Trang chủ

Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người

Xuất bản: 27/03/2024 - Tác giả:

Nghị luận bàn về ý kiến Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người (Nguyễn Minh Châu) có kèm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu tham khảo

Đề tài nghị luận Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người là một trong những đề tài nghị luận văn học khá thú vị và ý nghĩa, thường bắt gặp trong các bài thi học sinh giỏi và nâng cao. Nhằm giúp các em có định hướng tốt hơn trong quá trình tìm hiểu và thực hiện đề tài này, Đọc Tài Liệu xin gửi đến các em mẫu dàn ý chi tiết và bài văn mẫu hay nhất nghị luận về ý kiến của Nguyễn Minh Châu.

Đề bài: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu - Phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ). Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên?

Nghị luận Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người

Dàn ý chi tiết Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm

Ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”.

1. Giải thích ý kiến:

- Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đời sống như hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm khám phá của nghệ thuật chính là con người. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử.

– Tác phẩm văn học lấy con người làm đối tượng phản ánh thay cho hiện thực đời sống. Mặc dù không phủ nhận văn chương gắn với cái chung, với cộng đồng nhưng ý kiến trên còn muốn thể hiện một quan niệm văn chương trước hết phải là câu chuyện của con người, với muôn mặt phức tạp phong phú với tất cả chiều sâu của nó.

- Nhà văn có tình yêu thương tha thiết với con người, mang một mối quan hoài thường trực về số phận và những nỗi đau khổ của con người ở xung quanh  mình. Nhà văn muốn dùng ngòi bút của mình tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đồng thời luôn đặt niềm tin vào con người, ở khả năng thức tỉnh và hướng thiện của mỗi người. Tư tưởng nhân bản là cơ sở vững chắc của mọi tìm tòi, khám phá sáng tạo của nhà văn.

- Chính vì lấy con người làm tâm điểm khám phá, nên yêu cầu nhà văn phải là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Đây là một trong những tư chất cần có, một phẩm chất cao đẹp của người nghệ sĩ.

- Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thiên chức của văn chương chính là tấm gương phản ánh trung thành hiện thực cuộc sống khách quan qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Dù được sáng tác bằng bất cứ thể loại nào và trong bất cứ thời đại nào, ngòi bút của các nhà văn luôn hướng đến cuộc sống với tất cả những nỗi niềm, dù là vui tươi yêu đời hay đau khổ đến phẫn uất của con người. Đây cũng chính là mảnh đất cội nguồn màu mỡ đã được các nhà văn đào sâu và khai phá tự muôn thuở của văn chương.

- Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

2. Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa chứng minh ý kiến trên

a. Số phận và vẻ đẹp con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn thời hậu chiến là một khám phá mới của Nguyễn Minh Châu sau 1975:

- Số phận éo le, đau thương và đầy nghịch cảnh của người đàn bà hàng chài.

- Vẻ đẹp tâm hồn: tình mẫu tử cao đẹp; lòng nhân hậu, vị tha, đức hi sinh… của người phụ nữ .

b.Tư tưởng của Nguyễn Minh Châu qua sự khám phá đó:

- Cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ; đau đớn trước tình trạng bạo hành gia đình, trước những bi kịch của con người trong cuộc sống thời bình.

- Nỗi khắc khoải, băn khoăn, trăn trở, suy tư sâu lắng của nhà văn về những vấn đề của đời sống nhân sinh, của nghệ thuật:

+ Đời sống vốn phức tạp, đầy bí ẩn, chứa đựng vô vàn những nghịch lý nên liệu có thể nhìn cuộc đời bằng cái nhìn giản đơn, dễ dãi, xuôi chiều?

+ Chiến tranh đã qua đi nhưng cuộc đời của những con người lao động nghèo khổ sẽ như thế nào, liệu có tươi sáng hơn? Tương lai của những đứa trẻ như thằng Phác sẽ ra sao? Phải chăng cuộc chiến chống đói nghèo, tăm tối còn gian nan, quyết liệt hơn cả cuộc đấu tranh chống ngoại xâm? Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, sao cho con người ngày một tốt hơn; đã đến lúc văn học phải viết về con người, trước sau con người cũng leo lên trên sự kiện để đòi quyền sống?

+ Người nghệ sĩ cần ứng xử như thế nào về mối quan hệ giữa hiện thực đời sống và văn chương nghệ thuật? Nghệ thuật tiếp cận hiện thực ra sao để không bỏ quên số phận con người? Phải chăng tác phẩm là một lời nhắc nhở hay là một niềm tin sâu xa của Nguyễn Minh Châu về sứ mệnh cao quý của người cầm bút?

Tham khảo thêm:

Bài văn nghị luận mẫu Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người

Mẫu 1

Giây phút cậu bé Anđécxen chào đời giữa thung lũng Ô-đen-zơ thuộc đảo Finn, nơi có những hẻm núi sương giăng mờ ảo và những vòm hoa thạch thảo tím nên thơ…, chưa một ai có thể khẳng định rằng: Cậu bé ấy là một thiên tài cổ tích. Nếu không trải qua quãng đời thơ ấu trong nhà gỗ của ông thợ giày nghèo, nếu không lắng nghe âm thanh cuộc sống từ chiếc cối xay gió vù vù, từ giếng nước đóng rêu xanh ngắt, nếu không lăn lộn vào đời để rồi có lúc chua xót tự ví mình “như một con chó chết trôi bị lũ trẻ ném đá cho thỏa lòng vui thích”…, An-đéc-xen sẽ vĩnh viễn là một kẻ vô danh nào đó chứ không phải là bậc thần tiên tung hoành trên những trang cổ tích làm say mê triệu triệu trái tim nhân loại.

Bao giờ cũng thế, văn học - cuộc sống - con người là những yếu tố không thể tách rời nhau để tồn tại riêng biệt. Dường như có một sợi dây vô hình buộc chặt văn học và cuộc sống, tạo nên mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu sắc như lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”.

Ta biết một Nguyễn Minh Châu qua ngòi bút văn chương sắc sảo luôn khơi dậy trong lòng độc giả nhiều lớp sóng suy tư, băn khoăn, day dứt về cuộc đời, về những người xung quanh, về chính bản thân mình. Một nhà văn đầy bản lĩnh và kinh nghiệm như thế tất nhiên sẽ có một nhận thức sâu sắc đầy đủ về mối quan hệ giữa đời sống với văn chương. Ở câu nói của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp một hình ảnh so sánh độc đáo: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm - mà tâm điểm là con người”. Quả là một hình ảnh ví von thú vị, cô đọng mà chứa đựng ý tưởng rất sâu! Hai vòng tròn văn học và đời sống không tách rời nhau mà chúng cùng xuất phát từ một tâm điểm, nghĩa là hình ảnh, bóng dáng của triệu triệu sự vật, hiện tượng trong cuộc đời và trên những trang văn học là một. Như một quy luật của tạo hóa, văn học và đời sống luôn luôn tồn tại trong mối tương quan hòa quyện vào nhau, hỗ trợ cho nhau để cùng “sống“ mãi. Là một nhà văn hay một thi sĩ, bao giờ anh cũng phải đắm mình vào cuộc sống, lắng nghe hơi thở và nhịp đập của đời sống biến đổi từng giây để chắt lọc những gì tinh túy nhất đem vào trang viết của mình. Tách khỏi cuộc sống, tác phẩm của anh sẽ như cây non không có rễ, cây sẽ hút nước ở đâu, hút nhựa sống nơi nào để đơm hoa kết trái? Nhà thơ Chế Lan Viên từng thấm thía sâu sắc về mối quan hệ giữa đời và thơ:

Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi

Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.

Chữ của đời, những dòng chữ mượt mà êm tay hay những lớp sóng ngôn từ xô đẩy, những dòng chữ gợi lên trong lòng người đọc nỗi xót xa hay làm bật lên tiếng khóc nức nở, nụ cười mỉa mai, nỗi đau quặn thắt... Tất cả đều là những “chữ của đời”, là chất liệu của cuộc sống muôn hình muôn vẻ mà nhà thơ, nhà văn đang tồn tại trong lòng của nó. Văn học và đời sống là hai vòng tròn nhỏ hơn, nằm gọn trong lòng cuộc sống và cuộc sống là vòng tròn lớn hơn nhận ánh phản chiếu lại bóng hình cuộc sống và hơn thế nữa, văn học còn là sự nghiền ngẫm chiêm nghiệm về cuộc sống. Chính vì thế có nhà văn đã nói rằng: “Chức năng của văn học là tiếng chuông thức tỉnh lương tri”. Xuất phát từ cuộc sống, văn học được những bàn tay nghệ sĩ tôi luyện nhào nặn để từ những “hạt bụi quý” rơi vãi giữa đời sống mênh mông, văn học xuất hiện dưới hình hài của một “bông hồng vàng” (Pau-xtôp-xki), trở lại với đời, dâng tặng cho đời những gì lấp lánh cao quý nhất. Hai vòng tròn kỳ diệu ấy bắt nguồn từ đâu? Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, tâm điểm của chúng chính là con người. Từ thuở quả đất còn là những cánh đồng nguyên sinh bạt ngàn với những đại dương trùng trùng sóng vỗ cho đến quả đất với những chiếc phi thuyền có thể vút lên mặt trăng, sao hỏa của thế kỷ XX… con người không ngừng làm thay đổi thiên nhiên và nâng cao cuộc sống của mình lên một tầm vóc ngày càng cao hơn.

Con người quả thật là tâm điểm của đời sống. Văn học là chiếc gương phản ánh và chiêm nghiệm về đời sống nên văn học cũng lấy con người làm tâm điểm trên những trang thơ, trên những dòng truyện ngắn hay trang tiểu thuyết đồ sộ. Theo nhà nghiên cứu lịch sử nhân loại từng biết đến hai hình thức sám hối chủ yếu là tôn giáo và nghệ thuật. Nếu ở nhà thờ hay ngôi chùa, người ta sám hối với Chúa với Phật thì trong văn học, người ta sám hối với chính mình. Con người với bao tình cảm yêu thương, oán hận, căm hờn, xót xa, sợ hãi… với bao mối quan hệ rộng rãi, quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên hoa cỏ, người hình thức với người nội tâm chính mình… Một khi soi bóng vào tấm kính kỳ diệu của văn chương đều không khỏi ngỡ ngàng vì bắt gặp “cái tôi” trong ấy. Con người bao giờ cũng là đối tượng chủ yếu của văn học. Ngay cả những truyện ngụ ngôn mà khi đọc, ta chỉ thấy những con cáo, chùm nho, những con thỏ, con rùa, con sóc… đấy cũng chính là bóng dáng của con người đấy thôi! Con người còn “ẩn mình” trên những trang thơ dưới hình ảnh của cảm xúc, của nội tâm. Có thể nói bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng hướng về con người, viết về con người và cho con người suy ngẫm, dù đấy là truyện cổ tích của An-đéc-xen từ đất nước Đan Mạch xa xôi hay bài thơ trăng lung linh của Lý Bạch hay bài Bình Ngô đại cáo lộng gió chiến thắng của Nguyễn Trãi năm xưa.

Cuộc sống là một bức tranh với tầm vóc không gian và thời gian vô tận nên một nhà văn chỉ nắm bắt được một vài khía cạnh trong cái tầm vóc vô cùng ấy. Sự so sánh tiếp theo của Nguyễn Minh Châu cũng thật xác đáng: “Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Hầu hết mỗi nhà văn có phong cách riêng, có một chỗ đứng trong lòng người đọc trên trái đất này đều khai thác quặng chất liệu từ một mảng nhỏ của đời sống. Cá biệt có những đại văn hào mà ngòi bút bé nhỏ của họ có thể giãi bày cuộc sống với tầm vóc sâu rộng của nó trên trang viết. Đấy là Balzac với Tấn trò đời mà giá trị được sánh hơn tất cả tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế học, thống kê học đương thời cộng lại. Hay như nhà văn Lỗ Tấn của Trung Hoa với tác phẩm lừng danh A Q chính truyện. Lỗ Tấn đã bộc lộ nét tinh hoa thần bút độc đáo qua hình tượng A Q - nhân vật đã trở thành biểu tượng cho quốc dân tính Trung Hoa suốt một thời mà dân tộc này mắc chứng bệnh thắng lợi tinh thần, ảo tưởng cho mình là người chiến thắng ngay trong hoàn cảnh bi đát nhất. Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm đều tồn tại dưới những sắc thái riêng vì chúng chỉ là lát cắt từ hai vòng tròn đồng tâm khổng lồ của văn học và đời sống.

Đọc Nam Cao, ta lại hình dung đến không khí ngột ngạt của những năm 1930 - 1945 với những con người từng bước chông chênh trên con đường đi tìm nhân cách. Chí Phèo đắm mình trong một chuỗi cơn say triền miên để phút cuối cùng tự đốt cháy mình lên với những câu hỏi nhức nhối “Ai cho ta lương thiện?”, một anh Hộ luôn đề cao nguyên tắc tình thương nhưng lại khốn khổ vì cuộc sống chật hẹp với một vòng tròn cơm - gạo - áo - tiền khắc nghiệt. Mỗi tác phẩm văn học là một lát cắt của đời sống phản ánh một nội dung rất cụ thể, một số phận rất rõ nét buộc người đọc phải suy ngẫm, băn khoăn. Vô số những lát cắt của rất nhiều thời đại ấy cuối cùng đều hướng tới một mục tiêu tốt đẹp, dẫn dắt con người đi đến cõi hoàn thiện. Có vươn tới mục tiêu đó, tác phẩm văn học mới thật sự là tác phẩm chân chính và tồn tại vượt qua sức công phá mãnh liệt của thời gian.

Pau-xtôp-xki từng nói về những vần thơ An-đéc-xen với niềm cảm phục: “Anh đã nhặt những hạt giống thơ trên luống đất của người dân cày rồi gieo chúng trong những túp lều, làm chúng nở thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp an ủi trái tim của những người cùng khổ”. An-đéc-xen tự nhận mình là nhà văn của những người nghèo và suốt cuộc đời viết lách ông không một phút nào phản bội lại đối tượng mà ông phục vụ. Con đường dẫn dắt chúng ta đến với cõi hoàn thiện, quả thật là rất dài và rất xa. Trên con đường ấy, ta không chỉ hành trình bằng nhân cách, bản lĩnh của riêng mình mà đôi lúc dừng chân ngơi nghỉ, chúng ta nên soi lại mình qua những tác phẩm văn chương, bởi vì “Văn học là nhân học” (M.Gorki).

Soi lại mình, chiêm nghiệm lại mình trong tấm gương văn học, ta sẽ phân biệt hơn lẽ đúng - sai của cuộc đời và những bước chân sẽ vững chãi hơn, dù cho con đường bên dưới nhiều chông gai và mấp mô sỏi đá. Tác dụng của văn học chỉ là một lát cắt nhỏ những gì ta lĩnh hội được là vô tận bởi vì “lăng kính nhìn đời” - nhân sinh quan, thế giới quan - của mỗi con người mang một đặc điểm riêng. Có thể ta sẽ tìm thấy trong các tác phẩm văn học này những điều mà người khác không tìm thấy, bởi ta có một nhịp rung cảm riêng, một tần số cộng cảm riêng. Cuộc sống đi vào văn học lúc nào cũng qua hai lăng kính, một của tác giả và một của độc giả. Qua hai lăng kính ấy, cuộc sống sẽ gieo vào lòng con người vô số những cảm xúc suy tưởng và hành động khác nhau nhưng chức năng và sứ mệnh cao cả nhất của văn học bao giờ cũng là hướng ta đến “cõi hoàn thiện", giúp ta sống tốt hơn, có ích hơn đối với mọi người xung quanh, với cuộc sống và thời đại mà ta đang là một phần tử bé nhỏ trong ấy.

Lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Minh Châu đúc kết từ rất nhiều kinh nghiệm viết mà ông đã nếm trải, có lẽ đấy cũng chính là tâm niệm, là phương hướng và cách thức sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Đặc biệt, thưởng thức truyện ngắn “Bức tranh” của chính tác giả, ta bắt gặp một thứ ánh sáng lóng lánh diệu kỳ từ quan điểm ấy. Bức tranh là lát cắt về một câu chuyện xảy ra từ thời kháng chiến chống Mỹ. Một họa sĩ tài hoa được anh chiến sĩ đưa qua những chặng đường rừng để về Thủ đô triển lãm tranh. Trên đường đi, anh ngỏ ý nhờ ông họa sĩ vẽ chân dung để gửi về cho mẹ. Cảm kích ơn cứu mạng của anh chiến sĩ, ông đã vẽ sau lần từ chối lời đề nghị của anh. Bức tranh người chiến sĩ gian lao với chứng sốt rét giữa rừng bỗng nổi tiếng, đưa người họa sĩ lên đỉnh cao danh vọng và ông đã quên người mẫu cùng lời mình hứa. Trong khi ấy, người mẹ anh chiến sĩ nhớ con khóc đến lòa mắt và vĩnh viễn không còn trông thấy mặt con dù chỉ qua bức họa. Thật tình cờ, ông họa sĩ bước vào quán cắt tóc của anh chiến sĩ năm xưa. Giây phút tương ngộ với cố nhân kéo theo một chuỗi dằn vặt trong câm lặng của ông họa sĩ, ông sám hối với chính mình qua tấm gương cắt tóc nhỏ bé nghèo nàn ấy.

Truyện ngắn Bức tranh thật trần trụi. Nó không đưa tôi phiêu du cùng những khóm hồng bạch thơm ngát hay những đôi cánh thiên nga trắng muốt, những vị công nương lấp lánh vương miện vàng như trang cổ tích An-đéc-xen mà tôi yêu mến. Thế nhưng Bức tranh cứ như mối dây vô hình làm tôi dằn vặt, ái ngại, suy ngẫm nhiều điều nhiều lẽ về cuộc sống hôm nay. Tâm điểm của Bức tranh là con người, nổi bật là hình ảnh người họa sĩ. Người đọc không sao quên được giây phút thần hứng giữa khu rừng hoang vu trong không gian mờ ảo của một buổi tinh sương xa vắng… Giây phút ấy, người họa sĩ đã vẽ một kí họa truyền thần và truyền được cái thần lên trang vẽ. Cái thần ấy rất độc đáo vì nó phát tiết từ chân dung người chiến sĩ môi thâm, nước da tái nhợt nhạt vì chứng bệnh sốt rét. Có lẽ nét thần của bức tranh chứa đựng trong đôi mắt của một con người trung hậu, người luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, suốt mấy năm ròng chưa được về phép thăm mẹ, nhưng lòng luôn hướng về quê nhà, người sẵn sàng lội suối cứu ông họa sĩ và vác trên lưng những bức tranh ảnh giá vẽ suốt đoạn đường cheo leo hiểm nghèo… Bức tranh chân dung ấy lẽ ra đẹp đến nhường nào nếu nó được đưa đến tay một người đang mỏi mòn trông ngóng tin con, bà mẹ tội nghiệp của anh chiến sĩ. Thế nhưng “hạnh phúc chỉ là một tấm chăn quá hẹp, người này co người kia hở” (Nam Cao), sự đời không trôi xuôi như thế. Bức tranh được người ngắm nơi nơi nồng nhiệt đón nhận nó và đem hào quang cùng vòng nguyệt quế đội lên đầu ông họa sĩ tài năng, đồng thời đem bóng tối bao trùm lên đôi mắt người mẹ già tội nghiệp.

Có chút gì xót xa day dứt dấy lên trong tôi. Liệu trong cuộc đời, tôi có tránh được giây phút ích kỷ hòng đem đến vinh hoa và danh tiếng cho mình không? Nhân vật người họa sĩ khiến ta bắt gặp chút gì cái tôi trong ấy. Cuộc sống với những lớp sóng bon chen, vật vã đôi khi xô đẩy người ta vào vực xoáy của cái xấu bao giờ không hay. Quả thật, ông họa sĩ đã phạm tội mà không biết mình phạm tội, ông quá say sưa hài lòng trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, xung quanh là những lời tán tụng, ca ngợi của rất nhiều người... Nếu dừng lại ở đấy, Bức tranh mới chỉ là tờ biên bản phản ánh cái bất công và sự ích kỷ của con người. Nguyễn Minh Châu buộc ta phải suy nghĩ nhiều hơn. Gần giống như quy luật “Ác giả ác báo” trên những trang cổ tích, trái đất xoay tròn đưa người họa sĩ ngồi vào chiếc ghế ở hiệu cắt tóc mà anh chiến sĩ năm xưa làm chủ, nhìn vào chiếc gương sáng trên tường để thấy nét dửng dưng lạnh nhạt của cố nhân, chứng kiến nét u sầu trên gương mặt bà cụ mù lòa và quan trọng hơn cả, ông buộc phải nhìn lại chính mình.

Bức chân dung ông họa sĩ trong gương (mà sau này ông vẽ cách điệu lại riêng cho mình ngắm) là một bức truyền thần kì diệu thứ hai trong cuộc đời ông. Bức tranh ấy nửa phần che giấu với bọn xà phòng phủ trắng nửa mặt dưới, nửa phần phanh phui với với bộ óc như bị phơi ra, lại có phần dằn vặt day dứt khôn nguôi với đôi mắt mở to khắc khoải. Quán cắt tóc trở thành phiên tòa mà chánh án là lương tâm của người họa sĩ. Mọi lời xin lỗi ở đây đều hóa thành vô nghĩa. Ông đã hứng chịu một hình phạt cao nhất bởi sự phán xét của lương tâm. Không gì đau khổ hơn khi mình phát hiện và day dứt với tội lỗi của chính mình mà chưa dám mở lời thú nhận…"trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Bức tranh là một lát cắt đọng lại trong ta nhiều mối suy tư. Làm sao ta sống hạnh phúc mà không chà đạp hoặc tước đoạt hạnh phúc của người khác? Có phút nào ta sám hối chưa? Thông điệp mà Nguyễn Minh Châu gửi đến độc giả thật sâu sắc: Mỗi con người cần soi lại mình nhiều hơn nữa trong tấm gương lương tâm để thấy rõ cái tôi nó biến dạng đến mức nào.

Câu nói của Nguyễn Minh Châu ngắn gọn mà ý nghĩa rất hay, rất sâu rất đáng nghĩ. Văn học - cuộc sống mãi mãi không thể tách rời nhau và cả hai đều xuất phát, đều hướng về tâm điểm duy nhất: con người. Tôi chợt nhớ những vần thơ Tố Hữu.

Nhân dân là bể

Văn nghệ là thuyền

Thuyền xô sóng dậy

Sóng đẩy thuyền lên.

Văn học bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống - con người để có sức sống trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thế được, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, gột rửa bớt những xấu xa của cuộc đời phức tạp, góp phần “thanh lọc” tâm hồn và lương tâm con người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu nói của Nguyễn Minh Châu phải chăng còn là đồng vọng của triệu triệu ngòi bút chân chính trên quả đất xanh tươi tuyệt đẹp mà chúng ta đang sống?

(Bài làm của bạn Đinh Thụy Mỹ Quỳnh - THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM)

Mẫu 2:

“Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện.” Lời nhận định của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã ngầm trả lời cho câu hỏi “Giao điểm giữa văn học và hiện thực đời sống là ở đâu?” - đó chính là con người. Nhưng tại sao lại có thể khẳng định như vậy? Liệu có minh chứng nào cho kết luận ấy hay không?

Những độc giả yêu thích văn học kinh điển hẳn không còn xa lạ khi nhắc đến “Trăm năm cô đơn” của tác giả Gabriel Garcia Marquez. Nhưng có thể bạn chưa biết ngôi làng Macondo trong truyện là ngôi làng mà nhà văn tưởng tượng ra dựa trên chính những ký ức của ông về ngôi làng thời niên thiếu của mình. Điều này đã được ông khẳng định trong cuốn hồi ký “Sống để kể lại”. Cũng theo cuốn hồi ký này, rất nhiều sự kiện, nhân vật của “Trăm năm cô đơn” được tác giả lấy từ cuộc đời thật. Đại tá Aureliano Buendia điểm giống với ông ngoại của nhà văn - cùng là đại tá thuộc phái Tự do trong cuộc chiến tranh. Nhưng chính ông ngoại của tác giả đã giết một người trong một cuộc thách đấu, điều này trùng với nhân vật Jose Arcadio Buendia trong tiểu thuyết. Nhân vật Ursula Iguaran thì giống với bà ngoại của Marquez, người cuối đời cũng bị mù. Nhóm bạn của Aureliano Babilonia ở phần cuối truyện, mà trong đó cũng có một nhân vật mang họ Marquez, chính là nhóm bạn của tác giả khi ông bắt đầu tham gia báo chí.

Bên cạnh đó, những nhân vật trong cuốn sách “Giết con chim nhại” của nữ nhà văn Harper Lee cũng là hình mẫu được lấy từ thực tế. Cha của tác giả, Amasa Coleman Lee, là một luật sư giống như nhân vật Atticus Finch. Vào năm 1919, ông bảo vệ cho hai bị cáo người da đen bị nghi ngờ giết người. Hai người này sau đó bị buộc tội, bị treo cổ và bị bôi nhọ. Từ đó, ông không tham gia vào vụ án nào nữa. Nhân vật Dill trong truyện cũng được lấy hình ảnh từ người bạn thuở ấu thơ, Truman Capote, người mà sau này Lee đã đi cùng để điều tra vụ án mạng tại Kansas trong cuốn sách “Máu lạnh của ông”. “Giết con chim nhại” là bài học cuộc đời mà anh em Jean Louise và Jem đã học được từ chính cha và những người hàng xóm của mình. Cuốn sách đề cao lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự thức tỉnh lương tâm con người trong thời đại rối ren tại miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ.

Trở về với văn học Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng - một cây bút nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam sau Đổi Mới, chia sẻ rằng những nhân vật trong văn của ông được lấy cảm hứng từ chính những thành viên gia đình. Như trong tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn”, nhân vật Đông “có nguyên mẫu từ ông anh vợ”; còn Lý thì là “hình tượng tổng hòa của các bà chị dâu” của nhà văn. Hay như trong “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhân vật Bá Kiến hống hách, ác độc chính là một nhân vật có thật. Ngôi nhà của Bá Kiến ở làng Vũ Đại, cũng có thật và được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam - quê của tác giả).

Đó là lý do vì sao ta có thể khẳng định con người chính là điểm xuất phát của hành trình từ đời sống đến văn học. Không có hiện thực cuộc sống, sẽ không có hình mẫu nào để văn học soi rọi theo. Không có hiện thực cuộc sống, sẽ không có nhân vật nào để văn học khơi nguồn cảm hứng. Văn học lấy chất liệu từ thực tế để dệt nên thành con chữ, hóa thành những câu chuyện, mà con người chính là tâm điểm. Vì vậy, con người là gốc rễ, là căn nguyên của mọi sự việc diễn ra trong đời sống; đồng thời cũng là nơi xuất phát trong hành trình chinh phục văn học. Cầu nối giữa hiện thực và văn chương, không ai khác ngoài con người, và chỉ có thể là con người mà thôi.

Có một sự thật không thể chối cãi ở văn học, đó là khả năng xây dựng những nhân vật có tính điển hình. Cái tài của các nhà văn chính là nhìn ra những nét điển hình của con người trong xã hội, để bất kì người đọc nào cũng có thể thấy bóng dáng nhân vật đó trong các cá nhân xung quanh họ, kể cả đó có là những nhân vật lấy cảm hứng từ thực tế. Lấy ví dụ ngay trong “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng. Mặc dù các nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu đời thực, song lại mang những nét điển hình của một lớp người nhất định. Như Đông là con người thời chiến, có vẻ đẹp chất phác, giản dị của người chiến sĩ trận mạc, nhưng cũng có nhược điểm là suy nghĩ đơn giản, phó mặc, một hệ quả từ cơ chế bao cấp - chính là điển hình cho đa phần các ông chồng thời kỳ đầu những năm 80. Còn Lý, người phụ nữ đáo để, khéo việc nước, đảm việc nhà, nhưng dễ bị cuốn theo những giá trị vật chất, vì vật chất mà hất bỏ cả tình thân - lại chính là đại diện cho những người phụ nữ có xuất thân từ miền quê bước đầu đổi đời trên phố thị.

Hay khi nhắc đến văn học Trung Quốc, ta không thể không nói tới tính điển hình của nhân vật AQ trong “AQ chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn. AQ là một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. Là một cố nông, vậy mà AQ lại mang tư tưởng của giai cấp thống trị bởi lối sống với phương pháp thắng lợi tinh thần. Ðiều này đã tạo nên sự kỳ lạ trong tính cách của AQ. Song, có phải vì thế mà hình tượng nhân vật AQ thiếu nhất quán và xa rời thực tế không? Hoàn toàn không phải như vậy, trái lại AQ lại mang tính điển hình vô cùng chân thực. Phép thắng lợi tinh thần mà AQ sử dụng là một cách tự an ủi, huyễn hoặc bản thân để giúp bản thân phủi bỏ trách nhiệm sau mỗi thất bại và chối từ cố gắng. Nói cách khác, đó là trạng thái tâm lý của những kẻ thất bại nhưng không chịu thừa nhận, hơn thế còn tìm cách trốn tránh vào ảo giác thắng lợi tự mình tạo ra. Nhân vật AQ chính là điển hình cho lớp trẻ lười lao động, lười phấn đấu, không muốn sửa đổi và hoàn thiện mình mà chỉ luôn trốn tránh bằng phương pháp thắng lợi tinh thần.

Có thể nói, mỗi nhân vật trong các tác phẩm là một lần nhà văn đi “đãi vàng” trong bể cuộc đời, sao cho nhân vật vừa có nét điển hình tạo đồng cảm, vừa tự thân trở thành một cá tính riêng. Đó là lý do mà con người trở thành đích đến trong quá trình từ văn học trở về thực tại. Dù văn học có mang hình ảnh con người đi để khơi sâu, đào kỹ đến đâu, thì cũng vẫn sẽ phải mang trả con người lại với đời sống – nhưng dưới một hình tượng mang tính điển hình hơn. Cảm nhận được chiều sâu tâm hồn trong các tác phẩm văn học, là một lần cảm nhận được chính tâm hồn của người tạo ra họ: Những tâm hồn nghệ sĩ cao thượng, nhân văn, luôn nặng lòng với cuộc sống.

Một lần nữa, có thể khẳng định rằng tâm điểm khám phá của nghệ thuật và cuộc sống đều là con người. Con người là điểm xuất phát, là đối tượng khai thác chủ yếu, là đích đến của văn học; đồng thời là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi biến cố lịch sử. Nguyễn Siêu quan niệm: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” cũng bởi lý do đó. Con người sẽ là nút thắt để gắn liền văn học vào cuộc sống, để nghệ thuật không còn là thứ ảo ảnh xa rời thực tiễn mà luôn là tấm gương phản ánh cuộc sống một cách chân thực và xúc động.

Việc tác giả lấy con người ra làm tâm điểm để khám phá cuộc sống, cũng như lấy con người làm đề tài sáng tác văn học thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc và cốt cách cao đẹp, tư chất nhân văn cần có của một nghệ sĩ chân chính. Đây cũng là cách các tác phẩm văn học có thể trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thế được - đó là hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, gột rửa bớt những xấu xa của thói đời phức tạp, góp phần thanh lọc tâm hồn và lương tâm con người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Nguồn: Hocvanchihien.com)

Mẫu 3:

Bao giờ cũng thế, văn học - cuộc sống - con người là những yếu tố không thể tách rời nhau để tồn tại riêng biệt. Dường như có một sợi dây vô hình buộc chặt văn học và cuộc sống tạo nên mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu sắc như lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện".

Nguyễn Minh Châu được biết đến qua ngòi bút văn chương sắc sảo luôn khơi dậy trong lòng độc giả nhiều lớp sóng suy tư, băn khoăn, day dứt về cuộc đời, về những người xung quanh, về chính bản thân mình. Một nhà văn đầy bản lĩnh và kinh nghiệm như thế tất nhiên sẽ có một nhận thức sâu sắc đầy đủ về mối quan hệ giữa đời sống và văn chương. Ở câu nói của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp một hình ảnh so sánh độc đáo "văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm - mà tâm điểm là con người". Quả là một hình ảnh ví von thú vị, cô đọng mà chứa đựng ý tưởng sâu sắc. Hai vòng tròn "văn học" và "đời sống" không tách rời nhau mà chúng cùng xuất phát từ một tâm điểm, nghĩa là hình ảnh, bóng dáng của triệu triệu sự vật, hiện tượng trong cuộc đời và trên những trang văn là một.

Như một quy luật của tạo hóa, văn học và đời sống luôn luôn tồn tại trong một mối quan hệ hòa quyện vào nhau, hỗ trợ cho nhau để cùng sống mãi. Là một nhà văn hay một thi sĩ, bao giờ cũng phải đắm mình vào cuộc sống, lắng nghe hơi thở và nhịp đập của đời sống biến đổi từng giây để chắt lọc những gì tinh túy nhất đem vào trang viết của mình. Tách khỏi cuộc sống, tác phẩm sẽ như cây non không có rễ, cây sẽ hút nước ở đâu, hút nhựa sống ở nơi nào để đơm hoa kết trái? Nhà thơ Chế Lan Viên từng thấm thía sâu sắc về mối quan hệ giữa đời và thơ:

Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi

Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.

(Nghĩ về thơ)

Chữ của đời, những dòng chữ mượt mà êm tay hay những lớp sóng ngôn từ xô đẩy, những dòng chữ gợi lên trong lòng người đọc nỗi xót xa hay làm nổi bật lên tiếng khóc nức nở, nụ cười mỉa mai, nỗi đau quặn thắt.. Tất cả đều là những "chữ của đời", là chất liệu của cuộc sống muôn hình muôn vẻ mà nhà thơ, nhà văn đang tồn tại trong lòng của nó. "Văn học và đời sống" là hai vòng tròn nhỏ hơn, nằm gọn trong lòng cuộc sống và cuộc sống là vòng tròn lớn hơn nhận ánh phản chiếu lại bóng hính cuộc sống và hơn thế nữa, văn học còn là sự nghiền ngẫm chiêm nghiệm về cuộc sống. Chính vì thế mà có nhà văn đã nói rằng: "Chức năng của văn học là tiếng chuông thức tỉnh lương tri". Xuất phát từ cuộc sống, văn học được những bàn tay nghệ sĩ tôi luyện nhào nặn để từ những "hạt bụi quý" rơi vãi giữa đời sống mênh mông, văn học xuất hiện dưới hình hài của một "bông hồng vàng" (Pautôpxki), trở lại với đời, dâng tặng cho đời những gì lấp lánh cao quý nhất. Hai vòng tròn kì diệu ấy bắt nguồn từ đâu? Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, tâm điểm của chúng chính là "con người". Từ thuở quả đất còn là những cánh đồng nguyên sinh bạt ngàn với những đại dương trùng trùng sóng vỗ cho đến khi quả đất với những chiếc phi thuyền có thể vút lên mặt trăng, sao hỏa của thế kỉ XX.. con người không ngừng làm thay đổi thiên nhiên và nâng cao cuộc sống của mình lên một tầm vóc ngày càng cao hơn. Con người quả thật là tâm điểm của cuộc sống.

Văn học là chiếc gương phản ánh và chiêm nghiệm về đời sống nên văn học cũng lấy con người làm tâm điểm trên những trang thơ, trên những dòng truyện ngắn hay trang tiểu thuyết đồ sộ. Theo những nhà nghiên cứu lịch sử nhân loại từng biết đến hình thức sám hối chủ yếu là tôn giáo và nghệ thuật. Nếu ở nhà thờ hay ngôi chùa, người ta sám hối với Chúa, với Phật thì trong văn học, người ta sám hối với chính mình con người với bao tình cảm yêu thương, oán hận, căm hờn, xót xa, sợ hãi.. với bao mối quan hệ rộng rãi, quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên hoa cỏ, người hình thức với người nội tâm chính mình.. Một khi soi bóng vào tấm kính kì diệu của văn chương đều không khỏi ngỡ ngàng vì bắt gặp cái tôi trong ấy. Con người bao giờ cũng là đối tượng chủ yếu của văn học. Ngay cả những truyện ngụ ngôn mà khi đọc, ta chỉ thấy con cáo, chùm nho, những con thỏ, con rùa, con sóc.. đấy cũng là bóng dáng của con người đấy thôi! Con người còn "ẩn mình" trên những trang thơ dưới hình ảnh của cảm xúc, của nội tâm. Có thể nói bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng hướng về con người, viết về con người và cho con người suy ngẫm.

Cuộc sống là một bức tranh với tầm vóc không gian và thời gian vô tận nên một nhà văn chỉ nắm bắt được một vài khía cạnh trong cái tầm vóc vô cùng ấy. Sự so sánh tiếp theo của Nguyễn Minh Châu cũng thật xác đáng, khi ông nói "mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện". Hẫu hết mỗi nhà văn có phong cách riêng, có một chỗ đứng trong lòng người đọc trên trái đất này đều khai thác quặng chất liệu từ một mảng nhỏ của đời sống. Cá biệt có những đại văn hào mà ngòi bút bé nhỏ của họ có thể giãi bày cuộc sống với tầm vóc sâu rộng của nó trên trang viết. Đấy là Banzac với "Tấn trò đời" mà giá trị được sánh hơn tất cả các tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế học, thống kê học, đương thời cộng lại. Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm đều tồn tại dưới những sắc thái riêng vì chúng chỉ là "lát cắt từ hai vòng tròn đồng tâm" khổng lồ của văn học và đời sống. Đọc Nam Cao, ta lại hình dung đến không khí ngột ngạt của những năm 1930-1945 với những con người từng bước chông chênh trên con đường đi tìm nhân cách. Chí Phèo đắm mình trong một chuỗi những cơn say triền miên để phút cuối cùng của đời mình lại tự hỏi một cách cay đắng: "Ai cho tao lương thiện?"..

Mỗi tác phẩm đều là một lát cắt của đời sống phản ánh một nội dung rất cụ thể, một số phận rất rõ nét buộc người đọc phải suy ngẫm, băn khoăn. Vô số những lát cắt của rất nhiều thời đại ấy cuối cùng đều hướng tới một mục tiêu tốt đẹp, dẫn dắt con người đi đến cõi hoàn thiện. Có vươn tới mục tiêu đó, tác phẩm văn học mới thực sự là một tác phẩm chân chính và tồn tại vượt qua sức công phá mãnh liệt của thời gian. Pautôpxki từng nói về những vần thơ An-đéc-xen với niềm cảm phục: "Anh đã nhặt những hạt giống thơ trên luống đất của người dân cày rồi gieo chúng trong những túp lều, làm chúng nở thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp an ủi trái tim của những người cùng khổ". An-đéc-xen tự nhận mình là nhà văn của những người nghèo và suốt cuộc đời viết lách ống không một chút nào phản bội lại đối tượng mà ông phục vụ. Con đường dẫn dắt chúng ta đến với cõi hoàn thiện, quả thật là rất dài và rất xa. Trên con đường ấy, ta không chỉ hành trình bằng nhân cách, bản lĩnh của riêng mình mà đôi lúc dừng chân ngơi nghỉ, chúng ta nên soi lại mình qua những tác phẩm văn chương, bởi vì "văn học là nhân học" (M. Gorki). Soi lại mình, chiêm nghiệm lại mình trong tấm gương văn học, ta sẽ phân biệt được lẽ đúng - sai, tốt - xấu, chân - giả.. của cuộc đời và những bước chân sẽ vững chãi hơn, dù cho con đường bên dưới nhiều chông gai và mấp mô sỏi đá. Tác dụng của văn học chỉ là một lát cắt nhỏ những gì mà ta lĩnh hội được là vô tận bởi vì "lăng kính nhìn đời" - nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi con người mang một đặc điểm riêng biệt. Có thể ta sẽ tìm thấy trong các tác phẩm văn học này những điều mà người khác không tìm thấy, bởi từ đáy lòng ta có một nhịp rung cảm riêng, một tần số cộng cảm riêng.

Lời nhận định của Nguyễn Minh Châu ngắn gọn mà đầy ý nghĩa, rất sâu sắc, rất đáng nghĩ. Văn học - cuộc sống mãi mãi không thể tách rời nhau và cả hai đều xuất phát, bắt nguồn và hướng về một tâm điểm duy nhất: Con người. Ta chợt nhớ đến những vần thơ của Tố Hữu:

"Nhân dân là bể

Văn nghệ là thuyền

Thuyền xô sóng đẩy

Sóng đẩy thuyền lên."

(Thanh niên xa mẹ)

Văn học bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống - con người để có sức sống trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thể được, hướng con ngươi đến chân - thiện - mĩ, gột rửa những xấu xa của cuộc đời phức tạp, góp phần thanh lọc tâm hồn và lương tâm con người để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mở rộng: Tìm hiểu vài nét về Nguyễn Minh Châu và sự nghiệp văn học của ông

- Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) quê ở làng Văn Thái, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tên khai sinh là Nguyễn Thí.

- Là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của Đổi mới.

- Là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam 1954 - 1975.

- Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài ba thập kỷ (1960 - 1989), ông để lại 13 tập văn xuôi và một tiểu luận phê bình.

- Các tác phẩm chính của ông là Cửa sông (tiểu thuyết, 1966), Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972), Miền cháy (tiểu thuyết, 1977), Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977) Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983), Bến quê (truyện ngắn, 1985), Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987), Cỏ lau (truyện vừa, 1989)...

- Dành gần hai chục năm của cuộc đời để tìm tòi, khám phá và say sưa ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống và tâm hồn con người thời chiến tranh:

+ “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó.”

+ “Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọt ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.”

- Là người mở đường tinh anh và tài năng cho một giai đoạn chuyển giao văn học Việt Nam sau 1975.

- Luôn đau đáu về số phận con người và sứ mệnh của nghệ sĩ:

+ “…Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen…”

+ “Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống.”

+ “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đoạ đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.”

+ "Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.”

- Một số nhận định, đánh giá về Nguyễn Minh Châu:

+ “Trong truyện của anh, mọi cái đã vỡ ra tạo nên những khoảng trống, phải nghi ngờ, phải nghĩ”.  (Giáo sư Phong Lê)

+ “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này.” (Nguyễn Khải)

+ “Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.” (Tô Hoài)

+ "Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh (Nguyễn Minh Châu) đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng". (Nhà phê bình Nikolai Nikulin)

-/-

Nguyễn Minh Châu là một người viết không chỉ dựa vào bản năng thiên bẩm mà còn luôn quan sát và suy nghĩ về chính công việc của mình và đồng nghiệp, ở ông đã hình thành ý thức nghệ thuật khá nhất quán và ngày càng toàn diện, sâu sắc trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Như mọi nhà văn chân chính, mối quan tâm lớn trước hết ở Nguyễn Minh Châu là quan hệ giữa văn học với đời sống, với thời đại. Qua tham khảo dàn ý và bài văn mẫu nghị luận Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người trên đây, các em đã phần nào hiểu được con người ông cũng như tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong ông, từ đó có thể viết được một bài văn nghị luận hay cho riêng mình. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM