Nghị luận về ý kiến: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

Xuất bản: 17/09/2019 - Tác giả:

Tuyển chọn những mẫu bài nghị luận hay bàn về ý kiến: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn, chứng minh làm sáng tỏ nhận định qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu.

Nghị luận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn là một trong những đề văn hay thường gặp trong các kì thi học sinh giỏi môn Văn THPT. Nhằm giúp các em có định hướng cách làm cụ thể cho đề bài này, Đọc Tài Liệu đã tổng hợp những mẫu dàn ý và bài văn tham khảo hay nhất giúp các em làm quen với đề bài.

Đề bài: Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện, có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên?

Top 2 bài văn nghị luận hay nhất bàn về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

Mẫu 1: Nghị luận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

Dàn ý:

1. Giải thích ngắn gọn ý kiến:

- Ý kiến trên nói về vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Trong tác phẩm tự sự có rất nhiều chi tiết, và trong đó có những chi tiết được coi là chi tiết nghệ thuật.

- Những chi tiết nghệ thuật đôi khi là những chi tiết rất nhỏ, nhưng nó lại chưa đựng ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được tầm vóc tư tưởng, quan điểm, thể hiện được cả sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ

=> Chính vì vậy mới nói: chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

2. Phân tích ý nghĩa sâu sắc, cái hay, sự khéo léo của chi tiết "chiếc bóng" trong "Chuyện người con gái Nam Xương

" của Nguyễn Dữ

- Chi tiết chiếc bóng tô đậm thêm những nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò làm vợ, làm mẹ:

+ Yêu thương con, muốn bù đắp tình cảm cho con khi vắng cha,

+ Yêu thương, thủy chung với chồng, luôn mong ngóng và nhớ chồng da diết nên Vũ Nương phải mượn chiếc bóng của mình để khỏa lấp nõi lòng...

+ Khát khao gia đình, được sum họp, được hạnh phúc.

- Chiếc bóng là ẩn dụ cho số phận mong manh của người phụ nữ trong chế độ nam quyền. Chỉ là chiếc bóng vô hình nhưng cũng dẫn tới bi kịch, đẩy một người phụ nữ đức hạnh đến cái chết oan ức. Chiếc bóng Vũ Nương vô tình đem ra đùa với con, nhưng chính trò đùa ấy lại hại nàng, phải chăng  Nguyễn Dữ muốn gửi gắm một triết lí: ở đời làm sao học hết được chữ "ngờ"

- Chi tiết Chiếc bóng để lại một thông điệp sâu sắc: phải yêu thương, tin tưởng, tôn trọng nhau, đừng để cho những điều vô hình, mong manh (như chiếc bóng) giết chết tình yêu, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

=> Như vậy một chi tiết nhỏ này đã hàm chứa những tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Dữ, góp phần làm nên giá trị nhân đạo, tính nhân văn của tác phẩm.

- Chiếc bóng tạo sự bất ngờ, tính hấp dẫn của tình huống, sự chặt chẽ cho cốt truyện, tạo sự thắt nút, mở nút rất hợp lí. Chi tiết này được để xuống cuối phần thứ hai của truyện, sau khi Vũ Nương không còn nữa, chuyện đau xót nhất đã xảy ra và sai lầm không thể làm lại, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm thành bi kịch. Do đó tính tố cáo cũng sâu sắc, mạnh mẽ hơn => Điều này thể hiện tài năng của Nguyễn Dữ

=> Khái quát: Như vậy chi tiết này thể hiện rất rõ tư tưởng nhân đạo (thương xót, đồng cảm với những người phụ nữ bất hạnh, bênh vực người phụ nữ, phê phán tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng, ích kỉ của những người đàn ông trong xã hội phong kiến...), đồng thời cũng cho thấy tài năng của tác giả.

=> Tất cả những điều này đã chứng minh chi tiết chiếc bóng - một chi tiết nhỏ trong truyện nhưng đã làm nên tầm vóc một "nhà văn lớn" - Nguyễn Dữ.

- Ý nghĩa của chi tiết kỳ ảo

* Các chi tiết kỳ ảo trong câu chuyện:

- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.

- Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp; gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.

- Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.

* Cách đưa các chi tiết kỳ ảo:

- Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh, về thời điểm lịch sử, những chi tiết thực về trang phục của các mỹ nhân, về tình cảnh nhà Vũ Nương không người chăm sóc sau khi nàng mất… Cách thức này làm cho thế giới kỳ ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.

* Ý nghĩa của các chi tiết kỳ ảo:

- Cách kết thúc này làm nên đặc trưng của thể loại truyện truyền kỳ.

- Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

- Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.

- Thể hiện về ước mơ, về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta.

- Chi tiết kỳ ảo đồng thời cũng không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng bởi nàng và chồng con vẫn âm dương chia lìa đôi ngả, hạnh phúc đã vĩnh viễn rời xa. Tác giả đưa người đọc vào giấc chiêm bao rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh giấc mơ - giấc mơ về những người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thực cay đắng: nỗi oan của người phụ nữ không một đàn tràng nào giải nổi. Sự ân hận muộn màng của người chồng, đàn cầu siêu của tôn giáo đều không cứu vãn được người phụ nữ. Đây là giấc mơ mà cũng là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Bài văn mẫu:

Làm nên thành công của một tác phẩm tự sự cần phải kể đến nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến chi tiết nghệ thuật. Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất, quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm. Chi tiết vốn cụ thể, sống động vì thế khi tạo được một chi tiết độc đáo thì chi tiết đó sẽ có khả năng gợi mở, tạo nhiều ý nghĩa, nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc. Bởi thế mới có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật. Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù vì thế tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất ấy. Những nhà văn lớn thường có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chi tiết chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một chi tiết như thế.

Chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” gắn liền với cốt truyện và gắn liền với cuộc đời, số phận của nhân vật Vũ Nương, nó xuất hiện ba lần trong truyện.

Lần thứ nhất, cái bóng xuất hiện trong lời nói của bé Đản nói với Trương Sinh khi Trương Sinh vừa từ chiến trận trở về: “Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.”, “có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Ở chi tiết này, người đọc có thể thấy được lòng vị tha cao cả cũng Vũ Nương. "Chiếc bóng" tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự thuỷ chung, ước muốn đồng nhất "xa mặt nhưng không cách lòng" với người chồng nơi chiến trận; đó là tấm lòng người mẹ muốn khoả lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm người cha trong lòng đứa con thơ bé bỏng. Nàng muốn kéo xích gần hơn tình cảm cha con cho bé Đản. Nhưng cái bóng ấy lại chính là điểm thắt nút của câu chuyện. Cái bóng đó chẳng phải là bóng của chính nàng sao!

Giống như người con gái trong ca dao xưa:

Nhớ chàng như mảnh trăng đầy,

Đêm đêm vầng sáng, hao gầy đêm đêm.

Bóng ấy chính là bóng nàng hàng đêm thao thức, không ngủ vì mong nhớ, thậm chí thấp thỏm lo âu cho chồng nơi chiến trận. Cảnh ngộ của Vũ Nương khiến ta nhớ tới cảnh người vợ nhớ chồng trong “Lá thư thành phố” của Giang Nam:

Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ

Nó khóc làm em cũng khóc theo

Anh gởi về em manh áo cũ

Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều

Vũ Nương đã làm vơi đi nỗi nhớ, nỗi khát khao cha nơi bé Đản, nhưng lại càng khắc sâu thêm nỗi nhớ chồng của mình. Nếu như có ai đó hiểu được tâm trạng này của nàng, đặc biệt là Trương Sinh thì nàng đã được an ủi phần nào. Song, chiếc bóng trong lời nói của đứa con thơ dại lại chính là lời tố cáo sự không đoan chính của nàng. Nó gieo vào lòng Trương Sinh mối nghi ngờ về tiết hạnh của Vũ Nương, nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nàng sau này!

Trớ trêu thay, một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy vào vòng oan nghiệt; chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ, sự thuỷ chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ "thất tiết". Trương Sinh đinh ninh một mực cho là vợ hư, hết lời mắng nhiếc, mặc cho nàng biện bạch, hàng xóm khuyên can để minh oan, Trương Sinh cũng không nghe. Không chỉ vậy, Vũ Nương còn bị Trương Sinh đánh đuổi đi. Trương Sinh quá đa nghi, hồ đồ, Vũ Nương thì yếu đuối, không đủ sức chống chọi nên đã để sức mạnh của cái bóng gieo vào gia đình họ bi kịch đau đớn, chia lìa. Vũ Nương chịu không nổi, bị đẩy đến đường cùng, nàng đã tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự và phẩm giá. Và đến đây, cái bóng lại xuất hiện lần thứ hai. Nó làm nhiệm vụ cởi nút cho câu chuyện, giải oan cho Vũ Nương.

Trong một đêm khuya, Trương Sinh ngồi với bé Đản và bất ngờ được bé chỉ bóng chàng trên vách mà nói: Cha Đản lại đến kia kìa! Nghe con nói lúc này Trương Sinh mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ. Chẳng cần nói năng điều gì, cái bóng chỉ lặng lẽ xuất hiện đã hóa giải được nỗi oan khuất của Vũ Nương và khiến người đọc như vỡ òa trong tiếng khóc thương cho số phận của nhân vật chính. Hạnh phúc thật là mong manh, hư ảo. "Chiếc bóng" là một ẩn dụ – nó mong manh như số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Dù là người phụ nữ đức hạnh nhưng họ có thể bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lí nào mà bản thân không lường trước được. “Chiếc bóng” xuất hiện lần thứ hai đã nói lên một điều: người phụ nữ trong xá hội phong kiến là nạn nhân của bi kịch gia đình, bi kịch xã hội.

“Chiếc bóng” đã xuất hiện bất ngờ và hợp lí vì nó đã diễn tả được mối nhân duyên khập khiễng giữa Trương Sinh với Vũ Nương. Mối nhân duyên chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn (Vũ Nương kết duyên cùng Trương Sinh thất học, đa nghi, ghen tuông, độc đoán; còn Vũ Nương tính tình thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp) cộng với cảnh ngộ chia ly bởi chiến tranh chính là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát. Câu chuyện thắt nút và cởi nút bởi cái bóng. Cái bóng là cái không thực nhưng nó lại quyết định số phận con người. Nó lặng lẽ nhưng lại đem đến cho tác phẩm một chiều sâu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Chẳng những thế nó còn đem đến cho tác phẩm một sức hấp dẫn kì lạ.

"Chiếc bóng" xuất hiện ở cuối tác phẩm: "Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất". Chi tiết này thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ so với tích cũ (Vợ chàng Trương), tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và đem đến cho câu chuyện một kết thúc tưởng như có hậu nhưng lại càng tô đậm thêm bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nguyễn Dữ đã để Vũ Nương trở về, nhưng nàng chỉ trở về trong chốc lát, thấp thoáng, lúc ẩn, lúc hiện giữa dòng sông rồi biến mất. Đối với Vũ Nương, đàn giải oan chỉ là một chút an ủi với người bạc phận chứ không thể làm sống lại tình xưa; nỗi oan được giải, nhưng hạnh phúc thực sự đâu có thể tìm lại được. Tiếng nói của nàng từ giữa dòng sông vọng vào vừa xiết bao đau xót vừa như một lời kết tội đanh thép xã hội đương thời đã đày đoạ, đã tàn nhẫn cướp đi cả cuộc đời, cả hạnh phúc của một con người hoàn toàn có quyền được sống và hạnh phúc. Và như thế “chiếc bóng” còn mang ý nghĩa là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo.

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, “chiếc bóng” đã ba lần xuất hiện, nếu ta thử cắt bỏ đi sự xuất hiện của chi tiết này, một điều chắc chắn là cốt truyện không thể phát triển hoặc nếu phát triển thì sẽ theo hướng khác. Như vậy, chi tiết “chiếc bóng” là một chi tiết quan trọng, là một nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho câu chuyện đồng thời nó còn thể hiện tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo vô bờ của nhà văn Nguyễn Dữ. Vì thế, quả là không sai khi người ta nói: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

>>> Đọc thêm: 

Nghị luận về ý kiến: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

Mẫu 2: Nghị luận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn qua đoạn trích Chí Phèo

Dàn ý:

1. Giải thích

- “Chi tiết” là gì?

+ Ở đây không phải muốn nói đến những chi tiết thông thường cấu thành cốt truyện mà muốn nói đến những chi tiết nghệ thuật là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứ lớn về cảm xúc và tư tưởng (Từ điển thuật ngữ Văn học).

+ Vì sao “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”? (Vai trò của chi tiết đối với tác phẩm văn học và thể hiện tài năng của nhà văn).

- Chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tác phẩm. Chi tiết có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm.

- Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, với truyền thống văn hóa nghệ thuật nhất định.

=> Do đó, “chi tiết nhỏ” có khả năng tạo nên “nhà văn lớn”.

2. Phân tích và chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo

- HS chọn và phân tích những chi tiết đặc sắc thuộc tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Bám sát vai trò và ý nghĩa của chi tiết đối với tác phẩm văn học và nhà văn, đồng thời làm rõ ý nghĩa,vai trò của chi tiết với tác phẩm cụ thể.

+ Chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo ở đầu truyện

+ Chi tiết Chí Phèo tỉnh rượu sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở ở bờ sông

+ Chi tiết bát cháo hành của Thị Nở

+ Chi tiết Chí Phèo ôm mặt khóc rưng rức khi bị thị Nở từ chối…

- Trong quá trình phân tích cần đối sánh để làm nổi bật ý nghĩa của từng chi tiết đã chọn.

3. Bình luận, đánh giá

- Các chi tiết đều là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho tác phẩm và nhà văn, thể hiện khả năng khái quát hiện thực và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

- Quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn là quá trình lao động công phu, chắt lọc từng chi tiết nhỏ trong đời sống để tạo nên những chi tiết nghệ thuật sáng giá. Bởi vậy, nhận định trên hoàn toàn đúng đắn.

Bài văn mẫu:

Trong nền văn học viết Việt Nam, có những tác giả đã khẳng định vị trí của mình bằng sáng tác đồ sộ mang giá trị nhân văn lớn như đại thi hào Nguyễn Du với “Truyện Kiều” hoặc bằng cách phản ánh những sự kiện trong đại của đất nước như tác gia Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Số khác thì đánh dấu bằng tuyên ngôn nghệ thuật như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… Nhưng cũng có các tác giả đã để lại ấn tượng muôn đời trong lòng người đọc chỉ bằng một một chi tiết nhỏ trong toàn bộ tác phẩm… trong đó có Nam Cao. Và như Macxim Gorki đã khẳng định: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" là vậy.

Người ta cứ nghĩ để viết nên một tác phẩm vĩ đại thì phải đi tìm những thứ to tát từ nơi xa xôi, phải thoát ly hiện thực đau khổ để tìm đến điều mơ tưởng. Không phải vậy, nhà văn – người sáng tạo ra cái đẹp – có thể chỉ tìm được nghệ thuật cao quý từ những điều bình thường nhất, nhỏ bé nhất mà lại nói lên được điều vĩ đại. “Chi tiết nhỏ” là những sự việc, sự kiện bình thường trong một tác phẩm, dường như ban đầu đọc qua ta chỉ nghĩ nó có tác dụng phản ánh hiện thực khách quan mà khi đọc kĩ càng, ta lại phát hiện trong đó một giá trị tư tưởng lớn có ý nghĩa giáo dục và thẫm mĩ cao. “Chi tiết nhỏ” nhưng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc góp phần khẳng định lập trường và tài năng của “nhà văn lớn”.

Chí Phèo là một điển hình nghệ thuật về người nông dân từ lương thiện rơi vào tha hóa trở thành quỷ dữ rồi bị gạt ra khỏi xã hội loài người, cuối cùng quay quắt trở về với bi kịch của khát vọng "làm người lương thiện". Bi kịch bị ruồng bỏ, cô đơn trước đồng loại của Chí Phèo được Nam Cao thể hiện qua một chi tiết rất nhỏ, rất bình thường và tự nhiên ngay đoạn mở đầu nhưng càng đọc, càng suy ngẫm ta lại càng thấy từng tầng nghĩa sâu sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật của tác phẩm. Đó chính là tiếng chửi của Chí Phèo.

Trong cơn say, hắn ngật ngưỡng bước đi và hắn chửi. Ban đầu hắn chửi trời vì trời sinh ra hắn một con người không hoàn thiện. Rồi hắn "chửi đời" vì đời bạc bẽo đã cưu mang hắn rồi lại vứt bỏ hắn. Tức quá, hắn "chửi cả làng Vũ Đại" đã đẩy hắn vào bi kịch tha hóa thê thảm. Nỗi cô độc đã lên đến tột độ, hắn "chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn"! Đau đớn nhất, Chí Phèo chửi "đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn" làm hắn mang những bi kịch lớn của cuộc đời. Chí Phèo chửi nhưng lời của hắn lại rơi vào trong im lặng đáng sợ. Không một ai đáp lại lời của hắn. Hắn chửi nhưng chất chứa bên trong là niềm khao khát được giao tiếp, được đồng vọng dù chỉ được đáp lại bằng một tiếng chửi. Nhưng đau xót thay, cả làng Vũ Đại quay lưng với hắn để cuối cùng hắn chửi nhau với ba con chó dữ: "Một thằng say và ba con chó dữ mà làm ầm ĩ cả làng". Chí Phèo thật sự đã bị gạt bỏ khỏi xã hội loài người.

Tài hoa nghệ thuật Nam Cao được bộc lộ ngay trong đoạn mở đầu truyện ngắn. Nhà văn đã sử dụng rất thành công hình thái ngôn ngữ nửa trực tiếp để tạo nên hiện tượng đa thanh cho giọng điệu kể chuyện. Đoạn văn có lời kể khách quan xen lẫn lời nhận xét của tác giả, có cả lời nhủ thầm của dân làng: “Chắc nó trừ mình ra”. Như vậy, tuy dân làng Vũ Đại không xuất hiện nhưng ta vẫn thấy hình ảnh đám đông và thái độ của họ trước lời chửi Chí Phèo. Nổi bật lên tất cả là giọng Chí Phèo vừa có phần phẫn uất lại vừa cô đơn trước đồng loại: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! … Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không?” Đó là lời kể của tác giả hay chính suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đang cất lên tiếng nói.

Nhờ tính chất đa thanh của giọng điệu kể chuyện đã dẫn đến một tính chất đặc sắc khác cho đoạn văn: tính đa nghĩa. Tiếng chửi không chỉ là khao khát được giao tiếp mà còn là sản phẩm của một con người bị rơi vào bi kịch bị tha hóa, không được sống đúng bản chất của một con người. Bên ngoài là tiếng chửi của một kẻ say nhưng bên trong thì hắn rất tỉnh. Lời chửi rất mơ hồ, không động chạm ai, quả là một kẻ say bình thường đang chửi. Nhưng hắn rất tỉnh, rất sáng suốt, không gian trong tiếng chửi thu dẹp dần từ cao đến thấp, từ rộng đến hẹp, từ vô địa chỉ đến có địa chỉ. Từ số đông, hắn chửi một người: “hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”. Đẻ ra Chí Phèo “cả làng Vũ Đại cũng không ai biết” nhưng chúng ta, người đọc thì biết: Chính xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đã sinh ra hiện tượng “Chí Phèo”. Như vậy, hắn mượn rượu để chửi, để phản ứng với toàn bộ xã hội vô nhân đạo. Từng lời cay độc ấy thoát ra nghĩa là lòng hắn đang gào thét cuồng điên, hắn chửi để thỏa mãn lòng rực lửa đốt khi mà cả làng Vũ Đại không ai lắng nghe hắn. Họ thành kiến với hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo vừa mang tâm trạng bất mãn vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn. Tiếng chửi thật chất là một tiếng kêu cứu thảm thiết của con người đáng thương bị què quặt cả về thể xác lẫn tinh thần cố níu chiếc phao đời để mà tồn tại. Ta đã từng đau xót cho số phận nghèo khổ, tăm tối của chị Dậu, chị Dậu nghèo tới mức phải bán con, bán chó, bán sữa nhưng Ngô Tất Tố không để chị bán nhân phẩm của mình. Còn Chí Phèo, hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá rẻ bèo và cuối cùng bị ghẻ lạnh, cô đơn trong chính xã hội loài người. Trong đoạn văn, cứ sau một lời kể khách quan mang tính chất thông báo là một lời nhận xét của tác giả. Như vậy, bằng hiện tượng đa nghĩa của giọng điệu, ta không chỉ thấy thái độ, tình cảm của nhân vật mà còn cảm nhận được trái tim nhà văn đang lên tiếng. Đằng sau lời văn lạnh lùng gần như sắc lạnh ấy lại là một tấm lòng xót thương sâu sắc cho nhân vật và cả sự căm phẫn xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra hiện tượng Chí Phèo.

Tóm lại, đoạn văn được mở đầu bằng lời chửi của Chí Phèo không chỉ mang nét nghệ thuật dễ nhận thấy, nghệ thuật kết cấu, mà còn mang giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của ngòi bút thấm đẫm tinh thần Nam Cao. Càng đào sâu, càng nghiền ngẫm, người đọc sẽ tìm cho mình những suy nghĩ sâu sắc hơn về kiệt tác “Chí Phèo”.

“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết “tiếng chửi” của Chí Phèo đã góp phần làm nên thành công của nhà văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật: nghệ thuật chân chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường. Chỉ có nhà văn lớn có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.

-/-

Đọc Tài Liệu vừa gửi đến các em tham khảo hai mẫu dàn ý và bài văn nghị luận hay nhất bàn về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Hi vọng, bộ tài liệu sẽ rất hữu ích cho các em trong quá trình làm đề bài này cũng như nâng cao kĩ năng làm văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Chúc các em học tập tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM