, hiếu học và trọng tài. Gia đình Nguyễn Du có truyền thống học vấn uyên bác, có nhiều tài năng văn học. Gia đình và quê hương chính là “mảnh đất phì nhiêu” nuôi dưỡng thiên tài Nguyễn Du.

Thời thơ ấu, Nguyễn Du sống trong nhung lụa. Lên 10 tuổi lần lượt mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió trong cơn quốc biến ba đào: sống nhờ Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ làm Thừa tướng phủ chúa Trịnh) thì Nguyễn Khản bị giam, bị Kiêu binh phá nhà phải chạy trốn. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan ở tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu nhà Lê sụp đổ (1789) Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình rồi vợ mất, ông lại về quê cha, có lúc lên Bắc Ninh quê mẹ, nhiều nhất là thời gian ông sống không nhà ở kinh thành Thăng Long.

Hơn mười năm chìm nổi long đong ngoài đất Bắc, Nguyễn Du sống gần gũi nhân dân và thấm thía biết bao nỗi ấm lạnh kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày… những con người “dưới đáy” xã hội. Chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du – nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Miễn cưỡng trước lời mời của nhà Nguyễn, Nguyễn Du ra làm quan. Năm 1813 được thăng chức Học sĩ điện cần Chánh và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, ông lại được cử đi lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì mất đột ngột ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (18-9-1820). Suốt thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, Nguyễn Du sống trầm lặng, ít nói, có nhiều tâm sự không biết tỏ cùng ai.

Tư tưởng Nguyễn Du khá phức tạp và có những mâu thuẫn: trung thành với nhà Lê, không hợp tác với nhà Tây Sơn, bất đắc dĩ làm quan cho nhà Nguyễn. Ông là một người có lí tưởng, có hoài bão nhưng trước cuộc đời gió bụi lại buồn chán, Nguyễn Du coi mọi chuyện (tu Phật, tu tiên, đi câu, đi săn, hành lạc…) đều là chuyện hão nhưng lại rơi lệ đoạn trường trước những cuộc bể dâu. Nguyễn Du đã đứng giữa giông tố cuộc đời trong một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch. Đó là bi kịch của đời ông nhưng chính điều đó lại khiến tác phẩm của ông chứa đựng chiều sâu chưa từng có trong thơ văn Việt Nam.

Nguyễn Du có ba tập thơ chữ Hán là: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tổng cộng 250 bài thơ Nôm, Nguyễn Du có kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) và một số sáng tác đậm chất dân gian như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; và Thác lời trai phường nón.

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du tâm sự:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Chính “những điều trông thấy" khiến tác phẩm của Nguyễn Du có khuynh hướng hiện thực sâu sắc. Còn nỗi “đau đớn lòng” đã khiến Nguyễn Du trở thành một nhà thơ nhân đạo lỗi lạc.

Nguyễn Du là nhà thơ “đứng trong lao khổ mà mở hồn ra đón lấy tất cả những vang vọng của cuộc đời” (Nam Cao). Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giống những trang nhật kí đời sống, nhật kí tâm hồn vậy. Nào là cảnh sống lay lắt, nào là ốm đau, bệnh tật cho đến cảnh thực tại của lịch sử… đều được Nguyễn Du ghi lại một cách chân thực (Đêm thu: Tình cờ làm thơ; Ngồi dèm…).

Nguyễn Du vạch ra sự đối lập giữa giàu – nghèo trong Sở kiến hành hay Thái Bình mại giả ca… Nguyễn Du chống lại việc gọi hồn Khuất Nguyên về nước Sở của Tống Ngọc là bởi nước Sở “cát bụi lấm cả áo người” toàn bộ "vuốt nanh”, “nọc độc”, “xé thịt người nhai ngọt xớt”… Nước Sở cùa Khuất Nguyên hay nước Việt của Tố Như cũng chỉ là một hiện thực: cái ác hoành hành khắp nơi, người tốt không chốn dung thân.

Truyện Kiều mượn bối cảnh đời Minh (Trung Quốc) nhưng trước hết là bản cáo trạng đanh thép ghi lại “những điều trông thấy” của Nguyễn Du về thời đại nhà thơ đang sống. Phản ánh với thái độ phê phán quyết liệt, đó là khuynh hướng hiện thực sâu sắc trong sáng tác của Nguyễn Du.

Sáng tác của Nguyễn Du bao trùm tư tưởng nhân đạo, trước hết và trên hết là niềm quan tâm sâu sắc tới thân phận con người. Truyện Kiều không chỉ là bản cáo trạng mà còn là khúc ca tình yêu tự do trong sáng, là giấc mơ tự do công lí “tháo cũi sổ lồng”. Nhưng toàn bộ Truyện Kiều chủ yếu là tiếng khóc xé ruột cho thân phận và nhân phẩm con người bị chà đạp, đặc biệt là người phụ nữ.

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Không chỉ Truyện Kiều mà hầu hết các sáng tác của Nguyễn Du đều bao trùm cảm hứng xót thương, đau đớn: từ Đọc Tiểu Thanh kí đến Người ca nữ đất Long Thành, từ Sở kiến hành đến Văn tế thập loại chúng sinh… thậm chí Nguyễn Du còn vượt cả cột mốc biên giới, vượt cả ranh giới ta – địch và vượt cả sự cách trở âm dương để xót thương cho những kẻ chết trận, phơi “xương trắng” nơi “quỉ môn quan”.

Không chỉ xót thương, Nguyễn Du còn trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp, cùng những khát vọng sống, khát vọng tình yêu hạnh phúc. Tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du đã vượt qua một số ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người. Đó là tư tưởng sâu sắc nhất mà ông đem lại cho văn học Việt Nam trong thời đại ông.

Nguyễn Du đã đóng góp lớn về mặt tư tưởng, đồng thời có những đóng góp quan trọng về mặt nghệ thuật. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa. Thơ Nôm Nguyễn Du thực sự là đỉnh cao rực rỡ. Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình hai thể thơ dân tộc: lục bát (Truyện Kiều) và song thất lục bát (Văn tế thập loại chúng sinh). Đến Nguyễn Du, thơ lục bát và song thất lục bát đã đạt đến trình độ hoàn hảo, mẫu mực, cổ điển. Nguyễn Du đóng góp rất lớn, rất quan trọng cho sự phát triển giàu đẹp của ngôn ngữ văn học Tiếng Việt: tỉ lệ từ Hán - Việt giảm hẳn, câu thơ tiếng Việt vừa thông tục, vừa trang nhã, diễm lệ nhờ vần luật chỉnh tề, ngắt nhịp đa dạng, tiểu đối phong phú, biến hóa.

Thơ Nguyễn Du xứng đáng là đỉnh cao của tiếng Việt văn học trung đại. Đặc biệt Truyện Kiều của Nguyễn Du là “tập đại thành” về ngôn ngữ văn học dân tộc. Từ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh, đã tạo cho Nguyễn Du có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn. Ông là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn của dân tộc.

Bài số 7 thuyết minh về Nguyễn Du

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du ngắn gọn

Nguyễn Du danh nhân văn hóa nổi tiếng, hơn ai hết ông còn là nhà văn có tài năng viết nên “Truyện Kiều” tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1765 sinh trưởng trong gia đình có nhiều người làm quan cho triều đình. Cả cha và mẹ ông đều là những người có quyền cao chức trọng được người đời sùng bái.

Khi còn nhỏ ông sống trong giàu sang, từ khi cha mẹ mất cuộc đời ông bắt đầu cuộc sống cơ cực, nay đây mai đó. Thời gian sống ngoài xã hội ông thấm thía nỗi bất hạnh kiếp người thấp nhất của xã hội đó là tầng lớp người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca…nỗi bất hạnh đó đã góp phần tạo nên thiên tài Nguyễn Du.

Ông sống trong thời kỳ rối ren khi có cả triều đó là Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn. Ông có lí tưởng sống và hoài bão nhưng cuộc đời lại sóng gió liên miên, Nguyễn Du đứng giữa giông tố cuộc đời và nhiều giai đoạn biến cố nên đã viết ra nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Ông có ba tập thơ chữ Hán đó là Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, 250 bài thơ Nôm, Nguyễn Du có một số tác phẩm nổi tiếng như Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) cùng các sáng tác đậm chất dân gian khác.

Nội dung thơ văn của Nguyễn Du mang giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh cuộc đời cơ cực của chính bản thân và xã hội rối ren, bất công, bạo ngược lúc đương thời. Nếu đọc qua sẽ nhận ra tác phẩm Nguyễn Du đậm chất tinh thần nhân đạo, thể hiện sự đồng cảm, ngợi ca những con người dưới đáy xã hội nhất là những người phụ nữ có tài nhưng số phận hẩm hiu.

Trong các tác phẩm của ông yếu tố nghệ thuật được đánh giá rất cao, ông đã đưa hai thể thơ dân gian của nước ta đạt đến trình độ điêu luyện, chính Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lí sâu sắc, thấu đáo, đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, phong phú, biến hóa nhiều hơn. Nói không quá khi chính ông là người có công lớn khi giúp cho nền văn học nước nhà lên tầm cao mới.

Nhìn chung trong tác phẩm của ông mang giá trị tư tưởng nhân đạo sâu sắc thể hiện khát vọng công lý, tự do, cảm thương cho số phận người phụ nữ, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh, qua đó không quên tố cáo mặt trái của chế độ phong kiến thối nát.

Nguyễn Du là người tài giỏi đã đóng góp quan trọng sự phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên phóng khoáng, phong phú và đa dạng và biến hóa hơn. Nguyễn Du chắc chắn là người quan trọng góp phần phát triển nền văn hoa trung đại nước nhà.

-/-

Trên đây là những bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Du hay do Đọc Tài Liệu tổng hợp được, mong rằng sẽ giúp các em hiểu rõ về đại thi hào của dân tộc, hiểu được nội dung giá trị của cuộc sống mà Nguyễn Du muốn truyền tải cho thế hệ sau, từ đó viết được bài văn thuyết minh sâu sắc, ấn tượng.

Đừng quên tham khảo những bài văn mẫu lớp 9 khác để hiểu rõ hơn về các tác phẩm mà em sẽ học trong chương trình nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM