Tham khảo một số mẫu đoạn văn nêu cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây, gợi ý cách triển khai đoạn văn phát biểu cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Trần Hữu Thung.
Dàn ý đoạn văn nêu cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây
- Mở đoạn: Giới thiệu khái quát nội dung bài thơ Lời của cây và cảm xúc chung của em về bài thơ.
- Thân đoạn: Trình bày cụ thể những cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Lời của cây:
+ Cảm xúc về nội dung:
- Lời của cây ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây. Qua đó, thể hiện tình cảm, cảm xúc nâng niu, trân trọng mà nhân vật trình dành cho mầm cây.
- Bài thơ như một bức thông điệp gửi đến người đọc: Hãy yêu cây, trân trọng sự sống của cây, bởi cây làm nên một phần cuộc sống xinh đẹp, đáng yêu này
+ Cảm xúc về nghệ thuật:
- Thể thơ bốn chữ với lối viết giản dị, gần gũi
- Bài thơ ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây
- Kết đoạn: Khái quát cảm xúc chung về bài thơ.
Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đoạn văn nêu cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây sau đây để có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày cho bài làm của mình.
Top 4 đoạn văn mẫu hay nêu cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây
Cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây đoạn văn mẫu 1:
Trong các bài thơ mà em đã học, em rất yêu thích bài "Lời của cây" của Trần Hữu Thung. Tác giả đã tinh tế sử dụng thể thơ bốn chữ, ngắt nhịp 2/2 quen thuộc và vần chân dễ nhớ, dễ thuộc. Bài thơ được chia thành năm khổ, khổ đầu tiên là lời của nhân vật trữ tình khi nghe lời tâm sự của mầm cây, còn khổ cuối cùng là lời của mầm cây khi đã trưởng thành và nói lên lời hát của chính mình trong bản hòa ca của cuộc sống. Tác giả đã thể hiện tình cảm yêu thương, nâng niu và trân trọng với sự sống bằng cách giao cảm và gần gũi với thiên nhiên. Những câu thơ tha thiết yêu thương đã gợi lên trong em biết bao cảm xúc. Thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau, gần gũi và gắn bó. Biện pháp nhân hóa được sử dụng trong các câu thơ "Mầm đã thì thầm" và "Nghe mầm mở mắt", làm cho hoạt động và trạng thái của mầm cây càng trở nên sinh động. Lời mời gọi tự nhiên và thân thuộc "rằng các bạn ơi" và cách ngắt nhịp 1/3 trong khổ cuối bài thơ thể hiện mong muốn mãnh liệt và khao khát được mọi người thấu hiểu của loài cây. Dù nhỏ bé, mỗi loài cây, mỗi mầm sống đều mang trong mình một sứ mệnh, góp phần tạo nên sự sống và màu xanh của đất trời. Tác phẩm "Lời của cây" ngắn gọn nhưng đã truyền tải đến mỗi chúng ta một thông điệp sâu sắc: Hãy lắng nghe lời của thiên nhiên để yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ.
Cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây đoạn văn mẫu 2:
"Bài thơ 'Lời của cây' của Trần Hữu Thung có phong cách thơ mộc mạc, thấm nhuần chất dân gian. Bằng cách sử dụng thể thơ bốn chữ, lối viết giản dị, gần gũi, đặc biệt là phép tu từ nhân hóa, bài thơ đưa ra một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây. Từ khi hạt còn 'lặng thinh' nằm trên tay người cho đến khi hạt nảy mầm, nhú lên thành những 'giọt sữa' biết 'thì thầm', khi những tiếng nói đầu tiên cất lên cho đến lúc trưởng thành. Sự trưởng thành của cây tương tự như sự trưởng thành của con người. Điều đặc biệt là trong bài thơ, cây cối không chỉ vô tri, vô giác mà còn có tiếng nói. Nhà thơ lắng nghe và nghe thấy trong sự trưởng thành của cây những thanh âm của cuộc sống, như lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên. Để lắng nghe thiên nhiên và nói lên được 'lời của cây', người viết ắt hẳn phải có tâm hồn phong phú, nhạy cảm và giàu sức tưởng tượng mới có thể lắng nghe, cảm nhận và thể hiện tiếng nói của cây thành từ ngữ nghệ thuật một cách tinh tế như vậy. Bài thơ như một thông điệp: "Hãy yêu và trân trọng cây xanh bởi cây xanh góp phần tạo nên cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống."
Cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây đoạn văn mẫu 3:
Bài thơ "Lời của cây" của tác giả Trần Hữu Thung đã khiến em cảm thấy rung động sâu sắc. Qua cách diễn đạt thú vị và ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, tác giả đã tường thuật quá trình sinh trưởng và phát triển của cây từ khi còn là hạt đến khi trưởng thành, từ đó thể hiện tình cảm của mình với thế giới tự nhiên. Bài thơ gồm 6 khổ, mỗi khổ thơ tương ứng với một giai đoạn phát triển của cây. Khổ thơ đầu tiên miêu tả hạt giống rơi xuống đất, nằm im lìm trong lòng đất ấm. Khổ thơ thứ hai miêu tả quá trình nảy mầm của hạt giống, những giọt sữa đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Em có cảm giác như đang nghe những tiếng thì thầm của mầm non. Sau đó, mầm non trở nên to lớn hơn dưới sự quan tâm và chăm sóc của mẹ thiên nhiên cùng với ánh sáng mặt trời. Cây trưởng thành và tạo nên những lá cây xanh tươi, tiếng nói của cây được hòa vào mẹ thiên nhiên và hiểu rõ vai trò của mình trong việc tạo nên cho cuộc đời màu xanh tươi đầy sức sống. Tác giả đã sử dụng các phép nhân hóa tinh tế như "hạt nằm im lìm", "mầm mở mắt",... kết hợp với các động từ "nghe", "ghé tai",... để góp phần làm sinh động hình ảnh của thiên nhiên, thể hiện cảm xúc yêu mến của tác giả với những mầm cây. Với những vần thơ trong sáng, hồn nhiên, hình ảnh thân quen, tôi đã trải qua nhiều cảm xúc khó tả. Ngay cả khi gấp sách lại, tôi vẫn còn cảm nhận được những vần thơ của "Lời của cây" vang vọng trong tâm trí mình. Tôi nhận ra rằng mình cần phải biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn những mầm cây xanh sự sống trong cuộc sống.
Cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây đoạn văn mẫu 4:
Mỗi độc giả đều như được hòa mình vào câu chuyện về quá trình trưởng thành của cây sau khi đọc bài thơ "Lời của cây" của nhà thơ Trần Hữu Thung. Thường khi nói về quá trình phát triển của cây, ta nghĩ ngay đến những thuật ngữ khoa học khô khan. Nhưng với "Lời của cây", mỗi người đọc lại được trải nghiệm những từ ngữ đầy cảm xúc và đậm chất nhận thức trong văn bản. Khổ thơ đầu tiên chính là khởi đầu của cây khi nó chỉ là một hạt mầm nằm trong tay nhân vật trữ tình. Hạt mầm lúc này còn đang nằm lặng thinh, nhưng qua những khổ thơ sau đó, hạt đã "nhú" mầm, có tiếng nói và trở thành cây với những "giọt sữa". Trong khổ thơ thứ hai, mầm đã nói lên tiếng nói đầu tiên của sự sống, qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa "Mầm đã thì thầm". Tiếp theo đó, khi hạt phát triển, chiếc vỏ hạt trở thành chiếc nôi ôm ấp mầm cây như một em bé được chăm sóc. Trong khổ thơ thứ tư, mầm cây đã lớn thêm và tiếng "bập bẹ" được đặt trong phép nhân hóa, gợi nhớ đến giai đoạn tập nói. Kết thúc bài thơ là hình ảnh một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây, gợi nên sự sống bất diệt. Sự thú vị của bài thơ không chỉ ở lời thơ và hình ảnh mà còn ở thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc thông qua bài thơ rằng: Hãy yêu cây xanh, bảo vệ cây xanh bởi cây xanh tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống cho con người.
-/-
Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu đoạn văn nêu cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây - Văn mẫu lớp 7 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn cảm nhận hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !