Trang chủ

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống KNTT

Xuất bản: 05/09/2024 - Tác giả:

Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) trang 58 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Đề bài (trang 58 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Văn học nảy sinh từ cuộc sống, phản ánh nhiều mặt, nhiều vấn đề của cuộc sông. Em có thể chọn một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi được gợi ra từ một tác phẩm văn học mà em đã học (hoặc đã đọc) làm đề tài thảo luận. Tham gia thảo luận nhóm sẽ giúp em cải thiện kĩ năng nói trước đám đông và phát triển tư duy phản biện.

1. Trước khi nói

Trước khi thảo luận, em cần thực hiện tốt việc chuẩn bị theo các bước sau:

- Thành lập nhóm và lựa chọn vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc để thảo luận. Ví dụ: sức hủy hoại của chiến tranh, khát vọng hạnh phúc của con người được gợi ra từ tác phẩm Chinh phụ ngâm.

- Phân công người điều hành (chủ trì) và thư kí (có nhiệm vụ ghi lại nội dung cuộc thảo luận).

- Thống nhất nguyên tắc khi thảo luận: Các thành viên tham gia thảo luận cần tuân thủ sự điều hành của người chủ trì; khi phát biểu cần nói ngắn gọn, rõ ràng, không lặp lại các ý người khác đã trình bày mà cần có sự tiếp nối, phát triển những ý đó một cách hợp lý; người nghe cần lắng nghe với thái độ tôn trọng, không ngắt lời người nói.

- Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm văn học có liên quan đến vấn đề được lựa chọn để chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận. Có thể chuẩn bị tranh ảnh, đoạn phim ngắn,…để hỗ trợ cho phần trình bày.

2. Thảo luận

- Mở đầu: Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất ở phần chuẩn bị.

- Triển khai:

+ Theo sự chỉ định của người chủ trì, các thành viên trình bày ý kiến thảo luận với các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Chú ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp với nội dung rình bày; kết hợp hiệu quả ngôn ngữ nói với các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đoạn phim ngắn,…

+ Khi một thành viên phát biểu, các thành viên còn lại lắng nghe, ghi chép vắn tắt nội dung ý kiến; đặt câu hỏi, góp ý, phản biện.

+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.

- Kết thúc: Người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học, cảm ơn sự góp ý của các thành viên tham gia.

* Bài nói mẫu tham khảo:

- Người chủ trì: Chào tất cả các bạn. Mình tên là…. Học lớp….. trường….. Mình là người chủ trì của nhóm…. Hôm nay, nhóm của mình sẽ thảo luận về vấn đề bạo lực học đường. Như các bạn đã biết, Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường đang trở thành một thách thức đáng kể với xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe của học sinh mà còn đặt ra câu hỏi lớn với giáo dục nói chung. Để giải quyết hiện tượng xấu này, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc về nguyên nhân, hậu quả để từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp để xóa bỏ nó.

- Bạn thứ nhất: Theo mình, Bạo lực học đường có thể bao gồm nhiều hình thức như lăng mạ, đánh nhau, đe dọa, lan truyền thông tin xấu hay bất kì hành động nào gây tổn thương tâm lí và vật lí cho nạn nhân. Điều này có thể xảy ra trực tiếp trong các cơ sở giáo dục hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những hành vi bạo lực này khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập và không an toàn trong môi trường giáo dục.

- Bạn thứ hai: Theo tôi, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là tâm lí lứa tuổi học sinh muốn thể hiện bản thân nhưng lại lựa chọn con đường bạo lực để thể hiện sức mạnh, quyền uy của bản thân. Áp lực học tập, áp lực từ phía thầy cô, gia đình cũng có thể gây đến bạo lực học đường. Sự thờ ơ của nhà trường, việc phụ huynh chưa quan tâm, sát sao với con cái cũng dẫn đến những khiếm khuyết về tâm lí, tính cách, suy nghĩ sai lệch dẫn đến hành động cực đoan của các em.

- Bạn thứ ba: Khi bạo lực học đường diễn ra, các học sinh sẽ trở nên kém tập trung, lo âu, kết quả học tập giảm sút. Lâu dài, các em sẽ mất niềm tin vào giáo dục và có thể mắc các hội chứng trầm cảm, tự kỉ, sợ giao tiếp xã hội,... Vấn nạn này không chỉ tác động đến tâm lí, tinh thần của học sinh mà còn gây hậu quả lớn về mặt xã hội. Nó tạo ra môi trường học tập không an toàn, lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của học sinh.Để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhất quán và đồng bộ từ nhiều phía khác nhau. Trước hết, hệ thống giáo dục cần thiết lập các chương trình đào tạo và hoạch định giáo dục tâm lí, giúp học sinh xây dựng kĩ năng kìm chế cảm xúc và giải quyết xung đột. Gia đình và nhà trường cũng cần kết hợp chặt chẽ để giáo dục con em về những tác hại, hệ quả xấu của nạn bạo lực học đường. Các bạn học sinh là người trực tiếp tiếp xúc với bạo lực, cho dù có nghe, nhìn hay là nạn nhân của vấn nạn này, các bạn cũng phải dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra, các cấp quản lí và xã hội cũng cần tạo ra các cơ chế xử lí công bằng đối với các trường hợp bạo lực học đường.

- Các ý kiến khác: …

- Người chủ trì: Như vậy, sau khi nghe ý kiến từ các bạn, mình xin tổng hợp lại ý kiến của các bạn như sau: có …. Bạn đồng ý rằng bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của trường học mà còn là thách thức đối với toàn xã hội. Tất cả mọi người cần chung tay xây dựng một môi trường học tập an toàn, tích cực để giúp học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức và tâm lí. Từ đó, mầm mống bạo lực sẽ dần được loại bỏ, trường học sẽ thực sự là “ngôi nhà thứ hai” đầy hạnh phúc của học sinh. Cảm ơn tất cả các bạn đã hăng hái thảo luận về vấn đề của chúng ta ngày hôm nay!

3. Đánh giá

- Đánh giá ý nghĩa của vấn đề thảo luận, chất lượng các ý kiến phát biểu.

- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,…) và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM